Thứ Năm, 14 tháng 5, 2015

20150514. XOAY QUANH KẾT QUẢ HỘI NGHỊ TW 11/ XI

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỘI NGHỊ TW11(ĐH 11): CHỈ CÓ CÔNG THỨC, KHÔNG CÓ NỘI DUNG BÀI TOÁN
Bài của NGUYỄN KHĂC MAI /Viet-Studies 12/5/2015
Đi Sài Gòn, thăm bà con và bạn bè, ngẫm nhìn không khí 30-4, ở đó đọc tin về Hội nghị TW 11. Không thể không có những điều suy nghĩ.
Có ba điều thật sự lo lắng.Trước khi nói ba điều, xin nói một chút quan sát. Cứ như tôi thấy thì đa số người dân vừa không cần biết, vừa quên ngay cái Hội Nghị ấy. Hỏi sinh viên, hỏi người xe ôm, người bán hàng rong, không ai để ý! Có người còn nói với tôi, ông quan tâm chuyện ấy làm gì. Làm gì, Làm gì, đó là câu hỏi “kinh điển” mà ông Lê nỉn, Lê nin bên Nga từng nói.
Điều thứ nhất. Hội Nghị TW làm việc rất “rô bô”. Họ lập trình làm ba việc: Bàn nhân sự ĐH XII. Bàn xây dựng chính quyền địa phương. Bàn xây cất sân bay Long Thành. Chấm hết. Sở dĩ nói phong cách rô bô là vì một đội ngũ là lãnh đạo quốc gia, mà đương họp thì bàn dân thiên hạ xôn xao bàn tán lên án việc Trung Quốc xây căn cứ không quân, hải quân trên mấy đảo cướp được của Việt Nam. Mặc kệ ai lo cứ lo, ai lên tiếng cứ lên tiếng, ai phản đối cứ phản đối. Riêng ban lãnh đạo Việt Nam thì im re. Không có lấy nửa lời! Tôi cho đây là thái độ vô trách nhiệm. Anh Trọng sau đó đi ra mắt cử tri, có người chất vấn, thì trả lời rất chi là “anh Trọng”, rằng cần có “phương pháp luận”, và cái phương pháp luận ấy là “Ta là láng giềng của Trung Quốc, nói nôm na là phải ăn đời ở kiếp với nhau, không thể bỏ nhau đi đâu được. vậy phải xử lý mối quan hệ thế nào cho tốt? (Tôi chỉ nói phương pháp luận), mong được các bác thông cảm.” (Trích theo báo Tuổi Trẻ ngày 10-5.) Các bác đại cử tri của Hà Nội thông cảm thế nào tôi không biết. Riêng tôi, tôi không thông cảm được. Càng không thông cảm được khi ban chấp hành trung ương, là ban lãnh đạo đất nước, mà giặc lấn chiếm biển đông, uy hiếp an ninh, hòa bình của dân tộc, mà không dám nửa lời lên tiếng. Ban Chấp hành TW nói sao đây với dân với nước?
Điều thứ hai. Anh Rứa theo lệnh Bộ Chính trị đã đi sắp xếp, bố trí đại thể cái cơ cấu ban lãnh đạo mới xong xuôi, mới họp TW để nêu tiêu chuẩn. Theo thông tục của đảng thì hầu hết các bí thư, bộ trưởng đương nhiệm, mặc nhiên là đã được cơ cấu. Họ có được cơ cấu theo cái chuẩn mà ban chấp hành sau đó mới đưa ra không. Tôi thấy cách làm việc rất trống xuôi, kèn ngược chẳng quy củ chút nào. Thành thử khó tin những tiêu chí ấy là có giá trị thực tế. Đại cử tri ở Hà nội cũng đã khéo léo nói lên điều đó. Cựu chiến binh Lê Hoa: “Tôi xin bày tỏ bài phát biểu của TBT ở hội nghi TƯ làm chúng tôi rất phấn khởi, nhưng băn khoăn của bà con là nói như vậy thì có thực hiện được không?”
Làm sao mà có thể thực hiện được! Bởi vì BCH Trung Ương chỉ đưa ra được công thức. Tất cả các chuẩn ấy chỉ là công thức. Chỉ riêng những chuẩn của BCH TƯ thì riêng tôi có thể quả quyết rằng hầu hết những ủy viên đang được cơ cấu đều đã phạm vào nhiều điều trong những tiêu chí ấy. Lấy ví dụ như được nhân dân tín nhiệm. Ai cũng biết muốn có được cái gọi là tín nhiệm của nhân dân thì phải qua tranh cử, có chương trình hành động, công việc và đời sống cá nhân phải công khai để dân giám sát. Chả ai làm được điều này từ xưa đên nay. Cứ như cụ Hồ nói “Đảng phải ở trong xã hội” nhưng chính cụ cũng không đặt mình trong xã hội! Cầm quyền mà không đặt mình dưới sự giám sát của dân và của xã hội, thì đó là cầm quyền chuyên chế, độc tài. Bởi nếu theo Các Mác thì “Dân chủ nghĩa là chính phủ được đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của xã hội dân sự!”. Đảng ta và Nhà nước ta đâu có làm theo Mác!
Ví dụ như, kiên quyết gạt ra khỏi TƯ nhũng người bản lĩnh chính trị không vững vàng. Theo tôi, ngày nay nhân dân đòi hỏi bản lĩnh chính trị là những người dám nhìn thấy cái lỗi hệ thống đã làm cho dân tộc bị kìm hãm tromg vòng lạc hậu, ngày càng thua càng xa những nước trong khu vực mà trước đây VN ta đã ngang bằng hoặc hơn họ. Kiên định cái lỗi lầm không thể biện hộ được, dẫn dắt dân tộc đi vào con đường mà trăm năm nữa cũng không biết có tới được không. Cái lập trường kiên định đó là lỗi lầm và có tội với dân với nước. Kiên định cái lập trường theo đuôi lệ thuộc chính sách bành trướng, nước lớn, bá quyền, đế quốc của Trung Quốc, thì đó là lập trưởng phản bội Dân Nước. Hầu như không có một ủy viên TƯ nào lên tiếng cho Dân thấy cái lập trường giữ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo trước những hà hiếp hống hách của Trung Quốc, không thấy họ nói năng gì về một chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc. Về vấn đề này tôi được phép trích mấy câu nhận định của tương Đặng Quốc Bảo gần đây. Tôi thấy bài nói hay đã đề nghị cho công bố. Anh Bảo nói tớ chẳng công bố nhưng cậu thấy cần thì cứ dẫn ra trong bài viết của cậu. “Chúng ta đã bị rơi vào vòng tay của Trung Quốc một cách toàn diện, Trung Quốc đã tiến hành một chiến lược thâm nhập và tìm mọi cách nắm chúng ta một cách toàn diện. Nhất là quân đội… Các anh đọc những phát biểu của ông Bộ trưởng Quốc phòng (VN) thì sẽ thấy điều này rất rõ…
… Tôi thấy đây là vấn đề chiến lược rất lớn, nếu các nhà chiến lược của ta không thấy được vấn đề này thì là sự yếu kém và khuyết điểm. Đây là nguy cơ mà thoát khỏi…là không dễ dàng chút nào.
Đứng về hệ tư tưởng thì tôi có thể nói rằng nhiều cơ quan của chúng ta theo hệ tư tưởng của Trung quốc,không chỉ chịu ảnh hưởng, mà còn chịu ảnh hưởng rất nặng nề của hệ tư tưởng này…”
Riêng tính bảo thủ trì trệ… làm việc kém hiệu quả, như tiêu chí của Hội Nghị TW 11…thì quá rõ. Không phải chỉ có ban chấp hành hiện đương chức, mà cả những ban tiền nhiệm và cả toàn đảng nữa, đều làm việc kém hiệu quả. Nên lấy tiêu chí căn bản là 40 năm không xây dựng cho Đất Nước một hạ tầng kinh tế, một hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và toàn diện, một hạ tầng văn hóa khoa học, giáo dục, một hạ tầng pháp lý văn minh hệ thống… Điều mà các nước chung quanh chỉ làm trong vòng 30 năm, còn chúng ta 40 năm đã qua cũng chưa hoàn chỉnh, vẫn ngỗn ngang trăm mối! Thế thì các ủy viên BCH mới của Khóa XII phải là những người như thế nào?.Tôi không thấy có chút gì lạc quan để có thể tin rằng sẽ có một BCH TƯ của ĐH XII có đủ sức, bản lĩnh và năng lực có thể vượt lên tính trì trệ, làm việc hiệu quả mà HN 11 đã nói tới, trong quan điểm, tư tưởng và phương thức lựa chọn như hiện nay. Liệu Ban lãnh đạo hiện nay dưới sự dẫn dắt của TBT Nguyễn Phú Trọng có đủ sức và thời gian để tổ chức một sự lựa chọn văn minh, khoa học? Mà đây không phải là việc riêng của đảng. Một Ban lãnh đạo theo Điều 4 HP phải được nhân dân tham gia lựa chọn. Đảng không thể cứ một mình hành động và áp đặt cho Dân Tộc một ban lãnh đạo may nhờ rủi chịu.
Nói về giá trị của công thức, khác với giá trị của nội dung bài toán, tôi xin liên hệ tới một công thức toán rất sơ đẳng. Ai cũng biết 2 cộng 2 hoặc nhân 2 thành 4. Nghĩa là gấp đôi. Nói về sự gấp đôi, ta phải nghĩ tới sự nhận định và đánh giá của LHQ gần đây, khi đưa ra thống kê. Hàn Quốc cứ 4,7năm là họ nhân đôi tổng sản phẩm quốc nội, Singapore, 6 năm,Thái, 8 năm, Indonesia, 10,3 năm, Malaysia, 10,9 năm, Phi, 19,7 năm. Còn Việt Nam là 23,2 năm! Như thế, cũng là nhân gấp đôi, nhưng nội dung bài toán khác nhau dẫn đến kết quả rất xa nhau.
Tôi đã đưa ra công thức. Cũng xin nêu nội dung bài toán lựa chon Ban Chấp Hành TW. Cái quy chế đã ban hành đề cao vai trò của các cấp ủy vô hình trung đã loại bỏ vai trò của Đại Hội. Đó là sự vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của Đại Hội. Phải kịp thời sữa đổi, thay thế. Vừa đề cao vai trò của Đại Hội vừa phải có phương thức để xã hội dân sự có quyền tham gia lựa chon nhân sự của ban lãnh đạo mới của đảng đủ tư cách cũng là ban lãnh đao quốc gia .Có lần làm việc với anh Trọng trong một đề tài về xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới, tôi đã đưa ra quan niệm phải coi các ủy viên BCH TƯ là loại chính khách quan trọng, vì thế phải xây dựng tiêu chuẩn và phương thức bồi dưỡng, lựa chọn. Đảng muốn biến họ thành chính khách quốc gia thì tự mình phải có phương thức lựa chọn tốt, lại phải coi trọng vai trò của xã hội dân sự trong sự lựa chọn này.
Đó là mới nói sơ qua về chất lượng đội ngũ. Còn tư cách pháp quyền của BCH TƯ lại là vấn đề pháp lý to lớn và phức tạp khác.
Nếu đẩy lùi ĐH XII đến giữa năm 2016, sẽ có cả 12 tháng để chuẩn bị. Hãy để cho những người được đề cử, cả những người tự ứng cử (mà điều này có vẽ như trái với chủ nghĩa Mác Lê nin, nhưng lại rất Mác xít. Thế mới biết Mác Lê nin lại không phải là Mác xít thứ thiệt.), được tự mình đưa ra được chương trình hành động, có sự phán xét của các đảng viên thường (chớ coi thường họ), và đặt họ trong sự phán xét, bồi dưỡng của xã hội dân sự. Xã hội dân sự sẽ như là thứ nước để tôi cho sắt thành thép.
Đại Hội XII nếu không có một đường lối thật sự mới, một ban lãnh đạo mới có thể khắc phục những “hư hỏng, cũ kỹ”, khắc phục sự trì trệ, kém hiệu quả đã kéo dài hàng mấy thập kỷ, sẽ là sự thất vọng của dân tộc, sẽ đánh mất tính chính nghĩa và chính thống của một đảng chính trị xứng đáng với Đất Nước và Dân Tộc của mình.
Tôi gởi những lời tâm huyết đến tất cả những ai quan tâm lo lắng cho vận Nước. Xin đừng làm tôi thất vọng, như một lời thơ của Nguyễn Duy: “Ai? Không ai!”./.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 12-5-15
NẾU ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG LÀ NHÀ CẢI CÁCH 
Bài KAMI /(Kami's blog) TTHN / BVB 12/5/2015
Trong những ngày này, ở Việt nam vấn đề được dư luận quan tâm nhất có lẽ không ngoài vấn đề nhân sự Đại hội Đảng CSVN lần thứ XII, dự kiến sẽ khai mạc vào cuối tháng 1/2016. Và điều được người ta bàn tán nhiều nhất, không ngoài vấn đề ai sẽ là Tổng Bí thư Đảng CSVN sau Đại hội XII?
Có lẽ dư âm của  Hội nghị TW11 cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề này. Đặc biệt là vấn để tiêu chuẩn lựa chọn Uỷ viên Trung ương Đảng, được thể hiện qua bài diễn văn bế mạc Hội nghị  TW11 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, được dư luận hết sức quan tâm. Đó là điều mà dư luận đồn đoán và cho rằng đây là một thông điệp của ông Nguyễn Phú Trọng nhằm ngầm chỉ tới một lãnh đạo cao cấp trong Đảng. Người đó không phải ai khác, chính là Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, một ứng viên được dư luận cho là sáng giá đối với chức vụ này.
Cộng với điều không phải là ngẫu nhiên, đó là việc ngay sau khi Hội nghị TW11 bế mạc, thì buổi chiều 8/5/2015 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1 đã tiến hành tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm. Tại đây, khi trao đổi với các cử tri Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng “Bí thư kiêm chủ tịch thì to quá, ai kiểm soát ông?”. Điều này được coi là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và không ít các lãnh đạo cao cấp trong Đảng CSVN đã và đang lo ngại vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy vậy, việc gần đây truyền thông trong nước ít đưa tin về các hoạt động của Thủ tướng, cộng với điều được dư luận cho rằng hết sức bất thường, đó là việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lớn tiếng "Chửi Mỹ, vái Tàu" trong bài diễn văn quan trọng tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước. Thì cũng có luồng ý kiến cho rằng Thủ tướng Dũng đang chịu một sức ép đáng kể từ phía Đảng và tham vọng của ông Dũng muốn ngồi chiếc ghế Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước theo mô hình Trung quốc, kiểu như ông Tập Cận Bình hiện nay có lẽ sẽ phá sản.
Dù sao dư luận vẫn chỉ là sự đồn đoán hay dự đoán, không phải là kết quả chính xác cuối cùng, vì khi đưa ra mỗi luồng ý kiến thì người ta luôn luôn có lý lẽ để bảo vệ ý kiến của họ. Trong bài viết này xin được đặt câu hỏi: Nếu như ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư Đảng CSVN kiêm Chủ tịch nước rồi sẽ tiến hành cải cách thể chế chính trị thì điều gì sẽ xảy ra? Với mục đích để công luận phân tích và tìm hiểu câu trả lời.
Cách đây không lâu, nếu theo dõi chính trị Việt nam thì người ta sẽ thấy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường có các tuyên bố hay chỉ thị "đi ngược đường lối của Đảng CSVN" để "mỵ dân", nhằm chứng tỏ mình là một người có tư tưởng cải cách để hướng tới một xã hội tự do, dân chủ theo xu hướng của nhân loại văn minh. Ví dụ như Thông điệp đầu năm mới năm 2014, đã đề cập tới việc cải cách dân chủ để hướng tới một nhà nước pháp quyền, ở đó công dân được làm những điều pháp luật không cấm, còn công chức chỉ được thực hiện những điều luật pháp cho phép. Hay đưa kinh tế Việt nam trở thành một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, thay cho Kinh tế thị trường định hướng XHCN. v.v... và v.v...
Điều đó đã khiến cho đa số những người quan tâm đến chính trị hy vọng và nóng lòng chờ đợi, kể cả đa số những người trong lực lượng đấu tranh cho Dân chủ ở Việt nam cũng khấp khởi hy vọng và mong đợi sự cải cách chính trị từ phía chính quyền. Nhiều người hy vọng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là một nhà cải cách như Gorbachev, sẽ xóa bỏ chế độ cộng sản để mang lại tự do và dân chủ đến cho Việt nam.
Nếu hiểu rằng "Đừng nghe ông Dũng nói, hãy xem ông Dũng làm", thì sẽ thấy rất có khả năng chiêu bài cải cách Dân chủ của Thủ tướng sẽ là một cú lừa ngoạn mục. Vì tự do và dân chủ phải đấu tranh để giành lấy mới có được, chứ không có ai mang đến cho ta. Do vậy, cải cách của Thủ tướng Nguyên Tấn Dũng nếu có, nhưng chỉ là sự cải cách nửa vời để đưa chính trị Việt nam sẽ trở thành gần giống với chính trị nước Nga dưới sự cai trị của V. Pu tin hiện nay.
Được biết, từ trước đến nay, mô hình quản trị nước Nga dưới sự cai trị của V. Pu tin hiện nay đã được các nhà lãnh đạo Việt nam hết sức quan tâm và cho rằng sẽ được áp dụng trong trường hợp tình thế bắt buộc họ phải cải cách thể chế chính trị. Đó là mô hình một quốc gia dân chủ dưới sự dẫn dắt của một lãnh tụ mang hơi hướng độc tài, và vẫn đậm chất cộng sản, nghĩa là vẫn tồn tại sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước đối với các phương tiện thông tin đại chúng và các vi phạm khác về quyền con người. Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó mô hình này được coi là thành công, vì đã đưa nước Nga phục hồi và lớn mạnh đáng kể sau khi chế độ cộng sản sụp đổ.
Ở Việt nam hiện nay, có thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng là một chính trị gia lắm mưu, nhiều kế và luôn tỏ ra là người biết làm chính trị. Chỉ trong vòng 10 năm đảm trách chức vụ Thủ tướng (02 nhiệm kỳ), với một bộ tham mưu giỏi ông Dũng đã thu vào tay mình gần hết các quyền lực của nhà nước Việt nam, cùng với việc nắm trong tay hệ thống chân rết quyền lực từ trung ương đến địa phương. Điều đó đã khiến ông Dũng trở thành một một đối thủ chính trị đáng sợ cho bất cứ ai.
Chỉ cần nói một việc nhỏ, đó là với quyết định của Thủ tướng khi đưa các Tập đoàn Tổng Công ty vốn là Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc các Bộ, ngành trở thành các quả đấm thép trực thuộc trực tiếp Thủ tướng. Việc này đã nâng quyền lực về kinh tế của Thủ tướng Dũng lên gấp hàng trăm lần, dù rằng các quả đấm thép đó đã đổ vỡ, gây ra biết bao tai tiếng, và thiệt hại về kinh tế khổng lồ như các vụ Vinashin, Vinaline. v.v... Qua việc này để thấy, cách làm của Thủ tướng Dũng chỉ có được và được, mà không hề hấn gì, thiệt hại thì đã có "Đảng và nhà nước lo. Nhân dân chịu". Đó là chưa kể đến việc hiện nay, ông Dũng đã cài cắm con cái mình vào các vị trí quan trọng và có nhiều triển vọng, kể cả việc kế nhiệm thay ông Dũng trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nhiều điểm tương đồng với V. Putin, vốn xuất thân từ nhà binh, trước là quân nhân, sau là quan chức cao cấp nghành công an. Vốn là một con người khá độc đoán, cộng với bề dày các thành tích đàn áp dân chủ từ trước đến nay. Điều đó sẽ cho thấy, nếu ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, khi đó mọi quyền lực đã nằm trong tay thì có nhiều khả năng ông Dũng sẽ xúc tiến cải cách thể chế chính trị để trở thành một Tổng thống độc tài. Nếu như vậy thì tương lai của người Việt nam sau khi thoát một chế độ độc tài toàn trị được cai trị bởi những ông Vua tập thể của Đảng CSVN, rồi sẽ chuyển qua một chế độ bề ngoài mang hơi hướng Dân chủ, nhưng thực chất dưới sự cai trị của một vị Tổng thống độc tài (vẫn mang nặng tính Cộng sản) thì điều gì sẽ xảy ra?
Nếu điều đó thành hiện thực, thì Việt nam sẽ trở thành một quốc gia theo thể chế chính trị cộng hòa, có nền chính trị đa nguyên và người đứng đầu là Tổng thống Nguyễn Tấn Dũng. Song vị tổng thống này sẽ có nhiều khả năng là một lãnh tụ độc tài và gia đình trị. Và Việt nam khi ấy, sẽ có một nhà độc tài tàn bạo kiểu như Stalin, thậm chí là Hitler là điều khó có thể tránh khỏi. Hoặc nếu may mắn hơn thì có một lãnh tụ độc tài "nhân từ" kiểu như ông Lý Quang Diệu (tuy rằng khả năng này hầu như là không thể có đối với một người độc đoán như ông Nguyễn Tấn Dũng).
Không biết đến lúc đó đất nước Việt nam sẽ khá lên được hay không? Hay chúng ta một lần nữa lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn "Tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa", vốn là một cái kết cục không mấy tốt đẹp dành cho những kẻ thích nằm chờ sung rụng?
Và khi ấy có lẽ những người đấu tranh cho dân chủ lại hô hào đoàn kết lại để chống độc tài (!?).
Ngày 12 tháng 05 năm 2015
Kami/(Kami's blog)/TTHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét