Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

20150515. XOAY QUANH TIN XẾP HẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM CỦA OECD VÀ WEF

ĐIỂM BÁO MẠNG
VIỆT NAM BẤT NGỜ CHÊNH 66 BẬC TRÊN BẢNG XẾP HẠNG GIÁO DỤC
Bài của NGUYỄN THẢO- THU PHƯƠNG / VNN 14/5/2015
Việt Nam sẽ có"những câu hỏi thách thức" khi mà kết quả của tổ chức OECD và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về giáo dục chênh lệch 66 bậc.
“Tính chất giáo dục”ở 2 bảng xếp hạng
Cùng thời điểm Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xếp hạng giáo dục các quốc gia dựa trên điểm thi hai môn toán và khoa học của học sinh ở độ tuổi 15 được đưa ra thì Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã công bố báo cáo về "nguồn vốn con người" (HC) năm 2015 ngày hôm qua, 13/5.
Bảng xếp hạng HC không chỉ quan tâm đến những chỉ số tuyển sinh và trình độ từ sơ cấp đến đại học, dạy nghề của người dânở các quốc gia mà còn phân tích cả những tiêu chuẩn như học hỏi ở nơi làm việc, tình trạng thất nghiệp hay những kỹ năng không tương xứng.
Bảng xếp hạng HC đưa ra các chỉ số đánh giá mức độ giáo dục, kỹ năng và việc làm ở 5 nhóm tuổi khác nhau, bắt đầu từ dưới 15 tuổi tới trên 65 tuổi.
Bảng xếp hạng của OECD dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học của học sinh 15 tuổi trên cùng một tiêu chí, cùng một thang điểm so sánh chung cho cả các nước phát triển và đang phát triển.
Việt Nam có chênh lệch lớn
Những điểm giống và khác nhau giữa hai bảng xếp hạng đã đưa đến những tín hiệu lạc quan cho một vài quốc gia và cũng đem lại những câu hỏi đầythách thức cho những quốc gia khác.
báo cáo vốn con người, diễn đàn kinh tế thế giới, OECD, học sinh Việt Nam, xếp hạng
Nhóm dưới 15 tuổi của Việt Nam xếp thứ 78 trong báo cáo "Nguồn vốn con người" (HC) của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Ảnh: Weforum
Nhật Bản là một ví dụ về sự tương đồng. Ở bảng xếp hạng của OECD, Nhật Bản đứng thứ 4, trong khi nhóm dưới 15 tuổi trong bảng xếp hạng HC của Nhật Bản được xếp vị trí số 5.Theo thống kê cụ thể của bảng xếp hạng HC nhóm dưới 15tuổi, nhiều quốc gia đạt vị trí xếp hạng khá tương đồng với vị trí xếp hạng của OECD.
Hay như Singapore – quốc gia đứng đầu bảng trong bảng xếp hạng của OECD cũng giành vị trí số 3 trong nhóm dưới 15 tuổi của bảng xếp hạng HC. Nhìn chung, cả 2 bảng xếp hạng đều lạc quan về tương lai của Singapore.
Tương tự, một số quốc gia như Phần Lan, Thụy Sĩ, Hà Lan… có vị trí ở 2 bảng xếp hạng không cách biệt nhau nhiều.
báo cáo vốn con người, diễn đàn kinh tế thế giới, OECD, học sinh Việt Nam, xếp hạng
Kết quả xếp hạng của nhóm học sinh Việt Nam ở độ tuổi 15 theo xếp hạng của Tổ chức OECD
Tươi sáng và lo ngại Riêng trường hợp của Việt Nam, vị trí ở 2 bảng xếp hạng chênh nhau tới 66 bậc. Nhóm dưới 15 tuổi trong bảng xếp hạng HC của Việt Nam đứng tận vị trí số78 – so với vị trí số 12 của OECD.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định "tương lai của nhiều các quốc gia châu Á sẽ tươi sáng hơn", đồng thời chỉ ra "những dấu hiệu đáng lo ngại ở một số nước Bắc Âu".
Một số quốc gia ở châu Á xếp hạng tương đối thấp về chỉ số vốn nhân lực của Diễn đàn Kinh tế thế giới mặc dù giáo dục của họ được OECD xếp hạng đứng top đầu của thế giới.
Singapore là minh chứng điển hình nhất khi họ là quốc gia đứng đầu thế giớivề giáo dục về toán và khoa học nhưng lại chỉ đứng thứ 24 về tổng thể vốn con người.
Hàn Quốc xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng giáo dục của OECD thì cũng chỉ đứng thứ 30 trong Báo cáo Vốn con người của Diễn đàn Kinh tế thế giới.
Sự khác biệt trở nên rõ nét hơn ở Việt Nam với chỉ số 12 trong bảng xếp hạng của OECD và chỉ số 59 (chỉ số chung) trong 124 quốc gia được xếp hạng.
Phần lớn lý do của sự khác biệt ở những quốc gia này là câu chuyện của các thế hệ.
Ví dụ như Singapore đã phát triển rất nhanh chóng trong thời đại của thế hệ trẻ gần đây cho thấy khác biệt giữa các nhóm tuổi thể hiện rất rõ ràng.
Nếu nhìn vào xếp hạng vốn con người của nhóm người trên 65 tuổi, Singapore chỉ xếp thứ 66; còn ở nhóm người dưới 15 tuổi thì quốc gia này lại đứng thứ 3 trong báo cáo HC.
Những dấu hiệu đáng lo ngại ở một số nước Bắc Âu
"Với những quốc gia hiện đang dẫn đầu về tổng thể các khía cạnh của "nguồn vốn con người" nhưng xếp hạng giáo dục về toán và khoa học độ tuổi 15 lại đang tụt lại phía sau thì ở thập kỷ tới, cuộc đấu tranh để duy trì lợi thế trong tương lai sẽ tương đối gay gắt" - đây là nhận định đưa ra từ kỷ yếu của diễn đàn.
Kết quả so sánh hai vị trí xếp hạng cho thấy tương lai 3 nước vùng Scandinavia rất đáng lo ngại khi Na Uy đứng thứ 2 về chỉ số vốn con người nhưng xếp hạng của OECD là 25. Các vị trí tương ứng ở Thụy Điển là 6 và 35 trong khi ĐanMạch xếp thứ 7 và 22. Những quốc gia này tương lai được dự đoán sẽ trái ngược với sự phát triển của Singapore.
OECD gần đây cũng đã cảnh báo ThụyĐiển phải đặc biệt xem xét lại hệ thống giáo dục của mình.
5 quốc gia luôn làm tốt và giữ vững phong độ
Mặc dù có sự khác biệt giữa 2 chỉ số thì Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hà Lan và Canada là 5 nước vẫn nằm trong top 10 của cả hai bảng xếp hạng.
Trong đó, Phần Lan là quốc gia đáng chú ý khi đã vượt lên những người hàng xóm Bắc Âu của mình để giữ vị trí thứ 6 trên thế giới và thứ nhất trong các quốc gia nằm ngoài châu Á của bảng xếp hạng giáo dục được thực hiện bởi OECD và cũng giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng HC.
Được biết, Phần Lan là quốc gia có chất lượng giáo dục tiểu học tốt nhất trên thế giới và cũng là quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá là nơi dễ dàng nhất để tìm thấy nhân lực chất lượng cao.
"Vốn con người là những kiến thức, kỹ năng tích luỹ trong mỗi con người nhờ quá trình học tập, rèn luyện và lao động. Chính vì thế, giáo dục và đào tạo chính là yếu tố để hình thành và tích luỹ vốn con người. Điều này khẳng định giáo dục là một phần của vốn con người, nhưng không phải tất cả" (trích báo cáo của WEF)
  • Xem thêm
Việt Nam xếp hạng 59 về "vốn con người"
***
CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC VIỆT NAM HƠN MỸ VÀ ÚC!

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 13/5/2015

Việt Nam được xếp hạng 12 trên thế giới về chất lượng giáo dục, và với hạng này, chất lượng giáo dục Việt Nam vượt cả Mĩ và Úc (1). Ngạc nhiên? Đó là bảng xếp hạng do nhóm OECD làm, chứ không phải của một nhóm "lơ tơ mơ" nào đâu nhé. Đây có lẽ là một bản tin làm liều thuốc an thần cho rất nhiều người trong ngành giáo dục. Nhưng như người ta thường nói, một phát ngôn mạnh cần phải có những bằng chứng rất tốt. Ngay cả là OECD thì chúng ta cũng phải xét chứng cứ, dữ liệu, chứ đừng bao giờ tin vào hào quang của họ. (Hào quang có khi là giả tạo, dỏm). Tôi e rằng bằng chứng về xếp hạng của OECD chỉ là loại bài tập thống kê, chứ chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế.
Đánh giá và xếp hạng một nền giáo dục, không nói ra ai cũng biết là, đòi hỏi nhiều nỗ lực và dữ liệu. Dữ liệu phải từ đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output). Mỗi tiêu chí cần phải có nhiều chỉ số định lượng. Quần thể đánh giá phải là tất cả cấp học, từ tiểu học đến trung học. Đề tài đánh giá phải là tổng thể các môn học, chứ không thể tập trung vào 1-2 môn nào đó. Ấy thế mà OECD đánh giá bằng con đường tắt. Họ làm hết sức đơn giản, chỉ dựa vào 1 đầu ra: họ dùng kết quả kiểm tra PISA môn toán và khoa học của 76 quốc gia tham gia vào chương trình kiểm định PISA. Do đó, nói là “toàn cầu” đã là không đúng với sự thật. Một nền giáo dục đâu thể nào đánh giá qua chỉ 2 điểm toán và khoa học của một nhóm học sinh 15 tuổi và chỉ của một năm học. Thật là ngớ ngẩn đến khó tin!
Ngay cả điểm PISA cũng có nhiều vấn đề. Tôi đã download toàn bộ cơ sở dữ liệu PISA của Việt Nam để xem qua cho thoả tính tò mò. Rất nhiều số liệu là “missing data” (do các em học sinh làm bài không được), nên họ phải sử dụng kĩ thuật “imputation” để lấp vào các giá trị khống. Nói cách khác, nhiều số liệu cấp học sinh chỉ là kểt quả của mô hình thống kê, chứ không phải thu thập thực tế từ học sinh. Kĩ thuật imputation là phương pháp khoa học chính thống, nhưng áp dụng cho tình huống quá nhiều missing data thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề khác mà tôi đã trình bày trong bài nói chuyện trong Câu lạc bộ “Cà phê Thứ Bảy” ở Sài Gòn hồi năm ngoái (2), và một bài báo trên Tuần Việt Nam (3). Vấn đề không chỉ đơn giản là điểm trung bình nước A cao hơn nước B; vấn đề còn là mức độ khác biệt giữa các học sinh trong một nước, và đó mới phản ảnh một phần chất lượng. Nói tóm lại, có rất nhiều vấn đề về phương pháp trong dữ liệu PISA mà chúng ta phải dè dặt.
Người ta có câu “Garbage in, Garbage out” – đầu vào là rác, thì đầu ra cũng là rác, bất kể sử dụng phương pháp thống kê hay toán học tinh vi nào. Do đó, xếp hạng chất lượng giáo dục dựa vào điểm PISA của 2 môn học (toán và khoa học) từ một nhóm học sinh 15 tuổi là sai ngay từ căn bản, sai từ ý tưởng đến phương pháp. Tiếng Anh có chữ “simplistic”, rất thích hợp cho loại xếp hạng này. Đối với người làm toán hay thống kê loại “connoisseur” thì họ có thể thích làm xếp hạng như thế, nhưng với người có đầu óc khoa học và có suy nghĩ thì đó chỉ là một dạng làm “exercise” mà thôi. Vậy xin các nhà báo và giới quản lí giáo dục đừng quá tốn thì giờ cho loại “trò chơi con số” (mượn chữ của ông tổ cộng sản là V. Lenin) như kiểu xếp hạng của OECD.
===
(2) Bài nói chuyện CLB Cà Phê Thứ Bảy:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét