Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

20150507. BÀN VỀ TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA HỒ CHÍ MINH

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐĂNG KÝ "BẢN QUYỀN" PHÁT BIỂU CỦA CỤ HỒ
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 17/3/2015
Các quan chức giáo dục và ngoại giao Việt Nam đang xúc tiến "đăng ký bản quyền" một câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục (1). Thoạt đầu mới đọc qua cái tựa đề thì tôi thấy hay. Tại sao không đăng kí bản quyền nếu câu nói là một đóng góp vào trí khôn của nhân loại? Nhưng đọc kĩ bài báo và tìm hiểu thì tôi bắt đầu phân vân và tự hỏi không biết đăng kí như thế có phải là một ý tưởng hay …
Năm 1949, ông đến thăm và phát biểu ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc rằng "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Theo phát hiện của GS Trần Văn Nhung thì mãi đến năm 1996, UNESCO mới đề ra cái ý này. Do đó, ông và các quan chức văn hoá, ngoại giao VN gửi lời phát biểu đến UNESCO để thấy cụ Hồ đã đóng góp cho nền giáo dục thế giới và đi trước UNESCO như thế nào.
Lần dò theo bài báo tôi phát hiện rằng năm 1996, UNESCO có công bố một báo cáo do nhà kinh tế học và chính trị gia Jacques Delors chủ trì (2). Bản báo cáo là thành quả của một thời gian điều nghiên của một nhóm chuyên gia. Trong báo cáo, ở chương IV có viết về "giáo dục trọn đời" và đề nghị 4 trụ cột:
  • học để biết (learning to know); • học để làm (learning to do); • học để chung sống với nhau (learn to live together , learning to live with others); và • học để phát triển nhân cách (learning to be).
Không chỉ đề ra 4 trụ cột như là một phát ngôn kiểu "powerpoint", bản báo cáo lí giải chi tiết về 4 trụ cột đó. Ví dụ như khi nói về học để rèn luyện nhân cách, các tác giả viết rõ rằng theo trụ cột này, học là để phát triển nhân cách và khả năng trở nên tự chủ hơn, khả năng phán xét và trách nhiệm cá nhân. Theo triết lí này, giáo dục không được bỏ qua các khía cạnh về tiềm năng của một cá nhân như trí thức, lí giải, cảm nhận thẩm mĩ, khả năng thể lực, và kĩ năng truyền đạt thông tin.
Quan điểm về sự học (tức là learning, chứ không phải education) của uỷ ban Jacques Delors (UNESCO) có điểm gần với suy nghĩ của Chủ tịch HCM. Chỉ tương đối gần thôi. Chủ tịch HCM nói học để học để làm việc là gần với "learn to do" của UNESCO, học để làm người có thể hiểu như là "learn to be" của UNESCO. Và, sự tương đồng chỉ dừng ở đó.
Chủ tịch HCM quan niệm rằng học để "làm cán bộ, […] để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" thì không được UNESCO đề cập đến. UNESCO nhắc đến sự học để tìm hiểu người khác và để chung sống chung với những người có thể khác chính kiến với mình. Rất khó biết khi ông nói học để phục vụ giai cấp là giai cấp nào. Rất có thể ông nghĩ đến đấu tranh giai cấp chăng? Riêng câu "Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" của ông cụ Hồ thì tôi thấy hoàn toàn chẳng ăn nhập gì với triết lí về sự học cả. Đó là một câu lạc đề.
Nhưng công bằng mà nói, câu phát ngôn của cụ Hồ rất khó có thể nâng lên thành triết lí giáo dục được. Lí do là ông chỉ nói thế thôi, nói trong một dịp ghé thăm trường mang tên ông. Ông không triển khai thêm những gì ông nói. Không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Có lẽ đó không phải là dịp để giải thích, nhưng sau này ngay cả hậu duệ của ông cũng chẳng phát triển thêm các ý tưởng của ông. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là "triết lí giáo dục" được.
Những ai làm trong thế giới học thuật thừa hiểu rằng từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một "triết lí" hay một "ý thức hệ" là một con đường dài. Theo tôi hiểu ý thức hệ là một hệ thống viễn kiến, một cách nhìn về sự vật được lí giải một cách triết học. Chủ nghĩa cộng sản là một ý thức hệ vì nó được Marx lí giải dựa trên logic và phương pháp triết học, được ông ta diễn giải rất nhiều lần và ông thuyết phục được nhiều người. Hiểu như thế thì mới thấy những phát biểu của ông cụ Hồ về học hành chỉ là "vision" chung (viễn kiến), chứ chưa thành một triết lí hay hệ tư tưởng được. Thật ra, trong suốt sự nghiệp chính trị lâu năm của ông, rất ít khi nào ông nói và viết về giáo dục. Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được.
Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông. Còn viết thư đến UNESCO để yêu cầu được công nhận thì tôi sợ là phía VN xem thường tri thức của các học giả trong UNESCO. Sẽ rất thú vị nếu chúng ta có dịp đọc lá thư mà phía Chính phủ Việt Nam gửi cho UNESCO, vì xem họ giải thích như thế nào về câu nói của ông cụ Hồ.
Còn cho rằng "Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996" thì tôi e rằng là … nói quá. Chỉ khi nào tài liệu của UNESCO, mà cụ thể là báo cáo của Jacques Delors, có trích dẫn câu nói của ông cụ Hồ thì câu đó mới hợp lí. Tôi không thấy ông Delors và UNESCO có trích dẫn bất cứ một câu nói nào của ông cụ Hồ.
Nhưng đây không phải là lần đầu người ta cố gán ghép cho ông cụ. Cách đây vài tuần, có người cũng nói rằng ông cụ và ông Lý Quang Diệu gặp nhau về tư tưởng lớn về giáo dục (3), nhưng tôi có chỉ ra rằng hai người có suy nghĩ rất khác nhau về giáo dục (4), chứ không tương đồng nhau.
Nâng tầm những câu phát biểu chung chung thành tư tưởng có khi rất phản cảm với ông cụ, vì chính ông từng nói "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì, ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê." Chẳng có gì sai nếu UNESCO đang có chương trình làm giàu lí luận về giáo dục thì phía VN tham gia đóng góp dựa trên "vision" của ông cụ Hồ. Nhưng phải là một bài viết triển khai mang tính học thuật nghiêm chỉnh, chứ không nên nói theo cách "ông cụ nhà tôi đã nói thế lâu rồi" vì làm như thế là một cách xem thường học thuật và các học giả của UNESCO.
Tôi nghĩ những quan điểm về sự học của UNESCO chẳng phải là cái gì mới mẻ hay quá cao siêu, vì trong thực tế đã có nhiều nhà giáo dục và triết học trước đó đề cập đến và họ lí giải rất có hệ thống. Chỉ cần đọc lại những tác phẩm của Jean-Jacques Rousseau, Immanuel Kant, John Locke, và đặc biệt là John Dewey, hay xưa hơn như Plato và Aristotle, tất cả đều đã có đề cập đến những quan điểm mà UNESCO đề cập đến. Chỉ cần đọc vài bài của John Dewey chúng ta sẽ thấy quan điểm của UNESCO được phát triển trên nền tảng của Dewey, người quan niệm rằng giáo dục phải rèn luyện tính tự chủ của một cá nhân và kĩ năng tương tác với xã hội. Dewey còn quan niệm rằng trường học là một thiết chế xã hội (social institution) và giảng dạy là một dịch vụ xã hội. Nhưng cái đóng góp quan trọng của Delors và UNESCO là họ tổng quan những quan điểm trước đây và đặt trong bối cảnh hiện tại (thế kỉ 20) để đề ra viễn kiến cho thế kỉ 21. Ông cụ Hồ cũng có một vài suy nghĩ như thế, nhưng ông không phải là người đầu tiên đề xướng những quan điểm được lí giải trong Báo cáo của Delors.
====
PHẢN BIỆN BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN VĂN TUẤN VỀ TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA HỒ CHÍ MINH 
Bài của ĐỖ MINH TUẤN / VHNA 21/4/2015
Trong một bài viết mới đăng trên liên mạng với tiêu đề “Đăng kí “bản quyền” phát biểu của cụ Hồ” GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) tỏ ý phân vân đánh giá việc làm này “không phải là việc hay” và đưa ra những lập luận của mình để thấy rằng câu phát ngôn của cụ Hồ rất khó có thể nâng lên thành triết lí giáo dục được. Nhân việc này tôi muốn viết đôi điều về những kỷ niệm với GS Nguyễn Văn Tuấn và trên cơ sở quan hệ thân thiết tri kỷ đó phản biện lại bài viết của  ông.
Một trí thức đầy hoài bão, giàu nghị lực và tự trọng dân tộc
Tôi thân với GS Nguyễn Văn Tuấn từ cuối thập kỷ 90, khi tham gia diễn đàn VNSA của lưu học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Tôi cũng là người đầu tiên giúp anh Nguyễn Văn Tuấn đăng bài trong nước, lúc đầu đăng bài trên các báo Tiền phong, Tia Sáng, Sức khoẻ và Đời sống, tranh luận với GS Nguyễn Cảnh Toàn trên báo Nhân Dân về giáo dục từ xa...Sau đó anh đã tự in nhiều sách trong nước. Nhưng, trong các sách xuất bản trong nước anh Nguyễn Văn Tuấn đều ghi cám ơn tôi.
Trên Diễn đàn VNSA anh Nguyễn Văn Tuấn lúc đó đang dạy ở Ohio Hoa Kỳ đã chia sẻ nhiều bài viết uyên bác, tâm huyết về đất nước, về các vấn đề học thuật  được chúng tôi rất tâm đắc. Thỉnh thoảng anh gửi thiếp cho tôi. Khoảng cuối thập kỷ 90, GS Nguyễn Văn Tuấn có viết một lá thư rất dài kể cho tôi về quá trình vượt biên và vươn lên quyết liệt ở nước ngoài. Từ một lần bị xúc phạm, coi thường khi anh làm ở nhà ăn của trường Đại học, anh đã quyết chí phấn đấu cho một mục đích: Phải đứng trên bục giảng của ngôi trường  này, để kẻ đã miệt thị xúc phạm người Việt  biết rằng  nó đã đánh giá sai.
Anh đã thành công trong một  hành trình đầy hoài bão và nghị lực mà không phải ai cũng có thể làm theo. Anh cũng đóng góp đáng kể cho sự nghiệp đấu tranh đòi bồi thường cho nạn nhân thuốc độc da cam. Khi về Hà Nội anh có đến nhà tôi lần đầu cùng TS Vũ Thanh Ca. Năm ngoái anh về tôi đang đi làm phim xa nên khi anh gọi tôi không về gặp được. Tôi luôn tự hào vì có một người bạn như GS Nguyễn Văn Tuấn, vui vì đã là cầu nối đầu tiên để tâm huyết và trí tuệ của anh ngày càng được nhiều người biết đến trong các bài viết và cuốn sách anh xuất bản trong nước. Tuy nhiên, có những bài viết cụ thể như bài viết này tôi không hoàn toàn đồng ý với anh.
Ý tưởng khai sáng cao hơn hệ thống diễn giải nó
GS Nguyễn Văn Tuấn giải thích rằng, sở dĩ ông coi việc đăng ký bản quyền các ý tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh là không hay vì “Lí do là ông chỉ nói thế thôi, không như tài liệu của UNESCO giải thích rõ ràng ý nghĩa của 4 trụ cột giáo dục, Chủ tịch HCM cũng chẳng giải thích thêm ý của ông là gì. Vậy thì làm sao có thể nói những phát ngôn đó là “triết lí giáo dục” được.” Theo Giáo sư, từ một ý tưởng được phác thảo sơ sài thành một “triết lí” hay một “ý thức hệ” là một con đường dài: “Chắc chắn là ông có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được. Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông.”
Ở đây, GS Nguyễn Văn Tuấn có vẻ chuyển đổi khái niệm, nâng tầm “ý tưởng, tư tưởng giáo dục” thành “Hệ tư tưởng” đồ sộ, có hệ thống kiểu như chủ nghĩa Marx với những bộ sách dày. Gíao sư có vẻ đồng nhất minh triết kiểu phương Đông với hệ thống lý thuyết logic kiểu phương Tây và lấy tiêu chí của hệ thống lý thuyết này để đo minh triết. Mặt khác, Giáo sư lấy tiêu chuẩn lập luận logic chứng minh khoa học để làm tiêu chí đo giá trị khai sáng trong tư tưởng và ý tưởng. Thực ra, cái quan trọng nhất của khai sáng là đưa ra ý tưởng. Các nhà tư tưởng không cần phải diễn giải ý tưởng của mình thành bài thành sách với những lập luận khoa học logic để chứng minh mà ý tưởng của họ vẫn có giá trị khai sáng cho cộng đồng, nhân loại. Như Phật và các bậc hiền giả  Đông Tây nhiều khi chỉ nêu ý tưởng, các học trò của họ thuyết minh diễn giải theo tinh thần hệ thống mà họ đã truyền trong nhiều lần giảng đạo.
Thuyết minh diễn giải là cấp độ thấp hơn, không mang tính phát kiến. Không thể cho rằng chỉ các công trình logic hệ thống về Thiền như bộ “Thiền luận” của DT.Suzuki là xứng đáng mang bản quyền trí tuệ Thiền hơn các văn bản thực hành hay diễn giải của các Thiền sư trong suốt hàng ngàn năm truyền đạo và hành đạo. Đó chỉ là một công trình hệ thống hoá và phiên dịch văn minh văn hoá cho người mang tư duy phương Tây hiểu được bản chất và cốt tuỷ của Thiền.  Nó không có bản quyền về ý tưởng Thiền mà chỉ có bản quyền về cách diễn giải, tiếp cận Thiền tông.
Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hoá, giải trình chi tiết. Vì thế, bản quyền ý tưởng vẫn thuộc về Hồ Chí Minh. Cũng như tôi đã chứng minh trong bài viết về vụ chặt cây đăng trên “Văn hoá Nghệ An”, Hồ Chí Minh là người đầu tiên trong nhân loại đưa ra ý tưởng phát động trồng cây theo tinh thần cải thiện môi trường và làm kinh thần kinh tế Phật giáo từ năm 1955. Hai mươi năm sau, một học giả người Anh là Sumakher mới viết sách “Nhỏ là Đẹp” bàn về kinh tế Phật Giáo và phát động phong trào mỗi người “Trồng một cây” sau đó lan rộng thành phong trào “Hoà bình xanh” khắp phương Tây. Mặc dù Shumakher có viết sách thành hệ thống lập luận dẫn đến việc phát động trồng cây, nhưng Hồ Chí Minh vẫn là người đầu tiên đưa ra ý tưởng phát động trồng cây thường niên trong cộng đồng dân tộc với giải pháp và kế hoạch rõ ràng mà 20 năm sau Shumakher phát động rộng rãi ở tầm thế giới. Vì thế, nếu đăng ký bản quyền tư tưởng phát động trồng cây rộng rãi thì phải đăng ký cho Hồ Chí Minh chứ không phải cho Shumakher.
Còn nếu bây giờ có những nhà nghiên cứu diễn giải các tư tưởng minh triết đó của Hồ Chí Minh ra thành hệ thống lập luận kiều “Thiền luận” hay các văn bản của UNESSCO, thì họ cũng chỉ đóng vai trò như DT.Suzuki khi viết “Thiền luận” hay như các đệ tử của các Giáo chủ viết lại lời thầy thành kinh sách và viết các công trình biện giảng ý tưởng của thầy thôi!
ĐĂNG KÝ BẢN QUYỀN PHÁT BIỂU: BÀN THÊM
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog 6/5/2015
Một bạn đọc NHH mới chỉ cho tôi bài phản biện của bác Đỗ Minh Tuấn (ĐMT) trên tạp chí Văn hoá Nghệ An (1). Số là cách đây không lâu tôi có tỏ ra phân vân về việc đăng kí bản quyền phát biểu của ông cụ Hồ về triết lí giáo dục (2). Bài này ideology thì đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu, và đích thân người có ý tưởng hay học trò của người đó phải có nỗ lực truyền bá ý tưởng. Một ví dụ tiêu biểu là khái niệm tỉ số thiền (Zen ratio) mà tôi có dịp giới thiệu trước đây, tác giả không chỉ nói vài phát biểu đơn giản, mà ông triển khai thành nhiều nghiên cứu, kết quả nghiên cứu nhất quán với lí thuyết của tác giả, và từ đó phát triển thành một thuyết. Một ví dụ khác là những ý tưởng được đúc kết trong cuốn "Thinking, fast and slow" qua hàng loạt nghiên cứu và diễn thuyết, dẫn đến sự ghi nhận là tác giả Daniel Kahneman được trao giải Nobel kinh tế (3).
Không phải chỉ phát biểu một câu chung chung, rồi kì vọng thế giới phải ghi nhận mình là người nghĩ ra ý tưởng đó. Khổng Tử và môn đệ của ông phải triển khai, giải thích những lời giảng của ông thì người đời sau mới ghi nhận. Nếu chỉ đơn giản nói đôi ba câu chung chung và không giải thích gì thêm mà được công nhận là tư tưởng và bắt người đời sau phải ghi nhận thì là một đòi hỏi quá đáng.
Bất cứ ai trong chúng ta, dù không phải là nhà thông thái, vẫn có thể phát biểu về giáo dục. Chúng ta quan tâm đến giáo dục, và vì chúng ta quan sát từ thực tế chung quanh cũng như trải nghiệm cá nhân. Ý tưởng của chúng ta có thể trùng nhau, cho dù chữ có thể không giống nhau. Chẳng hạn như tôi có thể quan sát và đi đến kết luận "Chức năng của giáo dục là phải rèn luyện nhân cách, và trang bị kiến thức cho học sinh". Bạn cũng có thể nghĩ đến ý đó, nhưng có thể nói một cách khác. Lí do ý của bạn và của tôi trùng nhau là do những gì chúng ta suy nghĩ nó mang tính phổ quát. Trước đây, các nhà hiền triết đều có nói như thế, nhưng chúng ta chắc chắn không đạo ý tưởng của họ. Và, có lẽ chúng ta không đi đăng kí bản quyền cho phát biểu đó.
Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong một bài nói chuyện ở Trường đảng Nguyễn Ái Quốc rằng "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích, thì phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Từ đó đến nay, chẳng thấy ai nói gì thêm. Bản thân ông cụ cũng không giải thích gì thêm. Thật ra, ông cụ ít nói về giáo dục.
Đến năm 1996, UNESCO có công bố một báo cáo do nhà kinh tế học và chính trị gia Jacques Delors chủ trì. Bản báo cáo viết về "giáo dục trọn đời" và đề nghị 4 trụ cột: (i) học để biết (learning to know); (ii) học để làm (learning to do); (iii) học để chung sống với nhau (learn to live together , learning to live with others); (iv) học để phát triển nhân cách (learning to be). Không phải chỉ viết ra chung chung như thế, các tác giả còn lí giải mỗi "trụ cột" khá rõ ràng. Tài liệu là một thành quả của một thời gian nghiên cứu và tham khảo các ý tưởng trong quá khứ. Uỷ ban soạn thảo tài liệu có đại diện từ Nhật, Hàn Quốc, Tàu, Ấn Độ, Senegal, Jamaica, Venezuela, Slovakia, Jordan, Mĩ, Pháp, Ba Lan, v.v. Tức là người ta đã điểm qua các hệ tư tưởng Đông Tây để soạn ra văn bản đó, chứ không phải đơn thuần là phát biểu của một cá nhân.
Văn bản của UNESCO như thông lệ có phần tài liệu tham khảo. Trong phần tài liệu tham khảo, hoàn toàn không có một trích dẫn nào về giáo dục từ Việt Nam hay từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việt Nam không có trong hội đồng soạn thảo văn bản.
Ấy thế mà có một giáo sư VN đề nghị là gửi thư đến Liên hiệp quốc để nói cho họ biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu triết lí giáo dục trước UNESCO hơn 50 năm! Vị giáo sư này nói rằng phải gửi thông tin đến UNESCO "để cả thế giới thấy rõ Bác Hồ và Việt Nam đã góp phần phát triển giáo dục như thế nào".
Thật ra, quan điểm về sự học (tức là learning, chứ không phải education) của uỷ ban Jacques Delors (UNESCO) có điểm gần với suy nghĩ của Chủ tịch HCM, nhưng chỉ tương đối thôi. Chủ tịch HCM nói học để học để làm việc là gần với "learn to do" của UNESCO, học để làm người có thể hiểu như là "learn to be" của UNESCO. Chủ tịch HCM quan niệm rằng học để "làm cán bộ, […] để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" thì không được UNESCO đề cập đến. UNESCO nhắc đến sự học để tìm hiểu người khác và để chung sống chung với những người có thể khác chính kiến với mình. Rất khó biết khi ông nói học để phục vụ giai cấp là giai cấp nào. Do đó, không thể nói rằng UNESCO lấy ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Càng không thể nói ý tưởng về giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh là "triết lí giáo dục" vì ông đâu có lí giải gì thêm ngoài phát biểu chung chung đó. Như tôi có nói, cũng như bất cứ ai trong chúng ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh chắc chắn có quan tâm đến giáo dục, nhưng để có những ý tưởng được lí giải như trong tài liệu UNESCO thì ông chưa bao giờ làm được. Do đó, nâng một câu phát ngôn chung chung của ông thành một triết lí giáo dục tôi e rằng không công bằng cho ông.
Trong bài này (1), bác ĐMT phản biện rằng "Các nhà tư tưởng không cần phải diễn giải ý tưởng của mình thành bài thành sách với những lập luận khoa học logic để chứng minh mà ý tưởng của họ vẫn có giá trị khai sáng cho cộng đồng, nhân loại. Như Phật và các bậc hiền giả Đông Tây nhiều khi chỉ nêu ý tưởng, các học trò của họ thuyết minh diễn giải theo tinh thần hệ thống mà họ đã truyền trong nhiều lần giảng đạo."
Tôi chỉ đồng ý 1/3 với nhận xét này. Các nhà tư tưởng chẳng những phát biểu ý tưởng mà họ còn lí giải ý tưởng của họ, chỉ ra những ý tưởng đó có ứng dụng trong thực tế. Phật Thích Ca là một ví dụ, ông đâu chỉ nói suông; ông lí giải bằng những rất trường hợp rất cụ thể, ông còn tỏ ra thông tuệ vì những ý của ông sau này được người đời làm thí nghiệm (khoa học) và chứng minh là ông đúng. Vì thế, người ta mới công nhận ông là một nhà hiền triết. Dĩ nhiên, nói như thế để hiểu thôi, chứ cụ Hồ không thể nào so sánh được với Đức Phật. Cái ý tưởng học để phụng sự giai cấp thì chắc khó mà đúng được.
Bác ĐMT còn cho rằng "Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hoá, giải trình chi tiết." Tôi hoàn toàn không đồng ý với nhận xét này. Văn bản về giáo dục của UNESCO không có tham khảo ý tưởng của ông cụ Hồ. Ông cụ Hồ phát biểu bằng tiếng Việt, mà trong hội đồng soạn thảo của UNESCO chẳng ai biết tiếng Việt. Vậy làm sao có thể nói là UNESCO biết đến phát biểu của ông cụ? Vả lại, ông cụ lúc đó cũng chẳng có tiếng gì về giáo dục và chẳng có công trình gì đáng chú ý, làm sao UNESCO quan tâm đến phát biểu của ông? Ông cụ là một chính khách, chứ không phải là nhà giáo dục. Do đó, không có bất cứ một chứng cứ nào để nói UNESCO lặp lại triết lí giáo dục của ông cụ Hồ. Chắc chắn UNESCO, mà phần đông đại diện là từ thế giới phi cộng sản, không nghĩ đến việc giáo dục phụng sự giai cấp như ông cụ Hồ nói. Chắc chắn không. Không có chuyện UNESCO lặp lại ý tưởng hay lấy ý tưởng của ông cụ Hồ.
Bác ĐMT còn nói rằng ông cụ Hồ là "người đầu tiên đưa ra ý tưởng phát động trồng cây thường niên trong cộng đồng dân tộc với giải pháp và kế hoạch rõ ràng mà 20 năm sau Shumakher phát động rộng rãi ở tầm thế giới". Tôi cứ tưởng bác ĐMT đùa chứ.
Thú thật tôi không rõ và cũng chưa biết có ai đăng kí bản quyền một câu phát biểu trong quá khứ. Tôi biết người ta đăng kí bằng sáng chế, nhưng bằng sáng chế phải dựa trên một ý tưởng được trình bày có hệ thống và có dữ liệu yểm trợ. Nói ra một ý tưởng chưa đủ, mà phải có chứng cứ thực tế hay nghiên cứu để yểm trợ.
Trong học thuật, người ta ghi nhận đóng góp về ý tưởng qua trích dẫn. Nếu một câu phát biểu hay, phản ảnh được một thực trạng, hay cung cấp được một cái [mà tiếng Anh gọi là] wisdom, thì cộng đồng học thuật sẽ ghi nhận. Hình thức ghi nhận là được trích dẫn. Nhưng trong thực tế, một câu phát biểu “lâm thời”, không có hệ thống thì rất khó được trích dẫn. Những câu nói về giáo dục của ông cụ Hồ, theo tôi thấy, chưa thể xem là tư tưởng, và càng không thể xem là triết lí giáo dục. Ông cụ có quan tâm đến giáo dục (và điều này là chắc chắn) và có phát biểu về giáo dục. Chúng ta cũng có quan tâm và có phát biểu. Chỉ có cái khác là ông cụ nổi tiếng hơn nên câu nói của ông được người đời sùng kính, còn câu nói của chúng ta thì bay theo gió. Tất cả chúng ta, nói như Trịnh Công Sơn, chỉ là những hạt bụi trong thế giới này thôi mà.
====
(4) Trong bài viết bác ĐMT nhắc đến kỉ niệm xưa, nên tôi phải nhắc đến lần nữa. Bác ĐMT và tôi là chỗ thân quen từ hơn 20 năm qua. Bác ĐMT chính là người đầu tiên giới thiệu tôi cho tạp chí Tia Sáng và báo Nhân Dân. Qua giới thiệu của bác mà tôi có một thời gian có thể nói là rất "productive" với Tia Sáng. Những bài và ý kiến của tôi trên Tia Sáng nghe nói (xin nhấn mạnh: nghe nói từ bạn bè trong giới báo chí) đã làm cho bác Thiện Nhân [lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục] có lúc không vui. Bác ĐMT còn nói đùa tôi thành sách, tôi có cám ơn bác ĐMT trong Lời nói đầu, nhưng chắc bác ấy chưa biết. Nói như thế để các bạn thấy là tôi với bác ĐMT có "ân oán giang hồ" từ thời xa xưa theo kiểu khác: kiểu thân tình.
Bác ĐMT nhắc đến diễn đàn VNSA mà có lẽ phần đông các bạn ở đây chưa biết hay nghe đến. Đó là một diễn đàn trên mạng của du học sinh thời giữa thập niên 1990s, do hai nghiên cứu sinh là Đoàn An Hải và Đàm Thanh Sơn thành lập. Tôi nhớ thời đó An Hải đang học Masters, nhưng đã tỏ ra là một người rất giỏi (tôi nói "rất giỏi"), còn Đàm Thanh Sơn đã xong PhD bên Nga nhưng vẫn còn lang thang đó đây bên Mĩ. Ngoài ra, còn có Lê Phú Bình, Nguyễn Xuân Long, [và ai nữa tôi đã quên]. Bây giờ thì An Hải và Thanh Sơn đều trở thành danh và thành giáo sư cả rồi. Thời đó, những người đi trước như tôi đóng góp tích cực cho các bạn trẻ trên diễn đàn. Tôi chỉ các bạn ấy cách viết lí lịch khoa học, cách viết và nói tiếng Anh sao cho "ngon lành", cách viết bài báo khoa học, cách xin postdoc, v.v. Có lẽ tôi quá nhiệt tình chỉ dẫn không dấu một cái gì, nên cho đến nay các bạn ấy vẫn còn nhớ đến tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét