Thứ Ba, 20 tháng 9, 2016

20160920. BÀN VỀ 'CẢ HỌ LÀM QUAN'

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUAN, LÁ ĐA VÀ QUY TRÌNH
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GD 20-9-2016
Biếm họa minh họa trên tuoitre.vn
Trong  “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ” viết ngày 1/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê bình, kiểm thảo: 
“Những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, Đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”. [1]
Ở Việt Nam có rất nhiều dòng họ nổi tiếng như dòng họ Nguyễn Lân, dòng họ Hà Huy, dòng họ Tôn Thất… mức độ nổi tiếng ấy là vàng mười, không phải để trong ngoặc kép mỗi khi được nhắc đến.
Bởi lẽ lịch sử hàng trăm năm tồn tại, những dòng họ ấy đã cống hiến cho đất nước rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học mà mỗi khi nhắc đến ai cũng ngả mũ thán phục.
Chẳng cần phải viện đến quy trình nào cả nhưng những vị trí lãnh đạo rất cao mà con cháu của các dòng họ trên nắm giữ không bị coi là “cả họ làm quan” theo nghĩa bấy lâu nay dư luận xầm xì.
Ngược lại có nhiều dòng họ “nổi tiếng” chỉ… sau một đêm, tất cả được phơi phóng ra trước bàn dân thiên hạ cũng chỉ vì có nhiều người làm quan, chỉ khác với những dòng họ “vàng mười” kia là nó được yểm trợ bởi cái gọi là đúng quy trình.
Nền văn học dân gian và chế độ phong kiến Việt Nam đã sản sinh ra câu ca dao có thể thừa nhận là đã khái quát ở mức độ triết lý “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá đa”…
Ngược lại, “con vua” dù bằng đường này hay đường khác cũng sẽ lại làm vua, thực tế xã hội hiện nay cũng cho thấy rất ít thậm chí vô cùng hiếm trường hợp“con vua” và “con sãi” có thể đổi ngôi cho nhau!“Quét lá đa” là công việc dĩ nhiên chỉ dành cho chú tiểu – người chẳng giữ trọng trách gì trong chùa ngoài làm “giao liên” giữa sư trụ trì và bá tánh thập phương.
Thấy được nguy cơ mua quan bán tước hiện hữu ngay trong triều đình nên dưới triều vua Lê Thánh Tông đã ban hành đạo luật Hồi tỵ, trong đó quan điểm cốt lõi là nghiêm cấm các quan lại bổ nhiệm con em của mình giữ các chức quan khác và người địa phương không được làm lãnh đạo tại nơi mình ở.
Đến thời nhà Nguyễn, luật Hồi tỵ được áp dụng triệt để hơn để tránh tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương.
Từ quan điểm “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến hoạ loạn” [2] minh quân Lê Thánh Tông đã xây dựng một triều đại huy hoàng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đến nỗi hậu thế còn lưu lại câu vè “Đời vua Thái tổ Thái tông/ Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng muốn ăn”.
Sẽ thật là diễm phúc cho dân tộc nếu cả họ làm quan nhưng… nhân dân được nhờ.
Tuyệt nhiên, mệnh đề này rất khó xảy ra trong hiện thực cuộc sống vì những tai họa từ lợi ích nhóm, tình trạng cát cứ, cục bộ địa phương, trên bảo dưới không nghe… sâu xa đều có nguồn gốc từ nhóm thân hữu.
Luật pháp sẽ được thực thi như thế nào nếu trong một tỉnh, một huyện mà các vị trí lãnh đạo chủ chốt đều lành anh em họ hàng?
Liệu “ông anh” cả có đủ dũng cảm phê và tự phê những “đứa em” của mình khi để xảy ra sai phạm? Phòng và chống tham nhũng ra sao khi “dàn hợp xướng” hùng mạnh đang cất lên bản đồng ca đầy uy lực?
Đúng quy trình - tấm khiên này có vẻ đã cũ kỹ đi rất nhiều khi nó có quá nhiều “lỗ hỏng” gây sát thương người sử dụng; trước đây ai cũng nói Trịnh Xuân ThanhVũ Đức Thuận ở PVC,  Vũ Quang Hải ở Sabeco… là đúng quy trình nhưng sự thể “bết bát” ra sao thì giờ đã rõ.
Và cũng mới đây, câu chuyện về 8 người thân, người trùng họ, người nhà của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư tỉnh ủy Hà Giang làm lãnh đạo ở các huyện, ngành tỉnh này cũng khiến nhiều người suy nghĩ.
Theo ông Vinh thì ông không đồng ý, nhưng theo quy trình, các cấp, ngành đã tiến hành để lựa chọn cán bộ, là chuyện bình thường.
Có phải đúng quy trình là có người giới thiệu đề bạt, quy hoạch, thúc đẩy hoàn thiện thủ tục hồ sơ bầu bán vào chức danh nào đó bằng những quyết định mang tính thân hữu?Xin không bàn đến sự đúng, sai của việc ấy, nhưng câu chuyện cũng không thể không khiến người khác phải ái ngại.
Hay quy trình là con đường lòng vòng của những vị “con vua” được tạo sẵn đòn bẩy để nhảy cóc qua nhiều vị trí làm bằng chứng cho câu phê quan trọng khi bổ nhiệm: “đã kinh qua nhiều vị trí công tác, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”!?
Quy trình không phải do ông trời ban tặng mà do con người đặt ra, vậy nên hiệu chỉnh quy trình sao cho “phù hợp” cũng là do bàn tay con người nhúng vào.
Thời chiến, khi đất nước khó khăn việc bổ nhiệm cán bộ đâu phải câu nệ quy trình này nọ kia nhưng tất cả đều xứng đáng là công bộc của dân.
Phải chăng quy trình thì đúng nhưng sai về con người, về tiêu chuẩn?
Luật Hồi tỵ ưu việt như vậy và các nhà làm luật chắc chắn đều biết đến nhưng mức độ khai thác chưa là bao, hiện nay, luật Phòng, chống tham nhũng có quy định đối tượng và phạm vi áp dụng những quy định của luật Hồi tỵ, tuy nhiên hẹp hơn rất nhiều so với ngày xưa.
Khoản 3, Điều 37, luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) quy định:
Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó”. [3]
Khó công bằng dân chủ nếu “con sãi” ở chùa chỉ mãi cầm chổi, “con vua” ở dinh luôn “lobby” sẵn quy trình, ở các nước Phương Tây hay Châu Á cũng có hiện tượng “quan cha”, “quan con” nhưng khác ở chỗ “nhóm lợi ích thân hữu” khó có thể làm mưa làm gió, phá nước hại dân.

Quy trình khiến gần 225.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp đa phần xuất phát từ nông thôn, không “hậu duệ”, còn quy trình khiến những vị quan trẻ thăng tiến vùn vụt hỏi có mấy ai “tay không bắt giặc”!Tìm đỏ mắt sao không thấy “con sãi” ở dinh và“con vua” ở chùa, hay là quy trình đối với “con vua” khác quy trình đối với “con sãi”?
Trong khi Đảng, Nhà nước đang lúng túng với quốc nạn lợi ích nhóm thân hữu thì kho tàng lý luận của cha ông về phòng chống tham nhũng đang bị lãng phí đáng tiếc, lợi ích nhóm sẽ còn mạnh lên nếu ngày càng nhiều dòng họ làm quan thông qua những cú “lobby” đúng quy trình.
Tài liệu tham khảo:
[2]http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/20151219/khong-ai-phan-doi-nhung-can-bo-tre-phai-chung-minh-nang-luc/1023442.html
[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/LS-bandoc/707437/nhung-viec-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-khong-duoc-lam
Trương Khắc Trà

CẢ HỌ LÀM QUAN: LỖ THỦNG Ở ĐÂU?

ĐINH DUY HÒA/ VNN 20-9-2016

Người tài người nhà, quy trình bổ nhiệm, cả họ làm quan, bổ nhiệm lãnh đạo
Với quy trình, tiêu chuẩn, quy hoạch chặt chẽ, làm sao có kẽ hở, chứ đừng nói là lỗ thủng trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, làm sao đưa con cái lên làm quan được?
>> Vì sao tôi dứt áo ra đi?
Người tài được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo là đúng, phù hợp, vậy còn người nhà như con cái, anh chị em ruột, cháu chắt rồi đến họ hàng xa xa... thì sao nhỉ?
Bush bố làm Tổng thống Mỹ rồi đến Bush con, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, rồi đương kim Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore, cố Tổng thống Park Chung Hee và đương kim Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye... Khá nhiều ví dụ có thể kể ra, cho nên câu chuyện người nhà, mà trước hết là con cái tiếp tục nối gót cha ông làm lãnh đạo không có gì mới và lạ trên thế giới.
Vậy đối với Việt Nam ta thì có vấn đề gì không nhỉ? Có thể nói ngắn gọn là không mới, nhưng khá lạ. Lạ đến mức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài, chứ không phải tìm người nhà”.
30, 40 năm trước đây không giống như bây giờ. Thời đó, câu chuyện người nhà làm quan tương đối hiếm và có thể nói những người nhà làm quan này cơ bản là thực tài, xứng đáng.Vốn liếng cơ bản để các ông Bush, Lý Hiển Long và bà Park Geun Hye nối gót cha ông làm tổng thống, thủ tướng không phải là ánh hào quang cha ông để lại, mà là thực tài. Không tài thật, không năng lực thật không thể đắc cử. Và đây là điểm khác cơ bản với ta.
Nếu tính trung bình làm quan theo công thức dân gian “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ” thì tỷ lệ người thực tài làm quan là quá ít ở ta và đây là điều đáng lo ngại cho sự phát triển của đất nước.Mươi, mười lăm năm trở lại đây, người nhà làm quan tương đối phổ biến. Những câu chuyện về người nhà làm quan mà báo chí đưa ra như Mỹ Đức, Bộ Công thương và gần đây nhất là Hà Giang không phải là cá biệt. Nhiều độc giả phản hồi chuyện ấy ở cơ quan tôi, ở huyện tôi, ở sở tôi, ở bộ tôi... cũng vậy.
Dân thì bức xúc, nhưng mọi thứ lại đúng quy trình. Mỗi khi có chuyện phải xem xét thì hồ sơ, trình tự bổ nhiệm về cơ bản là ngon lành. Vậy vấn đề nằm ở đâu nhỉ?
Về nguyên tắc, Đảng hết sức coi trọng công tác cán bộ, trong đó có vấn đề cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý. Để bảo đảm mọi thứ đúng, người thực tài lên làm lãnh đạo, Đảng và nhà nước đặt ra:
- Tiêu chuẩn: Muốn làm bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND tỉnh, vụ trưởng, giám đốc sở... thì tiêu chuẩn phải là thế này,
- Quy hoạch lãnh đạo: Muốn được bổ nhiệm trong tương lai thì phải vào được quy hoạch này,
- Quy trình bổ nhiệm, mà đặc trưng là lấy phiếu tín nhiệm.
Mấy vấn đề này được quy định hết sức rõ, cụ thể. Ngoài ra, để bảo đảm tính dân chủ trong công tác cán bộ, còn có hệ thống ban cán sự Đảng ở các bộ, UBND cấp tỉnh.
Với cách thiết kế như vậy làm sao có kẽ hở, đừng nói là lỗ thủng trong công tác bổ nhiệm lãnh đạo, làm sao đưa con cái lên làm quan được. Tuy nhiên, điều trớ trêu là cả 4 vấn đề vừa nêu, nếu người ta muốn thì đều có thể qua mặt để cuối cùng ra các vị quan lãnh đạo là người nhà.
Tiêu chuẩn ư, cần thì có. Cái có này được tính đến cho con cái từ rất sớm, sẽ được đáp ứng. Bằng cấp, chứng chỉ học hành không khó kiếm. Thậm chí không đủ tiêu chuẩn quy định thì bỏ qua, với những lý do như đặc thù địa phương, đặc thù bộ, ngành, mà về cơ bản thì cũng chẳng ai kiểm tra.
Giá như có một cuộc tổng kiểm tra nghiêm túc tình hình bổ nhiệm quan chức từ cấp huyện lên đến bộ, ngành trung ương có đáp ứng tiêu chuẩn hay không thì sẽ có số liệu cho riêng vấn đề này.
Vào quy hoạch lãnh đạo ư, không khó lắm, trong tầm tay người lãnh đạo. Mọi thứ sẽ được chỉ đạo và các bộ máy liên quan sẽ tổ chức thực hiện.
Và cuối cùng là quy trình lấy phiếu tín nhiệm cho người nhà. Chuyện nhỏ, sẽ đúng bài bản dự kiến.
Vấn đề nằm ở chính người cầm chịch chỉ đạo thực hiện. Quy định về tiêu chuẩn, quy hoạch, lấy phiếu tín nhiệm... hay, đúng đến mấy, nhưng cuối cùng quan trọng là khâu tổ chức thực hiện, mà ở bộ là bộ trưởng, ở tỉnh là bí thư, chủ tịch UBND tỉnh. Các vị này có tâm, nghiêm túc thì ra quan lãnh đạo tài, ngược lại thì sẽ khác, trong đó có người nhà lên làm lãnh đạo.
Trong hệ thống hành chính - chính trị của ta, bộ trưởng có ảnh hưởng lớn đến chuyện bổ nhiệm lãnh đạo cấp vụ, cục trở xuống, cấp thứ trưởng thì một phần không nhỏ. Nếu muốn, thì việc bổ nhiệm người nhà, người thân quen làm lãnh đạo không khó.
Tương tự như vậy là ở cấp tỉnh. Chế định ban cán sự Đảng ở các bộ, UBND tỉnh là một chế định cực kỳ hay trong hệ thống một đảng cầm quyền ở ta nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống hành chính nhà nước, nhưng cũng chính chế định này lại không hữu hiệu trong công tác cán bộ, bởi tiếng nói của bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh kiêm bí thư bán cán sự Đảng - mặc dù thiết kế cũng chỉ là một phiếu khi phải bỏ phiếu - là tiếng nói quyết định, đa phần các thành viên khác phải ngó theo mà xử sự.
Chế định lấy phiếu tín nhiệm để lựa chọn ra người sẽ được bổ nhiệm lãnh đạo về cơ bản cũng rất hay, nhưng cách thức thực hiện lại phụ thuộc người đứng đầu. Nếu muốn, có thể làm theo diện rộng gồm nhiều công chức tham gia, hoặc theo diện vừa và thậm chí khi dự đoán kết quả tín nhiệm không cao nếu lấy rộng thì thu hẹp lại... Muôn hình, muôn vẻ, miễn là đạt kết quả theo ý đồ chỉ đạo.
Giải quyết thế nào nhỉ? Quả là khó. Khó mà cách đây 30, 40 năm các vị lãnh đạo làm được, không mấy ai cài cắm con cái, người nhà làm lãnh đạo, các vị đó làm được, giờ thì không.
Chả nhẽ lại học theo cha ông thời xa xưa đã rành mạch câu chuyện này theo kiểu như quan chức tỉnh, huyện dứt khoát không được là người địa phương, không được lấy vợ là người địa phương, không được mua đất tại địa phương và trong bộ máy quan lại không cho phép anh, chị em ruột, chú bác ruột cùng làm việc. Nếu vậy, ở bộ, ngành trung ương thì sao nhỉ?

 LUẬT HỒI TỴ THỜI PHONG KIẾN ĐÃ CÁM 'CẢ HỌ LÀM QUAN ' Ở MỘT NƠI
N.HUYỀN/ infonet/ BVB 20-9-2016
ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc
Viện dẫn Luật Hồi tỵ từ thời phong kiến, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, từ xưa đã có những quy định chặt chẽ để ngăn cấm "cả họ làm quan" ở một địa phương.
Gần đây, thông tin việc hàng loạt người thân của ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang giữ các vị trí lãnh đạo tại các cơ quan ở địa phương lan truyền trên mạng xã hội, gây nhiều ý kiến tranh cãi. Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã trả lời báo chí khẳng định những người thân của ông (vợ, em trai, em gái, em rể) được đề bạt theo đúng quy trình, tuy nhiên dư luận vẫn không khỏi ngờ vực băn khoăn.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Luật Hồi Tỵ quy định những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… thì không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác.Không bình luận sâu về trường hợp cụ thể này, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ viện dẫn Luật Hồi tỵ có từ thời vua Lê Thánh Tông để nói về các quy định bổ nhiệm quan lại xưa.
Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó trong cuộc cải cách nền hành chính quốc gia. “Luật này cũng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Nguyên tắc nói trên nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong việc quản lý các cơ quan công quyền” – nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Ngoài ra, trong bộ Lê triều Hình luật (còn gọi là Hồng Đức) có quy định: "Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc".
Đến thời vua Minh Mạng, Luật Hồi tỵ còn triệt để hơn, được mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới, bao gồm:
Quan lại ở các bộ, trong Kinh và ở các tỉnh, huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác. Đối với Viện thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối thì không phải áp dụng Luật Hồi tỵ. Những quan lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
Quan lại ở các nha thuộc phủ, huyện ai là người cùng làng thì phải chuyển đi nha môn khác làm việc. Quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ. Người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ.
Đặc biệt, trong luật cũng nêu rõ việc nghiêm cấm các quan đầu tỉnh không được đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt cai quản của mình.
Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, bên hành lang Quốc hội, cũng nói về việc bổ nhiệm cán bộ, ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: Có điệp khúc mà mọi người hay nói "quy trình thì đúng mà kết quả thì sai" thì vấn đề ở đâu?
“Rõ ràng có kẽ hở để người ta lách. Họ tinh vi lắm chứ không yếu kém chút nào. Điều này trở thành không bình thường. Người có trách nhiệm, làm thất thoát tài sản như Trịnh Xuân Thanh lại được thăng chức. Trong khi đó, chúng ta luôn luôn nói đến trách nhiệm, nhưng trách nhiệm lại là khái niệm rất trừu tượng. Chúng tôi nghĩ lúc này phải gắn với trách nhiệm cá nhân là hết sức quan trọng. Khen chê là phải rõ, cụ thể” - nhà sử học Dương Trung Quốc nói. 
Theo ông Dương Trung Quốc thì cái gì cũng do con người làm, tức là phẩm chất của người thực hiện. Cái quan trọng thứ hai là sự giám sát của nhân dân, không có sự giám sát đó nên xảy ra những sai phạm xung quanh việc bổ nhiệm cán bộ. 
  1. Huyền/Infonet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét