Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

20160911. BÀN VỀ GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIỮ GÌN SỰ TRONG SÁNG CỦA TIẾNG VIỆT
THẢO ANH /ND 9-9-2016
Kết quả hình ảnh cho giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt
Có thể nói hiện nay, không chỉ trên mạng xã hội, trong giao tiếp của giới trẻ, trong sinh hoạt của một bộ phận xã hội, mà trên cả một số tờ báo, hiện tượng “tiếng ta đá tiếng tây” đang trở nên phổ biến. Dù bao biện thế nào thì hiện tượng này vẫn ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt - một trong các yếu tố cơ bản làm nên bản sắc văn hóa dân tộc…
Mới đây, trong một chương trình giải trí trên truyền hình, khi một thí sinh là người nước ngoài đã có bảy năm sống và làm việc tại Việt Nam, nói và hát bằng tiếng Việt rất tốt, song vẫn được một vị giám khảo “ưu ái” giao lưu bằng tiếng Anh. Điều phản cảm là giám khảo càng nói càng cho thấy khả năng tiếng Anh... dở tệ! Và suốt cuộc thi, giám khảo này luôn duy trì lối nói “tiếng ta đá tiếng tây”, làm người xem rất khó chịu.
Khi thí sinh người nước ngoài đến với cuộc thi muốn biểu diễn cho công chúng Việt Nam thưởng thức đã xác định cách ứng xử tinh tế, đúng đắn là: chọn tiếng Việt để thể hiện, vậy tại sao giám khảo phải chọn tiếng Anh mà không phải tiếng Việt để đối thoại? Rộng hơn, tại sao trong khi nhiều người nước ngoài đến Việt Nam làm việc, sinh sống đều có ý thức học nói và viết tiếng Việt đúng chuẩn mực, không pha tạp, thì nhiều người Việt lại tự làm méo mó ngôn ngữ dân tộc? Thiết nghĩ điều này không chứng minh đó là kết quả của quá trình hội nhập hay quốc tế hóa, mà chỉ làm cho ngôn ngữ và tiếng Việt bị pha tạp, lai căng, mất bản sắc.
Không chỉ chuộng nói tiếng nước ngoài, hoặc thi thoảng chêm vào ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày vài từ tiếng Anh, còn có hiện tượng sáng tác ca khúc “nửa tây nửa ta”. Nếu là ca khúc Việt có lời được dịch sang tiếng nước ngoài thì điều đó rất đáng khích lệ, giúp bài hát có thể đến được với đông đảo công chúng, nhất là khi được đăng trên mạng, giúp người nước ngoài biết nhiều hơn về Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là ca khúc có phần lời thi thoảng chêm một vài từ hoặc câu là tiếng nước ngoài khiến người nghe có cảm giác như ăn cơm gặp sạn.
Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, có khả năng biểu cảm cao, vậy sao nhạc sĩ không tận dụng ưu thế đó mà phải vay mượn từ nước ngoài chêm vào phần lời bài hát? Người Việt nghe thấy chướng đã đành, người nước ngoài càng khó hiểu hơn vì có khi nghe cả bài hát nhưng lại chỉ hiểu đúng một câu! Thí dụ bài hát “Nụ hôn bất ngờ” của một ca sĩ khá được giới trẻ mến mộ hiện nay, có đoạn: “Bóng trăng đã tàn rồi về khuya dường như muốn nói: “Ta về thôi”. Thế sao vẫn ngồi, anh nhẹ nhàng hôn lên mắt môi. Thật nồng say, một nụ hôn tựa như mây. Oh first kiss! You make me happy! You make me crazy! Rồi em mới hay thì ra có người thương nhớ thầm em bấy lâu”. Lời ca khúc theo lối tự sự trữ tình bỗng lại xuất hiện câu tiếng Anh (tạm dịch: Ôi nụ hôn đầu tiên, anh đã làm cho em hạnh phúc, anh khiến em muốn nổi loạn) khiến người nghe không khỏi ngạc nhiên. Với một nội dung đơn giản như vậy, chẳng lẽ người viết không thể thể hiện bằng tiếng Việt hay sao mà phải vay mượn từ tiếng Anh?
Hiện tượng này có thể nhận thấy trên trang facebook của một số ca sĩ, người mẫu, diễn viên,… với những dòng trạng thái nửa tây nửa ta: “Thanks mọi người đã đến ủng hộ”; “chiều nay 17h sẽ chính thức on air”; “Hôm nay mình quá happy vì fan quá crazy”, “Cùng team tham gia sự kiện tối qua, hôm nay tiếp tục shooting cả ngày”,...! Rõ ràng những câu trên hoàn toàn có thể diễn đạt bằng các từ thuần Việt, trong sáng, dễ hiểu, thí dụ: “cảm ơn” thay cho “thanks”; “lên sóng” thay cho “on air"; “đội” thay cho “team”; “chụp ảnh” thay cho “shooting”; “hạnh phúc” thay cho “happy”; "người hâm mộ” thay cho “fan”; “cuồng nhiệt” thay cho “crazy”... Lối viết này tác động tới người khác, nhất là giới trẻ, khiến họ cũng bắt chước “người của công chúng”, vì ngỡ rằng thế mới là thời thượng và sành điệu.
Đây là một trong các nguyên nhân làm cho xu hướng sử dụng ngôn từ nước ngoài thay thế ngôn từ tiếng Việt ngày càng tăng. Đến mức vừa qua, một người Việt ở nước ngoài đã phải gọi đây là “Thảm họa tiếng Anh “ba rọi” của người Việt” và cảnh báo nguy cơ làm cho tiếng Việt trở nên ngôn ngữ của sắc dân thiểu số. Nhiều dẫn chứng hài hước được tác giả này đưa ra buộc chúng ta phải suy nghĩ, như: “Dân chúng chỉ thích đi tour chứ không thích đi du lịch. Và chỉ thích gọi phone chứ không thích gọi điện thoại. Và chỉ thích coi ti-vi chứ không chịu coi truyền hình. Các chương trình giải trí/ca nhạc chết hết cả mà chỉ còn các show. Và Got Talent thì quá nhiều fan kể cả fan cuồng. Kẻ ủng hộ, người hâm mộ nay xuống âm phủ cả rồi... Tin hot và tin nóng không biết là tin gì. Đáng buồn hơn, sự lai tạp trong tiếng Việt lại xuất hiện nhiều trong lĩnh vực truyền thông. Đọc báo, nhất là báo và trang điện tử, không khó gặp các bài báo mà nhan đề tiếng Việt chen lẫn tiếng nước ngoài như: Top 5 ca sĩ gợi cảm của làng showbiz Việt; Ảnh cưới “chồng đồng nát - vợ hot girl”…; Vợ sắp cưới kém 20 tuổi xinh đẹp như hot girl…; Hoa hậu … và những scandal gây bão dư luận...
Kỳ lạ là trong khi tiếng Việt vẫn có những từ có khả năng phản ánh chính xác nội dung đề cập mà tại sao phải dùng từ nước ngoài? Để rồi showbiz (giới giải trí), top (đứng đầu), hot girl (cô gái nóng bỏng), shock (sửng sốt, choáng váng); scandal (vụ bê bối); stress (căng thẳng thần kinh); game show (chương trình giải trí); reality show (truyền hình thực tế)... xuất hiện nhan nhản trên báo chí. Coi thường tiếng Việt, vọng ngoại hay vốn từ tiếng Việt hạn chế,… chỉ tác giả mới có thể trả lời; tuy nhiên, trả lời thế nào vẫn cần quan tâm tới tính chuẩn mực trong ngôn ngữ báo chí, giúp công chúng hiểu chứ không phải đánh đố, càng không phải là nơi để thể hiện sự sành điệu.
Ngày nay, khi xu hướng hội nhập, quốc tế hóa ngày càng trở nên mạnh mẽ, mỗi người nên biết thêm một (vài) ngoại ngữ là cần thiết. Nếu trước kia học ngoại ngữ chỉ bắt đầu với học sinh phổ thông trung học thì nay phổ cập ngoại ngữ đã trở thành một chiến lược quan trọng của giáo dục quốc gia. Và việc dạy - học ngoại ngữ được áp dụng ngay từ bậc tiểu học. Thậm chí ở một số thành phố lớn, ngay từ bậc học mầm non, trẻ em đã được làm quen với ngoại ngữ. Biết một tiếng nước ngoài được ví như mở thêm một cánh cửa của văn hóa, nhưng sử dụng ngoại ngữ trong thực tế cũng cần tuân thủ những quy tắc nhất định, không thể tùy tiện.
Ngôn ngữ là một yếu tố làm nên bản sắc văn hóa dân tộc và nên nhớ, khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Cùng với thời gian, tiếng Việt ngày càng phong phú, có vị trí và vai trò quan trọng trong mọi mặt đời sống, là công cụ giao tiếp chính yếu, góp phần giao lưu và học hỏi, truyền tải tri thức, tác phẩm văn học… Vì thế, hiện tượng tiếng Việt bị biến tướng, lai căng đã và đang đặt ra một số vấn đề cần phải được xem xét nghiêm túc, cần chấn chỉnh, hướng dẫn đúng đắn, kịp thời.
50 năm trước, khi phát động phong trào “Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt”, đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết trên Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) số 4 năm 1966: “Tiếng Việt của chúng ta rất giàu. Tiếng Việt của chúng ta rất đẹp. Giàu bởi kinh nghiệm đấu tranh của nhân dân ta lâu đời và phong phú. Đẹp bởi tâm hồn của người Việt Nam ta rất đẹp. Hai nguồn của cái giàu, cái đẹp ấy là ở chỗ tiếng Việt là tiếng nói của nhân dân, đầy tình cảm, màu sắc và âm điệu, hồn nhiên, ngộ nghĩnh và đầy ý nghĩa; đồng thời nó là ngôn ngữ của văn học mà những nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du... và những nhà văn, nhà thơ ngày nay ở miền bắc và miền nam đã nâng lên đến trình độ rất cao về nghệ thuật”.
50 năm sau, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vẫn còn nguyên tính thời sự. Một trong các hoạt động thiết thực dự kiến diễn ra tháng 10-2016 là Hội thảo khoa học với chủ đề “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và một số cơ quan trung ương tổ chức. Mục đích của Hội thảo là nhằm khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt - ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất, trên các phương tiện thông tin đại chúng; góp phần định hướng cho việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc qua ngôn ngữ, nhất là với truyền thông hiện đại. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, nhưng cũng cần nhận thức không chỉ là công việc của một cơ quan, ban ngành nào mà là trách nhiệm của mọi người. Nhà văn hóa Đặng Thai Mai từng khẳng định: “Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc”, mỗi người trong chúng ta tâm niệm điều này để xác định trách nhiệm gìn giữ, phát triển tiếng Việt trong hiện tại và vì tương lai.
THẢO ANH
CẦN PHẢI BIẾT TIẾNG HÁN, TIẾNG VIỆT MỚI TRONG SÁNG?
NGUYỄN PHƯƠNG/ viet-studies 9-9-2016
Kết quả hình ảnh cho từ hán việt
Câu chuyện phát triển tiếng Hán ở Việt Nam chắc cần nhiều giấy mực, sự tham gia của xã hội, và không thể chỉ gói gọn trong một hai hội thảo hay ý kiến của một vài cá nhân. Bài viết này, vốn được viết từ 2013 khi Bộ GD cải chính[1] việc không phổ cập tiếng Hoa, chỉ điểm lại một cách vắn tắt một số điểm nôi bật qua các tranh luận gần đây.
Trước hêt, cần phải khẳng định ngay rằng nhiều người không biết tiếng Hán (tiếng Hoa) vẫn viết và nói tiếng Việt rất trong sáng.
Tôi không rõ tác giả câu thơ “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” có biết tiếng Hán không, nhưng câu thơ đó của anh rất Việt, rất trong và sáng! Ngôn từ trong câu lục bát đó đều thuần Việt, đâu chứa nhiều chất Hán văn. Nếu đọc Nam Cao, Nguyên Hồng, v.v… ta sẽ thấy các ông rất thuần Việt. Tiếng Việt và văn Việt đâu có “thụt lùi” khi viết bằng Quốc ngữ?
Phải công nhận rằng trong một số trường hợp, từ Hán Việt “đắt” hơn và súc tích hơn từ thuần Việt. Song, trong nhiều trường hợp khác, khi từ thuần Việt hoàn toàn có đủ khả năng chuyển tải thông điệp, thì tại sao cứ phải dùng từ Hán Việt hay trật tự từ của tiếng Hán: “trưng cầu dân ý” mà không phải “trưng cầu ý dân”, … khiến trật tự từ tiếng Việt bị lai căng. Tại sao cứ phải nói “yến sào” mà không phải là “tổ yến”, sao phải nói “mãi dâm” mà không nói “bán dâm”, ... “Quốc hoa”, “quốc yến” … nghe còn được, nhưng “quốc giỗ” thì cả là sự cắm râu ông nọ vào cằm bà kia rồi – đúng kiểu “Bà cụ tẩu như phi”. Một số người cố tình néo từ gốc Hán – phải chăng để khoe chữ (?).
Lỗi sử dụng từ Hán Việt thường do những nguời sính và lạm dụng chữ gốc Hán, trong khi không hiểu cặn kẽ ý nghĩa của từ. Lẫn lộn “yếu điểm” với “điểm yếu” là một ví dụ. Có trường hợp còn tai hại như “Tại điểm giao hợp của thời đại lịch sử”[2].
Vay mượn là hiện tượng bình thường giữa các ngôn ngữ. Một khi từ ngữ vay mượn trở thành tài nguyên của ngôn ngữ mới, chúng có thể thoát khỏi ràng buộc của ngôn ngữ gốc, có thể được sử dụng theo nét nghĩa mới, theo quy luật ngữ pháp, văn hóa của tiếng vay mượn. Ví dụ, có người bắt bẻ từ “hỗ trợ” trong câu “Chính phủ hỗ trợ họ,” là chưa đúng quy chiếu theo nghĩa gốc Hán. Song, “hỗ trợ” đã là từ tiếng Việt, mang nghĩa “giúp đỡ” một chiều và được cộng đồng người Việt chấp nhận. Người ta nói “thuyên chuyển” thay cho “thiên chuyển”. Được đa số người nói tiếng Việt chấp nhận – tức là nó đã được Việt hóa. Vả lại về nhạc tính, “thuyên chuyển” dễ nghe và dễ phát âm hơn trong tiếng Việt vì hiện tượng đồng hóa hay nhược hóa.
Đúng hơn phải nói rằng biết và sử dụng tốt ngoại ngữ, chứ không chỉ riêng tiếng Hán, sẽ làm tiếng Việt của người nói và viết THÊM trong sáng. 
Chữ Hán Nôm giúp hình thành và phát triển nhân cách tốt hơn?
Nhận định đó mang tính phiến diện, chủ quan và vội vã. Nghiên cứu khoa học không thể tiến hành trong phạm vi một trung tâm ngoại ngữ nào đó. Để kết luận khoa học có sức thuyết phục, không thể lấy hiện tượng đơn lẻ thay thế hay đại diện cho cho đa số. Hệt như lấy phát biểu của một vài người rồi bảo đó là “toàn dân”.
Nhân cách được hình thành và phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố rộng hơn rất nhiều – từ môi trường gia đình, xã hội đến cá tính mỗi đứa trẻ, ... Các nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học, đạo đức học đã khẳng định như vậy. “Nhân cách” hình thành và phát triển tốt không chỉ vì những học sinh này đươc học Hán nôm!
Vả lại, thế nào là nhân cách tốt để hình thành cũng cần được định nghĩa? Những gì một số người cho là tốt chưa hẳn đã là tốt.
Học sinh không hứng thú với việc học tiếng mẹ đẻ
Kết luận rằng học sinh không hứng thú với việc học tiếng mẹ đẻ là do “chưa nắm vững nghĩa của những yếu tố cấu thành từ Hán Việt” là ngộ nhận và khiên cưỡng.
Giao tiếp hàng ngày và văn bản bằng tiếng Việt trong các tình huống khác nhau, từ giảng đường, công sở hành chính đến đường phố, ... ngày càng vắng từ Hán Việt. Thay vào đó là từ thuần Việt hoặc được Việt hóa đến nhuần nhuyễn. Những “lệch chuẩn” với Hán Việt không làm giao tiếp bị đảo lộn, không làm văn bản pháp luật, khoa học, văn học … viết bằng Quốc ngữ bị hiểu sai.
Học sinh không hứng thú với ngữ văn và cả những môn xã hội khác không phải vì không được học tiếng Hán … mà vì những nguyên nhân sâu xa hơn thế nhiều: Các môn KHXH đã đánh mất vai trò của mình là môn khoa học, học sinh bị gò theo những khuôn mẫu cả về phương pháp cảm thụ, tư duy, … lẫn hình thức. Vấn nạn này đã được nói đến nhiều rồi.
Đọc tác phẩm bằng nguyên tác là lý tưởng. Song, để làm được việc đó đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, văn hóa, … của tiếng bản gôc rất cao. Không có bản dịch nào có thể chuyển tải được hoàn hảo những ý nghĩa là ‘máu thịt’ của của ngôn từ bản gốc. Chơi chữ, một thủ pháp sử dụng những thuộc tính chỉ thuộc về ngôn ngữ, văn hóa nhất định, là một ví dụ, do vậy nghĩa của nó hầu như không thể diễn đạt được ở ngôn ngữ khác. Thử hỏi bao nhiêu người học tiếng Hán có thể chẻ sợi tóc làm tư để hiểu cái phép ẩn dụ, hoán dụ khi phân tích nét ngang nét dọc của Hán tự; bao nhiêu người có thể thưởng thức được Shakespeare, Molière, Cervantes, v.v… bằng nguyên tác? Chắc vì không có khiếu, người viết bài này sau ba năm học tiếng Hoa chỉ còn nhớ được vài từ.
Những việc này nên để dành cho các nhà chuyên môn, chứ không thể cho tất cả mọi người.
Nhật, Nam Hàn, … phát triển nhờ có tiếng Hán?
Nói về sự tiến bộ của Nhật, Nam Hàn, … thì cần phải nhớ rằng Nhật vươn lên thành cường quốc chính nhờ tư tưởng Meiji, du nhập cách quản trị xã hội của phương Tây. Người Nhật còn bỏ luôn Tết Trung Hoa. Cũng là quốc gia trong khu vực đồng văn, tại sao Bắc Hàn ‘lận đận’ như vậy?
Trong hệ thống giáo dục của Nam Hàn, “tiêng Anh được dạy từ lớp 3 và phát triển đến THPT, cũng như trong hầu hết các trường đại học. Học sinh cấp 3 ngày càng tích cực học tiếng Anh để vào các trường đại học danh tiếng trong nước hoặc học ở nước ngoài.” [3]
Tại Nhật, “Các môn học cơ bản bắt đầu cấp trung học cơ sở là tiếng Nhật, tiếng Anh, toán, và khoa học”.[4]Về ngôn ngữ, vì tiếng Nhật và tiếng Hán sử dụng chung tới 70-80% chữ tượng hình kanji và có nghĩa tương tự (nhưng phát âm hoàn toàn khác nhau), học sinh Nhật cần học chữ kanji là điều tất nhiên. Việc dạy tiếng Hán (như một ngoại ngữ) ở Nhật thì sao? Tổ chức phi lợi nhuận Diễn đàn, có trụ sở ở Tokyo, với muc đích thúc đẩy việc dạy tiếng Hán ở Nhật, cho biết chỉ có 10 trong số 5550 trường cấp 3 ở Nhật tổ chưc dạy tiếng Quan thoại, và Bộ Giáo dục Nhật không chủ trương xây dựng một chương trình chuẩn hóa cho tiếng Quan thoại như đối với tiếng Anh.”[5]
Không có chữ Hán, không nghiên cứu khoa học được?
 Trong bảng xếp hạng đại học thế giới hàng năm theo ngành học, các trường đại học của Hoa Kỳ, Anh, Đức, Bỉ, … , là những trường dẫn đầu ngành XH-NV [6] chứ không phải trường của TQ hay các nước dưới ảnh hưởng Hán văn.
Trong bảng xếp hạng top-100 trường ĐH theo ngành XHNV năm học 2015-16, điều trớ trêu là ĐH Tokyo và ĐH Hong Kong xếp thứ 44, trong khi ĐH Bắc Kinh xếp thứ 84. Nếu cần có tiếng Hán nghiên cứu khoa học XHNV mới tốt thì lẽ ra ĐH Bắc Kinh phải tốt hơn hai trường kia vì nó “Hán xịn”!
Như vậy nghiên cứu XHNV không phụ thuộc tiếng Hán. Nghiên cứu khoa học, đặc biệt nghiên cứu ngành XH-NV, đòi hỏi tự do học thuật, điều kiện, phương tiện tiếp cận vấn đề, và quyền được công bố. Đây rất có thể là nguyên nhân quan trọng nhất để ĐH Tokyo và ĐH Hongkong xếp trên ĐH Băc Kinh.
Chỉ một vài dẫn chứng đã cho thấy những nhận định về vai trò tiếng Hán là phiến diện và vội vàng, thể hiện phương pháp tư duy có vấn đề. Ngôn ngữ và tư duy có quan hệ qua lại mật thiết. Nhưng tôi không có ý nói rằng cách tư duy ấy có vấn đề là do học và đọc tiếng Hán (?) 
Học ngoại ngữ nào?
Theo thống kê chính thức, ở Việt Nam, người thuộc dân tộc Hoa có chỉ có khoảng hơn 800.000 người[[7]]. Ngay tại Singapore, nơi 74,1% dân số là Hoa kiều, những người đã tìm cách chuyển ngôn ngữ học đường tại đây sang tiếng Hoa đã thất bại. Sinh thời, ông Lý Quang Diệu của Singapore, người gốc Hoa kiên quyết khước từ khi người Trung Quôc tiếp cận và vận động ông đưa tiếng Hoa vào nhà trường. Theo ông, "tương lai con trẻ phụ thuộc vào việc thông thạo dùng ngôn ngữ của những sách giáo khoa mới nhất – đó là tiếng Anh".
Trong khi mỗi thứ tiếng có vị trí nhất định trong đời sống quốc tế và được xác định là quan trọng đến mức độ nào, cảm tính chủ quan hay ý thích của chúng ta không làm thay đổi vị thế của nó.
Ngoại ngữ nào ích nước, lợi dân thì chúng ta hãy cố gắng dạy và học ngoại ngữ đó cho thật tốt, cho dù đó là tiếng của một bộ lạc thổ dân ở châu lục xa xôi.
Một số ít người, xuất phát từ những động cơ và cảm xúc riêng, vẫn hoài công tranh cãi cố tìm cách chứng minh rằng ngoại ngữ này là quan trọng hay ngoại ngữ kia kém quan trọng, đôi khi dẫn đến đố kị.
Dạy tiếng Hán là một trong các ngoại ngữ thứ hai là một chuyện, nhưng phổ cập nó lại là chuyện hoàn toàn khác. Rất có thể ai đó vừa tài trợ? Hãy sử dụng vào khai thác kho tư liệu Hán Nôm! Nhưng định thí nghiệm trên lưng con trẻ thì phải hết sức cẩn trọng.
Tuy không phải một tiểu luận khoa học, để có được cái nhìn khách quan hơn, bài viết này xin điểm qua một vài số liệu về việc dạy-học ngoại ngữ ở VN và trên thế giới.
Ngoại ngữ trong trường phổ thông Việt Nam
Theo số liệu điều tra của VKHGD năm 2001[8], tỷ lệ học sinh phổ thông chọn học ngoại ngữ là: 0,3%, 2,0% và 97,7%, lần lượt cho các tiếng Nga, Pháp, và Anh ở khắp lãnh thổ Việt Nam. Xu hướng này vẫn tiếp theo chiều này, và sự lựa chọn học ngoại ngữ không bị áp đặt như trước.
Các trường phổ thông, trung cấp dạy nghề được lựa chọn dạy ít nhất một trong bốn ngoại ngữ. Tuy vậy, tỷ lệ người học tiếng Anh chiếm tới 98,6%. Tỷ lệ học sinh học tiếng Pháp, Nga và một số các thứ tiếng khác chiếm số còn lại [9].
Số liệu từ kỳ thi Học Sinh Giỏi Quốc Gia môn Ngoại ngữ năm 2015 vừa qua cho thấy số thí sinh (từ các trường PTTH chuyên của mỗi tỉnh) tham dự là 64, 69, 169, và 474 lần lượt cho tiếng Hoa, Nga, Pháp, và Anh. 
Các nước học gì?
Sau khi Liên Xô sụp đổ và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu, nơi “từ Praha đến Hà Nội, các trường đều phải học tiếng Nga” tan rã và sự áp đặt tỉ lệ cơ cấu ngoại ngữ bị bãi bỏ, tiếng Anh được xã hội và các nhà hoạch định chiến lược lựa chọn làm ngoại ngữ số một cho toàn bộ các trường phổ thông của các nước này. Tại chính nước Nga, trên 70% học sinh và cha mẹ học sinh chọn học tiếng Anh. Theo số liệu của British Council tại Nga (2005), 85%, 70% và 60% học sinh phổ thông lần lượt ứng với thành phố lớn, thành phố nhỏ, và nông thôn chọn học tiếng Anh. Thời của sự áp đặt đã qua rồi.
Hiện tại, chính phủ Pháp đang kêu gọi tăng cường dạy tiếng Anh ngay từ bậc tiểu học.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương và trong khu vực, kể cả Trung Quốc cũng có chính sách tương tự.
Trong lĩnh vực truyền thông, Pháp phát kênh France 24, Nga mở kênh Russia Today (RT), Trung Quốc phát kênh CCTV9, Nhật có NHK,... bằng tiếng Anh.
Cơ sở để lựa chọn
Sự lựa chọn phải dựa trên cơ sở a) yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước, b) ý nguyện của người học, c) thái độ, cách nhìn bình tĩnh, khách quan và công bằng, và d) không có động cơ gắn với quyền lợi cá nhân, thậm chí cả lòng tự ái cá nhân, hay ý chí chính trị.
Để có một lựa chọn đúng đắn và khách quan, chúng ta cần học cách chấp nhận thực tế khách quan để có cách nhìn thực tế, tránh gây lãng phí xã hội.
Truyền thông Trung Quốc quảng bá cho chiến lược bành trướng tiếng Hoa khá rầm rộ, nhưng thực tế không hẳn như mong đợi. Xin dẫn một ví dụ điển hình nhất: tại Hoa Kỳ, có khoảng 250.000 đến 300.000 học sinh tiểu học tiếng Hoa, nhưng các lớp này chủ yếu là các lớp ngoài giờ dành cho con em Hoa kiều định cư tại đây.[[10]] 
Tại sao tiếng Anh?
Tiếng Anh đã trở thành Lingua franca trong lĩnh vực khoa học vượt biên giới quốc gia. Theo Bordons và Gomez (2004), số lượng ấn phẩm khoa học [11] được xuất bản bằng tiếng Anh trên thế giới ngày càng tăng – từ 84,5% (năm 1980) lên 95,9% (2000). Xu hướng đó khiến việc dạy và học các môn khoa học bằng ngôn ngữ này ngày càng tăng trong thế giới toàn cầu hóa.
Thống kê về các nhóm ấn phẩm trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau cũng cho những con số theo xu hướng này. Lobachev (2008) cho biết thống kê của UNESCO (2007)[[12]] với nhóm tạp chí có tính học thuật (scholarly journal) cho thấy 45,24% bằng tiếng Anh; 11,1% bằng tiếng Đức; 6,51% bằng tiếng Hoa; 4,94% bằngtiếng Pháp; 3,46% bằng tiếng Nhật; … và 1,30% bằng tiếng Nga.
Theo Huntington, tác giả Sự va chạm của các nền văn minh, tiếng Anh đã “trở thành lingua franca, giúp con người vượt qua chứ không phải để tiêu diệt khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá. Nó là một công cụ để giao tiếp chứ không phải nguồn tạo ra bản sắc hay một cộng đồng.”[13]
Học ngoại ngữ vì ai?
Còn nhớ, trong buổi thăm và làm việc của đại diện ngoại giao Anh tại một trường ĐH chuyên ngoại ngữ cách đây 25 năm, một quan chức của Viêt Nam đã gợi ý Anh xây khu học tiếng Anh như “người Pháp đã xây và người Nga sắp xây. Bằng cách đó, Việt Nam sẽ quảng bá cho đất nước Anh”.
Vị khách người Anh lịch sự đáp: “Cảm ơn các bạn, nhưng các bạn hãy học tiếng Anh vì Việt Nam, chứ đừng học vì nước Anh. Người Pháp và người Nga làm như thế vì họ cần phải làm thế. Chúng tôi sẽ giúp cái cần câu và cách câu cá”.
Vậy hãy chọn học ngoại ngữ trên cơ sở khoa học, chứ không vì ý muốn nhất thời để chiều lòng ai đó hay vì ý thức hệ, mà vì sự phát triển lâu bền của đất nước ...
Đừng vì ai cho một ít tiền làm “dự án” là sẵn sàng mang con trẻ ra thí nghiệm và kết thúc bằng việc “thui chó nửa mùa hết rơm” rồi “đem con bỏ chợ” như đã từng xảy ra.
Càng không nên cực đoan, như một viện sĩ Viện KHGD một thời đưa ra đề xuất vừa thiển cận vừa phản khoa học là bỏ tất cả ngoại ngữ khác để chỉ học tiếng Nga (!) Thật may chuyện đó không xảy ra vì lãnh đạo ngành giáo dục khi ấy biết nhìn xa. Cũng không nên khước từ tiếng Hoa chỉ vì “sáng yêu – chiều ghét”. Hơn nữa, để hiểu đối phương hay đối tác, ta càng phải biết tiếng của họ. Cac trường như lí luận chính trị, ngoại giao, công an, quân đội, … hãy tiếp tục giảng dạy tiếng Hoa.
Một lần được hỏi Việt Nam nên học ngoại ngữ nào, tôi đáp: “Tiếng Anh và tiếng Hoa.” Vì tiếng Hoa là của một nền văn hóa lớn thuộc văn minh phương Đông. Song, học tiếng Hoa không phải vì lo tiếng Việt không trong sáng, … và càng không phải từ những cách nhìn phiến diện đầy cảm tính của mấy thày Nho.
Qua cách hành xử trong đời sống quốc tế, Trung Quốc mới thể hiện mình là một nước to– chứ chưa phải là cường quốc theo ý nghĩa đầy đủ của khái niệm này – chớ vội thấy đỏ đã ngỡ là chín.
Hãy cứ để tiếng Hoa ở vị trí hiện tại của nó là một trong các ngoại ngữ thứ hai tự chọn cho đến khi học sinh Việt Nam nói được ngoại ngữ thứ nhất cho ra hồn, chứ không phải nói ‘một thứ na ná tiếng Anh’ như hiện nay.
Hãy để yên cho các cháu học sinh được học thứ tiếng mà trong đó 95,9% tài liệu khoa học, công nghệ, XH-NV của nhân loại được xuất bản. Việc bình cái nghệ thuật chơi chữ Hán, cái hình tượng liễu yếu đào tơ bị anh chàng nào đó làm cho nẩy cái nét ngang ngày nay nên dành cho các thày Đồ nhâm nhi cùng bầu rượu túi thơ.
Nguyễn Phương
[1] [1] Không dạy đại trả tiếng Hoa. <http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/63994/>
[2] Trần  Việt Tú (dịch). Các Mác, tiểu sử, Tập 2, NXBKHX, trong Dọn vườn Tập1: 1955-1989, tr380. NXB TRẺ, 2013.
[7]  Tổng cục Thống kê VN, 2009.
[8]  “Một số giải pháp về tổ chức dạy-học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục ngoại ngữ ở trường phổ thông”. Viện KHGDVN, 2001.
[9]  Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.
[10]  The number of Chinese learners in the USA. <http://thelinguafranca.wordpress.com/2008/08/18/>
[11]  Maria Bordons et al. (2004) Towards a Single Language in Science: A Spanish View..
[13]  Huntington, S. Sự va chạm của các nền văn minh. NXBLĐ (dịch), Hanoi, 2003.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-9-16
GS NGHIÊM TOẢN, GS HOÀNG XUÂN HÃN NÓI VỀ GIẢNG DẠY TIẾNG VIỆT, TIẾNG HÁN
LÊ HỌC LÃNH VÂN/ MTG 8-9-2016 

Giáo sư Nghiêm Toản và Hoàng Xuân Hãn
   Do tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán nên vốn tiếng Hán giúp tôi tránh các sai lầm trong dùng từ như “yếu điểm” thay vì “điểm yếu”… mà thỉnh thoảng báo chí hiện nay vẫn có khi lẫn lộn. Tuy nhiên cái lợi đó có đủ lớn và ý nghĩa thực dụng của nó có đủ quan trọng để chúng ta dạy chữ Hán cho học sinh bậc trung học như TS Đoàn Lê Giang nêu lên hay không?
Tôi học trung học (lớp 6 – lớp 12) theo chương trình Miền Nam trước năm 1975. Năm lớp 6 có học chữ Hán. Thật ra, năm đó chỉ học vài tiết, chủ yếu để biết viết một số từ Hán Việt như nhất, nhị, tam hay thiên (trời), thượng (trên) thôi. Năm lớp 10 được GS Nghiêm Toản, do quen biết riêng, kèm chữ Hán 1 năm nữa theo ý muốn riêng của gia đình. Lên đại học, tôi theo ngành kỹ thuật và vào đời với ngành kỹ thuật.
Tôi thấy cái lợi của việc biết tiếng Hán là vốn từ vựng tiếng Việt trong tôi phong phú hơn, có thể diễn đạt các ý nghĩ đa dạng của mình một cách chính xác và tế nhị hơn. Do tiếng Việt có nhiều từ gốc Hán nên vốn tiếng Hán giúp tôi tránh các sai lầm trong dùng từ như “yếu điểm” thay vì “điểm yếu”… mà thỉnh thoảng báo chí hiện nay vẫn có khi lẫn lộn…
Tuy nhiên cái lợi đó có đủ lớn và ý nghĩa thực dụng của nó có đủ quan trọng để chúng ta dạy chữ Hán cho học sinh bậc trung học như TS Đoàn Lê Giang nêu lên hay không? Bài viết này xin ghi lại các ý kiến có liên quan của GS Nghiêm Toản và học giả Hoàng Xuân Hãn với hy vọng giúp vào đề tài gây nhiều tranh luận gần đây.
GS Nghiêm Toản là thầy dạy tại trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn những năm 50, 60 thế kỷ trước. Ông cho rằng lịch sử đất nước khiến dân Việt đem nhiều thành tố tiếng Hán vào trong tiếng Việt, do đó cần biết tiếng Hán để làm phong phú hơn tiếng Việt của chúng ta. Tôi còn nhớ ông nói, đại ý rằng:
“Cách người dân ta dùng tiếng Hán cho thấy mức độ dẻo dai để tồn tại của người Việt trước áp lực đồng hóa của người Hoa. Trước khi bị Bắc thuộc, người Việt đã có tiếng Việt của riêng mình, nhưng không biết đã có chữ viết chưa. Một ngàn năm bị Hoa trị, người Việt không để mất tiếng nói của mình, lại có thêm tiếng Hán, và tiếng Hán này dần dần được Việt hóa trở thành yếu tố Hán-Việt trong tiếng Việt. Sau khi độc lập, người Việt lại biết dùng cách viết chữ Hán mà tạo ra chữ viết cho tiếng Việt, tức là chữ Nôm. Cho tới gần đây, người Việt lại biết dùng chữ Quốc ngữ tiện lợi hơn thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Cho nên yếu tố Hán-Việt trong tiếng Việt không cho thấy tính lệ thuộc của người Việt, mà trái lại càng cho thấy tính độc lập dẻo dai của người nước ta. Biết cách dùng yếu tố Hán-Việt cộng với dùng chữ Quốc ngữ, chúng ta tạo ra một ngôn ngữ Việt Nam đủ sức diễn tả tinh tường và truyền bá rộng rãi các ý niệm, khái niệm kỹ thuật và triết học khó hiểu nhất ”.
Tôi có thể thưa với các anh chị rằng GS Nghiêm Toản đã truyền cho tôi sự rung động vì lòng tự hào với tinh thân độc lập, tự chủ của ông cha trước người Trung quốc.
Sau này, tôi lại có dịp học hỏi với GS Hoàng Xuân Hãn. Ông là một bậc túc nho Âu học mà tấm lòng, ý chí và sự đóng góp cho nền độc lập nước nhà trên bảy mươi năm trước còn được nhiều người Việt Nam thời nay ghi nhớ. Ông là nhân vật chính chuyển đổi nền giáo dục Việt Nam từ Pháp ngữ sang Việt ngữ một cách căn bản. GS Hoàng Xuân Hãn đồng quan điểm với GS Nghiêm Toản như trình bày bên trên. Nhưng về phương diện giáo dục thì ông bàn luận như sau, cũng xin ghi lại đại ý:
Trong giáo dục, tôi chủ trương thực tế. Quốc dân cần biết kỹ thuật phương Tây, cần biết học thuật phương Tây. Mình cần một ngôn ngữ càng giản dị, càng dễ hiểu càng tốt để dân mình học được nhanh. Muốn giản dị mà đủ ý thâm sâu, mình cần vận dụng các yếu tố Hán-Việt. Tôi nghĩ người mình không cần học Hán văn, nhưng cần học một căn bản Hán-Việt để có danh từ khoa học mà học hỏi kiến thức thế giới. Căn bản Hán-Việt giúp ta làm giàu có và hàm súc hơn tiếng nước ta, cùng với đó ta dùng chữ Quốc ngữ phổ biến kiến thức rộng rãi cho quốc dân. Quốc dân cũng nên biết nguồn gốc của yếu tố Hán-Việt, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… trong ngôn ngữ nước mình”.
GS Hãn trình bày ý của ông rất rõ:
Tôi nghĩ bậc trung học mình có môn Việt văn. Học sinh ở một lớp thích hợp, như lớp troisième chẳng hạn (tức lớp 9) thì ta dành một số giờ học của môn Việt văn mà học về Hán-Việt, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… Học về chữ Hán chứ không phải học Hán văn. Mục đích là để người đi học biết nguồn gốc và phân biệt được các loại chữ viết trong ngôn ngữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Chỉ cần cái căn bản vậy thôi. Sau này, ai theo ngành Hán Nôm, ngành Cổ Văn, ngành Sử ký sẽ học sâu hơn chữ Hán, chữ Nôm. Ai theo các ngành kỹ thuật không cần học thêm, nhưng cũng đã có cái căn bản để không bị lầm lạc khi dùng tiếng Việt thông dụng và tiếng Việt khoa học, kỹ thuật. Khi cần, những người này có thể dùng tự điển Hán-Việt do các người chuyên môn soạn thảo”.
Trong cuộc sống đời thường, tôi thấy không ít người không có khái niệm rõ rệt về tiếng Việt, tiếng Hoa, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ… Ý của GS Hoàng Xuân Hãn là nên giảng dạy ở bậc trung học để người học hiểu và phân biệt được các khái niệm ấy một cách minh tường. Chú ý rằng GS Hãn chủ trương không nên giảng dạy chữ Hán ở bậc học này.
Đọc các bài viết của TS Đoàn Lê Giang, về mặt học thuật, tôi thông cảm với ông. Chúng ta thường bắt gặp các lỗi về dùng chữ (từ vựng) và lỗi đặt câu (văn phạm) trên báo chí hiện nay, kể cả các tờ báo nghiêm túc, kể cả trong các bài viết về những đề tài văn hóa, nghệ thuật…Trước năm 1975, báo chí Miền Nam thường có các mục như “Nhặt Sạn” hay “Nhổ Cỏ Vườn Văn”… nhằm lượm lặt và phân tích các lỗi ấy. Các mục này góp phần giữ gìn và phát triển sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt. Người phụ trách mục ấy cần có căn bản Hán-Việt vững chắc, uyên thâm. Đây mới là những người, tôi nghĩ, cần học chữ Hán. Còn người đọc bình thường thì không cần mất thì giờ học. Chúng ta còn cần phải bỏ thêm một số môn học vô bổ, nặng nề, kìm hãm tri thức để con em chúng ta có thì giờ thư giãn, hưởng thụ văn hóa, phát triển ước mơ, hoài bão và học hỏi các kỹ năng sống trong môi trường sống tiến bộ…
Là người quan tâm tới đề tài, nhưng không nằm trong chuyên môn, tôi chỉ xin ghi lại ý kiến các bậc có thẩm quyền vài mươi năm trước…  
Lê Học Lãnh Vân 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét