Toán dạy tư duy logics

Trước hết, người viết bài xin được nhắc lại ấn tượng sâu sắc về lời căn dặn học sinh của người thầy dạy Toán, thời học học cấp III (THPT) của mình. Thầy đỗ Tú tài thời Pháp thuộc. Tiết Toán đầu tiên của năm học lớp 10 (hệ 10/10), thầy dành khoảng 15 phút để trao đổi với học sinh chúng tôi về vai trò của môn Toán đối với các môn học khác, đối với người học và đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Rồi thầy căn dặn, các em học Toán không chỉ để rèn luyện phương pháp, kỹ năng tính toán mà mục tiêu cơ bản, quan trọng nhất của môn Toán là trang bị cho người học năng lực, phương pháp tư duy logic, tư duy hệ thống; trình độ lập luận, quy nạp, mô hình hoá... Đây là các yếu tố quan trọng hàng đầu giúp mỗi người giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong công việc và cuộc sống hàng ngày.

Là người yêu thích môn Toán và thích tư duy logic, tôi ghi nhớ sâu sắc lời căn dặn của thầy. Khi bước vào đường đời, càng suy ngẫm, tôi càng thấm thía lời căn dặn mang tính định hướng quý giá đó. Để nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất sự vật, hiện tượng phải luôn dùng phép tư duy logic, tư duy hệ thống; và phương pháp suy luận, lập luận, phân tích, chứng minh của Toán học.


Môn Toán giúp chúng ta rèn luyện phương pháp tư duy logic

"Thi trắc nghiệm bóp chết môn Toán..."

Từ kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo áp dụng hình thức thi trắc nghiệm, trong đó có môn Toán. Cũng từ đó đến nay, có hai luồng ý kiến ủng hộ và phê phán sử dụng hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán.

Gần đây, GS.TS Nguyễn Hữu Dư, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán đưa ra quan điểm "Thi trắc nghiệm bóp chết môn Toán...", thì tranh luận về chủ đề này càng sôi nổi, thậm chí gay gắt.

Cách nói của GS Nguyễn Hữu Dư phần nào đó đã trầm trọng hóa vấn đề. Tuy nhiên, nếu dạy và học toán chỉ vì mục tiêu thi cử, mà lại là thi trắc nghiệm thì quan điểm của ông có phần đúng bởi mục tiêu quan trọng nhất của môn Toán là khơi dậy sáng tạo và trang bị phương pháp tư duy cho người học. Nếu cách học, cách dạy và thi cử như hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu của việc dạy và học môn Toán. 

Để luận bàn về chủ đề thi trắc nghiệm phù hợp hay không phù hợp, trước hết phải thấy được rằng, mục tiêu quan trọng hàng đầu của môn toán là trang bị phương pháp tư duy.

Nhưng để có được phương pháp tư duy logic toán học là cả một quá trình phân tích, đánh giá, tìm hiểu bản chất của từng vấn đề. Tức là phải sử dụng phương pháp suy luận, biện luận mới tìm thấy các khía cạnh của vấn đề; và phải sử dụng các dữ liệu để phân tích, diễn giải, sắp xếp, quy nạp để tìm ra những mối liên hệ của sự vật, hiện tượng và những vấn đề trong cuộc sống.

Có thể nói, tư duy toán học logic đóng vai trò vô cùng to quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển trí tuệ và tích lũy tri thức của học sinh. Nhưng tư duy toán học logic không phải bẩm sinh, mà đó là thành quả của người dạy và rèn luyện tư duy logic hàng ngày trong suốt quá trình học tập của người học. Ý nghĩa của vấn đề này là khi được trang bị tư duy toán học logic, đồng nghĩa học sinh có được một trong những hành trang quan trọng hàng đầu khi bước vào đời.

Thi trắc nghiệm để… chấm thi nhanh

Khi phản biện quan điểm "Thi trắc nghiệm bóp chết môn toán...” của GS Nguyễn Hữu Dư, những người ủng hộ thi trắc nghiệm lập luận bằng cách đưa ra những ưu thế của nó là chấm thi nhanh, khách quan, có thể tin học hóa (thi trên máy tính hoặc dùng scanner).

Chấm thi nhanh là ưu thế tuyệt đối của thi trắc nghiệm, không cần phải bàn cãi. Nhưng khách quan thì chưa thể khẳng định. Xin nêu dẫn chứng, có thể nói vi phạm thi cử ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2018 (năm thứ 2 áp dụng hình thức thi trắc nghiệm), là nghiêm trọng nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam.

Đó là minh chứng hùng hồn, rằng thi trắc nghiệm khó có thể khách quan khi người trong cuộc cố tình gian lận. Vì vậy, thi trên máy tính hoặc dùng scanner cũng khó có thể khách quan. Vì máy tính do con người vận hành, chứ máy tính không thể vận hành được con người.

Có quan điểm lại lấy dẫn chứng các quốc gia Mỹ, Nhật, Trung Quốc ... đã áp dụng hình thức thi trắc nghiệm môn Toán từ lâu. Nhưng liệu cách dạy và cách học môn Toán ở Việt Nam có giống các quốc gia này không? Không những vậy, hình thức thi trắc nghiệm ở Nhật Bản đang bị chỉ trích kịch liệt. Các chuyên gia giáo dục nước này cho rằng hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn không kiểm tra chính xác khả năng hiểu biết của thí sinh. 

Một luồng quan điểm khác lại cho rằng vấn đề không phải là việc thi cử mà giảng dạy, học hành như thế nào cho phù hợp với mục tiêu của học tập môn Toán.

Nhưng xin thưa, ở nước ta, trong giáo dục đang quá đề cao thành tích, quá đề cao khoa cử thì từ người dạy đến người học cũng không thể nằm ngoài xu thế đó. Cho nên, khi áp dụng thi trắc nghiệm thì cả người dạy và người học buộc phải “uốn mình” theo hình thức thi cử này, môn Toán cũng không ngoại lệ. Vì vậy, nếu giảng dạy và học tập chủ yếu chỉ hướng tới mục tiêu thi thi trắc nghiệm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới mục tiêu cơ bản của môn Toán là trang bị, phát triển tư duy cho học sinh.

Có thực tế là mỗi khi quy chế đào tạo hoặc hình thức thi cử thay đổi thì thầy, trò, thậm chí cả phụ huynh “ứng phó” rất nhanh. Đơn cử, sau khi Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành Quy chế thí sinh tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi sẽ được cộng điểm thưởng thi đại học.

Tức thì, năm học 2004 - 2005 và những năm học sau đó, bỗng nhiên học sinh các trường THPT trên cả nước, điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp đạt loại giỏi tăng vọt. Vài năm sau, thấy được nguyên nhân vì sao “nhân tài” tăng đột biến trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ Giáo dục & Đào tạo phải bãi bỏ Quy chế này.

Hoặc như những năm gần đây, khi điểm học bạ lớp 12 được đưa vào xét tuyển đại học, thì học bạ của học sinh càng ngày càng “đẹp” và tỷ lệ học sinh có học bạ “đẹp”tăng vọt, khoảng 50% học sinh THPT đạt loại giỏi.

Trước thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM lo lắng “Cách đánh giá như thế cực kỳ nguy hiểm. Việc các trường phổ thông đều đạt tỉ lệ đến 50% học sinh đạt học lực giỏi không phải là điều đáng mừng, mà đáng lo”.

Vì vậy, khi áp dụng thi trắc nghiệm thì phần đông thầy và trò sẽ hướng nội dung, phương pháp dạy - học theo hình thức thi này để đạt mục tiêu khoa cử. Khi lệch lạc cả về mục tiêu và phương pháp dạy - học, thì tất yếu mục tiêu chính của môn Toán là trang bị phương pháp tư duy cho người học phải “đứng sang một bên”.

Dạy toán “cần một phen đổi mới”

Trước thực trạng như vậy, khi ban hành các quy chế, quy định về công tác đào tạo nói chung cũng như trong thi cử, Bộ giáo dục & Đào tạo phải có tầm nhìn bao quát, hệ thống, dài hơi chứ không thể ban hành các văn bản theo tình thế dẫn đến lộ cộ, lụn vụn, phân khúc, bất hợp lý.

Tại Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X, diễn ra ngày 8/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định Toán học và Giáo dục Toán học là một hợp phần hết sức quan trọng của nền giáo dục. 

Bộ trưởng cho rằng, ngày nay, nền giáo dục hướng đến toàn diện. Trong đó cải thiện, tạo ra chất lượng giáo dục cần rất nhiều yếu tố, trong đó vai trò của Toán học vẫn là một trụ đỡ hết sức quan trọng. Ông nhấn mạnh, giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh mục tiêu nền giáo dục từ thiên về trang bị kiến thức sang định hướng phát triển con người. Trong đó, Toán học giữ vai trò hết sức quan trọng, và giáo dục Toán học “cần một phen đổi mới”. 

Ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh “Các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy Toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh để phát triển tư duy. Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân”.

Với đánh giá và định hướng trên đây, người đứng đầu ngành giáo dục tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của môn Toán đối với việc việc trang bị, phát triển tư duy cho người học đến vai trò của Toán học đối với nền giáo dục và các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Người viết bài không phản đối hình thức thi trắc nghiệm trong đánh giá kiến thức học sinh, trong tuyển sinh đại học. Nhưng để không ảnh hưởng đến mục tiêu đào tạo, nhất là vai trò xây dựng, phát triển tư duy cho học sinh của môn Toán, khi áp dụng thi trắc nghiệm, Bộ Giáo dục & Đào tạo phải có quy định chặt chẽ trong dạy và học, không để thi trắc nghiệm chi phối, làm lệch lạc mục tiêu cơ bản trong dạy và học Toán.

Chỉ khi ngành giáo dục đừng quá đề thành tích, xã hội đừng quá tôn thờ khoa cử; khi người dạy và người học có chung nhận thức mục tiêu của quá trình đào tạo không chỉ là thi cử, trang bị tri thức, trình độ chuyên môn mà trước hết và khơi dậy tiềm năng sáng tạo, bồi đắp và phát triển tư duy cho người học, lúc đó thi tuyển đại học theo hình thức nào cũng không còn quan trọng. 

Nguyễn Huy Viện