Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

20150406. XOAY QUANH VẤN ĐỀ VAY VỐN ODA

ĐIỂM BÁO MẠNG
MƯỢN TIỀN NGOẠI QUỐC, ĐỪNG ĂN MẶN ĐỂ CON CHÁU KHÁT NƯỚC!
Bài của XD/ GDVN / BVB 4/5/2015

 

Đi trên những con đường, những cây cầu đang chất đống nợ nần...
Chúng ta, thế hệ người Việt ngày hôm nay không thể ăn mặn để con cháu sau này khát nước, không hiểu điều đó chỉ có thể là những kẻ thù của tương lai.
Cho đến bây giờ vẫn có người ngây thơ khi nhắc đến từ “viện trợ”, vẫn có người hỏi“viện trợ” ấy có phải trả không?
Người viết đã từng đề xuất ý kiến không dùng từ “viện trợ” mà dùng cụm từ “vay ưu đãi” hoặc “vay lãi suất thấp”. Đã gọi là vay thì đương nhiên phải trả, làm ăn kinh tế thì ngoài trả gốc còn phải trả lãi, người dân phương tây luôn tâm niệm câu nói “không có bữa trưa nào là miễn phí”.
Tâm lý “viện trợ” đã hằn sâu vào nhiều tầng lớp người Việt, thiếu cái gì, không có cái gì cũng “đề nghị cấp trên”, “đề nghị trung ương”… Hễ bão lũ, thiên tai là kêu thiếu, kêu đói là Chính phủ phải cấp gạo, cấp tiền, là “lá rách ít đùm lá rách nhiều”...
Vốn ngân sách trung ương cấp đương nhiên là miễn phí, xin được càng nhiều càng ít mà mấy ai nghĩ đến khái niệm phải hoàn trả?. Không ít nơi đã xảy ra chuyện xin được nhiều thì chia được nhiều phần, người nghèo được và người chia cũng được. Tâm lý trông chờ viện trợ lâu ngày hình thành nên một phong cách làm việc khá phổ biến ở một số cán bộ gọi nôm na là “văn hóa đi xin”.
Xã xin huyện, huyện xin tỉnh, tỉnh xin trung ương, vậy trung ương “xin” ai? Trong điều kiện khó khăn hiện tại Nhà nước không thể đi xin nên chỉ còn cách vay nước ngoài mà hình thức ODA (Official Development Assistance - vốn hỗ trợ phát triển chính thức) được xem là tốt nhất. Với thời gian cho vay dài, có khi tới 30 năm, có thể thấy ngay ngày hôm nay chúng ta đi vay thì con cháu sau này phải trả.
Nếu không ăn nên làm ra mà ăn lẹm vào tiền vay thì sự phá sản mà thế hệ tương lai phải chịu là điều hiển nhiên. Hy Lạp là một bài học cay đắng cho cách thức vay và tiêu tiền của các chính phủ nước này trước đây.
Vậy ODA có phải là phương thuốc thần kỳ giúp mọi quốc gia phát triển?
Ngày 2/9/2008, bbc.co.uk  có bài viết liên quan đến việc Phát xít Nhật gây ra cái chết của hàng triệu người Việt Nam năm 1945. Trả lời câu hỏi “vì sao Việt Nam hiện chưa yêu cầu Nhật Bản xin lỗi chính thức?”,
  1. Đinh Xuân Lâm nói “Việt Nam chưa đặt vấn đề đó bao giờ và chúng tôi thấy rằng cũng không cần thiết. Chúng tôi thấy Nhật Bản hiện nay vẫn quan hệ tốt với Việt Nam thông qua đầu tư và bằng những công việc trao đổi khoa học, kỹ thuật, trao đổi sinh viên, văn hoá. Chúng tôi thấy đó là thể hiện thiện ý của Nhật Bản. Qua đó, thấy rằng Nhật Bản đã nhận thức được lịch sử trong thời gian vừa qua”.
Khi phóng viên người Việt hỏi một quan chức Nhật Bản về trách nhiệm của Nhật trong nạn đói 1945 ở Việt Nam, vị quan chức này tránh trả lời trực tiếp câu hỏi mà nói đại ý “Nhật là nước viện trợ phát triển ODA lớn nhất cho Việt Nam hiện nay”.
Nhật trở thành nước đứng  đầu trong việc cấp vốn ODA cho Việt Nam bởi vì “Nhật Bản đã nhận thức được lịch sử”. Hàng nghìn hecta rừng bị trụi lá vì chất độc da cam, hàng vạn trẻ em mang dị tật vì di chứng chất độc hóa  học mà quân đội Mỹ sử dụng khiến chính phủ Mỹ phải cấp những khoản viện trợ nhỏ giọt cho chương trình tẩy rửa chất độc ở Việt Nam.
Thế hệ cha ông đã phải trả giá bằng mạng sống để ngày nay chúng ta có được những khoản ODA tái thiết đất nước. Vậy thế hệ ngày nay có thể hy sinh cuộc sống để cho con cháu mai sau không phải trông chờ vào ODA mà là cho nước khác vay ODA?
Nếu căn cứ vào ý kiến của ông Mutsuya Mori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam thì câu trả lời là không.
Hãy nghe phát biểu của ông Mutsuya Mori: “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng xảy ra với các dự án ODA của Nhật Bản. Nếu có vụ thứ ba tôi nghĩ là nhân dân Nhật Bản sẽ lên tiếng buộc Chính phủ Nhật Bản dừng ODA cho Việt Nam. Nếu có vụ thứ ba sẽ không có lối thoát”. [1]
Câu nói của một người Nhật “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng” đã động đến lòng tự trọng của mọi người dân Việt, còn những người làm giàu từ tham nhũng liên quan đến ODA, liệu họ có còn chút tự trọng nào để mà xấu hổ với con cháu, dòng tộc, với thế hệ mai sau?
Hỏi chuyện một lãnh đạo phòng cấp huyện về ODA, câu trả lời là “em không làm về mảng kinh tế nên không rành về ODA”. Phải chăng ODA không phải là việc của người dân, kể cả cán bộ cấp huyện mà chỉ liên quan đến một số ít người có trách nhiệm ở những cấp cao hơn như cấp tỉnh, cấp bộ?
Tại sao đất nước cứ phải phụ thuộc vào ODA khi mà lượng vàng dự trữ trong dân khoảng 1.000 tấn, tương đương 45 tỷ USD. [2]  Nên nhớ đây là số liệu do Hội đồng vàng thế giới thống kê và được một số nhà chuyên môn đánh giá là khá sát với thực tế.
Theo Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia năm 2011, khoảng 17% vốn đầu tư được dùng để mua vàng dự trữ. [2] Một số vốn khổng lồ nằm im lìm không sinh lãi trong khi chúng ta cứ háo hức ODA, tại sao lại như vậy?
Trả lời câu hỏi này không khó, có hai nguyên nhân dễ nhận thấy:
Thứ nhất, người dân không mặn mà với các kênh huy động vốn của nhà nước, Vietnamnet.vn  ngày 22/3/2015 chạy tít: “Đầu tư căn hộ, thu về mớ rau: Thua đau một đời”. Không phải chỉ là tiền tiết kiệm mà trái phiếu, công trái cũng có tình trạng mất giá trị tương tự, vậy nên tâm lý người dân là cất vàng trong nhà, tội gì đầu tư vào kênh nhà nước!
Người dân túng thì đi vay, vay mà không trả được thì nói khó với người ta là xin, người độ lượng không ai chấp nhặt, nhưng nói theo dân gian “ngậm miệng ăn tiền” thì không được.
Nếu Nhà nước vay và trả một cách sòng phẳng cho dân thì đâu đến nỗi người dân phải bị “thua đau một đời”! Điều cần nói là trước thực tế đó, cả Ngân hàng lẫn Bộ Tài chính có bao giờ có câu trả lời thỏa đáng cho dân.
Thứ hai, ODA giống như chùm khế ngọt cho một số người “trèo hái cả ngày”. Riêng với ODA từ Nhật Bản, đã có ba dự án xuất hiện tham nhũng từ phía quan chức Việt Nam bị phanh phui (dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Đại lộ Đông - Tây TP Hồ Chí Minh và vụ bê bối tại PMU 18). Câu hỏi tất yếu mà dẫu có ngây thơ mấy cũng phải đặt ra “liệu đó đã phải là tất cả”?
Sự cảnh báo của người Nhật về vấn nạn tham nhũng ODA trong hàng ngũ quan chức Việt Nam, mới chỉ là giọt nước tràn ly, mà giọt nước thì làm sao có thể làm ướt những “lá khoai, đầu vịt”! Nói thế bởi vì mức án mà Huỳnh Ngọc Sĩ (đại lộ Đông-Tây), phải nhận là 20 năm tù, còn Bùi Tiến Dũng (PMU18) chỉ bị 7 năm tù (cho tội tham nhũng)!
Quốc hội đang bàn thảo về sửa đổi Luật hình sự, một số ý kiến đề nghị bỏ án tử hình với 07 tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Như vậy các tội danh  “tham ô tài sản” và “nhận hối lộ” không đề xuất bỏ án tử hình.
Một bài báo nước ngoài viết: “Một lãnh đạo của JTC từng khai với cơ quan công tố Tokyo rằngđã hối lộ một quan chức Việt Nam 66 triệu Yên (tương đương 16 tỷ đồng) để giành dự án có sử dụng vốn ODA trị giá 4,2 tỷ Yên ở Việt Nam”. [3]
Một người Nhật công nhận “đã hối lộ một quan chức Việt Nam” nhưng các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam không nghĩ như người Nhật. Bằng chứng là các bị can trong vụ JTC đã bị khởi tố với các tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” chứ không có “một quan chức”  nào bị khởi tố với tội “nhận hối lộ”?
Thay đổi tội danh tức là thay đổi khung hình phạt, khoản 4 điều 279 Luật Hình sự quy định khung hình phạt cao nhất với tội “nhận hối lộ” là tử hình trong khi hai tộ danh nêu trên, điều 285 tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” khung hình phạt cao nhất là 12 năm tù còn điều  281 tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hình phạt cao nhất là 30 năm tù.
Phải chăng chính vì cách hiểu của cơ quan tố tụng Việt Nam khác với Nhật Bản nên người đứng đầu Jica mới phải “Tôi tha thiết mong vụ JTC là vụ cuối cùng”?
Để bảo vệ quốc thể, sứ thần Giang Văn Minh đã hy sinh mạng sống của mình, còn những kẻ khiến cho người đứng đầu JICA Nhật Bản phải “thiết tha mong …” có phải đang bán rẻ quốc thể? Đã có kẻ nào trong số đó bị trả giá bằng mạng sống của mình?
Việc đề xuất bỏ án tử hình với 07 tội danh cho thấy bản chất nhân đạo của Nhà nước và pháp luật Việt Nam. Những người hiểu biết, không có bất cứ ai muốn người khác phải bị án tử hình, nhưng bất kỳ người dân nào cũng đòi hỏi pháp luật phải được thực thi một cách công bằng, đúng người, đúng tội.
Pháp luật phải vì 90 triệu người dân chứ không thể vì một người hay một thiểu số. Pháp luật cũng phải phù hợp với thông lệ quốc tế chứ không thể trái với những chuẩn mực mà thế giới thừa nhận.
Điều tha thiết mong mỏi của ông Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản phải chăng không chỉ là lời cảnh tỉnh với những ai đó đang coi ODA như là một “chùm khế ngọt” mà còn là lời nhắn với các cơ quan tố tụng Việt Nam, rằng người Nhật đã xác định có “một quan chức” người Việt nhận hối lộ tới 16 tỷ, gấp hơn 50 lần mức 300 triệu được quy định trong khoản 4 điều 279 Luật Hình sự.
Chúng ta, thế hệ người Việt ngày hôm nay không thể ăn mặn để con cháu sau này khát nước, không hiểu điều đó chỉ có thể là những kẻ thù của tương lai./.
X.DGDVN
-----------------
Tài liệu tham khảo:
***
ĐÃ ĐẾN LÚC CẦN HẠN CHẾ VAY VỐN ODA
Bài DŨNG NGUYỄN/ TP/ BVB 6/4/2015

“Những quốc gia vay vốn ODA có thể sẽ sập bẫy và phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế nước ngoài. Theo tôi, đã tới lúc Việt Nam phải tính toán đến chuyện hạn chế vay vốn ODA....", GS Nguyễn Minh Thuyết, nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trao đổi với Tiền Phong xoay quanh việc sử dụng và quản lý vốn ODA hiện nay.
“Những quốc gia vay vốn ODA có thể sẽ sập bẫy và phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế nước ngoài. Theo tôi, đã tới lúc Việt Nam phải tính toán đến chuyện hạn chế vay vốn ODA.... Chúng ta chỉ vay để thực hiện những dự án tối cần thiết và có lợi ích lớn, đồng thời phải có cơ chế kiểm soát việc sử dụng vốn vay cho thực sự hiệu quả”, GS Nguyễn Minh Thuyết, nói.
Chưa bịt được lỗ hổng
Khi câu chuyện nghi án đưa và nhận hối lộ tại dự án đường sắt trên cao chưa kết thúc, mới đây truyền thông Hàn Quốc lại khơi ra vụ Tập đoàn POSCO lập “quỹ đen” lại quả cho nhà thầu Việt Nam tại dự án đường cao tốc vừa mới hoàn thành. Những vụ việc này nói lên điều gì trong việc sử dụng vốn ODA hiện nay, thưa ông?
Trước đây đã xảy ra một vụ tham nhũng, hối lộ tại dự án Đại lộ Đông - Tây tại TPHCM. Lần đó cũng do phía Nhật Bản phát hiện, sau đó phía Việt Nam mới biết được sự việc. Tôi đã 2 lần chất vấn Thủ tướng trong 2 năm liền về vụ việc này và sau đó đã được đưa ra xét xử. Vừa qua lại xảy ra một số vụ việc nữa và lại cũng ở trong ngành giao thông. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa rút được bài học kinh nghiệm để bịt những lỗ hổng trong sử dụng vốn ODA. Với cách quản lý nguồn vốn ODA như hiện nay, kiểu gì cũng xảy ra tiêu cực, vì tiền nhiều nhưng quản lý lại không chặt.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Theo tôi, các cơ quan chức năng phải cùng với Bộ GTVT và những bộ có sử dụng vốn ODA làm việc để tìm biện pháp, không lặp lại những chuyện như thế này. Tại sao tất cả những vụ việc như thế lại toàn do bên đối tác nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc) phát hiện ra? Điều ấy chứng tỏ người ta có biện pháp quản lý dòng tiền, có biện pháp quản lý thu nhập rất hiệu quả.
Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, trước hết, chúng ta phải có quy định rất chặt trong việc vay vốn ODA: Vay trong lĩnh vực nào? Với điều kiện như thế nào thì nên và không nên vay? Phải có cơ chế kiểm soát để quản lý đồng vốn ODA.
Cần có Luật về vay ODA
Có những chuyên gia kinh tế đã ví ODA là “Sát thủ kinh tế”, hay là “Bẫy ODA”. Vì thế chúng ta cần phải có sự chọn lọc, có lộ trình tiến tới hạn chế, thậm chí chấm dứt vay vốn ODA. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực tế, những nước cho vay ODA thường đưa ra những điều kiện dẫn đến việc chỉ định công ty của nước đó trúng thầu dự án, công trình. Tiền người ta bỏ ra tiếng là cho nước ngoài vay, nhưng thực chất là tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho các công ty và người dân nước họ. Tất nhiên khi làm dự án, công trình, nước đi vay ODA cũng có nhiều cái lợi, như phát triển hạ tầng cơ sở và một số lĩnh vực kinh tế, nhưng nếu không quản lý được thì những cái lợi của việc dùng vốn ODA sẽ rơi rụng hết và nước đi vay ODA tự biến mình thành công trường để người ta thu lợi.
Nhân nói về vấn đề dừng vay vốn ODA, vừa qua lãnh đạo cảng Đà Nẵng đã từ chối vay vốn ODA để nâng cấp cảng biển. Ông có cho rằng đây là một chủ trương đúng đắn và đáng để các đơn vị khác lưu tâm?
Tôi cho đó là một quyết định dũng cảm. Nhân dịp này, các bộ ngành và địa phương trong cả nước cũng nên suy nghĩ xem vốn ODA có phải một món hời cần vay bằng được không và những trường hợp nào thì phải từ chối ODA. Thực tế có nhiều nước người ta chỉ vay vốn ODA đến một mức độ phát triển nào đó thôi. Khi phát triển đến trên mức trung bình rồi, người ta sẽ hạn chế sử dụng nguồn vốn này.
Với thực tế đang diễn ra, ông có cho rằng Quốc hội cần thực hiện giám sát tối cao và ban hành những Luật riêng về ODA?
Bây giờ xảy ra nhiều việc như thế, Quốc hội cần phải tăng cường giám sát việc vay và sử dụng vốn ODA. Quốc hội đã từng đi giám sát về ODA, cũng có phát hiện ra một số vấn đề. Tuy nhiên, dù có phát hiện ra vài vấn đề cũng không khắc phục được, vì quyền của đoàn giám sát có hạn, nhiều khi có chỉ ra trách nhiệm thuộc về ai cũng không xử lý được. Vì thế để tránh lãng phí thất thoát, trước hết bản thân Chính phủ phải xây dựng được cung cách quản lý thật tốt, thật hiệu quả nguồn vốn ODA.
Cảm ơn ông!
Đúng là đã có cả một cuốn sách – cuốn “Những sát thủ kinh tế”, trong đó họ đã chứng minh ODA chính là một con dao hai lưỡi. Nhiều khi, những quốc gia vay vốn ODA có thể sẽ sập bẫy và phụ thuộc hoàn toàn vào kinh tế nước ngoài. Theo tôi, đã tới lúc Việt Nam phải tính toán đến chuyện hạn chế vay vốn ODA. Đừng thấy người ta sẵn sàng cho vay rồi cứ vay mà thiếu kiểm soát và cũng không thấy được nguy cơ thì rất nguy hiểm.
Dũng Nguyễn/Tiền Phong

 VAY HAY KHÔNG VAY VỐN ODA?
Bài của TƯ GIANG trên TBKTSG 9/4/2015
Ông Dương Đức Ưng.
(TBKTSG) - Chuyện vay hay không vay ODA ngày càng được bàn luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn. Đâu là góc nhìn xác đáng trong vấn đề này? TBKTSG trao đổi với ông Dương Đức Ưng, một chuyên gia có kinh nghiệm về nguồn vốn này.
- Ông Dương Đức Ưng: Chúng ta nhận lại vốn ODA từ năm 1993, và đến nay, sau 22 năm con số cam kết đã đạt hơn 80 tỉ đô la Mỹ. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam với GDP chỉ hơn 160 tỉ đô la Mỹ, thì cam kết này là không nhỏ. Trong 80 tỉ đô la đó, ba phần tư là vốn vay, tức là vay phải trả, là phần quan trọng trong nợ chính phủ. Nợ chính phủ là phần quan trọng của nợ công. Đó là điều phải chú ý.
Nói về ODA thì hiện nay trong chính giới, nhất là Quốc hội đang có hai luồng quan điểm. Một rất cực đoan, cho ODA chỉ tạo thêm nợ nần chồng chất, nước ngoài ăn hết, dân ta không được gì. Quan điểm thứ hai nói, không, ODA tốt, và cần. Trong kỳ họp Quốc hội gần đây, các vị đại biểu phê phán rất nhiều về ODA trong bối cảnh xảy ra vụ đường sắt, tham nhũng trong ODA.
Trước động thái đó, các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á gần đây đã phải có phát biểu hay tài liệu chứng minh ODA là hiệu quả, chứ không phải quá tiêu cực.
TBKTSG: Trong bối cảnh đó, xã hội chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá như thế nào về ODA để đảm bảo công bằng nhất?
- Theo quan điểm của tôi là người theo dõi lâu năm, một cách công bằng nhất, tôi thấy, ODA thực sự là nguồn vốn quan trọng và hữu ích. Điều đó không phải chỉ được chứng minh bởi những gì đang xảy ra ở Việt Nam, mà còn được chứng minh trong vòng 60 năm tồn tại của khoản hỗ trợ này đối với các quốc gia đang phát triển.
“Để phát triển đất nước, việc vay nợ là bình thường. Quan trọng nhất là có trả được thì hãy vay”.
Trước hết, ODA là một nguồn vốn. Dù bị gắn theo các điều kiện tài chính, và chính trị, ODA là nguồn vốn tốt với một nước đang khát khao phát triển như Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, chúng ta thấy toàn bộ công trình hạ tầng quy mô lớn là từ vốn ODA, bao gồm tất cả các cây cầu lớn nhất từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Rồi các tuyến đường cao tốc, sân bay, bến cảng... cũng vậy. Những công trình đó chúng ta cũng có thể tự làm được, nhưng chắc là lâu, mất nhiều năm nữa vì nguồn lực của chúng ta không đủ.Cũng cần nói, nó có những mặt rất tiêu cực. Nhưng mặt tích cực vẫn là chủ yếu. Đó là vấn đề cốt lõi nhất của viện trợ ODA.
Thứ hai, ODA mang lại cho chúng ta những cái mới mẻ về tư duy, chính sách, thể chế, kinh nghiệm... Đây là điều rất quan trọng, nhiều khi còn quan trọng hơn cả tiền hay công trình. Ví dụ, hệ thống cung cấp nước sạch của thành phố Hải Phòng trước đây cấp nước theo kiểu khoán, dùng vô tội vạ, làm thất thoát khủng khiếp, lên tới 50-60%. Đến nay, thất thoát chỉ còn 20% vì tất cả những người sử dụng phải trả tiền theo đồng hồ. Từ đó, nhà máy nước đủ tiền để trang trải cho chi phí sản xuất, kinh doanh, tái đầu tư. Những thay đổi rất lớn đó chỉ có được qua dự án của Ngân hàng Thế giới và Phần Lan.
Nhưng ODA cũng có những mặt tiêu cực. Quan hệ quốc tế giữa nước cho và nhận không chỉ đơn thuần là quan hệ giúp đỡ, mà còn gắn liền với khía cạnh chính trị. Từ thời nhận viện trợ của Liên Xô đến bây giờ khi chuyển sang kinh tế thị trường, các khoản vay luôn luôn kèm theo điều kiện. Không có bất cứ khoản viện trợ nào, tôi nhấn mạnh, là dưới danh nghĩa vô tư.
Thứ hai, ODA đi kèm theo các điều kiện kinh tế, ví dụ, những ràng buộc về điều kiện xuất xứ hàng hóa, các nhà thầu. Nhà tài trợ cung cấp vốn thì kèm theo đó là nhà thầu của họ, hay hàng hóa phải mua từ các nước theo họ chỉ định... Xét theo khía cạnh đó, anh cung cấp các khoản vốn vay với lãi suất 1-2%, nhưng tôi phải mua máy móc thiết bị của anh, phải dùng dịch vụ tư vấn của anh, thì lãi suất không còn là ưu đãi nữa. Đó là mặt tiêu cực.
ODA cũng làm phát sinh tiêu cực trong nội bộ chúng ta, như vụ PMU 18, đại lộ Đông Tây, đường sắt,... mà trong nhiều trường hợp soi rất kỹ cũng không thể phát hiện ra sai sót.
TBKTSG: Vậy có nên sợ ODA hay không, và bao giờ chúng ta dừng?
- Theo quan điểm cá nhân tôi, không nên sợ ODA. Vấn đề là chúng ta cần nhìn tỉnh táo và đánh giá mặt tích cực, mặt tiêu cực. Chúng ta vẫn đang cần nó, và chắc chắn sau năm 2020 chúng ta vẫn còn cần.
Một số ý kiến nói chúng ta phải chấm dứt, tôi cho là hơi cực đoan, không cần thiết. Chúng ta đừng chỉ thấy vài trường hợp mà đánh giá toàn bộ ODA một cách u ám. Không nên thế. Chúng ta nên khai thác lợi ích.
Muốn như vậy thì hệ thống thể chế của ta phải tốt, con người phải tốt. Tôi hy vọng nghị định về quản lý ODA để hướng dẫn Luật Đầu tư công sẽ được ban hành trong tháng 6 tới, giúp giải quyết nhiều vấn đề đang nghẽn hiện nay.
TBKTSG: Nhưng, ông cũng thấy đấy, có luồng ý kiến nói Việt Nam không nên vay thêm ODA nữa vì ít nhất cũng phải có tự trọng quốc gia? Chúng ta cũng đã trở thành nước thu nhập trung bình rồi. Một số quốc gia như Thái Lan cũng chẳng vay ODA từ lâu rồi? Singapore trước đây khi còn nghèo cũng không vay ODA. Vấn đề này nên hiểu như thế nào?
- Theo tôi không nên đặt vấn đề tự trọng hay không. Những quốc gia tiên tiến phát triển cách xa chúng ta nhiều vẫn vay. Vay trả trong quan hệ quốc tế là bình thường. Chúng ta chỉ thấy xấu hổ nếu vay mà không trả được, nếu chúng ta vỡ nợ. Hãy nhìn xem các tỉ phú, các tập đoàn quốc tế, họ vẫn phải vay ngân hàng chứ. Để phát triển đất nước, việc vay nợ là bình thường. Quan trọng nhất là có trả được thì hãy vay. Tính toán mà thấy không trả được thì thôi. Đừng nên suy nghĩ rằng, cứ vay để rồi hậu thế trả. Cái đó mới đáng xấu hổ, đáng trách.
Tôi nghĩ không phải các quốc gia thu nhập trung bình đều không vay. Gần đây, Nhật Bản tuyên bố cung cấp một khoản viện trợ hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho Indonesia để làm cơ sở hạ tầng hiện đại ở đô thị. Trình độ Indonesia hơn chúng ta nhiều. Chúng ta hơi quá ngộ nhận. Đúng là chúng ta đã trở thành nước thu nhập trung bình, nhưng mới ở mức rất thấp. Vì thế, việc vay ODA vẫn là cần thiết.
TBKTSG: Vì sao giải ngân vẫn ít thế, chỉ khoảng một nửa vốn cam kết?
- Giải ngân lên tới 65% không phải là ít, và tốc độ giải ngân đã tốt hơn những năm gần đây. Giải ngân thấp có nhiều câu chuyện. Thứ nhất là thiết kế dự án kém, chất lượng kém. Thứ hai, quan trọng hơn, là chúng ta luôn thiếu vốn đối ứng. Nếu giải ngân thả phanh tất cả các dự án đã ký kết theo đúng tiến độ, thì chúng ta không thể nào đủ vốn đối ứng.
Thứ ba, năng lực của các ban quản lý thường thiếu chuyên nghiệp, số lượng thì nhiều vô kể. Ví dụ, có tỉnh trong một lĩnh vực nông nghiệp mà có tới 17 ban quản lý khác nhau. Cứ mỗi dự án một ban quản lý, hết dự án thì ai về nhà ấy thì quá lãng phí. Đây là vấn đề đau đầu, chi phí tốn kém, chất lượng quản lý kém, không chuyên nghiệp.
TBKTSG: Ông thấy cam kết trả nợ của Việt Nam được thực hiện thế nào?
- Vốn ODA chiếm rất thấp trong tổng trả nợ hàng năm, và từ xưa đến nay, trả nợ ODA trong nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ rất tốt. Các nhà tài trợ đều thừa nhận rằng, cho đến giờ chưa có bất kỳ một khoản nợ nào bị chậm trễ. Đó là điều đáng mừng.
Song chúng ta phải nhìn nhận, càng ngày nghĩa vụ trả nợ càng lớn lên vì thời gian trả nợ 30-40 năm đang đến. Giờ chúng ta được 22 năm rồi, rất nhiều khoản nợ đến hạn phải trả cả gốc và lãi.
Vì thế, nợ hàng năm tăng lên. Nếu kinh tế tiếp tục phát triển, GDP tăng thì đây không là vấn đề.
Và ngược lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét