Thứ Tư, 11 tháng 5, 2016

20160511. XUNG QUANH CUỘC BIỂU TÌNH VÌ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG 8/5/2016

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHÍNH QUYỀN VIỆT NAM ĐANG KÍCH ĐỘNG NỔI LOẠN
GD/ BVN 11/5/2016
clip_image001
Đòi được sống sạch, ăn sạch (Hình: Facebook)

Ví dụ về vượt ngưỡng...

Dân chúng Việt Nam vẫn tiếp tục loay hoay trong việc làm sao để được sống an toàn. Lối hành xử vô trách nhiệm trong quản trị xã hội khiến trộm cướp, đâm chém trở thành một loại “giặc” mà hệ thống công quyền bó tay. Ðồng hành với thứ “giặc” ấy là tai nạn giao thông, an toàn thực phẩm - những vấn nạn trầm kha của Việt Nam.
Giữa tuần vừa qua, có một sự kiện có thể dùng như ví dụ minh họa cho sự ngột ngạt vì bất an về môi trường sống tồi tệ ở Việt Nam đã đến mức vượt ngoài sự tưởng tượng của nhiều người: Ðài truyền hình Việt Nam công bố một video clip cho thấy, do người tiêu dùng tại Việt Nam sợ rau non, đẹp nên nông dân phải dùng chổi tre phá rau mà họ trồng để có thể bán được rau.
Video clip này ghi lại cảnh nông dân dùng chổi tre quét lên các luống rau nhằm làm cho rau mà họ trồng bị rách lá, thủng lỗ. Tâm sự của những nông dân trồng rau khiến nhiều người dở khóc, dở cười. Theo họ, bởi tất cả mọi người cùng bị ám ảnh rằng, rau mơn mởn, bắt mắt là nhờ hóa chất trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng, nguy hại cho sức khỏe nên lúc này, người tiêu dùng ở Việt Nam chỉ mua những loại rau bị sâu ăn thủng lá hay già, héo...
Khi nhiều người đinh ninh, rau bị sâu ăn hoặc già, héo mới là rau... sạch vì không dính hóa chất trừ sâu hay thuốc kích thích tăng trưởng thì người trồng rau chỉ còn một cách là... hủy hoại rau họ trồng cho hợp với... thị hiếu của người mua.
Video clip vừa kể chỉ ra rằng, vấn nạn an toàn thực phẩm đã hủy hoại cả sức khỏe lẫn niềm tin của con người vào sự thiện lương của đồng loại. Việt Nam đang trong giai đoạn mà dân chúng phải tự gạt bỏ những điều tưởng như đương nhiên: Ðược ăn ngon (rau non, xanh) để chọn những thứ vốn dành cho heo (rau bị sâu ăn, già héo), với hy vọng sẽ không chết dần, chết mòn.
Tại sao vậy? Tại vì chính quyền dung dưỡng chuyện đầu độc con người. Dân chỉ là công cụ, không phải là đối tượng phải phục vụ hay bảo vệ.

Ai cũng muốn được sống an toàn

Bối cảnh xã hội như đã kể khiến nhiều người cảm thấy phải bày tỏ thái độ. Họ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình phản kháng ô nhiễm, đe dọa quyền được sống an toàn của chính mình và thân nhân của mình. Thảm họa môi trường: Cá chết trắng một đoạn bờ biển dài tới 250 cây số ở phía Bắc miền Trung thật ra chỉ là giọt nước làm tràn ly.
Ðược sống an toàn là lợi ích chính đáng nhưng lợi ích đó không được bảo vệ. Bày tỏ thái độ là quyền hợp pháp, song quyền đó không được nhìn nhận.
Biểu tình không chỉ bị ngăn chặn mà còn bị trấn áp thô bạo. Internet đã bày ra cho mọi người “tận mục sở thị” sự thô bạo đó đến mức độ nào. Nhiều người không gọi đó là thô bạo nữa, họ gọi cách mà chính quyền Việt Nam ứng xử với những người bày tỏ khát vọng được sống an toàn là tàn bạo.
Thông qua đàn áp, chính quyền Việt Nam tiếp tục chứng minh họ khinh dân.
Khác nhiều cuộc biểu tình trước, lần này, tâm sự của những người biểu tình bị bắt, bị đánh, cho thấy mầm loạn đả rất lớn.
clip_image002
Và cách đáp ứng từ chính quyền “của dân, do dân, vì dân” (Hình: Facebook)
Yếu tố đầu tiên là lai lịch của những người biểu tình. Tham gia đòi quyền được sống an toàn hôm Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016, có những người vốn gắn bó mật thiết với chính quyền hiện tại. Sự ngột ngạt về môi trường sống hiện tại, tâm trạng bất an khi nhìn đến tương lai đã đẩy họ ra đường, đồng hành cùng những người khác.
Một facebooker với nickname là “Chuối Chín Cây” viết status “Ơn Trời tôi đã bị bắt.” “Chuối Chín Cây” khẳng định, những người biểu tình đã hành xử hết sức ôn hòa nhưng đủ loại lực lượng mặc đồng phục và những kẻ mặc thường phục (mà ai cũng biết là ai) vẫn xông vào đánh họ bằng tay chân, dùi cui, thậm chí đánh vào hạ bộ... rồi túm họ đẩy lên bus. Trong đó có cả những người bị tách khỏi con và những đứa trẻ chỉ mới hai tuổi, bốn tuổi, không có cha mẹ, ngơ ngác dưới lòng đường.
Hàng trăm người bị bắt đã bị đưa về sân Hoa Lư ở đường Ðinh Tiên Hoàng, quận 1, đói, khát vì bị giữ cho đến chiều để phân loại và lập biên bản cảnh cáo vì “gây rối trật tự công cộng.”
Theo lời “Chuối Chín Cây” thì khi phải làm việc với công an, bà đã khẳng định sẽ tiếp tục cùng mọi người biểu tình chống Trung Quốc và yêu cầu chính quyền phải có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Thật ra, so với chuyện mà nhiều người đã kể thì cả tường thuật lẫn thái độ của “Chuối Chín Cây” chẳng có gì khác, trừ... điểm xuất phát của bà. “Chuối Chín Cây” là một nhà báo kỳ cựu của tờ Phụ Nữ TP.HCM, chồng là cựu tổng biên tập tờ Pháp Luật TP.HCM. “Chuối Chín Cây” đã nói với những sĩ quan “an ninh” làm việc với bà rằng: “Cô tin với trái tim của người Việt chân chính, các con cũng sẽ làm như cô nếu các con không mặc đồng phục!”
Giống như “Chuối Chín Cây” và hàng trăm người khác đã bị bắt sáng 8 tháng 5 tại Sài Gòn, một facebooker tên “Hương Tô” bị tống lên bus sau khi bảo với những người tham gia vây bắt, đánh đập những người biểu tình rằng, hãy nghĩ cho gia đình của họ, điều họ đang chống lại chính là thứ đang cố giúp họ, còn thứ mà họ đang phục tùng sẽ không mang lại thứ gì sạch để ăn.
Hương Tô “bị xô ngã xuống đất, đá vào đầu, đạp vào bụng, kéo lê trên mặt đất” song cô khẳng định vẫn “không là gì so với những anh chị, cô chú đáng tuổi cha mẹ chúng mà đầu vẫn tuôn máu ướt vai áo.” “Hương Tô” nhấn mạnh “Có đi, có trải.”
“Hương Tô” là một họa sĩ thiết kế. Cha cô từng là tổng biên tập tờ Sài Gòn Giải Phóng. Mẹ cô từng là sĩ quan công an.
Yếu tố thứ hai về mầm loạn đang lớn là tường thuật của những người nhập cuộc như “Chuối Chín Cây,” “Hương Tô” cho thấy một điều quan trọng khác.
“Chuối Chín Cây” nhận định: “Nói cho công bằng thì cũng có một số khá đông anh em thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động, công an và an ninh cư xử nhũn nhặn khi bị chúng tôi từ chối thẳng thừng và phản ứng gay gắt về việc lăn tay, chụp hình. Hoặc khi thấy một số người quật dân biểu tình bằng dùi cui, họ hò hét che chắn cho những người già như tôi. Một số khác dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của họ, tôi hiểu họ bắt giữ chúng tôi chỉ vì công vụ thôi.”
“Hương Tô” cũng đề cập đến những người “thực thi công vụ” cúi mặt khi người biểu tình bảo với họ rằng, biểu tình là cách đòi quyền lợi cho chính họ - những kẻ đã ngăn chặn biểu tình.
Khi những người như “Chuối Chín Cây,” “Hương Tô” bị chính quyền mà họ hoặc cha mẹ họ từng phục vụ đẩy đến chỗ phải nhập cuộc thì thời điểm mà “cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè” của các thành viên “thực thi công vụ” cũng nhập cuộc chắc chẳng còn xa.

Tiếp tục nhẫn nhục - chuyện khó tin

Báo chí Việt Nam không có dòng nào về hai cuộc biểu tình phản kháng ô nhiễm, diễn ra vào Chủ Nhật, 1 tháng 5, và Chủ Nhật, 8 tháng 5. Một facebooker hiện là biên tập viên của tờ Tuổi Trẻ đã viết như thế này trên trang facebook của ông ta - nguyên văn:

Câm nín và đối thoại

(Chuyện nghe được ở quán cà phê Ðu Ðủ Xanh)
- Này, mấy ông làm báo cái kiểu con c... gì thế?
- Thế ông muốn hỏi cái con c... gì?
- Tại sao vụ cá chết người ta biểu tình rầm trời ở cả hai đầu đất nước mà tôi thấy báo chí mấy ông đ... đăng lấy một dòng?
- À, thì đ... đăng lấy một dòng chứ sao!
- Mấy ông điếc à, hay mù?
- Không điếc, cũng không mù mà là không được phép đăng.
- Mấy ông không thấy nhục khi bán báo à?
- Thấy chứ. Nhục cũng có mà không nhục cũng có.
- Lại ăn nói lòng vòng đ... hiểu cái con c... gì?
- Nhục là vì chúng tôi lỡ bước chân vào cái nghề này nên phải chịu... nhục. Còn không nhục là vì chúng tôi đã cố gắng đăng nhưng cái kiểu làm báo xứ Việt ta là thế, họ đ... muốn anh đăng thì anh đ... được đăng, hiểu chưa, đồ ngu?
- Vậy chẳng lẽ mấy ông cứ im lặng chịu nhục ngày này sang ngày khác à?
- Ðúng vậy. Bọn trẻ thì phải cắn răng tiếp tục chịu... nhục, bọn già thì mong đến ngày về hưu để hết... nhục. Vậy thôi!
- Vậy thôi?
- Buồn nhỉ?
- Ừ, buồn lắm. Bỏ nghề thì không đành vì đeo theo nó nhiều năm, nó thành máu rồi. Mà bỏ nghề thì biết làm gì? Chẳng lẽ đi bán bánh canh như thằng Ðủ? Thôi thì tìm đọc “Ðể Gió Cuốn Ði” của Ái Vân cho đỡ buồn vậy!
Chỉ trong vài tiếng, status mới trích dẫn nhận được khoảng 150 likes, kèm nhiều bình luận. Khoảng hai phần ba những người thích status này đã từng hoặc đang làm cho nhiều tờ báo ở Việt Nam. Có người khẳng định, về hưu rồi thì vẫn nhục, nhục từ trong máu nhục ra!
Người ta sẽ cắn răng chịu nhục để cả mình lẫn con cháu chết dần, chết mòn? Dường như chính quyền Việt Nam vẫn còn tin là có thể làm được như vậy.
Tội nghiệp!
G.Ð
NHÂN DANH AI, TRẢ LỜI ĐI, HỠI BỘ MÁY ĐÁNH DÂN ?
HÀ SĨ PHU/ BVN 11-5-2016 
Được đọc bài thơ “Họ là ai mà ác hơn giặc cướp” của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi thật xúc động. Nhà thơ đã nói hộ mình, tiếng lòng của mình, mà ngôn ngữ chính luận chưa đủ. Với ngôn ngữ thơ, nhà thơ đã xuống đường! Nghe trong thơ có gì thúc giục?
Bộ tứ quyền lực mới liệu có thì giờ để đọc không, có thì giờ để nghĩ không?
HỌ LÀ AI MÀ ÁC HƠN GIẶC CƯỚP?
(Nguyễn Trọng Tạo)
Nhân danh ai họ ra lệnh đánh dân
Những người dân tay không và biểu ngữ
Những người dân biết chữ:
Độc lập Tự do Đất Nước của Nhân Dân.
Nhân danh ai họ ra lệnh đánh Con
Họ đánh Mẹ
Họ đánh Cha
Họ đánh Em
Đổ máu
Họ ăn gì mà ngu hơn bò lợn
Bò lợn dân nuôi còn có ích cho người.
Nhân danh ai...
Ôi Đất Nước tôi
Cây xanh - đẵn
Biển xanh - trào máu
Rừng - bùn đỏ
Sông - nước thì "nhập ngoại"
Nhân danh ai
Bóp cổ tiếng kêu đòi.
Chưa thấy bao giờ trên Đất Nước tôi
Những tấm ảnh trả lời cho tất cả
Những câu hỏi hơn lời thề khắc đá
Nhân danh ai mà câm tiếng trả lời.
Nhân danh ai ra lệnh đánh dân tôi
Họ ác hơn giặc cướp
Ôi Cha Ông bao phen thắng xâm lược
Có buồn không đẻ ra lũ đê hèn.
Tổ quốc này có người tỉnh kẻ điên
Tham sân si bao giờ cho hết được
Nhưng những kẻ rắp tâm xây mộng ác
Sẽ bị nhấn chìm dưới sóng lớn Nhân Dân.
H.S.P.
THẢM HỌA BIỂN CHẾT VÀ QUỐC HỘI KHÔNG BÙ NHÌN
NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 11/5/2016
Thảm họa môi trường do con người độc địa đã từng xảy ra cả trong thời hiện đại. Nhưng ở đâu còn có một chính quyền “tử tế”, thảm họa ấy có khả năng khắc phục hậu quả tự nhiên cũng như hậu quả kinh tế, nhân sinh, xã hội. Như chuyện Formosa từng gây thảm họa ở nhiều nước, không kể nước Mỹ, họ có chính quyền, luật pháp rõ ràng đầy đủ, đội ngũ trí thức, chuyên gia hùng hậu và một xã hội dân sự tiến bộ, nên Formosa đã bị trị tội. Ngay như Cămpuchia ở cạnh ta họ cũng bắt Formosa đền bù thiệt hại. Và khả năng khắc phục thảm họa là khả dĩ. Chính quyền Việt Nam, hiện đang đủng đỉnh cố gắng, không “đi đâu mà vội” để điều tra kết luận và cho thi hành vài ba chủ trương có tính chắp vá an thần. Vì thế người dân càng sốt ruột, bất bình, lo lắng, dư luận đang tập trung chú ý vào vấn đề này. Trong khi đó một chuyện cũng lâu dài, cơ bản, chiến lược còn hơn cả chuyện kết luận Biển chết với những giải pháp tử tế, đàng hoàng, hiệu quả để khắc phục thảm họa này, có vẽ như bị che lấp. Đúng, phải lo chuyện Biển chết, phải lo thảm họa môi trường, phải hành động, phải đấu tranh, phải thúc đẩy dư luận xã hội cũng như thúc đẩy trách nhiệm của chính quyền. Nhưng cũng phải lo đến một chuyện chiến lược liên quan hệ trọng đến chuyện Biển chết.
Tôi muốn nói đến chuyện bầu cử Quốc hội mới. Quả thật nếu đã có một Quốc hội đúng nghĩa là “cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất”, có bản lĩnh có trách nhiệm, không lệ thuộc, không bù nhìn, chắc chắn không tồn tại một “Formosa bi kịch” như vậy (từ chủ trương, quản lý, cơ chế, chính sách…). Tôi dùng chữ bù nhìn có vẻ cay đắng, khó nghe, nhưng là sự thật. Khi vụ Formosa xảy ra, cá đã chết, ngư dân bốn tỉnh đang khóc than cho số phận của mình, thì Tổng bí thư đến thăm Formosa, ca tụng hết lời và không một mảy may xúc động trước thảm họa của Dân của Nước. Đó là thông điệp, là tín hiệu, là thái độ của đảng cầm quyền. Cho nên đã có nhiều bình luận cho rằng 500 nghị sĩ không hé nửa lời về sự cố nghiêm trọng này. Có thể bào chữa rằng trước đây không đủ thông tin (thật ra là không đủ tâm, đủ tầm, không đủ tư cách “quyền lực cao nhất”), nên đã không kiểm tra giám sát tốt khiến xảy tai họa. Nhưng, nay khi đã xảy ra sự cố tày đình, cớ sao lại “bó tay chấm com”? Cách ứng xử và thái độ này của các nghị sĩ quá nhẫn tâm, vô cảm, và… vô trách nhiệm. Đảng vô tâm, vô cảm vì họ đã tự trói mình như cha con và bầy tôi Mạc Đăng Dung xưa tự buộc dây vào cổ, quỳ lết lên thành thụ hàng, dâng thư xin làm một quận huyện của Quảng Tây thì đã đành. Nhưng cái thiết chế, cái danh dự của Quốc hội, những người được bầu ra để thay mặt Dân, thay mặt Nước thì sao lại nỡ như vậy! Nếu thật sự họ muốn làm người “tử tế”, như họ đã hứa trong phiên họp gần đây, nhất định họ cũng biết cần làm gì. Điều buồn cười là cả mấy người được mệnh danh quân xanh cũng đang làm “thị hến”.
Vì thế chỉ riêng việc để khắc phục thảm họa Formosa trong sáu bảy chục năm tới hãy quan tâm hơn nữa đến chuyện rất chiến lược: có một Quốc hội không bù nhìn. NẾU! Chữ “nếu”, là chữ của hoài vọng, mong ước, cũng là chữ của một năng lực khả thể, mà cũng là chữ của mơ mòng ảo tưởng. Người Pháp có câu tục ngữ nổi tiếng: “Với chữ nếu, ta có thể nhét cả châu thành Ba lê vào chiếc lọ con”. Dẫu sao, nếu chúng ta hành động cái khả thể có thể xuất hiện.
Vâng, tại sao không. Sao lại không giành lấy quyền cử tri để hình thành một Quốc hội “tử tế”. Trước hết là họ phải có cái tâm, cái tầm của nghị sĩ không bù nhìn, không theo đuôi, không “rô bốt”, dám nói không với tất cả những gì trái Hiến pháp, cả những điều có vẻ như là “luật”. Ví dụ những thủ tục mang tính luật cho phép một dúm cử tri có quyền vô hiệu hóa tư cách công dân, điều mà chỉ có một tòa án mới được phép, lại tiếm quyền cả vạn, triệu cử tri khác. Như việc luật [mà] lại vi phạm đạo đức, văn hóa, tinh thần pháp luật như công nhiên cho phép người ứng cử lại làm kẻ tổ chức và điều hành bầu cử. Chẳng có cuộc bầu cử đạo đức nào trên thế giới làm như ở nước ta. “Dân chủ đến thế là cùn (chú ý không g)”. Người ta viện cớ cần có cơ cấu, thành phần… Thật ra cơ cấu hay thành phần cũng phải do cử tri quyết định (có thể chỉ được phép hướng dẫn, gợi ý).
Có thể kiến tạo một Quốc hội mới có những tố chất và năng lực mới của “Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Trong tình thế hiện nay, giải pháp được chọn là:
1. Không bầu cho những người tái cử. Vì họ đã chứng minh một năng lực kém cõi của nghị sĩ ở những khóa vừa qua.
2. Không bầu cho những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, những người đã hai ba khóa liền chịu trách nhiệm chính trong tất cả mọi bê bối khiến đất nước ngày càng tụt hậu, suy đồi và đã dẫn tới những thảm họa lớn lao, nặng nề. Chính chỉ thị của BCT do TBT Nguyễn Phú Trọng ký ngày 4-1-2016 về bầu cử cũng khẳng định: “Không giới thiệu những người đứng đầu tổ chức và cơ quan gây ra tham nhũng và lãng phí”. Ở nước ta chỉ có những cán bộ cao cấp của Đảng ở Trung ương và địa phương mới là người đứng đầu tổ chức và cơ quan phải chịu trách nhiệm chủ yếu tệ nạn được gọi là nội xâm, tham nhũng và lãng phí, một cách không còn là lú lẫn mà là thật sự điên rồ. Làm sao mà công nhân, nông dân, viên chức bình thường có thể gây ra thảm họa tày đình như thế được. Thật ra nếu họ có chút đạo đức, lương tri họ không nên ra ứng cử kỳ này. Bởi họ đang ra mắt cử tri, ra mắt thôi, chứ không phải đi tranh cử, và họ đã lặp lại những hứa hẹn nhàm chán, mà nhiều khóa trước họ chẳng hề thực hiện. Dân cũng bắt đầu nhận ra và đòi làm chứ không phải nói. Muốn làm thì phải có tư duy mới, kiến thức mới, bản lĩnh mới, và một nhân cách thật thà, trung thực và phải nêu ra được chương trình hành động có thể kiểm tra. Điều mà họ chưa sẵn sàng. Thế thì tạm cho họ lui về, khi nào có đủ điều tử tế thì sẽ bầu không muộn.
3. Nếu có một Quốc hội với những nghị sĩ đúng danh đúng nghĩa, khả năng khắc phục những thảm họa môi trường. Không chỉ là môi trường sinh thái, cả môi trường văn hóa, kinh tế, cả chính trị nữa, cả nguy cơ mất nước, đều có cơ may hiện thực.
Cớ sao không giành lấy quyền cử tri tối đa của mình gạt bỏ ngay những kẻ đã gây ra tham nhũng lãng phí, khiến đất nước thường xuyên rơi vào thảm họa, ngày một tụt hậu xa, chủ quyền quốc gia đang bị xâm hại nghiêm trọng… Hay như ông Mác nói chính chúng ta đã bị biến thành “nô lệ, bù nhìn, và con mồi của những tham vọng mới” chăng? Nếu thế thì thảm họa Formosa hiện nay là không đáng kể. Thảm họa cực kỳ to lớn và nguy nan chính là nếu chính chúng ta đang trở thành bù nhìn.
Quốc hội mình ngộ quá phải không em.
Chúng mình ngộ quá phải không em.
N.K.M.
ƠN TRỜI TÔI ĐÃ BỊ BẮT
FB CHUỐI CHÍN CÂY/ BVN 10-5-2016

Ơn trời, tôi đã bị bắt!

Bị bắt giữ nhưng thật tình lòng tôi vui. Vui vì chính mắt mình chứng kiến mọi chuyện để thấy đau cùng nỗi đau của mọi người. Và tôi sẽ làm NGƯỜI KỂ CHUYỆN một cách trung thực nhất.
Ra khỏi nhà lúc 9 giờ nhưng do nhầm địa điểm biểu tình, phải đi loanh quanh đến gần 10h tôi mới hoà nhập được với dòng người biểu tình đang di chuyển từ công viên 30/4 sang Nhà thờ Đức Bà.
Mặc dầu tất cả đoàn người biểu tình giương cao biểu ngữ, ngồi hoặc đi trong ôn hoà nhưng đám công an, cảnh sát cơ động, thanh niên xung phong và một lô lốc áo xanh dương, cùng đám người mặc thường phục cố tình thọc sâu vào nhóm biểu tình nhằm xé lẻ đoàn người thành từng nhóm nhỏ bị cô lập.
Chen lấn, dùi cui, hơi cay bắt đầu quật xuống. Máu đã đổ, tiếng người kêu khóc, phản đối và lần lượt nhiều người bị tống lên xe buýt. Tôi cũng nằm trong số người bị bắt, kéo lên xe buýt. Nhiều thanh niên, thiếu nữ bị đánh bể đầu máu chảy thấm vai áo, chúng tôi la ó phản đối hành vi đánh người và yêu cầu đưa những người bị nạn cấp cứu. Nhưng tất cả bị lờ đi. Số thanh niên bị đánh nặng nề và bị khiêng quăng lên xe buýt lúc càng nhiều. Trên chiếc xe buýt của tôi, có khá nhiều thanh niên không chỉ bị đánh bị đá vào đầu vào mặt, vào bụng, bẻ tay... mặt mũi sưng tím, máu loang dầm dề vậy mà có hai thanh niên còn bị nhóm mặc đồ dân sự đứng dưới xe nhoài người vô đánh tới tấp vào đầu và bóp vào hạ bộ để hành hạ dù hai thanh niên kia đã bị đánh tơi tả và bị quăng lên xe buýt. Trên xe có hai bậc cha, mẹ run rẩy đề nghị cho họ xuống vì con của họ một đứa hai tuổi, một đứa bốn tuổi đang bơ vơ dưới đường không biết về đâu. Nhưng người mặc thường phục trên xe cương quyết không cho xuống. Đã vậy, anh ta còn xỉa xói như muốn đánh người.

Tất cả xe buýt chở người bị bắt về sân Hoa Lư, Q.1 đều được mấy chiếc xe mô tô do công an cầm lái chạy trước, đèn chớp, còi hụ như rước lãnh đạo. Vào sân mọi người bị phân tán thành từng nhóm nhỏ dưới sự vây quanh của cảnh sát cơ động. Tất cả điện thoại đều bị buộc tập trung một chỗ và bị xoá sạch mọi dữ liệu. Riêng điện thoại cùi bắp của tôi, sau khi bị an ninh kiểm tra kỹ càng, chúng cho phép tôi giữ lại với điều kiện không được sử dụng trong thời gian bị tạm bắt giữ.
Trên hai trăm người bị bắt giữ tại Sân vận động Hoa Lư ngoài việc bị kêu lên khai báo, bắt lăn tay chụp hình có gắn bảng số như tội phạm trộm cướp (đối với những người biểu tình không mang theo giấy tờ như tôi) đều bị vây chặt bởi lực lượng an ninh chìm, nổi. Thậm chí thoạt đầu có người đau bụng muốn đi toilet họ cũng không cho. Trước tình hình đó mọi người xúm lại la ó và bảo người kia cứ ị tại chỗ, mọi người sẽ đứng vòng quanh bảo vệ. Lúc đó mấy tay an ninh mới cho cảnh sát cơ động đi theo canh chừng. Một hình ảnh rất buồn cười cứ một người đi toilet, nếu người đi là nam thanh niên thì có tới hai tới ba cảnh sát cơ động đi theo; còn mấy bà già như tôi thì chỉ có một người cảnh vệ thôi.
Trời thì hầm hập nóng, đói và khát khiến nhiều người mệt lả. Bà con bắt đầu lên tiếng phản đối khi thấy an ninh, công an, cảnh sát cơ động thì ngồi trên ghế chễm chệ uống nước tinh khiết đóng chai, còn bà con thì áo quần xốc xếch, bầm dập ngồi bệt dưới đất chỉ được cấp một xô nước đá và một cái ly nhựa xốp. Chẳng biết lúc đầu xô nước ra sao nhưng tới lúc tôi định uống thì nhìn dưới đáy xô rất dơ nên tôi đành bỏ ly xuống. Mãi về sau, họ mới thay bằng bình nước của một cơ sở vô danh mà chất lượng nước rất đáng ngờ và đến gần 17h thì chúng tôi mới được cấp cho vài chai nước dung tích nhỏ chia nhau uống để quên đi một ngày đói meo. Chẳng ai đoái hoài gì trong số những người bị bắt giữ đã có vài người quỵ ngã vì lên cơn đau tim hay bị xuống đường huyết ngã lăn ra đất vì đói và mệt.
Có một tay thanh niên mặt thường phục, mặt mày hợm hĩnh cứ chĩa máy quay (có lẽ để quay từng gương mặt). Người nào cãi lý, hô hào nhiều thì anh ta cố ý chĩa máy quay như hăm doạ. Có hai phụ nữ do tranh luận cũng như đòi hỏi công lý bị lôi đi. Mọi người đồng lòng chống lại thì bị cảnh sát cơ động khống chế để lôi hai người phụ nữ lên xe cảnh sát đi đâu không rõ.
Hầu như đa phần đều từ chối lăn tay, chụp hình cũng như ký tên vào biên bản do chính tay công an viết “tự khai nhận tụ tập gây rối an ninh”. một số nhỏ bị dụ “cầm bảng số chụp hình, lăn tay đi rồi được về sớm” (nhưng cuối cùng mấy người bị lừa này cũng phải ở lại với chúng tôi tới chiều và sau đó bị dẫn độ về công an quận (nơi người biểu tình cư ngụ) để tiếp tục bị tra vấn có lẽ cũng tới khuya như chúng tôi mới được cho về.
Nói cho công bằng thì cũng có một số khá đông anh em thanh niên xung phong, cảnh sát cơ động, công an và an ninh cư xử khá tốt: nhũn nhặn, dịu dàng khi bị chúng tôi từ chối thẳng thừng và phản ứng gay gắt về việc lăn tay, chụp hình. Hoặc khi thấy một số người quật dùi cui xuống dân biểu tình, họ hò hét che chắn cho những người già như tôi. Một số khác cũng biết lắng nghe, dù không nói ra nhưng nhìn ánh mắt của họ tôi thầm hiểu họ chỉ vì công vụ mà bắt giữ chúng tôi thôi.
Bởi vì như tôi nói với họ “gia đình các con có dám ăn cá không? Bao nhiêu ngư dân bị mất điều kiện để sinh sống. Biển chết, ngư dân đói, môi trường trên cạn cũng như dưới nước đều bị đe doạ. Hoàng Sa đã mất, Trường Sa thì một số hòn đảo ta không còn quyền kiểm soát. Lòng các con đau không? Căm thù không?”
Khi công an quận 2 hỏi “lần sau bà có tiếp tục đi biểu tình không?”. Tôi đã nhìn thẳng họ trả lời: “Tôi sẽ tiếp tục đi cùng mọi người trong những cuộc biểu tình ôn hoà chống Trung Quốc và để yêu cầu chính quyền có biện pháp tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Và các cậu ấy vẫn lặng lẽ khi tôi nói tiếp: “cô tin với trái tim của NGƯỜI VIỆT CHÂN CHÍNH, các con cũng sẽ làm như cô nếu như các con không mặc sắc phục này, phải không?”.

Các nhà hoạt động: Bạo lực không ngăn được biểu tình ôn hòa

 An Tôn/ BVN 12/5/2016
“Hai cuộc biểu tình vừa qua đều có người bị đổ máu, kể cả phụ nữ và trẻ em. Tôi thấy bức xúc về vụ đàn áp biểu tình như vậy, rất đê tiện, hung dữ. Cho nên tôi tuyên bố sẽ tham gia cuộc tọa kháng ôn hòa để đấu tranh cho môi trường, để làm rõ nguyên nhân vụ cá chết mà chính quyền hơn một tháng nay không có câu trả lời thỏa đáng, và phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân lương thiện đi biểu tình ôn hòa để bảo vệ môi trường của mình.”
- Huỳnh Ngọc Chênh
“Khi mà nhìn những người đấu tranh, những người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bị đánh đập, bị bắt giam một cách rất tàn nhẫn, và bản thân tôi cũng là nạn nhân của những trò đánh đập đó thì đối với tôi không làm cho tôi bị nản chí hoặc lo sợ nữa. Cái đó nó hun đúc tinh thần của tôi, vượt qua sợ hãi, mạnh mẽ hơn.”
- Đỗ Đức Hợp
clip_image002
Người dân người ngồi tọa kháng trước UBND Tp Hà Nội, ngày 8/5/2016.
Hai nhà hoạt động vì dân chủ ở Việt Nam nói bạo lực từ phía chính quyền không làm họ sợ hãi và không ngăn được họ tham gia biểu tình ôn hòa vì môi trường biển và minh bạch. Trên trang Facebook cá nhân, nhà hoạt động đồng thời là một blogger nổi tiếng Huỳnh Ngọc Chênh tuyên bố ông sẽ tham gia tọa kháng vì môi trường vào ngày 15/5. Nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp cho biết cũng sẽ tìm cách tham gia dù đã bị nhà chức trách ngăn chặn trong hai lần trước vào các ngày 1 và 8/5. An Tôn tường trình chi tiết sau đây.
Ba ngày sau khi nhà chức trách ở thành phố Hồ Chí Minh bị cáo buộc đã trấn áp mạnh tay hàng trăm người biểu tình ôn hòa vào ngày 8/5, nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh đã tuyên bố trên Facebook ông sẽ tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân của Thành phố do phẫn nộ về cuộc trấn áp.
Một đoạn trích từ tuyên bố của ông Chênh nêu rõ: “Tôi tuyên bố, đúng 15 giờ chiều chủ nhật ngày 15/5, tôi sẽ đến phố đi bộ Nguyễn Huệ, trước UBND TP Sài Gòn, ngồi tọa kháng và đưa mặt cho họ đánh”. Ông tiên liệu thêm: “Nhà cầm quyền sẽ cho an ninh đến canh trước nhà tôi như mọi khi, tôi vẫn cứ đi để cho họ đánh tôi. Nếu họ bắt trái phép tôi về đồn công an, tôi tuyên bố sẽ bất hợp tác và tọa kháng ngay trong đồn công an cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức khiêng tôi ra khỏi đồn, tôi sẽ tiếp tục tọa kháng trước cửa đồn công an và đưa mặt ra cho họ đánh. Nếu họ cưỡng bức đưa tôi về nhà, tôi sẽ tìm cách quay lại trước Ủy ban Nhân dân Thành phố để tọa kháng và đưa mặt ra cho họ đánh”. Kết thúc tuyên bố, nhà hoạt động nhấn mạnh: “Cứ đánh vào mặt tôi, nhưng trả biển và quyền làm người lại cho dân tôi”.
clip_image003
Chính quyền huy động đông đảo các lực lượng để ngăn cản, vây bắt người biểu tình, ngày 8/5/2016.
Chia sẻ với VOA Tiếng Việt về động lực của ông khi đưa ra tuyên bố vừa kể, ông Huỳnh Ngọc Chênh nói:
“Trước hết là vì môi trường, ở biển cá đã chết, khắp nơi môi trường bị xâm phạm. Môi trường sống của người Việt ngày càng bị đe dọa. Bức xúc hơn nữa là quyền con người đã bị nhà nước phủ nhận. Mặc dù Hiến pháp cho phép người ta được tụ tập, biểu tình, được tự do đi lại nhưng nhà nước thì luôn luôn chống lại, hạn chế, cấm đoán điều đó, thể hiện rõ nhất là qua cuộc biểu tình ôn hòa vừa rồi, đã trấn áp dữ dội người biểu tình, họ đánh đập rất tàn nhẫn. Hai cuộc biểu tình vừa qua đều có người bị đổ máu, kể cả phụ nữ và trẻ em. Tôi thấy bức xúc về vụ đàn áp biểu tình như vậy, rất đê tiện, hung dữ. Cho nên tôi tuyên bố sẽ tham gia cuộc tọa kháng ôn hòa để đấu tranh cho môi trường, để làm rõ nguyên nhân vụ cá chết mà chính quyền hơn một tháng nay không có câu trả lời thỏa đáng, và phản đối việc dùng bạo lực đối với người dân lương thiện đi biểu tình ôn hòa để bảo vệ môi trường của mình.”
Bản thân là người bị ngăn chặn, đánh đập khi cố gắng tham gia các cuộc biểu tình ngày 1 và 8/5, song nhà hoạt động trẻ Đỗ Đức Hợp cho rằng bạo lực nhắm vào người biểu tình không làm mọi người run sợ mà chỉ hun đúc thêm tinh thần của họ. Anh bày tỏ sẽ vẫn cố gắng đi biểu tình vào ngày 15/5 tới đây:
“Khi mà nhìn những người đấu tranh, những người xuống đường biểu tình một cách ôn hòa bị đánh đập, bị bắt giam một cách rất tàn nhẫn, và bản thân tôi cũng là nạn nhân của những trò đánh đập đó thì đối với tôi không làm cho tôi bị nản chí hoặc lo sợ nữa. Cái đó nó hun đúc tinh thần của tôi, vượt qua sợ hãi, mạnh mẽ hơn."
Theo lời các nhân chứng và dựa trên những hình ảnh ghi lại các cuộc biểu tình gần đây, người ta thấy nhà chức trách dường như đã trấn áp mạnh tay hơn đối với người biểu tình. Trên mạng xã hội, nhiều người nêu vấn đề rằng người biểu tình cần liên kết với nhau tốt hơn và các cuộc biểu tình cần phải có sự tổ chức để có hiệu quả hơn và không bị đàn áp. Một ví dụ được nhiều người nêu ra là nhiều người được cho là các cổ động viên bóng đá Hải Phòng đã tuần hành với một đoàn xe lớn chăng các biểu ngữ về bảo vệ môi trường biển. Rất nhiều hình ảnh về cuộc tuần hành đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Nhiều người đã khen ngợi cách tổ chức tuần hành này. Về cách làm này, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp có ý kiến:
“Nếu có thể được, có một ai đó, một tổ chức có đủ uy tín tổ chức một cuộc tuần hành phản đối ô nhiễm môi trường một cách ôn hòa, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam mình sẽ có rất nhiều thay đổi, khiến cho xã hội Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn trong ôn hòa, tránh được bạo lực, đổ máu.”
clip_image004
Blogger Huỳnh Ngọc Chênh.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhà hoạt động Huỳnh Ngọc Chênh, việc tiến hành biểu tình có tổ chức chắc chắn sẽ bị nhà chức trách ngăn cản.
“Khó mà có được cái tổ chức cho đàng hoàng, nghiêm túc trong cái xã hội hiện nay, trong những sự kìm kẹp của chế độ hiện nay. Bất cứ những nhen nhóm đứng ra tổ chức, liên hệ với nhau đều bị phá trong trứng nước. Bất cứ những ai dám can đảm đứng ra thành lập nhóm này, tổ chức khác hầu như đều bị bắt, như luật sư Nguyễn Văn Đài vừa rồi bị bắt đấy. Ở Việt Nam mà tổ chức biểu tình là rất khó. Chỉ có từng người dân người ta bức xúc, người ta đứng ra đi biểu lộ tình cảm của mình, thì toàn bộ là tự phát, thiếu một cái tổ chức. Nhưng thay vì có tổ chức, tôi nghĩ cái tinh thần, ý chí, quyết tâm của từng người cũng có thể đem lại sự thành công của biểu tình. Ví dụ như đi cuộc tọa kháng này. Mỗi người có một quyết tâm. Hy vọng rằng số đông sẽ làm nên thành công của cuộc tọa kháng.”
Về việc những cây viết có nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội chưa xuất hiện trong các cuộc biểu tình. Ông Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng có thể một số người trong các cây viết đó có nhận thức khác với những người biểu tình, thậm chí có người có thể tin rằng công ty Formosa của Đài Loan không có lỗi trong việc gây ra vụ cá chết hàng loạt ở Hà Tĩnh.
“Hình như họ có lấn cấn gì với nhà nước này. Tôi thấy một vài người thì họ cho rằng Formosa không phải là thủ phạm gây ra cá chết và họ có cảm tình nào đó với Formosa. Họ nhận được chỉ đạo nào đó của đảng và họ cần phải bênh vực. Cho nên là họ chưa có cái sự thống nhất trong việc cần phải lên tiếng và cần phải ủng hộ những người dân xuống đường biểu tình đấu tranh cho bảo vệ môi trường."
Trong khi đó, anh Đỗ Đức Hợp nói mỗi người tùy theo lương tâm và cách suy nghĩ, có thể có cách riêng để cổ động, chia sẻ với những người thực sự đi biểu tình.
“Những người họ có học thức, họ viết bài hay thì họ có thể ngồi nhà tổng hợp tin tức, viết bài cổ động cho những người tại thực địa. Nếu tấm lòng họ dành cho dân tộc, dành cho đất nước, muốn nó tốt đẹp hơn, thì đó cũng là một cách tốt để đôn đốc nhau, để cùng nhau hướng đến một xã hội Việt Nam phát triển cường thịnh, tốt đẹp hơn sau này. Chứ không thể nào nói là anh những người chỉ ngồi ở nhà, còn tôi là người có công lao lớn nhất. Thực sự ra, đó là sự chia sẻ, sự phối hợp.”
Về mặt cá nhân, nhà hoạt động Đỗ Đức Hợp mong muốn một điều trong cuộc biểu tình ngày 15/5 sắp tới:
“Cũng hy vọng là lần thứ 3 tôi không bị đánh nữa”.
A.T.

Hai bức tâm thư

 

BỨC TÂM THƯ GỬI MẸ CỦA MỘT CẢNH SÁT VIÊN CHỐNG BIỂU TÌNH LÀM XÚC ĐỘNG LÒNG NGƯỜI

Đoàn Hưng/BVN 12-5-2016
Bên cạnh những tên tay sai đánh đập tàn nhẫn với người biểu tình đang làm người dân Việt căm phẫn, lời ăn năn đầy lương tri thức tỉnh của một người tự xưng là cảnh sát viên trên Facebook cũng đang được cư dân mạng lan truyền rộng rãi trong những ngày qua.
clip_image002
Đó là bức tâm thư gởi mẹ trong ngày Hiền Mẫu 8/5 của Facebooker có tên là Bunbunqp Duy Nguyễn. Người này tự nhận mình là cảnh sát, đã tham gia chống đợt biểu tình nhân ngày Hiền Mẫu vừa qua.
Trong một bài đăng tài trên trang mạng xã hội Facebook, anh đã chia sẻ một bức ảnh của chính mình, tay cầm biểu ngữ: “Kẻ Đứng Đằng Sau Giật Dây Đánh Đập Nhân Dân! Đó Là Tội Ác!”. Bức ảnh kèm theo một bức tâm thư với tựa đề “Người Con Cảnh Sát Thân Gởi Ngày Của Mẹ!”
Sau đâu là toàn văn của bức tâm thư này:
Người Con Cảnh Sát Thân Gửi Ngày Của Mẹ!
Ngày của mẹ con chưa gọi về thăm mẹ, vì con đang trải qua những cảm xúc khó diễn tả mẹ ạ. Nhưng dù sao con cũng cần tâm sự với mẹ. Con còn nhớ ngày con thi đậu trường cảnh sát, cả nhà cả họ mừng và tự hào.
Riêng cảm giác đó con cũng không bao giờ quên, Cứ nghĩ con thực hiện được ước mơ cháy bỏng làm người cảnh sát nhân dân. Lấy sức trai bảo vệ dân mình. Nhưng thời gian này con thật sự hoang mang mẹ à!
Hoặc bản lĩnh chính trị con non yếu? Cấp trên lệnh chúng con ra đường trấn áp dân biểu tình, Gây rối nơi công cộng, Con được biết bọn họ do thế lực thù địch xúi dục. Nhưng... mẹ ơi! Chắc chắn không phải, người xuống đường là những cô gái, những người tuổi như mẹ, các bạn sinh viên và có cả trẻ em, gương mặt họ thánh thiện lắm mẹ à, họ kêu gào dương biểu ngữ đòi môi trường sạch cho cá, môi trường.
Họ đòi chính quyền minh bạch trong sự kiện nóng cá chết miền Trung. Họ đòi chính quyền phải minh bạch. Họ có ý thức khi biểu tình lắm, không dẫm lên cỏ, nhặt rác qua các tuyến đường họ đi.
Con cũng các đồng chí của con phải chặn họ lại để giải tán. Cho dù trưa nắng có phần bực dọc, nhưng con luôn nghĩ họ là những người dân không tấc sắt, không gì trong tay ngoài những tờ giấy, những chiếc áo, bảo vệ môi trường. Họ đòi những gì chính đáng lắm mẹ à.
Thế nhưng! Mẹ không hình dung nổi đâu, lệnh đưa ra phải trấn áp để giải tán, Thế là những đồng đội của con lao vào họ như những con thú dữ vồ mồi. Bao nhiêu nóng giận bực tức cho cái ngày nghỉ mà phải dang mình dưới nắng. Họ dồn hết vào dùi cui nắm đấm để đổ lên đầu người già, trẻ em, phụ nữ.
Con chết lặng, uất nghẹn. Giá như lúc đó con cởi được bộ quân phục này ra để lao đến và đỡ những trận đòn chí mạng, những chiếc dùi cui được vung lên.
Nếu con là một người bình thường, con cũng sẽ làm như họ. Hơn thế con sẽ ra tay hoặc chịu đòn thay cho những người không thể tự vệ.... Mẹ ơi, hay cho con đi kiếm việc khác đi.
Môi trường này khó cho con thành người được mẹ à.
Mẹ là mẹ của con nên mẹ luôn hiểu con phải không mẹ.
Thân gửi Tâm Tư!
Tuy không thể kiểm chứng được người bạn trẻ đăng bức tâm thư này hiện đang có phải là một cảnh sát viên hay không, nhưng hiện tượng bức thư được phổ biến rộng rãi trên mạng, với nhiều bình luận bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với lời tâm sự của vai chính trong thư cho thấy ước mơ của người dân hướng về lực lượng hiện đang là “thanh kiếm của Đảng”, luôn mong muốn những còn lương tri trong họ hãy thức tỉnh và đứng về phía người dân.
Có những bình luận còn nhắc nhở rằng nếu khi đất nước có chuyển biến, thì những kẻ lãnh đạo công an đã tìm sẵn con đường để đưa gia đình ra nước ngoài. Lúc đó, chỉ có các công an viên là ở lại, chịu phán xét của nhân dân, công lý. Có người đưa ra một lời khuyên theo Phật Pháp: đồ tể buông dao, quay đầu lại là thành Phật.
Đ.H.

BỨC THƯ HỒI ĐÁP TỪ NGƯỜI MẸ TỚI NGƯỜI CON TRAI CẢNH SÁT

Gửi chàng cảnh sát của lòng mẹ!
Thư con viết mẹ cảm nhận được con trai của mẹ đã rất trưởng thành “thật lớn lao”. Mẹ hiểu con trai của mẹ khó xử như thế nào khi phải quyết định cởi bỏ quân phục hay không, nhưng con đừng quên câu người cha con thường nói: “Quan nhất thời, dân vạn đại”. Và cái quan trọng nhất là tình người con ạ. Con phải để lòng mình là người cảnh sát của nhân dân, dù cho suy nghĩ của con sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp của con, nhưng con cứ vững tin mình đang suy nghĩ đúng, làm đúng với lương tâm và trách nhiệm của mình. Con thử đặt trường hợp nếu mẹ cũng xuống đường như những người dân khác, đòi những gì thuộc về mẹ, gia đình ta và cho xã hội, tương lai của dân tộc, và có thể mẹ sẽ nhận được những nắm đấm dùi cui của những bực dọc giữa trưa nóng bức trút lên đầu mẹ từ những người đồng chí của con, thì con sẽ hành xử sao? Con sẽ suy nghĩ sao? Con sẽ phải làm gì?
Ai cũng có một gia đình, cũng biết đau xót khi người thân mình bị bách hại, nên khi làm bất cứ việc gì hãy đặt mình vào vị trí người khác, Con còn nhớ lời dặn của cha khi con đậu trường cảnh sát không? Mẹ nhắc lại nhé: “Dẫu người ta có phạm tội con cũng đừng đánh họ nghe. Tất cả hãy để pháp luật xử lý”. Hàm ý sâu xa của cha con chắc con hiểu, mẹ biết con không thể tâm sự được với cấp trên, không thể tâm sự được với chiến hữu của mình, thậm chí ngay cả người dân của mình, chỉ có thể với mẹ thôi phải không con trai. Còn bản lĩnh chính trị ư? Con không bao giờ non kém. Suy nghĩ của con mới là chín chắn “là lương tâm, là trái tim, là con người với con người”. Bản lĩnh đó mới đáng là đấng nam nhi của một con người đó con ạ. Bằng mọi cách phải bảo vệ người dân nhé con. Có thể cấp trên sẽ dúi dùi cui vào tay con, dúi quyền lực và lòng căm thù thú tính vào con, nhưng con hãy lấy dùi cui đó làm cây gậy để đỡ đòn cho những người già, trẻ nhỏ và phụ nữ con nhé. Thay vì con chuốc vào đầu người dân.
Chàng cảnh sát của mẹ. Trong lòng mẹ con trai mẹ luôn là chàng cảnh sát đúng nghĩa, nhân dân cần con, đất nước cần con và mẹ cũng cần con làm một người tử tế, biết tha thứ, biết sẻ chia và sống bằng trái tim của mình.
Mẹ yêu con!
P/s: Hai bức thư này duy viết đặt trái tim, cái tình vào ngày 8/5 là ngày của mẹ, không biết những người mẹ của những quân nhân.... sẽ nghĩ gì (những người anh nghĩ gì nếu người xuống đường là mẹ của họ).
Ảnh: st
clip_image004


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét