Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2015

20150509. KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN HAY LÀ SỰ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÁC TRỌNG HÃY VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH NHƯ BÁC NĂM !
Bài của VŨ CAO ĐÀM/ BVN 8/5/2015
BÁC TRỌNG HÃY VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH NHƯ BÁC NĂM !
Bài của VŨ CAO ĐÀM/ BVN 8/5/2015
Kính thưa Bác Nguyễn Phú Trọng.
Đọc kỹ bài gửi Bác đã đăng trên Bauxite Việt Nam, tôi nhận ra một thiếu sót rất lớn. Đó là quên hẳn chuyện Tổng Bí thư Trường Chinh, dân tình quen gọi thân là Bác Năm.
Bây giờ sực nhớ Bác Năm tôi gõ vội vài dòng. Chẳng biết bao giờ những lời tâm huyết này mới đến tai Bác. Vì có khi đang lò cò gõ máy thì lại có sinh viên đến hỏi bài hỏi vở. Rồi lại còn chờ xếp hàng chỗ Ban biên tập của Bác Huệ Chi... Biết vậy nhưng tôi vẫn tín nhiệm Bác Huệ Chi, vì gửi đến Bác thì không bị cắt xén. Tôi nhớ có lần một ông bạn tôi viết bài, kể lể kinh nghiệm các cụ chữa bệnh “Phúc thống phục nhân sâm tắc tử”, gửi một tòa báo, họ thấy chữ “tắc tử” ... là cái gì đấy “nhạy cảm” quá nên cắt béng. Thế là thành “Phúc thống phục nhân sâm”. Mấy ông lang băm tin ông bạn tôi viết lách tử tế, thế là cho một bà bệnh nhân đau bụng uống nhân sâm. Trời ơi. Bà ta lăn đùng ra chết. Ông lang đến chửi ông bạn tôi viết láo, mang hắn ra tòa. Hắn trợn mắt xem tờ báo, thì ra bị ban biên tập cắt xén... Câu hắn viết là “Đau bụng uống nhân sâm thì chết”. Ban biên tập cắt béng hai chữ “thì chết”, chỉ còn lại “Đau bụng uống nhân sâm”.
Tôi phải nói lằng nhằng vì chuyện Bác Năm là chuyện “nhạy cảm” lắm. Bác Huệ Chi cho đăng là liên lụy đây. Thôi được, nếu chỗ nào nhạy cảm quá thì Bác Huệ Chi cứ cắt, nhưng cái đoạn “tắc tử” thì tôi xin là không được cắt đâu.
Có lần tôi đã viết trên Bauxite Việt Nam, kể chuyện Bác Năm đã dám làm cái trò “diễn biến hòa bình”, nghe như luận điệu của bọn “thế lực thù địch”, dám xét lại học thuyết kinh tế độc tôn nhà nước của ông tổ là Bác Lênin.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (Khóa VII), Bác Năm đưa ra một báo cáo sét đánh về sự cần thiết phát triển kinh tế thị trường. Tôi nghe một thông tin từ các vị chuyên viên trong tổng hành dinh của Đảng, cho biết báo cáo đó bị lặng lẽ thu hồi. Trời ơi. Đến báo cáo của Bác Năm còn bị thu hồi, thì đủ biết có một lực lượng nào kinh lắm nằm trong cơ quan tổng hành dinh.
Nhưng Bác Năm vẫn kiên trì thực hiện tư tưởng của mình.
Tôi thường lui tới một anh bạn tên là Hà Nghiệp (đã mất), nguyên là giảng viên một trường đại học ở Hà Nội, khi đó là phụ tá của Bác Năm, cùng một nhóm các anh Trần Đức Nguyên, Đào Xuân Sâm... Anh Hà Nghiệp chính là người luôn ngồi bên cạnh Bác Năm rủ rỉ. Anh kể với tôi về từng bước chuyển biến trong tư tưởng của Bác Năm. Anh cho biết, những vụ sát phạt Bác Năm không làm Bác Năm nhụt chí. Bác đã không khoan nhượng, và như ta thấy, Bác Năm đã chiến thắng về mặt đường lối của Đại hội lần thứ VIII của Đảng, một đường lối đáng gọi là “Chủ nghĩa xét lại”, như ngôn từ của thập niên 1960.
Tôi tra cứu trong Wikipedia[1] viết về Bác Năm cóp lại được mấy ý kiến sau:
...Ông Đào Xuân Sâm, thành viên nhóm cố vấn cho Trường Chinh nhớ: "giữa năm 1986, cả nước thiếu đói trầm trọng. Các dự án kinh tế đầu tư khổng lồ đều không phát huy tác dụng. Nguyên vật liệu khan hiếm khiến các nhà máy sống thoi thóp. Lạm phát lên 300, 400, 500 và 700%... Lòng người từ trong đến ngoài Đảng, từ cơ sở đến trung ương hoang mang và loay hoay không biết lối ra. Tư tưởng chia hai hướng: xé rào để khắc phục khủng hoảng hoặc kiên định, triệt để áp dụng cơ chế kế hoạch, bao cấp. Tổng bí thư (TBT) Lê Duẩn qua đời. Đại hội Đảng lần VI chỉ còn tính từng ngày. Thế nhưng báo cáo chính trị gửi xuống đơn vị, cơ sở bị phản đối dữ dội vì mọi quan điểm, đường lối vẫn không có gì mới. Tức là hướng thoát khủng hoảng vẫn mịt mờ... Đồng chí Trường Chinh lúc đó được Đảng giao tạm thời giữ chức TBT. Ông đi đến một quyết định táo bạo, quyết đoán chưa từng có: viết lại toàn bộ báo cáo chính trị theo quan điểm: quyết tâm đưa đất nước phát triển theo đường lối mới. Chấp nhận hi sinh, mất mát để khắc phục những hậu quả sai lầm'.'
Ông Trần Đức Nguyên nhớ: ''giữa lúc những lý luận CNXH trong phát triển kinh tế là kế hoạch tập trung, tự cung tự cấp, quốc doanh tập thể... đang là kim chỉ nam bất biến thì đồng chí Trường Chinh tổ chức hội nghị "Ba quan điểm". Ba luận điểm quan trọng đi ngược lại đường lối cũ là: phát triển kinh tế nhiều thành phần (thay vì chỉ có quốc doanh và tập thể); chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu đầu tư (tập trung làm hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng thay vì hàng công nghiệp; bỏ, hoãn các dự án lớn nhưng không hiệu quả...) và đổi mới quản lý (thay vì tập trung quan liêu bao cấp bằng tự chủ và cơ cấu mở). Hội nghị này trở thành "linh hồn" văn kiện Đại hội VI.
Ông Đặng Việt Bích, con trai cố TBT Trường Chinh, nhớ: "Thời đó cha tôi chịu rất nhiều chỉ trích, chống đối, qui chụp của tư tưởng bảo thủ. Nhưng ông rất quyết đoán. Một buổi tối hai cha con ngồi xem tivi, một cán bộ Chính phủ xuất hiện bày tỏ quan điểm chống lại đổi mới. Ông nói ngay: phải thay vị trí này! Và lập tức ông thuyên chuyển công tác của vị đó, kèm theo hàng loạt nhân vật bảo thủ khác''.
... hết trích
Nhưng Bác Năm đã vượt qua mọi trở ngại để thực hiện tư tưởng cải cách của mình, thể hiện trong cái gọi là đường lối “Đổi mới” tại Đại hội VI (1986).
Chúng ta thử bình luận một chút.
Bản chất đường lối “Đổi mới” của Bác Năm có thể nói gọn trong một câu ta vẫn thường nghe: “Hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của nhà nước
Giải mã thô thiển như sau:
Nền kinh tế thị trường: đây là nền kinh tế đa thành phần, vốn tồn tại ở miền Nam trước 1975 và miền Bắc trước 1954. Như vậy, việc “hình thành nền kinh tế thị trường” thực chất là sửa sai, làquay về cái cũ.
Định hướng xã hội chủ nghĩa: là câu chuyện tào lao, đến cuối thế kỷ XXI cũng chưa thấy đâu (theo lời Bác Trọng). Tuy tào lao, nhưng cũng có giá trị một liều thuốc an thần cho các thế lực bảo thủ (ngồi chồm chỗm ngay trong Hội đồng Lý luận Trung ương, đều có hàm vị cao ngất ngưởng, hết giáo sư lại đến viện sĩ).
Có sự quản lý của nhà nước: Câu này vớ vẩn, vì nhà nước nào thời nay chẳng thực hiện chức năng quản lý vĩ mô. Tuy vớ vẩn nhưng lại quan trọng, để các vị có thói quen... cái gì nhà nước cũng thọc tay vào, nghe thấy đoạn này là an tâm. Cũng lại là thêm một vị thuốc an thần nữa.
Tôi đọc trên mạng, thấy nhiều bạn công kích “câu thần chú này”. Ở trên lớp sinh viên cũng hay hỏi tôi kiểu “đá xoáy”... Tôi chỉ cười cười, không trả lời gì cả. Đôi khi nói vui: Các vị trí thức có đẳng cấp phải tự hiểu chứ.
Có nhiều ý kiến công kích, là vì các vị chưa cảm thông hết các mẹo của các sĩ phu Bắc Hà, mà Bác Năm là một sĩ phu Bắc Hà chính hiệu.
Sau khi “giải phẫu” câu thần chú của Đại hội VI vừa viện dẫn trên đây, tôi xin tạm đưa vài lời bình luận sau:
Bác Năm rất tài đánh tráo khái niệm. Có thể nói sòng phẳng, đường lối Đại hội VI là đường lối “sửa sai kinh tế”, nhưng Bác Năm khéo đánh tráo khái niệm, gọi là “Đổi mới” để các cụ nghe sướng cái lỗ tai.
Bản chất sửa sai kinh tế là sửa sai theo hướng quay trở về hệ thống kinh tế thị trường vốn có trên trái đất này, cho thêm vài vị thuốc an thần, như là “định hướng xã hội chủ nghĩa” (tào lao) và “có sự quản lý của nhà nước” (nói mà là không nói, vì nó đương nhiên). Hai vị thuốc “xã hội chủ nghĩa” và “sự quản lý của nhà nước” có giá trị như thứ thuốc “placebo” vẫn dùng trong các bệnh viện, tức là thứ thuốc vô tích sự, nhưng tạo cho bệnh nhân tâm lý “đã được uống thuốc”.
Nếu mang nếp tư duy những thập niên 1960 để phán xét, thì Bác Năm là một kẻ xét lại vĩ đại, đã đập tan gông xiềng của học thuyết kinh tế độc tôn nhà nước của Bác Lênin, Bác Stalin và cả Bác Mao nữa chứ.
Tôi quí trọng Bác Năm. Bác sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Bản thân Bác Năm vừa uyên thâm nho học, vừa tiếp thu nền tây học. Bác Năm tiếp nhận chủ nghĩa Mao tự nguyện và sâu sắc. Bác Năm đã phải chấp nhận sai lầm trong cải cách ruộng đất và được tiếng là kẻ Mao-ít vĩ đại ở Việt Nam. Nhưng với đặc điểm của con người trí thức, Bác Năm đã tiếp nhận được chân lí, và nhất là dám vượt qua chính mình. Kết quả của công cuộc “đổi mới”, cứu đất nước này khỏi đói nghèo, bước đầu xé bức màn sắt của một xã hội bí hiểm, mở cửa nhìn ra thế giới văn minh.
Công của Bác Năm phải nói là rất đáng để chúng ta ghi nhớ.
Nhân đây, xin được nhắc lại một điều trước đây đã có lần tôi nói: Dân mình qui công nhầm cho Bác Linh. Bác Linh chỉ là kẻ ăn theo vụng về. Cứ đọc kỹ loạt bài “Nói và Làm” của Bác Linh, không cần phân tích sâu lắm, cũng thấy lộ chân tướng một kẻ bảo thủ cực đoan, nhất là khi Bác đưa đăng bài “Nước ngoài vào ruồi muỗi cũng vào theo”. Càng thấy rõ chân tướng của Bác trong vụ Bác trực tiếp chỉ đạo việc quyết liệt thanh trừng Bác Bách, khi nhận ra nguy cơ le lói những tư tưởng dân chủ trên đất nước này. Bác Linh còn một phát ngôn vô trách nhiệm nữa, khi Bác dẫn lời Phật dạy: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”. Vô trách nhiệm ở chỗ, Bác bảo người ta tự cứu trong khi hệ thống luật pháp vẫn không hề nới lỏng... Biết bao nhiêu người tự cứu, vừa được huân chương hôm nay đã lĩnh án tù ngay những ngày sau đó.
***
Thưa Bác Trọng
Tôi kể chuyện dài dòng chuyện Bác Năm với trò chơi chữ “Đổi mới”, nhưng thật ra chẳng có gì mới cả. Logic học gọi đó là trò đánh tráo khái niệm. Đánh tráo khái niệm trong trường hợp này là một trò bất đắc dĩ, nhưng Bác Năm đã đánh tráo khái niệm vì sự no ấm của dân.
Với Bác Năm, Tổng bí thư Trường Chinh, đó là một cuộc trường chinh vĩ đại – cuộc trường chinh để vượt qua chính mình.
Tôi viết những lời nhắn nhủ này, cũng mong Bác Trọng vượt qua chính mình, khi cần thiết vẫn không ngán đưa ra những trò đánh tráo khái niệm tuyệt vời như Bác Năm.
Bác Năm đã đập tan học thuyết kinh tế của Bác Lênin, bước đầu mang lại đời sống tạm gọi là no ấm cho dân chúng. Phần việc còn lại đang trong tay Bác Trọng.
Dân tôi mong lắm thay.
Kính chào Bác
V.C.Đ
Tác giả gửi BVN
BÀN THÊM VỀ KHÁI NIỆM VÀ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM
Bài của NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh's blog 11/5/2015
  Theo triết học Mác-Lê nin  [1] thì nhận thức của con người là một quá trình đi từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính.
  Nhân thức cảm tính là sự ghi lại trong  bộ não các thông tin mà con người nhận được từ các giác quan ( nghe, nhìn, ngửi, nếm, sờ ) khi tiếp xúc với sự vật bên ngoài. Đặc điểm của nhận thức cảm tính là: phụ thuộc vào từng cá nhân, tuy có cụ thể sinh động nhưng riêng lẻ, phiến diện, không cho những thông tin mang tính vừa khái quát vừa đúng bản chất của sự vật. Người ta thường ví nhận thức cảm tính giống như nhận thức về con voi của những anh mù. Vì mù nên họ chỉ có thể phán đoán bằng sờ. Anh A sờ vào tai voi thì nói con vật này giống cái quạt; anh B sờ vào đuôi voi thì lại nói con vật này giống cái chổi; anh C sờ vào chân voi thì lại nói con vật này giống cái cột nhà …
  Nhận thức lý tính là sự ghi lại trong bộ não các thông tin được xử lý từ các thông tin cảm tính. Đặc điểm của nhận thức lý tính là nó mang tính khái quát các thuộc tính riêng lẻ, phiến diện đồng thời phản ánh đúng bản chất (khách quan) của sự vật thông qua khái niệm, biểu hiện bằng từ ngữ. Trong ví dụ trên, giả thử các anh mù có quãng  thời gian trước đó  mắt sáng và đã được nhìn thấy voi, thi cụm từ “con voi” đã hiện hữu  trong não và gợi cho các anh mù tất cả các thuộc tính về voi như hình dáng, kích thước, tiếng kêu…không nhất thiết phải đến tận nơi để sờ, mà vẫn không biết con vật này là gì.  Như vậy nhận thức lý tính là bước phát triển cao của quá trình nhận thức, mà dấu hiệu đầu tiên là hình thành khái niệm qua từ ngữ. Chỉ có con người với tính cách  là động vật cao cấp mới có nhận thức lý tính và trong đó ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng. Cùng với lao động sản xuất, chinh phục thế giới tự nhiên và đặc biệt là học tập  nhận thức lý tính con người càng phát triển và hình thành nhiều bộ môn khoa học, trong đó các khái niệm giống như  những viên gạch đầu tiên tạo nên lý thuyết. Ví dụ: không có khái niệm nguyên tố, phân tử, nertron, proton, electron… thi làm sao có lý thuyết về các phản ứng hóa học, có định luật tuần hoàn các nguyên tố …
   Khái niệm quan trọng là vậy, nhưng tại sao lại có chuyện “đánh tráo khái niệm”, ai đánh tráo  , và vì sao phải đánh tráo ?
  “ Đánh tráo khái niệm” cũng chính là khái niệm bước ra từ bộ môn Lô gic học [2] mà người sáng lập là nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristos  ( 384-322 TCN). Đó là sự thay thế khái niệm vốn có bằng một cụm từ ngữ khác mặc dù các thuộc tính bản chất trong khái niệm đó chưa có gì thay đổi. Như vậy đánh tráo khái niệm mang nghĩa xấu, phản lại lý luận lô gic học, phản lại nghệ thuật dùng từ để thuyết phục mà người ta đã mệnh danh cho bộ môn này.
   Nguyên nhân dẫn đến “đánh tráo khái niệm”, theo tôi có thể là:
-  Người đánh tráo khái niệm có động cơ ngụy biện, tức che dấu ý đồ, hành vi thực  nào đó không tốt. Cố bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Tạ Quang Bửu có kể câu chuyện tiếu lâm, minh họa cho khái niệm “đánh tráo khái niệm” trong cuốn sách về lô gic của mình như sau: Tại ngôi chùa nọ, một hôm chú tiểu nhìn thấy vị sư thày của mình đang say sưa ăn thịt chó. Chú tiểu hỏi: “thày đang ăn món gì đấy ạ” ? Sư thày trả lời: “Ta đang ăn đậu phụ”. Bỗng lúc đó quanh chủa vang lên ầm ĩ liên hồi tiếng chó sủa. Sư thày quát chú tiểu: “ Hãy ra xem có chuyện gì !” – Chú tiểu bình thản trả lời: “ Thưa thầy không có chuyện gì, chỉ là đậu phụ chùa đánh nhau với đậu phụ làng thôi ạ!” Như vậy là sư thầy trong trường hợp này đã làm một phép “đánh tráo khái niệm” giữa thịt chó và đậu phụ nhưng đã không thành công. Lý do là sự thay đổi từ ngữ ở đây không thể làm thay đổi khái niệm, hơn nữa là thay một khái niệm quá quen thuộc !
-  Người đánh tráo khái niệm không hiểu biết về ngôn ngữ, tức là thay khái niệm vốn có bằng những từ ngữ không chuẩn xác tương thích. Nguyên nhân này theo tôi là khá phổ biến. Tiếng Việt chứa hàm lượng lớn những từ ngoại lai, đặc biệt là từ Hán- Việt, Nhiều người không hiểu biết thường dùng từ Hán Việt  không tương thích với bản chất của sự vật nêu bởi khái niệm. Ví dụ: khái niệm “sai sót” thì được thay bởi các từ “tồn tại”; “bất cập”; “hạn chế”…; khái niệm “yếu kém” thì được thay bởi các từ “khiêm tốn” ; khái niệm “khuyễn mãi” thì được thay bởi các từ “khuyến mại” v.v…
  Khái niệm là kết quả của nhận thức lý tính sự vật khách quan của con người. Nhưng sự vật khách quan luôn luôn vận động và không hẳn nhận thức lý tính lúc nào cũng đầy đủ chính xác nên nhiều khái niệm biểu hiện bằng từ ngữ cũ cần phải thay đổi. Sự thay đổi này không phải là “đánh tráo khái niệm” mà là  “chính xác hóa khái niệm” . Ví dụ: “tầu chiến” là khái niệm có định nghĩa là tầu thủy có trang bị các vũ khí phục vụ trong quân sự, thì ngày nay khái niệm này khó có thể khái quát được đầy đủ, chính xác các thuộc tính của các tầu chuyên dùng trong quân sự- Đó là lý do để “tầu chiến” được thay thế bởi các từ “tầu ngầm”, “tầu sân bay”, “ tầu phóng ngư lôi”, “tầu phóng tên lửa” v.v… và dùng trong từng trường hơp cụ thể.
  Cũng có trường hợp người ta “cố tình” không muốn thay đổi từ ngữ mặc dù thuộc tính ban đầu được khái quát hóa bằng từ ngữ đó đã không đúng. Ví dụ: Atom (nguyên tử) – theo nghĩa từ Hy Lạp là yếu tố nhỏ nhất của vật chất, không thể chia cắt ra được những yếu tố nhỏ hơn. Rõ ràng đây không phải từ ngữ phản ánh chính xác những hiểu biết hiện đại về cấu trúc nguyên tử. Thế nhưng từ “Atom” vẫn được các nhà khoa học Hy Lạp, Ấn Độ đề nghị sử dụng vào thế kỷ 18 để ghi nhớ ý tưởng nhà triết học cổ đại Hy Lạp Aristos và vẫn được dùng cho đến ngày nay .[3]
  Vậy cụm từ “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” thuộc loại “đánh tráo khái niệm” hay “chính xác hóa khái niệm” ? Trả lời câu hỏi này phải xác minh được 2 vấn đề: “Có hay không nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” ? “Ai  đề xuất và với động cơ gì” ?
  Theo quy luật của nhận thức thì khái niệm chỉ hình thành trên cơ sở sự vật hiện hữu trước đó. Người ta không thể nảy sinh khái niệm “con voi”, “tàu sân bay”… khi mà trên hành tinh chúng ta không có những thứ đó. Muốn thêm cụm từ “định hướng XHCN” vào khái niệm “nền kinh tế thị trường”  thì  trước đó phải có  khái niệm “XHCN” , được  định nghĩa đầy đủ các thuộc tính khách quan, đúng bản chất  XHCN . Nhưng lấy đâu ra định nghĩa đó khi mà XHCN không còn là hiện thực ở LX và hàng loạt các nước Đông Âu và rất xa vời, mơ hồ đối với Việt Nam như TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói “ đến cuối thế kỷ XXI  Việt Nam chưa chắc đã có XHCN”.[4]- Còn trong các giáo trình Kinh tế học phổ quát trên thế giới tôi không thấy có sự phân loại nền kinh tế nào nhắc đến “ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.  Có thể trả lời dứt khoát: Không có “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.và không có chuyện “chính xác hóa khái niệm” ở đây!
  Vây đây là sự”đánh tráo khái niệm” mà  thầy Vũ Cao Đàm  [5] đã cho rằng người đề xuất là Bác Trường Chinh ?  Tuy Bác Trường Chinh là người có nhiều cố gắng cuối đời vượt lên chính mình đề đưa ra quyết sách đổi mới, nhưng  “nền kinh tế thị trường, có sự quản lý nhà nước theo định hướng XHCN” chỉ được chính thức ghi vào Hiến Pháp 1992, [6] trong khi Bác Trường Chinh làm TBT  chỉ từ 7/1986-12/1986 và mất 30/9/1988.[7]-  Bởi vậy “oan” cho Bác Trường Chinh ! Nếu mọi chuyện có thể quy trách nhiệm cho người đứng đầu thi người đề xuất đánh tráo khái niệm phải là TBT kế nhiệm - Bác Nguyễn Văn Linh, Nhưng người đề xuất thực sự là ai với động cơ là gì cũng không còn quan trọng. Sức thuyết phục của đánh tráo khái niệm sớm hay muộn cũng bộc lộ những mâu thuẫn trên thực tiễn. Và điều đó đã và đang xảy ra: Trong khi “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN “ được khắc ghi trong Hiến pháp [6;8,9] nhưng trong hội nhập kinh tế quốc tế thì các nhà lãnh đạo VN phải tốn không biết bao công sức để cho các  nước công nhận VN có nền kinh tế thị trường. Tôi nghĩ mâu thuẫn này không đơn giản kiểu "thịt chó với đậu phụ", nhưng không quá khó để phát hiện đối với các chính khách quốc tế đã học một cách bài bản, nghiêm túc về Kinh tế học hiện đại.
NTB
______________
1- Triết học Mác- Lê nin . Vụ huấn học Ban Tuyên huấn trung ương. NXB Sách giáo khoa Mác Lê Nin- HN 1978

 


1 nhận xét:

  1. Khâm phục Ngô thế Bính, Bài viết đầy uyên bác, xứng danh Giáo sư!

    Trả lờiXóa