Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

20150426. XUNG QUANH QUY ĐỊNH MỚI VỀ HỌC VỊ TIẾN SĨ CỦA BỘ GDĐT

ĐIỂM BÁO MẠNG
TIẾN SĨ PHẢI ĐƯA RA ĐƯỢC NHỮNG SÁNG KIẾN CÓ GIÁ TRỊ
Bài của NGÂN ANH trên VNN 22/4/2015
- Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học...
Theo đó, khối lượng kiến thức tối thiểu đối với các trình độ đào tạo của giáo dục đại học được quy định cụ thể như sau:
Trình độ đại học: 120 tín chỉ. Đối với những ngành có thời gian đào tạo 5 năm hoặc 6 năm thì khối lượng kiến thức tích luỹ tối thiểu tương ứng là 150 hoặc 180 tín chỉ.
Trình độ thạc sĩ: 60 tín chỉ. Đối với những ngành/ chuyên ngành ở trình độ đại học tương ứng có khối lượng kiến thức tối thiểu tích lũy từ 150 tín chỉ trở lên thì khối lượng kiến thức tối thiểu trình độ thạc sĩ là 30 tín chỉ.
Trình độ tiến sĩ: 90 tín chỉ đối với người tốt nghiệp thạc sĩ, 120 tín chỉ đối với người tốt nghiệp đại học.
Ngoài các yêu cầu chung về đạo đức nghề nghiệp, thái độ tuân thủ các nguyên tắc an toàn nghề nghiệp, người học sau khi tốt nghiệp mỗi trình độ của giáo dục đại học phải đạt được các yêu cầu năng lực tối thiểu theo quy định.
Đáng chú ý, ở trình độ tiến sĩ, quy định mới yêu cầu người hoàn thành bậc đào tạo này phải có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; có tư duy mới trong tổ chức công việc chuyên môn và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh…
Đồng thời, tiến sĩ phải đưa ra được những sáng kiến có giá trị và có khả năng đánh giá giá trị của các sáng kiến; có năng lực lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng tới định hướng phát triển chiến lược của tập thể…
Ngân Anh
TIẾN SĨ TA CÒN "XUẤT CHÚNG" HƠN CẢ TIẾN SĨ TÂY !
Bài của GIA TRI / TVN 26/4/2015
tiến sĩ, luận án, đạo văn, sáng tạo, ngoại ngữ, nghiên cứu
Ảnh minh họa
Đấy chẳng phải là những “thành tựu” đó sao? Đừng ném ánh mắt bi quan vào giới TS nước nhà nữa nhé!
Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học.
Đối tượng thu hút nhiều chú ý, tất nhiên là tiến sĩ. Quy định mới yêu cầu tiến sĩ phải có hệ thống kiến thức chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; có tư duy mới trong tổ chức công việc chuyên môn và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh…
Đồng thời, tiến sĩ phải đưa ra được những sáng kiến có giá trị; có năng lực lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng tới định hướng phát triển chiến lược của tập thể…
Đọc những quy định này, hẳn nhiều người sẽ chép miệng “Được vậy thì mừng, nhưng bao giờ cho đến bao giờ?”
Tuy thế, theo người từng trải nghiệm với tiến sĩ tây, ta đủ cả như người viết đây thấy, thì có lẽ cũng chẳng cần bi quan hóa đến vậy. Có những điểm, có khi tiến sĩ ta còn đáp ứng vượt cả yêu cầu, thậm chí, ở một số mặt ta đã để lại phía sau nhiều quốc gia trong khu vực ý chứ.
Vậy, những “thành tựu” ấy là gì?
Có lẽ ít ở đâu mà việc học thạc sĩ, tiến sĩ đã trở thành một “phong trào” ngày càng “rầm rộ” như ở nước ta, nhất là trong vòng khoảng 1 thập niên trở lại đây.Tinh thần “hiếu học”
Không chỉ giảng viên đại học, cán bộ ở các viện nghiên cứu, mà cả công chức ở nhiều cơ quan quản lí nhà nước, cơ quan đoàn thể cũng “hồ hởi” đi học. Không ít vị từ các tỉnh xa xôi, nơi chức phận chẳng hề đòi hỏi bằng TS cũng nỗ lực “kiếm” bằng được một chỗ ngồi nơi giảng đường để mưu cầu danh phận như ai.
Có vị hiệu trưởng 1 trường PTTH, tay thôi dính phấn đã nhiều năm cũng quyết tâm “đầu tư”, để rồi rạng rỡ chìa tấm bằng sau vài năm, mặc cho thiên hạ băn khoăn không biết vị này đi học vào lúc nào? Ở ta, anh “lái gỗ” cũng hào hứng học tiến sĩ với mong muốn vô cùng “đáng quý” là để “rạng danh dòng họ”.
Tinh thần “hiếu học” ấy dễ gì tìm thấy trên thế gian này?
Tinh thần “vượt khó”
Ở ta, thông thường để có bằng tiến sĩ, người có bằng đại học phải mất 4 năm trong khi với thạc sĩ, con số này chỉ là 3 năm. Đây là khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với một số nền giáo dục phát triển, chẳng hạn Mỹ. Ấy vậy mà tuyệt đại đa số NCS vẫn “xuất sắc” hoàn thành đúng hạn, thậm chí cả “trước hạn”. Có lẽ  vì thế mà một cơ quan khoa học Hàn lâm tầm cỡ còn quyết định khen thưởng cỡ chục tháng lương cho cán bộ của mình khi họ “làm” được tấm bằng TS… đúng hạn.
Cũng hiếm ở đâu mà quy định muốn vào học TS phải có 1-2 bài tạp chí chuyên ngành như ở ta. Ngay cả ở Mỹ, kể cả đại học danh giá cũng chẳng dám đưa ra định mức này, bởi nếu thế thì có lẽ chẳng tuyển sinh nổi người học. Ấy vậy mà ở xứ mình, chuyện đó dễ như trở bàn tay. Mà đâu chỉ 2 bài tạp chí, không ít vị có cả sách chuyên khảo in trước khi nhập trường.
Cũng hiếm ở đâu người ta thành công “vượt khó”  trong nỗ lực “kiếm” tấm bằng hay “vượt qua” kì thi ngoại ngữ đầu vào như ở nước mình. Có khi chỉ “lỗ mỗ” dăm câu mà vẫn trong tay “tươi rói” nào bằng, nào điểm đẹp. Nếu chỉ nhìn vào “bằng”, có khi TS xứ mình “siêu” ngoại ngữ vào hạng hàng đầu thế giới, bởi chẳng khó để tìm người sở hữu hơn một tấm bằng.
Nghiên cứu sinh ở xứ mình, công bằng mà nói xứng đáng được coi là những “tài năng rực rỡ”, hiếm đâu sánh được. Không ít người chưa cần nhập học đã phải hoàn thiện đề cương nghiên cứu chi tiết, phải làm sáng tỏ nào “tính cấp thiết”, nào “tổng quan tài liệu”, nào “lí thuyết” rồi “phương pháp” đến “bố cục” chi tiết từng chương mục cho luận án. Trong khi ngay cả tại các trường Đại học danh tiếng nước ngoài, người học phải mất vài năm miệt mài, cần mẫn, nhọc nhằn hết khóa này, khóa nọ rồi mới có thể trình cho hội đồng cái gọi là bản đề cương nghiên cứu ấy.
Nghiên cứu “thần tốc”
Luận án tiến sĩ luôn phải là kết quả của một nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống, khái quát và có đóng góp cụ thể cho lĩnh vực nào đó. Chính vì thế, thời gian dành cho các thí nghiệm, thực nghiệm, thực tế, điền dã, thu thập tài liệu, xử lí thông tin, hoàn thiện mô hình… ở xứ người phải mất hàng năm trời mới có thể hoàn thiện.
Như thế có khi là “lãng phí” thời gian, bởi ở xứ mình, đa phần NCS hoàn thành những công việc này trong vài tháng, thậm chí ít hơn. Có vị vì bận rộn vô vàn công việc quản lí, giảng dạy hay “đánh quả” mà “thần tốc” đưa ra kết quả nghiên cứu chỉ trong vòng 1 tháng để rồi đường hoàng bảo vệ luận án sớm trước cả năm trời.
Chẳng cần thử nghiệm, chẳng cần kiểm chứng, chẳng cần so sánh hay đánh giá tính ứng dụng thực tế, đóng góp cụ thể cho ngành những nghiên cứu này lại nhanh chóng được “đóng” thành sách. Không ít vị tấm bằng TS chưa kịp ráo mực, sách in đã “ngủ ngon lành” trong kho hay thư viện mà chưa biết bao giờ sẽ… tỉnh giấc.
Tiến sĩ và nghệ sĩ
Không hiếm tiến sĩ ở nước mình xứng đáng được phong thêm danh hiệu “nghệ sĩ”. Là bởi họ và những công trình của mình xuất hiện trước công chúng như những màn “diễn” khéo léo.
Nếu kiên nhẫn đọc rồi so sánh giữa các luận án cùng ngành, người tự trọng hẳn phải liên tục đứng dậy hay “ngả mũ” kính chào bởi sự tương đồng đến ngạc nhiên giữa chúng. Này thì ý tưởng, này thì nội dung, bố cục, rồi thì này cả câu cú, từng dấu chấm, dấu phẩy sao cứ chằn chặn giống nhau. Ấy thế mà ai cũng khẳng định đó là đóng góp “mới” của mình cho biển trời khoa học nước nhà.
Biến cái “không phải của mình thành của mình”, há chẳng phải là một “tài năng” đáng quý hay sao?
Nếu không có việc gì làm, hãy thử tham dự những buổi bảo vệ luận án TS (nhất là ngành Khoa học Xã hội), bạn sẽ thấy tính “nghệ sĩ” hiện hữu không chỉ nơi người trình bày mà cả ở không ít TS, PGS, GS “chính danh” đang ngồi trong hội đồng chấm luận án.
Người nghe cứ nói chuyện riêng, lướt mạng đọc báo đủ tin tức ca sĩ, diễn viên, NCS cứ cần mẫn đọc, trình bày nội dung luận án, như thể họ đang nói cho đấng tối cao nơi nào đó xa xăm lắm chứ chẳng phải cho hội đồng hay người tham dự.
Rồi có những bài “phản biện”, “nhận xét” từ hội đồng mới “hồn nhiên” và “nhân văn” làm sao. Vị nào cũng khẳng định luận án có vô vàn điểm mới, có giá trị đóng góp cho cả khoa học và thực tiễn.
Đấy chẳng phải là những “thành tựu” đó sao? Đừng ném ánh mắt bi quan vào giới TS nước nhà nữa nhé!
Gia Trí

NGUYÊN CỚ GÌ MÀ SỐ ĐÔNG THANH NIÊN QUA ĐÀO TẠO LẠI THẤT NGHIỆP ?
Bài TRẦN VĂN TÙNG /BVN 26/4/2015
Các trường đại học công và tư đua nhau đào tạo đại học, cao học và tiến sĩ là một hiện tượng không bình thường. Một số trường bỏ đào tạo tại chức đại học chuyển sang mở rộng quy mô đào tạo cao học vì học phí thu được cao hơn. Tôi biết có những trường số sinh viên đại học chính quy ngang bằng với số học viên cao học. Lại có học viện mỗi năm tuyển khoảng 200 nghiên cứu sinh.
1. Tại sao có nhiều người học đại học, cao học, và tiến sĩ đến vậy?
Nguyên nhân cơ bản là sau khi tốt nghiệp một bậc học họ không thể có việc làm. Thất nghiệp do chương trình đào tạo không thay đổi kịp với yêu cầu gay gắt của thị trường lao động. Các trường kinh kinh tế chủ yếu cung cấp kiến thức chung chung, doanh nghiệp không muốn tiếp nhận người không qua hoạt động thực tế, không được thử thách trong môi trường kinh doanh. Đối với các trường đại học kỹ thuật mặc dầu chất lượng đào tạo tốt hơn, nhưng số sinh viên đại học, học viên cao học vẫn khó tìm được việc làm. Bởi vì công ty nước ngoài có công nghệ cao đòi hỏi ứng viên phải có trình độ đào tạo quốc tế. Phần đông các công ty nước ngoài tại Việt Nam đều sử dụng công nghệ lạc hậu, không cần tuyển dụng kỹ sư công nghệ, công nhân kỹ thuật trình độ làng nhàng, hàng hóa của họ sản xuất ra cũng đủ năng lực cạnh tranh tại thị trường Việt Nam.
Ai đó thường nói người Việt Nam hiếu học, rồi khái quát lên dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học và học giỏi. Nhầm. Tôi cho rằng sinh viên Việt Nam có khả năng tiếp thu, còn nói là giỏi thì hãy suy xét kỹ. Giỏi nghĩa là có năng lực sáng tạo. Vì thiếu khả năng sáng tạo người Việt Nam cam chịu đi theo lối mòn, ít có thay đổi.
Phong trào đi học đại học, cao học, tiến sĩ lan tỏa khắp thành thị, nông thôn. Tôi sinh ra ở nông thôn, cuộc sống khốn khó đủ điều. Gia đình nông thôn bán lợn, gà, trâu, bò, vay tiền cho con học đại học là mong cho con cái họ thoát khỏi cuộc đời cùng cực. Tốt nghiệp đại học chúng nó lại về quê, cơ quan nhà nước không có chỗ vì không đủ tiền đút lót, chỉ dành cho con cái quan chức, người lắm tiền, bạn bè thân hữu…
2. Đào tạo theo phong trào, học thuộc, mặc nhiên chấp nhận dẫn đến chất lượng thấp
Mục tiêu lớn của giáo dục là tạo ra sự công bằng trước các cơ hội được giáo dục. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng. Xã hội hóa giáo dục đáng ra thành lập nhiều trường chất lượng cao, các gia đình không mất nhiều tiền cho con du học, tạo ra thị trường cạnh tranh giáo dục đại học. Tuy nhiên, công cuộc xã hội hóa đã tạo ra hàng trăm trường đại học, cao đẳng chất lượng thấp. Tỉnh nào cũng có trường đại học cao đẳng, có tỉnh hiện nay có tới 6 trường. Có trường thì phải có người học, vậy nên phải vét cho đủ chỉ tiêu, nếu không truờng đại học phá sản.
Bậc đại học nhiều môn học quá không cần thiết cho công việc trong tương lai. Thí dụ môn học chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bậc đại học đã học, lên bậc cao học lại học như vậy. Học thế để làm gì? Thử làm phiếu điều tra xem sinh viên khoa học xã hội có hứng thú không? Tôi thấy nhiều sinh viên được xếp loại giỏi chủ yếu là do học thuộc. Khi đặt ra câu hỏi về một vấn đề, rồi yêu cầu các em bình luận thì thấy họ lúng túng. Có lẽ nền giáo dục Việt Nam từ hòa bình đến nay là nền giáo dục phải chấp nhận. Một nền giáo dục không có cửa cho ai nói khác đi chút ít. Ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam sáng suốt là câu chuyện muôn thủa nhưng sai lầm thì ít khi nhắc tới, không chịu mổ xẻ, phân tích nguyên nhân tới cùng.
Mỗi khi nói tới thành tích thì thì các vị lãnh đạo thường so sánh cuộc sống người dân hiện nay với trước năm 1945. Sao không so với những nước có xuất phát điểm cũng tương đương với Việt Nam xem họ đã đi tới đâu, trong khi Việt Nam vẫn loay hoay ở thời kỳ quá độ, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo?
3. Vai trò của nhà trường
Không có đánh giá xếp hạng thì không có thứ bậc về chất lượng đào tạo. Một số trường đại học Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2020-2030 sẽ nằm trong top này top nọ – một thứ khẩu hiệu, một kiểu nằm mơ. Khi nhà trường không có quyền tự chủ, ngân sách bị khống chế bởi bộ chủ quản, khi không nắm bắt được nhu cầu thị trường về ngành nghề đào tạo, khi lãnh đạo nhà trường phải lo việc giải phóng mặt bằng, lo chạy chức… thì chất lượng sinh ra từ đâu?
Tôi đã tham gia giảng dạy cho một vài lớp cao học tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Nhìn xuống lớp học – khoảng 50 người – thấy rất ít người ghi chép; họ mở máy tính, điện thoại ra trao đổi công việc với ai đó, có một số người tựa vào bàn ngủ. Tôi chợt nhớ hồi trước dạy môn Kinh tế lượng cho một trường đại học dân lập, vì tiết kiệm kinh phí họ nhập ba lớp thành một, hơn 200 sinh viên. Ồn ào, ra vào tự do, các sinh viên ở những hàng cuối hút thuốc ăn quà vặt… Sau 2 tiết tôi ra ngồi trò chuyện với một số giáo viên khác. Một giáo viên nêu câu hỏi: “Mô hình đại học dân lập là gì?”. Không ai trả lời. Lúc sau chính giáo viên đó nói: “Dễ thôi, là mô hình kết hợp gữa trường và chợ theo cơ cấu: ba dãy bàn đầu là trường, tất cả các dãy bàn sau là chợ”. Hỏi ra mới biết ba dãy bàn đầu là con em nông thôn. Có bao nhiêu trường đại học như thế?
Gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo, đưa ra tiêu chuẩn: Tốt nghiệp đại học phải nghe hiểu được nội dung báo cáo khoa học, phải tham gia phát biểu ý kiến; học viên cao học và nghiên cứu sinh phải dùng tiếng Anh thành thạo. Tôi tham gia hướng dẫn 8 nghiên cứu sinh về kinh tế và nhiều học viên cao học. Tôi thấy không ai đọc được tài liệu tiếng Anh nguyên gốc về chuyên môn mà họ đang tiến hành nghiên cứu. Tôi biết hiện nay có hai người trong Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước (Hội đồng ngành kinh tế), làm nghiên cứu sinh ở Nga nhưng lại không nói được một câu tiếng Nga tử tế. Không hiểu sao họ có bằng tiến sĩ kinh tế và nay là giáo sư kinh tế. Thử hỏi tiêu chuẩn ngoại ngữ mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra có được thực hiện trong thực tế hay không?
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố số sinh viên tốt nghiệp đại học, học viên tốt nghiệp cao học không có việc làm là hơn 162.000, theo tôi là không đúng, mà có thể nhiều hơn. Chưa có một con số thống kê chính xác về sự lãng phí khi hàm trăm ngàn người qua đào tạo không có việc làm. Số người thất nghiệp năm sau lại tăng nhiều hơn năm trước. Có ai đó nói, đào tạo đại học, cao học, tiến sĩ ở Việt Nam giống như nông dân trồng dưa hấu, hành tím quả là không sai.
T. V. T.
Tác giả gửi BVN.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét