Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

BÌNH LUẬN VỀ CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ GÌ LẠ TRONG NGHI LỄ ĐÓN OBAMA ?
BÙI QUANG VƠM/ BS/ BVB 28-5-2016
Rất nhiều người trong chúng ta thắc mắc chuyện Việt Nam coi thường Mỹ. Trong khi đón Tập Cận Bình với đầy đủ các nghi lễ long trọng nhất có thể, thảm đỏ từ chân cầu thang máy bay, đội cảnh vệ danh dự sắp hai hàng, người đón là Đinh Thế Huynh, người thứ hai trong đảng cùng bộ trưởng ngoại giao, trưởng ban Đối ngoại TW, tiếp đó là 21 phát đại bác, quốc yến, dạ hội… thì ông OBAMA đến một mình với chỉ vài nhân viên an ninh, vào ban đêm, và phía Việt Nam chỉ có vài người đón, cấp cao nhất là thứ trưởng bộ Ngoại giao, và chỉ có một bó hoa mà nhiều người nhận xét là “lá nhiều hơn bông”.

Có thật là chính phủ Việt Nam và chính quyền Mỹ không xem trọng chuyến đi này của tổng thống OBAMA? Có một sự lạnh nhạt có vẻ như cố tình của các lãnh đạo cao cấp nhất trong bộ máy đảng và nhà nước. Ông OBAMA vẫn cố giữ phong cách thường có nhưng với một công tác kiểm soát an ninh nghiêm ngặt, tổ chức khép kín và không bỏ sót một chi tiết với một bộ máy đồ sộ và chuyên nghiệp.
Tại sao trước và trong chuyến đi có quá nhiều sự kiện trùng lặp? Tại sao chuyện đàn áp biểu tình, bất chấp nhân quyền xảy ra ngay trước mặt Tổng thống Mỹ, nhưng ông OBAMA làm như không hề biết, và quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương vẫn được công bố ngay những giờ phút đầu, có vẻ như chẳng cần đến đàm phán? Việt Nam đã qua mặt Mỹ? Và Mỹ cũng chỉ coi chuyến viếng thăm của ngài Tổng thống như một chuyến đi chơi?
Nhưng lại có vẻ không phải như vậy, nếu chúng ta để ý rằng quy mô chuẩn bị cho chuyến đi này đã được nghiên cứu và sắp xếp một cách kỹ lưỡng và đặc biệt là “siêu tốn kém”.
Báo Vnexpress đưa những hàng tin như sau: “Theo lịch trình ban đầu, chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Barack Obama và phái đoàn Mỹ sẽ đến Hà Nội vào lúc 1h sáng ngày 23/5. Nhưng Hà Nội được báo sớm trước hai giờ rằng máy bay Air Force One chở Tổng Thống sẽ đến Nội Bài vào 21h30 ngày 22/05/2016, chiếc Air Force One đóng thế sẽ đến chậm hơn khoảng nửa giờ, tức là vào khoảng 22h”.
“Mật vụ Mỹ muốn biết vị trí, vũ khí và trang phục của đội bắn tỉa Việt Nam để họ chủ động trong quá trình bảo vệ Tổng thống Obama suốt chuyến công du. Lực lượng này đề nghị khách sạn ông Obama nghỉ sẽ do họ chịu trách nhiệm bảo vệ và chỉ họ được mở cửa xe cho tổng thống”.
“Phía Mỹ đã vận chuyển tới Việt Nam hàng trăm tấn hàng hóa, đồ dùng, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác an ninh. Số người tháp tùng, phục vụ, chuẩn bị cho chuyến thăm bao gồm quan chức chính phủ, doanh nhân, nhân viên an ninh, mật vụ… lên tới trên 1.000 người. Hàng loạt phương tiện chuyên dụng đã được Mỹ đưa tới Việt Nam để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Obama”.
“Quy trình an ninh đối với báo chí rất ngặt nghèo với 2 lần kiểm tra: hành lý gửi vào bên trong từ trước, đến khi đoàn đón ông Obama vào hết trong sân bay phóng viên mới được vào”.
“Khi vào, an ninh dẫn từng tốp 5 người một. Trong số phóng viên, chỉ khoảng 10 người đến từ các cơ quan báo chí quốc tế. Đây đều là những người đã tới sân bay đợi từ chiều”.
“Những trường hợp có thẻ nhưng không đăng ký trước đều phải ra về”.
“Một chiếc máy bay trong đoàn máy bay hộ tống từ Nhật đã đến sớm hơn dự định”.
Đặc biệt, cách bố trí đoàn xe hộ tống:
Đi trước 2 xe Cadillac One là xe Chevrolet gây nhiễu và tác chiến điện tử, phá sóng các thiết bị nổ tự chế điều khiển từ xa, phát hiện tên lửa
Xe chở Tổng thống gồm 2 xe Cadillac The Beast giống hệt nhau, một xe chở Tổng thống và một xe đóng thế, nghi binh. The Beast bọc thép chống đạn dày 20cm, cửa sổ bằng kính 5 lớp dày12,5cm có van chống phá, có khả năng chống súng, lựu đạn, các vụ nổ, và các cuộc tấn công hoá học. Trên xe trang bị cả vũ khí tấn công, súng phóng lựu, hơi cay, lựu đạn, súng ngắn, thiết bị chữa cháy, bình ôxy, chai máu cùng nhóm với tổng thống.
Chiếc Suburban thứ hai đi sau cặp The Beast, liên kết qua vệ tinh với Nhà Trắng, trung tâm theo dõi từng diễn biến của chuyến đi.
Chiếc FORD của an ninh Việt Nam.
Tiếp đến là chiếc SURBAN chở vũ khí tấn công.
Tiếp là hai Surban chở các thiết bị chuyên dùng.
Xe tải Ford F là xe chuyên dụng của Mật vụ.
6 xe tiếp theo là xe chở các nhân viên phục vụ, hỗ trợ, các bác sĩ của Tổng thống, và đoàn chuyên viên tuỳ tùng.
Sau cùng là xe Hummer H2 của an ninh Việt Nam.
Đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Báo Vnexpress đưa tin, “Từ ngày 20 đến sáng 22/5, gần 10 chuyến bay của đoàn Tổng thống Mỹ Obama liên tục hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM mang theo trực thăng, trang thiết bị an ninh, cùng chó nghiệp vụ”.
Khách sạn nơi nghỉ của Tổng thống lúc đầu có tin là NEW WORLD, từng là nơi nghỉ của cả ba tổng thống Mỹ trước đó, hai ngày cuối mới được báo chính thức là khách sạn Intercontinent, được bao thuê hoàn toàn, không để trống chỗ nào. An ninh Việt Nam chỉ kiểm soát vòng ngoài.
Kết cấu và các biện pháp an ninh gay gắt và triệt để như đối phó một âm mưu khủng bố. Nhưng người ta sẽ hỏi, nếu là để chống khủng bố, hay chống ám sát, thì chủ mưu của khủng bố hay ám sát này là ai? Dễ dàng chỉ ra ngay là Trung Quốc. Chỉ có duy nhất Trung Quốc là kẻ hoảng sợ và hằn học trước sự sáp lại của Việt Nam với Mỹ. Chỉ có Trung Quốc là kẻ sẽ tìm mọi cách để phá quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương mà Mỹ sẽ trao cho Việt Nam. Và với một tâm địa ác độc, bất chấp đạo đức, văn hoá vốn có của lãnh đạo cộng sản Trung Quốc, khủng bố hay ám sát là khả năng có thật.
Một kế hoạch phá thông qua bẫy nhân quyền đã được Trung Quốc tung ra bằng vụ cá chết chưa từng có tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Cùng với cái bẫy cá chết, gây biểu tình rối loạn, cuốt hút mọi sự tập trung của nhà nước lẫn dân chúng vào việc môi trường và nhân quyền, trong khi đó gián điệp Trung Quốc âm thầm tổ chức khủng bố. Đây là cách mà Trung Quốc thường xuyên áp dụng. Tôn Tử gọi là chiêu dương đông kích tây. Dân gian Trung Quốc có chuyện “đạo chích trộm táo” nhà phú hộ. Để trộm táo, hắn phóng hoả đốt nhà, cốt gây rối, rồi lẻn vào vườn ung dung trộm táo, bất biết chỉ vì vài quả táo, hắn có thể giết người.
Trong những ngày này, tàu cá Trung Quốc được huy động một số đông khác thường, xâm nhập hải phận Việt Nam, tàu chở dầu vi phạm sâu trong vịnh Bắc bộ, sát đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng đều bắt được tàu do thám trá hình của hải quân Trung Quốc..
Ngày 5/04 Thường trực Ban bí thư Đinh Thế Huynh đến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị
Ngày 06/04/2016, cá bắt đầu chết trên biển Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Hai ngày 13 và 14/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh.
Ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc tại tỉnh Hà Tĩnh và kiểm tra tiến độ thi công dự án tại nhà máy thép FORMOSA.
Sáng 29/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt TP Đà Nẵng và quân khu 5.
Ngày 01/05 bắt đầu có biểu tình.
Ngày 3/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Phú Yên.
Ngày 4-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Khánh Hòa.
Sáng 5/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng đoàn công tác của Trung ương đã đến thăm, làm việc với các đơn vị Hải quân đóng quân trong Căn cứ quân sự Cam Ranh, Vùng 4 Hải quân.
Nếu kết hợp chuyện chuẩn bị chuyến đi của tổng thống OBAMA với vụ cá chết hàng loạt đầu tháng 4, với các chuyến đi thăm và làm việc của ba lãnh đạo cao nhất của đảng tại các tỉnh ven biển, các vụ biểu tình suốt ba chủ nhật đầu tháng năm, người ta phải tự hỏi, đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay phía sau có chuyện gì. Tất cả những câu hỏi đặt ra trên kia có đáp án không?
Nếu giả thiết rằng, đã có một âm mưu từ phía Trung Quốc, và tình báo đã phát hiện và cả Mỹ lẫn Việt Nam đã được thông báo và thống nhất hành động, lập tức mọi chuyện sẽ trở nên sáng sủa.
Lãnh đạo đảng chỉ có những nhân vật cao cấp nhất được biết, âm thầm “đi thăm” và “làm việc”. Biểu tình không được phép biến thành rối loạn để không mắc mưu Trung Quốc. Biểu tình phải bị trấn áp bằng mọi giá. Nhân quyền bị thẳng tay trừng trị không che đậy, nhưng người Mỹ đã làm ngơ, “Mỹ và OBAMA đã bán rẻ nhân quyền, đổi nhân quyền và đạo đức Mỹ lấy lợi ích”!
Đến đây, chúng ta đã tạm nhất trí về khả năng một vụ mưu sát, hay một vụ khủng bố, thậm chí một vụ đảo chính chế độ, do bàn tay Trung Quốc. Chúng ta cũng không quên, một chuyện giống như một vụ đảo chính dường như đã xảy ra trong chuyến đi thăm Mỹ của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tháng 7/2015. Người ta đã buộc Phùng Quang Thanh phải nghỉ “dưỡng bệnh” trong khuôn viên Bộ Tổng Tham mưu, sau một tháng chữa bệnh tại Paris.
Sự lạnh nhạt có phần căng thẳng trong thái độ tiếp đón của các lãnh đạo Việt Nam, đã có thể hiểu được.
Sự vồn vã quá mức có thể chọc tức những cái đầu ở Trung Nam Hải, bắt nguồn cho những cú xuống tay không thể lường được.
Và sự trang trọng “hết cỡ” trong nghi thức đón Tập chỉ là “chuyện quá biết nhau” mà thôi.
Và tại sao, công tác an ninh được đặc biệt chú trọng tại Sài Gòn? Cuộc biểu tình tại Sài Gòn ngày 15/05/2016 bị đặc biệt đàn áp. Nhưng ít ai chú ý tới một chi tiết. Đó là xuất hiện sự tham gia công khai của người Việt gốc Hoa. Sẽ thấy lôgích nếu lưu ý rằng, Sài Gòn có hơn một triệu người gốc Hoa, có quận 5 với những đại gia có lịch sử hàng trăm năm, có người khổng lồ Vạn Thịnh Phát, có Hội Liên Hoa mới bị ép giải tán. Sẽ hiểu rằng cái chùa mà tổng thống Mỹ chọn đi thăm, là một chùa do một người Hoa thành lập, và hiện vẫn do người Hoa quản lý, dù đã buộc phải đổi tên và thay trụ trì chùa người Hoa bằng một vị Thượng tọa người Việt. Chỉ đơn giản là không ai cài mìn trong chính nhà mình, và phải kể thêm là yếu tố bất ngờ. Ngay chính Giáo Sư Tương Lai có một thư gửi Tổng thống OBAMA đề nghị ngài Tổng thống huỷ bỏ chuyến thăm chùa, vì chùa này không đại diện văn hoá tín ngưỡng của Việt Nam.
Nếu tin vào những gì vừa đoán nhận, chúng ta có thể thấy sự sụp đổ của Trung Quốc đang đến gần. Người trung thành cuối cùng với Trung Quốc cũng đã đoạn tuyệt, bỏ đi. Trung Quốc chỉ còn lại một mình trên mặt Địa cầu. Đó là giá phải trả cho sự xảo trá và tham lam. Đó cũng là giá phải trả cho một nhân cách lạc hậu.
Mỹ cần một sự chuẩn bị để có thể tạo ra một cuộc cấm vận Trung Quốc, như đang thực hiện cấm vận với Moscow. Nhìn bao quát sân khấu, vở diễn có thể đang bắt đầu vào những màn cao trào cuối cùng. Nếu yếu bóng vía, có thể phải nhắm mắt lại, và chờ.
Bùi Quang Vơm/BS
CHÚNG TA CÓ QUYỀN ĂN MỪNG KHÔNG?
BÙI QUANG VƠM/ BS/ BVN 28-5-2016
TT Obama sau khi nói chuyện xong ở Mỹ Đình, Hà Nội. Ảnh: REUTERS/Kham
Trong một khả năng xảy ra chiến tranh, tức là trong tình huống Việt Nam gặp nguy cơ đe dọa an ninh chủ quyền, thì hợp tác an ninh hàng hải ở mức hiện tại giữa hai nước, chỉ dừng ở mức tuần tra chung, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố hay các tình huống an ninh phi truyền thống… không đủ để đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam. Một Hiệp định an ninh chung phải được ký kết ràng buộc trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mỗi bên. Hiệp ước như vậy sẽ có thể là một bước tiếp của “Hiệp định khung hoà bình” Việt Mỹ đã được ký trong chuyến đi này, ngay sáng ngày 24/05/2016 tại Hà Nội.
_____
Lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được dỡ bỏ. Tổng thống Mỹ OBAMA đã công bố ngay ngày đầu tiên đến Hà Nội, sáng 23/05/2016. Lịch sử quan hệ Việt Mỹ có thể bắt đầu một chương mới. Liệu có thể ăn mừng không?
Lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ bắt nguồn từ sự kiện Vịnh Bắc bộ năm 1964. Chế độ cộng sản Bắc Việt chính thức trở thành kẻ thù chiến tranh của Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh uỷ nhiệm giữa hai hệ thống chế độ, đại diện hai hệ thống tư tưởng toàn cầu bắt đầu, bằng những cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam. Thắng hay bại trong cuộc chiến này không chỉ là thắng bại của ưu thế quân sự mà chủ yếu bị gắn vào biểu tượng thắng bại của ý thức hệ Dân chủ và ý thức hệ Cộng sản.
Theo G.S Zach Abuza từ Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ, lệnh cấm vận với Việt Nam chính thức được áp dụng năm 1975, nhưng nâng mức, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1978, danh nghĩa tiêu diệt Pol Pot, nhưng sau đó có mưu đồ chiếm đóng.
Lệnh cấm vận hoàn toàn đối với Việt Nam được Quốc hội Mỹ phê chuẩn và được đưa vào luật năm 1984, Quy định Buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR,International Traffic in Arms Regulations) liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị cấm mua bán vũ khí với Mỹ và các đồng minh quân sự của Mỹ. Luật này áp dụng cho các quốc gia kẻ thù của Mỹ, các chế độ được luật pháp Mỹ coi là khủng bố, chống lại dân chủ. Dù năm 1995 hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao nhưng lệnh cấm vận vũ khí vẫn không được dỡ bỏ và kéo dài tiếp hơn 20 năm qua. Dấu mốc lần này thực sự là điều mà cả hai bên cùng mong muốn.
Như vậy, cấm vận vũ khí không phải có tuổi 41 năm (từ sau chiến tranh năm 1975), mà là 48 năm. Gần nửa thế kỷ là kẻ thù, nay trở thành bạn. Đúng là “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”. Chúng ta có quyền ăn mừng cho cuộc tan sương này.
Sự sụp đổ của ý thức hệ
– Chiến tranh lạnh kết thúc từ sau sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới cùng lúc với sự sụp̣ đổ và tan rã của Liên bang cộng hoà XHCN Xô Viết năm 1991, nhưng chủ nghĩa cộng sản thế giới vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Đảng cộng sản vẫn còn cầm quyền ở Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba và Việt Nam. Những nước này đương nhiên là những nước mà luật pháp Mỹ xếp cùng phía với các quốc gia như Iran, Triều Tiên, Libye của Kadhafi, Irak của Sadam Hussein, Alqueda, IS… là những quốc gia hay tổ chức khủng bố, nặng hơn là kẻ thù của nhân loại, là đối tượng phải bị tiêu diệt.
Trong số những quốc gia này, Việt Nam là nước đầu tiên và độc nhất cho tới nay được Mỹ huỷ bỏ lệnh cấm vận. Một cách gián tiếp, Hoa kỳ không còn coi Việt Nam là nước có khác biệt ý thức hệ. Luật pháp Mỹ quy định Mỹ chỉ được bán vũ khí cho các quốc gia bạn. Mỹ bán vũ khí cho đồng minh và cấm các đồng minh bán cho bên thứ ba, nếu bên thứ ba không phải là bạn. Nhật và Israel không thể bán vũ khí cho Việt Nam, nếu Việt Nam không được coi là quốc gia bạn. Từ nay, Việt nam có thể mua vũ khí Mỹ, vũ khí Nhật, vũ khí Israel, của bất cứ nước nào thuộc khối NATO, vì Việt Nam là bạn của Mỹ. Việt Nam không thuộc hệ thống tư tưởng đối kháng.
– Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận này, sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua, được luật hóa, sẽ mở ra một chương hoàn toàn mới cho quan hệ hai nước. Việt Nam không bị coi là quốc gia thù địch. Thể chế chính trị độc đảng cộng sản của Việt Nam chính thức được luật pháp Mỹ thừa nhận, bình đẳng và có đầy đủ quyền và pháp nhân như mọi thể chế chính trị khác mà nền dân chủ Mỹ thừa nhận. Đây là điều mà những nhà lãnh đạo của chính quyền Hà Nội luôn luôn yêu cầu Mỹ mỗi lần có chuyến thăm viếng, hay sự kiện phải ra tuyên bố chung, như một bảo đảm cho an toàn của chế độ.
Cùng với việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí là sự dỡ bỏ nghi kỵ giữa hai chế độ, đặc biệt của nhà cầm quyền Hà nội với tâm lý lo sợ của một tư thế thấp kém và của một chế độ mong manh. Hà Nội sẽ bạo dạn hơn, tự tin hơn và cởi mở hơn trong các bước đi tiếp. Từ bình thường hóa quan hệ hoàn toàn tới quan hệ bạn bè, và từ bạn bè tới đồng minh là một quá trình, nhưng là quá trình liên kết tiệm tiến, không có phân cách rõ ràng về chất, cũng như không có ranh giới không gian và thời gian.
– Cùng với hủy bỏ lệnh cấm vận, những căn cứ địa cuối cùng của đối kháng ý thức hệ cũng được dỡ bỏ. Những kẻ cố thủ nhất, mù quáng nhất trong chế độ không còn đất để bám víu. Từ nay, những kẻ rao giảng chủ nghĩa láng giềng sẽ không còn chỗ đứng. Bốn tốt và mười sáu chữ vàng sẽ ít xuất hiện trên đài, báo. Liên hoan thanh niên và sinh viên Việt – Trung hàng năm sẽ không còn nội dung «liên hoan» nữa. Hội hữu nghị Việt Trung sẽ giảm biên chế và sẽ thu gọn kinh phí hoạt động. Những cụm từ “kẻ thù số một”, “kẻ thù trực tiếp”, “kẻ thù ngàn đời”… sẽ tái xuất hiện trên báo chí chính thống như thời ông Lê Duẩn.
– Hội thảo Lý luận Trung Việt giữa hai cơ quan nghiên cứu lý luận cao cấp của hai đảng, do một uỷ viên bộ chính trị phụ trách tuyên giáo dẫn đầu, gồm 50 cán bộ nghiên cứu cao cấp của hai đảng, được tổ chức luân phiên, một năm tại Trung Quốc, một năm tại Việt Nam là tổ chức có nguồn gốc ý thức hệ cộng sản, và có mục đích bảo vệ, tăng cường và phát triển ý thức hệ cộng sản.
Tổ chức này do chính Nguyễn Phú Trọng, nguyên bí thư Hà Nội kiêm chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương là đồng sáng lập với phía Trung Quốc, và trực tiếp dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Hội thảo lần thứ nhất năm 2003. Hội thảo gần đ̣ây nhất là hội thảo lần thứ XI, tổ chức ngày 17/06/2015 tại Thượng Hải, giữa Đinh Thế Huynh phía Việt Nam và Lưu Kỳ Bảo, uỷ viên bộ chính trị, bí thư TW, kiêm Trưởng ban Tuyên truyền TW đảng cộng sảng Trung Quốc.
Hội thảo lý luận từ lâu là công cụ mà Trung quốc sử dụng để kiểm soát và khống chế bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, nhân danh bảo vệ trung thành với chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa quốc tế cộng sản. Đặc biệt thông qua các hiệp định trao đổi và đào tạo hàng năm số lượng lớn cán bộ quản lý cao cấp, do đảng cộng sản Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh và đài thọ kinh phí.
Cơ chế Hội thảo lý luận hàng năm được cả hai đảng coi là nền tảng bảo vệ chế độ hai nước. Nó được coi như một loại Hiệp ước An ninh, cho phép quân đội hai nước, đều do đảng lãnh đạo tuyệt đối và trực tiếp, có thể được huy động, và can thiệp, trong trường hợp chế độ của nước này hay nước kia bị đe dọa. Hơn thế, những nhà lãnh đạo cả hai đảng đều có tham vọng là lãnh tụ của phong trào cộng sản quốc tế, ôm mộng khôi phục và lập lại được Quốc tế cộng sản. Đó là chiếc bình sứ mà Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tặng cho Phùng Quang Thanh tại Giao lưu biên giới Trung – Việt năm 2015, là «Đại cục» mà Tập Cận Bình răn đe giới tinh hoa Việt ngay tại hội trường Diên Hồng, Quốc Hội Việt Nam, tháng 11/2015.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là một khẳng định, rằng lợi ích quốc gia mới là thứ vĩnh viễn, ý thức hệ chỉ là thứ phù du. Rồi chúng ta sẽ chứng kiến sự biến mất không cờ không trống của cơ chế «Hội thảo lý luận Trung Việt”, mặc dù có thể không ngay lập tức. Ông Đinh Thế Huynh sẽ không cần kiêm chức Chủ tịch Hội đồng lý luận TW nữa. Trưởng ban tuyên giáo trẻ tuổi Võ Văn Thưởng sẽ mất cơ hội được đào tạo chuyên sâu về chủ nghĩa Mác tại các trường Đảng tại Bắc Kinh, và tránh được nhiễm máu Trung Quốc. Cây măng mà ông Nguyễn Phú Trọng hy vọng có lẽ không lớn lên thành loại tre giống ông và Đinh Thế Huynh. Lý luận Mác Lê sẽ chết cùng với lệnh cấm vận, vưà vì cổ hủ, vừa vì đảng không còn người, không còn người bị lưà.
– Chính Thời báo Hoàn cầu cũng thấy «…hiện tại với việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam, một quốc gia theo thể chế xã hội chủ nghĩa, có thể thấy chiến lược ngoại giao của Mỹ không còn bị “ý thức hệ hóa” như trước khiến người ta phải xem xét lại, nghiên cứu kỹ.
Cử chỉ này của ông Obama vừa nhằm mục đích để lại di sản ngoại giao trước khi rời Nhà Trắng, đồng thời còn tính toán đến chiến lược thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương. Khi Mỹ cần gấp rút bao vây Trung Quốc trên Biển Đông, bất luận là ý thức hệ hay nhân quyền đều có thể nới lỏng hơn một chút.”
– Dù lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam muốn hay không, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí không thể che đậy mục tiêu là nhằm chống lại Trung Quốc, nói một cách khác, khái niệm bạn thù, í́t nhất trên lĩnh vực chủ quyền quốc gia, đã công khai xác định ai là bạn, ai là thù. Việt Nam đã hoàn toàn đoạn tuyệt sự trói buộc và chi phối của Trung Quốc, thậm chí chính thức lựa chọn đối đầu với Trung Quốc, dù chỉ trên vấn đề biển đảo. Lãnh đạo đảng cộng sản không muốn, có thể còn lo sợ, nhưng nhân dân Việt Nam thì mừng.
An ninh Quốc phòng và Biển Đông
 Ông Obama nói «việc dỡ bỏ lệnh cấm vận là kết quả sự phát triển của quan hệ hai nước, không liên quan tới Trung Quốc và biển Đông», nhưng trên thực tế, không một ai không biết, động cơ chủ yếu dẫn hai nước Việt Mỹ tới sự tin cậy hôm nay là ý chí và nguyện vọng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam và chiến lược chuyển trục của Mỹ nhằm ngăn chặn âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Đây là sự gặp gỡ của lợi ích quốc gia. Khi nói «không có bạn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn», thì cũng có thể hiểu rằng mối quan hệ này có độ bền không thể ngắn, vì chủ quyền biển đảo là lợi ích vĩnh viễn của Việt Nam, và lợi ích gắn với tự do hàng hải quốc tế là lợi ích vĩnh viễn không chỉ của Mỹ, mà của tất cả các nước, trước hết là các siêu cường có trách nhiệm trên thế giới. Trong tình thế hiện tại, không một quốc gia nào có vai trò và sức mạnh thích hợp hơn Mỹ.
– Lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ cho phép Việt Nam có cơ hội hiện đại hoá trang bị vũ khí tự vệ. Mỹ sẽ cung cấp ngay cho Việt Nam 18 tàu tuần tra Metal Shark, Hải quân Việt nam có thể được trang bị máy bay trinh sát săn ngầm P-3C Orion. Sau đó là máy bay vận tải hạng nặng C-130 Hercules. Việt Nam có thể sẽ mua chiến đấu cơ hiện đạ̣i F-16. Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời Jim Jatras- cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, “tàu chiến ven bờ LCS và chiến đấu cơ F/A-18 nhiều khả năng sẽ là hai cái tên đứng đầu trong danh sách vũ khí mà Việt Nam có thể mua từ Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí kéo dài 50 năm đối với Hà Nội”. CH-47F là ứng viên để trang bị cho Lực lượng Đổ bộ đường không mới thành lập của Việt Nam.
Vũ khí sát thương được hiểu là loại vũ khí nhằm mục đích tối quan trọng là trực tiếp tiêu diệt nhanh chóng kẻ địch. Những vũ khí sát thương có uy lực lớn, sức công phá khủng khiếp và gây chấn thương nghiêm trọng hoặc thiệt mạng ngay tức khắc.
Trong chiến tranh thông thường, vũ khí sát thương là một con bài quan trọng để áp chế lực lượng đối phương và tung ra đòn quyết định giành chiến thắng cuối cùng. Việt Nam rất cần cho tình huống phải đối phó với chiến tranh xâm lược của Trung Quốc như tình huống xáy ra tại các vùng biên giới phía Bắc năm 1979, hoặc như trận Gạc Ma.
Trước đây hồi tháng 8.2015, Nigeria từng được Mỹ dỡ một phần lệnh cấm vận vũ khí sau khi tổ chức khủng bố Boko Haram hoành hành quá mạnh ở quốc gia châu Phi này. Khi lệnh cấm được tháo bỏ, vũ khí Mỹ đã giúp Nigeria ngăn chặn Boko Haram phát triển quá mức.
Ai Cập cũng từng được Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm mua vũ khí sau khi tổ chức khủng bố IS tăng cường “chân rết” khiến tình hình vô cùng nguy cấp. Sau cuộc điện thoại giữa ông Obama và người đồng cấp Sisi, Ai Cập đã được mua 12 chiến đấu cơ F-16, 20 tên lửa Harpoon và 124 tên lửa M1A1 Abrams hạng nặng nhằm tiễu trừ khủng bố.
– Theo New York Times, nếu chiến hạm Mỹ được phép vào Cam Ranh (nằm ở phía Tây của biển Đông), cùng với căn cứ ở Philippines (nằm ở rìa Đông), Mỹ sẽ tạo được thế gọng kìm trên Biển Đông, bao vây các căn cứ quân sự Trung Quốc dựng lên phi pháp. Giáo sư Alexander L.Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhận định: “Nếu xảy ra sự cố trên Biển Đông, Mỹ cần nhiều thời gian hơn để hiện diện trong khu vực so với Trung Quốc. Việc chiến hạm Mỹ thường xuyên ra vào Vịnh Cam Ranh rất thuận lợi cho Washington trong việc duy trì cân bằng quyền lực với Bắc Kinh”.
Dỡ bỏ lệnh cấm vận cho phép Mỹ tận dụng cơ hội khai thác Cam ranh trong khi Nga đang còn “cân nhắc”. Cam Ranh sẽ không trở thành căn cứ quân sự của riêng Mỹ, nhưng với ưu thế vũ khí và kinh phí, trong sự lúng túng do khó khăn kinh tế của Nga, Mỹ dễ dàng chiếm thế thượng phong. Hiện đã có Hiệp định lưu giữ thiết bị Mỹ tại Đà Nẵng. Sẽ không có từ “Căn cứ quân sự”, nhưng thực chất là gì, và cách gọi như thế nào, chưa bao giờ là chuyện khó khăn đối với Hà Nội.
Sự có mặt thường xuyên và chiếm ưu thế của Mỹ tại Cam Ranh, (dù trên danh nghĩa chỉ do Mỹ không có khó khăn tài chính) sẽ biến âm mưu độc chiếm biển Đông bằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc thành ảo tưởng. Trung Quốc đã rất tốn kém, cả tiền bạc lẫn uy tín quốc tế, chỉ để kiểm soát được biển Đông, biến đường lưỡi bò thành thực tại. Nhưng với sự có mặt của hải quân Mỹ tại căn cứ Subic Philippines và Cam Ranh Việt Nam, quyền tự do hàng hải trên toàn bộ biển Đông là thực tế bất khả kháng. Tất cả những khí tài, những đầu tư tốn kém của Trung Quốc tại Hoàng Sa, đặc biệt tại Trường Sa sẽ trở thành vô dụng. Chiến tranh Trung Việt sẽ không bao giờ còn khả năng xảy ra.
– Tờ Hoàn Cầu Thời báo bằng tiếng Hoa có trụ sở tại Bắc Kinh chạy bài với tiêu đề “Obama không quên ‘quây lưới’ quanh Trung Quốc trước khi rời nhiệm sở”.
“Các cựu thù không được châm ngòi mồi lửa trong khu vực” là tiêu đề của bài báo đăng trên tờ Trung Hoa Nhật báo ở Bắc Kinh.
Bài báo bình luận rằng “Mỹ đang sử dụng Việt Nam để đối trọng với sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc, đặc biệt sau những căng thẳng gia tăng ở Nam Hải vì các tuyên bố chủ quyền của các nước này. Điều đó, nếu đúng, báo hiệu xấu cho hòa bình và ổn định khu vực, vì nó sẽ làm phức tạp thêm tình hình ở Nam Hải, và có nguy cơ biến khu vực này thành một mồi lửa xung đột…».
Nếu Hoàn Cầu Thời báo là phát ngôn của nhà cầm quyền Trung Quốc, thì một sự thật không che đậy, có thể xác định được, đó là đối với đảng cộng sản Trung Quốc, đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam đã đứng về phía Mỹ, đối đầu và chống lại Trung Quốc, có thể chưa là đồng minh của Mỹ, nhưng với Trung Quốc thì đã là kẻ thù. Và nếu là kẻ thù của Trung Quốc, thì khó thóat khỏi bị trừng trị và nhận thêm bài học mới. Việt Nam đối diện với một cuộc chiến tranh, cứng trong một cơ hội có thể, nhưng mềm thì luôn có, lúc nào cũng có, và mức độ hiểm độc chỉ ngày càng tăng.
– Tuy vậy, không thể bỏ qua khả năng một thủ đoạn xấu chơi được hiển hiện dưới sự hoan hỉ hầu như chỉ từ phía công chúng này. Có thể thấy khuôn mặt lạnh lùng của Trần Đại Quang bên cạnh OBAMA. Có thể thấy báo chí rất ít lời ca ngợi. Không thấy một vị lãnh đạo cao cấp nào có phát ngôn, và biểu thị tình cảm.
Trước chuyến thăm của Tổng thống OBAMA, sáng 16-5, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với bộ trưởng quốc phòng Nga. Chuyên gia Nga Dmitry Mosyakov nói “Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan đến chính sách của Mỹ nhằm kéo Việt Nam về phía mình, để tái trang bị quân đội Việt Nam với vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng, chuyến thăm này có ảnh hưởng gì đó đến đường lối đối ngoại của Hà Nội và chính sách tái vũ trang quân đội Việt Nam. Kết quả cuộc hội đàm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng thống Nga và Thủ tướng Nga cho thấy rằng, mối quan hệ Việt-Nga có triển vọng rất lớn, kể cả trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự” (http://vn.sputniknews.com/vietnam/20160523/1782257.html).
Một thực tế là từ năm 2008, Việt Nam và Nga đã thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng-an ninh thường niên cấp Thứ trưởng thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng.
Đây rõ ràng là một trở ngại khó vượt qua. Nga thuộc danh sách bị cấm buôn bán vũ khí với Mỹ và đồng minh của Mỹ, trong khi gần 90% trang thiết bị quân sự trong quân đội Việt Nam là của Nga, quan hệ mua bán vũ khí giưã Việt Nam và Nga có một lịch sử phát triển từ lâu và đã ở mức rất sâu. Làm thế nào để vưà mua được vũ khí của Mỹ, vừa phải đảm bảo vũ khí đó không lọt vào tay Nga, và từ Nga, qua Trung Quốc. Chưa kể nhân quyền, chỉ điều này cũng biến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Mỹ khó để trở thành khả thi.
Rất có khả năng, với Hà Nội, “Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương” sẽ chỉ gói gọn trong phạm vi hàng hải nhằm chống Trung Quốc trên biển, giúp chế độ thoát khỏi thế trên đe dưới buá của dân. Ở mọi chỗ khác, việc khác, tất cả đều như cũ. Mục đích chính, mục đích căn bản của “Dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương”, chỉ là một đảm bảo cho việc bình thường hóa quan hệ hai nước, nghĩa là chế độ độc đảng được thừa nhận trong pháp luật Mỹ, không còn nguy cơ là đối tượng lật đổ của chính phủ Mỹ. Rất có thể Hà Nội vẫn chủ trương “tách khỏi Trung Quốc nhưng không cách xa, tiếp cận Mỹ nhưng không quá gần”.
Ở Việt nam mới có một loại định nghĩa mới về khái niệm bạn và thù. “Người giúp giữ chủ quyền là bạn, ngược lại thì là thù”. Định nghĩa này mới hoàn toàn. Trước đây, chỉ có tư sản, địa chủ là kẻ thù giai cấp vô sản, tư bản chủ nghĩa là kẻ thù của xã hội chủ nghĩa, không có bạn và kẻ thù chung chung, chung chung là xét lại, là phản động. Phải rồi, không còn ý thức hệ nữa. Khác về tư tưởng không còn là kẻ thù. Mỹ giúp giữ chủ quyền, Mỹ là bạn. Ngược lại, Trung Quốc cướp chiếm biển đảo, Trung Quốc là thù. Nếu đúng là chủ quyền trên hết, thì Trung Quốc là kẻ thù số một, Mỹ là bạn hơn tất cả mọi bạn.
Nhưng nếu “chế độ” thay vào chỗ “chủ quyền” thì cái định nghĩa vưà rồi sẽ phải viết“người giúp giữ chế độ là bạn, ngược lại là thù”. Trung Quốc giúp giữ nguyên chế độ độc tài độc đảng, Trung Quốc là bạn, và Mỹ giúp cho dân chủ hóa đất nước, Mỹ thành kẻ thù. Nếu ổn định của chế độ độc đảng quan trọng hơn chủ quyền quốc gia, thì bạn là Trung Quốc, là đảng cộng sản Trung Quốc, và Mỹ, nền tự do dân chủ Mỹ trở thành kẻ thù, kẻ thù của đảng cộng sản.
Như vậy, chỉ cần biết Đảng cộng sản Việt Nam hiện đang yêu cái gì, Tổ quốc hay chế độ, lập tức biết được ngay, Mỹ hay Trung Quốc là bạn.
Nhân quyền và dân chủ
– Nhân quyền đã bị gạt sang một bên nhường chỗ cho việc dỡ bỏ lệnh cấm vận. Trần Huỳnh Duy Thức thay vì được thả vô điều kiện, lại bị truy bức tới mức phải tuyên bố tuyệt thực vô thời hạn. Nancy Nguyễn và Nguyễn Viết Dũng bị bắt cóc trước khi tổng thống Mỹ đến. Khách mời cuộc gặp mặt dân sự với Tổng thống Obama, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dẫn đầu phong trào xã hội dân sự Việt Nam hiện nay, bị bắt cóc ngay khi ra khỏi nhà, chở đi Hưng Yên và “buộc phải đi thăm chùa và ăn canh cá rô”. Ông chỉ được đưa về nhà vào lúc 13h30, khi cuộc họp với Tổng thống Mỹ đã kết thúc. Nhà báo Đoan Trang, luật sư Hà Huy Sơn và blogger Thảo Teresa bị ngăn cản và câu lưu. Tất cả các diễn văn, nội dung các cuộc trò truyện của Tổng thống OBAM đều bị cắt xén… cho thấy lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam không hề nhượng bộ Mỹ về các đòi hỏi nhân quyền, cũng có nghĩa là Mỹ đã bị cộng sản Việt Nam lợi dụng. Lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ mà không được trả giá bằng nhân quyền, chỉ đơn thuần là “kết quả sự gặp gỡ của lợi ích quốc gia”, như nhận xét của nhiều nhà quan sát. Đó là cuộc gặp “đồng sàng, nhưng dị mộng”, của “kẻ cướp và bà già”. Chủ nghĩa thực dụng đã chiến thắng ý thức hệ. Cả cộng sản Việt Nam và Mỹ không ai kém thực dụng hơn ai, và cả hai đã cùng thắng.
Thượng nghị sĩ Mỹ, ông Cornyn đề nghị Quốc hội Mỹ sửa luật để trừng phạt ngay chính quyền cộng sản Hà Nội, “Ngay cả tại thời điểmTổng thống Obama đến Việt Nam, điều quan trọng là phải nhớ rằng Việt Nam là một chế độ cộng sản nghiêm khắc, tiếp tục từ bỏ các quyền con người cơ bản”. Sửa đổi đề xuất biện pháp trừng phạt và hạn chế nhập cảnh vào Mỹ đối với những công dân Việt Nam, theo quan điểm của Hoa Kỳ, có các hành vi vi phạm nhân quyền (http://vn.sputniknews.com/politics/20160524/1782980.html).
– Nhân quyền phải tự giành lấy, không ai cho, không thể trông chờ người khác đem lại. Đúng như vậy, người ta đang chơi trò chơi nhân quyền. Nhưng mọi sự nôn nóng và cực đoan, tuyệt đối hoá vận động tự thân, cách ly phong trào với mọi nguồn xung lực không phải là giải pháp cần và đủ để đưa lại kết quả như mong đợi.
Đấu tranh dân chủ, trong đó bắt đầu bằng cuộc đấu tranh cho những quyền cơ bản của con người, là một cuộc đấu tranh dẫn đến sự thay đổi về chất của một thể chế chính trị, phải là một quá trình bắt đầu bằng chuyển đổi nhận thức.
Lật đổ một chế độ bằng bạo lực, kể cả bằng bạo lực tinh thần số đông, cũng không tạo ra sự thay đổi thực chất và bền vững nếu chưa có đủ sự chuyển đổi nhận thức. Chưa hiểu một cách đầy đủ hình hài của một chế độ xã hội phải được hình thành sau lật đổ, thì dân chủ thực sự chưa đến, thậm chí có thể có một nguy cơ còn tệ hại hơn, đó là sự rối loạn đảng phái vô chính phủ dẫn đến sự ra đời của chế độ phát xít, tàn bạo hơn độc tài nhiều lần.
Vì vậy, sự thay đổi từng bước, hình thành từng phần của mô hình, từ bên trong chế độ hiện hữu, là quá trình hình thành sự chuyển biến có tính cập nhật của nhận thức, cùng một lúc với sự hình thành từng bước, từng bộ phận cơ sở hạ tầng của một xã hội tương lai trong lòng thực tiễn xã hội hiện tại.Từng bước, tập quán sinh hoạt xã hội mới sẽ được thiết lập tự thân. Đó là con đường ôn hoà và phù hợp với thực tế của Việt Nam.
– Sau cấm vận, Mỹ triển vọng thành nhà đầu tư số một, không phải chỉ có ý nghĩa kinh tế. Trước hết là sự chiếm chỗ trong không gian. Không gian có hạn, sự chiếm chỗ của Mỹ sẽ đẩy Trung Quốc ra ngoài. Đầu tư của Mỹ sẽ pha loãng ảnh hưởng của Trung quốc, giảm tỷ lệ phụ thuộc vào Trung Quốc của nền kinh tế Việt Nam. Ưu thế công nghệ và văn hoá quản trị hiện đại sẽ làm lộ rõ chân tướng lạc hậu và gian dối của doanh nghiệp Trung Quốc và bộ mặt tham nhũng của quan chức Việt Nam.
Quan hệ mở rộng có nghĩa là giao lưu mở rộng, sự gắn kết và tuỳ thuộc lẫn nhau, đòi hỏi sự tương thích hai chiều, sẽ tạo dần sự đồng nhất hóa. Đầu tiên là thói quen sinh hoạt thay đổi, sau đó sẽ là cấu trúc xã hội, và tiếp đến là thể chế chính trị, mô thức của chính quyền. Người Việt Nam có câu ngạn ngữ «đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy». Xét trên thang phát triển tổng thể, đặc biệt về tư duy nhân văn, thì Trung Quốc còn cách xa Mỹ có thể cả nửa thế kỷ, thậm chí hơn.
– TPP đòi hỏi đồng nhất hoá nhận thức các khái niệm về giá trị và tập quán quốc tế, điều chỉnh tiến tới đồng nhất hoá luật pháp, bắt đầu từ những quy định luật pháp liên quan tới hoạt động kinh doanh. Nhu cầu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia và mục tiêu lợi nhuận, ép buộc hệ thống luật pháp quốc gia phải điều chỉnh dần theo hướng đồng nhất hoá với hệ thống luật của các nước thành viên, các nước này, trong TPP đều là các quộ́c gia dân chủ mà hệ thống pháp luật có căn cứ chủ yếu trên nguyên tắc Tam quyền phân lập, tự do cá nhân và sở hữu tư nhân. Chế độ lương tối thiểu và quyền được có công đoàn độc lập, quyền tự vệ của người lao động là xuất phát từ những yêu cầu đồng nhất hoá luật lao động phổ biến ở tất cả các nước công nghiệp phát triển.
Ông OBAMA nói, “Gỡ bỏ cấm vận vũ khí nhằm mục đích thay đổi bản chất mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Tất nhiên là chúng tôi cũng còn có nhiều quan điểm chưa thực sự thống nhất. Chúng tôi quan tâm đến các cam kết của Việt Nam trong TTP như cải cách luật pháp, cải thiện tiêu chuẩn lao động..”.
Như vậy, suy cho cùng, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận tạo ra các xung lực từ bên trong, cùng với áp lực của phong trào xã hội dân sự, hình thành thế trận “nội công, ngoại kích”.
Liên minh là tất yếu
– Nếu chỉ thấy ở việc dỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan tới việc cho phép Việt Nam mua vũ khí Mỹ để đối phó với Trung Quốc thì có phần ảo tưởng. Mua gì, mua bao nhiêu thì khả dĩ đối phó được với Trung Quốc. Không, nếu vẫn đơn độc một mình thì chỉ khi sở hữu vũ khí hạt nhân, Việt Nam mới tránh được một cuộc chiến tranh tiêu diệt. Chỉ chạy đua vũ khí thông thường, thì dẫu VN giành toàn bộ GDP cũng chỉ bằng kinh phí giành cho quân sự hàng năm của Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Công Trực báo GDVN: «Mặt khác về mặt kỹ thuật, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã cho rằng, hơn 90% vũ khí trong biên chế Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện nay là của Nga, nên ý nghĩa giao dịch thương mại của việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam không nhiều.
Còn một khi độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam bị đe dọa, người Việt sẽ làm mọi việc để chống lại các thế lực xâm lược, và đến lúc đó liên minh chống xâm lược tự nó sẽ hình thành. Lịch sử chiến tranh cận hiện đại đã cho thấy rõ điều này nên thiết nghĩ không cần đặt vấn đề đồng minh, liên kết».
Trung tướng Lê văn Cương Cần nói thẳng chơi bài ngửa với Trung Quốc: “VN không liên minh với Mỹ để chống TC, nhưng Việt Nam cần sức mạnh của Mỹ để răn đe mọi thế lực ngoại bang muốn xâm lược VN.
Cho nên, thực chất chờ đợi ở quyết định dỡ bỏ cấm vận không hoàn toàn nằm ở việc mua sắm vũ khí. Nó nhắm một mục đích cao hơn, là mở rộng cánh cửa cho mối quan hệ hợp tác mỗi ngày một chặt chẽ gắn kết hơn, để tiến tới một liên minh.
Trong một khả năng xảy ra chiến tranh, tức là trong tình huống Việt Nam gặp nguy cơ đe dọa an ninh chủ quyền, thì hợp tác an ninh hàng hải ở mức hiện tại giữa hai nước, chỉ dừng ở mức tuần tra chung, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố hay các tình huống an ninh phi truyền thống… không đủ để đáp ứng đòi hỏi của Việt Nam. Một Hiệp định an ninh chung phải được ký kết ràng buộc trách nhiệm bảo vệ an ninh cho mỗi bên. Hiệp ước như vậy sẽ có thể là một bước tiếp của “Hiệp định khung hoà bình” Việt Mỹ đã được ký trong chuyến đi này, ngay sáng ngày 24/05/2016 tại Hà Nội.
Dù thế nào, thì lịch sử Việt Nam cũng đã đi lên một bước, về hướng bình minh. Có thể vì thế mà chúng ta có quyền tự cho phép mình ăn mừng.
B.Q.V.
ĐỪNG VỘI VÀNG KẺO HY VỌNG HÃO !
HÀ SĨ PHU/ BVN 28-5-2016
Obama, giá trị Mỹ, nước Việt, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, hàng giả
Bài nói chuyện của Tổng thống Obama ngày 24-5 trước nhân dân Việt Nam phải công nhận là hay và giỏi, rất văn hóa và chính trị cao tay, thậm chí gây nhiều hứng khởi. Nhưng chất lượng bài diễn văn là một chuyện, hiệu quả của chuyến thăm trong bối cảnh chính trị phức tạp của tương quan Việt-Mỹ-Trung thế nào lại là chuyện khác.
1/ Về tác động của Hoa Kỳ đến nền dân chủ-nhân quyền của Việt Nam
Giữ lịch sự, Obama không cần chỉ trích VN về tự do-dân chủ-nhân quyền (TD-DC-NQ), ngược lại còn khen Hiến pháp VN đã có những cái đó, nhưng lại giành thời gian để nói rõ, để giảng giải về ích lợi của tự do-dân chủ-nhân quyền một cách ngắn gọn và sáng tỏ. Chính điều ấy đã vô hình trung ngầm bảo cho biết rằng VN còn rất kém về tự do-dân chủ-nhân quyền! Vâng, thử nghĩ xem, Obama có bao giờ cần giảng giải về tự do-dân chủ-nhân quyền ở diễn đàn một nước dân chủ như Pháp, Đức… không, và ngược lại một người cầm đầu ĐCSVN dân chủ giả hiệu có bao giờ lại giảng giải về sự ích lợi của tự do-dân chủ-nhân quyền trước một nhân dân Mỹ tự do như Obama đã nói trước dân VN hay không?
Obama nói như vậy vừa nêu cao được chế độ tôn trọng tự do-dân chủ-nhân quyền của Hoa Kỳ, là cái mà VN chưa có, nhưng chỉ nói như vậy cho biết thôi chứ không can thiệp gì cụ thể, hoặc tạo áp lực trực tiếp hay gián tiếp chi cả, vậy thì tác động vào tình trạng thiếu dân chủ của VN hầu như không có gì! Phía VN chẳng phải “trả giá” gì cho cái phần thưởng có vẻ rất to là giải tỏa cấm vận vũ khí sát thương.
2/ Về quyết định hủy lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam
ĐCSVN khuyếch trương thắng lợi khi Hoa Kỳ tuyên bố đơn phương hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, nhưng việc ấy chỉ là thắng lợi chủ yếu để tuyên truyền, cho dân nghe mà khấp khởi hy vọng gì đó chăng, chứ thực chất chẳng phải điều lớn lao gì quyết định đến cục diện chính trị trong tương quan Việt-Mỹ-Trung, vì 2 lý do:
Một nước nhỏ phải giữ nước trước hết bằng đường lối chính trị, vũ khí chỉ có ý nghĩa khi có ý chí chiến đấu, ở tư thế chiến đấu, nếu chính trị đã sa bẫy hoặc đầu hàng thì vũ khí cũng cũng chỉ là cục sắt. Việc này trước hết có lợi cho Mỹ là chủ yếu vì các công ty vũ khí của Mỹ sẽ bán được hàng.
- Bỏ chủ trương cấm vận vũ khí sát thương không có nghĩa VN muốn mua vũ khí gì thì Mỹ phải bán cho ngay. Quyền bán hay không vẫn thuộc về người bán là chính phủ Mỹ, xét xem có nên bán vũ khí đó hay không, bán vũ khí cụ thể đó cho VN thì có lợi hay có hại cho Hoa Kỳ, có lợi thì bán, nếu không muốn bán thì Hoa Kỳ vẫn thiếu gì lý do? Trong quan hệ với Việt Nam và Trung quốc, giữa vai trò một đầu tàu của nhân loại văn minh với quyền lợi quốc gia của Hoa kỳ, trong sai khác giữa ngoại giao nhân dân và ngoại giao nhà nước, đứng giữa những giằng co ấy đừng quên chính cường quốc Hoa Kỳ cũng đang phải “đu dây”!
Tóm lại việc hủy cấm vận này chỉ có lợi cho Hoa Kỳ, còn đối với VN thì việc bán vũ khí ấy có lợi cho nhân dân VN hay không, Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam thoát Trung hay không còn tùy thuộc vào ĐCSVN có thực tâm dân chủ hóa để cùng nhân dân chống lại và thoát khỏi cái quy trình xâm lăng quái ác đã được định hình rất bài bản của Trung Cộng hay không?
Nếu VN cứ giữ bài bản “kiên quyết giữ vững hòa bình và hữu nghị” triền miên như bấy lâu nay, từng bước rồi từng bước, cho đến ngày không còn gì để mất, thì rốt cuộc nhân dân chỉ mất tiền mua vũ khí để làm hại cho mình mà thôi!
Bài học lịch sử xương máu cho dân mình là đừng vội vàng hy vọng hão!
27/5/2016
H.S.P.
Tác giả gửi BVN
OBAMA, GIÁ TRỊ MỸ VÀ CHUYỆN 'GIÁ TRỊ GIẢ'
KỲ DUYÊN/ TVN 28/5/2016
Obama, giá trị Mỹ, nước Việt, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, hàng giả
Tổng thống Obama được người dân chào đón nồng ấm.
Một khi những “giá trị giả” đó trở thành bình thường hóa, thì những thang giá trị nào có thể làm … tay vịn cho sự phát triển?
Nước Việt sẽ hội nhập thế nào, ngay cả khi cơ hội lớn, thông qua sự kiện vị TT Mỹ Obama sang thăm VN với nhiều thông điệp lớn, được mở ra?   
------------------
Một sự kiện lớn nhất tuần qua, cũng có thể coi là sự kiện đối ngoại lớn nhất năm 2016 vừa diễn ra đã khiến cho trái tim của hàng triệu người dân Việt như… tan chảy, như lời bình của ai đó trên trang mạng XH.
Đó là sự kiện TT Mỹ B. Obama sang thăm VN.
Khỏi phải nói, sự hiện diện của ông TT da màu ở dải đất chữ S bên bờ biển Đông, giữa những năm tháng nước Việt đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn: Ngập mặn, cá chết, nợ công, tham nhũng, lợi ích nhóm…, ít nhiều đã khiến người dân VN quên đi những nỗi bất an, chỉ còn lại sự hân hoan chờ đón vị nguyên thủ một QG lớn nhất thế giới.Giá trị Mỹ và “Nam quốc sơn hà nam đế cư”
Thật kỳ lạ. Hơn 40 năm trước đây, VN và Mỹ là hai nước cựu thù. Những vết thương lòng, những vết thương chiến tranh đã khiến cho cả hai quốc gia khác biệt nhau kỳ lạ- như phương Đông với phương Tây, như nhỏ với lớn, như yếu với mạnh, phải kiên nhẫn, khéo léo khâu vá từng đường kim mũi chỉ ngoại giao suốt 20 năm, để hôm nay, vị TT Mỹ trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp trưa ngày 24/5 lay động lòng người, khi trích dẫn ca từ của nhạc sĩ Văn Cao tài danh: Từ nay người biết yêu người, từ nay người biết thương người…
Người VN vốn hồn nhiên, tốt bụng, và hiếu khách. Nhưng không phải khách nào đến thăm nước Việt cũng được họ quý yêu, chào đón, thậm chí ngược lại… Vì sao?
Nhận thức là cả một hành trình đau đớn, với một dân tộc. Sự phát triển IT và thế giới phẳng đã đem đến cho dân trí nước Việt những đổi thay mạnh mẽ. Giá trị Mỹ là một khái niệm được nhân loại thừa nhận. Trong khi nước Việt đang phải đối mặt với những thách thức của phát triển, mà sâu mọt vẫn không… lụi tàn, đang phải đối mặt với những dã tâm xâm lược chủ quyền, rất cần có những đối tác chiến lược, những bạn bè hợp tác hỗ trợ, chia sẻ trên tinh thần vì lợi ích quốc gia mỗi bên, trên tinh thần cả hai bên cùng có lợi. Xin mượn nhắn nhủ của nhân gian- Hữu duyên thiên lý nên (năng) tương ngộ/ Vô duyên đối diện bất tương phùng.
Khỏi phải nói, dư luận XH, báo chí, truyền thông khai thác hết “công suất” về chuyến đi, đặc điểm tính cách con người, sở thích ẩm thực- bún chả, bia HN, café đá, cho đến nơi ăn chốn ở, phương tiện di chuyển, bảo mật…, của ông Obama ra sao. Có những điều thái quá, nhưng ở góc độ nhân sinh, điều đó phản chiếu mối quan tâm đầy hứng thú của một cộng đồng. Và người viết bài tin, ông Obama cảm nhận rất rõ con tim của người dân Việt khi bày tỏ, tim tôi đã nhiều lần rung động bởi sự tử tế mà dường như đối với người VN là chuyện bình thường.
Nhưng thông điệp cụ thể của chuyến thăm viếng có thể đọc thấy ở những cuộc gặp gỡ, trao đổi, đặc biệt ở thông cáo những vấn đề của hai quốc gia cùng quan tâm.
Có những vấn đề VN đang rất cần chia sẻ, và được hai bên ưu tiên trao đổi. Có những vấn đề nước Việt phải rất nỗ lực, nỗ lực hơn nữa để có thể vươn lên bình đẳng hội nhập cho dù TPP đã được ký kết, nhưng vẫn còn phải chờ QH Mỹ thông qua. Có những vấn đề bằng hành động, người đứng đầu nước Mỹ vô tình gợi í cho nước Việt quan điểm về sự cất cánh của một QG, cũng là “đường băng” của nhiều QG từng cất cánh, từ châu Âu đến châu Á.
Trước đó, ngày 24/5, theo VnExpress, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ cung cấp cho VN 18 tàu tuần tra Metal Shark, hỗ trợ công tác huấn luyện và trang thiết bị thực thi pháp luật trên biển cho lực lượng Cảnh sát Biển VN, tăng cường mối hợp tác an ninh giữa hai nước. Khẳng định giúp VN xây dựng năng lực an ninh hàng hải bằng cách cung cấp 45,7 triệu USD kể từ tài khóa 2014, hỗ trợ tài chính cho Quỹ Sáng kiến An ninh Hàng hải (MSI), một sáng kiến mà Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết tài trợ 425 triệu USD trong 05 năm.Đó là về an ninh, mối quan tâm nhất của cộng đồng nước Việt là Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với VN, rất có ý nghĩa với chính sách an ninh, quốc phòng của VN. Có nghĩa là từ đây, hai nước có mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn, nhất là những vấn đề mang tính lợi ích chung trong giao thương hàng hải.
Trong bài phát biểu ở TT Hội nghị QG, người đứng đầu nước Mỹ đã làm hàng triệu con tim VN bất ngờ và đồng cảm, khi ông trích dẫn bản hịch khảng khái khí phách của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Sông núi nước Nam vua Nam ở).
Khi ông chia sẻ trong quá khứ dâu bể: Trong lịch sử, nhiều lần các bạn không được tự quyết định số phận!
Nhưng khẳng định ở hiện tại và tương lai: Câu chuyện hai nước là bài học cho cả thế giới, rằng trái tim có thể thay đổi, khi ta từ chối làm tù nhân của quá khứ, rằng hòa bình tốt hơn chiến tranh. VN là nước độc lập, có chủ quyền, không nước nào có thể áp đặt, quyết định số phận thay VN!
Đó là về thương mại, ngày 23/5, với sự chứng kiến của CT nước Trần Đại Quang và TT Mỹ Obama, một bản hợp đồng “thuê mua” máy bay trị giá tới 11,3 tỉ USD giữa Vietjet Air và Boeing – một trong 02 tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới- đã được kí kết.
Đáng chú ý, tại cuộc họp báo cũng vào trưa ngày 23/5, CT nước Trần Đại Quang tỏ ý hy vọng Mỹ sẽ sớm là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, bởi hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là sau khi ký hiệp định TPP. Việc VN ký TPP cũng là triển khai chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước mà VN đã cùng các nước thành viên nỗ lực thu hẹp sự khác biệt, quan tâm thỏa đáng đến lợi ích của nhau.
Còn TT Obama thẳng thắn nhận định, VN có nền kinh tế năng động, nhiều doanh nghiệp, nhiều người trẻ. Ông tự tin hiệp định TPP sẽ được thông qua vì đây là điều tốt, có lợi cho Mỹ. Khu vực này đang phát triển nhanh nhất thế giới, các nước đều muốn bán sản phẩm vào Mỹ.
Đó là về giáo dục, một sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt- Mỹ, đó là việc VN đồng ý cấp phép thành lập ĐH Fulbright VN. Phản chiếu một quan niệm đúng đắn mà bất cứ QG nào phát triển mạnh cũng tìm kiếm giải pháp này- đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Mỹ, Anh Quốc, Nhật Bản, Singapore…, đều là những quốc gia rất coi trọng đào tạo nhân lực cho thị trường lao động, và cao hơn nữa, cho kinh tế tri thức. Trong không xa, các công ty, trường ĐH của Mỹ sẽ đến VN để đem lại công nghệ và GD chất lượng cao.  
Nhưng người viết còn chú ý hơn đến một động thái khác. Đó là những cuộc tiếp xúc với hơn 100 doanh nghiệp trẻ, đại diện cho giới DN khởi nghiệp ở VN. Và cuộc trò chuyện với hơn 800 thủ lĩnh trẻ VN tại cuộc gặp gỡ các thành viên của Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI).
Cuộc đối thoại vui vẻ, đầy nhiệt huyết và thuyết phục giữa khách- người đứng đầu một QG “trẻ” mới gần 300 năm, với chủ- những người trẻ tuổi khao khát khẳng định mình, đầy cuốn hút.  Bản thân ông cũng là một tấm gương lớn về ý chí, tài năng của một người trẻ, phản chiếu sâu sắc Giá trị Mỹ. Cho thấy, sự phát triển của một QG cần cả 03 yếu tố: Tư duy trẻ; dám sáng tạo, biết hành động; và một môi trường XH công bằng, biết trân trọng tài năng, bất kể thân phận, xuất phát điểm thế nào.
Chỉ có thế, QG mới có thể đi nhanh, đi xa. Và ngược lại…
Đòi hỏi sự hành động của mỗi quốc gia
Cũng có những ý kiến hoài nghi xuất phát từ “tư duy nhiệm kỳ” của VN cho rằng, chỉ còn vài tháng nữa, ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ II ngôi vị TT, liệu CP mới ở nhiệm kỳ tới có rơi vào trạng thái tân thủ trưởng tân chính sách?
Người viết bài chú ý đến ý kiến của TS Lê Hồng Hiệp (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á- Singapore; và giảng viên ĐHKHXH& NV t/p HCM) khi ông cho rằng, hai đảng của Mỹ đã ít nhiều đạt được sự đồng thuận về chính sách tái cân bằng sang Tây Thái Bình Dương. Vị TT tiếp theo dù là người của đảng nào thì chính sách này vẫn nhiều khả năng được duy trì. Bởi nền chính trị Mỹ có các cơ chế mang tính cấu trúc và thể chế có thể hạn chế quyền tự do hành động của các cá nhân. Quan trọng hơn, cho dù TT Mỹ tiếp theo là ai, thì lợi ích quốc gia, nền tảng của chính sách đối ngoại Mỹ nói chung và chính sách của Mỹ đối với VN nói riêng, cũng sẽ ít thay đổi.
Trước chuyến đi thăm VN của ông Obama, Ông Gregory B. Poling, (Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ- CSIS) cũng chung một nhận định: Chính sách đối ngoại với châu Á luôn được coi là nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng ở Mỹ. Cho dù ai sẽ bước vào Nhà Trắng, dù đó là cựu ngoại trưởng Clinton hay tỉ phú Donald Trump, thì họ cũng sẽ tự động nhận ra rằng tương lai của nước Mỹ nằm ngang bờ Thái Bình Dương, và thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á (Tuần Việt Nam, ngày 19/5).
Nhưng sự nghi ngại không chỉ có về nước Mỹ. Trong phát biểu của mình tại TT Hội nghị QG Mỹ Đình ngày 24/5, TT Mỹ Obama cũng chia sẻ mối quan tâm của ông về chính đối tác của nước Mỹ ở thì hiện tại, và thì… sắp tới, khi ông rất khôn ngoan và chân thành bày tỏ rằng, chúng ta cũng có những khác biệt về nhân quyền. Nhưng tôi không nói riêng VN, không nước nào hoàn hảo, kể cả Mỹ. Tôi ngày nào cũng nghe những than phiền về nhân quyền. Nhưng chỉ trích khiến ta tiến bộ.
Mỗi nước có con đường, truyền thống, thể chế chính trị, văn hóa khác nhau. Nhưng là một người bạn của VN, tôi xin bày tỏ quan điểm của mình. Các quốc gia sẽ thành công hơn khi các quyền phổ quát được đảm bảo. Thượng tôn các quyền này không làm xã hội rối loạn, mà là nguồn gốc cho một xã hội ổn định và tiến bộ. Chẳng phải các dân tộc, trong đó có VN, khi đánh đổ chủ nghĩa thực dân, đều là để đòi các quyền này sao. Thực hiện các quyền đó cũng là thể hiện cao nhất sự độc lập mà chúng ta trân trọng, cả ở nơi đây, một đất nước tự coi mình là của dân, do dân, vì dân.
Obama, giá trị Mỹ, nước Việt, Ấn tượng trong tuần, Kỳ Duyên, nhà báo Kim Dung, hàng giả
Hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia tồn tại hai thể chế chính trị, hai nền quản trị quốc gia khác biệt đòi hỏi hành động và chuyển động của mỗi QG để hoàn thiện chính mình.

“Giá trị giả”- có bảo kê không?
Rõ ràng, sự hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia tồn tại hai thể chế chính trị, hai nền quản trị quốc gia khác biệt chắc chắn đòi hỏi sự hành động và chuyển động của mỗi QG để hoàn thiện chính mình, bảo đảm những cam kết của vị TT tiền nhiệm vẫn thành thực tiễn, bảo đảm những tín hiệu phát triển và hội nhập tích cực ở dải đất S bên bờ biển Đông đầy sóng gió. Mà hôm nay, vị TT Mỹ đã lẩy Kiều khẳng định niềm tin của sự hợp tác Rằng trăm năm cũng từ đây/Của tin gọi một chút này làm ghi.
Thế nhưng, liệu nước Việt có thể tự tin bước vào hội nhập TPP như hy vọng của những người đứng đầu hai quốc gia Việt- Mỹ vừa mới khẳng định chắc chắn mới đây, nếu như hiện trạng hàng giả cũng đang trở thành một vấn nạn đáng sợ.
Tại Hội nghị về về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5, ông Lê Thế Bảo, CT Hiệp hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu VN từng thách: Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở VN?(Dân trí, ngày 26/5)
Một câu đố không có nổi lời giải.
Vì hàng giả “sánh vai” cùng hàng thật, cứ chềnh ềnh, thậm chí sang chảnh trên thị trường, ngay ở các đô thị lớn như Hà Nội. Hàng giả có mặt ở mọi lĩnh vực,không tuần chay nào không có nước mắt, ở mọi ngành nghề kinh doanh, mọi sản phẩm, từ may mặc, hàng hiệu nước hoa, mỹ phẩm đến thuốc, dược phẩm, thực phẩm chức năng và hàng điện tử….
Mà mắt người dân thì chẳng thể giống như đôi mắt của Tôn Ngộ Không có khả năng thẩm thấu giả- chân.
Mới 04 tháng đầu năm nay, theo Dân trí ngày 25/5, các lực lượng liên ngành chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại đã bắt giữ hơn 63.642 vụ, xử phạt, truy thu thuế cho Nhà nước hơn 5.137 tỷ đồng, trong đó khởi tố hơn 440 vụ và hơn 580 đối tượng vi phạm.
Nhưng ngay chính các cơ quan chức năng cũng thừa nhận, đây chỉ là phần tảng băng nổi trên mặt nước.
Bởi đường đi của hàng giả muôn hình vạn trạng. Như vòi bạch tuộc.
Lúc xâm nhập vào cả các chiến dịch quảng cáo “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tại các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.
Và thời IT, rất nhanh, hàng giả lập tức tràn lên cả trên mạng FB, thông qua việc lập các fanpage, hoặc trang facebook cá nhân để bán hàng...
Nhưng tuyến biên giới là nơi hàng giả lộng giả thành chân nhất, đến mức theo ông Lê Thế Bảo, đi xe từ Móng Cái, sang Lạng Sơn, Lào Cai nếu bỏ hết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi thì chẳng còn bao nhiêu… hàng thật!
Vì sao hàng giả đông như quân Nguyên, và đội quân chống hàng giả cũng… đông không kém, tỷ như ở cơ sở có quản lý thị trường, công an kinh tế, trung ương có Ban Chỉ đạo QG 389 phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu, các bộ,  ngành đều có các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, vậy nhưng vì sao, cứ mỗi lần hội thảo lại nghe các cơ quan chức năng não nuột từng đường tơ, não nuột từng đường tơ than thở với nhau?
Hãy nghe chính những người trong cuộc nhận định.
Ông Lê Thế Bảo: Các cơ quan chức năng đều nói lực lượng mỏng, thiếu phương tiện và tài chính nhưng cái thiếu lớn nhất ở đây là nhiệt tình, tâm huyết và cách làm. Chúng ta chưa làm được nhiều, để hàng giả tràn lan, lỗi là quản lý chưa nghiêm và xử lý chưa triệt để. Câu hỏi đặt ra đối với các lực lượng chức năng và cuộc chiến chống hàng giả của VN có bảo kê của lợi ích nhóm cho hàng giả lộng hành khiến chúng ta không xử lý được hay không? (Dân trí, ngày 26/5)
Câu hỏi này chỉ có các lực lượng chức năng mới trả lời nổi.
Đại tá Hoàng Văn Trực, (Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công An): Chúng ta có đủ các chính sách, đủ các lực lượng nhưng cơ chế xử lý và chế tài yếu và thiếu. Chính sách chồng chéo khiến phải viện dẫn nhiều luật mới xử lý được vi phạm. Đáng nói, mối liên hệ giữa các cơ quan hiện nay rất yếu vì bộ nào cũng muốn giữ bí mật để điều tra. Có điều khi cơ quan công an thông tin đến các lực lượng chức năng khác để triển khai lệnh bắt giữ thì chưa được 05 phút, đối tượng đã biết và tẩu tán tài sản. Như vậy, trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê! (Dân trí, ngày 25/5)
Ôi trời, ngay “trong chính lực lượng phòng chống hàng giả, buôn lậu cũng có đối tượng cấu kết và bảo kê!”. Vậy thì chống ai ai chống bây giờ chống ai?
Chưa kể các chính sách, các chế tài xử lý cũng còn nhiều kẽ hở, ngay lập tức được kẻ vi phạm pháp luật lợi dụng để ‘lách luật”, để nếu bị bắt giữ, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính, không xử lý hình sự nổi.
Xã hội chúng ta, lâu nay đã phải chung sống với bằng cấp giả, hàng giả. Nhưng mấy ai hình dung, sâu sắc hơn, đáng sợ hơn là đạo đức giả, là nhân phẩm giả, lương tâm giả. Một khi những “giá trị giả” đó trở thành bình thường hóa, thì những thang giá trị nào có thể làm … tay vịn cho sự phát triển?
Nước Việt sẽ hội nhập thế nào, ngay cả khi cơ hội lớn, thông qua sự kiện vị TT Mỹ Obama sang thăm VN với nhiều thông điệp lớn, được mở ra?
Kỳ Duyên
'NGƯỜI TRUYỀN LỬA': NGẪM TỪ ÔNG NGUYỄN BÁ THANH, TỔNG THỐNG OBAMA
ANH THƯ/VOV2/ TVN 27-5-2016
Tổng thống Obama, ông Nguyễn Bá Thanh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Người dân chờ đoàn xe của Tổng thống Mỹ Obama trên đường. Ảnh: Vinh Quang/ VOV


Những con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Bá Thanh, hay ông Obama có thể khác biệt về tính cách, về trình độ, quan điểm sống. Nhưng điều đó không quan trọng. Con người họ, tư cách của họ, phẩm chất của họ có khả năng thẩm thấu, lan tỏa, truyền cảm hứng.
Tôi vốn không thích đám đông, cũng hiếm khi đưa các con đến những nơi công cộng dịp lễ hội. Đi ăn uống, đi chơi, hay cả việc đi khám bệnh cũng muốn tìm một không gian nhẹ nhàng, vắng vẻ. Trong đám đông ồn ào, tôi thấy mình không đủ sức để cười đùa, để chen lấn, hay đơn giản chỉ ngắm một nhành hoa.
Nhưng có những đám đông làm tôi xúc động. Đó là dòng người dài mấy cây số, trật tự, nhẫn nại nhích từng bước một trong cái nắng gắt gao của mùa thu Hà Nội để có thể đến gần nơi đặt linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhìn lên di ảnh vái vọng từ xa rồi vội quay đi nuốt dòng nước mắt. Ai đó từng kêu ca về văn hóa xếp hàng của người Việt Nam. Nhưng nếu chứng kiến những dòng người tự nguyện đợi chờ hàng 7 – 8 tiếng để viếng Đại Tướng suốt cả tuần lễ, kể từ khi ông mất, đến khi đưa ông về cõi vĩnh hằng, thì hẳn người đó sẽ thay đổi quan điểm, hoặc chịu khó tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa hơn.

Thời điểm ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban nội chính Trung ương lâm bệnh trọng, những thông tin cập nhật tình trạng sức khỏe của ông trên mạng Internet được truy cập rất nhiều. Nghe tin ông về nước chữa bệnh, hàng ngàn người dân Đà Nẵng đến túc trực ở sân bay, chỉ với mong muốn được nhìn thấy ông, dù thoáng qua. Khi ông mất, bao người lao động đã bỏ dở công việc để tập trung trước cửa nhà ông, nghẹn ngào nói lời chia tay, hoặc phụ giúp gia đình việc ma chay, phúng viếng, đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang quê nhà. Những việc làm ấy nhỏ thôi mà hàm chứa bao điều khó có thể bày tỏ hết thành lời.Bản thân tôi, vừa xuất viện sau một đợt điều trị dài ngày, cũng hăm hở xếp hàng vào đám đông, di chuyển quãng đường khoảng 2 cây số trong suốt 8 tiếng đồng hồ, để hơn 10 giờ đêm vào được nơi đặt linh cữu Đại tướng ở nhà tang lễ Bộ Quốc phòng. 8 tiếng đồng hồ trong nắng chiều ngột ngạt, vậy mà tôi cùng cô bạn đi cùng không hề thấy khát nước, thấy mỏi chân, hay nhức đầu chóng mặt. 8 tiếng đồng hồ ở giữa những người xa lạ, người từ miền Nam ra, người từ miền núi xuống, vậy mà chuyện trò cứ tâm đầu ý hợp, thấy gắn bó, thấy thân gần như thể họ hàng hay người quen lâu ngày gặp lại. Đó không phải là một điều kì diệu đẹp đẽ sao?
Cả tuần nay, người dân ở Hà Nội lại háo hức chờ đợi chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama. Người ta in ảnh của ông đặt trước cửa hàng cửa hiệu, thay đổi hình đại diện trên mạng xã hội. Người ta chờ đợi ngày ông đến, vào mạng internet nhiều hơn, cập nhật lịch làm việc của Obama, theo dõi những nơi ông dừng chân, bồng bế cả con nhỏ để chờ đợi nhiều giờ ở những điểm mà đoàn xe hộ tống ông Obama đi qua. Người ta để ý từ màu áo ông mặc, dáng đi dứt khoát, nụ cười hồ hởi, cả chi tiết ông tháo nhẫn cưới để bắt tay dân chúng.
Với những đám đông ấy, có thể có yếu tố tò mò, hiếu kì. Nhưng tôi cho rằng điều ấy không thuộc về bản chất. Tôi tôn trọng họ, và cảm nhận ở đó một tình yêu, một niềm nhiệt huyết. Trong cuộc sống bộn bề vất vả, họ vẫn giữ cho mình góc riêng bé nhỏ đơn sơ ấy, góc riêng của tình cảm vô tư trong sáng. Trong dòng người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viếng ông Nguyễn Bá Thanh, đa phần là những người lao động bình thường. Họ không nhận trực tiếp chút lợi ích vật chất nào, cũng không có mối quan hệ cá nhân ràng buộc.Rồi chủ quán và những thực khách từng có mặt ở quán bún chả 24 Lê Văn Hưu hẳn vẫn còn bất ngờ và hạnh phúc khi được bắt tay vị nguyên thủ đứng đầu một đất nước lớn nhất hành tinh mà giản dị, thân gần.
Với Tổng thống Obama, ông là công dân một đất nước mà mấy chục năm trước quân đội của họ đã đưa hàng chục nghìn tấn bom dội xuống bầu trời và mặt đất miền Bắc. Nhưng người dân vẫn chào đón ông, bởi ông đại diện cho tinh thần hòa hợp, hữu nghị, cùng xây đắp tương lai. Quanh ông Obama có một đội ngũ bảo vệ an ninh dày đặc với hàng siêu xe sang trọng. Nhưng người dân chỉ nhìn thấy nụ cười ấm áp, bước chân sải nhanh nhẹn, cùng những lời phát biểu thân tình mà ý nghĩa từ ông.
Những con người như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Nguyễn Bá Thanh, hay ông Obama có thể khác biệt về tính cách, về trình độ, quan điểm sống. Nhưng điều đó không quan trọng. Con người họ, tư cách của họ, phẩm chất của họ có khả năng thẩm thấu, lan tỏa, truyền cảm hứng. Ở họ thể hiện một tinh thần dân chủ, cởi mở, hướng tới những giá trị gần gũi thiết thực, liên quan trực tiếp tới cuộc sống của mỗi người. Dù giàu hay nghèo thì con người vẫn luôn muốn được bình đẳng, được bày tỏ và được tôn trọng ý kiến cá nhân mình.
Tôi không ở trong số những người chờ đợi ông Obama xuất hiện, cũng không dành mọi thời gian để theo dõi sát các tin tức về ông qua mạng internet, nhưng tôi cảm thấy hình như Hà Nội những ngày này sôi động hơn, ấm áp hơn, thân thiết hơn. Bỏ mặc tắc đường, bỏ mặc việc có thể bị khiển trách khi đi làm muộn, tôi chọn một quán vắng vẻ, thong thả ăn sáng, thong thả nhấp từng ngụm cà phê và ngắm những màu hoa rực rỡ đang bung nở trong không gian đầu hạ.
Chợt nhớ buổi chiều đến nhà riêng của thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng MA – người từng là thần tượng của bao thế hệ học sinh sinh viên trong những chương trình dạy Tiếng Anh trên truyền hình từ thập niên 90 của thế kỉ trước. Bước vào ngôi nhà nhỏ mờ tối trong con ngõ nhỏ đường Phương Mai - Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên. Thầy có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền bằng chính năng lực của mình, nhiều cơ hội để định cư ở nước ngoài, nhưng thầy từ bỏ tất cả, chỉ để được yên tĩnh trong căn phòng nhỏ bao quanh là sách, miệt mài với những công trình nghiên cứu về ngôn ngữ Anh, về phương pháp dạy và học Tiếng Anh ở Việt Nam, học Tiếng Anh để hiểu và khám phá vẻ đẹp của một ngôn ngữ, một nền văn hóa chứ không đơn thuần như một công cụ.
Tôi không dám so sánh thầy Nguyễn Quốc Hùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp, hay ông Nguyễn Bá Thanh, hay ông Barack Obama. Nhưng tôi cũng được truyền cảm hứng từ chính nhân cách, suy nghĩ và quan niệm sống của thầy cùng nhiều trí thức khác. Họ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ vun trồng cho thế hệ mai sau không bằng tuyên ngôn to tát mà bằng những việc làm cụ thể. Họ mang một sức mạnh mềm có thể cảm hóa được tiền bạc – thứ quyền lực vẫn được coi là hàng đầu trong xã hội hiện nay.
Suốt 16 năm đi học, tôi không có duyên, hoặc không có may mắn được gặp những người thầy có khả năng truyền lửa. Nhưng thôi, thời thanh niên sôi sổi nhất cũng qua rồi, mọi tiếc nuối cũng ngủ yên. Chỉ mong các con mình và bao mái đầu thơ trẻ khác được học những người thầy không chỉ giỏi về chuyên môn kiến thức mà còn có khả năng truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa yêu thương và khát vọng. Từ đó, sẽ nhân lên bao hoài bão, ước mơ, mở khóa những khả năng tiềm ẩn và giải phóng nó, để con người mỗi lúc được đứng trên một bình diện mới, cao hơn, bền vững hơn, nhân ái hơn./.
Theo Anh Thư/VOV2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét