Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

20160520. NGHĨ VỀ CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG OBAMA

ĐIỂM BÁO MẠNG
XIN CHÀO 'ĐỒNG CHÍ' OBAMA!
HÀ HIỂN BBC/ BVB 20-5-2016
Bắt tay, nhưng Tổng Trọng còn...thận trọng!

Tôi biết nước Mỹ từ lúc còn bé tí khi đất nước còn chia đôi và tôi cùng gia đình sống ở nửa phần phía Bắc.
Thời ấy, tôi biết đến nước Mỹ, cụ thể hơn là người Mỹ, qua các bộ phim của Trung Quốc, Việt Nam hay Triều Tiên và qua cả những gì người lớn đang nói.
Thời chiến
Những ám ảnh ấy đưa tôi vào những cơn ác mộng. Nhiều đêm tôi khóc thét khi mơ thấy những tên lính Mỹ mặt mũi râu ria gian ác đứng ngay ngoài cửa sổ đầu giường đang cầm súng chĩa vào mặt mình.
Lớn lên chút nữa thì tôi còn biết thêm được là Mỹ có một "Tổng thống ngu xuẩn nhất nhì" qua câu thơ của nhà thơ cùng trang lứa Trần Đăng Khoa.
Và cũng thời gian ấy tôi biết đến Mỹ qua những chiếc máy bay đen sì gầm rú tít trên trời cao và tiếng bom đạn rào rào quanh cái hầm nơi mình cùng bố, mẹ và các anh chị mình đang trú ẩn. Có lần tôi và mẹ suýt chết vì bom Mỹ trên đường đi sơ tán.
Tôi cũng biết đến Mỹ qua hình ảnh những con phố Hà Nội, Hải Phòng bỗng chốc hóa thành những đống bùn đất hòa lẫn với máu sau những đợt bom được ném theo kiểu "rải thảm" từ những chiếc "pháo đài bay" của Mỹ và nhìn thấy cả cảnh người chết vì bom đạn Mỹ.
Tôi cũng biết được nước Mỹ có tên trung úy William Calley cùng với trung đội đao phủ của y đã tham gia giết hại hàng trăm người dân vô tội tại Sơn Mỹ, Quảng Ngãi.
Rồi tôi cũng biết có những người Mỹ khác tham gia biểu tình phản chiến, đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút quân Mỹ khỏi Việt Nam, trong đó có những người rất nổi tiếng như nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Jane Fonda.
Rồi đất nước hòa bình và thống nhất. Mỹ đã rút, “ngụy” đã nhào. Khi ấy tôi 16 tuổi và tiếc không còn cơ hội để đi bộ đội "đánh Mỹ" nữa.
Không còn tiếng gào rú của máy bay Mỹ hay tiếng nổ của bom đạn Mỹ nữa nhưng một thời gian dài sau đó nước Mỹ vẫn hiện lên trong tôi như một thứ gì đó xấu xa, như một cường quốc hung bạo, một xã hội "cá lớn nuốt cá bé", đầy rẫy bất công nơi chủ nghĩa tư bản đang đi vào giai đoạn "giãy chết".
Những điều ấy tôi biết được qua các khóa học tập chính trị giành cho sinh viên và cán bộ công chức hay qua sách báo chính thống trong nước.
Hậu chiến
Nhưng rồi không biết từ lúc nào, nước Mỹ cứ tự nhiên "diễn biến" và "chuyển hóa" dần trong đầu óc tôi.
Có lẽ sự "chuyển hóa" ấy bắt đầu từ câu chuyện của nhà văn Lê Lựu tôi nghe được qua băng ghi âm ông kể về chuyến thăm Mỹ và chuyến thăm Liên Xô của ông vào những năm 1980, trong đó tôi nhớ nhất câu ông nói đại ý khi sang Mỹ thì có cảm giác như đang ở "Liên Xô", còn khi sang Liên Xô thì cứ nghĩ như mình đang ở nước "Mỹ".
Người nghe tất nhiên ai cũng hiểu "Liên Xô" và "Mỹ" được bỏ trong ngoặc kép ở trên chỉ là "Liên Xô" và "Mỹ" theo cách mô tả của sách báo nhà nước thời ấy.
Rồi tôi còn biết được nước Mỹ không phải chỉ có những kẻ như viên trung úy William Calley gây tội ác với dân thường năm nào tại Sơn Mỹ mà còn có cả viên chuẩn úy phi công Hugh Thompson đã dũng cảm ngăn cản đồng đội của mình giết dân thường như thế nào. Hành động anh hùng ấy của anh cùng 2 đồng đội khác đã cứu được hàng chục người dân lương thiện và vì thế mà họ đã được quân đội Mỹ vinh danh bằng tấm huân chương "Chiến Sĩ".
Rồi tôi được biết nữ nghệ sĩ điện ảnh Jane Fonda không chỉ là người đã lên án các cuộc ném bom của máy bay Mỹ vào dân thường Việt Nam ngày xưa mà còn là người đã bày tỏ sự đồng cảm với những người Việt Nam phải chạy khỏi Tổ quốc cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước và lên án những điều mà bà cho là nguyên nhân gây ra thảm cảnh ấy.
Và tôi cũng được biết nước Mỹ không chỉ có ông tổng thống Nixon "ngu xuẩn nhất nhì" theo đánh giá của nhà thơ Trần Đăng Khoa ngày xưa mà còn có những vị tổng thống khác như cựu tài tử điện ảnh Ronald Reagan được thế giới bây giờ vinh danh là một trong những người có công lớn nhất trong việc thay đổi thế giới bằng việc chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh, như ông Bill Clinton hào hoa, đẹp trai đã từng được người Hà Nội chào đón nồng nhiệt trong chuyến thăm Việt Nam năm nào...
Image copyright Getty
Và qua hồi ký của ông Bill Clinton, tôi lại cũng biết ông ta từng tham gia phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam năm xưa.
Tôi lại cũng biết không phải tất cả những người tham gia cuộc phản chiến ấy đều là những người "ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam" theo tiêu chuẩn đánh giá của Nhà nước Việt Nam mà đơn giản chỉ là vì ông ta coi cuộc chiến ấy chẳng mang lại điều gì cho nước Mỹ trong khi ông vẫn trung thành với "sự nghiệp chính nghĩa" theo tiêu chuẩn riêng của nước Mỹ.
Tôi cũng còn biết nước Mỹ là địa chỉ du học đáng mơ ước nhất của lớp trẻ Việt Nam hiện nay, cho dù họ là con em những người nông dân nghèo hay con em cán bộ cấp cao trong đảng.
Đối trọng
Còn rất nhiều điều khác nữa về nước Mỹ mà tôi đã và đang nhận ra. Nhưng có điều vô cùng quan trọng tôi đã nhận biết được là trong lịch sử hàng nghìn, hàng trăm năm trở lại đây, chưa bao giờ nước Mỹ có tham vọng về lãnh thổ đối với Việt Nam, chưa bao giờ xâm chiếm một tấc đất của Việt Nam.
Và điều quan trọng nhất hiện nay là chỉ nước Mỹ mới là đối trọng để cân bằng sức mạnh của Trung Quốc là kẻ trong thực tế đã và đang có những hành động bành trướng ở Biển Đông, xâm lấn lãnh hải của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Tất nhiên, tôi cũng được biết sự khác biệt hiện nay giữa hai nước, nói chính xác hơn là giữa 2 thể chế Việt Nam và Mỹ.
Nhưng tôi lại cũng mới được biết hóa ra đó không phải là sự khác biệt về ý thức hệ giữa một bên là Chủ nghĩa xã hội (CNXH) và một bên là Chủ nghĩa tư bản (CNTB) như lâu nay sách báo đã đề cập - thì như chính một người "phe ta" là ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương đã viết trong một bài báo gần đây rằng "chính các nước tư bản phát triển là các nước gần nhất với CNXH” còn “nước ta đang ở giai đoạn đầu của nhóm thứ hai…, còn rất xa để có thể đến được XHCN" đấy thôi!
Trong số các nước "tư bản chủ nghĩa phát triển" như ông Hoàng đề cập ấy, không ai có thể phủ nhận Mỹ đang ở vị trí số 1. Nếu vậy thì sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ chỉ là sự khác biệt giữa CNXH đang còn là ước vọng cao xa ở Việt Nam và CNXH đã ở khoảng cách rất gần ở Mỹ mà thôi.
Phải chăng vì thế mà xét trên cả hai mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tiến lên CNXH như Cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ thì Mỹ mới xứng đáng là đồng minh số 1 hiện nay của cả Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
Và ai mà vẫn còn nói đi với Mỹ bây giờ thì mất CNXH thì xin hãy đọc bài báo gần đây của đồng chí Vũ Ngọc Hoàng (bài ‘ Tự ái dân tộc và áp lực vượt vũ môn' trên Tuần Việt Nam).
Vậy thì chẳng có lý do gì mà không đón chào Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm sắp tới của ông tới Việt Nam bằng một khẩu hiệu thật trang trọng với dòng chữ: Xin chào đồng chí Obama!
HH/BBC
MỘT NƯỚC VIỆT NAM THIẾU DÂN CHỦ ĐANG CHỜ TỔNG THỐNG OBAMA
VOA /BVN 20-5-2016
clip_image001
Tổng thống Barack Obama sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam thời hậu chiến.
Chuyến đi thăm Việt Nam của Tổng Thống Mỹ Barack Obama vào tuần tới hứa hẹn sẽ mở ra một chương mới trong các quan hệ Việt-Mỹ, và được coi là một sự kiện bước ngoặt diễn ra trong bối cảnh các hành động của một nước Trung Quốc đang trỗi dậy đang đẩy hai nước cựu thù lại gần với nhau hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, báo chí quốc tế nêu bật một số vấn đề gai góc đang tiếp tục cản trở việc nâng mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới. “Một nước Việt Nam thiếu dân chủ đang chờ đón Tổng Thống Obama” là hàng tít đăng trên tờ The Wall St. Journalsố ra hôm qua, 18/5. Bài báo lưu ý rằng chuyến đi thăm lịch sử của nhà lãnh đạo Mỹ diễn ra một ngày sau thêm một cuộc bầu cử ‘trò hề’ khác nữa ở Việt Nam.
Bài báo viết rằng giữa lúc Hà Nội đang vận động để Mỹ tháo gỡ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, dọn đường cho Việt Nam thủ đắc các hệ thống vũ khí hiện đại như các hệ thống phi đạn để củng cố các lực lượng phòng thủ biển, thì chuyến công du lịch sử của Tổng Thống Mỹ là một cơ hội “chỉ xảy ra có một lần trong một thế hệ” để Hoa Kỳ tăng sức ép đòi Việt Nam cải thiện nhân quyền và quyền công dân.
Tác giả Stuart Rollo thuộc Đại học Sydney chuyên tường trình về vấn đề an ninh quốc tế, nhận định rằng bằng cách gắn liền nhân quyền với việc thắt chặt các quan hệ an ninh và quốc phòng với Việt Nam, Hoa Kỳ có thể chứng minh rằng Mỹ sẵn sàng không những hậu thuẫn Việt Nam nâng cấp khả năng chiến đấu trước sự bành trướng của Trung Quốc, mà cùng lúc, ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của họ để đòi các quyền dân sự và chính trị.
Tổng Thống Obama tới Việt Nam vào ngày thứ Hai 23/5, 1 ngày sau khi cử tri Việt Nam trên cả nước đi bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV, và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, trong một cuộc bầu cử bị Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là “không tự do mà cũng không công bằng”.
Trong một quốc hội gồm 500 ghế, chỉ có 4 ghế là thuộc các đại biểu độc lập, không do Đảng Cộng sản Việt Nam đề cử. Theo tác giả, thì mặc dù Hiến Pháp Việt Nam cho phép mọi công dân được ra ứng cử, họ phải trải qua một tiến trình chọn lựa tiền bầu cử bị Đảng Cộng sản thao túng, có thể loại trừ họ qua những thủ tục hành chánh mập mờ.
Bài báo nhắc tới trường hợp ca sĩ Mai Khôi, một trong những người tự ra ứng cử, đã bị loại trừ một cách bất công dựa trên những lời tố cáo mập mờ của những người trong tổ dân phố, nhiều người cô chưa từng gặp bao giờ. Nhiều ứng cử viên độc lập khác cũng tố cáo rằng họ đã bị loại sau khi “bị đấu tố”.
Cô Mai Khôi đã mời Tổng Thống Obama đến gặp một nhóm ứng cử viên độc lập bị loại trong các trường hợp tương tự, để thảo luận về những cách người Mỹ có thể giúp hối thúc cải thiện các quyền dân chủ ở Việt Nam.
Các cuộc thăm dò do công ty Pew thực hiện năm 2015 cho thấy 78% người Việt Nam có quan điểm tích cực về Hoa Kỳ, một con số đáng kinh ngạc xét lịch sử xung đột giữa hai bên.
Các quan hệ Việt-Mỹ đã được đào sâu và đa dạng hóa trong những năm từ khi bình thường hoá bang giao về mặt chính trị.
Tổng Thống Obama sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ ba tới thăm Việt Nam thời hậu chiến, sau Tổng Thống Bill Clinton năm 2000, và Tổng Thống George W. Bush năm 2006.
Trong những vấn đề khác sẽ được đề cập đến ngoài Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, có phần chắc Mỹ sẽ đề nghị giúp Việt Nam đối phó với nạn hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra ở Lưu vực Sông Mê Kông.
Giáo dục cũng là một lĩnh vực chủ yếu mà cả hai nước đều quan tâm, với sự thành lập của Đại học Fullbright ở Việt Nam, viện đại học tư nhân, vô vụ lợi dầu tiên của Mỹ tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cam kết 20 triệu đôla cho dự án này. 
Theo Wsj, Economictimes, Forbes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét