Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

20230823. 110 NĂM NGÀY SINH NHÀ VĂN HÓA NGUYỄN HỮU ĐANG

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NGUYỄN HỮU ĐANG
KIM VĂN CHÍNH/FB/TD 16-8-2023


Nguyễn Hữu Đang (Ảnh Wikipedia)

Hôm qua 15-8, là ngày sinh nhật của nhà văn hóa Nguyễn Hữu Đang. Ông là một chân dung lớn của nền văn hóa Việt Nam, chủ bút nhiều tờ báo. Ông còn là một nhà cách mạng sánh ngang hàng với những bậc khai quốc công thần như Trường Chinh, được Hồ Chí Minh tin dùng những ngày đầu lập nước. Người đời biết nhiều đến ông khi ông được giao nhiệm vụ vận động tuần lễ vàng, tạo tài chính cho Chính phủ và là người chỉ huy tổ chức lễ tuyên ngôn độc lập 2-9-1945.
Nhưng tai họa đã giáng xuống cuộc đời ông (cùng với hàng trăm cuộc đời các trí thức, văn nghệ sỹ khác) bởi vụ án đầy mờ ám có tên “nhân văn giai phẩm”. Ông bị coi là kẻ cầm đầu của phong trào nhân văn giai phẩm và án xử ông rất nặng: 15 năm tù giam tận Hà Giang và sau đó là án “quản chế” suốt đời ở quê Thái Bình…
Sự khổ cực và bị đày đọa thân xác, tinh thần đến mức không thể còn coi ông là con người nữa, ông lẳng lặng chịu đựng một mình (Ông chưa kịp lấy vợ thì bị án oan).
Hãy đọc bài viết của nhà văn Phùng Quán đăng báo Tuổi trẻ 1992, nói lên 1 phần nhỏ nỗi cơ cực và khổ nhục của một nhà hoạt động cách mạng đích thực cùng thời và ngang hàng với Trường Chinh, Lê Duẩn; nhưng giữa lúc các “bạn bè trang lứa” ở đỉnh cao quyền lực và sống đủ đầy ở Thủ Đô Hà Nội thì ông phải sống chui lủi giấu mình (không ai dám gặp) ăn cóc nhái để có đủ chất đạm tồn tại…
Bản thân Phùng Quán cũng là một nạn nhân điển hình của vụ án và ông đến thăm, ông đến thăm và viết về Nguyễn Hữu Đang khi và chỉ khi ngọn gió đổi mới bùng lên vài năm hồi 1989-1995 (sau đó đến nay chắc cũng khó viết và đăng như vậy). (Xem bài trong link).
Đất nước ta, có được như ngày hôm nay, cần nhớ ơn hàng nghìn, hàng chục nghìn các nạn nhân kiểu như Nguyễn Hữu Đang đã phải chịu nạn thay cho dân tộc.
Sự hy sinh của họ, sự chịu khổ nạn đến cùng cực của họ, là lời cảnh báo cho nhân dân biết được lẽ phải nằm ở đâu, biết được cái sai trái, lố bịch, phản nhân dân của các thế lực cường quyền lộng hành trên quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, tổ quốc.
P/S: Sau 1991, Nguyễn Hữu Đang có được mời trở về Hà Nội nhận truy lĩnh lương, được hưởng lương hưu và được cấp một gian nhà nhỏ. Ông sống thầm lặng cho đến khi qua đời năm 2007. Nhưng án oan của ông mãi mãi đi vào lịch sử cách mạng Việt nam như một vết nhơ của nền tư pháp và cầm quyền của chính thể hiện nay…
*********************************************
NGUYỄN HỮU ĐANG (NHĐ), MỘT CON NGƯỜI RẤT ĐÁNG CẢM PHỤC
NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ FB/ TD 22-8-2023

NHĐ (1913-2007), xuất thân gia đinh trí thức, quê Thái Bình. Tham gia mặt trận Dân chủ từ 1936, hoạt động trong lĩnh vưc Văn hóa cứu quốc. Được bầu vào Ủy Ban Dân tộc Giải phóng tại Tân Trào (tháng 8/1945), Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Lâm thời.
Sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945 NHĐ được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đến, giao nhiệm vụ làm trưởng ban tổ chức ngày lễ 2 tháng 9 tại quảng trường Ba Đình.
Đầu tiên ông Đang trinh bày là công việc quá gấp và quá khó, sợ không làm nổi. Cụ Hồ bảo rằng vì việc gấp và khó mới nhờ đến chú. Chú được nhân danh tôi mà điều khiển công việc, ngoài ra không còn gì khác, kể cả tiền nong.
NHĐ cho thông báo về ngày lễ và mời (chung chung) những người có khả năng và tinh thần đến họp. Ông phác thảo ra quy mô của khán đài (bằng gỗ, trang trí và bao che bằng vải) rồi kêu gọi mọi người ủng hộ, bằng tiền, vật liệu, công sức. Hôm sau Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh mang đến bản vẽ thiết kế lễ đài và xin nhận công việc chỉ huy thi công. Rồi người chở gỗ và đem thợ đến, người giúp vải, giúp tiền. Có thể nói NHĐ đã bằng tài tổ chức với hai bàn tay không đã dựng nên lễ đài ngày 2 tháng 9 tại Ba Đình.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, NHĐ là trưởng ban tuyên truyền xung phong trung ương, ông vào đảng CSVN năm 1947.
Năm 1956 cùng với các văn nghệ sĩ, trí thức và sinh viên, NHĐ lập ra tờ báo NHÂN VĂN và các tạp chí GIAI PHẨM (Giai phẩm mùa xuân, mùa thu, mùa đông…) tuyên truyền, kêu gọi Đảng bảo đảm quyền tự do, dân chủ (Phong trào Nhân văn Giai phẩm). Vì việc này ông bị kết án 15 năm tù. Khi nhận bản án hình như NHĐ không kêu oan, không khiếu nại, chỉ lẵng lặng nói hai tiếng “thế à”, rồi bị dẫn giải đi ở tù. Trong thời gian bị tù tại vùng núi rừng heo hút Hà Giang cho đến hết thời gian 15 năm NHĐ không hề biết đến cuộc chiến chống không lực Mỹ đánh phá miền bắc.
Ra tù, ông lần về quê ở Thái Bình, tìm được một mãnh đất, dựng lên một túp lều tranh, hàng ngày bắt cóc bắt nhái, mọt lúa, mót khoai kiếm ăn.
Khi Phùng Quán đến thăm, NHĐ dẫn bạn đi xem một nơi đặc biệt, đó là một hỏm đất trống giữa một bụi tre rậm và giải thích rằng khi cảm thấy sắp chết, ông sẽ cố bò, lết ra đây, chui vào nằm đó để chết. Khi người ta phát hiện ra, chỉ cầ xúc đất lấp lại là được, khỏi phải hòm xiểng, khỏi phải phiền đến ai. Không biết trong lòng ông có uẩn khúc gì không, chứ NHĐ thể hiện ra bên ngoài một thái độ ung dung, không thù hận, không oán trách, không kêu than. Tôi cảm phục NHĐ là vì thái độ này.
Câu chuyên của NHĐ thể hiện cách hành xử của cộng sản đối với các đồng chí của mình. Dưới chế độ cộng sản ai muốn nói đến tự do dân chủ phải nói theo cách của Đảng, phải được phép của Đảng, còn có ai nói tự do dân chủ, đòi tự do dân chủ theo ý của mình thì phải bị tiêu diệt tận gốc.
*********************************************
ÔNG NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG VÀ CHUYỆN 'ĐƯA' ÔNG NGUYỄN HỮU ĐANG VỀ HÀ NỘI
LÊ HIỆP/TN 5-5-2020
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức T.Ư, là người đã đề xuất đưa ông Nguyễn Hữu Đang - người bị tuyên 15 năm tù trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm, về Hà Nội.
Trong buổi ra mắt cuốn sách Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông đất nước giữa tháng 10.2019, nhân những người tham dự nhắc tới ứng xử của ông Nguyễn Đình Hương đối với các nhà văn thuộc phong trào Nhân văn - Giai phẩm, ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ câu chuyện ông đã giúp đỡ để đưa ông Nguyễn Hữu Đang, người được cho là “đứng đầu” phong trào Nhân văn - Giai phẩm, từ Thái Bình về Hà Nội.
Tại buổi lễ, ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đã nhắc lại câu chuyện về ông Nguyễn Hữu Đang mà ông được nghe chính ông Hương kể lại. Theo ông Hợp thì khi đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Đang đã làm đơn gửi Bộ Nội vụ lúc bấy giờ (bây giờ là Bộ Công an) nhưng đơn cứ chuyển vòng vèo rồi không ai giải quyết, nên ông Đang đã tới tìm ông Nguyễn Đình Hương để nhờ ông Hương giúp đỡ.
“Và anh Hương đã ôm cả bộ hồ sơ đó lên gặp cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông Phạm Văn Đồng sau khi nghe anh Hương trình bày xong, không hỏi thêm 1 câu, đã đặt bút viết đồng ý chuyển ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Hữu Đang (1913 - 2007), quê tại Thái Bình. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông Nguyễn Hữu Đang được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Ngày tuyên bố Độc lập 2.9.1945. Sau đó, ông còn làm Thứ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ lâm thời.
Năm 1958, ông liên quan tới vụ án Nhân văn - Giai phẩm và bị bắt, sau đó bị kết án 15 năm tù. Ông ra tù năm 1973 và ở tại quê nhà ở Thái Bình, tới năm 1993 thì ông về sống tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Hương khi đó chia sẻ: “Trường hợp ông Nguyễn Hữu Đang nói thật là tôi liều. Tôi nhận trước ông Đỗ Mười, trước ông Phạm Văn Đồng là tôi hứa sẽ đưa Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội chứ không thể giam 18 năm, vứt bỏ một nhà trí thức như thế được. Ông Đỗ Mười và ông Phạm Văn Đồng sau đó đều đồng ý”.
Còn ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thì chia sẻ, trước khi mất, Tố Hữu có dặn ông rằng, về công tác tổ chức liên quan tới Hội Nhà văn Việt Nam, có điều gì cứ hỏi ông Nguyễn Đình Hương. Vì thế, ông đã nhiều lần tới hỏi ý kiến ông Hương “nhiều vấn đề không dễ trả lời” như chính sách đối với các nhà văn đã tham gia Nhân văn - Giai phẩm như thế nào sau khi họ trở lại, trong đó có trường hợp “khá gai góc, khó khăn” là nhà báo Nguyễn Hữu Đang.
Ông Thỉnh cho biết, chính nhờ có góp ý, hướng dẫn với tình cảm, sự hiểu biết và khoan dung từ ông Nguyễn Đình Hương, Hội Nhà văn đã có cách ứng xử, chính sách đúng đắn, đầy nhân văn với ông Nguyễn Hữu Đang khi ông trở lại “cuộc sống bình thường”.
“Sau khi xin ý kiến nội bộ từ bác Nguyễn Đình Hương, chúng tôi đã khôi phục lại toàn bộ lương của cụ Nguyễn Hữu Đang từ khi bị xử lý kỷ luật cho tới khi trở lại cuộc sống bình thường. Cụ Đang cũng được cấp 1 ngôi nhà theo tiêu chuẩn của một thứ trưởng ở thời điểm đó”, ông Thỉnh chia sẻ, và cho biết tới lúc mất, ông Nguyễn Hữu Đang rất vừa lòng, không có gì ca thán với Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Hương chia sẻ tại buổi lễ ra mắt sách giữa tháng 10.2019
Ảnh Ngọc Thắng
Ông Nguyễn Đình Hương cũng chia sẻ thêm, sau khi đứng ra “bảo lãnh” để ông Nguyễn Hữu Đang về Hà Nội, cũng đã có chuyện xảy ra. Đó là vào ngày giỗ của Phùng Quán, có thông tin nói rằng, các văn nghệ sĩ hẹn tới nhà Phùng Quán tập hợp, biểu tình. Cố Tổng bí thư Đỗ Mười yêu cầu ông Hương phải thu xếp. Ông Hương đã mời ông Nguyễn Hữu Đang tới gặp và đề nghị cùng ông Đang tới thắp hương cho ông Phùng Quán.
“Tôi nói ngày mai tôi và bác (ông Nguyễn Hữu Đang) phải đến với điều kiện chúng ta không làm gì rối cho T.Ư. Nếu có ai đó phát biểu lung tung thì bác phải can đi. Tiếng nói của bác uy tín hơn của tôi…”, ông Hương kể, và cho biết ngày hôm đó, mọi chuyện diễn ra êm đẹp, mọi người chỉ đến thắp hương rồi về.
Trao Giải thưởng Nhà nước cho 4 nhà văn Nhân văn - Giai phẩm
Cũng liên quan tới các nhà văn Nhân văn - Giai phẩm, ông Lê Doãn Hợp kể, vào năm 2006, ông khi ấy là Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đồng thời được giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật. Sau 2 tháng làm việc thì Hội đồng giải thưởng đã quyết định trao giải thưởng cho 4 nhà văn liên quan tới thời kỳ Nhân văn - Giai phẩm là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Đạt và Hoàng Cầm.
Sau khi có thông tin kết quả bỏ phiếu, đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về việc này. “Có ý kiến của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười; có ý kiến của chị Thanh, vợ đồng chí Tố Hữu, nguyên Phó Ban Tuyên huấn T.Ư, Ban Bí thư cũng yêu cầu phải báo cáo”, ông Hợp nói.
“Rất nhiều người nói với tôi rằng, nếu anh phong cho 4 văn nghệ sĩ này thì anh tự đốt lý lịch của anh. Và người nhóm lửa để đốt là bác Nguyễn Đình Hương, đồng hương xứ nghệ của anh”, ông Hợp nhớ lại.
Để giải quyết vấn đề, ông Hợp đã quyết định tới gặp ông Nguyễn Đình Hương. “Tôi đã rất cảm động. Trước hết là vì cử chỉ đón tiếp của bác. Tiếp đó là những lời bác nói ngược lại hoàn toàn những lời đe dọa mà mọi người nói với tôi”, ông Hợp kể.
Ông Nguyễn Đình Hương và các đại biểu tham dự buổi ra mắt sách hôm 17.10.2019
Ảnh Ngọc Thắng
“Bác Hương nói: ‘Hợp làm đi. Anh ủng hộ. Phải kéo văn nghệ sĩ về với Đảng, về với chúng ta. Điều này không chỉ có lợi cho dự luận trong nước mà còn ở nước ngoài. Và những nhà văn, nhà thơ này bị kỷ luật cách đây 50 năm rồi. Cái sai đã sửa rồi. Bây giờ hàng loạt ưu điểm mà chúng ta vẫn trừng thì nó không công minh mà cũng không công bằng. Hội đồng bỏ phiếu như thế là hoàn toàn chính xác’”, ông Hợp kể lại.
Ông Hợp chia sẻ, sau đó, ông còn được ông Hương cho mượn toàn bộ hồ sơ của vụ Nhân văn - Giai phẩm để xem. “Tôi xem hồ sơ thì thấy, ngoài 2 người bị xử lý nặng nhất là ông Hữu Đang và bà Thụy An thì những người còn lại bị kỷ luật là "treo bút 3 năm, được sáng tác nhưng không được xuất bản". Mà tới khi trao giải thưởng là đã 50 năm rồi (1956 - 2006)”, ông Hợp nói, và cho biết chính ông Hương là người đã giúp ông gỡ một thế bí cực tốt.
Theo ông Hợp, sau đó, khi giải thưởng được trao, dư luận xã hội rất tốt. “Vợ nhà thơ Trần Dần đã đặt 60 triệu tiền thưởng và bằng khen Giải thưởng Nhà nước lên bàn thờ thắp hương đủ 3 tháng 10 ngày. Tôi rất cảm động và trân trọng hình ảnh này khi đến thắp hương. Tất cả là nhờ bác Nguyễn Đình Hương giúp tôi”, ông Hợp nói, và chia sẻ rằng, ông muốn kể lại câu chuyện mà ông chưa từng kể để thấy, tư duy thông thoáng và cũng rất nhân văn của ông Nguyễn Đình Hương với anh em văn nghệ sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét