Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

20230830. BỨC XÚC CHUYỆN 'PHÓNG SINH' RẰM THÁNG BẢY

 ĐIỂM BÁO MẠNG


“SƯ”, “ĐẠI CHÚNG” và “PHÓNG SINH”
MẠC VĂN TRANG/FB/TD 28-8-2023

“Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm quan” (Tản Đà, 1928)
Xin phép chép theo Cụ Tản Đà:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân nó dễ làm … “Sư”!
“Sư” bây giờ “đông như quân Nguyên”, mà họ tài quá, chả biết vận dụng Phật pháp kiểu gì mà “phật tử” cứ như ăn phải bùa mê, thuốc lú, cứ “cúng dường”, nộp tiền “dâng sao giải hạn”, “trục vong”, “phóng sinh” v. v… vô tội vạ. Sư trụ trì chùa Ba Vàng còn bảo: “Càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo”!
Sư Thích Thanh Toàn hơn 40 tuổi, có chục năm trụ trì chùa Nga Hoàng ở xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc - ngôi chùa của một xã vùng quê xa xôi mà đã xây được 800m2 chùa, đúc chuông lớn, tượng to. Ông ta còn sống phè phỡn quen thói, nên “gạ tình” một nữ phóng viên, bị tố cáo, xin xả giới, hoàn tục. Và “Sư Toàn xin giữ tài sản 200-300 tỷ, nói giờ 'lấy vợ thoải mái”... (Tiền phong).
Có người nói, Sư bây giờ là các “phú tăng”, kinh doanh siêu lợi nhuận mà không phải đóng thuế…
“Đại chúng” như thế nào thì “Sư” mới “thoải mái” như vậy chứ!
Nói riêng về chuyện “phóng sinh”.
Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó bị đày ải hay có nguy cơ bị chết được cơ hội tiếp tục sống.
Con người vẫn là sinh vật đáng thương nhất, vì nó hiểu biết hơn muôn loài và có đời sống tâm hồn, tình cảm phức tạp, lại phải sống giữa đồng loại nhiều mưu ma chước quỷ tàn ác nhất. Bao nhiêu con người bị oan khuất tù đày, bị đe dọa sự sống mà sao không thấy các nhà sư và phật tử quan tâm kêu gọi “phóng sinh”? Có nhà sư hay phật tử nào ký vào đơn đòi “phóng sinh” cho hai tử tù oan khuất là Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng không nhi? Sao lòng từ bi trước hết không quan tâm đến đồng loại?
Còn “phóng sinh” hiểu theo nghĩa thông thường là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát, hoặc nhìn thấy một hoặc nhiều con vật sắp bị giết, thì bỏ tiền ra mua để cứu sống chúng. Thấy những kẻ đánh bẫy muông thú thì khuyên can, ngăn chặn họ; thấy những con muông thú bị thương, bị nhốt thì đưa chúng đến các Trung tâm Cứu hộ động vật để chăm sóc, khi chúng có khả năng tự sống trong môi trường tự nhiên mới “phóng sinh”...
Cách “diễn trò phóng sinh” như các chùa làm hiện nay đã và đang bị rất nhiều người lên án: Đó là tội ác chứ không phải “phóng sinh”!
Những con cá, con chim… đang sống trong môi trường tự nhiên của nó thì bị bắt bằng mọi cách dã man, giam cầm chúng trong môi trường chật chội, hoảng loạn, đói khát rồi tổ chức “phóng sinh”. Muốn “Lễ phóng sinh” thật hoành tráng phải có chỉ đạo, tổ chức, “toàn hệ thống ra quân”: Sư tổ chức, “đặt hàng”, đầu nậu chỉ đạo các đàn em “gom hàng” (nghe nói có sư ở chùa nọ gọi điện cho “đầu nậu” cung cấp 2.000 con chim cho “lễ phóng sinh” dịp này…. Còn “đại chúng” thì “cúng dường” và tham dự thật đông vui cho “Đại Lễ phóng sinh” chùa ta hoành tráng hơn mọi chùa khác, nhất vùng! Các sư và “đại chúng” đều hoan hỉ thả chim!
Nhưng than ôi, chim bay túa ra khỏi lồng, con thì ngã dúi nằm bẹp, con thì lăn quay, con thì bay lên lại rơi xuống, vì cánh gãy; con thì cố bay lên cành cây nhưng không đậu được vì chân què, lại bay bay và rơi; nhiều con bay vật vờ mấy ngày rồi cũng rơi xuống chết vì mệt, đói, rét, không có tổ ấm, không kiếm được mồi trong môi trường lạ…
Trong khi chim bố mẹ bị bẫy, nhốt chờ “phóng sinh” thì mấy con chim con ở tổ há miệng kêu hết hơi rồi chết đói trơ xương! Nhìn cảnh đó thật thương tâm và không thể không lên án kẻ bẫy chim độc ác và những kẻ đồng loã, mua những con chim bị bẫy.
Có CẦU thì mới có CUNG. Nếu không mua chim, cá để “phóng sinh” thì những kẻ bẫy chim, bẫy cá sẽ ít đi, bớt gây tội ác hơn.
Phật giáo ở nước ta thịnh hành từ đời Lý và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử, có bao giờ như “Phật giáo” thời nay không? Có bao giờ làm trò “phóng sinh” dã man như ngày nay không?
28/8/2023
MVT

ĐIÊN ĐẢO PHÓNG SINH
THÁI HẠO/FB / TD 27-8-2023


9 giờ sáng, vừa ra khỏi nhà khoảng 1 cây số, thấy một người đàn ông đang ngồi trên đê bên cạnh chiếc xe máy. Đi qua chừng mươi bước chân bỗng nghe tiếng chim sẻ ríu ran chói tai, nhìn lên cây cột điện trước mặt thấy những que sắt tua tủa, trên đó nhiều con chim đang vùng vẫy. Vòng xe lại:
- Anh đánh bẫy chim phải không?
- Vâng, có gì không?
- Không được bẫy chim, anh gỡ ngay đi.
- Nhưng người ta cho đánh mà?
- Ai cho, tôi gọi công an nhé?
- Nơi cho nơi không, ở đây không được đánh thì thôi, em đi là được mà.
- Anh đánh chim làm gì vậy?
- Phóng sinh.
- Phóng sinh gì, chim đang sống yên ổn, các anh bắt nhốt lại rồi mang đi nơi khác thả ra, đó là giết chim chứ phóng cái gì! Nhìn xem, con thì rụng lông, con thì gãy cánh, phóng cái gì!
- Chùa đặt mua thì bọn em mới bắt bán, anh không tin thì xuống chùa Phúc Long hỏi, sáng qua họ mới phóng sinh 500 con đấy.
- Anh thử nghĩ coi, nếu anh đang đi làm mà bị người ta bắt nhốt lại hàng mấy ngày rồi mang sang châu Phi mà thả, con cái anh ở nhà làm sao?
- Không, chủ yếu chim con, chứ chim bố mẹ ít lắm.
- Thế nếu con cái anh đi chơi, rồi bị người ta bắt nhốt lại, mang đi nới khác “phóng sinh”, anh thấy thế nào?
- Bọn em cũng vì kiếm miếng ăn thôi anh ạ, chùa đặt thì bọn em mới bắt. Thôi em đi...
Thấy tức giận trong lòng. Đây là hành vi sát sinh chứ không liên quan gì đến phóng sinh cả. Với những kẻ gọi là “thầy tu” kia, nên dùng bẫy mà bắt nhốt lại trong những chiếc cũi sắt, bỏ lên xe máy mà chở đi giữa trời nắng, rồi mấy ngày sau thì “phóng sinh” bọn họ ở một nơi khỉ ho cò gáy nào đó. Có lẽ, chỉ có như thế họ mới biết thế nào là khổ nạn của chim trời cá nước đang bị họ hành hạ nhân danh cái sự tu tập quái thai.
Rõ ràng, hành động công khai đặt hàng, mua bán chim trời để “phóng sinh” của các chùa chiền là ngang nhiên vi phạm pháp luật, cần phải bị xử phạt nghiêm khắc chứ không thể để mặc như hiện nay. Chẳng lẽ luật làm ra chỉ để chơi thôi sao?
Phóng sinh hay ăn chay là vì tình yêu với muôn loài mà làm, khi thấy những con vật không may bị giam nhốt hay đang gặp nguy hiểm thì tìm cách cứu giúp nếu có thể, chứ đâu lại ra cái lối bẫy bắt bất nhân như thế. “Phật tử” thì cũng u mê, nghe theo bọn tà sư rồi cứ nẻo ác mà ra tay. Phước đâu không thấy, toàn gây ác nghiệp.
Tu là dùng sự hiểu biết mà luyện tâm cho bình đẳng, nuôi dưỡng tình yêu thương để chung sống với nhau và với muôn loài, chứ không phải bồi đắp cho lòng tham lam u mê ám độn vì mong cầu “được phước báu”. Tu như vậy thì khác gì đồ tể!
Dân, nên tránh xa các chùa quốc doanh và bọn sư hổ mang mới mong bớt dần sự điên đảo đảo điên này.
Thái Hạo

PHÓNG SINH
CHU MỘNG LONG/FB 27-8-2023


KỲ 1
- Chiếp chiếp… Anh ơi, em đói quá!...
- Chiếp chiếp… Em cũng đói quá!...
Tiếng hai con chim nhỏ kêu rên thống thiết làm con chim lớn nhất trong tổ cũng động lòng. Mỗi lần bố mẹ mang mồi về, nó thường há mỏ to hơn và ăn no trước khi bố mẹ mớm cho hai em nhỏ. Nhưng mấy hôm rồi không thấy bố mẹ về, nó cũng bắt đầu đói. Đói rã họng vì mỗi khi có tiếng động là nó há hốc mỏ ra chờ. Chờ mãi cũng chỉ có thể nuốt gió vào trong bụng. Hai con chim bé nhỏ, em nó, đang run lên, hai bên mép đã bắt đầu sùi bọt. Lần đầu tiên con chim anh thấy mình có lỗi với hai đứa em. Giá như những ngày trước đây, nó nhường mồi cho em mình thì hai em nhỏ chưa đến nỗi...
Con chim anh nghếch mỏ qua thành tổ, nhìn xa xăm phía vườn cây, nơi bố mẹ nó vẫn từ đó bay về mang theo mồi cho anh em nó. Chờ mãi cho đến chiều tàn. Cánh rừng vắng tanh. Chỉ nghe tiếng chuông chùa vọng lại và màn đêm ập xuống.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày trôi qua. Con chim bé nhất đã không còn hơi thở. Con chim bé thứ hai yếu dần, nó rên rỉ lần nữa: "Bao giờ thì bố mẹ về?" Con chim anh chưa kịp động viên đứa em còn lại thì đứa em bé nhỏ ấy cũng đã run lên bần bật và trút hơi thở cuối cùng. Con chim anh xoè đôi cánh với mấy sợi lông ngắn ngủn ấp lên thân hai đứa em nhỏ. Lần đầu tiên nó thấy cái tổ ấm lâu nay của nó lạnh toát. Nó khóc, tiếng khóc não nùng. Không biết bố mẹ nó có nghe không?
Đến hôm thứ tư thì con chim bố mang bộ cánh xác xơ quay về. Chim bố nhìn vào tổ. Chỉ còn một cái mỏ há hốc ra chờ đợi như đã chờ đợi bao nhiêu ngày. Hai cái mỏ còn lại đã bẹp dí dưới đáy tổ. Chim bố vội vã bay đi rồi lại bay về. Mênh mông cánh rừng bạch đàn, không một trái cây, không một con sâu hay cái kiến để có thể tha về làm mồi cho đứa con còn sót lại. Nó nhìn đứa con còn sống sót ấy với cái mỏ há hốc ra, bụng thở thoi thóp mà không biết lấy cái gì để mớm cho con. Nó ngơ ngác nhìn quanh rồi đột nhiên cất cánh bay nhanh về phía chùa. Nhà chùa từng là nơi tập kết hàng trăm loài chim khác nhau trước lễ phóng sinh, cũng là nơi con chim bố vừa sẩy lồng.
"Con của chúng ta sắp chết hết rồi". Chim bố nói với chim mẹ đang bị nhốt trong lồng. Chim mẹ kêu thét lên một tiếng. Nó hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó rỉa lấy thức ăn trong lồng và mớm sang mỏ chim bố thật nhiều. Chim bố bay thẳng về tổ mớm cho con chim non còn sót lại. Mớm xong nó lại bay về phía chùa lấy thức ăn...
Cứ thế, đến lần thứ ba thì chim bố sập bẫy. Chim bố vùng vẫy kêu lên thống thiết, nhưng chỉ nghe mấy tiếng từ bi: "A di đà Phật. Tạm nương nhờ cửa Phật nhé. Đến rằm ta sẽ phóng sinh cho các con".
Ơn Phật, chim bố lần này được nhốt chung lồng với chim mẹ. Chim mẹ nhẩm tính: "Từ nay đến rằm phải mất chục ngày nữa. Mấy đứa con của ta có lẽ chỉ còn cái xác khô". Chim bố thở dài rồi an ủi vợ: "Đành vậy thôi. Tính ra chúng ta vào lồng rồi sẩy lồng cũng đã dăm bận nhưng đã không cứu được con mình. Lần này muộn mằn lắm mới sinh được lứa nữa. Chém cha cái kiếp phiêu bồng, thoát ra rồi lại chui lồng như chơi. Thôi thì chờ vậy, còn nước còn tát. Anh nghe sư thầy nói phóng sinh là thực hiện sứ mệnh cao cả đấy!"
Đợi mòn mỏi rồi ngày rằm cũng đến. Sau lễ cúng Phật, đôi chim kia được phóng sinh cùng hàng trăm con chim khác. Cả hai chấp chới bay về tổ. Khi được thả ra khỏi lồng, cả hai không quên ngậm vào mồm thật nhiều thức ăn, hy vọng có thể cứu được đứa con còn lại của mình. Nhưng khi về đến tổ thì... Đám giòi bọ sau khi để lại di cốt ba đứa con cho vợ chồng nhà chim thì chúng cũng đã hoá kiếp hay siêu thoát hết...
Đôi chim bố mẹ nghẹn ngào nhả hết thức ăn vào tổ như là lần mớm sau cùng tiễn biệt những đứa con. Chiều tàn buông xuống, đôi chim nép vào nhau và rì rầm lời tụng chúng đã thuộc làu trong những buổi lễ cầu siêu: Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Lượng Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội, Vô Biên Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Ngại Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc Cực lạc giới Di Ðà Hải hội Vô Ðối Quang Như Lai. Nam mô An Dưỡng quốc, Cực lạc giới Di Ðà Hải hội, Diệm Vương Quang Như Lai...
KỲ 2
(Ác nghiệp trùng trùng, biết bao giờ thoát?)
Sân chùa tháng cô hồn. Tờ mờ sáng đã đông người. Có những người ăn mặc kín đáo và có những cô gái trẻ khoe bẹn, khoe nội y. Họ đều là Phật tử đi lễ. Dưới những bóng cây cổ thụ, lại có không ít tục tử đi đi lại lại ngó nghiêng với những cạm bẫy trên tay.
Sân chùa náo nhiệt. Nhưng sự náo nhiệt đám đông không át nổi tiếng loa từ mái chùa vang ra. Bài kinh Vu Lan Bồn được tua đi tua lại với những giai điệu đều đều theo tiếng mõ, nhưng nội dung rùng rợn như tái hiện cảnh âm ty: Trong năm đại tội kể ra/ Bất hiếu thứ nhất thật là trọng thay/Sau khi chết bị đày vào ngục/ Ngũ Vô Gián, cũng gọi A-tỳ/ Ngục này trong núi Thiết Vi/ Vách phên bằng sắt vây quanh bốn bề/ Trong ngục này hằng ngày lửa cháy/ Đốt tội nhân hết thảy thành than/ Có lò nấu sắt cho tan/ Rót vào trong miệng tội nhân hành hình/ Một vá đủ cho người thọ khổ/ Lột thịt da đau thấu tâm can/ Lại có chó sắt, rắn gang/ Phun ra khói lửa đốt đoàn tội nhân/ Ở trong ngục có giường bằng sắt/ Bắt tội nhân nằm khắp đó xong/Rồi cho một ngọn lửa hồng/ Nướng quay kẻ tội da phồng thịt thau/ Móc bằng sắt, thương đao, gươm giáo/ Trên không trung đổ tháo như mưa/ Gặp ai chém nấy chẳng chừa/ Làm cho thân thể nát nhừ như tương/ Những hình phạt vô phương kể hết/ Mỗi ngục đều có cách trị riêng/ Như là xe sắt phân thây/ Chim ưng mổ bụng, trâu cày lưỡi le....
Một sân khấu cho đại lễ được chuẩn bị rất chu đáo, trang nghiêm. Cờ phướn rợp trời. Giữa sân là những cái lồng sắt với hàng vạn chúng sinh bị nhốt. Những con chim lớn nhỏ không biết đã vào lồng khi nào. Sau một đêm thức giấc, chúng nhảy loạn xạ, lông lá tả tơi. Có những con tróc mỏ, tróc đầu đỏ lòm lom. Có những con kiệt sức không nhảy nổi, mắt nhắm nghiền, thở thoi thóp dưới cái nắng đã bắt đầu đổ lửa.
- Dậy đi con! - Chim mẹ nói, mắt nhìn lên bầu trời chói gắt và hướng về phía cây cổ thụ - Lát nữa, con hãy cố sức bay đến tán cây kia. Nếu không thì con sẽ mãi mãi ở trong này và chết...
Chim non không buồn mở mắt. Nước mắt ướt nhèm lẫn nước dãi nhểu xuống giữa chừng lõng thõng không chịu rớt. Nó thều thào:
- Mẹ ơi, con có mắc tội đại nghịch bất hiếu đâu mà phải bị nhốt trong lồng sắt thế này? Có khi nào người ta đưa con vào lò nướng không?
Chim non nghĩ đến cảnh bị vặt lông rồi đưa lên lò nướng, da dẻ phồng rộp lên và người ta đưa vào mồm nhai rau ráu. Chim mẹ nhìn chim con. Xem chừng nó không thể vượt qua cái khoảng cách giữa sân chùa để bay đến cái tán cây cao kia. Chim mẹ thở dài:
- Bài kinh con vừa nghe là nói cho loài người. Không nói cho con. Lát nữa chư tăng sẽ phóng sinh con về với núi rừng. Con hãy niệm Phật từ bi cứu độ và đội ơn chư tăng nhón tay làm phúc...
Chim non khẽ kêu mấy tiếng chiêm chiếp và niệm theo lời kinh phát ra từ loa. Nó mơ ước khi được phóng sinh, đôi cánh bé bỏng, non yếu của nó được bàn tay Phật nâng lên bồng bềnh bay thẳng về phía núi xa xa...
Một con chim khác, trông rất mạnh khoẻ, bảnh bao nhưng chẳng thèm nhảy loạn xạ tìm đường thoát ra ngoài như những con chim khác. Nó cứ ung dung ăn uống những thứ đựng sẵn trong lồng, thỉnh thoảng mổ lũ chim hay nhảy loạn xạ kia rồi mắng đồ ngu. Nó ái ngại nhìn con chim non rồi nói với người mẹ tội nghiệp kia:
- Xem chừng đứa bé này không sống nổi chứ đừng nói thoát ra khỏi chỗ này. Mẹ con chị lần đầu tiên vào đây?
- Vâng, nhưng lẽ nào phải vào ra chỗ này nhiều lần?
Cái con chim mạnh khoẻ, bảnh bao kia cất lên một giọng hót véo von như một con chim già rừng, từng trải:
- Luân hồi một kiếp lao đao/ Bay ra rồi lại chui vào như chơi/Trời cao một cõi chơi vơi/ Rừng xanh một chốn cũng dời vào đây...
Hót xong, nó nói:
- Thưa chị, tôi vào ra cái lồng này cũng đã chục lần. Tôi nghe sư thầy bảo bánh xe luân hồi sẽ còn quay mãi không dứt.
Nói đoạn, con chim mạnh khoẻ, bảnh bao chỉ ra vườn cây, ở đó đủ thứ cạm bẫy giăng sẵn, có cố sức bay lên cao cũng khó thoát. Nó xoè đôi cánh cho chị chim mẹ kia xem và giải thích, cái kẹp người ta gài trong mỗi đôi cánh chim kia là để không con nào bay cao, bay xa được.
Chim mẹ giật mình nghĩ đến trong nách mình cũng có một chiếc kẹp, nhưng may quá, hình như người ta không đủ kẹp để kẹp đôi cánh của nó. Nó nghĩ miên man, rằng có khi nào mẹ con ta được thả ra rồi lại bị bắt vào như chơi?...
- Mẹ con chị chưa bị kẹp cánh là may - Con chim khoẻ mạnh, bảnh bao động viên - Nên tĩnh một lúc đi. Đợi khi làm lễ phóng sinh, nếu thấy đủ sức thì bay lủi thẳng vào bụi rậm, tìm chỗ nấp kỹ, đợi khi nửa đêm vắng người thì may ra thoát. Tôi thì bị bắt đi bắt lại chán rồi, không thèm mang ơn phóng sinh nữa.
Đúng lúc đó đại lễ phóng sinh bắt đầu. Sự thầy trụ trì thắp hương khấn nguyện: Hôm nay đông đảo thiện nam tín nữ phát tâm mua chuộc sinh mệnh chúng sinh để phóng sinh. Nguyện mười phương Tam Bảo từ bi phóng quang tiếp độ chúng sinh thoát khỏi luân hồi, an vui Cực Lạc quốc...
Sư thầy đi vòng quanh sân chim, kiểm tra từng cái lồng và quan sát những cánh chim. Ngài thung dung rảo bước ra vườn dặn dò quân săn chim chờ sẵn các gốc cây: "Cẩn thận, đừng cho chúng nó thoát! Thoát con nào là mất tiền con đó đấy" Nói xong, ngài đưa cho mỗi đứa một phong bì trích ra từ tiền cúng của các thiện nam tín nữ rồi mới rảo bước về lại sân chim. Ngài niệm kinh như nói với đám chim bị nhốt:
- Bọn cầm thú lỡ gây ác nghiệp/ Đều là do vô thỉ sân si/ Từ thân miệng ý phát đi/ Hôm nay sám hối để bay về trời. Nam mô quy y Kim Cang thượng sư. Nam mô quy y Phật, Nam mô quy y Pháp, Nam mô quy y Tăng...
Nghe đến đó, chú chim non hỏi mẹ:
- Con chỉ ăn sâu bọ, đã gây ác nghiệp gì mà phải sám hối vậy mẹ?
Chim mẹ không giải thích được, nó nhìn chim con mà ứa nước mắt.
Sư thầy lại đọc chú Vãn phóng sinh:
- Này đây hỡi các loài cầm thú/ Lắng tai nghe cho rõ điều răn/ Dẫu là bơi trước lặn sau/ Bay cao hay thấp cũng chung một nồi...
Nghe đến đó đã phát kinh. Tất cả bọn chim trong lồng đều nhảy loạn xạ. Sư thầy đọc tiếp:
- Thương thay thân phận các ngươi/ Cũng đừng trách bởi ông trời vô luân/ Hôm nay nhờ gặp thiện nhân/ Phóng sinh gieo đức cho quân chúng mày... Diệt định nghiệp chơn ngôn: Án bát ra mạt lân nãnh ta bà ha. Diệt nghiệp chướng chơn ngôn: Án a lỗ lặc kế ta bà ha...
Đọc xong, sư thầy lệnh cho các tăng mở cửa tháo lồng. Hàng loạt con chim tuôn ra rồi lảo đảo bay ra vườn cây. Có con vừa ra khỏi lồng đã lăn ra chết. Sư thầy nhỏ lệ lầm rầm khấn cầu A di đà Phật tiếp độ hương linh chúng sinh bé nhỏ an vui Cực Lạc quốc, rồi tiện tay vứt những con chết dồn về một đống để hoả thiêu.
Trong chiếc lồng kia, chim mẹ dùng hết tàn lực dìu con chim non thoát được ra ngoài, nhưng không cách nào bay xa được. Nó đang lo lắng bị bắt lại và cơ chừng này thì con nó sẽ chết. Nó loay hoay đủ cách, trong khi những con chim khoẻ mạnh bay được xa thì đã bị tóm gần hết. Nó nhìn lại cái lồng thì thấy con chim khoẻ mạnh bảnh bao vẫn không chịu thoát ra ngoài. Ôi, lẽ nào tự do của nó là chiếc lồng? Nó chỉ còn cách tha con của mình lủi đến bụi rậm gần nhất. Nó lê lết lăn lộn nhiều vòng trong đất cát, thỉnh thoảng nhắc con: "Con yêu, cố lên! Sắp tự do rồi. Con chẳng có tội tình gì". Con chim khoẻ mạnh, bảnh bao trong lồng vừa quan sát hai mẹ con cực nhọc vượt qua chặng đường đến bụi rậm vừa ngửa cổ hót véo von: "Chim với người ai là cầm thú/ Kẻ sát sinh sao cứ nhơn nhơn/ Nhốt tù cho thoả nguồn cơn/ Thả ra rồi kể công ơn đạo tràng/ Tự do phải đâu miền Cực Lạc/ Là mênh mông bát ngát trời xanh...
Trong lúc sư thầy và mọi người chăm chú vào tiếng hót lạ của con chim còn lại trong lồng thì mẹ con nhà kia đã lủi vào bụi rậm an toàn, không ai nhìn thấy. Nửa đêm hai mẹ con tẩu thoát về rừng. Chim con hỏi chim mẹ: "Như vậy là mẹ con mình được phóng sinh hả mẹ?" Chim mẹ lắc đầu: "Đó không phải là được phóng sinh. Mẹ con mình vừa chạy giặc". Trong xa thẳm nơi núi rừng hoang dã, mẹ con chim nhà kia vẫn nghe văng vẳng lời hót của con chim khoẻ mạnh, bảnh bao từng ở cùng lồng. Chim mẹ nói với chim con: "Không nhờ anh ấy thì mẹ con ta đã bị bắt lại. Anh ấy hiểu nghĩa lý của tự do, nhưng đã hy sinh cho chúng ta tự do. Ơn này không phải do kẻ nhốt ta rồi thả ra mà nhờ sự hy sinh cao cả ấy".
Hai tháng Chín và Rằm tháng Bảy,
Chu Mộng Long

THẢ CHIM
Nguyễn Thùy Dương/BVN 28-8-2023
Mấy ngày nay, mình thấy người ta chửi nhau chuyện thả chim hay mặc kệ chim.
Bên mặc kệ chim thì nói thả chim (phóng sinh) là tiếp tay cho tội ác. Càng thả thì tụi bẫy chim càng bắt nhiều chim để bán. Thả chim tạo ra nhu cầu cung, nên bên bán sẽ mua vô nhiều cho người ta thả. Hại loài chim càng khổ đau và bị tiêu diệt nhiều hơn.
Bên thả chim thì nói tụi phản đối thả chim là ngăn chặn phóng sinh, độc ác. Kẻ ngăn chặn người khác thả một loài đang bị giam cầm thì tương lai cũng sẽ trả quả cho hành động đó.
Nhìn chung, hai bên đều có lý. Nhưng cả hai bên không bên nào tự hỏi nhau: Nhà Nước đâu?
Chim càng ngày càng ít, lạm dụng thuốc trừ sâu càng ngày càng nhiều. Tại sao không ban hành lệnh hoặc đưa vào Luật để bảo vệ các loài chim nhỏ khỏi bị săn bắt, đánh bẫy và cấm buôn bán chim? Cứ cấm đi và ai bán sẽ bị lập biên bản xử phạt, tổ kiểm tra thả chim ngay lập tức khi phát hiện chim bị nhốt bán. Làm vậy ai còn muốn buôn bán chim nữa. Tổ kiểm tra cũng tạo công đức không kém mấy ông tụng kinh cả tiếng đồng hồ mới thả chim.
Nhưng phải làm thường xuyên liên tục, mang tính triệt để chứ không phải hù rồi thôi. Hoặc ra Luật để cán bộ có cớ vòi tiền người bán chim, có tiền thì khỏi bị phạt, không bị thả chim. Hay nặng hơn là xử lý hình sự khi vi phạm nhiều lần.
Vấn đề ở đây nằm ở tầm nhìn của các vị Quản lý nhà nước. Chim là thước đo môi trường không khí, cá là thước đo môi trường nước. Các vị phải tự có chính sách bảo vệ chim cá cho phù hợp chứ không phải để mỗi năm đến dịp dân cãi nhau vì chuyện này. Đây không phải chỉ là chuyện tâm linh công đức mà còn là chuyện môi trường sống của con người.
Trong khi các nước văn minh nhường đường cho một bầy vịt qua đường thì nước ta nhốt chim từng lồng trước cổng đình chùa. Ngay cả trước lăng Ông Bà Chiểu cũng lồng lồng.
Rồi du khách nước ngoài họ nhìn ta như thế nào đây? Lãnh đạo văn minh tự sẽ xây dựng được con đường văn minh cho Dân tộc. Còn để dân cứ tranh cãi mãi vẫn không ra vấn đề của hành động văn minh thì cần lãnh đạo để làm gì?
N.T.D.
Nguồn: FB Nguyễn Thùy Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét