Thứ Bảy, 4 tháng 4, 2015

20150404. LÀM GÌ ĐỂ CÓ TPP ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỂ TPP KHÔNG CÒN LÀ "BÓNG MA"
Bài của pv THƯỢNG TÙNG trên NĐT 3/4/2015
Có những lời đồn đoán về việc Việt Nam sẽ trở thành thành viên chính thức của Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì khi mà những thông tin về các vòng đàm phán vẫn nằm trong vòng bí mật. Đấy là vấn đề đặt ra tại Hội thảo CEO Việt trước thách thức FTA và TPP do CEO Club và tạp chí Người Đô Thị tổ chức tại TP.HCM ngày 24.3.
Câu chuyện sức ép…
Toàn cầu hoá là xu hướng tất yếu. Nhìn lại bài học năm 1986. Nền kinh tế đứng trên bờ vực sụp đổ trở thành sức ép đáng kể khiến lãnh đạo đất nước quyết tâm đổi mới, mở cửa nền kinh tế. Từ một quốc gia nhập khẩu lương thực, chỉ sau một năm, Việt Nam lập tức xuất siêu 1,9 triệu tấn gạo.
Các diễn giả (từ trái qua): LS. Trương Trọng Nghĩa, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, bà Trương Thị Lệ Khanh
Hội nhập kinh tế góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP. Dẫn lại câu chuyện Quốc hội tranh cãi khi xác lập chỉ tiêu này, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên gia tăng GDP bằng mọi giá: “Tăng trưởng không đồng nghĩa với phát triển. Tăng trưởng ở Việt Nam đi kèm với năm cái hao: hao vốn, hao tài nguyên, hao ngoại tệ, hao môi trường và hao văn hoá”. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rằng chu kỳ tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên, trong khi hàm lượng chất xám đóng góp rất thấp. Mặt khác, ông Trương Trọng Nghĩa tỏ ra không đồng tình việc GDP cấp tỉnh trở thành một thang đo “đánh giá, khen thưởng, đề bạt” lãnh đạo địa phương, vô hình trung vừa là động cơ khuyến khích, vừa là sức ép đối với chính quyền địa phương. Thế nên mới có chuyện Hà Tĩnh quyết định cấp phép dự án Formosa lên đến 70 năm. Theo định nghĩa, GDP chỉ đo lường sản phẩm và hàng hoá dịch vụ cuối cùng của một quốc gia trong một năm. Nghĩa là không có khái niệm GDP cấp tỉnh (thành).
Biển Thái Bình nhiều sóng gió
Đó là cách nói của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP), khi đề cập đến TPP mà Việt Nam đang đàm phán gia nhập. Không đi vào bối cảnh rộng lớn của toàn cầu hoá, ông Phạm Duy Nghĩa tập trung vào TPP, khởi phát từ APEC với bốn thành viên là Singapore, New Zealand, Chile và Brunei. “Chỉ khi Hoa Kỳ tham gia thì liên minh này mới có dáng dấp kinh tế và địa chính trị”, ông Phạm Duy Nghĩa nói. Tỏ ra băn khoăn về khả năng Việt Nam sẽ trở thành thành viên của TPP vào cuối năm nay như những lời đồn đoán, ông ví TPP như “bóng ma” vì “ai cũng nói về nó nhưng chẳng biết nó là cái gì do cam kết bí mật trong quá trình đàm phán cấp thứ trưởng” bởi tác động trực tiếp của nó đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thế nhưng người ta có thể dự đoán được căn cứ vào những hiệp định thương mại tự do song phương mà các nước thành viên TPP đã ký với các đối tác khác và được công bố. Nhưng về bản chất, TPP chẳng qua là việc tóm lại những hiệp định song phương ở cấp độ 12 quốc gia. Đấy chính là cơ sở để ông Phạm Duy Nghĩa và nhóm học viên FETP mạnh dạn viết cuốn sách TPP: Cơ hội nào cho Việt Nam?
TPP của ai, do ai và vì ai? Ở Mỹ là những tập đoàn đang vận động rất mạnh cho sự thành công của TPP, chẳng hạn như dược phẩm, dệt may, ngân hàng… Họ có lợi ích trực tiếp và đáng kể từ sự thành công của liên minh này. Ở Việt Nam, ai được hưởng lợi? Ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Bộ Thương mại Mỹ đã công bố phán quyết cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với sản phẩm phi lê cá tra đông lạnh của Việt Nam xuất vào Mỹ hồi đầu năm. Chỉ có hai DN là không phải chịu thuế chống bán phá giá. (Trong ảnh: Chế biến cá tra. Ảnh: Zing).
Một trong những đòi hỏi khi tham gia TPP là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tuân thủ quy luật thị trường. Theo đó, chính phủ các quốc gia thành viên phải khuyến khích cạnh tranh, trung lập, không thiên vị ưu đãi cho DNNN. Theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được Quốc hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ 17.2015, tiêu chí phân loại DNNN có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thay vì 51% như trước đây, mới được xem là DNNN. Ngoài Việt Nam, Singapore, Nhật Bản và Chile là những quốc gia có khu vực DNNN đáng kể.
Dù có vẻ như đã giải quyết xong vấn đề DNNN nhưng Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số đòi hỏi khác, gồm tự do nghiệp đoàn xác lập vai trò độc lập của công đoàn. Bên cạnh đó, các rào cản kỹ thuật, rào cản tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn sản phẩm (phi thuế quan) cần được điều tiết và thực thi một cách nhất quán. Chính phủ cũng phải cam kết minh bạch, đối xử bình đẳng, kiểm soát đầu tư công, khuyến khích và bảo đảm cạnh tranh…
Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHG) là doanh nghiệp duy nhất trong ngành thủy sản không phải chịu thuế suất chống bán phá giá vào thị trường Mỹ. Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VHG là người dày dạn kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá vào thị trường Hoa Kỳ với sản phẩm cá tra. Theo bà Khanh, những rào cản kỹ thuật là bình phong cho các lý do chính trị và bảo hộ thương mại. Tuyệt đối không chủ quan với những quy định về luật pháp, đồng thời kiên trì đấu tranh với những rào cản bất công là những trải nghiệm của bà Khanh: “VHG có hai lần bị kiểm tra ở châu Âu và Mỹ về chất cấm. VHG không vi phạm nhưng bị báo cáo nhầm. VHG làm việc với cơ quan kiểm tra của Việt Nam, cũng như cơ quan kiểm định (phòng lab) ở Hoa Kỳ, đơn vị cung cấp kết quả cho FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ). Cơ quan kiểm định Hoa Kỳ đã phải viết thư xin lỗi VHG nhưng thiệt hại rất lớn vì FDA chấp nhận kết quả. Sau hai tháng, lô hàng của VHG mới được thông quan. Một rào cản khác là truyền thông ở nước nhập khẩu. Có lần một thượng nghị sĩ ở châu Âu công kích trên báo. Chúng tôi mời ông ấy, thông qua công ty tư vấn, đến thăm nhà máy. Ngay lập tức, ông ấy viết trên blog rằng “chưa đến một nhà máy nào sạch như VHG”. Thế là mọi nghi ngờ ở thị trường châu Âu được dẹp bỏ.Theo bà Khanh, VASEP sẽ đầu tư cho chiến lược về truyền thông. Chẳng hạn ở Hà Lan, chi phí cho chương trình nhận diện thương hiệu của cá tra là khoảng 1,2 triệu USD”.
Bà Khanh cho rằng thời gian tới, doanh nghiệp ngành thuỷ sản sẽ tiếp tục đối mặt với những vụ kiện chống phá giá.Rõ ràng những rào cản kỹ thuật vẫn sẽ hiện diện dưới hình thức này hình thức khác.Nhưng những ai vượt qua rào cản, tự nâng tầm mình lên, thì sẽ giành chiến thắng. Thực tế những vụ kiện chống bán phá giá với con cá da trơn của Việt Nam diễn ra liên tục trong 12 năm qua. “Cách nay 12 năm, Việt Nam xuất khẩu 25 triệu USD. Còn năm 2014, chúng ta xuất khẩu 350 triệu USD”, bà Khanh dẫn chứng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Năm 2015 được Thủ tướng xác định là năm hành động vì doanh nghiệp. Ông Võ Đình Đàng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đường Quảng Ngãi giãi bày doanh nghiệp mong muốn thông điệp của người đứng đầu Chính phủ nhanh chóng được cụ thể hoá khi mà quý I đã qua đi vẫn “chưa thấy gì”. Là đại biểu Quốc hội, luật sư Trương Trọng Nghĩa ghi nhận và hứa sẽ nhắc lại vấn đề này trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới.
 Doanh nghiệp sẽ bị tấn công bởi giấy phép con? Ảnh: TL-Internet
“Cảm giác Thủ tướng quyết liệt cải cách thủ tục hành chính”, rút ngắn việc thành lập doanh nghiệp mới nhưng điều khiến ông Phạm Duy Nghĩa lo ngại là doanh nghiệp sẽ bị tấn công bởi giấy phép con. Ông ủng hộ Thủ tướng dũng cảm đi thêm một bước nữa, cấm các bộ ngành ban hành những thông tư có quy định như là luật trừ những quy định mang tính nội bộ hành chính. Nếu làm được như vậy tức là Thủ tướng đi trước theo tinh thần của Điều tiết nhất quán, một chương vô cùng quan trọng trong đàm phán TPP.
Bãi bỏ hàng loạt giấy phép con đã có tiền lệ. Với 8 năm là thành viên Ban nghiên cứu Thủ tướng Phan Văn Khải, luật sư Trương Trọng Nghĩa nhắc lại cách làm của người tiền nhiệm đương kim Thủ tướng. Thay vì hỏi ý kiến các bộ ngành, ông Phan Văn Khải giao cho Ban Nghiên cứu của Thủ tướng rà soát, lên danh sách những giấy phép con cần bãi bỏ. Kết quả là 180 giấy phép đồng loạt mất hiệu lực chỉ bằng một quyết định, “khiến tình hình thay đổi hẳn”. Luật sư Nghĩa cũng lưu ý rằng giấy phép con như “nấm độc, cỏ dại”, cứ nhổ là mọc vì có lợi ích cài cắm của những đơn vị ban hành nên Chính phủ phải thường xuyên rà soát…
Trong số khách mời đến tham dự hội thảo có một nhân vật khá đặc biệt - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, theo nghĩa kinh qua rất nhiều vị trí ở những khu vực khác nhau. Cụ thể, bà Minh nguyên là Thứ trưởng Bộ Thuỷ sản, chủ tịch đầu tiên của VASEP, đại biểu Quốc hội bốn khoá (7,8,9 và 11) và hiện là Chủ tịch HĐQT một công ty dân doanh. Bà Minh than phiền rằng công ty của mình hằng năm phải tiếp rất nhiều đoàn kiểm tra từ nhiều bộ… Bà Minh kiến nghị Quốc hội phải giám sát để luật ngành bám sát Luật Doanh nghiệp, bằng không, bộ luật này sẽ bị luật ngành “vô hiệu hoá”. Dẫn câu chuyện Bộ Thuỷ sản Na Uy chỉ có 20 người, bà Minh cho rằng nên xã hội hoá dịch vụ công, vừa tinh giản bộ máy, vừa ngăn ngừa tiêu cực phát sinh.
Trở lại với TPP. Là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ TPP nhưng đến thời điểm này, doanh nghiệp hầu như không có thông tin về diễn tiến đàm phán. Doanh nghiệp không còn con đường nào khác là chủ động hối thúc Chính phủ công khai quá trình đàm phán, được đoàn đàm phán tham vấn… “Làm như vậy là một thái độ khác, ra dáng dấp của một thế hệ doanh nghiệp mới” - ông Phạm Duy Nghĩa nhận xét.
Thượng Tùng, ảnh Quý Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét