Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

20160922. QUANH VỤ BA SÀM

 ĐIỂM BÁO MẠNG
TẢN MẠN ANH BA SÀM
NGƯỜI BUÔN GIÓ/ BVN 22-9-2016
Kết quả hình ảnh cho hinh anh ba sàm và minh thúy
Ngày mai toà án cộng sản VN sẽ dựng một phiên toà xảo trá để xét xử anh Ba Sàm tức Nguyễn Hữu Vinh.
Phiên toà phúc thẩm này diễn ra khi anh Ba Sàm đã đi hết nửa mức án mà toà sơ thẩm tuyên.
Trong những người làm thông tin của lề dân, không có ai vượt được qua Ba Sàm về tốc độ làm việc. Hàng núi thông tin khổng lồ được anh chia sẻ và đăng lại trên trang Ba Sàm kèm với những lời bình rất súc tích. Điều ấy chứng tỏ anh phải đọc rất kỹ từng bài viết, từng thông tin
Và cũng không có ai vượt qua được anh về tính khách quan, sự cân nhắc lựa chọn thông tin nào có lợi và bổ ích cho độc giả.
Ở Ba Sàm có sự tinh tế cảm nhận được nguồn thông tin bài viết, có sự bao quát rộng để nhìn thấy lợi ích của bài viết đến công cuộc khai mở dân trí. Đặc biệt những lời bình của anh trong mỗi bài viết như ánh sáng soi tỏ cho người đọc nắm được nội dung bài viết.
Tất cả những gì anh làm đều hướng đến mục đích chung là hướng cho người đọc đến những thông tin đa chiều. Việc mà chế dộ cộng sản Việt Nam đang bằng mọi thủ đoạn để làm ngược lại.
Ở một vị trí độc lập, anh Ba Sàm luôn giữ cho trang của mình được sự độc lập có chọn lựa. Không phải sự độc lập tào lao bất kể cái gì cũng đưa tuốt tuồn tuột lên để câu khách đọc. Hầu như lúc Ba Sàm quản trị trang web của mình, người đọc hiếm thấy những bài của nhà đấu tranh này phê phán nhà dân chủ kia.
Khó có người quản trị trang web nào có thể giữ được lòng mình một cách khách quan như vậy. Đa số những người làm tin, điểm tin nào, cũng có cảm tình với phe nhóm nào đó, vì thế trong đống hằng hà đa số tin tức đưa, họ chọn những tin có lợi cho nhóm của mình hoặc bất lợi cho nhóm khác mà họ không ưa.
Ba Sàm không có chuyện đó, anh là một người làm báo lớn, một nhân cách lớn và hướng đến một mục đích lớn. Cái khoảng trống mà anh để lại trong nền thông tin lề dân bây giờ vẫn là một khoảng trống mà chưa có trang tin, người làm tin nào có thể thay thế được. Thậm chí có thể còn là nhiều năm nữa cũng không có cá nhân nào, nhóm nào có thể thay thế được. Bởi không nhiều người hội tụ được những điểm ưu việt như anh.
Những năm trước khi Ba Sàm còn chưa bị bắt, lượng thông tin ngồn ngộn, phong phú, hấp dẫn của trang Ba Sàm khiến cho bất cứ người nào muốn tìm hiểu, đều sáng dậy mở trang Ba Sàm đầu tiên để theo dõi. Những tin nóng hổi đều được cập nhật ở đây, và có những tin rất quan trọng cho những người tìm hiểu về chuyên môn hay vụ việc nào đó. Tôi thích nhất ở Ba Sàm không phải là những tin nóng hổi, nhanh nhất... mà là những mẩu tin tưởng chừng như vun vặt, ví dụ ông này thăm chỗ kia, đơn vị này ký kết cái nọ, cuộc gặp mặt của hội đoàn của đảng ở đâu đó... đấy chính là những tư liệu bổ sung quý báu cho những bài viết của tôi.
Bây giờ thì mỗi lần viết, tôi phải tự lần mò đi tìm, đi tra mất rất nhiều thời gian hơn.
Trong ba ngày liên tiếp, những người yêu chuộng tự do trên đất nước Việt Nam phải chứng kiến hai sự việc rất đau lòng. Vào ngày 20 là phiên xử bất nhân của toà án cộng sản Việt Nam kết án người phụ nữ dũng cảm Cấn Thị Thêu. Chỉ trong một vụ việc đất đai ở Dương Nội chị Thêu đã phải hai lần ra toà, hai lần chịu án tù, lần trước với người chồng của chị. Chế độ cộng sản đã đi đến cùng của sự bất nhân, chưa có một vụ cướp đất nào mà xử người dân tù đến 2 lần liên tiếp như vậy. Dường như chế độ này đang điên cuồng như tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang thể hiện, chúng sẵn sàng chà đạp tất cả mọi sự phản kháng, ý kiến bất đồng để thể hiện sự độc quyền, độc tài. Chúng muốn nói không ai có thể làm gì chúng, và chúng không phải nhân nhượng, không phải e dè sự bất mãn, bức xúc của quần chúng nhân dân. Chỉ có quyết định của Đảng là vượt lên hết tất cả mọi giá trị pháp luật cũng như đạo lý.
Ngày 22 tới đây, đảng cộng sản VN lại muốn thể hiện sự tàn bạo để uy hiếp dân chúng qua phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thuý, bằng những chiêu trò vô đạo, chà đạp lên mọi thủ tục trình tự của pháp luật.
Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã trả lời luật sư Trần Vũ Hải trước ngày xử rằng ông đã ngồi tù 2,5 năm rồi chả có gì ngại phải chịu thêm 2,5 nữa. Hãy để cho các luật sư không bị sức ép khi cất lên tiếng nói của mình.
Như thế Nguyễn Hữu Vinh đã ý thức được cuộc chiến này, không phải sự thắng thua nằm ở chỗ bên công lý, yêu tự do bị đè bẹp. Mà hơn cả là sự thắng thua nằm ở ý chí không bao giờ bị đè bẹp.
Đảng csvn dưới sự lãnh đạo độc tôn của Nguyễn Phú Trọng, tập hợp được quyền lực vào tay mạnh hơn bao giờ hết, để triệt tiêu những tiếng nói đòi tự do ngôn luận, đòi quyền con người. Sẽ có nhiều cuộc biểu tình, phản kháng bị đàn áp dã man hơn những năm trước kia rất nhiều.
Nhưng đừng vì thế mà những người yêu tự do, công bằng sợ hãi mà chùn bước. Hơn lúc nào hết, ngày mai ở phiên toà xét xử Nguyễn Hữu Vinh phải cần có nhiều người ủng hộ anh có mặt. Dẫu bị đàn áp, bị phân tán, bị dẹp tan... nhưng đó là sự thắng lợi của bạo lực từ chế độ cộng sản, còn sự thắng lợi về ý chí yêu chuộng tự do, dân chủ, quyền con người thuộc về những người dân. Đấy chính là điều mà anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh đã thể hiện qua lời nhắn với luật sư Trần Vũ Hải.
N.B.G.
Nguồn: FB Thanh Hieu Bui. Bài viết thể hiện quan điểm và cách xưng hô riêng của tác giả.
10 ĐIỂM ĐÁNG LƯU Ý TRONG VỤ ÁN ANH BA SÀM
TRỊNH ANH TUẤN/ BVN 22-9-2016
1. Công an khống chế và tự tiện sử dụng máy tính cá nhân lúc bắt giữ
Ngày 5/5/2014, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy tại nhà riêng. Tuy nhiên lúc bắt giữ, điều tra viên Nguyễn Tuấn Hưng - A92 đã làm một việc sai nguyên tắc khi tự tiện dùng máy tính cá nhân của ông Vinh trong suốt 8 giờ đồng hồ. Việc này trái với quy định của pháp luật một cách khá ngớ ngẩn trong lúc khám xét, Công an đã có hành vi tác động vào những tài liệu, dữ liệu, hồ sơ có thể trở thành chứng cứ.
2. Thời gian tạm giam và thời gian phúc thẩm quá hạn
Ông Vinh và bà Thúy bị bắt vào 5/2014. Gần 2 năm sau khi bị bắt, ngày 23/3/2016, phiên xử sơ thẩm mới diễn ra. Theo thông báo của Tòa án nhân dân cấp cao, ngày 23/09/2016, phiên xử phúc thẩm mới diễn ra. Như vậy, thời gian tạm giam đã quá mọi quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự.
3. Trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại đến 5 lần, lần cuối cùng với lý do “xác minh đảng tịch”
Theo luật, Viện Kiểm sát và Tòa án chỉ được trả hồ sơ không quá 2 lần, tổng cộng là 4 lần. Tuy nhiên, Tòa án đã trả hồ sơ lần thứ 3 với lý do “xác minh đề đảng tịch”. Lý do này cũng trái với quy định về pháp luật khi “tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật “.
4. Cơ quan điều tra trả lời yêu cầu điều tra bổ sung của VKS là “do bị cáo không khai, nên không xác minh được”
Đây là một câu trả lời hết sức ngớ ngẩn của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, thể hiện sự thiếu trách nhiệm và thiếu nghiêm túc trong việc điều tra vụ án.
5. FPT và VDC đã bí mật theo dõi, sao chép và làm lộ thông tin của khách hàng
FPT và VDC đã gửi văn bản cung cấp thông tin cho công an về hai blog Chép sử Việt và Dân quyền như email đăng nhập, số điện thoại xác nhận hay việc đăng tải các bài viết lên blog. Đặc biệt, những thông tin này không phải do FPT quản lý mà thuộc về Công ty Automattic, chủ sở hữu của Wordpress. Như vậy, hai công ty cung cấp mạng này đã tự tiện theo dõi, cung cấp thông tin khách hàng cho Công an. Hơn nữa, những thông tin này do họ dùng các kĩ thuật theo dõi bí mật và không được phép.
6. Tòa xử theo điều 258 Bộ luật Hình sự mà không có bị hại nào xuất hiện
Theo nguyên tắc của pháp luật hình sự, Điều 258 phải cấu thành vi phạm về vật chất, tức là phải tồn tại một bị hại cụ thể nào đó. Tuy nhiên, trong cả quá trình điều tra cũng như xét xử, không thấy tồn tại một bị hại cụ thể nào.
7. Kiểm sát viên không tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm
Tại tòa, các luật sư đã rất nhiều lần yêu cầu kiểm sát viên tranh luận những luận điểm, luận cứ trong vụ án. Trái lại, kiểm sát viên gần như không tranh luận gì với luật sư và suốt phiên tranh tụng chỉ trả lời “giữ quan điểm”.
8. Ngăn chặn nhận chứng vào tòa dù đã gửi đơn
Trong 24 bài viết được sử dụng để kết tội ông Vinh và bà Thúy, có một bài viết của đại tá nhà văn Phạm Đình Trọng và một bài viết nhà báo Phạm Đoan Trang. Cả hai người đều đã gửi đơn lên tòa án đề nghị tham dự phiên tòa với tư cách nhân chứng. Họ đều không nhận được phản hồi từ tòa. Không những vậy, vào ngày xử sơ thẩm, nhà báo Phạm Đoan Trang còn bị câu lưu trái phép trong đồn công an cho đến khi phiên tòa kết thúc.
9. Tăng mức án đề nghị vì lý do nhân đạo
Nguyễn Thị Minh Thúy bị Viện kiểm sát đề nghị 24-30 tháng tù. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm xử 36 tháng tù giam. Trong bản án, tòa lại đưa ra các lý do nhân đạo của bà Thúy như “có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã ly hôn và hiện nay phải một mình nuôi hai con nhỏ; đây là tình tiết giảm nhẹ theo Khoản 2 điều 46 Bộ luật Hình sự”.  
Luật sư Trần Quốc Thuận đã hết sức bức xúc về việc này. Ông gọi hành động này là “trơ trẽn” và “vô nhân đạo”. Trong phiên phúc thẩm tới, ngoài bào chữa cho ông Vinh, Luật sư Thuận còn bào chữa cho bà Thúy.
10. Bản án sơ thẩm khi tòa đưa ra có những nội dung không có trong cáo trạng cũng như trong quá trình tranh tụng
Khi đọc bản án, hai bị cáo, các luật sư và nhiều người tham gia đã hết sức bất ngờ khi trong bản án xuất hiện những tình tiết, chứng cứ không có trong kết luận điều tra cũng như cáo trạng hay bất cứ luận cứ tranh tụng nào của luật sư. Luật quy định tòa chỉ xử theo những gì nêu trong cáo trạng. Tuy vậy, tòa lại tự động đưa vào bản án những chứng cứ, luận cứ chưa được xem xét tại phiên tòa là điều không đúng và rất bất thường.
T. A. T.
Tác giả gửi BVN.
GIỚI BLOGGER VN NÓI GÌ VỀ PHIÊN  TÒA PHÚC THẨM XỬ NGUYỄN HỮU VINH VÀ NGUYỄN THỊ MINH THÚY
HÀN GIANG/ BVB 22-9-2016
Blogger Đặng Phương Bích đưa nhận định về phiên xử phúc thẩm Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy vào ngày 22/9; "Từ trước đến nay, bất cứ án nào mang tính chính trị một chút, mang tính bất đồng chính kiến một chút là người ta nói đấy là án bỏ túi, mọi phân tích và bào chữa của luật sư họ đều cho nó vui thôi chứ đã ấn định rồi".
Ngày 22/9/2016, Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội (Lô D29 KĐT mới Cầu Giấy, Phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm về tội "Lợi dụng tự do dân chủ" theo Điều 258 Bộ luật hình sự đối với hai bị cáo là ông Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy. Cũng như phiên xử sơ thẩm cách đây mấy tháng, phiên xử phúc thẩm cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước và quốc tế. Liệu rằng, ông Vinh và bà Thúy có được thả ngay tại phiên xử này hay không?....
"Không có tội"
Cho đến trước khi bị bắt vào tháng 5/2014, ông Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự Nguyễn Thị Minh Thúy là những người cùng sinh hoạt ở trang mạng Ba sàm- Thông tấn xã vỉa hè, chuyên đăng tải những bài viết chủ yếu liên quan đến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế.... ở Việt Nam thu hút hàng triệu độc giả truy cập.
Sau 22 tháng giam giữ để phục vụ công tác điều tra, ngày 23/3/2016, ông Vinh và bà Thúy mới bị đưa ra hầu tòa tại phiên sơ thẩm với cáo buộc có hành vi đăng tải 24 bài báo sai phạm trên 2 trang Dân Quyền và Chép Sử Việt có nội dung bôi nhọ, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tại phiên xử sơ thẩm, Tòa án tuyên ông Vinh 5 năm tù giam và bà Thúy 3 năm tù giam. Ngay sau đó, cả ông Vinh lẫn bà Thúy cùng kháng cáo.
Việc ông Vinh và bà Thúy đăng tải các bài viết lên mạng Internet liệu có là tội thì đến nay chỉ vẫn còn đa chiều dư luận. Phía chính quyền Việt Nam thì khẳng định việc xét xử ông Vinh và bà Thúy là đúng người, đúng tội, đúng với pháp luật Việt Nam. Phía người dân đặc biệt là giới blogger ở Việt Nam có cùng quan điểm cổ vũ một nền tự do báo chí như ông Vinh và bà Thúy, phản biện xã hội là hình thức của dân chủ tiến bộ thì cho rằng ông Vinh và bà Thúy không có tội.
Một blogger khá nổi tiếng ở Việt Nam tên Tô Oanh chia sẻ với Việt Nam Thời Báo rằng, việc Tòa án Hà Nội xác định tội của ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cô Minh Thúy vậy là không được, không chính xác bởi những điều luật căn cứ rất mơ hồ. Blogger Tô oanh nói:
"Cho nên những việc làm của Vinh cũng như của cô Thúy và cá nhân bản thân tôi thỉnh thoảng có viết bài đăng trên mạng cũng chỉ là quyền tự do ngôn luận của mình. Thế nhưng họ (chính quyền) rất sợ phong trào dân chủ trong nước lên mạnh nên họ bắt bẽ, họ quy tội để cầm tù người ta chứ tôi nghĩ căn cứ những Điều luật chung chung như Điều 79, 88, 258 trong Bộ luật hình sự bắt tù như thế nào được. Tôi cho rằng Hiến pháp Việt Nam này có cũng như không. Buồn lắm. Nói thật như thế"
Thêm một blogger cũng khá nổi tiếng khác, bà Đặng Phương Bích hiện sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cho rằng việc ông Vinh và bà Thúy có tội hay không thì bản thân bà nghĩ là nó đã quá rõ ràng. Rất nhiều ý kiến của dư luận đều không đồng tình về việc Tòa kết tội ông Vinh và bà Thúy, dư luận cho rằng việc làm của hai người này là đang thực hiện quyền tự do ngôn luận nhưng việc chính quyền Việt Nam cho hai người đang lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng tự do ngôn luận để bắt giam. Một án bỏ túi là điều có thể thấy được qua việc xét xử ông Vinh và bà Thúy. Blogger Phương Bích nói về phiên xử: 
"Từ trước đến nay, bất cứ án nào mang tính chính trị một chút, mang tính bất đồng chính kiến một chút là người ta nói đấy là án bỏ túi, mọi phân tích và bào chữa của luật sư họ đều cho nó vui thôi chứ đã ấn định rồi."
Đã nói đến dân chủ thì bất cứ ai cũng có quyền được tự do bày tỏ chính kiến, bày tỏ tiếng nói yêu thương hoặc ghét nhưng ở Việt Nam, hầu hết những tiếng nói không thích hoặc những lời phản biện khó nghe mà có đụng chạm đến Đảng hoặc thành phần "Tứ trụ triều đình" là bị chính quyền khoanh vùng "nhạy cảm", có thể bị bắt bỏ tù bất cứ lúc nào. Vậy, sẽ hiểu như thế nào về Dân chủ dưới chế độ Việt Nam hiện tại.
Blogger Phương Bích nói tiếp:
"Dân chủ dưới chế độ này là dân chủ trong khuôn khổ, trong khuôn khổ những gì họ cho phép. Nhưng bản thân tôi, kể cả nói họ cho phép thì tôi dẫn chứng một điều thế này; đó là việc nói và việc họ làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, họ xử công khai nhưng họ cấm cửa tòa án thậm chí là người thân của bị cáo cũng không được vào tham dự xét xử, từ cái đó suy ra thì nói gì đến việc dân chủ trong xã hội này là cái gì? Họ nói dân chủ là theo ý của họ và trong khuôn khổ họ đặt ra nhưng mà bảo khuôn khổ nào thì họ cũng không nói cho mình nghe đâu."
Thực chất Việt Nam chưa có tự do dân chủ thì không thể nói ông Vinh, bà Thúy hay nhiều blogger cổ vũ nền dân chủ tiến bộ khác lợi dụng tự do dân chủ được, đó là khẳng định của blogger Tô Oanh. Ông nói:  
"Thực chất mà nói trong Hiến pháp Việt Nam có nhắc đến quyền này, quyền nọ quyền kia, tự do dân chủ kể cả quyền tôn giáo cũng vậy nhưng họ cứ viện cớ luật chưa có. Thực chất Việt Nam chưa có tự do dân chủ chứ họ nói lợi dụng tự do dân chủ là không đúng bởi vì có đâu, anh cấm đoán, chẳng cho người ta cái quyền công dân mà anh đã nêu trong Hiến pháp và ký vào những công ước quốc tế. Tôi nghĩ người Việt Nam chưa được thừa hưởng quyền tự do dân chủ đúng nghĩa."
Vẫn bị kết án tù chứ không thả
Dân biểu Martin Patzelt, Báo cáo viên về Tự do Báo chí, Tự do Ngôn luận và khu vực Đông Nam Á của Khối Dân biểu Liên đảng Dân chủ Cơ đốc (CDU) và Xã hội Cơ đốc (CSU) trong Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Cộng hòa Liên bang Đức, bày tỏ sự quan tâm đến phiên xử phúc thẩm đặc biệt đối với trường hợp ông Ba sàm Nguyễn Hữu Vinh đã ra một thông cáo báo chí đề ngày 13/9 có đoạn trích rằng:
"Tôi cho rằng ông Vinh bị kết án một cách bất công về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ“ chiếu theo điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam. Ngoài ra tôi cũng lo lắng khi thấy rằng từ sau phiên toà sơ thẩm, gia đình ông bị cấm gặp mặt ông và các luật sư bị giới hạn quyền đại diện cho ông. Với hy vọng rằng những hạn chế này sẽ được gỡ bỏ, tôi mong phiên xử phúc thẩm diễn ra ngày 22/09/2016 sẽ tuân thủ các nguyên tắc của một nhà nước có pháp quyền và sẽ là một phiên toà xét xử công bằng theo pháp luật Việt Nam, trong đó các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị phải được tôn trọng, và ông Vinh sẽ được trả tự do."
Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) có trụ sở tại New York trước đó đã phát đi thông cáo kêu gọi Việt Nam hủy bỏ cáo buộc với ông Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Nguyễn Thị Minh Thúy; “Chính phủ Việt Nam nên trả tự do và hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại hai blogger nổi tiếng,”
Vậy, trước sự quan tâm đặc biệt của quốc tế, liệu ông Vinh và bà Thúy tạm gọi là những người bị tù vì dính líu đến án chính trị liệu chính quyền Việt Nam có thả hai người ngay tại phiên xử ngày 22/9? Trả lời cho câu hỏi này, Blogger Phương Bích nói mình không tin điều này.
"Tôi không tin điều đó. Từ trước giờ họ không bao giờ chịu áp lực quốc tế mà chấp nhận thả người đâu, mà họ chỉ cho đó là một con bài để trao đổi trong một thương thảo nào đấy chứ còn tôi chưa thấy một áp lực nào của quốc tế đối với Chính phủ Việt Nam để họ thả tù nhân."
Còn với blogger To Oanh thì với chế độ công an trị thì khó mà có chuyện thả ông Vinh và bà Thúy ngay tại phiên xử này được. Ông nói:
"Theo tôi, một chế độ công an trị hình thành quá rõ ràng sau Đại hội Đảng vừa rồi thì không có chuyện thả ông Vinh và cô Thúy trong phiên xử lần này được. Cái mong muốn của tôi là họ không ngăn chặn và cho những người liên quan vào dự, ví dụ như chúng tôi muốn tìm hiểu phiên xử thì chúng tôi đến nhưng chúng ngăn chặn có cho vào đâu, ngay cả ông dân biểu Quốc hội Đức cũng không vào được và có lẽ lần này ổng cũng sang Việt Nam. Tôi chỉ mong muốn, họ cởi mở hơn, họ làm đúng với phiên tòa tự do để cho những người quan tâm như tôi được vào là tôi rất phấn khởi chứ còn chuyện thả hai người này là chuyện tôi không tin"
Blogger To Oanh còn dẫn chứng cho lời khẳng định của mình, bằng chứng là ngày Quốc khánh 2/9 vừa rồi, Chính quyền nhà nước Việt Nam có đặc xá một số lượng lớn tù nhân nhưng những tù nhân dính vào án chinh trị, tù nhân lương tâm thì không thả một ai cả.
(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét