Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

20230816. 'NGỤC KÝ' CỦA CÙ HUY HÀ VŨ

   ĐIỂM BÁO MẠNG

GẶP LUẬT SƯ VÀ GIÁM THỊ TRƯỚC PHIÊN TÒA PHÚC THẨM

TS LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ/ BVN 10-8-2023



KỲ 1
DẪN NHẬP
Sáng 2/8/2023 vừa qua, khi tôi đang ngồi đọc tin ở phòng khách kiêm thư viện của căn nhà nhỏ bé của vợ chồng tôi tại Little Sài Gòn thì Dương Hà hỏi giật giọng: “Anh có biết hôm nay là ngày gì không?”. Thấy tôi ớ ra, vợ thân yêu của tôi bèn nói: “Ngày này cách đây chẵn 12 năm, anh bị xử phúc thẩm đấy. JB Nguyễn Hữu Vinh vừa bắt đầu đăng lại loạt bài “Tôi đi dự phiên tòa phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ” trên FB của cậu ấy. Người ta còn nhớ tới “sự kiện” của anh, còn anh thì không nhớ”. “Rõ chán!”, nàng bồi thêm. Quả thực, ngày đó tôi bị Tòa phúc thẩm – Tòa án tối cao của Việt Nam y án sơ thẩm, kết án 7 năm tù và 3 năm quản chế về “Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhưng giời ạ, thiên hạ còn bao chuyện oan khuất phải nói ra thì thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện cũ của mình, vả lại nó cũng qua lâu rồi. Nghĩ vậy, nhưng chợt nhớ bà xã có gốc “Hà Đông” nên tôi nhanh chóng dàn hòa: “Những ngày vừa qua anh mải viết bài về vụ hàm oan Hoàng Văn Hưng trong đại án “chuyến bay giải cứu” nên quên khuấy đi mất. Bây giờ thì anh viết cái gì đó về cái ngày đó vậy, được chưa nào?”. Dương Hà gợi ý: “Nhân đây, anh cũng nên lên kế hoạch viết về những năm tháng anh bị tù đày đi. Để cho các con, các cháu nó còn biết!”. Ngẫm thấy vợ nói chí phải. Mình chẳng có của nả thì cũng phải để lại chút gì gọi là “phi vật thể” cho chúng nó chứ! Vả lại, các vĩ nhân còn chả nề hà viết về quãng đời của họ trong lao tù, còn mình chưa là cái gì thì sao mà sĩ diện được. Thực ra thì kể từ khi bị đưa đi thi hành án tại Trại giam số 5 ở Thanh Hóa, hầu như ngày nào tôi cũng viết nhật ký trên vở khổ to, tổng cộng ước trên 2000 trang. Thế nhưng khi tôi bị dẫn giải ra sân bay Nội Bài để bay sang Mỹ theo lời mời của Chính phủ Mỹ, toàn bộ đồ đạc cá nhân của tôi, trong đó có gần hai chục tập nhật ký, đã bị trại giam giữ lại. Nói cho đúng, tôi cũng đã đòi lại được mấy album ảnh của cháu đích tôn Cù Huy Xuân Hoàng để mang theo.
Khi hứa viết hồi ký với vợ thì tưởng như có thể “ăn tươi, nuốt sống”, cho ra sản phẩm ngay được. Đến khi bắt tay vào việc thì mới tá hỏa là phải giải quyết chí ít hai vấn đề sau đây thì dự án mới có thể khởi hành.
Thứ nhất, để những hồi tưởng về thời gian sống bất đắc dĩ nhưng đầy ý nghĩa ấy có được sự xuyên suốt, thì phải tìm cho chúng một cái tên chung, dù là tạm thời. “Ngục trung chuyện” hay “Những mẩu chuyện của thời đi tù”? Không được, thể nào cũng có kẻ nói là mình “bắt chước” mà không phải là “noi gương” lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Hành trình đến tự do” ư? Không được nốt. Nelson Madela, người mà tôi cũng rất ngưỡng mộ, sẽ cười mà bảo: “Cái tên đó thuộc tác quyền của ta rồi”, Rốt cuộc lấy “Ngục ký” cho chắc ăn, bởi tra “ông” Google thì chưa thấy tác phẩm nào có tên thế cả. Cho dù nghe nó cứ cụt lủn thế nào ấy!
Thứ hai, lựa chọn sự kiện để bắt đầu hồi ký. Sẽ là hợp lý nếu bắt đầu bằng việc nhà cầm quyền bắt giữ tôi. Thế nhưng, như trên đã nói, tôi đã hứa với bà xã là trước tiên viết cái gì đó xoay quanh phiên tòa phúc thẩm. Vả lại, nếu bắt đầu bằng cái bắt đầu thì về nguyên tắc, các mẩu hồi ức đã phải sẵn sàng. Bởi chỉ có vậy thì trật tự về thời gian của các sự kiện mới được đảm bảo. Nhưng để được như thế thì phải rất lâu nữa những câu chuyện trong tù của tôi mới có thể đến với bạn đọc trong khi không ít người mong ngóng. Vậy để được việc, tôi sẽ áp dụng nguyên tắc “nhớ gì ghi nấy” cho “Ngục ký”.
Sau đây là những gì đã xảy ra hôm trước và trong ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, cái ngày mà tôi, Cù Huy Hà Vũ, chính thức trở thành tù nhân của chế độ cộng sản Việt Nam.
LUẬT SƯ TRẦN QUỐC THUẬN
Hôm trước phiên tòa phúc thẩm diễn ra ngày 2/8/2011, tại Tòa án tối cao, Luật sư Trần Quốc Thuận vào Trại tạm giam số 1 - Công an Hà Nội để bàn việc bào chữa với tôi. Đó là một con người có nhân thân đặc biệt. Ông đã là Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhưng trước hết, là một tù chính trị.
Hoạt động bí mật trong Phong trào Thanh niên - Sinh viên - Học sinh ở miền Nam trước 1975, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và kết án tử hình, sau giảm xuống tù có thời hạn và đem giam ở Côn Đảo. Vợ ông là bà Võ Thị Thắng, có nhân thân đặc biệt không kém. Bà cũng bị chính quyền miền Nam đày ra “địa ngục trần gian” với bản án 20 năm tù. Trước tòa án binh Sài Gòn sau Tết Mậu Thân 1968, nữ sinh họ Võ đã đi vào lịch sử với một nụ cười cùng một câu nói phải gọi là bất hủ: “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?”.
Sự ngưỡng mộ đã dẫn dắt tôi tới thăm “Nụ cười Chiến Thắng” tại nhà riêng của vợ chồng bà ở thành phố Hồ Chí Minh. Dung dị, Võ Thị Thắng ân cần tiếp tôi và trải lòng nhiều điều… Đúng là “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay” (Nguyễn Du). Tôi sẽ trở lại những uẩn khúc này của cựu Ủy viên trung ương Đảng CSVN, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, và có lẽ cũng của không ít cựu tù chính trị xuất thân học sinh, sinh viên miền Nam một thời hừng hực tranh đấu…
Luật sư Thuận và tôi quen nhau cũng khá tình cờ. Ngày 11/6/2009, tôi khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do ra quyết định cho phép Trung Quốc khai thác Bauxite ở Tây nguyên, một quyết định vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Cụ thể là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ di sản văn hóa, Luật Quốc phòng, và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Điều tệ hại bao trùm của quyết định này là “rước” Trung Quốc với dã tâm xâm lược không dấu diếm vào Tây Nguyên, vùng đất chiến lược quan trọng bậc nhất không chỉ của Việt Nam mà của toàn bán đảo Đông Dương khi xét đến Việt Nam, Lào và Campuchia như một liên kết địa - chính trị. Chả thế, người Pháp đã có câu “Ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ cả Đông Dương”.
Đang cùng bạn bè rôm rả về triển vọng vụ kiện, bỗng điện thoại di động của tôi đổ chuông. Đầu bên kia là một giọng miền Nam: “Anh Vũ à, tôi là Trần Quốc Thuận, cựu tù chính trị Côn Đảo. Tôi rất hoan nghênh anh kiện Thủ tướng Dũng”. Hỏi ra mới biết danh vị Nhà nước của ông cũng như biết được vợ ông là Võ Thị Thắng. Ông hiện là luật sư thuộc Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh. Tôi liền nói: “Anh cứ gọi em là em thôi. Anh chị là những bậc anh hùng mà em rất ngưỡng mộ”. Chuyện trò được một lúc, Luật sư Thuận kết thúc: “Tôi và bạn bè của tôi, đặc biệt những cựu tù chính trị Côn Đảo, rất ủng hộ vụ kiện này của Vũ và chúc Vũ thắng kiện”. Sau đó, thỉnh thoảng ông gọi điện và tâm huyết trao đổi về vụ kiện Thủ tướng Dũng cũng như một số vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội. Tóm lại là Trần Quốc Thuận và tôi tâm đắc với nhau dù chưa một lần gặp mặt. “Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” là vậy!
Trước phiên tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011 diễn ra tại Tòa án Hà Nội, có 3 luật sư của Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận bào chữa cho tôi là Nguyễn Thị Dương Hà, Trưởng Văn phòng, Vương Thị Thanh và Hà Huy Sơn. Ngoài ra còn có các luật sư Trần Đình Triển và Trần Vũ Hải. Tất cả đều bào chữa miễn phí. Tuy nhiên sau đó Tòa án Hà Nội đã rút giấy phép bào chữa của vợ tôi với lý do “làm lộ bí mật vụ án”. Đây thực sự là một sự đàn áp khốc liệt từ cơ quan tiến hành xét xử vì việc Luật sư Dương Hà cung cấp cho báo chí các lời khai và tuyên bố của bị cáo Cù Huy Hà Vũ là hoàn toàn hợp pháp, bởi giai đoạn điều tra đã kết thúc. Vấn đề là phải bình tĩnh để chuẩn bị tốt nhất cho phiên tòa phúc thẩm. Ngoài 4 luật sư đã tham gia phiên tòa sơ thẩm, tôi nói Dương Hà mời thêm Luật sư Trần Quốc Thuận. Khi vào thăm tôi lần sau, vợ tôi hân hoan thông báo là Luật sư Thuận đã ngay lập tức nhận lời bào chữa và miễn phí. Ông còn hối gửi nhanh hồ sơ vụ án để ông đọc.
Gần cổng trại giam là một dãy nhà 2 tầng có chức năng hỗn hợp: vừa là nơi lấy cung, vừa là nơi tù nhân làm việc với luật sư và cũng là nơi gặp gia đình đến thăm. Khi tôi vừa được dẫn giải tới thì một người đàn ông vẻ mặt đôn hậu, dáng cao, người đậm, mặc sơ mi trắng cộc, tay xách cặp xuất hiện cùng một cảnh sát. Ông hóm hỉnh nhìn tôi. Luật sư Thuận đây rồi! Anh hùng thời chiến tranh mà tôi ngưỡng mộ đây rồi! Tôi tiến tới ôm ông thật chặt, như thể người thân lâu ngày gặp nhau. Viên cảnh sát đi kèm nói chúng tôi có một tiếng để làm việc.
Khi hai người đã ngồi vào bàn trong một căn phòng trên tầng 2, tôi hỏi ngay vị luật sư của tôi về kế hoạch bào chữa thì ông đưa cho tôi một túi ni lông đựng hai cái bánh giò gói lá chuối và một khoanh giò lụa và nói: “Vợ Vũ, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, nhờ tôi chuyển cho Vũ đó. Ăn đi rồi nói chuyện”. Ôi! vợ tôi sao mà tâm lý! Đây là một trong những món khoái khẩu của tôi, ngoài phở. Tôi đưa tay đón lấy, cảm ơn ông rồi bóc hai bánh giò ra ăn, còn khoanh giò lụa thì tôi vẫn để trong túi để chốc nữa làm quà cho Tuấn và Tuấn Anh là phạm nhân cùng buồng giam. Bánh vẫn còn nóng, ngạt ngào thơm. Nhân thịt nạc vai mộc nhĩ mờ ảo hiện dưới lớp bột trong veo… Ăn thì phải thật chậm rãi, để miếng bánh từ từ tan trong miệng thì mới thấm hết được cái hương vị của đặc sản Kẻ Chợ ngày xưa… Nhưng giờ là không phải lúc. Tôi nhanh chóng kết thúc những tấm bánh nghĩa tình vì thời gian với luật sư trước phiên phúc thẩm là vô cùng quý, có thể đếm bằng giây!
Hỏi thăm sức khỏe và tình trạng trong tù của tôi xong, Luật sư Thuận thông báo tình hình bên ngoài sau phiên tòa sơ thẩm xử tôi. Ông nói: “Đã có cả một phong trào đấu tranh đòi trả tự do cho Vũ, từ trong nước ra ngoài nước, từ các tổ chức xã hội dân sự cho đến các chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu. Mọi người bây giờ xuống đường nhiều lắm, khí thế lắm. Vừa rồi, công an đạp cả vào mặt một người biểu tình nhưng cũng không làm ai chùn bước”. Ngừng một lát, ông nói: “Có 3 khả năng cho phiên phúc thẩm ngày mai. Một là y án sơ thẩm 7 năm tù; Hai là giảm nửa án, còn 3-4 năm tù; Ba là trả tự do ngay tại tòa”. Tôi cười: “Anh Thuận ơi! Anh em mình quá biết chính quyền này mà. Không có chuyện Tòa tối cao giảm án hay trả tự do cho em đâu! Đây là án bỏ túi, đã được quyết định trước rồi! Về phần anh và các luật sư khác, em chỉ cần mọi người bảo vệ em hết mình, trên cơ sở lương tâm nghề nghiệp và công lý mà thôi”.
Những việc em làm là chính nghĩa – tôi mạnh mẽ. Em không ngán bất cứ mức án nào. Đến cái chết em còn coi nhẹ như lông hồng. Anh và chị Thắng là những tấm gương cho em đó thôi! Chỉ có điều em sẽ không tuyên bố như chị Thắng, “Liệu chính quyền các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?”. Chị thách thức như vậy là vì tình thế chính trị lúc đó là một mất một còn, chứ bây giờ đất nước thống nhất rồi, đâu còn chính quyền đối địch để mà tiêu diệt. Ngược lại là đằng khác, em chỉ muốn chính quyền Việt Nam ngày càng vững mạnh để có thể bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, mang lại hạnh phúc và thịnh vượng cho mọi người dân và đặc biệt, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trước xâm lược Trung Quốc. Luật sư Thuận gật đầu.
Thế nhưng để Việt Nam có thể vững mạnh – tôi tiếp tục – thì đất nước nhất thiết phải có Dân chủ, Nhân quyền và Nhà nước pháp quyền. Mọi việc em làm đều nhằm mục tiêu đó. Luật sư Thuận lại gật đầu, nói: “Vũ yên tâm, đó cũng là mục tiêu của tôi và các luật sư khác. Mọi người sẽ làm hết sức mình để bảo vệ Vũ trong phiên tòa ngày mai”.
Một cảnh sát vào nhắc đã hết giờ. Trước khi chia tay để gặp lại nhau vào sáng hôm sau tại phòng xử án lớn của Tòa án tối cao, Luật sư Thuận chủ động bước tới và xiết chặt tôi trong vòng tay của ông. Có thể ông được tôi thuyết phục rằng sau ngày mai, sẽ còn rất lâu nữa chúng tôi mới có cuộc trùng phùng. Còn với tôi, cái ôm mạnh mẽ của cựu tử tù chính trị như thầm bảo: Không đàn áp nào ngăn nổi bước ta đi!

KỲ 2
GIỮA ĐƯỜNG THẤY SỰ BẤT BẰNG CHẲNG THA
Tạm biệt Luật sư Trần Quốc Thuận, tôi trở về buồng giam thì đã thấy Tuấn và Tuấn Anh dán mình vào song sắt đợi tôi. Cả hai tíu tít hỏi chuyện gặp luật sư. Tôi đưa cho họ gói ni lông bọc khoanh giò lụa rồi nói: “Luật sư của anh đã chuẩn bị kỹ bài bào chữa. Ông ấy vào chỉ là để chuyển quà của vợ anh và động viên anh thôi”. Nhân đó tôi kể về nhân thân của Luật sư Trần Quốc Thuận. Tuấn Anh lè lưỡi: “Luật sư của anh “to” thế thì ngày mai thể nào anh cũng được về nhà. Để lại đồ của anh cho em nhá!”; Tuấn thì tư lự: “Làm sao em có được một luật sư như thế kia chứ!”. Tôi bảo: “Tù hình sự như các em thì án có thể tùy thuộc vào “to”, “nhỏ” của luật sư. Anh là tù chính trị thì án đã có trước khi bắt. Ngày mai không y án sơ thẩm thì anh cứ đi bằng đầu! Tuy vậy, anh và luật sư vẫn cứ phải chuẩn bị hết tầm. Vấn đề là danh dự”. Tuấn Anh gật đầu: “Ừ phải! Công lý nước mình thì đợi đến Tết Công Gô, anh nhỉ!”. Đến đây, cũng nên cắt nghĩa “Tết Công Gô” là gì.
Trên thế giới có hai nước có cùng tên Công Gô. Cộng hòa Công Gô và Cộng hòa Dân chủ Công Gô. Ở Cộng hòa Dân chủ Công Gô, xung đột vũ trang và khủng hoảng chính trị diễn ra triền miên nên hơn 50 năm người dân mới có lễ hội. Thành thử, khối công dân nước này khi bị Diêm Vương cật vấn “Tết” là gì thì chỉ biết di di ngón chân thành hình tròn. Chính vì lý do này mà dân Việt Nam có câu “đợi đến Tết Công Gô” để nói điều gì đó rất khó xảy ra, thậm chí là không bao giờ. Mà kể cũng lạ, cứ nước nào ngày nay có chữ “dân chủ” hay “nhân dân” trong quốc hiệu thì y như rằng dân xứ đó đa phần khốn khổ, khốn nạn!
Khoảng 3 giờ chiều, khi tôi đang căng đầu nhẩm lại bản tự bào chữa vì giấy bút bị cấm thì cánh cửa buồng giam bật mở, một cảnh sát bước vào nói: “Anh Vũ ra ngoài. Giám thị Bùi Ngọc Bình gặp”. Tôi chợt nhớ có lần viên cai ngục này nửa đùa nửa thật: “Ông Vũ có biết võ không? Tôi muốn đấu với ông!” Không lẽ tay này giờ muốn “tỷ thí” với tôi để làm kỷ niệm bởi thời gian tôi ở trại giam này không còn bao nhiêu nữa?
Thực tình mà nói, khi còn học trung học, tôi cũng võ vẽ đôi chút, gọi là theo phong trào. Nhưng nhờ vậy mà tôi đã dăm lần cứu được bạn bè khỏi những kẻ lưu manh.
Một lần là khi đi xem phim ở Câu lạc bộ Đoàn Kết cùng Trung, em trai của Đặng Dũng, nghệ sĩ kịch câm đầu tiên của Việt Nam và là chồng của nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Ái Vân. Thấy có kẻ móc ví người đang đi trước mặt, tôi bèn giữ tay hắn lại thì hắn bỏ đi. Nào ngờ khi chuẩn bị vào cổng thì Trung phát hiện có mấy thanh niên nhào tới đánh tôi từ đằng sau. Thế là cậu ta kêu lên cho tôi biết. Đám người đó liền quay lại tấn công Trung, đấm gẫy ngay hai răng cửa của cậu ta. Bản tính tôi yêu hòa bình, không muốn đôi co với ai cả. Nhưng trong tình thế bạn mình bị lâm nguy thì “chiến” là mệnh lệnh. Tôi lập tức ra đòn “móc hàm” nhằm vào đứa đầu lĩnh, khiến tay này bị hất tung lên rồi rơi cái bịch. Đám lưu manh thất thanh “Thằng này có võ bọn mày ơi!”, rồi mỗi đứa chạy một ngả. Tôi quay lại đưa Trung về nhà cậu ta rồi về nhà mình. Chừng nửa tiếng sau có tiếng chuông cổng. Tôi chạy ra thì thấy Trung mồm còn dính đầy bông. Cậu ta nói: “Tôi đến đây chỉ để nói với ông một câu. Tôi rất vinh dự được làm bạn với Cù Huy Hà Vũ!”, rồi quay xe đi.
Lần khác, ấy là khi đám con trai cùng lớp đá bóng trên sân đất dưới chân cầu Long Biên. Bất chợt có toán lưu manh lớn tuổi hơn, và tất nhiên, cao to hơn, tới trấn lột đồ. Đứa thì thủ con dao bấm. Đứa thì nắm đấm thép nơi tay. Lại có đứa cầm cả một thanh nứa vót nhọn… Thấy Hoàng Kỳ Vũ, con một đại tá quân đội, có dây thắt lưng xịn, tên cầm đầu xấn lại thò tay giật. Cả đám chơi bóng lập tức đổ mắt tìm Nguyễn Hữu Tín, biệt danh Tín “lông” (bởi có một sợi lông đen dài mọc nơi má, gọi là “lông tài”, được cho là điềm may mắn, phú quý và thịnh vượng) để có sự giải cứu, được trông chờ là ngoạn mục. Chả là cậu ta lúc nào cũng khệnh khạng, khoe có “võ Ba Tàu”, hai tay luôn thọc vào hai túi áo kiểu bà ba, như thể giấu những đòn đánh “thần sầu quỷ khốc”! Tín “lông” là con một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Genève 1954 nên lũ chúng tôi tin sái cổ là cậu ta giỏi võ.
Thật vậy, trong óc lũ trẻ chúng tôi các cán bộ gốc Nam đều là những hảo hớn đồng nhất với võ nghệ đầy mình. Chúng tôi được thuyết phục bởi nhân vật Võ Tòng ngang tàng nhưng đầy nghĩa khí trong tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi hơn là chủ nghĩa anh hùng cách mạng của “Nam Bộ thành Đồng” được giảng trên lớp. Ngặt một nỗi là Tín “lông” mới đấy hăng hái giành bóng cùng chúng bạn mà giờ đã biến đi đâu mất. Thế là tôi lao thẳng vào tên cầm đầu, tay trái túm lấy tay phải đang cướp của nó, tay phải thoi một cú “direct” vào mặt nó. Tên cướp lập tức buông Kỳ Vũ, vùng chạy như bị ma đuổi. Như Trương Phi trên cầu Trường Bản, tôi lập tức hướng vào đám đệ tử của nó, quát: “Còn thằng nào dám chơi không?!” Bọn này sững lại giây lát rồi túa chạy theo “ông trùm”.
Sau “trận” ấy, Kỳ Vũ đi đâu cũng khoe “chiến tích” của tôi. Đám bạn cùng lớp thì hết nhìn Tín “lông” như một cao thủ võ lâm. Sau này thì cả Kỳ Vũ lẫn Tín “lông” đều thành đạt, ai cũng làm “quan”. Người thứ nhất là Thượng tá nhà binh, Tổng giám đốc một công ty xây dựng của quân đội. Người thứ hai làm đến phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh. Cũng chẳng có gì là lạ vì Tín “lông” là đệ tử ruột của Lê Thanh Hải, “ông trùm” của “thành phố mang tên Bác” suốt 15 năm, từ 2001 đến 2016, thời kỳ chính quyền nơi đây đập nhà, cướp đất của dân hung tàn nhất. Khi tôi viết những dòng này, Tín “lông” đang thụ án tù dài hạn do tham nhũng.
Sau này ngẫm lại thì thấy mấy đám lưu manh kia “ù té quyền” không phải vì tôi biết “đánh đấm”, mà chính là vì chúng khiếp đảm trước một thái độ quyết liệt vì việc nghĩa. Mà cái máu “Giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” ấy là tôi có được từ Lục Vân Tiên và người bác ruột và là cha nuôi của tôi, Xuân Diệu. Điểm khác nhau giữa hai người này là nhân vật anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu đã đánh tan toán cướp và giải cứu thành công người đẹp Kiều Nguyệt Nga, còn Xuân Diệu thì bị nhừ đòn vì “tương quan lực lượng” quá chênh lệch. Thi sĩ “tóc như mây vương trên đài trán ngây thơ”, tham gia Việt Minh từ đầu 1942, đã dừng xe đạp để đánh nhau tay không với cả một nhóm Việt Quốc (1) và Việt Cách (2) chừng 30 người có lính Tưởng Giới Thạch hộ tống đang hung hăng biểu tình chống Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn trứng nước trên đường Garnier (nay là Đinh Tiên Hoàng), Hà Nội (3). “Con ngựa sắt” mà ông phải bỏ lại sau đó được một người dân trả lại vì trên biển xe có đề “Xuân Diệu”.
Chuyện võ vẽ của tôi là nhắc lại vậy thôi, bởi tình huống bây giờ khác hẳn rồi. Sự sòng phẳng có thể đến từ một cuộc đấu sức ngoài đường, chứ trong trại giam thì tù nhân thua cai ngục là cái chắc! Huống hồ, tôi đã “giã từ nắm đấm” để chuyên vào “bút nghiên” từ rất, rất lâu rồi, cho dù cái máu dẹp bất công chưa bao giờ ngừng sôi trong con người tôi. Sự “giã từ” này không đơn thuần là hệ quả của vấn đề sức khỏe và tuổi tác, mà còn là, và trước hết, của nhận thức.
“Nắm đấm” vật chất có thể giải cứu được một người, như tôi đã trải nghiệm. Nhưng để có thể giải cứu được nhiều người, nhất là khi bất công ở Việt Nam đã biến toàn xã hội thành nạn nhân của nó thay vì một số cá nhân riêng lẻ, nhất thiết phải có những phương tiện khác. Điều này cần phải tính sớm, trước khi mọi cái trở nên quá muộn, khi mà bản thân quốc gia Việt Nam bị bất công biến thành nạn nhân tiếp theo của nó. Trong các phương tiện ngoài “nắm đấm” ấy, tôi đã chọn “bút nghiên”. Đầu tiên là vì nó phù hợp với đường lối hành động phi bạo lực của tôi. Sau nữa, nó phù hợp với sở học của tôi. Bất luận thế nào, với “bút nghiên”, tôi tưởng có thể mãi đồng hành cùng đất nước.
Chú thích:
1. Tên gọi tắt của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Sau khi Nhật đầu hàng Đông minh, ngày 20/8/1945, Việt Quốc theo quân đội Trung Hoa Dân Quốc có nhiệm vụ giải giáp quân Nhật vào Việt Nam. Từ đây, Việt Quốc xung đột với Việt Minh và tiếp đó với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Việt Quốc tổ chức ám sát Hồ Chí Minh nhưng không thành.
2. Tên gọi tắt của Việt Nam Cách mệnh Đồng minh Hội. Việt Cách gồm nhiều tổ chức chính trị hoạt động bí mật tại Việt Nam và có cơ sở tại Trung Quốc, trong đó có Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, do Đảng cộng sản Đông Dương thành lập ngày 19/5/1941). Hồ Chí Minh là ủy viên trung ương của Việt Cách nhưng cuối năm 1944 đã rời bỏ tổ chức này. Cũng như Việt Quốc, Việt Cách theo quân đội Trung Hoa Dân Quốc vào Việt Nam, xung đột với Việt Minh và tiếp đó với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3. Việt Quốc và Việt Cách tổ chức một cuộc biểu tình chống Tổng tuyển cử do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức. Cuộc biểu tình mà Xuân Diệu đã đụng độ này được ông mô tả trong bài thơ “Một cuộc biểu tình”, đăng trên Báo Độc lập ngày 23/12/1945, in lại trong tập thơ “Dưới Sao Vàng” (1949).
KỲ 3
GIÁM THỊ BÙI NGỌC BÌNH

Tay cảnh sát trực không dẫn tôi ra thẳng khu nhà làm việc của Ban giám thị mà lại đưa sang sảnh phân khu A cách buồng giam tôi khoảng 5 mét. Sảnh này có diện tích khoảng 40 m2, thường được dùng làm nơi khám sức khỏe đại trà, cắt tóc cho phạm nhân, là chỗ ngồi nghỉ của những phạm nhân tự giác. Tóm lại là đủ rộng để làm sàn đấu võ. Không lẽ giám thị Bùi Ngọc Bình muốn so “quyền cước” với tôi thật?! Thắc mắc này ngay lập tức biến mất khi tôi bước chân vào.
Giám thị Bùi Ngọc Bình và một số sĩ quan cảnh sát đã đợi sẵn, bên một cái bàn trên đó có bày một ấm trà và mấy cái chén. Đó không phải là dáng dấp của một cuộc “tỷ thí” được chuẩn bị. Ngược lại, khi thấy tôi mọi người đều đứng cả dậy, vẻ trọng thị. Viên thượng tá giám thị giới thiệu với tôi từng người: “Đây là trung tá H, phó giám thị. Đây là thiếu tá T, đội phó cảnh sát bảo vệ…”, rồi mời tôi ngồi. Cầm lấy chén nước sánh vàng thơm lừng mà Bình vừa rót ra mời, tôi đưa lên miệng nhấp. Vị nhân nhẩn đắng từ đầu lưỡi nhanh chóng chuyển sang vị ngọt khi vào đến vòm họng. Tôi khen: “Ngon! Trà Thái có khác!”. Phải nói ngay điều này: tôi không rượu, không bia nên một cách tự nhiên tôi trở thành một chuyên gia trà mạn. Bình nở mặt, lấy từ túi ngực một một gói “ba số”, mở nắp mời tôi. Tôi rút luôn vài điếu và để xuống bàn, nói là sẽ mang về cho mấy phạm nhân cùng buồng. Bình “OK”.
Nội quy trại giam cấm hút thuốc trong buồng giam. Thế nhưng phạm nhân vẫn hút, miễn sao đừng lộ liễu. Thỉnh thoảng Ban (Ban giám thị) cho lục soát buồng giam, thu hết thuốc lào, thuốc lá lẫn bật lửa và các đồ vật bị cấm khác. Thế nhưng khi các cuộc lục soát kết thúc thì đâu lại vào đấy. Nghĩa là phạm nhân lại có thuốc lá, thuốc lào, lại có lửa để châm, và điều này, ngay cả khi không có bật lửa! Nhân đây cũng nên nói một chút về những “tài lẻ” của các bạn tù của tôi, những kẻ “đồng sàng” theo đúng nghĩa đen của từ này bởi tất cả đều trải lưng trên cùng bệ xi măng.
Tù nhân ở Việt Nam phải đối mặt với một sự hạn chế gắt gao về cả không gian sống lẫn phương tiện sinh hoạt. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu hàng ngày, họ buộc phải tự trang bị cho mình một số kỹ năng đặc biệt. Tạo lửa là một ví dụ. Chỉ với vài mảnh nứa, gỗ và áp dụng nguyên tắc ma sát, cụ thể là cọ các vật liệu này vào nhau, Tuấn và Tuấn Anh đã tạo ra nhiệt độ khá cao làm cháy miếng bông gòn hay vải vụn để sát bên. Còn để có nước sôi pha trà, hai cậu này đặt một chai “la vie” chứa chừng 2/3 nước trên một ngọn lửa liu riu để nhựa chai không bị biến dạng hoặc chảy. “Củi” là những mảnh của các xô, chậu nhựa bị đập vỡ bởi giấy báo nếu có thì cũng chỉ dùng để nhóm “bếp”. Điều này giải thích vì sao thỉnh thoảng những người tù lại xin trại giam cấp mới xô, chậu với lý do đồ đựng cũ đã “vỡ hỏng”! Tổng hợp lại thì kỹ năng nào cũng cần tới sự bền bỉ. Nói cách khác, sự bền bỉ chính là kỹ năng gốc giúp người tù thành công trong nỗ lực tồn tại ở chốn tột cùng của sự khắc nghiệt.
Tuấn, người đã nhiều lần “ra tù vào tội”, kể cho tôi nghe về một số kỹ năng đặc biệt khác mà người tù phát triển và ứng dụng giữa bốn bức tường của buồng giam. Càng nghe càng thấy thành phần bị cách ly khỏi xã hội này là bậc thầy trong việc sử dụng tối đa và hiệu quả những phương tiện có sẵn để đáp ứng nhu cầu không chỉ vật chất mà cả tinh thần của bản thân.
Chẳng hạn, họ làm ra các vật phẩm thủ công, đôi khi là tuyệt tác, như đồ trang sức, đồ chơi mini với nguyên liệu là “rác” phi kim loại (giấy, nhựa và các đồ vụn khác). Sự khéo tay có tính thẩm mỹ của các tù nhân đã đang được nhiều trại giam ở Việt Nam khai thác để tạo ra các sản phẩm thương mại. Thế nhưng bản thân tôi và ngay cả Tuấn chưa từng nghe nói có hội chợ sản phẩm thủ công do tù nhân làm ra. Thiết nghĩ, Bộ Công an nên phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất thủ công để tổ chức các hội chợ như vậy. Điều này, bên cạnh hiệu quả thương mại được nhắm tới, sẽ làm những người bị kết án tù cảm thấy mình vẫn hiện diện trong xã hội, từ đó có một thái độ tích cực trong quá trình thi hành án.
Ở một khía canh khác, nhiều tù nhân tận dụng thời gian để phát triển đam mê của họ đối với nghệ thuật với viết văn, làm thơ, vẽ tranh, và thậm chí diễn xuất. Thứ đam mê mà đa phần trong số họ, vì lý do này hay lý do khác, đã không có dịp thể hiện khi còn ở ngoài đời. Học ngoại ngữ là một đam mê khác, được kích thích bởi nhu cầu giao tiếp với những tù nhân người nước ngoài bị giam kế bên. Tuấn Anh là một ví dụ, cậu ta tỏ ra khoái chí khi sử dụng tiếng Anh học ở phổ thông để trao đổi với mấy tù nhân người Malaysia. Tôi thì hứng thú với những bài hát tiếng Hoa của những bộ phim truyền hình như “Tây Du Ký”, “Huyền thoại” – mà những tù nhân người Trung Quốc can tội cướp của giết người đã bày cho tôi.
Sau một tuần trà, Giám thị Bình quay sang các sĩ quan dưới quyền, trịnh trọng: “Tiến sĩ Vũ đây là một anh hùng, dám kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không phải một lần mà những hai lần. Ngày mai anh Vũ ra tòa phúc thẩm. Vậy ta sẽ làm một bữa để thết anh Vũ”. Rồi với giọng của một chúa tể, Bình phân công: “Thằng H., mày chuẩn bị món… Còn thằng T., mày chuẩn bị món… Rượu thì thằng C. lo. Không có thứ đó là không được đâu!” (giám thị trại giam ở đâu cũng vậy, đều là “ông vua con” bởi đặc thù của thiết chế trừng phạt này). Đúng lúc đó thì điện thoại di động của viên cai ngục đổ chuông. Bình bấm máy, “dạ” rõ to rồi nói: “Em đang ngồi với Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, ngày mai xử phúc thẩm anh ấy rồi”. Đoạn Bình ra hiệu xin lỗi rồi bước qua chỗ khác. Điện thoại xong, Bình trở lại, hỏi: “Ông Vũ có biết ai vừa gọi cho tôi không?” và nói luôn: “Đó là phu nhân của một đương kim ủy viên Bộ Chính trị. Bà ấy nói là cho đến lúc này, Bộ Chính trị vẫn chưa ngã ngũ về vụ xử anh Vũ”.
- Thế bà ấy có cho biết vì sao Bộ Chính trị chưa ngã ngũ không? Tôi hỏi.
- Bà ấy không cho biết, chỉ nói họp bàn lung lắm.
Tôi cười: “Tôi biết vì sao họ chưa ngã ngũ rồi”.
- Là sao?
- Là vì, tôi nói, tôi là “kê cân” của chế độ.
Thấy viên giám thị ngơ ngác, tôi nói: “Ông có biết tích “kê cân” không? Đó là một câu chuyện trong Tam Quốc Diễn nghĩa của Tàu.
Tào Tháo đem binh đánh Lưu Bị, bị tướng Mã Siêu chống cự rất hăng nên không tiến được. Tháo muốn rút quân về thì lại sợ quân địch chê cười nên chưa biết quyết bề nào. Một bữa, Tháo đang ăn bát canh gà, trong có cái gân gà thì tướng Hạ Hầu Đôn vào xin khẩu lệnh ban đêm. Tháo buột miệng: “kê cân!” (gân gà).
Quan hành quân chủ bộ là Dương Tu thấy khẩu lệnh”kê cân”, liền cho quân mình thu xếp hành trang để rút. Hạ Hầu Đôn được báo tin, hỏi Dương Tu lý do. Tu đáp: “kê cân” là gân gà, gân gà ăn thì không có vị gì, mà bỏ thì tiếc. Nay tiến lên không được, mà lui về thì lại sợ người cười, thế nhưng trụ lại cũng vô ích, Ngụy vương tất rút quân trong nay mai”. Hạ Hầu Đôn thấy Dương Tu phân tích có lý, cũng cho quân thu xếp hành trang. Các tướng khác thấy thế cũng làm theo.
Đêm hôm ấy, Tào Tháo trong bụng bồn chồn, bèn lẻn khỏi trướng đi dò các trại, thấy quân sĩ của Hạ Hầu Đôn đang gói ghém hành lý. Tháo vội về trướng, triệu Hạ Hầu Đôn đến hỏi. Đôn nói là Dương Tu biết ý Tháo muốn rút quân. Tháo bèn gọi Dương Tu đến hỏi. Tu giảng rõ nghĩa của “gân gà”. Tháo nổi giận, nói Dương Tu làm náo động lòng quân, quát đao phủ đem ra chém. Hôm sau, Tháo bị thua trận, bản thân bị trúng tên của tướng của Lưu Bị là Ngụy Diên. Lúc đó Tháo mới nhớ đến lời Dương Tu, làm ma linh đình cho Tu rồi truyền lệnh rút quân.
Bình sốt ruột: “Thế vì sao Cù Huy Hà Vũ lại là “kê cân – gân gà” đối với Bộ Chính trị?”.
- Tôi vô tội! Tôi không “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như Viện Kiểm sát cáo buộc, tôi nhấn mạnh và giải thích:
- Trước hết, Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Khi điều tra truy tố và xét hỏi vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải chứng minh tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra”. Như vậy, chỉ khi nào Nhà nước nói rõ bằng văn bản rằng tôi đã gây thiệt hại cho Nhà nước như thế nào thì các cơ quan tiến hành tố tụng mới có căn cứ để xác định tôi có phạm tội hay không. Bản thân tôi đã nhờ Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà chuyển tới Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết văn bản của tôi đề nghị ông đại diện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia tố tụng với tư cách bị hại. Thế nhưng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã không hề hồi âm. Điều này chứng tỏ Nhà nước không bị thiệt hại và vì vậy cáo buộc của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm vào tôi là hoàn toàn vô căn cứ.
Ngược lại là đằng khác, tôi quyết liệt bảo vệ Nhà nước bằng cách chống lại các hành vi xâm hại Nhà nước từ phía những người cầm quyền. Tôi liên tiếp kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do đã ra các quyết định trái pháp luật xâm hại an ninh quốc gia, môi trường, văn hóa của người Tây Nguyên và quyền khiếu nại tập thể của người dân. Chẳng phải ông gọi tôi là anh hùng là bởi thế sao?! (Bình gật đầu).
- Viện Kiểm sát còn cáo buộc tôi đã kêu gọi Đa đảng, tôi tiếp tục. Thế nhưng cáo buộc này cũng vô lý nốt vì chính Hồ Chí Minh sinh thời đã chủ trương Đa đảng khi cho phép Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam song song tồn tại với Đảng Lao động Việt Nam. Hiến pháp 1980 đã khẳng định thực tế chính trị này khi ghi “các chính đảng”. Bất luận thế nào, việc tôi kêu gọi Đa đảng hay đưa ra các quan điểm khác biệt với Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp với “Quyền tự do ngôn luận”, “Quyền được thông tin” được Hiến pháp quy định tại Điều 69 và “Quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” quy định tại Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là thành viên. Chính Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố: “Bất đồng chính kiến là chuyện bình thường. Ở Việt Nam không ai bị bắt giam vì bất đồng chính kiến”.
Bình đập tay vào bàn đánh bộp: “Ông nói phải lắm! Nếu Cù Huy Hà Vũ có tội thật thì việc gì Bộ chính trị phải họp bàn lên xuống! Vả lại, Cụ Cù Huy Cận tham gia ký Tuyên ngôn Độc lập và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là bậc “Khai Quốc Công Thần” thì làm sao Cù Huy Hà Vũ là con lại chống Nhà nước này cơ chứ! Ông già tôi cũng là lão thành cách mạng nên tôi hiểu rõ điều này mà!”.
- Về pháp luật và logic thì là thế, là tôi không có tội. Mà không có tội thì tôi phải được trả tự do. Có đúng không nào?! (Bình gật đầu). Thế nhưng do Đảng bị Thủ tướng Dũng bắt làm con tin nên sự việc trở nên phức tạp.
- Đảng bị Thủ tướng Dũng bắt làm con tin? Nghĩa là sao? Ông làm tôi đau cái đầu quá!
- Là thế này. Như mọi người và bản thân ông, giám thị Bùi Ngọc Bình, đã thấy, Thủ tướng Dũng bắt và bỏ tù tôi là để trả thù tôi đã kiện ông ta ra tòa. Để che đậy sự trả thù cá nhân này thì Dũng lu loa lên rằng “Cù Huy Hà Vũ chống Đảng, chống Nhà nước”, khiến những nhân vật giáo điều, bảo thủ và cả một số người yếu bóng vía trong Bộ Chính trị hùa theo Dũng để bỏ tù tôi dù không có căn cứ pháp luật. Việc này đương nhiên gây hại cho chính “Nhà nước pháp quyền” mà Đảng hô hào từ một thời gian nay để dễ bề làm ăn với quốc tế, đặc biệt với các nước phương Tây vốn quen thượng tôn pháp luật. Tóm lại, bỏ tù hay trả tự do cho tôi đều vướng. Tôi là “kê cân – gân gà” đối với Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam là ở chỗ đó.
- Vậy theo ông, Bộ Chính trị sẽ quyết theo hướng nào?
- Chắc chắn là “Vũ Như Cẩn (vẫn như cũ, nói lái), là y án sơ thẩm để bỏ tù tôi thôi. Đơn giản là Đảng, hay nói đúng hơn, lợi ích của các cá nhân thành viên Bộ Chính trị, là mục đích trong khi “Nhà nước pháp quyền” chỉ là phương tiện. Một khi phương tiện không còn phục vụ mục đích hay có cơ trở thành mục đích tự thân, thậm chí thay thế mục đích, thì đương nhiên phương tiện phải bị loại bỏ. Suy cho cùng, chừng nào Đảng còn tự cho mình quyền “lãnh đạo Nhà nước và xã hội”, tức cầm quyền không thông qua bầu cử dựa trên cạnh tranh của nhiều đảng phái, thì không thể có “thần linh pháp quyền” như Nguyễn Ái Quốc đã nêu từ năm 1922 trong “Việt Nam Yêu cầu ca”! (1)
Bình gật đầu, nói: “Dù sao tôi cũng chúc ông ngày mai may mắn”. Các sĩ quan đứng cả dậy.
Cầm mấy điếu thuốc để trên bàn, tôi đáp: “Mai tính sau. Chỉ biết hôm nay gặp Giám thị Bình và mọi người tôi có lãi cái đã. Chẳng những được uống, được nói, mà còn được gói mang về nữa chứ!”. Mọi người cười ồ.
“Mai tính sau”, nhưng thực ra tôi đã sẵn sàng cho trận đánh lớn ngày mai, tại tòa phúc thẩm. Nhân vật anh hùng của Cụ Đồ Chiểu lại hiện ra:
Vân Tiên ghé lại bên đàng,
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.
Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen cái thói hồ đồ hại dân”… (2)
Chú thích:
1. “Việt Nam yêu cầu ca” của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh sau này) là chuyển thể thơ của “Yêu sách của nhân dân An Nam” gồm 8 điểm bằng tiếng Pháp đăng trên báo L’Humanité ngày 18/6/1919. Yêu sách này do chính Nguyễn Ái Quốc thay mặt “Nhóm những người An Nam yêu nước” gửi tới Hội nghị hoà bình do các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất tổ chức tại Versailles, Pháp, trong nửa đầu năm 1919.
2. “Lục Vân Tiên” là truyện thơ Nôm của Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn của Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ 19.
Garden Grove, California, 11/8/2023
C.H.H.V.
Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, nguyên là cán bộ Bộ Ngoại giao Việt Nam trong 30 năm. Hiện ông sống cùng phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, tại California, Hoa Kỳ. (Tác giả ghi)
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét