Thứ Năm, 21 tháng 5, 2015

20150521. BÀN VỀ SỐ LƯỢNG VÀ CHẤT LƯỢNG ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP TĂNG ĐỘT BIẾN, VÌ ĐÂU ?
Bài của THÙY VINH / NLĐ 17/5/2015
Nhiều nguyên nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải cho tình trạng cử nhân thất nghiệp tăng cao nhưng nguyên nhân chính và trách nhiệm của bộ về việc tăng quy mô quá nhanh, mở trường tràn lan, không chú trọng chất lượng thì không được nhìn nhận đúng mức
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại phiên giải trình của Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua về việc thực hiện Luật Giáo dục ĐH và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên (SV) tốt nghiệp đưa ra con số biết nói: Lao động trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp năm 2014 so với 2010 tăng 103%.
3 năm tăng nửa triệu sinh viên
Như vậy, chỉ trong 4 năm, số lượng cử nhân thất nghiệp tăng hơn gấp đôi. Đây là con số rất đáng lo và Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều nguyên nhân lý giải thực trạng này: điều kiện bảo đảm chất lượng của một số cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của đào tạo, đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu; nhiều cơ sở giáo dục ĐH đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế; quy trình mở trường, cấp phép hoạt động trong một thời gian dài còn thiếu quy định chặt chẽ…
Ngoài ra, Bộ GD-ĐT còn đẩy nguyên nhân cho thị trường lao động còn sơ khai, chưa đủ thể chế để hoạt động hiệu quả; việc quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, bộ ngành mang tính hình thức, chưa sát thực tế; xã hội còn tâm lý chuộng bằng cấp…
Quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2008-2012, theo đó, giai đoạn này số lượng sinh viên ĐH, CĐ tăng lên nửa triệu người. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Quy mô đào tạo các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2008-2012, theo đó, giai đoạn này số lượng sinh viên ĐH, CĐ tăng lên nửa triệu người. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Những nguyên nhân mà Bộ GD-ĐT đưa ra đều có lý nhưng theo các chuyên gia giáo dục và các nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến việc năm 2014 đạt đỉnh về tỉ lệ thất nghiệp chính là hậu quả của việc tăng quy mô đào tạo trình độ CĐ, ĐH 3-4 năm trước. Theo số liệu mà chúng tôi thu thập được, năm 2009-2010, quy mô SV tăng đến 47% so với năm 2004-2005 (từ hơn 1,3 triệu lên đến 1,9 triệu SV). Quy mô tiếp tục tăng mạnh vào năm 2010-2011 (ở mức hơn 2,1 triệu SV) và đạt đỉnh năm 2011-2012 ở mức hơn 2,2 triệu SV, tăng 28% so với năm 2008-2009 (1,7 triệu SV).
PGS-TS Phan Bảo Ngọc, giảng viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP HCM, nhận định: “Năm 2008-2009, quy mô đào tạo là khoảng 1,7 triệu SV thì năm 2011-2012 đã tăng lên 2,2 triệu SV. Nếu so với quy mô đào tạo bậc ĐH của ĐHQG TP HCM (khoảng 50.000 SV) thì quy mô đào tạo giai đoạn này tăng tương đương với… 10 ĐHQG. Chỉ trong 3 năm mà tăng đến nửa triệu SV quả là con số khủng khiếp!”.
Vào ồ ạt và theo đó là số SV ra trường cũng tăng đột biến. Năm 2012-2013, số SV tốt nghiệp là hơn 425.000 người, tăng 165% so với năm 2010 và gấp 2,2 lần so với năm 2005. Thị trường lao động vì thế không thể đón nhận hết dẫn đến hậu quả tất yếu là “đỉnh” thất nghiệp chưa từng có. “Tỉ lệ thất nghiệp năm 2014 tăng gấp đôi so với năm 2010 là hậu quả tất yếu của việc tăng quy mô đào tạo quá nhanh. Đây là triết lý nhân quả trong giáo dục mà các nhà quản lý cần nhìn nhận” - PGS-TS Ngọc nói.
Mở trường, mở ngành tràn lan
Điều đáng nói là trong việc mở rộng quy mô đào tạo, tỉ trọng SV các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tăng chóng mặt. Nếu năm 2004-2005, ĐH ngoài công lập chỉ có khoảng 113.000 SV thì đến năm 2009-2010 là 174.000 SV (tăng trên 53%). Quy mô các trường CĐ ngoài công lập năm 2004-2005 chỉ có 25.000 SV thì đến năm 2009-2010 đã tăng gần 105.000 SV (tăng trên 300%). SV ở khu vực công lập cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2004-2005 là 933.000 SV thì đến 2009-2010 tăng gần 1,2 triệu SV (tăng 27%); bậc CĐ công lập từ 249.000 SV tăng lên 471.000 SV (tăng 90%).
Ở khu vực công lập giai đoạn này có sự tăng quy mô vượt trội do hàng loạt trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp từ bậc thấp hơn. Chỉ trong 3 năm (giai đoạn 2010-2012) đã có tổng cộng 33 trường ĐH, CĐ thành lập, trong đó có 23 trường ĐH, CĐ công lập (18 trường ĐH, 5 trường CĐ) và 10 trường ĐH, CĐ tư thục. Thời điểm này, trường “mọc lên như nấm” từ Bắc tới Nam như Trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang (Bắc Giang), Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ), Trường ĐH Dầu Khí, Trường ĐH Công nghệ Giao thông Vận tải (Vĩnh Phúc), Trường ĐH Công nghiệp Việt Hung (Hà Nội), Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi), Trường ĐH Xây dựng Miền Trung (Phú Yên); Trường ĐH Đồng Nai (Đồng Nai), Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương (Bình Dương); Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường (TP HCM), Trường ĐH Tân Tạo (Long An), Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (Vĩnh Long)... Nâng tổng số trường ĐH, CĐ lên 419 trường (năm 2011-2012).
Đặc biệt, có sự bất hợp lý trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Thống kê cho thấy năm 2011-2012 có đến 403 ngành kinh doanh quản lý; 363 ngành khoa học GD-ĐT; 280 ngành khoa học nhân văn; 232 ngành công nghệ kỹ thuật... Trong khi những ngành như nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 116 ngành; thú y: 8 ngành, môi trường và bảo vệ môi trường: 28 ngành; dịch vụ vận tải: 12 ngành... Như vậy, phần đông các trường ĐH, trong đó phần lớn là các cơ sở ngoài công lập, vẫn tập trung mở và tuyển sinh ngành dễ dạy, dễ học, dễ thu hút SV nhưng ít tốn kém cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, thực hành trong quá trình đào tạo.
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, nhận định: Rõ ràng có sự mất cân đối ngành nghề và mở rộng quy mô tràn lan. “Chạy theo quy mô nên chất lượng giáo dục không được chú trọng. Trong khi đáng ra cần đầu tư vào những trường quy mô nhỏ nhưng chất lượng và chuyên sâu thì chúng ta lại đào tạo và mở trường, mở ngành bất hợp lý, chạy theo số lượng” - TS Minh nói.
Đào tạo nghề giẫm chân tại chỗ
Trong khi quy mô ĐH, CĐ tăng đột biến thì quy mô đào tạo nghề tăng chậm và có năm giảm. Cụ thể, năm 2010 chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề là gần 1,7 triệu SV; năm 2012 còn hơn 1,5 triệu SV (giảm 16%).
PGS-TS Phan Bảo Ngọc cho rằng nền kinh tế Việt Nam hiện rất cần công nhân có tay nghề cao thì tại sao quy mô đào tạo nghề lại giẫm chân tại chỗ? Và hậu quả là cử nhân tốt nghiệp ĐH phải đi học nghề lại để làm việc ở các vị trí của công nhân.
CỬ NHÂN THẤT NGHIỆP: BUÔNG LỎNG CHẤT LƯỢNG ĐẦU RA
Bài của THÙY VINH/ NLĐ 19/5/2015
Các trường ĐH, CĐ mải chạy theo việc mở rộng quy mô mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo đã khiến cử nhân tốt nghiệp hàng loạt nhưng không đáp ứng với đòi hỏi thực tế của thị trường lao động
“Các doanh nghiệp than phiền sinh viên (SV) ra trường không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, trong đó 70% yếu kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thiếu tinh thần kỷ luật và đặc biệt là yếu ngoại ngữ... Thực tế cho thấy mục tiêu đào tạo của các trường hiện nay so với yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn của công việc vẫn tồn tại khoảng cách lớn” - ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, nói.
Quy mô tăng, giảng viên tiến sĩ giảm
Theo ông Tuấn, nguyên nhân thất nghiệp có nhiều, tuy nhiên có thể thấy 2 lý do cơ bản: Có ít chỗ làm hơn so với nhu cầu của người tìm việc phù hợp với ngành nghề đã được đào tạo; số lượng chỗ làm việc nhiều nhưng nhiều người tìm việc không đáp ứng trình độ hoặc không muốn làm những công việc đó. Trường hợp thứ nhất tồn tại về “thiếu hụt chỗ làm việc”, trường hợp thứ hai “không phù hợp cơ cấu đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực”. Như vậy, có thể nhận định nguyên nhân thất nghiệp cốt lõi là vấn đề đào tạo nghề, kỹ năng nghề chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Sinh viên tốt nghiệp đang tìm thông tin việc làm tại ngày hội việc làm do Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 17-5. Ảnh: BẢO LÂM
Sinh viên tốt nghiệp đang tìm thông tin việc làm tại ngày hội việc làm do Trường ĐH Ngân hàng TP HCM tổ chức ngày 17-5. Ảnh: BẢO LÂM
Và thực tế là các trường chạy theo số lượng đã buông lỏng chất lượng đào tạo. Đội ngũ giảng viên (GV) chính là yếu tố sống còn để nâng chất lượng nhưng thực tế dù quy mô SV tăng chóng mặt nhưng quy mô GV tăng không tương xứng. Từ năm 2009-2010 đến 2011-2012, dù số lượng SV tăng 226.000 người nhưng GV chỉ tăng 3.900 người; trong đó GV bậc tiến sĩ chỉ tăng 830 người. Đặc biệt, ở bậc CĐ quy mô GV còn giảm, cụ thể năm 2009-2010 có 24.600 GV thì năm 2010-2011 giảm còn 23.600 GV; trong đó GV tiến sĩ giảm từ 656 người năm 2009-2010, còn 586 người năm 2010-2011.
Riêng tiêu chí về diện tích đất bình quân tối thiểu phải là 55 m2/SV thì hầu như không cơ sở giáo dục ĐH ngoài công lập nào đạt được, theo báo cáo của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội năm 2013.
Theo báo cáo mới nhất của ủy ban này về giải quyết việc làm cho SV tốt nghiệp thì điều kiện bảo đảm chất lượng của nhiều trường còn hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, uy tín chất lượng đào tạo chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp nên SV tốt nghiệp gặp khó khăn nhiều trong tìm kiếm việc làm.
TS Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng không phải là các đơn vị tuyển dụng không tuyển người, thậm chí các đơn vị giành giật nhau trong tuyển dụng là đằng khác. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực nguồn nhân lực không đáp ứng được tiêu chuẩn của các đơn vị tuyển dụng, đặc biệt là nguồn nhân lực về công nghệ - kỹ thuật cao.
Đầu ra quá dễ
Các chuyên gia cho rằng trường ĐH, CĐ không dựa vào thông tin thị trường lao động và việc làm để xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động nên chỉ chú trọng đào tạo những gì trường có khả năng mà không đào tạo những ngành xã hội cần và có nhu cầu lớn. “Cơ cấu đào tạo rất mất cân đối, nhiều trường chú trọng đào tạo các ngành kinh tế để rồi thừa, trong khi những ngành kỹ thuật như hàn, cơ khí, tự động hóa... rất cần nhân lực thì lại hiếm” - ông Tuấn nêu thực tế.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ hoạnh họe, làm khó để có cái “dễ” khi mở trường. Thành lập trường rồi, nhiều trường dạy không ra gì, không sát thực tế và đặc biệt khi SV ra trường, bộ không hề “làm khó”, đầu ra hoàn toàn thả lỏng” - GS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, lo lắng.
Theo GS Xuân, đáng ra Bộ GD-ĐT phải xây dựng chuẩn đầu ra với sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp. Ví dụ, ngành bác sĩ đa khoa cần bộ tiêu chuẩn gì, Bộ GD-ĐT phải phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng thì mới gắn được với thực tế và đáp ứng đòi hỏi của công việc. Sau khi đào tạo, SV phải trải qua kỳ thi quốc gia về bằng cấp của bác sĩ đa khoa, anh nào đạt thì chứng tỏ đã học được trường tốt, anh trượt chứng tỏ học ở trường “dỏm”. Nếu là trường “dỏm” thì phải siết lại chỉ tiêu, năm sau phải ít hơn năm trước, thậm chí đóng cửa chứ không thể cứ đào tạo tràn lan để rồi cử nhân “sống chết mặc bay”.
“Với việc cử nhân thất nghiệp quá nhiều khiến hình ảnh giáo dục Việt Nam xấu đi, cho thấy chất lượng giáo dục ĐH không được xã hội tin tưởng” - GS Xuân kết luận.
Từ động lực phát triển thành gánh nặng
Các chuyên gia cho rằng việc cử nhân thất nghiệp để lại hậu quả rất lớn: Lãng phí suất đầu tư của nhà nước, kinh phí và thời gian của người học. Đáng lẽ ra đội ngũ trẻ là động lực phát triển xã hội thì nay trở thành gánh nặng. “Nhiều gia đình nghèo chạy vạy cho con ăn học, chưa kịp vui niềm vui con tốt nghiệp lại phải tiếp tục nuôi con vì chúng thất nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sử dụng lao động thiệt thòi vì không đủ người đáp ứng yêu cầu của họ khiến cho doanh nghiệp phát triển chậm hơn” - GS Võ Tòng Xuân nói.
Theo ông Lê Thanh Sang, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội, khi nhân lực không có công ăn việc làm để bảo đảm đời sống của cá nhân thì trở thành gánh nặng cho xã hội; chính sách bảo hiểm thất nghiệp phải hỗ trợ; gia tăng tệ nạn xã hội vì bần cùng sinh đạo tặc... Chính vì vậy, cần có các chính sách đồng bộ và coi giải quyết việc làm là vấn đề ưu tiên hỗ trợ.
Kỳ tới: Phải quyết liệt thay đổi
THÙY VINH

GIÁO SƯ MAI TRỌNG NHUẬN; TỰ TRỊ ĐẠI HỌC MANG LẠI TỰ DO HỌC THUẬT
Bài của pv XUÂN TRUNG / GDVN 20/5/2015)
GS. Mai Trọng Nhuận. Ảnh NLĐ




(GDVN) - Yếu tố tự trị mang lại thành công cho những trường đại học trên thế giới, điều này chưa hề có ngoại lệ.

LTS: Chất lượng một đại học được đánh giá qua danh tiếng và chất lượng của chương trình học, của đội ngũ giáo sư và cả sự linh hoạt trong việc thích nghi với sự thay đổi chóng mặt của khoa học thế giới. Tự trị đại học còn mang lại sự “tự do học thuật”.
Cái quan trọng nhất của tự trị đại học ngoài chuyện đổi mới giảng viên thì phải hiểu thực sự nội hàm sản phẩm của một trường đại học.
Để hiểu về điều này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện với GS. Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. 
GS. Mai Trọng Nhuận cho biết, nói về tự trị đại học nhiều người nói là số lượng bài báo quốc tế, số lượng sách in, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, khá…điều này đúng nhưng không phải. Theo lí giải của GS. Mai Trọng Nhuận, đó chỉ là giá trị ảo chứ không phải là giá trị thật.
Mà sản phẩm thật chính là sinh viên có việc làm đúng ngành nghề, số lượng giải pháp mới, công nghệ mới, tư duy mới, đề xuất mới, dữ liệu mới được ứng dụng thực tiễn đủ đăng tạp chí quốc tế hay viết sách.
Vậy, nội hàm đầu tiên của một trường đại học chính là có cơ sở dữ liệu rồi mới nghĩ tới đổi mới.
Bất kỳ đổi mới nào cũng phải tạo ra chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn, sản phẩm nhiều hơn, đáp ứng cao hơn nhu cầu phát triển của bất kỳ xã hội, đất nước.
Liên hệ tới thực tiễn, GS. Nhuận cho biết: “Không phải đổi mới là có hai kỳ thi thành một kỳ thi, điều đó không phải. Đổi mới là tạo nên giá trị gia tăng mới, sản phẩm mới chưa từng có (nhóm 1),hoặc nâng cao chất lượng, hiệu quả lên (nhóm 2)”.Ở đây đổi mới không phải là làm khác đi, mục tiêu của đổi mới không phải là làm khác đi, mà đổi mới là tạo ra giá trị mới, chất lượng mới hoặc là nâng cao chất lượng, hiệu quả cái đang có.
Theo GS. Mai Trọng Nhuận, hai nhóm vừa nêu đều là đổi mới, nhưng mỗi nhóm đổi mới sẽ có cái khó riêng. Cái khó của nhóm đổi mới là đi liền với sáng tạo, trong khi sáng tạo mình chưa có. Ở nhóm 1 rất cần để nâng cao năng lực cạnh tranh cho một quốc gia.
Bởi một quốc gia muốn cạnh tranh được, tồn tại và phát triển được trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt này thì phải sáng tạo.
(GDVN) -Tự chủ tài chính, tự trị quản lý và tự do học thuật là cái kiềng ba chân để nền giáo dục đại học ở Việt Nam có hy vọng hoàn thành được sứ mạng thật sự của mình.
Nhóm 2, đổi mới để phát triển cái cũ cho chất lượng tốt lên, hiệu quả tốt lên, đáp ứng cao hơn nhu cầu xã hội. Không thể có đổi mới là làm khác cái cũ.
Cũng theo GS. Nhuận, tiếp cận đánh giá đổi mới là theo sản phẩm đầu ra chứ không phải là đánh giá đổi mới quy trình. Và, lõi của đổi mới đại học hiện nay chính là đổi mới quản trị, vì môi trường, thể chế, chính sách nào sẽ xuất hiện những con người tương ứng.
Mấu chốt của đổi mới là ở đầu ra của quá trình đào tạo, xã hội chỉ quan tâm sản phẩm ra có làm được việc hay không, sáng tạo khoa học có dùng được không, xã hội không cần đổi mới hai kỳ thi thành một kỳ thi.
GS. Mai Trọng Nhuận lưu ý, nếu không thống nhất được đổi mới ở khâu nào thì càng làm làm rối và càng tốn kém. Ngay cả chuyện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, theo quan điểm của GS. Nhuận hãy nên xác định lại đầu ra từng cấp học.
“Ví dụ, chuẩn đầu ra của học sinh cấp 1 là như thế nào, biết gì, có kĩ năng gì, cấp 2 như thế nào, cấp 3 thêm năng lực gì?” GS. Nhuận nêu cụ thể.
Do vậy, vấn đề sâu sa của quản trị đại học là tạo ra môi trường, thể chế chính sách nội bộ của cơ sở giáo dục đó. Quyết định tới sản phẩm cuối cùng, mà quản trị đại học chính là nội hàm sâu của tự chủ đại học.
Đi sâu hơn, theo GS. Mai Trọng Nhuận, quản trị đại học phân nhỏ ra là sản phẩm đầu ra, theo lĩnh vực là quản trị tài chính, nhân lực, đào tạo, khoa học, dịch vụ…
Theo đó, mỗi một thứ quản trị có cách quản lí khác nhau, nhưng đều giống nhau ở đầu ra.
“Không một quốc gia nào đổi mới giáo dục đại học thành công bằng đổi mới tuyển sinh” GS. Nhuận nhấn mạnh.
Chia sẻ về những đổi mới gần đây của Bộ GD&ĐT như về chương trình, sách giáo khoa, GS. Mai Trọng Nhuận cho rằng có vẻ làm ngược. Đổi mới sách đó với mục tiêu như thế nào, nếu đổi mới ra một học sinh biết làm việc và đổi mới để cho học sinh sáng tạo là hoàn toàn khác nhau.
Xuân Trung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét