Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

20160910. BÀN VỀ PHÊ BÌNH VÀ TỰ PHÊ BÌNH

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ VIỆC GÓP Ý, PHÊ PHÁN CHÍNH QUYỀN VÀ ĐẢNG
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 9-9-2016
Kết quả hình ảnh cho phê bình và tự phê bình
Karl Marx cho rằng mâu thuẫn chủ yếu của xã hội là mâu thuẫn giai cấp. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra Marx đã nhầm vì họ thấy rằng mâu thuẫn chủ yếu của xã hội là giữa đông đảo nhân dân (những người bị trị) và chính quyền (tầng lớp thống trị). Phát hiện ra nội dung cụ thể của mâu thuẫn chủ yếu là từ người dân. Trong những nước có thể chế tiến bộ thì việc giải quyết mâu thuẫn này chủ yếu bằng con đường dân chủ và đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền. Khi nó được giải quyết ổn thỏa thì xã hội phát triển tốt đẹp. Khi nó sâu nặng thì xã hội rối ren, loạn lạc. Lúc mâu thuẫn đến đỉnh điểm mà không dung hòa được thì sẽ xảy ra cách mạng theo các kiểu khác nhau. Mâu thuẫn giai cấp cũng có nhưng không phải là chủ yếu.
Xã hội Việt Nam đã từng có thời kỳ đạt được sự thống nhất cao giữa nhân dân và lãnh đạo. Nhưng vài chục năm gần đây mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền càng ngày càng nhiều, dân mất lòng tin, sự mất ổn định xã hội ngày càng tăng. Giải quyết mâu thuẫn này là trách nhiệm của cả hai phía mà chủ yếu là phía lãnh đạo. Đảng Cộng sản, họp hết đại hội này khác, đề ra hết nghị quyết nọ kia chủ yếu cũng là để giải quyết mâu thuẫn này. Còn phía người dân, họ cũng phải góp phần vào việc giải quyết mâu thuẫn. Bài này tôi chỉ xin bàn đến người dân trong việc góp ý, phê phán hoặc chỉ trích chính quyền (gọi chung là phê phán).
Hiện đang tồn tại nhiều khuynh hướng khác nhau về thái độ cần có của người dân, trong đó nổi lên hai khuynh hướng chính: hợp tác và đấu tranh.
Phê phán theo khuynh hướng hợp tác chủ trương dựa trên sự phê bình và tự phê, dùng biện pháp góp ý chân thành, có chê bai nhưng phải trên cơ sở công nhận thành tích và ưu điểm, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, phát huy dân chủ tập trung, v.v. Khuynh hướng này đang được chính quyền chấp nhận có giới hạn. Nó dựa trên triết lý “Dĩ hòa vi quý” trong truyền thống dân tộc, được một số sách báo về phương châm xử thế tuyên truyền, ca ngợi, theo chủ thuyết “Đắc Nhân Tâm”. Nhiều tôn giáo rao giảng sự hòa thuận, Liên Hiệp Quốc khuyến khích sự bao dung (tolerate, tolérance).
Khuynh hướng đấu tranh chủ trương chỉ trích công khai và thẳng thắn, vạch ra những sai lầm của lãnh đạo, của chính quyền và đòi hỏi phải sửa chữa, phải thực thi dân chủ. Phải tách bạch công đến đâu, tội đến đâu, không dùng một chút công nhỏ để che lấp tội lớn. Việc đấu tranh thông qua hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự là chủ yếu, đấu tranh ôn hòa, bất bạo động nhưng phải quyết liệt (mà chủ yếu là biểu tình và các hoạt động bất tuân phục dân sự). Một trong các dạng đấu tranh ôn hòa là các nhà hoạt động dân chủ đòi được đối thoại toàn diện và công khai với Đảng và chính quyền, đòi được quyền lập hội và tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.
Người theo hai khuynh hướng trên ai cũng tự cho mình là đúng, rồi công kích khuynh hướng kia là quá tả hoặc quá hữu. Có người muốn dung hòa giữa hai bên. Cũng có người trước ở bên hợp tác sau chuyển qua bên tranh đấu.
Hai khuynh hướng với các biện pháp khác nhau đều nhằm đến mục đích tốt đẹp trong tương lai là phát triển đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục đích tốt đẹp là quan trọng, nhưng không thể viện dẫn sự tốt đẹp đó để khẳng định sự đúng đắn, sự phù hợp của bất kỳ biện pháp nào. Mỗi biện pháp đều có mặt ưu mặt nhược và chỉ phát huy tác dụng trong môi trường và điều kiện thích hợp. Muốn đạt mục đích tốt đẹp thì phải chọn được phương pháp đúng, còn không thì càng tiến hành càng xa rời nó. Vậy môi trường và điều kiện để dùng được các biện pháp trên là gồm những gì. Tôi cố gắng tìm hiểu và phân tích.
Xét hai bên A và B mà A đang lựa chọn cách để phê phán hoặc tiến hành phê phán B, vì có mâu thuẫn, vì những việc B làm mà A không vừa lòng.
Khuynh hướng hợp tác theo hình mẫu “Đắc Nhân Tâm” dùng rất tốt cho trường hợp A, B cùng một phía, có quan hệ thân thiết hoặc không va chạm quyền lợi. Đó là cách giao tiếp có hiệu quả giữa chốn bạn bè, khi hai bên đều có thiện chí, đặc biệt là khi A, B có quan hệ phụ thuộc (là họ hàng hoặc cấp trên cấp dưới trực tiếp). Tuy vậy thái độ đối với việc phê phán lúc này của hai bên phải khác nhau thì mới có hiệu quả cao. Bên phê phán A cần Đắc Nhân Tâm. Ngược lại bên nhận phê phán B cần có thiện chí khi tiếp nhận, luôn cầu mong những lời chỉ trích thẳng thắn, phải luôn tâm niệm phương châm: “Nghe lời khen thì thich đấy nhưng không có ích. Nghe lời chê bai, chỉ trích thì có thể khó chịu, nhưng sẽ có ích”. Người B không đòi hỏi A phải nhẹ nhàng với mình mà quan trọng nhất là đúng sự thật. Thuốc đắng dã tật. Người chế ra thuốc đắng cần tìm cách làm bớt đắng để giúp người bệnh dễ nuốt (bọc đường chẳng hạn, nhưng thuốc bọc đường sẽ kém tác dụng), còn người bệnh thì thuốc đắng đến bao nhiêu cũng cố mà nuốt, nếu xét ra đó là thuốc tốt, chữa được bệnh. Khi biết thuốc chữa được bệnh của mình, đặc biệt là bệnh đã nặng mà không chịu nuốt chỉ vì đắng thì bệnh nhân đó là loại quá ngu, quá hèn.
Biện pháp Đắc Nhân Tâm không thể dùng gượng ép cho quan hệ A B là thù địch hoặc bên B vì cố giữ quyền lợi ích kỷ mà mất hết thiện chí, không những chống trả kịch liệt mà còn tìm cách tiêu diệt bên A công khai hoặc ngấm ngầm.
Khuynh hướng đấu tranh là phù hợp khi xung đột quyền lợi trở nên gay gắt, khi bên B không giữ được thiện chí, cố hết sức giữ quan điểm của mình mà không chịu tham khảo ý kiến của đối phương. Khi phải xử lý các xung đột, Marx có câu nổi tiếng “Vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí”. (Chắc Marx ám chỉ vũ khí nóng như súng đạn, còn tôi muốn vận dụng cho vũ khí ngôn từ).
Xét xã hội Việt Nam, trong quá khứ chúng ta đã dùng có hiệu quả biện pháp hợp tác. Hồi thập kỷ 50, 60, mỗi lần xuất hiện mâu thuẫn giữa dân và chính quyền (dân bị oan hoặc thấy chính quyền làm sai) thì mong ước thiết tha của người dân là phản ảnh lên để cấp trên biết. Tôi còn nhớ trong một số cuộc họp, được nghe lãnh đạo nói: “Những điều sai trái, bất cập của chúng ta đã được Trung ương Đảng và Chính phủ biết đến”, thế là mừng, rất mừng, là vỗ tay hoan hô, là vô cùng hy vọng.
Nhưng rồi điều đó trở thành nhàm chán và vô tác dụng. Một điều vô cùng tai hại là người ta ngụy biện: Rằng Chủ nghĩa Mác Lênin (CNML) không sai, đường lối của Đảng hoàn toàn đúng, xã hội có nhiều sai lầm là do cán bộ cấp dưới thực hiện sai, rằng nguyên nhân của mọi tệ nạn là do một số cán bộ thoái hóa biến chất, không giữ được đạo đức cách mạng. Hồ Chí Minh có lần đã nói: “Bác có thể sai nhưng Đại Nguyên soái Stalin và Chủ tịch mao Trạch Đông không bao giờ sai”. Hồi còn trẻ tôi cũng rất tin vào lập luận này, khi đã suy nghĩ thấu đáo mới phát hiện ra sự ngụy biện. Nguy hiểm là sự ngụy biện này vẫn đang được một số tin theo chỉ vì lười suy nghĩ.
Đến đây chắc sẽ có một số người đòi hỏi: “Hãy chứng minh những điều trên là ngụy biện”. Xin thưa: Việc chứng minh này cần hơi dài. Trong một số các bài trước tôi đã chứng minh (xin tìm xem các bài: Một số nhầm lẫn của MarxNguyên nhân gốc của nhiều tệ nạnNguyên nhân xuống cấp của đạo đứcChống ngụy biện và nhầm lẫn về CNML. Nhiều tác giả khác cũng đã có những bài chứng minh rất hay). Nếu một mực tin rằng CNML là đúng, rằng Đảng sáng suốt, không sai, chỉ có cán bộ làm sai thì dùng phê và tự phê là có hiệu quả, thì thực tế cho thấy ngược lại: mấy chục năm qua, càng phê và tự phê thì xã hội càng rối loạn. Đảng đã từng có nhiều nghị quyết về củng cố, làm trong sạch và vững mạnh, thế mà có làm được gì đâu bằng con đường phê và tự phê!
Lãnh đạo của Đảng, hết đại hội này sang đại hội khác vẫn cố kiên trì CNML, lo củng cố chế độ độc tài đảng trị, ra sức đàn áp các xu hướng bất đồng, vu cho người ta là phản động, chống đối, hoạt động lật đổ. Biết bao người yêu nước chân chính, chỉ vì góp ý kiến một cách ôn hòa với lãnh đạo mà bị vùi dập, tù đày đến mức sống dở chết dở. Những cái tên như Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ, Đặng Kim Giang, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Kiến Giang, Vũ Đình Huỳnh, Trần Xuân Bách, Nguyễn Thanh Giang… và hàng ngàn, hàng vạn người khác là những bằng chứng không thể chối cãi về việc đàn áp của chính quyền đối với người phê phán họ.
Thế thì liệu biện pháp “Đắc Nhân Tâm” có còn thích hợp để cho những người bất đồng chính kiến Việt Nam dùng để phê phán Đảng và Chính quyền.
Tôi muốn phân biệt rõ hai khái niệm: 1- Đảng Cộng sản cùng với CNML, 2- Các đảng viên của Đảng Cộng sản (gọi tắt là ĐV). Trong lúc Cộng sản đối với dân tộc và nhân loại có công ít tội nhiều, phát triển bằng ngụy biện và bạo lực, phạm nhiều sai lầm và tội ác, thì ĐV có nhiều loại khác nhau. Tạm chia ĐV thành ba loại: loại cơ hội, loại mơ hồ và loại có ý thức. Loại cơ hội liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích, họ là đại diện cho chế độ Cộng sản, cố bằng mọi cách duy trì chế độ hiện tại. Loại mơ hồ có hiểu biết hạn chế, chủ yếu chỉ biết phục tùng theo lệnh trên. Loại có ý thức là những người có trí tuệ, có lương tâm, có thiện chí. Những ĐV có ý thức này vào Đảng với mục đích và tấm lòng trong sáng. Nhờ có ý thức dần dần họ cũng nhận ra những sai lầm của Cộng sản. Bài thơ của Trung tướng Trần Độ, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa 7, Trưởng ban Tuyên huấn trung ương là một dẫn chứng: “Những mong xóa ác ở trên đời/ Ta phó thân ta với đất trời/ Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện/ Ai hay biến đổi ác luân hồi.” Đối với dân tộc những ĐV như Trần Độ và hàng vạn, hàng chục vạn ĐV có ý thức khác là những người tốt, rất tốt, rất yêu nước thương dân.
Tôi nhận thức rằng chế độ Cộng sản là một thứ lý thuyết ngoại lai, chưa hề được kiểm chứng, một số người yêu nước Việt Nam vì vô minh, tưởng nhầm nó tốt, vội vàng rước về để rồi nó phá tan truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nó không thể cải tạo, chỉ có thể bị đánh đổ. Trong khi đó các ĐV là người Việt, là dòng giống Lạc Hồng. Trong số con cháu của Vua Hùng, ngoài những Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… thì vẫn còn những Lê Long Đỉnh, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống… Đối với loại người như Long Đỉnh, Ích Tắc, Chiêu Thống thì nhân dân không thể dùng biện pháp Đắc Nhân Tâm để cải tạo.
Tôi cũng từng theo dõi sự đấu tranh giữa các đảng chính trị đối lập ở các nước, giữa các ứng viên tổng thống thấy rằng chủ yếu người ta dùng biện pháp đấu tranh, đả kích chứ rất ít dùng kiểu Đắc Nhân Tâm.
Khi phê phán Đảng và Chính quyền người dân chủ yếu phê phán chế độ Cộng sản và những ĐV cơ hội. Người dân biết rõ trong Đảng và Chính quyền còn có không ít các ĐV có ý thức, nhưng chưa thể tách họ riêng ra được, đành phê phán chung. Tuy các ĐV có ý thức nhận biết được sai lầm của Cộng sản, nhưng vì điều kiện hạn chế mà họ chưa thấy rõ bản chất độc ác hoặc họ chưa thật thấm thía về các tội ác. Những phê phán mạnh bạo của người dân sẽ giúp thêm cho họ nhận thức rõ hơn về thực trạng, không những không làm họ bị xúc phạm, bị mất lòng mà còn soi sáng thêm cho họ con đường nhận thức chân lý, củng cố thêm cho họ quyết tâm từ bỏ những hành vi tội ác và sẵn sàng đứng về phía nhân dân.
Trước đây tôi rất tin tưởng vào CNML và con đường Cộng sản, là người theo, tích cực thực hành và cổ vũ cho khuynh hướng hợp tác khi góp ý với Đảng và Chính quyền, nhưng rồi nhận thấy cách làm đó không có hiệu quả, vì vậy tôi chuyển sang khuynh hướng đấu tranh, phê phán công khai CNML. Riêng giữa chốn bạn bè, bà con, đồng nghiệp tôi vẫn cố thực hiện biện pháp Đắc Nhân Tâm.
N. Đ. C.
Tác giả gửi BVN.
TÂNG BỐC LÃNH ĐẠO- HÀNH VI 'NỊNH' TRÊN BÁO VIỆT
MÙ CANG CHẢI/ BDLB VOA/ BVB 9-9-2016 
Năm ngoái, độc giả trong nước và hải ngoại được một dịp cười bể bụng khi báo mạng đưa tin về một lễ bảo vệ luận án tiến sỹ với đề tài “Hành vi nịnh trong tiếng Việt”. Người thì chê đề tài vớ vẩn, vu vơ, xếp cùng kiểu với đề tài “siêu hài hước” như “Sản xuất ốc vít phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 
Một vài trí thức qua các báo “lá cải” đã bênh vực, khẳng định “đây là một đề tài nghiêm túc, mang tính khoa học hẳn hoi”. Tôi nông dân “hai lúa” chẳng hiểu ất giáp gì nhưng trộm nghĩ đã đến lúc “hành vi nịnh” cần được giới trí thức quan tâm nghiên cứu để báo động cho xã hội bài trừ sự giả dối nịnh hót, trong đó có không ít bồi bút kiếm cơm trên báo “lề Đảng”. 
‘Điểm 10 cộng’ cho Thủ tướng
Sáng ngày “Tết độc lập” 2-9, vừa truy cập trang tin tức www.baomoi.com tôi bắt gặp ngay một trang báo điện tử giật tít to đùng: Điểm 10 cho sự quyết đoán của Thủ tướng. Ngay phần mào đề, người viết đã gào lên như mấy trẻ bán báo dạo bến xe miền Đông cách đây vài chục năm:“Cực nóng! Cực quyết đoán! Cực sáng suốt! Cực tiến bộ! Thủ tướng, hẳn hoi là Thủ tướng nhé, trong phiên họp Chính phủ sáng qua đã yêu cầu bỏ điều 292 quy định tội danh “cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông”. Nếu 10 điểm là số điểm cao nhất, Thủ tướng xứng đáng được điểm 10+ cho sự quyết đoán trong việc phá bỏ mọi rào cản cản trở đổi mới”
Có gì mà ầm ĩ thế? Té ra là đề nghị bỏ Điều 292, Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015 (hiện đang tạm lùi hiệu lực thi hành). Điều luật này quy định:
“Người nào cung cấp một trong các dịch vụ sau đây trên mạng máy tính, mạng viễn thông không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc có doanh thu từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm”. Đây là điều luật bất hợp lý, nhùng nhằng, bị các doanh nhân kinh doanh dịch vụ công nghệ phản đối từ khi dự thảo, đến nay trước áp lực dư luận, ông Phúc yêu cầu bỏ thì có gì lạ, có gì quyết đoán? Ông Phúc không phải là người đầu tiên thấy nó vô lý và phản đối. Bản thân ông Phúc cũng chỉ là người đề nghị, sắp tới quốc hội sẽ thêm những kỳ họp, lại tiêu tốn không ít tiền thuế của dân để “biểu quyết” điều chỉnh vấn đề này. Thế mà một phóng viên báoLao Động hét thất thanh, tâng bốc lãnh đạo một cách lố bịch. Đọc bài “bình loạn” này tôi thực sự sốc. Sốc không chỉ bởi 4 chữ “cực” mà còn thêm “điểm 10 +” nữa. “Điểm 10 +” ấy nên dành cho tác giả bài này, người cho điểm chính là Ban Tuyên giáo trung ương hoặc bản thân người đứng đầu chính phủ. 
Mới đây chuyện ông Phúc và đoàn tùy tùng nối đuôi ô tô dài cả cây số vào phố cấm đi bộ ở Hội An bị dư luận phản đối. Sau một tuần, ông Phúc mới xin lỗi gián tiếp trong một hội nghị. Sai thì xin lỗi, là điều tối thiểu phải làm, thế mà nhiều “nịnh thần” lại tán dương sự xin lỗi của ông Phúc thật quá lời. Rất dối trá khi có “bồi bút” mượn hình ảnh “người dân” để hoan nghênh thủ tướng. Thật ngượng khi đọc những lời ca tụng trên mây mà bản chất là lời xu nịnh. Bồi bút ẩn danh T.H này trích một số ý kiến “người dân” như sau : Bạn Anh Tư chia sẻ: “Một lời xin lỗi rất chân thành của Thủ tướng làm cho người dân càng thêm thán phục!“. Bạn HungQNa bày tỏ: “Ơn Giời! Đích thị đây là vị Thủ tướng mà người dân mong đợi rồi. Hy vọng sẽ có nhiều lãnh đạo có tâm, có tầm để đất nước ngày một phát triển, văn minh”. “Hoan hô, chúng ta hiện đang có một vị Thủ tướng của dân, vì dân thực sự” - Bạn Tài chia sẻ. Bạn Võ Đức Hương kỳ vọng: “Hoan hô Thủ tướng. Tui bắt đầu đặt niềm tin nơi ông từ hành động nhỏ này”. 
Lời xin lỗi để lại tiếng thơm muôn đời!
Lộ liễu hơn, trang đăng bài này chính là trang thông tin điện tử mang tên Nguyễn Xuân Phúc. Độc giả thấy ngay sự ngụy tạo trong dẫn chứng, bởi vì những nhân vật “người dân” rất mơ hồ như “Bạn Anh Tư”, “Bạn HungQNa”, “Bạn Tài” ... Những “người dân” này đều không được ghi chú địa chỉ cụ thể. Một lời xin lỗi mà khiến người khác phải “càng thêm thán phục”, “đích thị đây là vị Thủ tướng mà người dân mong đợi”, “lãnh đạo có tâm, có tầm”, “vị Thủ tướng của dân, vì dân thực sự”, “đặt niềm tin” thì chỉ là sự thổi phồng thái quá. Ca tụng thế vẫn “chưa đủ liều”, tên bồi bút này còn viết: “Hành động chính là lời nói hay nhất và ý nghĩa nhất! Chúc ông có nhiều sức khoẻ để công tác. Tiếng thơm sẽ để lại muôn đời, bia vàng cũng sẽ bị lãng quên!”. 
Một lời xin lỗi mà trở thành “Tiếng thơm sẽ để lại muôn đời, bia vàng cũng sẽ bị lãng quên” thì chỉ có trong “hành vi nịnh” của những bồi bút báo “lề Đảng” mà thôi. Nói đến đây tôi liên tưởng đến một truyện xưa: Có hai tên “nịnh sĩ” đang ngồi hầu chuyện quan lớn, bỗng quan “đánh rắm” một cái. Lập tức một tên lắng nghe rồi thốt lên: “Y hi, quản huyền chi âm!” (nghe như tiếng đàn, tiếng sáo). Tên kia cũng hếch mũi hít hà rồi trầm trồ: “Phảng phất chi lan chi vị!” (thoang thoảng mùi hoa lan, hoa nhài). Nhưng quan lớn tỏ ra hiểu biết, không bằng lòng: “Trung tiện mà thơm thì e tuổi thọ ta không được dài”. Nghe vậy, một tên gật gù: “Bẩm cụ, bây giờ đã có mùi rồi ạ !”. Tên kia cũng khẳng khái khẳng định: “Bẩm, bây giờ thì thối lắm ạ!”. Tương truyền vì thế dân gian mới có câu rằng: nịnh thối không ngửi được.
Xin quay lại vấn đề chính - “hành vi nịnh” trên báo chí của lũ bồi bút. Sau hơn 3 tháng, chủ yếu nói và hứa, các vấn đề bức xúc của đất nước như tham nhũng, bạo lực, ô nhiễm môi trường, thất nghiệp, nợ công, biển đảo... vẫn đang nhức nhối, chính phủ khóa mới chưa có động thái nào thực sự hiệu quả, nhưng trang Dân Trí lại tán dương lấy được: “Tư duy mới mẻ, hành động quyết liệt, rất bám cơ sở, lắng nghe nhân dân, lắng nghe doanh nghiệp…. là những nhận xét của các đại biểu Quốc hội về Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau hơn 3 tháng đứng đầu Chính phủ điều hành đất nước, phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cam go, thử thách”. (“Trong điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có chỗ cho việc bàn lùi”). 
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới hoạt động, ông Phúc nói sẽ chuyển “phương thức chỉ đạo, điều hành” của Chính phủ từ “phương thức mệnh lệnh hành chính” sang phương thức “kiến tạo, phục vụ”. Ông Phúc chỉ mới nói chứ chưa làm, và không biết làm được đến đâu với cái “tư duy nhiệm kỳ” 5 năm của mình. Vậy mà trang baophapluat.vn cùng nhiều báo mạng khác không ngớt lời “hoan hô thủ tướng”; 
‘Tự sướng’, gán ghép cho dân
Cũng với chiêu dùng “nhân dân” nói (khách quan đấy nhé), trang thông tin điện tửwww.dangcongsan.vn đã “tự sướng” với nhiều bài, trong đó có bài Nhân dân hoan nghênh sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, để nói về việc vào cuộc làm rõ những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang). Sự việc bê bối của ông Thanh đã được báo chí và nhân dân phanh phui, bàn qua tán lại gần nửa năm qua, đến bây giờ vẫn đang rối như canh hẹ, chưa biết “gỡ” thế nào và hiện ông Thanh đang nghỉ phép, du lịch xứ nào không ai rõ. Vậy nhân dân làm sao “hoan nghênh” nổi “sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư”? Đừng phỏng vấn một vài cán bộ rồi gán ghép cho “nhân dân”, không “chính ngôn” chút nào. 
Có những điều bình thường, không đáng nói nhưng qua ngòi bút xu nịnh, chúng trở nên “phi thường”, đặc biệt. Chuyện “nhỏ như con thỏ” - thủ tướng ngồi ghế nhựa khi đến thăm công nhân tại phân xưởng làm việc. Chỉ vậy thôi, nhưng phóng viên báo Lao Động đã đưa ông Phúc “lên mấy tầng mây xanh”: “Chiếc ghế dành cho ông ngồi nghỉ khi kết thúc phần giao lưu cũng chỉ là chiếc ghế nhựa như của anh chị em công nhân, ngồi cùng hàng và bên cạnh công nhân, vui vẻ, thân thiện. Hình ảnh đó để lại ấn tượng sâu sắc trong công nhân, hình như đã lâu lắm rồi, công nhân không được ngồi gần một vị Thủ tướng. Công nhân Nguyễn Gia Thái nói rằng không bao giờ nghĩ rằng mình có thể được đứng gần Thủ tướng và “mong muốn được ôm Thủ tướng”, ông đã vui vẻ vòng tay ôm Nguyễn Gia Thái. Có lẽ chưa bao giờ có một hình ảnh tình cảm, gần gũi của một Thủ tướng với một người lao động như vậy”. (“Thông điệp gần dân của Thủ tướng”)
‘Gậy ông đập lưng ông’!
Người viết nếu lâm vào tình thế “không nịnh không được” thì chí ít cũng cần học “kỹ năng nịnh”, nịnh phải khéo léo, tế nhị. Nịnh thái quá, gượng ép vô hình trung “bôi xấu lãnh đạo”. Ví như chuyện ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước nói rằng sẽ “trả lại nhà cho Đảng” khi về hưu. Họ trích dẫn lời ông Sang: “Nhà tôi nhỏ thôi, 51m2, khi về hưu dứt khoát tôi không lấy một mét vuông đất nào. Bữa nay tôi nói dứt khoát như vậy”. Nhà có 51m2 thì trả quách cho rồi, ở cái biệt thự sang trọng không sướng hơn sao? Thế mà các ông nhà báo “lề Đảng” xúm nhau ca tụng ông Sang “liêm khiết”. Các ông có biết làm như thế thì lòi “cái đuôi” của vị lãnh đạo khác ra không? Thế chẳng lẽ các vị lãnh đạo “Đảng ta” từ trước đến nay không ai trả lại nhà cho nhà nước (chiếm luôn) à? Còn cơ ngơi bề thế như lâu đài khi về hưu của các nguyên lãnh đạo khác thì sao? 
Xin kể thêm một câu chuyện “gậy ông đập lưng ông” do nịnh bừa trên báo. Trong khi Đại hội XII của Đảng đang diễn ra, trang Dân Việt “phấn khích” đưa bài: “Hoan nghênh Thủ tướng xin không ứng cử Tổng Bí thư”. Trang này “nịnh” gián tiếp khi dẫn lời ông Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam: “Tại Hội nghị T.Ư 14, tôi có phát biểu là rất hoan nghênh đồng chí Nguyễn Tấn Dũng và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị đã tự xin thôi không ứng cử vị trí Tổng Bí thư để dồn phiếu cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trách nhiệm như vậy rất cao, đặc biệt là có sự chia sẻ trách nhiệm lớn lao với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư và toàn Đảng trong giai đoạn hiện nay”. Thế mới lộ trần luôn, chuyện bầu báng trong Bộ chính trị không hề cạnh tranh lành mạnh, minh bạch sòng phẳng mà là sự dàn xếp trắng trợn công khai, khiến đảng viên và nhân dân không ai còn tin nữa. Sau khi nhận ra sự “nịnh không đúng chỗ”, “khen nhau như thế bằng mười hại nhau”, trang Dân Việt đã gỡ bài này xuống, nhưng đến nay trang Báo Mới còn lưu lại bài này (http://www.baomoi.com/hoan-nghenh-thu-tuong-xin-khong-ung-cu-tong-bi-thu/c/18524007.epi). 
Vì đâu nên nỗi?
Trong khi ngân sách thâm hụt, nợ công ngập đầu thì nhà nước lại dùng một khoản “khủng” tiền thuế của dân để nuôi đến hàng chục nghìn nhà báo của hơn 857 cơ quan báo chí, trong đó có 199 cơ quan báo chí in, 105 báo điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình và nhiều cơ quan quản lý báo chí. Trong đội ngũ nhà báo ăn lương Đảng, những nhà báo chân chính, trung thực, đứng trên lập trường nhân dân ngày càng hiếm dần, vì họ hoặc bị loại ra khỏi ngành bởi chính sách đàn áp, “bịt miệng” của Đảng, hoặc họ tự bẻ cong ngòi bút, viết theo lối xu nịnh kiếm kế sinh nhai trong thời buổi đang khủng hoảng về niềm tin và giá trị.
Mù Cang Chải/BĐLB VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét