Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

20160526. VIỆT NAM HỌC VÀ DIỄN VĂN CỦA OBAMA

ĐIỂM BÁO MẠNG
AI CỐ VẤN BÀI PHÁT BIỂU 'CHẠM TRÁI TIM' CỦA OBAMA?
PHẠM HIỆP /VNN 25-5-2016
Tổng thống Obama, Obama thăm Việt Nam, Biển Đông, cấm vận vũ khí sát thương, Hoa Kỳ, Fulbright, TPP, Donald Trump
Bài phát biểu của Tổng thống Obama sáng 24/5 tại Hà Nội là một ví dụ rõ nét nhất của ứng dụng của các ngành khoa học xã hội, mà cụ thể là ngành Việt Nam học trong đời sống
Dấu ấn của giới hàn lâm
Trên truyền thông và mạng xã hội suốt buổi chiều 24/5 đến tận bây giờ, chúng ta đã liên tiếp đọc được các phản ứng: từ ngỡ ngàng, thán phục đến ngợi khen  sự hiểu biết sâu sắc của Tổng thống Obama đối với mọi vấn đề của Việt Nam.
Trong một bài phát biểu dài hơn 30 phút, Obama đã thể hiện sự thông tuệ của mình về Việt Nam trên mọi lĩnh vực: từ lịch sử (Lý Thường Kiệt, Bà Trưng, Bà Triệu ...), chính trị (Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chí sĩ Phan Châu Trinh), tôn giáo (Thiền sư Thích Nhất Hạnh), văn học (Đại thi hào Nguyễn Du), âm nhạc (Nhạc sỹ Văn Cao, Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn), khoa học – giáo dục (GS Ngô Bảo Châu, đại học Fulbright) cho đến các vấn đề Việt Nam đang phải đương đầu như biến đổi khí hậu (Vịnh Hạ Long, Sơn Đoòng), Biển Đông ....
Điều đặc biệt, khiến nhiều người phải thốt lên hai từ “xuất sắc” là ở chỗ, Obama đã sắp xếp và trình bày các vấn đề trên cực kỳ nhuần nhuyễn khiến cho ai cũng cảm thấy hợp lý và thuyết phục.
Nhiều người cũng đánh giá cao các trợ lý của Obama đã giúp ông soạn thảo được bài phát biểu hay đến vậy.
Nhưng ngay từ chiều 24/5, khi bắt đầu ngồi xem lại bài phát biểu của ông trên YouTube, tôi đã có cảm nhận, bài phát biểu này chắc chắn có dấu ấn của giới hàn lâm - các nhà nghiên cứu về khoa học xã hội, mà cụ thể là ngành Việt Nam học – vốn đã rất phát triển ở Mỹ từ hàng chục năm trở lại đây.
Cho đến nay, qua nguồn tin cá nhân, được biết cảm nhận của tôi là đúng. 
Ít nhất có hai chi tiết về âm nhạc (nhạc sỹ Văn Cao, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn) được đưa vào theo gợi ý của GS. Pete Zinoman - một GS về Việt Nam học đang giảng dạy ở Đại học California tại Berkeley.
Các nội dung khác chắc cũng có sự tham gia của các GS về Việt Nam học khác; hoặc ít nhất, trong bộ máy trợ lý của Obama, sẽ phải có một vài người đã từng học ngành học này trước kia.
Cũng cần phải nhấn mạnh, không phải đến khi có dịp Tổng thống Obama sang thăm Việt Nam thì nước Mỹ mới sử dụng đến chất xám của các chuyên gia về Việt Nam học.
Bước đi trước ở ngành Việt Nam học
Trong thực tế, việc đầu tư nghiên cứu về ngành này đã được Chính phủ và các đại học Mỹ chủ động từ rất lâu, kể cả trong giai đoạn họ vẫn coi chúng ta là “kẻ thù” chứ không phải là đối tác hay bạn như hiện nay.
Những khoa/bộ môn đầu tiên về Việt Nam học đã được thành lập ở các đại học hàng đầu của Mỹ như Yale, Cornell, Ohio, California tại Bekerley ... từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước.
Sau chiến tranh năm 1975, chính những khoa/bộ môn này cũng là nơi đón nhận nhiều học giả về khoa học xã hội ở miền Nam Việt Nam trước kia sang Mỹ giảng dạy và nghiên cứu. Tiêu biểu trong số đó là GS Huỳnh Sanh Thông (đại học Yale), được xem là người đầu tiên dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh.
Cho đến cuối những năm 1980, ngay khi còn chưa gỡ bỏ lệnh cấm vận, Chính phủ Mỹ và các đại học Mỹ đã cử nhiều nhà nghiên cứu sang làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam, mà GS. Pete Zinoman đã nhắc đến ở trên, là một trong số đó.
Rất nhiều học giả trong số này, sau đó đã sống, làm việc hoặc qua lại Việt Nam nhiều năm, am tường Việt Nam đến từng chi tiết đồng thời nói tiếng Việt rất giỏi.
Vì vậy, việc tư vấn, hay “ứng dụng” ngược lại của họ vào đời sống, ví dụ như vào chính trị, ngoại giao – thể hiện qua bài phát biểu của Obama là điều rất dễ hiểu. Thậm chí, sẽ là không quá lời khi nói, ở một số khía cạnh, họ hiểu Việt Nam hơn cả người Việt Nam.
Để khoa học xã hội trong nước đi xa
Xem xét bài phát biểu của Obama, nghĩ ngược lại về nghiên cứu xã hội ở Việt Nam, có thể thấy, về chất lượng, chúng ta hầu như chỉ đếm được trên đầu ngón tay số lượng học giả chuyên sâu về một ngành hay một nước nhất định có đủ khả năng công bố và hợp tác sòng phẳng với đồng nghiệp quốc tế.
Các chính sách đầu tư của nhà nước cho khoa học xã hội kèm theo yêu cầu cao (phải có công bố quốc tế, cử cán bộ đi học tiến sĩ ở nước ngoài) còn khá ít khi so với ngành khoa học công nghệ.
Thậm chí, trong nghiên cứu về khoa học xã hội, đôi khi chúng ta còn nghe thấy một vài quan điểm khá cực đoan như không nên công bố quốc tế vì cần giữ bí mất quốc gia hoặc vì không thích Trung Quốc nên không cần nghiên cứu về Trung Quốc.
Đây chắc chắn sẽ là những lực cản khiến cho khoa học xã hội của chúng ta khó đi xa và khó tạo ra các sản phẩm “ứng dụng” xuất sắc như bài phát biểu của Obama vừa qua.
  • Phạm Hiệp
CHÂN DUNG NGƯỜI CHUYÊN CHẮP BÚT DIỄN VĂN CHO OBAMA
HOÀI LINH/VNN/BVB 25-5-2016
Có một nghề tại Nhà Trắng ít người biết đến, ít lộ diện công khai, nhưng lại vô cùng quan trọng vì "sản phẩm" được cả thế giới chờ đợi, theo dõi và bàn tán. Đó là nghề viết diễn văn cho Tổng thống.
Đây là một công việc không ít phần vất vả, phải viết từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác, nhưng lại cho một người khác, phải tìm ra từ ngữ đúng đắn, ghi đậm dấu ấn trong đầu người nghe và phải tính đến cả nhịp điệu của bài văn, cách ngắt câu, chỗ cần nhấn mạnh...
Theo báo chí Mỹ, bài diễn văn truyền thống Thông điệp liên bang mà Tổng thống Obama đọc vào ngày 20/1/2015 là kết quả của nhiều tuần lễ làm việc không ngơi nghỉ của cả một nhóm chuyên viết diễn văn cho Tổng thống gồm 9 người.
Cody Keenan, 35 tuổi, hiện là ngòi bút chính của Tổng thống Obama. Người này đã từng so sánh công việc của mình như công việc của một sinh viên mãn đời, "làm việc suốt đêm hay bắt đầu vào lúc rạng sáng, trao bài, rồi chờ xem bài có được ưa thích hay không". Đối với Cody Keenan: "Cái hay nằm ở những điều Tổng thống ghi chú chi tiết và giải thích tại sao".
Cody Keenan bắt đầu sự nghiệp chính trị trong một văn phòng không cửa sổ ởWashington. Mười ba năm sau, Cody vẫn ở trong một văn phòng nhưng đặt tại Nhà Trắng.
Cody Keenan cho biết, thường thức cả đêm để viết những bài diễn văn quan trọng. Mô tả về thời khắc mà ông bắt đầu viết bài diễn văn đầu tiên, Cody Keenan nói với NBC: "Không có sức ép nhưng đó là sự pha trộn giữa hy vọng và lo sợ".
Keenan bắt đầu giữ chức trưởng nhóm viết diễn văn cho Tổng thống Obama vào năm 2012 sau khi Jon Favreau rời Nhà Trắng để viết kịch bản truyền hình. Trong khi tất cả những người viết diễn văn đều cố gắng giấu tên thì Favreau lại nổi tiếng với khả năng thâu tóm những chủ đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng cho các bài phát biểu của Tổng thống Obama. Keenan thì ngược lại, nổi tiếng với văn phong chân thực, khơi gợi những khó khăn hàng ngày của người dân thường Mỹ. Keenan được mô tả như Springsteen còn Favreau được ví với Beethoven.
Là con trai của một giám đốc quảng cáo về hưu, Keenan đã tiến lên từ những bậc thang đầu tiên của chính trường Washington sau khi nhận được một công việc không lương trong phòng xử lý thư từ không có cửa sổ của cố thượng nghị sĩ Edward Kennedy. Keenan rời vị trí trợ lý nghị sĩ để học trường quản lý John F.Kennedy của Havard. Trong một kỳ nghỉ hè, Keenan là thực tập sinh dưới quyền của Favreau, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống đầu tiên của Obama và tái gia nhập bộ máy tranh cử sau khi tốt nghiệp.
Khi Obama đắc cử Tổng thống, Keenan trở thành một thành viên trong đội ngũ viết diễn văn thuộc sự lãnh đạo của Favreau ở Nhà Trắng. Nhiệm vụ của Keenan lúc này là tập trung viết những bài tán dương, ca tụng. Tuy nhiên, mãi tới tháng 1/2013, khi Keenan được chỉ định giúp Tổng thống Obama viết một bài diễn văn sau vụ xả súng kinh hoàng ở Tuscon, Arizona, người này mới được công chúng biết tới.
Tổng thống Obama từng nói, ông dựa vào Cody Keenan "không chỉ chia sẻ tầm nhìn của tôi mà còn giúp kể những câu chuyện Mỹ". "Đó là một người viết rất có tài".
Các trợ lý ở Nhà Trắng cho biết, năm nay là năm thứ hai liên tiếp, Tổng thống Obama không cần viết lại những bài diễn văn của Coday Keenan. "Hai năm liên tiếp là cực kỳ ấn tượng. Không phải mọi người viết diễn văn đều có thể làm như vậy về Thông điệp liên bang", Dan Pfeiffer, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ nói.
Keenan từng nhấn mạnh, bất kỳ một bài diễn văn lớn nào, đặc biệt là Thông điệp liên bang, đều là kết quả của một tập hợp các nhân viên Nhà Trắng, gồm cả các cố vấn chính sách, các nhà nghiên cứu cũng như những người viết diễn văn khác, và người chỉnh sửa cuối cùng luôn là Tổng thống".
"Phần đáng sợ nhất là nhấn nút gửi, bạn biết đấy, đó là khi tôi gửi nó cho Tổng thống", Keenan kể. Keenan chỉ cảm thấy thư giãn khi Tổng thống bước lên bục phát biểu. "Khi Tổng thống bắt đầu bài diễn văn Thông điệp liên bang, tôi mới hoàn toàn nhẹ nhõm".
    Hoài Linh/VnN
TRÔNG CHỜ ÔNG OBAMA?
DƯƠNG ĐÌNH GIAO/ BVB 26-5-2016
Mấy hôm vừa rồi, thấy người ta cứ như phát rồ lên vì ông Obama.
             Thật là lạ!
            Không phải lạ vì trước thì hy sinh  mấy triệu người để đánh đuổi “đế quốc Mỹ”, thậm chí còn định đốt cháy cả dãy Trường Sơn để “đánh cho Mỹ cút”,  thế mà chẳng bao lâu sau, thời thế xoay vần, thế sự điên đảo, đã mong ngóng Mỹ như mong mẹ về chợ. Thôi thì có thể tiếc, chứ chuyện “bãi bể nương dâu” cũng chẳng nên trách cái lẽ đổi thay thường thấy.
           Mà lạ trước hết vì cái mộng tưởng hão huyền muốn trông chờ vào Mỹ để chống lại cái bọn bành trướng Trung Quốc nó đang từng ngày từng giờ xâm phạm đất đai, biển cả rồi gieo đủ nỗi chết chóc mất mát trên khắp cái dải đất hình chữ S này. Cái “tình quốc tế” “bốn phương đều là anh em” chẳng qua là cái ngây thơ ấu trĩ của một thời non dại tưởng chừng đã qua mà vẫn còn bám riết lấy không ít người. Stalin hay Mao Trạch Đông thì cũng vậy cả, họ chỉ lợi dụng xương máu người Việt Nam ta để thực hiện mưu đồ bá chủ.
Bao nhiêu người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” vẫn chưa đủ để tỉnh ngộ, giờ đây người ta lại quay sang trông ngóng vào ông Obama, khấp khởi mừng vì ông ta đã xóa lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Liệu cái “xóa” này có làm ta dũng cảm hơn trong việc lên tiếng kiện lũ xâm lược ra Tòa án quốc tế? Liệu sau khi ông Obama sang thăm, kết quả điều tra nguyên nhân cá chết có được công bố? Liệu được mua vũ khí hiện đại của Mỹ có khiến ta dám đưa hải quân ra bảo vệ cho ngư dân như Indonesia đã làm? Đất của mình, biển của mình tổ tiên ông cha để lại chẳng dám ra tay gìn giữ, lại trông chờ vào một ông Tây xa lắc xa lơ tận bên kia Trái Đất, phỏng có ích lợi gì không?
        Lạ nữa là nhiều người hy vọng nhờ bóng vía của ông Obama, tự do, dân chủ, nhân quyền sẽ có cơ may được nới lỏng; quyền bình đẳng sẽ được khôi phục, bao nỗi bất công sẽ có dịp được bênh vực. Chẳng phải chỉ Mỹ, nước nào cũng vậy thôi, nước nào cũng chỉ biết lấy cái việc bảo vệ lợi ích của riêng quốc gia mình. Biểu tình bị trấn áp, công lý bị chà đạp, tự do dân chủ bị giập vùi, nào có ảnh hưởng gì tới quyền lợi của nước Mỹ? Tôi không thạo về tình hình thế giới, nhưng đồ rằng, ông Obama chỉ cần một chỗ đặt chân để hạn chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Thế thôi! Họ đặt được chân là đủ, còn ta muốn ra sao cũng không hề hấn gì tới quyền lợi của nước Mỹ. Cứ xem họ thờ ơ với những hành động vi hiến, ngảnh mặt làm ngơ trước cách thức đối xử với các cuộc xuống đường bất bạo động đòi môi trường sống, phản đối Trung Quốc xâm lược là đủ rõ.
Xem ảnh người dân thức đêm ngóng chờ ông Obama, chầu chực bên đường vẫy chào ông Obama, xem các bản tin nóng sốt về ông Obama, ...tôi nghĩ:  Có phải chăng sự ngưỡng mộ vừa chỉ là một “phong trào”, vừa đủ cho một sự tò mò,  vừa như giải tỏa bớt những bức xúc, vừa chỉ như một niềm an ủi để quên đi nỗi nhục vì nước mất và kiếp nô lệ.
Nước mình, mình chẳng lo, còn ngóng chờ ai?
Thân mình, mình đang tiếc, còn trông cậy vào ai?

-----------
Lời bình của BVB:
Dân ta vậy ư? Đi biểu tình tỏ rõ lòng yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo; đi biểu tình bảo vệ môi trường biển, bảo vệ cây xanh, cũng chìa tay hợp sức giúp cứu dân oan…thì sợ công an tóm, phiền. Đến như mở trang mạng đọc các tin tức 'lề trái' cũng mắt trước mắt sau canh chừng có ai để ý, thì còn làm được gì?
Những bất hợp lý, những bất công ở ngay nơi mình ở nhưng sợ chính quyền, ngại công an, cứ im re để ‘an phận’, ít ai lên tiếng.
Thấy đồng bào mình bị đánh oan, bắt oan cũng ‘im lặng đáng sợ’, như vô cảm, ‘miễn đừng ai đụng đến ta’...
Ấy vậy nhưng lại hào hứng trông chờ xem ông Tổng thống Mỹ Obama có cứu mình được không? Thì năm 2.000 dân ta đã rất kỳ vọng những cải cách lớn, những thay đổi bức ngoặt căn bản làm chuyển biến, chuyển đổi hẳn nên chính trị-xã hội. Nhưng, 16 năm nay có được chi mô? "Hà Nội không vội được đâu!" (Nguyễn Bá Thanh)
Lãnh đạo Việt Nam có thực sự động não và ngấm được những phát biểu của TT Obama?
Chắc gì lãnh đạo Việt Nam đã nghe và làm theo những điều mà Tổng thống Hoa Kỳ nói? Hay là họ chỉ chú ý nghe người bạn “16 chữ vàng, 4 tốt”?
 Biết đâu do bệnh cố hữu bảo thủ, giáo điều, sợ Tàu, sợ mất độc quyền lãnh đạo, cố bám và muốn phình to cái đuôi “định hướng XHCN” …đến cùng. Rồi tiến tục “đối ngoại đu dây’  mà coi chuyện bắt tay với phương Tây chỉ là ‘đối phó tình thế’, thoáng qua như ‘mưa bóng mây’, đâu lại vẫn vào đấy. "Lòng tin chiến lược" - nghĩa là gì? Nói đến ai? Tin ai, tin được không? Cho dù đã biết và khẳng định “đến cuối thế kỷ 21 thì Việt Nam chưa chắc đã có CNXH hoàn thiện”?
Một thực tế buồn, lo ngại, không nằm trong quy luật cuộc sống, cũng chẳng phải lý luận là nhiều vị lãnh đạo đất nước không biết dựa vào dân, coi thường sức mạnh đoàn kết, hòa hợp dân tộc, không phát huy nội lực trong nước mà chỉ lo việc dựa nước ngoài, kể cả vay nợ để "hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục khó khăn", còn nợ kếch sù ..con cháu đời sau phải gánh!
Bản lĩnh, ý chí tự chủ dân tộc, truyền thống 'tự lực tự cường' còn được bao nhiêu nhỉ? Hãy tự cứu mình trước khi ‘Trời’ cứu!

VÙNG TỐI NGỘT NGẠT
PHẠM ĐÌNH TRỌNG/ BVN 26-5-2016
Tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam. Vì Obama là hiện thân giá trị Mỹ, là hiện thân những giá trị bình dị, tự nhiên, thiết thực của cuộc sống, của con người, những giá trị dân chủ và quyền con người mà người dân Việt Nam đang thiếu hụt, đang khát khao. Sự mong chờ đó như người đang đi trong đêm tối mong chờ một nguồn sáng.
Obama đến Việt Nam không phải chỉ là sự kiện chính trị của đất nước Việt Nam mà còn là sự kiện tình cảm trong mọi trái tim Việt Nam. Ông đi đến đâu, thành phố nghiêng ngả, lòng người nghiêng ngả, trái tim rạo rực ở đó.
Ông đọc thơ Lý Thường Kiệt gợi nhớ không gian hùng tráng của lịch sử Việt Nam: Núi sông nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách Trời.
Ông nhắc đến lời hát trong bài hát của nhạc sĩ tài hoa mà khốn khổ vì cộng sản, nhạc sĩ Văn Cao. Lời hát về tình thương yêu của một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng thương yêu đùm bọc: Từ nay người biết yêu người. Từ nay người biết thương người.
Ông nói về lòng tin còn lại trao nhau sau những đổ vỡ mất mát bằng câu Kiều rưng rưng: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi.
Uyên bác, lịch lãm và tinh tế, một chính khách lớn làm chính trị bằng văn hóa, bằng giá trị nhân văn chứ không làm chính trị bằng trò lừa dối và sức mạnh bạo lực. Một người như vậy làm sao không mong chờ.
Nhưng khi con người được mong chờ đó có mặt ở Việt Nam thì tôi lại muốn con người đó nhanh chóng rời khỏi Việt Nam. Vì trong những ngày con người là hiện thân của giá trị dân chủ và quyền con người có mặt ở Việt Nam thì tôi lại bị tước đoạt quyền con người cơ bản nhất là quyền tự do đi lại. An ninh nhà nước cộng sản Việt Nam rải quân chốt chặn trước nhà tôi từ sáng đến khuya không cho tôi ra khỏi nhà. Không chỉ riệng tôi, tất cả những người sống ở Hà Nội và Sài Gòn nói tiếng nói khát vọng tự do dân chủ và quyền con người đều chung thân phận như tôi, đều bị an ninh nhà nước cộng sản cầm tù tại nhà.
Một nguồn sáng rọi vào nơi tăm tối thì vùng tối ở cạnh nguồn sáng là nơi tăm tối dày đặc nhất. Trong những ngày nguồn sáng Obama đến Việt Nam, chúng tôi đã phải sống trong ngột ngạt tối tăm đậm đặc như vậy.
P.Đ.T.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét