Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2016

20160909. BÀN VỀ 'SIÊU DỰ ÁN THÉP HOA SEN -CÀ NÁ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
SIÊU DỰ ÁN THÉP HOA SEN  CÀ NÁ-ĐẰNG SAU  BÁO CÁO ĐẸP
MAI YÊN/ VNN 8-9-2016
Ông Lê Phước Vũ trong vòng vây báo chí tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận ngày 27/8/2016. Ảnh: HOÀNG CÔNG TÂM/PLO.
 Công nghiệp luyện thép và bảo vệ môi trường: Một lần nữa hai vấn đề này lại gây nóng dư luận khi ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) tuyên bố sẽ đầu tư 10,6 tỉ USD để xây dựng một siêu nhà máy thép với công suất 16 triệu tấn/năm tại khu vực ven biển Cà Ná, Ninh Thuận.

Sự tự tin của Hoa Sen
Hôm 6/9, Hoa Sen tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để xin ý kiến về kế hoạch đầu tư dự án luyện cán thép Hoa Sen - Cà Ná.
Kết quả, các cổ đông đã thông qua kế hoạch này. Để được sự chấp thuận của cổ đông, ông Vũ đã thuyết phục rằng, khu vực ven biển Cà Ná được đánh giá là phù hợp nhất thế giới để làm nhà máy thép.
Về vốn, nếu tính cả dự án hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná và dự án xây dựng cảng quốc tế Cà Ná, thì tổng tiền đầu tư phải vào khoảng 250.000 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn nhưng ông Vũ thuyết phục đã lo liệu xong hết rồi.
Tuy nhiên, bài học về Formosa vẫn còn nóng thì lo lắng về siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná hoàn toàn dễ hiểu. Điều này càng được đặt ra sau những tuyên bố mạnh mẽ, những bản cáo cáo đẹp mà Hoa Sen công bố thì vẫn còn rất nhiều điều đáng lo.Với những thông tin này đã cho thấy sự tự tin của ông Lê Phước Vũ về một dự án thép quy mô lớn, nguồn vốn khả thi, công nghệ hiện đại đến từ Tây Âu, môi trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối...
Chọn thép hay chọn cá? và Chọn thép hay chọn cừu?
Nói về sự cố Fomosa ở miền Trung mọi người vẫn chưa thể quên câu nói: "Chọn thép hay chọn cá?" và nó đã trở thành điều mà nhiều người đều có thể bật ra khi nói về Formosa. Và với Hoa Sen – Cà Ná người ta lại có thể đặt câu hỏi "Chọn thép hay chọn cừu?".
Dự án thép của Hoa Sen Group đặt tại ven biển Cà Ná, thuộc xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. "Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép?". Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam kể rằng đã trực tiếp hỏi ông Lê Phước Vũ như vậy và ông Vũ trả lời là dùng nước biển.
Và thực tế, ngày 1/8/2016, Hoa Sen gửi văn bản cho UBND Ninh Thuận đề cập đến nguồn nước cho siêu dự án thép Cà Ná. Giai đoạn đầu, nhà máy cần 33.000 mét khối nước sạch/ngày. Đến khi vận hành tất cả các hạng mục, lượng nước tiêu thụ là 180.000 mét khối/ngày. Hoa Sen đề nghị Ninh Thuận chuẩn bị và cung cấp đủ nguồn nước để đáp ứng tiến độ và quy mô của dự án.
Đến ngày 16/8, UBND Ninh Thuận chỉ đạo Sở Xây dựng chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước tận nơi cho Hoa Sen, đấu nối từ nguồn nước của Nhà máy nước Phước Nam. Tuy nhiên, hiện nhà máy này chỉ có công suất 30.000 mét khối/ngày, lại đang cung cấp cho các khu vực khác nữa.
Cũng cần phải lưu ý rằng, mấy năm gần đây, hạn hán ở Ninh Thuận ngày càng khốc liệt. Nhiều hồ chứa nước ngọt cạn trơ đáy. Lượng nước tích trữ chỉ còn 15,6% dung tích thiết kế. Sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại 700 tỉ đồng vì hạn bán trong năm 2015, Bốn tháng đầu năm nay, có tới 6.000 người dân Ninh Thuận thiếu nước sinh hoạt... Cũng vị hạn hán mà chỉ qua ba tháng đã có tới hơn 2.000 con cừu bị chết đói và khát.
Vậy khi nhà máy thép ở Cà Ná hoạt động thì sự thiếu hụt nguồn nước sẽ như thế nào?
Ngay cả trong đề xuất bổ sung dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép được gửi lên Bộ Công thương vào đầu tháng 8-2016, UBND Ninh Thuận đã dành nhiều trang để trình bày về quy mô, tầm cỡ, về năng lực của nhà đầu tư, về những lợi ích mà dự án mang lại... Tuy nhiên, phần tác động đến đời sống người dân lại không có một dòng đề cập.
Câu hỏi lớn về công nghệ?
Trong mọi thuyết trình về dự án, ông Lê Phước Vũ rất tự tin khẳng định: Nhà máy thép đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để một giọt nước ô nhiễm nào ra môi trường. Ông Vũ sẽ dùng công nghệ hiện đại, đến từ Tây Âu? Tư vấn thiết kế dự án cũng là một tập đoàn của Mỹ.
Thế nhưng, trong hồ sơ về quá trình Hoa Sen Group khảo sát mặt bằng, cảng biển và thực hiện các thủ tục đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là: CISDI Group. Đây là một tập đoàn đến từ Trùng Khánh, Trung Quốc, đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam vào 11/2012. CISDI là đơn vị đã tư vấn thiết kế và làm tổng thầu cho dự án xây dựng hai lò cao - hạng mục quan trọng hàng đầu trong dự án của Formosa Hà Tĩnh.
siêu dự án thép, dự án thép, ngành thép, sản xuất thép, công suất dư thừa, quy hoạch, cà ná, Nình thuận, hoa sen, lê phước vũ, ô nhiễm môi trường, thảm họa môi trường, Fomosa, tỷ USD
Sự cố Fomosa đặt dự án của Hoa Sen trước nhiều câu hỏi của dư luận.

Điều này khiến những lo lắng liệu có một Formosa thứ hai sẽ xuất hiện tại Ninh Thuận là dễ hiểu.Ngày 25/6/2015, trong văn bản gửi đến UBND Ninh Thuận về việc khảo sát xây dựng nhà máy, Hoa Sen đã đề nghị Ninh Thuận sắp xếp cho 6 người Trung Quốc là thành viên đoàn khảo sát được thực hiện công việc của họ. Văn bản ghi rõ, 6 người Trung Quốc là người của CISDI.
Cho đến thời điểm nay, dự án mới ở mức khởi động, trong khi tỉnh Ninh Thuận hào hứng, Bộ Công thương đã gật đầu thì các bộ ngành khác như Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư.... đều chưa đưa ý kiến. Điều này có nghĩa, dự án còn đi một chặng đường dài để đi đến quyết định cuối cũng và đó là quãng thời gian quan trọng để chủ đầu tư, địa phương và bộ ngành lắng nghe các ý kiến đóng góp.
Tất cả đều đang trông đợi một câu trả lời khi trong lòng luôn có một nỗi ám ảnh về Fomosa.
Mai Yên

CHỦ TỊCH TỈNH TỪ CHỐI DỰ ÁN THÉP TỶ ĐÔ  VÀ CÁI LÝ CỦA ÔNG CHỦ TÔN HOA SEN

VIÊT HOÀI/ GD 8/9/2016

(GDVN) - Câu nói đang làm dậy sóng dư luận của ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen “ngu gì mà không đầu tư" đã được chính ông Vũ tiết lộ vì sao lại chọn Cà Ná.
Trình bày tại đại hội cổ đông bất thường sáng 6/9, ông Lê Phước Vũ vẽ ra tương lai sáng lạn cho các cổ đông khi Hoa Sen Group đầu tư vào siêu dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận”.
Ông Vũ so sánh, với các cảng dọc miền nam Trung bộ như Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) thì cũng chỉ có tàu khoảng 30.000 tấn cập cảng được.
Ông Chi nói rõ quan điểm: Đầm Môn đẹp như tranh vẽ mà cho san lấp làm nhà máy thép, còn gì môi trường. Trong khi Ban Thường vụ tỉnh ủy ra chủ trương quán triệt là ủng hộ nhà máy thép. Ông Chi từ chối chuyến đi Hàn Quốc khảo sát, tham quan nhà máy thép của Posco, mặc dù cán bộ đi về ai cũng nức nở khen.Còn cảng nước sâu vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), hẳn ông Vũ không dám mơ tới, bởi cách đây 9 năm (năm 2007), ông Phạm Văn Chi - trên cương vị là Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa đã thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh bác dự án nhà máy thép có tổng mức đầu tư đến 11,5 tỉ USD của Tập đoàn Posco (Hàn Quốc), được cho là dự án thép lớn nhất ở Việt Nam thời điểm đó.
Ông Chi cho rằng, nếu xây dựng nhà máy thép thì không chỉ môi trường vùng biển Khánh Hòa mà cả khu vực duyên hải nam Trung bộ bị tàn phá. Trung ương lắng nghe, và dự án nhà máy thép ở vịnh Vân Phong đã bị loại bỏ.
Vậy nên, ông Lê Phước Vũ phải từ bỏ giấc mơ Vân Phong, tìm đến Cà Ná.
Ông Vũ trình bày tại đại hội cổ đông: Cà Ná tiềm năng lớn nhất không đâu bằng, cả thế giới cũng không có vị trí như Cà Ná. Đường sắt cặp sát cảng, chỉ đầu tư khoảng 2,3 km đường sắt. Đường bộ sát quốc lộ 1.
Theo đánh giá sơ bộ tiền khả thi, tổng đầu tư cầu cảng khoảng 12.000 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Chính phủ làm dự án đê chắn sóng, vốn đầu tư do tỉnh và trung ương.Cà Ná là cảng nước sâu tự nhiên, tàu 200.000 tấn đến 300.000 tấn cập cảng được. Chi phí đầu tư cầu cảng rẻ nhất chỉ có ở Cà Ná.
Như vậy ta đầu tư cầu cảng chỉ khoảng 7.000 tỉ đến 8.000 tỉ đồng.
Riêng Cà Ná không có sông nên không bồi lắng tự nhiên, hàng năm không tốn cho phí nạo vét. Chi phí này rất lớn, tốn hàng chục triệu đô la Mỹ.
Riêng Cà Ná chỉ một lần đầu tư là khai thác muôn thủa, chỉ tốn vận hành. Ở khu vực này không bao giờ bị bão. Hơn 100 năm qua chưa bao giờ nghe Ninh Thuận có bão. 
Thời gian xây dựng liên tục không lo bị bão, bị mưa. Cà Ná lại gần TP Hồ Chí Minh nhất”.
Ông Vũ nói rằng, ông đã cùng đại diện tỉnh Ninh Thuận đi tham quan nhiều nhà máy thép ở tận cả Châu Âu. Hàng trăm tổ hợp thép nằm giữa thành phố có sao đâu, như một công viên. Nhà máy thép nằm giữa Amsterdam (Hà Lan), ở Đức cũng vậy… mới chỉ có một Formosa mà đã sợ.
Chưa hết, ông Vũ còn nói về công nghệ sản xuất thép không gây ô nhiễm môi trường. Ông so sánh với Tập đoàn Hòa Phát thu số tiền khủng nhờ thép. Ông Vũ cũng tin rằng, dự án Hoa Sen - Cà Ná đem lại lợi ích lớn cho đất nước, cho xã hội thì không có gì phải sợ.
Vâng, ông Vũ không sợ, "không ngu gì" mà không đầu tư, nhưng dư luận thì có, người dân Ninh Thuận nói riêng và nhân dân cả nước thì có.
Đành rằng, ông Lê Phước Vũ là doanh nghiệp, chuyện ông mơ làm giàu là chuyện không có gì ầm ĩ song những tuyên bố lớn lao của ông về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná chỉ mới chỉ thấy một màu lợi ích của đồng tiền trong khi bóng đen của môi trường, thiết bị, xử lý chất thải thì ông Vũ còn lấp lửng.
Nào là dùng thiết bị Châu Âu thì không lãi, vậy Hoa Sen dùng thiết bị nào? Nước dùng cho nhà máy, ông Vũ nói là lấy nước biển, dù đầu tư tốn kém cũng phải làm, nhưng rồi, ông Vũ lại “khi nào thiếu nước thì mới dùng nước biển. Dự án đã được tỉnh kéo đường nước xuống tận nơi rồi”.
Ông Vũ còn tuyên bố là dự án sẽ khởi công năm 2017, nhưng Bộ Công Thương chỉ mới bổ sung dự án Hoa Sen - Cà Ná vào phút chót của giai đoạn 2020-2025 bằng quyết định số 3516, ký ngày 25/8/2016, cũng đã khẳng định là: Theo Luật đầu tư, dự án này sẽ trải qua nhiều bước.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương): Khi Chính phủ ra quyết định, lúc đó các bộ ngành mới tiến hành các bước như đánh giá tác động môi trường, lập thiết kế cơ sở và dự án đầu tư, trên cơ sở quy hoạch của chủ đầu tư lập dự án trình Bộ Kế hoạc&Đầu tư, phối hợp cùng các bộ ngành thẩm định về khả năng thực hiện của từng giai đoạn dự án, sau đó trình Chỉnh phủ.
Xem ra, giấc mơ làm giàu từ thép ở Cà Ná của ông Lê Phước Vũ vẫn chỉ là giấc mơ và chỉ mới được hiện thực bằng lời nói bởi Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ quan điểm của Chính phủ: Quyết tâm không đánh đổi môi trường với bất cứ giá nào.
Việt Hoài

BÀ PHẠM CHI LAN NÓI VỀNỖI BĂN KHOĂN VỚI DỰ ÁN LUYỆN THÉP CÀ NÁ

HOÀNG ĐAN/ SOHA/ BVN 9-9-2016

Bà Phạm Chi Lan nói về nỗi băn khoăn với dự án luyện thép Cà Ná

clip_image001
Bà Phạm Chi Lan. Ảnh: Vietnamnet
"Ngành thép là ngành cần nhiều điện, vậy ông có làm nhà máy điện không? Hay chạy bằng gì? Chi phí như thế nào? Ông Vũ chịu hay tỉnh lại gánh chịu?", bà Phạm Chi Lan nói.
Nỗi lo từ nhiều vấn đề
Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận mà Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen dự kiến triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỉ USD cùng các phát ngôn của ông Lê Phước Vũ trong những ngày qua đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Liên quan đến dự án này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban cố vấn Thủ tướng.
PV: Bà có đánh giá, nhìn nhận như thế nào về dự án khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận đang được dự kiến triển khai cùng những phát ngôn, cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch Hoa Sen Lê Phước Vũ?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi cũng đã một vài lần nêu lên bức xúc của mình đối với dự án này. Nó dựa trên mấy vấn đề chính mà tôi băn khoăn.
Trước hết, nhà đầu tư nào thì bài toán đầu tiên mà tính cũng là về thị trường, nhưng về mặt thị trường thép thì sự dư thừa công suất thép đang cực kỳ lớn, đặc biệt là dư thừa ở Trung Quốc và mỗi năm người ta tính nước này dư thừa lên tới hơn 80 triệu tấn.
Nước này đang phải ra sức đẩy sang nước khác để tiêu thụ cho mình số thép thừa đó và thực tế, nước này cũng chưa chạy hết công suất.
Nếu họ chạy hết công suất các nhà máy thép thì sự dư thừa sẽ còn lớn hơn. Ở đây, nhiều nước, trong đó, các nước Đông Nam Á hay Việt Nam gần Trung Quốc thì càng phải đáng lo ngại hơn về sự dư thừa thép đó sẽ đe dọa đến ngành thép đang có của mình.
Vì vậy, trong khu vực này chẳng có ai dám nghĩ sẽ đầu tư mới vào thép cả, nhất là chủng loại thép xây dựng bình thường mà Trung Quốc đang thừa.
Còn thép cao cấp muốn làm vẫn có khả năng nhưng đầu tư thì lại cực kỳ tốn kém, đòi hỏi công nghệ cao. Các nước có điều kiện như Việt Nam sẽ khó và có lẽ, tôi không tin là Tôn Hoa Sen đủ khả năng đầu tư vào các dự án thép cao cấp.
Hiệu quả về mặt thị trường thì tôi thực sự lo dự án thép của Tôn Hoa Sen sẽ cộng thêm vào dư thừa thép đã có ở Việt Nam hiện nay rồi.
Ngành thép mấy năm trở lại đây không năm nào không kêu cứu với Nhà nước để tăng thêm hàng rào đối với thép nhập khẩu từ ngoài vào, sức ép đó không chỉ đặt nặng lên nhà đầu tư trong nước mà cả nước ngoài.
Một số dự án đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng đã chủ động rút đi khi thấy không còn đủ khả năng, khả thi về thị trường. Trừ Formosa là người ta đã đầu tư cách đây 8 năm, khi yếu tố thép Trung Quốc chưa có sức ép dữ dội như bây giờ.
Nếu có sức ép dữ dội như bây giờ thì dù Việt Nam có cho bao nhiêu ưu đãi, cho miễn các thứ về đất đai, thuế thì chưa chắc họ đã dám đầu tư.
Ông Lê Phước Vũ có nói là theo tính toán, nhu cầu thép ở Việt Nam còn lớn lắm và sản xuất không đủ cho những năm tới.
Nhưng tôi nói thật, tôi luôn luôn nghi ngờ quy hoạch của các ngành như thép, xi măng khi mà họ muốn làm thì đều vống lên nhu cầu, dự báo nhu cầu rất cao so với thực tế. Họ tính ở tốc độ khi đỉnh cao nhất và cứ thế đem nhân lên để tính tương lai về thị trường còn cần nhiều sản phẩm, xin đầu tư.
Nhưng thực tế, tốc độ cao lên bao giờ cũng khó hơn so với những năm đầu chưa có, khi mình có rất ít thì nhu cầu có thể tăng 10 - 15%, nhưng khi có nhiều rồi thì mức tăng 10 - 15% là một dung lượng lớn hơn nhiều so với ban đầu, rõ ràng có nhiều cái sai số rất lớn, không khả thi.
Nếu như không tính toán kỹ thì ông Vũ và Hoa Sen có thể tính sai bài toán đó. Ở đây, cần xem xét lại thật kỹ vấn đề này.
Về chi phí cho đầu tư, muốn làm một nhà máy thép với mức độ, công nghệ hiện đại để có thể không gây ra ảnh hưởng về môi trường thì thực sự là tốn kém đấy chứ hoàn toàn không dễ dàng đầu tư được đâu.
Khi mà nó tốn kém, đắt đỏ như vậy thì liệu một lúc nào đó có dẫn đến việc ông không chịu được chi phí về môi trường rồi như Formosa phải thay đổi bài toán môi trường đi, hạ thấp chuẩn môi trường xuống, dùng công nghệ, thiết bị lạc hậu để thải ra môi trường Việt Nam, bắt xã hội gánh chịu.
Tôi nghĩ là bài toán này hoàn toàn không chủ quan được đâu. Tôi cũng rất ngần ngại như trên báo chí nói, đưa mấy người vào thăm dò thiết kế lại là mấy công ty Trung Quốc, dù ông Vũ cải chính nói đây chỉ là họ vào thăm dò thôi còn ông chưa quyết định dùng ai.
Nhưng rút cục nếu tính theo chi phí trên thị trường thì có thể giá chào thấp hơn của phía Trung Quốc sẽ lại đủ hấp dẫn để dùng đầu tư của Trung Quốc? Như tôi đã nói Trung Quốc đang dư thừa thép rất lớn nên họ có động lực để ai cần mua nhà máy thép thì họ sẵn sàng tháo dỡ để đưa đi.
Và thường những nhà máy đó cũng là những nhà máy lạc hậu. Họ đẩy thứ rác thải công nghệ lạc hậu sang nước khác để lấy tiền đầu tư vào thứ hiện đại hơn. Liệu ông Vũ có đủ tài giỏi để tránh bài toán đó không? Hay lại đi mua tất cả những thiết bị, công nghệ cũ kỹ đó về mà giá chưa chắc đã rẻ.
Đây là bài toán tư nhân của ông Vũ nhưng tác động về môi trường, kết quả sản phẩm sẽ không thể đảm bảo được.
Ông Vũ có hứa là nếu xảy ra sự cố sẽ đóng nhà máy, mang cả tài sản ra đền bù nhưng cả tài sản nếu là một nhà máy với thiết bị, công nghệ lạc hậu thì đáng giá bao nhiêu? Có ai dám mua lại để chạy không?
Còn khi xảy ra tác hại môi trường nếu như giống với Formosa thì có bán tài sản của ông Vũ đi cũng không bù nổi đâu.
clip_image002
Mô hình khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Nhân tố nữa đó là các tài nguyên khác để cho ông Vũ làm thì vùng Ninh Thuận thiếu nước là thường xuyên. Mấy năm gần đây, tình trạng khô hạn còn nặng nề hơn rất nhiều.
Cả một tỉnh thiếu nước như vậy, giờ nói là có phương án lọc nước biển để làm, về công nghệ thì có thể được nhưng chi phí thì liệu có hiệu quả hay không khi mà chi phí nước cũng đắt hơn lên.
Ngành thép là ngành cần nhiều điện, vậy ông có làm nhà máy điện không? Hay chạy bằng gì? Chi phí như thế nào? Ông Vũ chịu hay tỉnh lại gánh chịu?
Đất đai cũng vậy, lấy hàng nghìn ha để làm khiến bao nhiêu người dân mất nguồn lợi sinh sống, vậy lợi ích của người dân ở đâu? Chi phí cơ hội người dân bị mất đi cho dự án như thế nào?
Ông Vũ nói làm cho đất nước, cho sự phát triển chung nhưng trước hết, làm ở đâu phải tính cho người dân ở đó đã. Tôi được biết, ông Vũ cũng theo đạo Phật nên rất cần từ cái nhân của đạo Phật để tính toán cho có trách nhiệm hơn với người dân ở vùng đó (Cà Ná, Ninh Thuận - PV).
Đừng vì dự án của mình làm mất cơ hội sinh sống của bao nhiêu người mà ở đây là những người nông dân như làm muối là mất cơ hội sinh sống từ đời này sang đời khác, mất cả nghề của người ta.
Mà nghề làm muối giống như nghề đi biển của người dân Hà Tĩnh, mất nghề đó, người ta không làm được nghề khác và không thể quen thuộc được.
Cả bản thân doanh nghiệp nhất là tỉnh phải cẩn trọng, tính toán rất kỹ dựa trên lợi ích của người dân. Đừng ham dự án đầu tư để GDP tăng trưởng hơn, oai phong hơn so với tỉnh khác để chấp nhận hệ quả cho người dân.
Về hệ quả môi trường thì hiện nay, Formosa mới đang bị phanh phui chủ yếu về xả thải ra biển còn sản xuất thép sẽ có chất thải rắn và chính Formosa cũng có chuyện chôn lấp, đang bị cơ quan chức năng xử lý.
Ngoài ra, một dự án nhà máy thép còn gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn...
Mong Chính phủ vào cuộc
PV: Như những gì bà đã phân tích ở trên thì chúng ta nên ứng xử như thế nào đối với một dự án như thế này?
Bà Phạm Chi Lan: Như tôi đã nói, ở đây tỉnh và hơn thế là Chính phủ phải xem xét. Tôi nghĩ, không nên coi đây là một dự án giữa doanh nghiệp và địa phương quyết định với nhau.
Tôi ngạc nhiên khi Bộ Công thương lại đưa dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná-Ninh Thuận bổ sung vào quy hoạch ngành thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Có phải chăng, quy hoạch của Nhà nước, Bộ làm ra sẽ lại thay đổi theo dự án của doanh nghiệp? Vậy quy hoạch đó trước đây được làm trên cơ sở nào mà giờ có thể dễ dàng đưa vào một dự án lớn như thế? Làm như vậy, có phải là trách nhiệm chung với đất nước không?
Còn về phía Nhà nước, tôi nghĩ các Bộ khác như Bộ Kế hoạch đầu tư và nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải lên tiếng. Vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất đau đầu với Formosa rồi thì giờ rất cần phải lên tiếng bằng trách nhiệm của mình với đất nước.
Và hơn hết, tôi mong Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các ngành tính toán cẩn thận. Thủ tướng đã tuyên bố sẽ nói không với các dự án gây tác hại lớn với môi trường. Đối với dự án này, nó là một trong những trường hợp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở vùng biển phía Nam miền Trung.
Phía Bắc của vùng biển miền Trung đáng gánh chịu rồi giờ đến phía Nam thì cả miền Trung sẽ sống thế nào đây. Tôi nghĩ là Chính phủ cần có trách nhiệm tính toán lại, đưa quyết định.
Vấn đề này xảy ra trên đất Việt Nam nên không chỉ có quyền của tỉnh và doanh nghiệp muốn làm gì thì làm mà cần có Nhà nước quyết định.
Dù động lực có tốt đi mấy nhưng nếu tác dụng chung, lợi ích chung của nền kinh tế, của đông đảo người dân không đạt được thì Chính phủ cũng nên từ chối. Tôi mong Chính phủ có thái độ cương quyết trong việc này.
PV: Tại đại hội cổ đông bất thường của Tôn Hoa Sen vào sáng 6/9, ông Lê Phước Vũ đã cho rằng nếu nhìn thấy Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát - PV) quý vừa rồi lời đến 2.000 tỉ đồng từ thép mang lại thì "ngu gì không làm, ngu gì không đầu tư"(!). Bà có bình luận gì về phát ngôn này?
Bà Phạm Chi Lan: Hòa Phát lãi theo tôi hiểu do họ có nhân tố khác ở Việt Nam là họ còn khai thác quặng.
Ở đây, ông làm kinh doanh mà sao ông lại tính đơn giản như vậy. Một người đã làm kinh doanh, đầu tư sẵn rồi thì bây giờ người ta có thể thắng, thắng 2.000 tỷ nhưng rồi các ông khác lại nhảy vào thì liệu 2.000 tỷ đó có còn không?
Thị trường có mức độ nhất định thôi chứ. Tôi cũng hơi ngạc nhiên về cách tính như vậy của một doanh nghiệp cũng nổi tiếng thành công trong lĩnh vực kinh doanh của mình là tôn. Tôi cho là cách như vậy cũng không thỏa đáng.
Tôi rất mong ông Vũ xem xét lại trước hết từ chính lợi ích của bản thân doanh nghiệp, công ty.
Qua báo chí, tôi cũng được biết là, thông tin cho hay, lượng vốn của công ty hạn chế nên sẽ phải huy động thêm từ các nguồn khác như trái phiếu, vay mượn ngân hàng...
Nhưng tôi nghĩ với lãi vay ở Việt Nam mà làm những dự án lớn, dài hạn như vậy thì không biết là hiệu quả kinh tế về mặt tài chính có còn không? Cá nhân tôi rất nghi ngờ về việc này...
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
H. Đ.
SIÊU DỰ ÁN THÉP CÀ NÁ- ÔNG LÊ PHƯỚC VŨ, ÔNG KHÔN THÌ AI NGU ?
MAI QUỐC ẤN/ DV / BVN 9-9-2016

Siêu dự án thép Cà Ná: Ông Lê Phước Vũ, ông khôn thì ai ngu?

(Dân Việt) Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã nói: "Ngu gì không làm thép. Ngu gì không đầu tư?" và "Chúng ta chỉ có mỗi vụ Formosa mà đã lớn chuyện! Tại sao chúng ta lại quá sợ sệt như thế?". Phát ngôn này xuất hiện trong đại hội cổ đông bất thường của tập đoàn này liên quan siêu dự án 16 triệu tấn thép/năm triển khai tại Cà Ná, Ninh Thuận.
Với công suất quá lớn này, có thể nói những "siêu lo lắng" xuất hiện không phải là không có cơ sở bởi luyện thép xả ra một lượng thải khổng lồ.
Thưa ông Lê Phước Vũ! Trước hết tôi phải khẳng định rằng mình không thuộc nhóm người chống sản xuất thép bằng mọi giá. Bất kể quốc gia nào cần phát triển cũng cần có sản xuât cơ bản. Và tôi đồng ý với ý kiến Việt Nam cần 20-30 triệu tấn thép/năm trong 10 năm tới mà ông đã nói trong khi hiện nay chúng ta đang nhập siêu thép từ Trung Quốc. Nhưng sự cảm tính từ quyết tâm làm thép với cam kết bảo vệ môi trường hàng của ông bằng tài sản vẫn chưa có gì đảm bảo chắc chắn bằng lý tính.
clip_image002
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group (thứ 2 từ phải qua) trò chuyện với cổ đông trong giờ giải lao. Ảnh Thuận Hải
Hiện nay chưa có đánh giá tác động môi trường cho dự án nên chỉ xin nhắc ông rằng không có gì là tuyệt đối cả cho cam kết kia. Mô hình luyện thép kết hợp nhiệt điện, luyện gang, sản xuất xi măng,... mà Tập đoàn Hoa Sen cung cấp trong các cuộc họp báo vừa qua là một mô hình khép kín (xin xem ảnh). Ở đó, công nghệ luyện thép lò cao đã được xác định và đây thực sự là một vấn đề đáng bàn.
clip_image004
(Nguồn Ảnh do Tập đoàn Hoa Sen cung cấp tại cuộc họp báo ở Ninh Thuận)
Công nghệ luyện thép lò cao (luyện coke, hay còn gọi là luyện cốc) được áp dụng khoảng 80% trên thế giới. Và phải khẳng định đây không phải là công nghệ mới mẻ gì vì các cường quốc về thép như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ,... đã làm mấy chục năm nay. Càng luyện thép bằng công nghệ lò cao nhiều bao nhiêu thì số lượng xả thải càng nhiều bấy nhiêu.
"Với 1 tấn thép được sản xuất theo công nghệ lò cao thì lượng phát thải trung bình như sau: 1,5kg SOx;1,2kg NOx;15- 30kg hạt lơ lửng cho công nghệ lò thổi basic oxygene; 20kg bụi trong quá trình nung kết; 15kg bụi trong quá trình cán thép, 1,4-4,2 tấn CO2; 300-620kg chất thải rắn; 80m3 nươc thải với nhiều hoá chất độc hại như phenol, xyanua, ammonia, dầu, kim loại nặng,.v.v.." (trích số liệu của tác giả Hảo Võ, nghiên cứu sinh Đại học Arizona, Mỹ).
Vâng, thưa ông Vũ, đấy chỉ là số thải cho 1 tấn thép chứ chưa phải 1,5 triệu tấn thép chạy thử cho phân kỳ 1 của dự án (3 triệu tấn) hay tổng công suất 16 triệu tấn/năm mà tập đoàn Hoa Sen đã công bố.
Tôi phải thừa nhận, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen lẫn đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận đều nói "đúng quy trình" ở khâu bảo vệ môi trường từ việc xử lý tại nguồn và kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ giai đoạn đầu của quá trình sản xuất. Trong đó, việc tái tạo nước và nhiệt từ luyện thép được nhắc đến nhiều lần. Tuy nhiên, không vì thế mà sự lo lắng giảm xuống nếu biết rằng chỉ 65% chất thải rắn được tận dụng để làm vật liệu xây dựng. Và quá trình sản xuât vật liệu xây dựng hay nhiệt điện cũng tạo ra một lượng thải nhất định.
clip_image006
Phối cảnh tổ hợp “siêu dự án” nhà máy thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận nhìn từ trên cao.
Thưa ông Lê Phước Vũ! Formosa chỉ mới chạy thử đã có khoảng 300 tấn chất thải rắn nguy hại được phát hiện. Lượng nước 50.000m3/ngày đổ ra biển trong thời gian không lâu đã gây thiệt hại nặng nề cho 4 tỉnh miền trung khiến sinh kế hàng trăm ngư dân điêu đứng, hàng triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Thậm chí Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải lập hẳn một đề án để mỗi hộ có 1 người đi xuất khẩu lao động cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi cá chết.
Từ những người tự do vươn khơi, họ có tội lỗi gì để phải làm thuê xứ người kiếm sống? Liệu đấy chưa đủ lớn chuyện sao? Liệu đấy chưa đủ sợ hãi hay sao thưa? Thưa ông Lê Phước Vũ! Xin làm ơn hãy bớt nói về dự án, về các ưu đãi mà Ninh Thuận hứa kiến nghị cho chính phủ, về viễn cảnh tiền tỉ thu được,...
Khi làm thép, có 2 yếu tố hàng đầu cần được minh bạch hóa số liệu là ĐTM (đánh giá tác động môi trường của dự án) và quy trình kiểm tra, quan trắc môi trường nơi xả thải. Đó là các cơ sở lý tính để căn cứ vào đó mà tập đoàn Hoa Sen thuyết phục và cũng là căn cứ để các nhà khoa học phản biện. Chứ không phải sự thỏa thuận của tập đoàn của ông với địa phương và các bộ, ngành để làm đảm bảo cho một dự án thép mà trước đó thảm họa do Formosa đã thực sự ám ảnh. Và không thể bỏ qua ý kiến tham vấn của người dân Ninh Thuận. Lòng dân mới là thước đo chính xác nhất, thưa ông.
Siêu dự án thép "ngu gì không làm" ấy chứng tỏ ông rất khôn. Mà ông khôn thật khi đem thứ chưa có (lợi nhuận, bảo vệ môi trường) để bày ra còn thứ cần phải có (tham vấn dân địa phương, ĐTM, quy trình quan trắc) thì chưa thấy đâu.
Ông Lê Phước Vũ, ông khôn vậy thì ai ngu?
M. Q. A.
DỰ ÁN THÉP CÀ NÁ SẼ LẤY QUẠNG Ở ĐÂU ?
BBC/BVN 8-9-2016

Dự án thép Cà Ná sẽ lấy quặng ở đâu?

clip_image001
Các chuyên gia từ Việt Nam đặt dấu hỏi về tính khả thi của siêu dự án Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận
Một tập đoàn ở Việt Nam lên kế hoạch tiến hành xây dựng một khu liên hợp luyện cán thép có công suất 16 triệu tấn/năm với tổng giá trị đầu tư lên tới 10 tỷ USD ở duyên hải Nam Trung Bộ của nước này, trong khi có ý kiến chuyên gia đặt dấu hỏi về tính khả thi.
Hôm 06/9/2016, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hoa Sen (HSG) của Việt Nam, ông Lê Phước Vũ, được truyền thông Việt Nam dẫn lời cho hay tập đoàn này sẽ tiến hành một dự án công nghiệp với quy mô lớn về sản xuất thép ở Cà Ná, thuộc tỉnh Ninh Thuận mà trong giai đoạn đầu "sẽ không trực tiếp luyện cốc mà sẽ nhập cốc để đảm bảo các vấn đề về môi trường".
Về công nghệ, nhà lãnh đạo HGS nói khu liên hợp Cà Ná sẽ 'không sử dụng công nghệ luyện cốc thu hồi hóa chất như Formosa mà sẽ tiến hành thu hồi nhiệt để phát điện," Dân Việt online hôm thứ Ba dẫn lời ông Lê Phước Vũ, cho hay.
Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa?
Kỹ sư Phạm Chí Cường
Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ đúc và luyện kim của Việt Nam đã lên tiếng và đặt dấu hỏi về một số yếu tố khả thi của dự án.
"Có nhiều vấn đề người ta quan tâm về việc thép đang dư thừa và phải cạnh tranh với thép giá rẻ của Trung Quốc. Mặt khác, vấn đề đáng quan tâm nữa là về môi trường sau câu chuyện của Formosa, trong khi dự án được xây dựng ven biển và bên cạnh khu du lịch," ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc - Luyện kim Việt Nam đượctruyền thông Việt Nam dẫn lời nêu quan điểm.
"Hoa Sen có hứa sẽ sử dụng công nghệ mới, mới như thế nào, ai duyệt cái mới đó. Có đúng mới không vì Hoa Sen không thể có chuyên môn như chúng tôi được. Thậm chí, chuyên gia trong nước có đủ đánh giá tác động môi trường khi một nhà máy lớn vào đầu tư tại ven biển hay không? Có phải thuê tư vấn nước ngoài không? Dự án có đặc thù về môi trường nên tôi đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ xem xét thận trọng."
Bình luận về việc dự án có thể sẽ được chính quyền địa phương mà trong trường hợp này là Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đảm bảo hỗ trợ cung cấp lượng nước phục vụ sản xuất lên tới 2.500-3.000 mét khối/ngày đêm ở một vùng được cho là thường xuyên gặp hạn hán nặng, nguyên Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam được dẫn lời nói thêm:
"Tôi đã hỏi trực tiếp ông Chủ tịch Hoa Sen vấn đề này rằng: “Vùng đó hạn hán khủng khiếp, nhìn con cừu người gầy xác xơ đi ăn cỏ khô như trên sa mạc, lấy nước ở đâu để sản xuất thép”? Ông Chủ tịch Hoa Sen nói sẽ lấy nước biển để sản xuất. Tuy nhiên, nước biển là nước muối phải lọc như thế nào, xét về “bài toán” kinh tế có hiệu quả hay không thì phải trình ra. Còn UBND tỉnh Ninh Thuận hứa như vậy có khả thi không thì Nhà nước phải xem xét. Bởi vùng Ninh Thuận rất khô hạn, đào bao nhiêu giếng lên cũng khô cạn không đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp thì lấy đâu ra nước. Mặt khác, nước mà có muối thì không thể dùng cho công nghệ được, vẫn phải có nước ngọt để tuần hoàn nước biển thì lấy đâu ra nước ngọt.
"Hiện nay, công nghệ nước biển là dấu hỏi lớn cho nhà khoa học. Anh có thể làm được nhưng giá thành như thế nào và thực tế trên thế giới hiện nay chưa có một nước nào lọc nước biển để sản xuất luyện kim. Cái này đúng là khoa học viễn tưởng cho một khu công nghiệp và bài toán kinh tế lọc nước biển để làm luyện kim thì rất không khả thi," ông Phạm Chí Cường được Dân Việt trích lời nói.
Lấy quặng ở đâu?
Việc thép Việt Nam cạnh tranh với thép nhập khẩu và phân chia thị trường sản xuất thép ở quốc tế và khu vực cũng là khía cạnh được các chuyên gia đặt dấu hỏi
Hôm 07/9, cũng bình luận về tính khả thi của dự án Hoa Sen - Cà Ná nói trên, Giáo sư, Tiến sỹ Phùng Viết Ngư, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học - Kỹ thuật Đúc luyện kim Việt Nam, nói với BBC:
"Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?
"Nếu không, không có quặng làm sao sản xuất được? Mà quặng theo tôi hiện nay có mỏ quặng ở Hà Tĩnh tương đối là lớn đối với Việt Nam, nhưng mỏ ấy khai thác được không dễ dàng, rất khó khăn.
Bây giờ cơ bản sản xuất sắt thép thì phải có quặng, mà quặng lấy ở đâu? Quặng lấy của Việt Nam hay là lấy của nước ngoài? Và nếu lấy của nước ngoài là lấy của nước nào, mua của nước nào và đắt rẻ ra sao? Có giải quyết được không?
Giáo sư Phùng Viết Ngư
"Cho nên có thể phải nhập khẩu và nhập của nước nào, nhập của ai và tỷ lệ nhập ra sao với giả cả nào? Nếu không, chúng ta (Việt Nam) cứ làm phương án mà không có một nguyên liệu cụ thể nào đấy thì khó.
"Bây giờ anh nói là làm cốc, nhưng cốc chỉ là nhiên liệu thôi, nên bây giờ muốn lấy nhiên liệu thì nhiên liệu lấy ở đâu? Hiện tại Việt Nam không có nhiều quặng sắt, chỉ có một ít ở Hà Tĩnh, còn những nơi khác rất khó khăn.
"Ngay cả Formosa ở Hà Tĩnh, công suất là 5 triệu tấn/năm cũng không hiểu là họ lấy quặng ở đâu hay quặng khai thác ở đâu?
"Có thể Formosa nhập ở nước ngoài, quặng là yếu tố chủ yếu, nếu bây giờ không có quặng thì sản xuất thế nào và nhập có hợp lý hay không, rồi theo phương pháp nào?" Giáo sư Phùng Viết Ngư đặt các câu hỏi về siêu dự án Hoa Sen - Cà Ná với BBC.
Hôm thứ Ba, kỹ sư Phạm Chí Cường cũng bình luận với truyền thông Việt Nam về mặt thời điểm của dự án của Tập đoàn Hoa Sen:
"Đúng là ở thời điểm này thì tôi rất băn khoăn vì tất cả hiện nay đều dư thừa. Theo tổng kết của Hiệp hội Thép hiện trong nước mới sản xuất 60% công suất, giờ đầu tư thêm của HSG là tới 2030 nhưng đến thời điểm đó đã dùng hết những cái đang có chưa? Hiện nay, Việt Nam có nhiều loại thép như thép xây dựng có công suất trên 10 triệu tấn; thép cán nguội trên 3 triệu tấn; thép tôn tráng kẽm 4 triệu tấn; thép ống 2 triệu tấn…tất cả khoảng 20 triệu tấn nhưng nếu Formosa vào hoạt động là có thêm hơn 20 triệu tấn nữa, tức là gấp đôi sản lượng hiện có. Chưa kể Nghi Sơn đang tiếp tục đầu tư khu liên hợp khoảng 7 triệu tấn nữa….
"Tôi nghĩ rằng, các Bộ chủ quản phải có quy hoạch tổng thể, quản lý giám sát chặt chẽ các dự án sản xuất thép," nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam nói với truyền thông Việt Nam.
CISDI TRUNG QUỐC, FORMOSA ĐÀI LOAN VÀ TÔN HOA SEN VIỆT NAM
BẠCH HOÀN/ BVN 7-9-2016

CISDI Trung Quốc, Formosa Đài Loan và Tôn Hoa Sen Việt Nam

CISDI Group là một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế, tổng thầu các dự án xây dựng nhà máy luyện gang thép... có trụ sở ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
Ngày 15-11-2012, Văn phòng đại diện của CISDI Group tại Việt Nam được cấp phép, trụ sở đặt tại thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Khi tuyên bố bỏ 10,6 tỉ USD làm siêu dự án thép Cà Ná, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch hội đồng quản trị Hoa Sen Group khẳng định sẽ không để một giọt nước ô nhiễm nào xuống biển. Dự án thép Cà Ná sẽ sử dụng công nghệ hiện đại Tây Âu.
Thực tế ra sao?
Ngày 30-6-2015, Hoa Sen Group cử một đoàn cán bộ đến Ninh Thuận khảo sát địa điểm để thiết kế xây dựng tổ hợp thép Hoa Sen Cà Ná. Đoàn này do ông Nguyễn Văn Quý, khi ấy là phó tổng giám đốc Hoa Sen Group phụ trách. Thành phần có 6 người quốc tịch Trung Quốc, đến từ CISDI Group. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Ninh Thuận, Hoa Sen cho biết CISDI là đơn vị tư vấn thiết kế. Danh sách những người này có trong văn bản post kèm phía dưới.
Ngày 24-7-2015, Hoa Sen tiếp tục cử ông Nguyễn Văn Quý dẫn đầu đoàn công tác sang làm việc với lãnh đạo Tập đoàn CISDI tại Trùng Khánh, Trung Quốc.
CISDI là tập đoàn công nghệ luyện thép của Trung Quốc.
Tại Việt Nam, CISDI đã tư vấn thiết kế và là nhà thầu xây dựng lò cao số 1, lò cao số 2 – những hạng mục quan trọng nhất trong dự án luyện thép – của Formosa Hà Tĩnh. Máy móc thiết bị, công nghệ của dự án này đều đến từ Trung Quốc. Hậu quả là vùng biển 4 tỉnh miền Trung nhiễm độc, dù Formosa mới chỉ chạy thử.
clip_image001
clip_image003
clip_image005
B. H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét