(PetroTimes) - Việc tăng cường sáp nhập các ngân hàng của Việt Nam là một tín hiệu tích cực, bởi nó sẽ giúp loại bỏ một số nhà băng yếu kém, qua đó giúp giảm bớt nguy cơ rủi ro cho toàn hệ thống. Ngoài ra nó còn còn giúp cơ quan quản lý dễ dàng hơn trong việc thực thi các quy định và giám sát hệ thống. Chắc chắn trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ mạnh tay hơn trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.  
Năng lượng Mới số 413
Chỉ cần... 5 ngân hàng lớn
Trong cuộc hội thảo ngành ngân hàng diễn ra tại Hà Nội ngày 9-4, ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao phụ trách Dịch vụ tài chính ngân hàng Tập đoàn Ernst & Young (EY) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã đưa ra quan điểm rằng, Việt Nam chỉ cần có 5 ngân hàng và đó phải là những ngân hàng thực sự lớn mạnh để làm trụ cột cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, vẫn phải duy trì thêm một số tổ chức tài chính (TCTT) cho thị trường ngách và có cả những ngân hàng có yếu tố nước ngoài. Ông Keith khẳng định rằng, chỉ có những ngân hàng có quy mô lớn thì mới có thể cạnh tranh được với ngân hàng trong khu vực.
Tái cấu trúc ngân hàng: Đổi mới để thành công
Ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao phụ trách tài chính ngân hàng của EY
“Quan trọng hơn, phải có ngân hàng quy mô lớn thì mới có thể đầu tư công nghệ đồng bộ. Động thái của NHNN trong việc xây dựng những ngân hàng lớn đẳng cấp khu vực là đúng đắn. Tôi cho rằng Việt Nam vẫn còn thời gian để cho các ngân hàng nỗ lực bởi còn 5 năm nữa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mới thực sự mở cửa”, ông Keith bình luận.
Kết quả điều tra của EY cho thấy, để được như hiện tại, hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới đều phải trải qua quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Và sau khi sắp xếp lại mỗi quốc gia chỉ có 2-5 ngân hàng thực sự mạnh, đủ sức cạnh tranh.
“Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, các chuyên gia đã đưa ra câu hỏi rằng, “phải chăng có những ngân hàng quá lớn để bị đổ vỡ?”. Thế nhưng tôi lại đặt ra câu hỏi ngược lại, “Phải chăng có những ngân hàng quá nhỏ để thành công?”. Tại Việt Nam hiện nay, có quá nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ, với tiềm lực tài chính không bền vững, ổn định. Thực tế cho thấy, ngân hàng quy mô lớn có điều kiện để đầu tư công nghệ, con người và tích lũy lợi nhuận tốt hơn, cho vay tốt hơn, huy động trong dân cư tốt hơn...” - Ông Keith nhận xét.
Đơn cử, trường hợp của một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia cũng đã trải qua làn sóng sáp nhập. Cách đây 20 năm Malaysia có khoảng 40 ngân hàng, nhưng đến nay họ chỉ còn 10 ngân hàng.
Do đó, theo ông Keith, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Malaysia trong quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
Theo khảo sát của EY, trong 5, 10 năm nữa nhu cầu đầu tư, phát triển hạ tầng là rất lớn đỗi với những nước đang phát triển như Việt Nam. Do vậy, nếu không có những ngân hàng quy mô lớn, đủ tiềm lực tài chính để cho các doanh nghiệp vay một lượng vốn khổng lồ, thì sẽ rất khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng để thúc đẩy kinh tế phát triển.
“Những tính toán của tôi cho thấy, để duy trì mức độ tăng trưởng GDP 6% như hiện nay, Việt Nam cần phải đảm bảo được tăng trưởng tín dụng gấp 1,5-2,5 lần, tức 9-15%. Để làm được việc này thì cần phải có những ngân hàng đủ lớn để có thể duy trì môi trường tín dụng lành mạnh” - Ông Keith nhận xét.
Thách thức từ bên ngoài
Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, sự xuất hiện của các ngân hàng trong khu vực ASEAN tại Việt Nam cũng ngày một nhiều hơn. Thậm chí, một số ngân hàng trong khu vực còn muốn mua lại 100% vốn ngân hàng yếu để thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. Ví dụ điển hình là phi vụ Ngân hàng UOB (Singapore) cùng một ngân hàng khác của Malaysia ngỏ ý mua lại 100% vốn ngân hàng GPBank. Tuy nhiên, vụ mua bán này đã không thành công.
Đánh giá về động thái này của các ngân hàng trên tại thị trường Việt Nam, ông Keith cho rằng: “Điều này chứng tỏ thị trường ngân hàng Việt Nam vẫn có sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và có hiệu lực với các nước tham gia và Việt Nam là một trong số đó. Theo đúng lộ trình giữa các bên đã ký kết, thì tới năm 2020 sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế, cho phép các ngân hàng trong khu vực được thành lập tự do tại Việt Nam”.
Ngoài ra, không chỉ các ngân hàng trong khu vực ASEAN, mà nhiều ngân hàng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu… cũng đang từng bước tìm hiểu thị trường Việt Nam, sẵn sàng cho cơ hội mới từ AEC, TPP...
Ngoài mặt tích cực là Việt Nam sẽ có được một lượng vốn cần thiết bởi sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài. Thì đây cũng là áp lực khủng khiếp đối với các ngân hàng nội địa.
Đơn cử trường hợp, các doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, các khách hàng trong diện này đều thuộc về những ngân hàng nước ngoài.
Với việc AEC hình thành trong tương lai không xa, các ngân hàng trong nước sẽ gặp phải những thách thức rất lớn. Nên tái cấu trúc là điều tất yếu để nâng cao sức cạnh tranh thời kỳ hội nhập.
Đổi mới quyết liệt để thành công!
Theo dự kiến của NHNN, trong năm 2015 sẽ có 6-8 thương vụ hợp nhất, sáp nhập ngân hàng, tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như tạo điều kiện đẩy nhanh hoạt động sáp nhập, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng luật. Trong đó, vai trò của các NHTM Nhà nước chi phối vốn sẽ rất lớn khi tham gia vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại những đơn vị yếu kém. Bên cạnh đó tiến thêm một bước cơ bản xử lý tình trạng sở hữu chéo, từ đó hình thành một số định chế có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao.
Đánh giá về sự can thiệp mạnh mẽ của NHNN tới các ngân hàng yếu kém, ông Keith Pogson cho rằng: “Việc NHNN quốc hữu hóa một số ngân hàng yếu kém bằng cách mua lại với giá 0 đồng là quyết định đúng đắn, phù hợp với hiện trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Nền kinh tế Việt Nam có một đặc thù là người dân giữ tiền mặt rất nhiều. Có lẽ họ chưa có niềm tin đủ lớn với hệ thống ngân hàng nội địa. Bởi vậy, việc mua lại những ngân hàng yếu kém và đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho khách hàng gửi tiền là việc làm chính xác, taọ thêm niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam”.
Với sự có mặt của các “ông lớn” trong ngành như BIDV, Vietcombank và VietinBank, trong quá trình tái cấu trúc, những ngân hàng yếu kém sẽ có thêm cơ hội tìm bến đỗ hợp lý. Về lâu dài, quá trình này sẽ giúp các ngân hàng sau sáp nhập mở rộng được thị trường cũng như một tiềm lực mạnh mẽ hơn dành cho phát triển.
Cẩm Tú