Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

20160906. NHẬN XÉT VỀ DẠY VÀ HỌC CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN Ở VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
GHI CHÉP MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN Ở VIỆT NAM
TRẦN VĂN CHÁNH/ viet-studies 5-9-2016
Kết quả hình ảnh cho học tập chủ nghĩa mác-lê nin
Mới đây xuất hiện một câu chuyện thời sự nhưng lại liên quan một vấn đề có vẻ học thuật, không “thời sự” chút nào, đó là việc Đại học Fulbright Việt Nam do người Mỹ chủ trương sắp khai giảng nhưng họ còn chần chờ trước đòi hỏi của Nhà nước Việt Nam là theo Luật pháp Việt Nam thì phải giảng dạy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
     Sự kiện này làm tôi chợt nhớ lại câu chuyện tưởng chừng đã cũ: Tháng 6.2008 khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời thì chừng một tháng sau, nhà văn-nhà nghiên cứu Lữ Phương đã có bài viết để tưởng niệm người mà tác giả này coi là “một trong những người cộng sản chân chính còn sót lại trên đất nước hôm nay”.
     Sau khi nhắc qua nhiều kỷ niệm xa xưa giữa tác giả với người quá cố, đến đoạn cuối bài, Lữ Phương kể lại buổi gặp gỡ thân tình và cuối cùng giữa hai người ở một hiệu ăn bên khu Thanh Đa (TP. HCM) trong suốt một buổi tối. Khi nhận được tập sách biếu (loại in vi tính không xuất bản chính thức) do Lữ Phương ghi tặng, ông Võ Văn Kiệt bỗng hỏi một câu ít khi nào ông hỏi: “Nghe nói Lữ Phương nghiên cứu nhiều về chủ nghĩa Mác phải không?”.
     Rồi tác giả kể tiếp: “Mặt đã hơi bừng bừng một chút, tôi đã nói với ông những lời bỗ bã sau đây: “Anh Sáu [tức Sáu Dân/ Võ Văn Kiệt] biết tại sao tôi quan tâm đến chủ nghĩa Mác như vậy không? Đó là do tôi nghe lời mấy ông lãnh đạo Đảng, các ông này luôn khuyên nhủ cán bộ phải học tập chủ nghĩa Mác vì không hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nghe lời mấy ông đó, tôi đã quay mặt vào tường trong suốt 10 năm để tìm hiểu; anh có biết sau đó tôi đã kết luận như thế nào không?”. Ông nhướng mắt lên và hỏi: “Sao?” Tôi nhớ đã trả lời ông một cách tỉnh queo câu sau đây:Tôi nói các cha nội đó chẳng biết Mác là con mẹ gì hết! Không tưởng tượng được! Sau khi nghe câu nói báng bổ đó của tôi, ông đã cười phá lên, thoải mái như chưa bao giờ thoải mái đến như vậy! Không biết có đúng hay không, nhưng những điều rất riêng tư mà ông không khi nào nói đến mỗi khi gặp tôi, dường như đã bộc lộ qua những tiếng cười của ông hôm đó. Đó là kỷ niệm cuối cùng tôi nhớ về ông để chỉ mấy tháng sau tôi nghe tin ông mất” (Lữ Phương, “Ông Võ Văn Kiệt và tôi”, in trong Ông Sáu Dân trong lòng dân, NXB Tri Thức, 2008, tr. 233).
     Nghe kể xong đoạn trên đây, người đọc thật khó đoán ra một cách chắc chắn nhà lãnh đạo cách mạng nổi tiếng và tâm huyết thuộc thế hệ thứ hai Võ Văn Kiệt đã thật sự nghĩ gì về chủ nghĩa Mác-Lênin và đã vận dụng nó như thế nào trong quá trình lãnh đạo cách mạng cả thời chiến lẫn thời bình, nhưng qua câu chuyện cũng thấy được dường như ông đã có phần rất lớn đồng tình, chia sẻ với tác giả Lữ Phương, với nghĩa rằng tuy không học cao nhưng do đầu óc thực tế của con người thực hành nhiều hơn thuyết lý, ông Võ Văn Kiệt có lẽ cũng chưa từng nghiên cứu sâu về chủ nghĩa Mác-Lênin, ngoài một số bài học/kiến thức căn bản mà một người cán bộ cao cấp như ông bắt buộc phải thụ huấn qua nhiều lần tại các trường chuyên môn về lý luận chính trị, từ sơ cấp đến cao cấp. Hoặc giả, ông cũng đã nghe giảng không ít về chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng lại có những nét nhận thức rất riêng biệt và sáng tạo về thứ chủ nghĩa đã được du nhập chủ yếu từ bên Đức và bên Nga về, sau khi thông qua sự chú giải thêm của các lãnh tụ cách mạng hoặc cán bộ nghiên cứu chủ nghĩa/ triết học Mác-Lênin ở Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam.
     Như chúng ta đều biết, bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đang tiếp tục được giảng dạy rộng rãi tại tất cả các trường lý luận chính trị dành cho cán bộ các ngành các cấp cũng như tại tất cả các trường cao đẳng-đại học dành cho sinh viên thường dân Việt Nam. Gồm 3 phân môn: Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học.  Đây là môn học bắt buộc, tại các trường cao đẳng-đại học còn được gọi là môn “điểm danh” vì không cho phép sinh viên được vắng mặt. Thậm chí, học sinh-sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc… cũng phải học, nhưng được miễn học phí (theo Nghị định 49 của Chính phủ), mặc dù hầu như không bao giờ họ có dịp nào vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào nhã nhạc cung đình chẳng hạn.
     Theo bước tiến của thời đại, bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin áp dụng cho các loại trường học Việt Nam gần đây đã có nhiều cải cách theo chiều hướng tiến bộ rõ rệt, nhưng thời của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt học lý luận (khoảng giữa thế kỷ XX) thì việc giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin đôi khi còn lơ mơ lắm. Tác giả Vũ Cao Đàm (Trường đại học KHXH & NV Hà Nội, Viện Chính sách và Quản lý) trong quyển sách mới xuất bản hồi năm ngoái, kể: Trong bài giảng về duy vật lịch sử, một vị “giáo sư” giảng “Chủ nghĩa đế quốc là CON DÊ của chủ nghĩa tư bản”. Thật ra là CON ĐẺ, nhưng vì tài liệu giảng dạy đánh máy chữ lúc đó không có dấu hỏi dấu ngã…, nên ông thầy lý luận đã nhận lầm CON ĐẺ thành CON DÊ. Cả lớp cười rộ lên thì ông tìm cách giảng gỡ gạt theo “nghĩa đùi”: đó là con dê hung hăng của nhà vua thời xưa đưa vua đến ăn dâu trước cửa các cung tần mỹ nữ, hễ dê đến trước cửa nhà cô nào thì đêm đó các cô được vua đến ban cho một đêm sủng ái. Hình tượng chủ nghĩa đế quốc là CON DÊ hung hăng của chủ nghĩa tư bản nghĩa là như thế!
     Cũng theo Vũ Cao Đàm, ông V.I Lenin có lúc bị đọc nhầm thành ông Sáu Lenin trong lớp học chính trị ở cấp đại học (xem Nghịch lý và lối thoát, NXB Thế Giới, 2014, tr. 190-191).
     Ở đây hoàn toàn không chút ý bêu riếu, chỉ cố nói lên sự thật để “ôn cố tri tân”, có lợi cho công việc chung về sau.
     Có điều nghịch lý là, mặc dù bộ môn chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn được giảng dạy rộng rãi với cường độ mạnh, chiếm nhiều thì giờ, nhưng thực tế ngày càng ít ai hăng hái chú ý đến việc nghiên cứu sâu thêm về nó để “biến chủ nghĩa Mác-Lênin thành ý thức hệ chủ đạo trong xã hội”, như mấy chục năm về trước. Kết quả là không có một công trình nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin nào có chất lượng cao đáng kể được người ta nhớ tới, ngoài những bài viết đăng trên một số tạp chí như Thông báo triết họcTriết học (đều của Viện Triết học-Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam), Học tập (tiền thân của tạp chí Cộng Sản), Cộng Sản (Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), Thông tin lý luận và truyền thông (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh & Học viện báo chí và tuyên truyền), Lý luận chính trị (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)… Trái lại, các nhà nghiên cứu lý luận ngày càng chú ý nhiều hơn đến những đề tài có giá trị thực tiễn gắn với các mặt hoạt động chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội trong nước. Câu khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm” trước đây được dán/ vẽ khắp nơi thì giờ đây ngày càng ít được trông thấy. Điều này không hoàn toàn có nghĩa chủ nghĩa Mác-Lênin đã mất đi giá trị cố hữu của nó, nhưng có lẽ đòi hỏi cần được nghiên cứu lại với một tinh thần mới mẻ và ít giáo điều hơn so với trước.
     Bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó một bộ phận quan trọng là triết học Mác với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, trước sau vẫn là một hệ thống triết lý có ý nghĩa, vai trò cũng như ảnh hưởng rất to lớn trong toàn bộ lịch sử triết học nhân loại và đã góp phần soi sáng nhận thức cho toàn thể loài người về mọi hiện tượng diễn ra trong sự vận động của cả giới tự nhiên lẫn xã hội. Đấu tranh giai cấp, dù người ta có chấp nhận hay không, thì nó vẫn diễn ra; cũng như chủ nghĩa cộng sản, dù người ta có thích hay không, thì chủ nghĩa cộng sản (hay tư tưởng cộng sản, phân biệt với chế độ cộng sản thực tế) vẫn là một thực thể đã tồn tại khách quan trong lịch sử, và nói như một nhà nghiên cứu nọ về chủ nghĩa Mác, ngày nay người ta không thể suy nghĩ như thể chưa bao giờ có những người cộng sản tồn tại trên thế giới này. Vì thế, nếu chịu nghiên cứu sâu chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt riêng về triết học Mác-Ăngghen, bằng tinh thần khách quan khoa học, thì bên trong hẳn còn lắm điều hay.
     Tuy nhiên, vì môn triết học Mác có thời gian bị nghiên cứu và giảng dạy một cách giáo điều, một phần do ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc, nên đã bị tầm thường hóa và kém sức hấp dẫn, khiến cho có lần, vào năm 1988, GS triết học Lý Chánh Trung (dạy môn Triết tại các đại học ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975; sau 1975 là Phó chủ tịch Hội Trí thức Yêu nước, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam TP. HCM, Đại biểu Quốc hội ba khóa VI, VII, VIII) đã gọi môn học này bằng tên một bài viết đăng công khai trên tờ Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 13.11.1988: “Về một môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học”.
     Riêng bản thân tôi thì cũng có vài lần bày tỏ ý kiến thẳng thắn, công khai về việc nghiên cứu-giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin trên một số tờ báo hoặc tạp chí xuất bản trong nước hoàn toàn hợp pháp (thường dưới bút danh Trần Khuyết Nghi). Vì đến nay tôi chẳng những không thay đổi ý kiến mà còn ngày càng thêm xác tín, nên xin phép được chép lại nguyên văn vài đoạn đã nhận định.
     Một đoạn viết hồi tháng 9.1988 (Trần Khuyết Nghi, “Cần biên soạn lại sách giáo khoa?”, báo Tuổi Trẻ, 22.9.1988, tr. 2): “Trước hết, phải điều chỉnh ngay những chỗ người ta ‘tầm thường hóa’ chủ nghĩa Mác, biến những ý tưởng trong sáng của chủ nghĩa Mác thành một học thuyết giáo điều. Ngay cả cuốn sách có tên là ‘Kinh tế chính trị học’ cũng chưa giúp cho người học giải thích rành rẽ các hiện tượng kinh tế, và người sinh viên được trang bị những kiến thức trong đó cũng không có khả năng hiểu và hoạt động kinh tế cho ra trò được”.
     Hai tháng sau, khi bàn về mối quan hệ giữa triết học và chính trị, tôi lại viết: Thay vì dùng triết học để soi sáng cho đường lối chính trị, có một hiện tượng không bình thường đã xảy ra ở các nước XHCN, trong đó có nước ta, đó là việc dùng chính trị để nghiên cứu và chi phối triết học. Từ chủ nghĩa duy ý chí (hay từ những đòi hỏi chính trị), người ta đã có những giải thích lệch lạc tầm thường hóa chủ nghĩa Mác, biến nó thành một học thuyết giáo điều, rồi trên cơ sở chủ nghĩa Mác đã giáo điều hóa, xây dựng nên một hệ thống các tư tưởng chính trị (thể hiện trong một số đường lối, chính sách, các định thức chính trị-xã hội…) để đến lượt chính hệ thống này chi phối lại việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác (…). Sự thật thì ở nước ta (cũng như ở nhiều nước XHCN khác), chỉ có những người học triết, giảng triết chứ không có triết gia… Rõ ràng chúng ta chưa có một công trình triết học nào đáng kể (kể cả về triết học Mác-Lênin), một công trình dùng dẫn chứng cho những công trình khác, được nhân dân và giới trí thức lưu ý. Rốt cuộc, các ‘nhà triết học’ của ta đành phải dẫn chứng lời nói của các lãnh tụ hoặc nghị quyết chính trị, thay vì phải làm ngược lại. Việc nghiên cứu triết học lại chỉ do các công chức thực hiện nên không thể có tự do tư tưởng, điều kiện số một của tư duy triết học và điều này quả là trái với truyền thống triết học thế giới. Ngay như Mác, Ăngghen, Lênin cũng không bao giờ lãnh lương để nghiên cứu triết học!” (Trần Khuyết Nghi, “Triết học và chính trị”, báo Tuổi Trẻ, 29.11.1988).
     Lại bốn năm sau, tiếp tục cảm tình với chủ nghĩa Mác, tôi lại cố biện minh: “Lý tưởng thiết lập một xã hội công bằng (đã có từ thời cổ đại Hi Lạp, La Mã, Trung Quốc và sau này phát triển ở Tây phương với các đại biểu xuất sắc như Saint-Simon và Fourier ở Pháp, Owen ở Anh, thế kỷ XVIII) được sự phân tích khoa học của Marx (tập trung trong bộ Tư bản, 1866) đã tìm được cơ sở lý luận để đi vào thực hiện bằng hành động cách mạng của giai cấp vô sản. Theo Marx, chủ nghĩa tư bản với sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất đã bóc lột công nhân bằng giá trị thặng dư, cùng với sự cạnh tranh tự do giữa các nhà tư bản, đã tạo ra trong bản thân nó những mâu thuẫn và không tránh khỏi sụp đổ, bằng sự thắng lợi của giai cấp công nhân, chế độ công hữu tài sản và một tổ chức xã hội không giai cấp trong đó vai trò của nhà nước sẽ dần dần bớt quan trọng đi.
     Tuy nhiên, một số dự đoán của Marx theo lô-gích lịch sử được rút ra từ sự phân tích chủ nghĩa tư bản và tình trạng cùng khốn của tầng lớp công nhân nước Anh vào thế kỷ XIX (lúc đó, nước Anh là một nước tập trung đầy đủ mọi yếu tố của xã hội tư bản) đã tỏ ra không hoàn toàn phù hợp với thực tế của thế kỷ sau đó.
     Cho đến bây giờ, không ai trên thế giới lại không cảm phục thiên tài và nhiệt tâm của Marx, cũng như vai trò tư tưởng của ông trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, nhưng có lẽ Marx sẽ ngạc nhiên nhiều nếu giả định ông được trông thấy những giới hạn tiêu cực đã xảy ra trong một số mô hình XHCN đã có trong thực tế mấy chục năm qua. Điều đó buộc ta phải nghĩ rằng trong sự thành lập học thuyết của mình, và chỉ ra lô-gích phát triển của xã hội tư bản, Marx ít nhiều đã chịu sự chi phối của một lương thức được hướng dẫn bởi lòng tốt, tình cảm chia sẻ với nỗi thống khổ của nhân sinh, sự phẫn nộ đối với áp bức bất công và nhiệt tình say sưa với lý tưởng công bằng xã hội” (Trần Khuyết Nghi, “Từ Adam Smith đến Marx, thử suy nghĩ về vấn đề quyền sở hữu và phát triển kinh tế”, tạp chí Phát Triển Kinh Tế, số 22, tháng 8.1992, tr. 6).    
     Trên kia nói bị ảnh hưởng bởi Liên Xô và Trung Quốc, vì có một thời tại những nơi này, chủ nghĩa giáo điều đã ngự trị một cách hầu như triệt để trong hoạt động nghiên cứu-giảng dạy không chỉ về triết học Mác-Lênin mà còn cả trong mọi bộ môn khoa học khác, từ tự nhiên đến xã hội. Như trong một giáo trình về Thổ nhưỡng học giảng dạy sau năm 1975, sinh viên ngành nông nghiệp Việt Nam phải học bài mở đầu là “Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về độ phì đất đai”, thì nghe cũng hơi lạ!
     Khi dẫn “tài liệu tham khảo” cho mọi công trình nghiên cứu thuộc bất cứ ngành khoa học gì, những cuốn sách được kê ra hàng đầu luôn luôn phải là loại sách kinh điển (Mác-Lênin), kế đến là sách viết, bài viết hoặc diễn văn của các nhà lãnh tụ chính trị…   
     Theo Từ điển Triết học do một nhóm nhà nghiên cứu triết học Liên Xô biên soạn (NXB Sự Thật, Hà Nội, 1960) thì: “Chủ nghĩa duy vật biện chứng là phương pháp duy nhất có giá trị của các khoa học hiện đại, là lý luận duy nhất khoa học để giải thích và cải tạo tự nhiên và xã hội” (tr. 828).
     Còn ở Trung Quốc, tình trạng lúc đó còn có thể tệ hại hơn, đặc biệt trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa (1966-1976) do Mao Trạch Đông chủ xướng, thúc đẩy.
     Như chúng ta đều biết, trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông cầm quyền, lời nói của Mao luôn được coi là thiên kinh địa nghĩa. Việc gì của Mao làm cũng được ca tụng, thành công gì trong các hoạt động khoa học, chính trị, văn hóa... cũng đều quy công cho tư tưởng chỉ đạo anh minh của Mao. Các sách khoa học tự nhiên thời đó từ y học, thực vật học cho đến địa chất học… đều phải tôn Mao làm chủ soái. Chẳng hạn, trong lời nói đầu sách Mao Chủ tịch ngữ lục nhân dịp sách tái bản năm 1966 (mà ai cũng phải thủ sẵn một cuốn dùng làm cẩm nang, kim chỉ nam), Lâm Bưu (lúc đó còn thân thiện với Mao) đã không ngần ngại viết, với mấy đoạn đầu xin lược dịch như sau: “Đồng chí Mao Trạch Đông là một nhà Mácxit-Lêninnit vĩ đại nhất hiện nay. Đồng chí là người đã kế thừa, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin một cách thiên tài, sáng tạo, toàn diện, nâng chủ nghĩa Mác-Lênin đến một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ (…). Tư tưởng Mao Trạch Đông là vũ khí tư tưởng lớn mạnh chống chủ nghĩa đế quốc, là vũ khí tư tưởng lớn mạnh chống chủ nghĩa cải lương và chủ nghĩa giáo điều. Tư tưởng Mao Trạch Đông là phương châm chỉ đạo hết thảy mọi công tác của toàn Đảng, toàn quân và toàn quốc. Vì vậy, mãi mãi giương cao ngọn cờ đỏ vĩ đại tư tưởng Mao Trạch Đông, dùng tư tưởng Mao Trạch Đông vũ trang cho trí não của nhân dân toàn quốc, kiên trì lấy tư tưởng Mao Trạch Động làm thống soái trong mọi công tác, đó là nhiệm vụ tối căn bản trong công tác chính trị tư tưởng của Đảng ta. Quảng đại quần chúng công nông binh, quảng đại cán bộ cách mạng và quảng đại phần tử trí thức, đều cần phải học tập tư tưởng Mao Trạch Đông đến nơi đến chốn, thực hiện người người đọc sách Mao Chủ tịch, nghe lời dạy Mao Chủ tịch, làm việc chiếu theo chỉ thị của Mao Chủ tịch, làm người chiến sĩ tốt của Mao Chủ tịch…”.
     Do ảnh hưởng nặng nề của bệnh giáo điều từ Liên Xô, Trung Quốc một thời như thế, ngày nay việc nghiên cứu-giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và triết học Mác nói riêng nhất thiết và cấp bách cần phải được xem xét lại để cải tổ.
     Đã có một số ý kiến phát biểu công khai liên quan việc hệ trọng nêu trên nhưng còn ít, vì nhiều lý do rất ngoắt ngoéo, tế nhị, nhưng chủ yếu là vì không có tự do ngôn luận.
     Theo PGS Đào Công Tiến (nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. HCM), về các vấn đề lý luận chung, nên coi trọng thực tiễn cuộc sống hơn lý luận giáo điều, từ đó ông cho rằng tư tưởng học thuyết Mác-Lênin đi vào cuộc sống với mô hình XHCN tại Việt Nam và vài nơi khác không suôn sẻ, không tránh được những sai lầm phải trả giá và cuối cùng không ngăn được khủng hoảng sụp đổ, bởi nó có sự bất cập tự thân từ “gốc” của tư tưởng, học thuyết, rồi sau đó lại chỉ rập khuôn mà không được phát triển theo hướng “kế thừa, cải biên và sáng tạo”. Ông mạnh dạn nêu rõ: “Không chỉ có “bệnh giáo điều” đã làm cho học thuyết Mác-Lênin xơ cứng không phát triển, mà còn vì phương pháp tư duy chủ quan duy ý chí, “tả khuynh” đã dẫn đến những “giáo điều phản Mác” làm cho tư tưởng học thuyết bị “méo mó”, nhất là trong việc chọn lựa và thực thi mô hình XHCN ở Liên Xô cũ và nhiều nước XHCN khác. Khuyết tật của mô hình XHCN nầy đã được nói đến trên nhiều khía cạnh trong những nghiên cứu gần đây, nhưng tiêu biểu thì có hai mảng lớn: (1) chọn nhà nước chuyên chính vô sản đặt lên mọi hoạt động của đời sống xã hội mà không cần biết trạng thái dân tộc của xã hội công dân ở đó ra sao; (2) chọn quan hệ sản xuất với đặc trưng tuyệt đối hóa công hữu về tư liệu sản xuất, kế hoạch hóa tập trung và bao cấp đặt lên nền kinh tế, mà không cần biết đến trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất trong nền kinh tế đó như thế nào. Với những khuyết tật đó, mô hình XHCN đi vào cuộc sống không suôn sẻ, nhưng bằng mọi giá phải áp đặt cho được, cả bằng tư tưởng, tổ chức thậm chí trấn áp bằng bạo lực. Cải cách ruộng đất, hợp tác hóa kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông trường quốc doanh không tạo được hiệu quả trong hoạt động, cải tạo kinh tế tư nhân trong công thương nghiệp, phân phối bình quân và bao cấp ở Việt Nam vào những thập niên 60, 70 và đầu 80 của thế kỷ trước với nhiều thất bại kèm theo là những minh chứng cho các cách làm vừa kể” (xem Đào Công Tiến, “Sòng phẳng với lý luận”, Tư duy phát triển, NXB Thời Đại, 2012, tr. 16-17).
     Trên thực tế, bỏ qua thời kỳ đầu du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, từ khoảng những năm 20 của thế kỷ trước, nếu chỉ tính từ năm 1954, Việt Nam đã áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin được hơn 60 năm. Để biết hiệu quả sự áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung và triết học Mác nói riêng vào thực tiễn đời sống cũng như vào các hoạt động nghiên cứu học thuật phục vụ hòa bình (không kể những hoạt động phục vụ chiến tranh và chiến đấu cũ trước đây nhờ dựa trên lý luận cường điệu về mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp…), các nhà nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ tiến bộ ngày nay cần có một cuộc phân tích lại đầy đủ và có tính thuyết phục để kiểm chứng cụ thể những công trình nghiên cứu hay sự nghiệp đời sống nào nhờ vận dụng tốt chủ nghĩa Mác-Lênin mà thành công, cũng như vì vận dụng nó sai lạc mà thất bại, để chứng minh tính hấp dẫn của nó, nhất là tính có phù hợp hay không của nó đối với đặc điểm dân tộc, từ đó phát huy tác dụng nếu phù hợp, và cải thiện phương thức nghiên cứu-giảng dạy, song song với việc nghiên cứu-giảng dạy bình đẳng với những trào lưu triết học khác đã xuất hiện trong lịch sử. Đó có lẽ là cách tốt nhất để bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin một cách sòng phẳng nhưng hiệu quả, thay cho cách áp đặt bằng những khẩu hiệu rất kêu nhưng tầm thường và trống rỗng.
     Cho đến hiện nay, như tất cả mọi người đều biết, môn học Mác-Lênin vẫn tiếp tục được coi là bộ môn bắt buộc ở hầu hết (nếu không muốn nói tất cả) các trường cao đẳng-đại học, mà hỏi ra thì gần 100% sinh viên đều cho biết họ phải học nó một cách hết sức trầy trật vất vả, chán nản, theo kiểu ê a thuộc lòng, như để “trả nợ quỷ thần” cho qua các kỳ thi ở cấp cao đẳng-đại học, để kiếm mảnh bằng câu cơm, hoặc tham vọng hơn và một cách có ý thức hơn là để được thăng tiến trên con đường chính trị trong chế độ “lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng”, làm bậc thang cho việc thực hiện lý tưởng phụng thờ chủ nghĩa vật chất. Kết quả thật éo le và buồn cười: sau khi được trang bị chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách giảng dạy-hấp thụ cũ kỹ như từ trước, thực tế đầu óc các em sinh viên chẳng những không vỡ vạc ra điều gì mới mẻ về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp làm việc…, trái lại còn trở thành những kẻ nô lệ đáng tội nghiệp, từ đó thui chột hết tinh thần phê phán và óc sáng tạo (vốn là linh hồn của chủ nghĩa Mác đích thực), đâm ra chán ghét không chỉ triết học Mác-Lênin mà còn chẳng thiết gì đến mọi hoạt động tư tưởng hay tư duy triết học khách quan và tự do nữa.
     Thực tế cho thấy, vẫn chưa hết một số ít người hiện nay ở nước ta đề cao chủ nghĩa Mác-Lênin như một thứ vũ khí sắc bén vô địch, độc tôn duy nhất, cho phép giải quyết tốt mọi vấn đề chính trị-kinh tế-văn hóa-văn học-giáo dục-xã hội…, mà không chịu khách quan xem xét lại chủ nghĩa đó trên cơ sở thực tế những điều kiện lịch sử cụ thể của thời đại mới, nhưng khi phát biểu ra niềm tin như thế thì vì nhiều lý do khác nhau, dường như họ chỉ làm bộ tin vậy thôi chứ không phải thật lòng tin tưởng!     
     Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là triết học Mác không phải vì những lý do bị chính trị hóa/ bị lợi dụng như nêu trên mà mất đi giá trị thật, cố hữu của nó. Trước sau nó vẫn còn là một hệ thống tư tưởng lớn đáng được nghiên cứu, tham khảo, giảng dạy một cách nghiêm túc với tinh thần mới mẻ và khách quan hơn. Điều này đặc biệt đúng trong điều kiện cả CNXH lẫn chủ nghĩa tư bản thế giới mãi cho đến hôm nay vẫn vấp phải nhiều chuyện trục trặc, biểu hiện rõ nét qua các cuộc khủng hoảng tài chính và khủng hoảng môi sinh toàn cầu; cũng như cho đến khi nào hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng tăng giữa các nước và trong mỗi nước vẫn chưa khắc phục được để đem lại sự công bằng và nền hòa bình cho nhân loại, thì tiếng nói của Mác-Ăngghen chứa đựng trong các sách kinh điển của các ông vẫn còn là tiếng kêu lớn vang vọng lâu dài để tiếp tục cảnh tỉnh và lay động lương tri con người.             
     Trên đây, chúng tôi gần như không đưa ra được thêm bất kỳ ý kiến nào mới, ngoài việc “bút ký” lại nguyên văn những gì đã được phát biểu công khai trên sách báo xuất bản chính thức và hợp pháp trong nước, kèm theo vài nhận xét thô thiển nhưng chân thành dựa trên thực tế sinh động của cuộc sống, cốt chỉ để rộng đường tham khảo về việc nghiên cứu-giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin tại Việt Nam, với hi vọng sẽ có được sự cải tổ căn bản và thích hợp trong một tương lai không xa. Ít nhất/ trước nhất cũng để cho sinh viên Việt Nam tại các trường cao đẳng-đại học đỡ khổ, mà có điều kiện tập trung lo trau dồi những loại kiến thức khác bổ ích hơn vừa cho bản thân các em, vừa cho cả toàn xã hội.
     Bản thân chúng tôi biết chắc trước về mặt lý luận không thể nào hiểu biết hơn được các vị đang công tác trong ngành tuyên huấn hoặc trong Hội đồng Lý luận trung ương, vì thiếu tính chuyên nghiệp, cũng chưa có thì giờ đọc hết các bộ “toàn tập” (như nhà nghiên cứu Lữ Phương…), nên nếu được các vị phản biện thẳng thắn chỉ ra cho thấy những điều sơ sót, bất cập thì thật là vạn hạnh.    
                                                                            30. 3.2015 (Chỉnh sửa-bổ sung 1.9.2016)   
(Đã đăng trên bauxit.vietnam, 2.9.2016)
Tác giả gởi cho viet-studies ngày 3-9-16

BÀN THÊM VỀ VIỆC  NGHIÊN CỨU-GIẢNG DẠY  DẠY CHỦ NGHĨA MÁC-LÊ NIN TẠI VIỆT NAM
TRẦN VĂN CHÁNH/ viet_studies 12/9/2016
     Trong một bài viết trước (viet-studies 4.9.2016), chúng tôi đã cố gắng phân tích, chứng minh khá rõ về tính cách vô dụng (nếu không muốn nói có hại) của việc nghiên cứu-giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin theo phương thức giáo điều cũ kỹ được áp dụng hơn nửa thế kỷ nay tại các trường cao đẳng-đại học miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và trên toàn quốc từ sau năm 1975, từ đó nêu lên yêu cầu cấp bách cần phải có sự cải tổ một cách căn bản việc giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin tại Việt Nam.          
     Đại khái, sở dĩ có đòi hỏi cấp bách như trên là vì “gần 100% sinh viên đều cho biết họ phải học nó một cách hết sức trầy trật vất vả, chán nản…”; “với kết quả thật éo le và buồn cười: sau khi được trang bị chủ nghĩa Mác-Lênin bằng cách giảng dạy-hấp thụ cũ kỹ như từ trước, thực tế đầu óc các em sinh viên chẳng những không vỡ vạc ra điều gì mới mẻ về thế giới quan, nhân sinh quan, phương pháp làm việc…, trái lại còn trở thành những kẻ nô lệ đáng tội nghiệp, từ đó thui chột hết tinh thần phê phán và óc sáng tạo, đâm ra chán ghét không chỉ triết học Mác-Lênin mà còn chẳng thiết gì đến mọi hoạt động tư tưởng hay tư duy triết học khách quan và tự do nữa”.
     Còn về mục đích của yêu cầu cải tổ, chúng tôi cũng chưa nói gì cao xa, chỉ nêu đại khái, “ít nhất/ trước nhất cũng để cho sinh viên Việt Nam tại các trường cao đẳng-đại học đỡ khổ, mà có điều kiện tập trung lo trau dồi những loại kiến thức khác bổ ích hơn vừa cho bản thân các em, vừa cho cả toàn xã hội”.
     Bây giờ nghĩ lại, mới thấy, nêu ra yêu cầu thì dễ quá, nhưng làm sao hiện thực hóa yêu cầu mới khó, và còn cả những vấn đề tế nhị-phức tạp khác kèm theo, chẳng hạn, như phải tiến hành cải tổ theo một lộ trình cụ thể như thế nào…, chứ không thể nói khơi khơi được! Điều này, nếu đặt trong bối cảnh thể chế chính trị Việt Nam, với phương thức mọi thứ đều lấy quyết định tập thể, dường như không phải chỉ riêng chuyện cải cách môn học Mác-Lênin (mà nhiều người đã từng đặt ra ở những mức độ khác nhau), mà mọi sự cải cách (hay còn gọi “đổi mới”) đều khó khăn, trầy trật/ kéo dài ngang nhau, kể cả những trường hợp xem ra có vẻ dễ hơn nhiều vì ít “chính trị” hơn, như tự chủ đại học (còn gọi “tự trị đại học”), hay cải cách chương trình và sách giáo khoa bậc trung-tiểu học chẳng hạn…
     Trên thực tế Việt Nam vài chục năm nay, lấy năm 1975 đất nước thống nhất làm mốc căn bản, chưa hề có một cuộc cải cách, cải tổ, hay đổi mới nào cả, mà chỉ có sửa sai! Như thôi làm tập thể hóa nông nghiệp, chuyển từ chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường… thì chỉ sửa sai thôi chứ không phải cải cách, đổi mới. Ngay cả khi đã quyết định “giao đất” cho dân thì cũng còn nhập nhằng giữa quyền sở hữu với quyền sử dụng, mục đích sử dụng…(vì vẫn giữ nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”); khi quyết định chuyển sang kinh tế thị trường thì cũng còn ráng vớt lại cái đuôi định hướng XHCN (vì vẫn chưa bỏ hẳn nguyên tắc “kinh tế quốc doanh chủ đạo”)…. Cũng vậy, nghị quyết Đảng lần sau chẳng qua chỉ sửa sai cho lần trước bằng cách chỉnh sửa vài câu chữ, còn nội dung/ tinh thần của chúng thì trong suốt mấy chục năm, căn bản/ cốt lõi vẫn không có gì khác trước. Thậm chí, đôi khi người ta còn lấy cái sai này để sửa cho cái sai khác; hoặc đã sửa đúng, nhưng rồi cũng chẳng thực hiện được bao nhiêu! Đây có thể được coi là nguyên nhân, chưa phải gốc, của tất cả mọi sự trì trệ mà người ta bàn hoài, tốn biết bao công sức, mồ hôi nước miếng, giấy mực và các cuộc hội nghị/hội thảo / tọa đàm, vẫn tiếp tục nằm trong cái vòng luẩn quẩn không thấy lối ra.
     Đa số người dân ít để ý, nên khi trông thấy nhà cửa, đường sá, cầu cống, trường học, bệnh viện… ngày càng được xây dựng nhiều thêm thì tưởng có đổi mới, nhưng kỳ thực không phải. Chẳng qua chỉ là việc phát triển cơ sở hạ tầng mà bất cứ quốc gia nào không cần chủ trương đổi mới gì cả cũng phải làm! Riêng tại Việt Nam, vì có chuyện “giao” và “thu hồi” đất các loại nên việc sử dụng đất còn bị các phần tử đặc quyền đặc lợi lạm dụng; tình trạng tham nhũng diễn ra trong ngành xây dựng được ghi nhận ở mức cao, gây bất mãn trong dân; ấy là chưa kể đến thủ đoạn quy hoạch treo quá ác nghiệt, hoặc lối quy hoạch xây dựng bát nháo vô nguyên tắc gây nên những hậu quả nghiêm trọng như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… ở các khu đô thị, vô phương cứu chữa!
     Trở lại chuyện giảng dạy chủ nghĩa Mác-Lênin, người ta kể có một ông hiệu trưởng đại học nọ, kinh nghiệm đầy mình, thấy nó quá tào lao nên đã cho giảm giờ dạy trên thực tế bằng cách vẫn trả đủ tiền giờ dạy theo quy định cho số giáo viên phụ trách môn học này, để họ không phản ứng vì bị mất quyền lợi. Đây là một thí dụ, có thể còn nhiều thí dụ khác tương tự, cho thấy việc duy trì bộ môn Chủ nghĩa Mác-Lênin (còn gọi bộ môn Lý luận Chính trị) như hiện trạng với số giờ dạy rất nhiều của nó trong các loại trường đại học (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các chuyên ngành lý luận…) không chỉ đương nhiên liên quan nhu cầu chính trị của chế độ, mà còn có chuyện quyền lợi theo kiểu “lợi ích nhóm”, ở đây là số giáo viên phụ trách giảng dạy. Điều này có nghĩa, trong điều kiện mới của tình hình thế giới và của đất nước hiện nay, giả định nếu có một số người miệng vẫn luôn nói Mác-Lênin, muốn duy trì lề lối giảng dạy Mác-Lênin theo kiểu cũ, thì chưa chắc họ thật sự tin yêu chủ nghĩa Mác-Lênin, mà do nếu có sự thay đổi lớn thì quyền và lợi của họ cũng bị mất/ giảm theo. Tương tự như vậy, mọi ý đồ cải cách chân chính trong lịch sử đều gặp khó khăn bước đầu vì bị ngăn cản cách này cách khác từ các thế lực bảo thủ, chủ yếu vì lý do “lợi ích nhóm” nhưng được che giấu khéo léo dưới lớp vỏ trách nhiệm cao cả hay lý tưởng này khác. Việc cải cách sách giáo khoa trung-tiểu học theo hướng phải có nhiều bộ sách giáo khoa, bàn tới bàn lui mấy chục năm vẫn chưa đi đến đâu, xét cho cùng một phần quan trọng cũng vì lý do tương tự, bởi ngành giáo dục tuy về mặt quan điểm/ chủ trương có muốn phá bỏ thế độc quyền, nhưng đã bị không ít cán bộ lâu nay vốn được hưởng lợi trong công tác biên soạn, in ấn, xuất bản, phát hành sách giáo khoa tìm mọi cách trì kéo lại. Khuynh hướng chung vị lợi này chính Các Mác cũng đã từng phát biểu, đại khái rằng khi người ta hành động thì thường tìm cách đưa ra những chiêu bài cao siêu này khác, nhưng thực tế chỉ là để tranh chấp nhau về quyền lợi, của cải vật chất.
     Ở Việt Nam, chưa thấy tài liệu thống kê chính thức số lượng giảng viên bộ môn Mác-Lênin (hay Lý luận Chính trị) trên toàn quốc là bao nhiêu, nhưng được biết, chỉ riêng khoa Lý luận Chính trị (tiền thân là khoa Mác-Lê nin) của Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vào năm 2014 đã có tới tổng cộng 33 người, gồm cán bộ, giảng viên, và viên chức. Theo danh sách liệt kê rất cụ thể của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Việt Nam hiện nay có khoảng trên dưới 700 trường cao đẳng-đại học-học viện công tư các loại. Nếu tính trừ hao và bình quân cho chắc,  mỗi trường chỉ có 6 cán bộ, giảng viên thôi thì tổng cộng trên toàn quốc cũng lên đến trên dưới 4.200 người. Một con số, hay cũng có thể gọi là thế lực, không nhỏ!
     Trong lộ trình cải cách, không thể không cân nhắc thận trọng nhiều khía cạnh, và một cách thông cảm, trong đó có vấn đề liên quan đến công ăn việc làm đi cùng với quyền lợi thiết thực và chính đáng của nhóm người này, mà một số trong họ vì hoàn cảnh cũng thật sự bị rơi vào tình trạng bất đắc dĩ phải dạy cái môn buồn ngủ “thầy không muốn dạy và trò không muốn học” rất quái ác này.
     Nhưng như ở đoạn trên phân tích, nếu chỉ sửa sai sơ sơ như những trường hợp khác đã nêu thì chưa thể gọi là cải cách hay đổi mới. Muốn đạt sự cải cách thật sự toàn diện và căn bản, vừa mau lẹ vừa ít tốn kém, có nội dung thực chất nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhất, theo thiển ý chúng tôi, không gì nhanh gọn bằng quyết định bãi bỏ ngay bộ môn Mác-Lênin trong hết thảy các trường cao đẳng-đại học, chỉ giữ lại nó như một phân môn cho chuyên khoa Triết bậc đại học, hoặc cho các trường/ viện chuyên khoa về lý luận chính trị. Nhưng tại những nơi cần được giữ lại này, muốn cho đất nước và dân tộc không tiếp tục bị tàn hại thêm vì bệnh giáo điều (như đã trình bày rõ trong bài viết trước), môn triết học Mác-Lênin cũng cần được học tập/ giảng dạy theo chiều hướng tiến bộ, phi giáo điều hóa, với óc sáng tạo và tinh thần phê phán khách quan trong điều kiện thế giới mới đầy biến chuyển, để khám phá cho ra đầy đủ những nét tinh túy, nhân bản tốt đẹp nhất chứa đựng trong chủ nghĩa Mác, tương tự như một số trường đại học và học giả trên thế giới tiến bộ đã làm.
     Về lộ trình, có hai vấn đề căn bản nhất cần giải quyết: (1) Biên soạn lại chương trình-sách giáo khoa Mác-Lênin mới; (2) Giải quyết công ăn việc làm cho số giảng viên bộ môn Mác-Lênin trong giai đoạn đầu cải cách.
     Về vấn đề thứ nhất, nên tham khảo các sách của nhiều nước trên thế giới (không loại trừ Nga, Đức, Trung Quốc) để biên soạn lại bộ giáo trình, theo đường lối tạm gọi là “chiết trung”. Việc này giao cho một hoặc vài nhóm biên soạn, có thể bao gồm số giảng viên Mác-Lênin hiện hữu, và một số cán bộ của Viện Triết học (thuộc Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), lựa trong số những người có tài năng và tinh thần tiến bộ thật sự. Ngoài ra, cũng chấp nhận cho tư nhân/ cá nhân mỗi giảng viên có quyền biên soạn giáo trình riêng để dạy cho học trò mình (tương tự như ở các đại học miền Nam trước 1975, với các giáo trình về triết học Mác của GS Nguyễn Văn Trung, GS Trần Văn Toàn…). Trong trường hợp cá nhân biên soạn, để tránh sự lệch lạc có hại có khả năng xảy ra trong giai đoạn đầu cải cách, có lẽ cũng cần đến một hội đồng hay tiểu ban duyệt sách do Ban giám hiệu của nhà trường hữu quan lập ra, chịu trách nhiệm trước Bộ Giáo dục & Đào tạo.
     Vấn đề thứ hai, khi bắt đầu bãi bỏ chung bộ môn Mác-Lênin trong các trường cao đẳng-đại học, thì có thể:
     - Trường nào có chuyên khoa Triết thì chọn số ít người còn yêu nghề/ hiếu học/ ham đọc và có óc cầu tiến trong số giảng viên hiện hữu để tiếp tục giảng dạy, sau khi đã qua một lớp tập huấn ngắn hạn do Bộ giáo dục chủ trì, và được cung cấp thêm nhiều tài liệu mới để tham khảo.
     - Số bị dôi ra vì dư người hoặc do không có khoa Triết trong trường thì vẫn được ở lại trường làm việc, lãnh lương căn bản như mức cũ, và xử lý bằng một trong 3 cách: (1) Lập thành một ban nghiên cứu Triết học hay gì gì đó cho những người ham thích, ban này sẽ được cung cấp đầy đủ các loại sách tham khảo mới mua từ trong nước và nước ngoài; đây cũng là lực lượng dự trữ để điền khuyết cho khoa Triết/ Lý luận Chính trị ở bất kỳ trường/ viện nào có nhu cầu giảng dạy; hoặc họ cũng có thể tham gia biên soạn sách giáo khoa môn Triết để tùy nghi sử dụng; (2) Người nào đã ngán Triết học thì cho dạy môn khác, nếu có, tùy khả năng; hoặc cho đi đào tạo để phụ trách những môn học mới (thế nào cũng có, trong quá trình cải cách giáo dục toàn diện ở một tương lai không xa); (3) Những người không phù hợp với cả hai loại công việc nêu trên thì cho ở không ăn lương, có thể cho chuyên trách ngoại khóa về đạo đức học đường (một lĩnh vực đang rất cần và rất thiếu hiện nay), hoặc phụ trách hướng dẫn các dạng sinh hoạt học đường khác cho sinh viên (như thể thao, báo chí…); ai có khả năng tự bơi được để kiếm sống thì có thể xin nghỉ việc, để chuyển sang một nghề tự do khác.
      Thay đổi như vậy với không thay đổi, so ra các loại nhà trường công cũng như tư vẫn không tốn thêm quỹ lương, trong khi đó xã hội được lợi vì không bị phun thêm nọc độc Mác-Lênin theo lề lối giảng dạy giáo điều cũ bấy lâu nay. Nhưng được lợi trực tiếp hơn cả vẫn là sinh viên các trường cao đẳng-đại học, vì các em khỏi phải ngáp vắn ngáp dài để nuốt lấy một môn học hầu như vô ích, để tập trung thời gian và tâm trí cho những môn học khác thiết thực, bổ ích hơn.
                                                                                                                         12.9.2016    


         Tác giả gởi cho viet-studies ngày 12-9-16

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét