Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

20230817. QUANH ĐỐI THOẠI GIỮA BT NGUYỄN KIM SƠN VÀ GIÁO VIÊN

   ĐIỂM BÁO MẠNG

MONG TINH THẦN THẤU HIỂU,  LẮNG NGHE CỦA BỘ TRƯỞNG LAN TỎA ĐẾN CÁC SỞ, PHÒNG, HIỆU TRƯỞNG

PHAN THẾ HOÀI/ GDVN 17-8-2023

Ngày 16/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục".

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ, trải lòng với ngành giáo dục và hơn 1 triệu giáo viên, nhân viên bậc mầm non, phổ thông trên cả nước đã để lại trong tôi - giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, những ấn tượng sâu đậm.

Mong tinh thần thấu hiểu, lắng nghe của Bộ trưởng lan tỏa đến các Sở, Phòng, HT ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những trăn trở của các thầy cô giáo. (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt.

Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn như:

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường…); chế độ chính sách nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non…); điều kiện làm việc của đội ngũ giáo viên (trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, hệ thống máy tính, nhà công vụ…).

Thực lòng, lúc đầu tôi cũng rất băn khoăn, không biết chỉ trong vài ba tiếng thì bằng cách nào Bộ trưởng có thể chia sẻ thấu tình đạt lí vào các nhóm vấn đề lớn để thỏa lòng mong đợi của hơn 1 triệu giáo viên và cả dư luận xã hội quan tâm đến giáo dục.

Nhưng khi nghe Bộ trưởng trải lòng: "Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để gần gũi và thấu hiểu nhau hơn chứ không phải đối thoại của người sử dụng lao động và người lao động", tôi hiểu Bộ trưởng luôn luôn mong muốn lắng nghe chia sẻ từ giáo viên.

Và quan trọng hơn là sau cuộc gặp gỡ trao đổi này, Bộ trưởng sẽ có cách trả lời cho từng chủ đề, lắng nghe các ý kiến để điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Đầu tiên, nhiều ý kiến mong muốn Bộ trưởng xem xét về chế độ chính sách đối với giáo viên, nhất là bậc mầm non. Hiện tại, giáo viên mầm non phải làm việc nhiều thời gian, công việc áp lực, trong khi đồng lương rất thấp.

Lắng nghe những ý kiến này, Bộ trưởng nói công việc của giáo viên mầm non là lao động nặng nhọc, tuy nhiên chế độ chính sách chưa đảm bảo.

"Ý kiến các cô, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chia sẻ. Bởi tất cả chúng ta trông một đứa trẻ thôi là đã vất vả", Bộ trưởng nói thêm.

Sự chia sẻ của Bộ trưởng không chỉ dừng lại ở lời nói, bởi thời gian qua, thừa lệnh Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học.

Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non thêm 10%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc này cần thống nhất thêm với Bộ Tài chính, trình Chính phủ và các cơ quan chức năng liên quan.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại.

Nếu được đưa vào ngành nghề độc hại, giáo viên mầm non sẽ được hưởng những hỗ trợ, phụ cấp như: tăng nghỉ phép năm, nghỉ hưu sớm, tăng số ngày nghỉ ốm đau...

Tôi rất cảm kích trước sự thấu hiểu, quan tâm, động viên, chia sẻ và có những hành động, việc làm rất thiết thực, ý nghĩa của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà đứng đầu là Bộ trưởng dành cho giáo viên mầm non.

Tiếp đến, Bộ trưởng thừa nhận điểm vướng nhất khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là dạy các môn tích hợp.


Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và 4 chữ “kiên” gửi các nhà giáo

Có những nhà giáo đủ năng lực nên đã dạy được tích hợp với đủ hợp phần. Song cũng có giáo viên còn nhiều lúng túng, nhất là với giáo viên vùng khó dù đã được tập huấn, bồi dưỡng nên nó thách thức lớn.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết sẵn sàng điều chỉnh chương trình để phù hợp với thực hiện, song sẽ không gây ra xáo trộn, ảnh hưởng tới những giáo viên đã tham gia tập huấn đào tạo để dạy tích hợp.

Tôi thấy, Bộ trưởng đã thực sự cầu thị tiếng nói của giáo viên dạy môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở thời gian qua với tâm thế "sẵn sàng" - tức là đặt lợi ích của học trò và sự phát triển của giáo dục nước nhà lên trên hết.

Tôi cũng cảm nhận được Bộ trưởng biết lắng nghe ý kiến từ các nhà khoa học - "tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia", và "cân nhắc kỹ lưỡng" để điều chỉnh Chương trình mới, vì đây là việc làm khó khăn, phức tạp, cần thời gian, không thể một sớm một chiều.

Liên quan đến môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở, kể từ thời điểm năm học 2020-2021 cho đến nay, nhiều giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đã có nhiều phản ánh về sự bất cập khi dạy những môn học này.

Giáo viên chủ yếu được đào tạo đơn môn thì làm sao có thể dạy tốt các môn Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học), Lịch sử và Địa lý. Trong khi đó giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp chưa thực sự hiệu quả.

Tiếp theo, là một nhà giáo bậc phổ thông, tôi đồng cảm sâu sắc với những trăn trở của Bộ trưởng, chẳng hạn "thiếu sót của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chưa truyền thông tốt về những đổi mới của ngành".

Hơn ai hết tôi hiểu rằng, chưa từng có quốc gia nào xem đổi mới hay cải cách giáo dục là việc làm dễ dàng. Giáo dục liên quan đến hàng chục triệu học sinh, gia đình, cho nên mỗi người sẽ có những ý kiến khác nhau theo nhận thức, quan điểm riêng.

Hơn nữa, cái khó của đổi mới là mỗi người sẽ có một cách nhìn nhận những vấn đề về giáo dục theo nhãn quan của mình và ai cũng có thể trở thành “bình luận viên”, dẫn đến có những vấn đề gây tranh cãi không hồi kết.

Đó cũng là lí do khiến Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, ngành giáo dục đang có những việc khó khăn, khó như dời non lấp bể.

Tuy vậy, tôi và các đồng nghiệp nặng lòng với ngành giáo dục hoàn toàn ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Bộ trưởng vì "việc càng khó càng lớn thì càng cần phải hiệp lực đồng tâm, cả triệu người cùng nhìn về một phía thì việc khó mấy, lớn mấy chúng ta cũng làm được".

Cuối cùng, qua sự kiện "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục", tôi mong tinh thần cầu thị, sự lắng nghe chia sẻ với nhà giáo sẽ được lan tỏa xuống tất cả các cấp quản lý.

Trong đó, tôi đặc biệt có ấn tượng sâu sắc với quan điểm của Bộ trưởng về vai trò của lãnh đạo trường học: "Hiệu trưởng không phải là một ông quan trong một cơ sở giáo dục, đó phải là người dẫn dắt, hỗ trợ, phục vụ cho các đồng nghiệp.

Triết lý của chương trình mới là tính mở, tính nhân văn, tính chủ động. Nếu tính nhân văn, tính chủ động đó không được phát huy ở đội ngũ hiệu trưởng, thì nhân văn, chủ động đó chỉ dừng ở cổng trường".

Và tôi xin khắc ghi lời dạy của Bộ trưởng trong quá trình làm nghề dạy học: "Chúng ta kiên quyết chống tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực và kiên quyết theo đuổi mục tiêu chất lượng, phát triển con người".

"Giáo viên cần kiên trinh với nghề giáo dục, vinh quang của nghề giáo dục dẫu có khó khăn đến đâu. Đây là truyền thống của ngành chúng ta".

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài
BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN KHÔNG CHỈ TRẢ LỜI HƠN 6.200 CÂU HỎI MÀ HÃY HÀNH ĐỘNG
LÊ THANH PHONG/LĐ 15-8-2023
Ngày 15.8 tổ chức chương trình “Bộ trưởng gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục, đào tạo năm 2023”. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đối thoại với giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành giáo dục của cả nước. Nội dung cuộc đối thoại xoay quanh đời sống, việc làm và các nội dung chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ mầm non đến đại học.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn không chỉ trả lời hơn 6.200 câu hỏi mà hãy hành động
Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn.
Đã có nhiều cuộc gặp gỡ, lấy tên gọi chương trình rất hay, gọi là “đối thoại”. Nhưng sau khi kéo màn, đó chỉ là một cuộc gặp hình thức, không đem lại điều gì mới mẻ, không có cam kết hành động và thay đổi. Có những lời hứa được đưa ra, nhưng đến các cuộc đối thoại sau, vẫn chỉ nhắc lại lời hứa cũ. Riêng đối với ngành giáo dục, lời hứa giáo viên sống đủ bằng lương đã kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ bộ trưởng.
Chính vì vậy, trong số hơn 6.200 câu hỏi giáo viên đã gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, câu hỏi làm sao để giáo viên sống bằng tiền lương được đặt ra nhiều nhất. Cha ông xưa nói “có thực mới vực được đạo” là một chân lý, lương không đủ sống thì không thể dạy tốt được, đó là điều chắc chắn.
Lương thấp thì không thể thu hút được nguồn sinh viên giỏi theo ngành sư phạm. Không có thầy giỏi thì làm sao đào tạo ra trò giỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cần trả lời dứt khoát có hay không việc bãi bỏ các quy định ràng buộc giáo viên với quá nhiều công việc, mất thì giờ rất vô ích. Công tác họp hành, báo cáo thành tích, thi đua, thăng hạng làm cho giáo viên không còn thì giờ để nghiên cứu thêm, lo cho gia đình và chăm sóc bản thân. Lương đã thấp mà còn bị vắt kiệt sức vì những thứ giá trị ảo, thì làm sao giữ chân được người giỏi cho ngành sư phạm.
Ngành giáo dục đã bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, tại sao không bãi bỏ thăng hạng giáo viên, đừng làm khó cho giáo viên nữa. Đừng đổ cho quy định, pháp luật do con người nghĩ ra, nếu không phù hợp thì thay bằng quy định khác tiến bộ và phù hợp hơn.
Giáo viên chờ đợi và hy vọng vào sự thay đổi quyết liệt, thực chất sau buổi đối thoại của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sắp tới.

TÔI CŨNG KHÔNG HIỂU NỔI
CHU MỘNG LONG/ FB 16-8-2023
Trong cuộc "gặp gỡ" với gần 2 triệu nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói lời "nhận lỗi vì chưa làm cho xã hội hiểu được ngành giáo dục". Thú thật, tôi, gần 35 năm trong ngành, nghĩ mãi mà còn chưa hiểu nổi, huống hồ là cả xã hội?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao đã gọi là "giáo dục phổ thông" mà không miễn học phí cho toàn dân, ngược lại hàng năm lại tăng học phí và thu đủ các loại phí, chồng chất thêm gánh nặng cho dân?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao luật miễn học phí cho ngành sư phạm, nhưng chỉ cho hệ đào tạo chính quy, trong khi lại đẻ ra hệ vừa làm vừa học tràn lan, cũng là sư phạm, nhưng lại thu học phí trên trời? Miễn học phí cho sinh viên sư phạm chính quy, nhưng mỗi sinh viên chính quy ra trường như đứa con bị bỏ chợ, trong khi hệ vừa làm vừa học thì đã hợp thức hóa bằng cấp và chiếm hết chỗ làm, buộc sinh viên chính quy phải chạy hàng trăm triệu mới có thể chen chân vào nghề mình được học?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao lương giáo viên ba cọc ba đồng, dù đã có kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề vẫn phải vét túi đóng tiền để học thi đủ các loại chứng chỉ, từ chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đến tiếng Anh, Tin học, chứng chỉ giữ ngạch, nâng ngạch? Không ai có thể giải thích tại sao nhiều giáo viên có năng lực và tự trọng bỏ nghề hàng loạt, để còn lại và gia tăng trong biên chế lại là thành phần không biết làm gì bèn đi làm giáo viên?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ càng hô to khẩu hiệu "nói không với bệnh thành tích" thì bệnh càng trầm trọng hơn? Trên đời chẳng có ai phát triển toàn diện nhưng tại sao vẫn duy trì cái gọi là "giáo dục toàn diện" bắt học sinh phải giỏi tất cả các môn, nay là đạt chuẩn 5 phẩm chất, 10 năng lực, từ đó đã và đang thúc đẩy thêm nạn chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, cấy điểm để đạt thành tích toàn diện?
Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao giáo dục lại như kẻ đi lộn ngược, đầu cắm xuống đất, chân chổng lên trời để không cần giống ai? Chương trình các cấp học phổ thông tại sao lại nặng nề khó nhọc hơn cấp đại học và sau đại học, đến mức trẻ em vào mầm non và thi các cấp khổ sở hơn làm tiến sĩ và giáo sư?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao sau mỗi lần cải cách là mỗi lần chất lượng giáo dục càng xuống cấp và rối loạn? Sách giáo khoa không chỉ càng đổi mới càng sai mà phải chăng còn cố tình đánh đố để gia tăng dạy thêm, học thêm? Tôi càng không hiểu nổi, tại sao Bộ trưởng tuyên bố "chống văn mẫu" mà sách mẫu, không chỉ văn mà toán, lý, hóa, địa, sinh... bán tràn lan, gần như buộc tất cả phải học và làm theo mẫu, kể cả giáo viên cũng dạy theo giáo án mẫu?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ trưởng nói muốn đổi mới hiệu quả phải bắt đầu từ vai trò "tự đổi mới" tích cực của giáo viên, nhưng chính Bộ lại tạo ra các dự án cải cách có tính áp đặt từ trên xuống, đến lượt các Phòng, Sở cũng áp đặt theo các khuôn mẫu chủ quan, đến mức giáo viên muốn sáng tạo gì, dù một câu, một chữ cũng không thể thoát ra khỏi cái thân phận một cổ hai tròng đó?
Tôi không thể hiểu nổi, rằng tại sao đa dạng hoá sách giáo khoa, chủ yếu xuất bản dựa trên vốn ngàn tỉ của dân để cạnh tranh có lợi cho người học, lợi được lựa chọn sách chất lượng tốt, lợi được mua sách giá rẻ, mà sách chỉ có chất lượng kém, giá lại cao gấp nhiều lần so với mặt bằng thu nhập của dân?
Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao Bộ trưởng kêu gọi "hãy hành động vì một nền giáo dục thực chất" mà kết quả giáo dục ngày một ảo và giả dối hơn? 99% học sinh khá và giỏi, 99% học sinh tốt nghiệp phổ thông, nếu đó là thực chất thì còn cải cách làm gì cho tốn hàng ngàn ngàn tỉ?
Tôi càng không hiểu nổi, tại sao Bộ trưởng nói "mỗi Hiệu trưởng không phải là một ông quan giáo dục" mà các Hiệu trưởng đều gần như trở thành ông vua một cõi, đủ mọi quyền trấn áp giáo viên, làm cho giáo viên sợ hãi đến mức biến thành kẻ câm hoặc nô lệ cho Hiệu trưởng?
Tôi càng không thể hiểu nổi, rằng tại sao những nhà quản lý, kể cả những người làm chương trình và sách giáo khoa tự hào xây dựng một nền giáo dục tốt nhất mà con dân mới nứt mắt đã phải học phờ phạc, thất thần, trong khi con cháu những người có trọng trách đó toàn chạy ra nước ngoài du học như là chạy đi tị nạn?
Ngay cả việc Bộ trưởng tổ chức cuộc "gặp gỡ" gần 2 triệu giáo viên để trao đổi với 6.300 ý kiến đã là rất khó hiểu, trừ phi ngài tự đi tìm kiếm 6.300 ý kiến vuốt đuôi. Nếu muốn nghe ý kiến chân thực từ nhà giáo và xã hội, tại sao Bộ trưởng không duy trì cái trang Facebook mang tên Nguyễn Kim Sơn đã có từ trước khi nhậm chức?
Tóm lại, tôi không thể hiểu tất cả những gì ngành giáo dục đã và đang làm. Đến mức tôi cũng không hiểu nổi tôi, tại sao tôi phải tận tâm, tận lực đào tạo nguồn nhân lực đúng thực chất theo yêu cầu, trong khi xã hội không cần loại nhân lực như vậy?
Tôi vừa đi Châu Âu chỉ có một tháng mà hiểu hết những gì giáo dục Châu Âu đã và đang làm. Họ làm ngược với những điều khó hiểu ở trên, ngài Bộ trưởng thân mến ạ!
Tỏ ra hiểu hết ngành giáo dục đã và đang làm rồi tự hào, tự mãn, không cần phải hỏi gì ngoài nói vuốt đuôi thì chỉ có thể là kẻ vô tâm, ích kỉ. Tôi và cả xã hội không hiểu thì hỏi, càng không hiểu thì càng phải trăn trở dằn vặt, mong không bị quy chụp, trấn áp thô bạo!
Chu Mộng Long

QUỐC HỘI VỪA ĐỀ NGHỊ THANH TRA TOÀN DIỆN VỀ 'HOA HỒNG' SÁCH GIÁO KHOA: THẬT CÁM CẢNH!
THÁI HẠO/ FB/TD 17-8-2023

Nhà Xuất bản GD Việt Nam lãi trước thuế qua các năm 2020, 2021 và 2022 lần lượt là 125, 287, và 372 tỉ đồng.
372 tỉ đồng là mức “lãi cao kỷ lục” từ trước đến nay, trừ thuế còn 331 tỉ đồng. Đây là một trong những con số gây bức xúc cho toàn xã hội. Và một vụ án tại Nhà Xuất bản GD Việt Nam đã được khởi tố vào đầu năm nay, 4 bị can đã bị bắt giữ vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Những cụm từ như “lợi ích nhóm”, “lạm dụng độc quyền”, “lợi dụng học sinh”, v.v., đã trở nên phổ biến đến mức gần như đặt ở đầu môi mỗi người dân.
Bức xúc ngày càng lớn trong dư luận, dân mất niềm tin, “cứ mở mạng ra là thấy chửi từ trên xuống dưới”. Hậu quả ghê gớm như thế đó.
Nhưng, chua chát và mỉa mai thay: chỉ với 2 đêm diễn tại Hà Nội, 4 cô gái “trẻ ranh” Blackpink và công ty tổ chức đã thu về khoảng 340 tỉ đồng. Ngang ngửa với một năm làm ăn của một đại công ty nhà nước “kinh doanh trong chĩnh gạo” là Nhà Xuất bản GD Việt Nam.
331 tỉ đồng không phải là số tiền nhỏ, nhưng so với cái mất mát ghê gớm về niềm tin của hơn 90 triệu dân thì đó quả là một vụ làm ăn… đi vào lòng đất.
331 tỉ đồng, thực ra chỉ bằng một cái tượng đài thường thường bậc trung mà bây giờ đang trăm hoa đua nở trên khắp các địa phương của cả nước.
Có đáng không để phải đánh đổi bằng một cái giá nghiệt ngã như thế? Sao không bớt đi một quả tượng đài xi măng sắt thép vô hồn để mà thỏa sức lấy lòng dân đen?
331 tỉ đồng của cả một năm kinh doanh với bao nhiêu ban bệ và hàng ngàn nhân sự mà đem so với số tiền Blackpink kiếm được chỉ với 2 đêm “vui chơi hát lượn”, quả thật chỉ xứng là gà què ăn quẹn cối xay. Đã thế còn mang tiếng là bần tiện xấu xa. Càng nghĩ càng thấy thảm hại.
Chỉ bao giờ việc kiếm tiền trở nên hào sảng, khi đó việc ăn quẹn cối xay mới có thể chấm dứt.
Nhưng khốn nỗi, để kiếm được tiền theo một phong cách đàn chị như thế lại cần phải có tài năng. Mà tài năng thì lại không phải từ trên trời rơi xuống: phía sau nó phải là cả một thiết chế xã hội văn minh với một nền giáo dục khai phóng và một nền văn hóa tự do…
https://www.facebook.com/profile.php?id=100059910855657&__cft__[0]=THAIHAO

Tiếng Dân News

https://www.facebook.com/tiengdanbao?__cft__[0]=
6.300 CÂU HỎI CHO BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT: ĐỪNG HỨA SUÔNG VÀ TRẢ LỜI CHO CÓ!
Cảnh Chân/ VNTB/BVN 15-8-2023


(VNTB) – Trải qua bốn đời bộ trưởng, lời hứa tăng lương giáo viên trong gần 20 năm qua vẫn là cái bánh vẽ.
Ngày 15/8, ông Nguyễn Kim Sơn sẽ có lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp với giáo viên cả nước kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây sẽ là cuộc họp vừa trực tiếp vừa trực tuyến để kết nối với giáo viên tại 63 tỉnh thành trong cả nước.
Làm sao trả lời hết bức xúc chỉ trong một ngày?
Nhiều người tỏ ra không đánh giá cao về chất lượng cuộc họp do tính chất online, thời gian chỉ diễn ra trong một ngày nhưng lại có tới hơn 6.300 câu hỏi được đặt ra. Một số bình luận thậm chí còn nghi ngờ về việc chắc lọc các câu hỏi dễ để bộ trưởng trả lời có lệ và bỏ đi các câu hỏi khó.
Dựa trên thông tin báo chí thì buổi sáng ngày 15, bộ trưởng sẽ nói chuyện với giáo viên bậc mầm non, phổ thông. Buổi chiều ông sẽ tiếp xúc với giảng viên các trường đại học. Ngoài ông Sơn, còn có thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, các vụ trưởng, cục trưởng trực thuộc Bộ và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Ân.
Theo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, tính tới ngày 13/08 đã có hơn 6.300 câu hỏi của giáo viên được gửi về Bộ. Các ý kiến được sắp xếp theo ba cụm vấn đề chính mà ngành giáo dục đang gặp phải.
Một là thực trạng công tác quản lý, tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Bộ. Hai là việc chia sẻ các khó khăn, bất cập, mối quan tâm của giáo viên với việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông, tự chủ đại học và đề xuất giải pháp. Cuối cùng là thắc mắc về chiến lược giáo dục, giải pháp của Bộ Giáo dục và Đào tạo như thế nào khi phải đối mặt với những vấn đề bất cập hiện nay ở tất cả các cấp học.
BỐN ĐỜI BỘ TRƯỞNG CHỈ TOÀN HỨA SUÔNG
Những vấn đề này cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hàng loạt bất cập mà ngành giáo dục đang vướngphải. Trải qua hàng chục năm với mấy đời bộ trưởng mà vẫn không giải quyết được, thậm chí càng ngày càng tệ hơn.
Chẳng hạn câu chuyện thiếu giáo viên nhưng phải giảm 10% biên chế. Theo thống kê thì cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên nhưng chỉ trong 2 năm (2021, 2022) cả nước lại có tới 29.000 giáo viên bỏ việc. Nguyên nhân được cho là do áp lực công việc nhiều nhưng thu nhập thấp. Nhiều giáo viên phải hợp đồng không chính thức nhiều năm, có giáo viên phải hợp đồng đến 20 năm với mức lương chỉ từ 2-3 triệu/tháng.
Lương giáo viên là bức xúc trải qua 4 đời bộ trưởng, từ Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ tới nay là Nguyễn Kim Sơn. Chưa ai giải quyết được mà chỉ toàn là lời hứa suông với những cái bánh vẽ đầy hoa mỹ.
Năm 2006, khi giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nguyễn Thiện Nhân tuyên bố đến năm 2010 thì “nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình”. Tới nay là 2023, kết quả của lời hứa này thì ai cũng thấy.
Đến năm 2010, khi vừa lên nhậm chức Bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận đã đề ra 8 nhiệm vụ phải thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Ông Luận dùng rất nhiều lời lẽ đao to búa lớn khi gọi chiến lược cải cách của mình như một trận đánh lớn và so sánh nó với cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc.
“Tôi có dùng hình ảnh ‘một trận đánh lớn’ để nói đến lực lượng gồm nhiều binh chủng, phối hợp nhiều chiến dịch, giải quyết nhiều mục tiêu. Ví dụ như: mục tiêu cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, mang được lá cờ Tổ quốc cắm trên Dinh Độc Lập. Nhưng ngay lập tức từ năm 1954 mà chúng ta muốn mang cờ vào Dinh Độc Lập thì là điều không thể. Chúng ta phải đánh bằng nhiều lực lượng, đánh nhiều trận, đánh thắng từng bước để tiến tới thắng lợi cuối cùng”. Ông Luận hào hùng tuyên bố.
Tuy nhiên, cho tới cuối nhiệm kỳ thì ông này lại sa lầy vào số tiền lên tới 34.000 tỷ đồng của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Và dĩ nhiên, ông cũng bất lực trong việc làm thay đổi mức tiền lương nhỏ bé của người giáo viên.
Tới thời Phùng Xuân Nhạ lên làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông này cũng có lời hứa “sẽ đồng hành, tăng lương cho giáo viên” trong một phát biểu năm 2017. “Tất nhiên Bộ GD&ĐT không quyết định được vấn đề lương giáo viên nên Bộ đã làm việc với Bộ Nội vụ để cùng thống nhất vấn đề thang bảng lương, để làm sao triển khai thật tốt nghị quyết 29 của trung ương, để giáo viên được hưởng thang bậc lương cao nhất”, ông Nhạ nói với báo chí tại kỳ họp Quốc hội tháng 11-2017.
Cuối nhiệm kỳ, ông Nhạ và các thuộc cấp bị Ban Bí thư Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo vì hàng loạt sai phạm trong thời gian làm bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Vì thế tuyên bố tăng lương giáo viên chỉ còn là lời hứa suông.
Và tới bộ trưởng hiện nay là Nguyễn Kim Sơn. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã viết tâm thư gửi đến toàn thể giáo viên cả nước với trăn trở: “Tôi mong đời sống người giáo viên được cải thiện hơn”. Nhưng đến bây giờ mong muốn ấy chỉ là cái bánh vẽ như bao cái bánh vẽ của các đời bộ trưởng trước.
Trên đây chỉ là ví dụ về lời hứa tăng lương giáo viên trong gần 20 năm qua. Ngoài ra vẫn còn vô số bất cập về chương trình giáo dục, sách giáo khoa, phương án thi, bệnh thành tích, bạo lực học đường… Và giải pháp cho những nan đề này cũng là những lời hứa suông của những người đứng đầu ngành giáo dục. Hết nhiệm kỳ, lời hứa hết giá trị. Đây là những căn bệnh trầm kha mà thậm chí có người còn gọi là “quốc nạn” khi nền giáo dục được điêu hành bởi bộ não của người cộng sản: càng sửa càng sai, càng trị càng nặng, càng đổi mới càng thụt lùi.
C.C.
VNTB gửi BVN

Bauxite Vietnam

https://www.facebook.com/profile.php?id=100071353650766&__cft__[0]=BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét