Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

20150402. VÌ SAO GDP QUÝ 1 TĂNG "BẤT NGỜ" 6,03% ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
TỔNG CỤC THỐNG KÊ LÝ GIẢI GÌ VỀ NGUYÊN NHÂN  GDP QUÝ 1 TĂNG MẠNH ?
Bài của NGUYỄN HOÀI /infonet 1/4/2015
“Việc tính toán và công bố sớm số liệu GDP để phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, tất nhiên độ tin cậy là có mức độ. Song số liệu công bố sớm không ảnh hưởng tới công tác điều hành vĩ mô".
Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO) khẳng định trước băn khoăn, việc công bố dữ liệu tốc độ tăng trưởng GDP quá sớm sẽ dẫn tới độ thiếu chính xác và ảnh hưởng tới công tác điều hành vĩ mô của Chính phủ và các bộ, ngành.
Chiều 1/4, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015.
GDP quý I tăng trưởng cao: Đã được "kiểm định" kỹ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên thông tin, điểm đáng chú ý nhất về phát triển kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm 2015 được các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp kỳ này là tốc độ tăng GDP quý I ước đạt 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Đây là con số tăng trưởng đáng ghi nhận suốt từ năm 2011 đến nay.
Dẫn lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên họp về tốc độ tăng trưởng GDP, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên khẳng định, “con số GDP tăng trưởng 6,03% trong quý I/2015 đã được rà soát, đánh giá kỹ càng, trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế”.
***
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2015 đạt 6,03%- mức tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây
***
Trong đó, phải kể tới mức tăng của công nghiệp khai khoáng, cụ thể là mặt hàng dầu thô tăng tới 9,8%, khoảng 373.000 tấn trong 3 tháng đầu năm. "Theo tính toán, dầu thô tăng 1 triệu tấn/năm thì GDP tăng khoảng 1,36%, vì thế với mức tăng 373.000 tấn trong quý I, đã góp phần đáng kể vào mức tăng GDP của quý này”- ông Lâm nói.Để làm rõ hơn mức tăng vọt của tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2015 khiến nhiều vị Bộ trưởng cũng phải “ngạc nhiên”, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê bổ sung, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP là tốc độ tăng của ngành công nghiệp, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo) với mức tăng 8,25%, gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ.
Về băn khoăn việc công bố GDP quá sớm sẽ dẫn tới độ thiếu chính xác, ông Bích Lâm khẳng định, số liệu công bố sớm không ảnh hưởng tới điều hành kinh tế xã hội của các bộ, ngành. Thông thường, số liệu thống kê gồm 3 con số: số ước tính, số sơ bộ và số chính thức. Con số GDP được công bố vào ngày 26/3 hàng năm là con số ước tính và con số GDP sơ bộ quý I sẽ được công bố vào tháng 6 sau khi đã có dữ liệu đầy đủ hơn. “Việc tính toán và công bố sớm số liệu GDP để phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ, tất nhiên độ tin cậy là có mức độ. Song số liệu công bố sớm không ảnh hưởng tới công tác điều hành của Chính phủ và các bộ, ngành”- Tổng cục trưởng GSO nhấn mạnh.
Không “ngại” xuất khẩu giảm
Cũng theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa quý I/2015 chỉ đạt 6,9%, trong khi nhập siêu đang quay trở lại, đạt khoảng 1,8 tỷ USD (tương đương trên 5%).
Trước lo lắng nhập siêu, Bộ trưởng Nên cho rằng, không quan ngại vì 92% là nhập khẩu máy móc phương tiện phục vụ sản xuất. “Nền kinh tế đang tăng tốc trở lại. Điều này cũng nằm trong dự đoán của Chính phủ sau một thời gian xuất siêu” – Bộ trưởng Nên chia sẻ.
Phân tích cụ thể hơn về sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Tuấn Anh cho biết, theo số liệu thống kê của ngành công thương thì đúng là quý I/2015 xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (như gạo, cà phê, cao su…) sang 1 số thị trường đã giảm trên dưới 30% tùy từng mặt hàng (khoảng 500 triệu đô la Mỹ). Còn nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản cũng suy giảm đáng kể, khoảng 1 tỷ USD.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này, nhưng trước tiên là áp lực cân đối cung – cầu của các mặt hàng xuất khẩu ngay từ thời điểm đầu năm 2015. Sự suy giảm về giá của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, như dầu thô cuối năm 2014 đầu năm 2015, nên dù lượng xuất khẩu tăng cũng không bù được khoản sụt giảm về giá xuất khẩu.
Bên cạnh đó, một số thị trường truyền thống của Việt Nam như thị trường Trung Quốc đã thay đổi trong điều hành vĩ mô, cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo nhỏ giọt, nên lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này giảm tới 30%...
Một nguyên nhân nữa được Thứ trưởng Tuấn Anh chỉ ra dẫn tới sự suy giảm xuất khẩu trong quý I/2015 là vấn đề tỷ giá ngoại hối căng thẳng thời gian qua cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn.
“Dù xuất khẩu giảm trong quý I nhưng con số này cũng không bất ngờ vì trong dự báo của bộ cũng đưa ra đánh giá quý I/2015 có nhiều khó khăn cho công tác thị trường”- Thứ trưởng Tuấn Anh bày tỏ và trấn an, nhiệm vụ quan trọng thời gian tới là tìm cách thúc đẩy xuất khẩu qua tìm kiếm thị trường mới. Bên cạnh đó, hàng loạt Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong năm 2015 đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu.
Nguyễn Hoài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét