Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2015

20150510. VỀ VIỆC CHÍNH PHỦ VAY DỰ TRỮ NGOẠI TỆ CỦA NHNN

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÌ SAO NGÂN SÁCH PHẢI VAY DỰ TRỮ NGOẠI HỐI ?
Bài của LÊ THANH / TT 7/5/2015
Ông Vũ Đình Ánh - Ảnh: Nguyễn Khánh
TT - Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước để bổ sung vốn đầu tư phát triển.
Chính phú đưa ra chỉ đạo trên trong nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4-2015.
- Chính phủ có nêu ngân sách vay dự trữ ngoại hối để bổ sung vốn đầu tư phát triển, đảm bảo an ninh tài chính tiền tệ quốc gia. Theo tôi, chỉ đạo này đặt ra hàng loạt vấn đề.Vì sao ngân sách lại phải đi vay dự trữ ngoại hối? Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, phân tích:
Cụ thể, đối với vay để đầu tư phát triển thì cần xem xét lại vì nếu vay để đầu tư phát triển thì sẽ phải vay dài hạn. Trong khi đó, hai tiêu chí cho quản lý ngoại hối là bảo toàn và tính thanh khoản.
Với tính thanh khoản, tôi cho rằng có lo ngại không đảm bảo được khi dự trữ ngoại hối cần thực hiện theo đúng mục tiêu của nó thì khả năng thu hồi khoản vay ngay rất thấp.
Vốn cho vay để đầu tư phát triển phải có thời gian dài mới thu hồi được chứ không thể ngày một ngày hai hay tháng trước tháng sau. Đó là chưa kể đến việc nếu dự trữ ngoại hối cho ngân sách vay thì lãi suất là bao nhiêu?
Cần phải nói thêm khoản vay mà ngân sách dự kiến sẽ vay từ nguồn dự trữ ngoại hối có tính vào nợ công hay không?
Nếu tính vào nợ công thì tính vào nợ nào, có phải gọi là nợ Chính phủ không vì đây là Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ đi vay Ngân hàng Nhà nước mà Ngân hàng Nhà nước thay mặt Chính phủ giữ dự trữ ngoại hối? Theo quy định, có ba khoản được tính vào nợ công là nợ của Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương.
* Văn bản pháp lý hiện hành quy định ngân sách được vay dự trữ ngoại hối, do đó việc ông lo ngại có quá mức hay không?
- Đúng là tại nghị định 50 năm 2014 có quy định Thủ tướng Chính phủ được quyền quyết định việc sử dụng dự trữ ngoại hối nhà nước cho nhu cầu đột xuất, cấp bách của Nhà nước.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra tại sao ngân sách lại phải đi vay mà trường hợp này là vay bằng ngoại tệ. Bởi thông thường người ta phải đi vay bằng ngoại tệ chỉ khi phải trả nợ nước ngoài mà không có nguồn.
Mặt khác là các công trình đầu tư sẽ phải nhập khẩu rất nhiều thì mới phải vay bằng ngoại tệ. Tóm lại, cơ quan quản lý cần phải giải thích tại sao ngân sách phải đi vay bằng ngoại tệ?
Tôi xin nói rõ hơn là tại nghị định 50 quy định rất cụ thể rằng khi có nhu cầu đột xuất, cấp bách thì ngân sách mới vay dự trữ ngoại hối. Điều này được hiểu là việc xảy ra quá bất ngờ mà người ta không thể đối phó, xoay xở được thì mới đi vay. Tôi cho rằng có thể xem đây là đi vay nóng để xử lý tình thế và sẽ trả nợ ngay.
Còn rõ ràng, việc ngân sách đi vay dự trữ ngoại hối để bổ sung vốn đầu tư phát triển không thể nói là nhu cầu đột xuất, cấp bách được.
Về mặt nguyên tắc, dự trữ ngoại hối là phải đảm bảo tính thanh khoản rất lớn. Bởi dự trữ ngoại hối dùng để đối phó với những bất ổn liên quan đến cán cân thanh toán và tỉ giá chứ không phải là quỹ đầu tư.
* Theo ông, để có vốn phục vụ đầu tư phát triển, việc ngân sách vay bằng ngoại tệ từ dự trữ quốc gia có rủi ro gì không?
- Từ trước đến nay, chúng ta vay vốn cho đầu tư phát triển bằng phát hành trái phiếu đồng nội tệ có kỳ hạn 5-10 năm. Trường hợp phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ thì có những rủi ro về tỉ giá. Đó là chưa kể vấn đề về thanh khoản khi dự trữ ngoại hối có nhu cầu theo đúng mục tiêu về cán cân thanh toán hay ổn định tỉ giá thì ngân sách sẽ lấy đâu ra ngoại tệ để hoàn trả.
Bên cạnh đó, như ở nhiều nước, ngân hàng trung ương - người cầm dự trữ ngoại hối, có vai trò độc lập với chính phủ. Nên chính phủ mà yêu cầu ngân hàng trung ương cho vay từ nguồn dự trữ ngoại hối thì đảm bảo nguyên tắc là người đi vay và cho vay là độc lập.
Trong khi đó, ở VN, khó nhất trong câu chuyện này  ở chỗ người đi vay là Bộ Tài chính và người cho vay là Ngân hàng Nhà nước đều thuộc Chính phủ. Chính vì vậy, rủi ro lớn nhất trong câu chuyện này chính là không có sự độc lập khi quan hệ vay mượn.
* Ông Trương Văn Phước (phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia):
Phải đảm bảo nhu cầu thanh toán quốc tế
Việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư xem xét nghiên cứu cơ chế cho ngân sách được vay ngoại tệ từ nguồn dự trữ ngoại hối nhà nước, đã được thể chế hóa trong văn bản pháp luật. Đó là pháp lệnh sửa đổi bổ sung pháp lệnh ngoại hối năm 2013, nghị định 50 năm 2014.
Thực tế những năm qua cho thấy nhu cầu vốn phát triển kinh tế rất lớn trong khi điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn. Và chúng ta phải cân đối rất nhiều nguồn lực kể cả vay thông qua phát hành trái phiếu trong nước, vay tiền đồng, phát hành trái phiếu ngoại tệ nước ngoài… để phục vụ đầu tư phát triển. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối liên tục tăng một cách ổn định.
Chính vì vậy, dự trữ ngoại hối được tính toán sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu thanh toán chi trả để thực hiện các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời mức dôi dư vẫn đảm bảo ngân sách có thể sử dụng đáp ứng các nhu cầu của mình.
Điều này đặt ra câu chuyện vay bao nhiêu và vay trong bao lâu? Tôi nghĩ rằng ba cơ quan Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu để tìm ra lời giải cho câu hỏi trên kèm theo một ràng buộc rất khắt khe: dự trữ ngoại hối phải là nguồn dự trữ đáp ứng được các nhu cầu thanh toán chi trả quốc tế kịp thời.
Bài toán này chúng ta có thể xử lý được. Vì hiện nay kinh tế vĩ mô của chúng ta và tỉ giá hối đoái tiếp tục ổn định. Lạm phát ở mức thấp. Tăng trưởng GDP trong quý 1 đạt mức cao là 6,03%. Do đó trên nền cơ sở pháp lý vững chắc và thực tế có nhiều yếu tố thuận lợi, tích cực của kinh tế vĩ mô, đặc biệt là dự trữ ngoại hối liên tục tăng ở mức ổn định thì việc ngân sách tính toán sử dụng dự trữ ngoại hối là hợp lý.
VỀ VIỆC DÙNG "DỰ TRỮ NGOẠI TỆ" CỦA NHNN 
Bài VŨ QUANG VIÊT/ DĐ 8/5/2015
Đọc tin chính phủ đề xuất Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho vay dự trữ ngoại tệ làm ngân sách mà giật mình, dù chỉ là đề xuất nghiên cứu.
Việc chính phủ yêu cầu ngân hàng nhà nước lấy dự trữ ngoại tệ cho chính phủ vay không khác gì chính phủ bảo NHNN in tiền mua ngoại tệ vào, rồi đưa ngoại tệ đó cho chính phủ sử dụng và qua đó nhận được một đống giấy nợ của chính phủ (dưới hình thức trái phiếu).
Khi đã đưa dự trữ ngoại tệ cho chính phủ thì chúng không còn là dự trữ ngoại tệ nữa vì dự trữ ngoại tệ được định nghĩa là tài sản ngoại tệ nằm trong tay NHNN mà NHNN, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể biến thành tiền mặt và sử dụng để điều phối cung cầu ngoại hối và giá ngoại hối trên thị trường nhằm phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu và trả nợ.
Yêu cầu trên của chính quyền có thể vừa làm mất quyền quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, vừa có nguy cơ làm nền kinh tế mất ổn định .
Tại sao?
1. In tiền để mua ngoại tệ trên thị trường: ảnh hưởng đến lạm phát tùy mức độ phát hành tiền. Tổng cung tiền (M2) cuối năm 2013 là 209 tỷ US (tương đương). Nếu mượn khoảng 20 tỷ có nguy cơ làm tăng giá thêm 5% nếu kinh tế chỉ tăng được 5%.  NHNN để trung lập hóa hành động in nêu trên thì phải phát hành trái phiếu để thu hồi tiền về. Liệu NHNN có khách hàng sẵn sàng mua trái phiếu NHNN không?  Từ năm 2006 đến nay kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn với lạm phát cao cũng vì chínhh sách in tiền cung cấp tín dụng nhằm đạt tốc độ GDP cao của chính quyền.
2. Vơ vét ngoại tệ trên thị trường sẽ gây áp lực làm tăng hối suất; việc này sẽ làm hàng Việt Nam càng thêm mất tính cạnh tranh.
3. Ảnh hưởng cộng hưởng của hai hành động in tiền và vơ vét ngoại tệ sẽ làm hối suất mất giá ở mức lớn hơn, bởi vì ngân hàng nhà nước chỉ có thể mua ngoại tệ bằng cách in tiền đồng.
Tất nhiên có một cách khác là NHNN có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ nhưng điều này đâu có khác gì việc chính Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ngoại tệ, tức là mượn tiền ngọai. Tôi chắc là để có người mua, lãi suất trái phiếu ngoại tệ phải cao và cần có bảo đảm của nhà nước.  Và như thế chẳng khác gì việc nhà nước đi vay thẳng nước ngoài như đã từng làm.
Tuy nhiên tại sao lại có hiện tượng kỳ quái là chính quyền yêu cầu NHNN làm điều trên?  Có lẽ họ đơn giản nghĩ rằng ra lệnh cho NHNN in tiền mua ngoại tệ rồi đưa cho mình tiêu thì là tiền chùa, khỏi trả lãi, mà cũng chẳng phải trả vốn.

Vũ Quang Việt

CHÍNH PHỦ VAY DỰ TRỮ NGOẠI HỐI: CẢNH BÁO NGUY CƠ
Bài của  TRẦN THĂNG LONG/Vef 10/5/2015
Ngoại tệ, cho vay, ngân hàng, Ngân hàng nhà nước, tín dụng, lãi suất, dự trữ, vay vốn, ngoại-tệ, cho-vay, ngân-hàng, Ngân-hàng-nhà-nước, tín-dụng, lãi-suất, dự-trữ, vay-vốn
Nếu NHNN cho Chính phủ vay với khoản thời gian dài (vài năm) có thể không đúng với đa số thông lệ quốc tế.
- Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.
Vừa qua NHNN vừa được giao phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho ngân sách vay từ nguồn dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đây là xu thế không tránh khỏi và là sự phát triển, tiến tới thể chế hóa và luật hóa các quan hệ giữa Chính phủ và NHNN. Đồng thời tiến tới tăng tính độc lập của NHNN tại Việt Nam.
Trên thế giới, hầu hết các ngân hàng trung ương (NHTW) độc lập với chính phủ. Sự độc lập này là điều cần thiết để NHTW có thể theo đuổi chính sách có tác động tích cực lên tăng trưởng và ổn định kinh tế trong dài hạn. Nếu không được độc lập với chính phủ, NHTW có thể nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức theo yêu cầu của chính phủ (để kích thích tăng trưởng kinh tế), dễ dẫn tới biến động kinh tế và gây ra lạm phát.
Trên thế giới, việc chính phủ vay NHTW không hiếm, nhưng thường chỉ giới hạn ở vay tạm ứng (rất ngắn hạn) hoặc vay cho nhu cầu ổn định nguồn thu khi thu thuế không ổn định (vay khi thu thuế ít và sẽ trả lại khi khoản thu từ thuế tăng). Các khoản văn thường được dứt điểm trong một năm tài chính. Hạn chế NHTW cho chính phủ vay được coi là rất quan trọng để xây dựng mức tín nhiệm của NHTW, một thành phần quan trọng để đạt được chính sách tiền tệ hiệu quả.
Tại các nước đang phát triển, việc NHTW cho chính phủ vay thường phổ biến hơn. Hơn một nửa số nước này cho chính phủ vay dưới hình thức ứng trước, chỉ một phần tư (24%) cho phép vay dài hạn hơn.Theo một gần đây nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong tổng số 152 nước trên thế giới được nghiên cứu, hai phần ba hoặc cấm ngân hàng trung ương cho chính phủ vay hoặc hạn chế ở vay ngắn hạn. Các nước phát triển và một số lượng lớn của các nước có cơ chế tỷ giá hối đoái linh hoạt đều rất hạn chế việc NHTW cho chính phủ vay. Khi các khoản vay ngắn hạn được cho phép, trong hầu hết các trường hợp lãi suất thị trường được áp dụng, số tiền cho vay chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của tổng thu ngân sách.
Tại các nước không cấm, thường quy định trong luật rất rõ ràng về các điều kiện NHTW cho chính phủ vay. Sáu khía cạnh cụ thể cần được luật hóa gồm: khối lượng tạm ứng trước tối đa; khối lương cho vay dài hạn tối đa; ai quyết định các điều kiện vay (ngân hàng hay chính phủ); đối tượng hưởng lợi; thời hạn vay; và lãi suất.
Ngoại tệ, cho vay, ngân hàng, Ngân hàng nhà nước, tín dụng, lãi suất, dự trữ, vay vốn, ngoại-tệ, cho-vay, ngân-hàng, Ngân-hàng-nhà-nước, tín-dụng, lãi-suất, dự-trữ, vay-vốn
Việc Chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá.
Cụ thể, trong 40 nước luật hóa cho phép NHTW cho chính phủ vay (chứ không chỉ tạm ứng), đa số các khoản cho vay chỉ được kéo dài tối đa 6 tháng, một vài nước cho tối đa 1 năm. Đối tượng hưởng lợi là chính phủ trung ương chứ không phải chính quyền địa phương hay doanh nghiệp nhà nước. Một số nước cho phép NHTW cho chính quyền địa phương vay như Canada, hay Ấn độ, do đặc điểm đất nước gồm nhiều bang
Đa số các khoản vay đều bị tính lãi suất để buộc chính phủ có trách nhiệm với khoản vay. Lãi suất thường do NHTW áp đặt theo thông lệ thị trường. Một số nước châu Á như Ấn độ, Nhật Bản và Malaysia, lãi suất là do chính phủ và NHTW đàm phán. Ở đây, chúng ta cần làm rõ rằng tại các nước trên thế giới, NHTW thường có vị thế độc lập so với chính phủ, nên việc NHTW cho chính phủ vay này như là một giao dịch giữa hai thực thể tương đương nhau.
Việc để chính phủ quyết định mức lãi suất cho các khoản vay từ NHTW sẽ làm giảm quyền tự chủ và sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương, và khuyến khích chính phủ vay thêm ngân hàng trung ương chứ không huy động từ các kênh truyền thống khác. Nếu lãi suất quá thấp sẽ càng khuyến khích chính phủ sử dụng NHTW như một kênh huy động tài chính và điều này là không tốt.
Ở hầu hết các nước, tạm ứng và vay không được vượt quá 10 % của thu ngân sách của năm tài chính trước đó hoặc trung bình của ba năm tài chính mới nhất. Nếu cho vay quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới năng lực của NHTW, đồng thời tăng nguy cơ không trả nợ của chính phủ cho NHTW. Nhiều nước quy định rõ chế tài nếu chính phủ không thanh toán nợ cho NHTW đúng hạn, như phong tỏa tài khoản hay không cho vay các năm sau.
Tại Việt Nam, nếu NHNN cho Chính phủ vay với khoản thời gian dài (vài năm) có thể không đúng với đa số thông lệ quốc tế. Cho vay dài với mục đích khác với mục đích ổn định ngắn hạn, ở đây là mục đích phát triển có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu: giảm tính độc lập của NHNN, giám mức tín nhiệm của NHNN, có thể gây lãng phí nếu chính phủ không có ràng buộc dẫn tới chi tiêu không cận thận. Đồng thời việc tăng cung tiền trên thị trường có thể gây ra lạm phát.
Việc chính phủ vay quá nhiều từ dự trữ ngoại tệ có cạn nguồn dự trữ, dẫn tới tăng nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán, hoặc ảnh hưởng tới tỷ giá. Đồng thời giảm dự trữ ngoại tệ sẽ ảnh hưởng về nhiều mặt, nhất là an ninh tài chính tiền tệ. Vì vậy, ngoài việc luật hóa quá trình vay, chính phủ cần cân nhắc rất kỹ việc vay từ NHNN, đặc biệt lại là lấy từ dự trữ ngoại tệ.
Trần Thăng Long

1 nhận xét:

  1. mua ngoại tệ tại ngân hàngTheo quy định, ngân hàng (NH) phải bán ngoại tệ cho người dân có nhu cầu chính đáng như du học, đi công tác, chữa bệnh... ở nước ngoài nhưng thực tế mua được ngoại tệ từ NH không dễ.nên đầu tư vào vàng hay usdTôi có một tỷ đồng tiền tích cóp, thấy giá vàng và USD đang tăng mạnh nên không biết đầu tư vào đâu để có mức sinh lời tốt nhất?nên mua căn hộ chung cư nàoCăn hộ chung cư vốn là giấc mơ của vợ chồng tôi. Nhưng khi đã mua và được ở tại đó, những cơn ác mộng vì "giấc mơ" này liên tục xảy ra.Mặt bằng tòa A1 chung cư Vinhomes Gardenia Mỹ ĐìnhLiền kề The Botanica: Với 154 căn thấp tầng, DT 74,7m2 – 321.0m2; tô đậm bằng màu da cam trên sơ đồ tổng thể

    Trả lờiXóa