Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

20150405. ẢNH HƯỞNG CỦA VIỆC GIỮ ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ

ĐIỂM BÁO MẠNG
GÁNH NẶNG SAU TỶ GIÁ ?
Bài của LAN NHI/ TBKTSG 4/5/2015
(TBKTSG) - Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã tuyên bố giữ ổn định tỷ giá. Một trong những lý do là nếu điều chỉnh tỷ giá thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài và trả nợ của doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhà nước) sẽ tăng đột biến.
Nợ nước ngoài phải trả năm 2015 là bao nhiêu?
Không có một văn bản chính thức nào được công bố vào cuối năm 2014, đầu năm 2015 đề cập đến số nợ nước ngoài đã trả trong năm ngoái và dự kiến phải trả trong năm nay. Các báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội hàng năm về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; báo cáo giám sát về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ công; báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 đều không có con số này. Tại các báo cáo trên, con số thường thấy nhất là số chi trả nợ và viện trợ năm 2015 (150.000 tỉ đồng), không có sự bóc tách nghĩa vụ trả nợ trong nước và nước ngoài; tỷ lệ trả nợ so với tổng thu ngân sách...
Con số được coi là mới nhất là nghĩa vụ trả nợ nước ngoài năm 2013. Tại báo cáo của Chính phủ tới Quốc hội trong tháng 5-21014 về sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, năm 2013 Chính phủ phải trả 1,703 tỉ đô la Mỹ (trong đó có 487 triệu đô là trả lãi, còn lại là gốc). Tính theo tỷ giá tại thời điểm đó, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài khoảng 35.682 tỉ đồng. Cộng cả nghĩa vụ trả nợ trong nước (147.658 tỉ đồng) và ngoài nước của Chính phủ thì bằng 100% dự toán trong cân đối ngân sách năm đó, đạt chỉ tiêu an toàn theo quy định của Việt Nam (dưới 25% tổng thu ngân sách).
Một khi quốc gia vay nợ hay bảo lãnh cho doanh nghiệp vay nợ bằng đồng ngoại tệ thì sự ổn định của tỷ giá trong một giai đoạn nhất định không phải là “cứu cánh” cho người đi vay.
Lẽ ra, nếu có số liệu dự báo về số nợ phải trả, người ta dễ dàng tính được con số chính xác và biết được việc điều chỉnh tỷ giá (nếu có) sẽ làm chỉ số nợ công tăng thêm bao nhiêu điểm phần trăm so với GDP. Cũng như việc giữ ổn định tỷ giá sẽ có ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến nợ công ra sao.Còn số nợ đã trả trong năm 2014 và dự tính trả trong năm 2015 có đạt chỉ tiêu an toàn hay không thì không ai biết. Hoặc giả như điều chỉnh tỷ giá thì nó có thể không an toàn ở mức độ nào cũng không được công bố. Người ta không biết được, có đúng là nếu điều chỉnh tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ thêm 1% thì nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 10.000 tỉ đồng như lời ông Nguyễn Quốc Anh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nói tại cuộc họp giao ban về tình hình sản xuất - kinh doanh tại bộ này tuần trước hay không.
Phía sau tỷ giá
NHNN đã không điều chỉnh tỷ giá vì lý do nói trên song không phải vì thế mà người ta yên tâm.
Số liệu trả nợ nước ngoài năm 2014 và 2015 chưa có nhưng ở thời điểm tỷ giá ổn định nhất trong năm 2014 thì nợ công (trong đó có nợ nước ngoài) đã ở mức cảnh báo. Do nghĩa vụ trả nợ hàng năm tăng rất nhanh nên khả năng cân đối nguồn để trả nợ khó khăn. Như dự báo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (Quốc hội) thì dự kiến đến năm 2015, nợ công sẽ bằng 64% GDP, gần chạm mức 65% (năm 2020) mà Quốc hội cho phép. Bên cạnh đó, nghĩa vụ trả nợ so với tổng thu ngân sách nhà nước đã tăng từ 22,3% (2013) lên dự kiến 26,2% (2014) và 32,9% (2015), vượt ngưỡng khuyến cáo của các tổ chức tài chính quốc tế. Các quốc gia quản lý nợ tốt thường duy trì số nợ /nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dưới 30% so với tổng thu ngân sách.
Tỷ giá không điều chỉnh nghĩa là chỉ số nợ/tổng thu ngân sách vẫn vượt ngưỡng khuyến cáo nhưng quy ra tiền đồng thì con số này vẫn chưa thay đổi. Song cho dù chưa thay đổi thì những yếu tố rủi ro tiềm ẩn của nó không hẳn đã mất đi. Bởi lẽ, đến lúc các cán cân vĩ mô đứng trước áp lực không thể không điều chỉnh tỷ giá thì các rủi ro tiềm ẩn này sẽ biến thành sự thật. Đó là bội chi ngân sách sẽ tiếp tục tăng, không phải dành cho đầu tư phát triển mà dành để trả nợ, dành để vay nợ mới đảo nợ cũ với mức độ ngày một tăng nhanh hơn.
Hay như trước mắt, cho dù tỷ giá được NHNN giữ nguyên thì các quỹ đầu tư gián tiếp nước ngoài đã rút mạnh vốn ra khỏi thị trường tài chính Việt Nam, hướng đến các quốc gia đang có gói kích thích kinh tế vì đồng đô la Mỹ ở đó cũng đang lên giá so với các đồng bản tệ.
Còn nhìn xa hơn thì không chỉ nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi tỷ giá. Nguy cơ tiềm ẩn của nó còn nằm ở các khoản bảo lãnh, chủ yếu cho khối doanh nghiệp nhà nước tăng nhanh (bình quân tăng gần 50%/năm với phạm vi ngày càng mở rộng). Lâu nay Chính phủ vẫn thường xuyên dùng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ thay cho nhiều khoản vay đến hạn không trả được. Như đến hết năm 2013, lũy kế số dư nợ ứng từ quỹ này để trả cho các dự án mà Chính phủ bảo lãnh khoảng 4.800 tỉ đồng.

CẦN CÓ CÁI NHÌN TOÀN DIỆN VỀ TỶ GIÁ
Bài của SONG HÀ trên TBKTSG 5/4/2015
Kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nguồn thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, khi tỉ giá tăng thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và gây áp lực lạm phát trong nước
Trong mấy ngày qua, tỉ giá tăng khá mạnh, có thời điểm giá USD trên thị trường tự do cán ngưỡng 21.800 đồng/USD, cao hơn khoảng 200-300 đồng/USD so với giá USD niêm yết trong ngân hàng (NH) thương mại.
Không theo sự mất giá các đồng tiền chủ chốt
NH Nhà nước cho rằng tỉ giá trên thị trường khá nhạy cảm với diễn biến đồng USD trên thị trường thế giới và cả động thái điều hành chính sách tiền tệ của các nước, nhất là thông tin từ chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Giá USD tăng  mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt của châu Âu, Canada, Anh, Malaysia, và Úc nhưng tăng ít so với đồng tiền các nước khu vực châu Á như: Trung Quốc, Nhật, Thái Lan… Thương mại của Việt Nam chiếm tỉ trọng lớn ở thị trường các nước châu Á, nơi đồng tiền mất giá ít so với USD, nên tác động về cán cân thanh toán chưa đáng kể.
***
Việc điều hành tỉ giá cần tầm nhìn toàn diện về lợi ích của nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa) 
Ảnh: Tấn Thạnh
Việc điều hành tỉ giá cần tầm nhìn toàn diện về lợi ích của nền kinh tế. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Tấn Thạnh
Việc điều hành tỉ giá mấy năm qua khá ổn định, chỉ có năm 2011 tiền Việt trượt giá đến 9,3% so với USD nhưng từ năm 2012 đến nay tỉ giá USD luôn được điều chỉnh tăng bình quân 1%-2%/năm. Một quan chức NH Nhà nước phân tích: “Không nhất thiết phải điều chỉnh mạnh tỉ giá theo mức độ mất giá của các đồng tiền chủ chốt so với đồng USD. Việc điều chỉnh tỉ giá cần có cái nhìn toàn diện với mối tương quan giữa VNĐ với các đồng tiền khác, đặc biệt cần xem xét tỉ trọng thương mại của Việt Nam với các nước”. Vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn thiết bị, nguyên phụ liệu nhập khẩu, nên khi tỉ giá tăng thì chi phí nhập khẩu sẽ tăng theo, đẩy giá thành sản phẩm lên cao, dẫn đến giảm tính cạnh tranh của hàng hóa và gây áp lực lạm phát trong nước.
Hàm chứa nguy cơ lợi bất cập hại
Trong điều kiện nợ công về ngoại tệ khá lớn, việc tăng tỉ giá sẽ gián tiếp làm tăng thêm nợ nước ngoài. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế trong nước quý I/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, đại diện Vụ Kinh tế Dịch vụ cho rằng việc tăng tỉ giá hỗ trợ xuất khẩu không nhiều nhưng lại tác động làm tăng thêm nợ công. Nếu tỉ giá tăng 1% sẽ làm dư nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10.000 tỉ đồng, bởi phần lớn các khoản nợ nước ngoài của Việt Nam tính bằng USD.
NH Nhà nước khẳng định hoàn toàn có cơ sở để ổn định tỉ giá USD trong biên độ không quá 2% trong năm nay. Hạn mức đó đã “chi” 1% trong những ngày đầu năm, khi tỉ giá đưa lên 21.458 đồng/USD nhằm dẫn dắt thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, nền kinh tế nhập siêu khoảng 1,8 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,8 tỉ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 2 tỉ USD. Tuy nhập siêu khá lớn nhưng do cung cầu ngoại tệ của doanh nghiệp chưa căng thẳng, các tổ chức tín dụng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu chính đáng của cá nhân và doanh nghiệp, nên việc điều chỉnh tăng tỉ giá USD sẽ hàm chứa nguy cơ lợi bất cập hại.
Hai luồng ý kiến
Có 2 luồng ý kiến về chính sách điều hành tỉ giá. Một số chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Nhưng số chuyên gia khác cho rằng trong điều kiện nhập siêu triền miên, nợ công ngoại tệ lớn, việc tăng tỉ giá sẽ mang đến nhiều khó khăn hơn cho nền kinh tế...
Qua cân nhắc việc lợi và hại, NH Nhà nước nhấn mạnh việc sử dụng công cụ tỉ giá thời điểm này cần nhìn toàn diện về sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu và tác động lên nhập khẩu. Xuất khẩu được lợi nhờ điều chỉnh tăng tỉ giá nhưng chi phí đầu vào cũng bị đội lên, sẽ khiến đóng góp cho tăng trưởng kinh tế không cao. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gia công dựa trên nhập nguyên vật liệu nên giá trị gia tăng thấp, đó là chưa kể đến các yếu tố yếu kém khác mang tính cạnh tranh về mẫu mã, chủng loại, tính năng vượt trội... 
SONG HÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét