Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

20200318. QUANH VẤN ĐỀ DẠY HỌC ONLINE

ĐIỂM BÁO MẠNG
DẠY TRỰC TUYẾN VỚI LỚP HỌC...'TRÊN MÂY'

TÙNG DƯƠNG/ GDVN 14-3-2020
Giải pháp tổng thể "Lớp học trên mây, lớp học kết nối" của thầy Phạm Ngọc Đức là một trong ba giải đặc biệt được Microsoft trao tặng về sáng tạo trong giáo dục, đây là bài giảng điện tử tương tác thiết kế trên nền Sway và các công cụ của Office 365 có tích hợp một số ứng dụng như Wakelet, Padlet, Flipgrid, Weebly… giúp học sinh kết nối đồng bộ tới hoạt động của lớp học 24/7.
Giải pháp tổng thể "Lớp học trên mây, lớp học kết nối" của thầy Phạm Ngọc Đức là một trong ba giải đặc biệt được Microsoft trao tặng về sáng tạo trong giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Phạm Ngọc Đức - Chuyên viên của Trung tâm Tiến tiến bồi dưỡng lãnh đạo quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy Đức chia sẻ: “Từ trước đến nay khi mọi người tiếp cận với Microsoft thì đều nghĩ rằng chỉ đơn giản là Word, Excel…
Nhưng mọi người lại quên mất là Microsoft đi theo hướng phát triển sinh thái, mà hệ sinh thái thì cũng giống như trong giáo dục của chúng ta với các hoạt động từ dạy và học, hoạt động của cộng đồng, hoạt động trong và ngoài trường, hoạt động đánh giá…nó giúp kết nối tất cả những vấn đề này.
Thay vì việc giảng viên dùng PowerPoint để giảng bài mà khi học sinh xin bài giảng đó thì giáo viên không cho, cũng dễ hiểu vì giáo viên mất rất nhiều công sức vào bài giảng đó, nhưng bây giờ không cần giáo viên phải soạn nữa, chính người học là người sẽ đóng góp tri thức vào bài giảng.
Vậy nên ý tưởng của tôi chính là tạo ra một giải pháp tổng thể, có nơi để học sinh, cộng đồng xã hội đóng góp tri thức, giáo viên chỉ là người soạn bài, điều phối mời đóng góp vì bản thân giáo viên cũng có nghĩ ra được đâu, tri thức là từ nhiều nguồn.
Học sinh đâu có gặp được giáo viên ngoài giờ vì tất cả đều bận, vậy phải có công cụ để giải quyết việc đó, và đó là các công cụ giúp cho các lớp học “trên mây” trao đổi kiến thức.
Tôi mất khá nhiều thời gian từ lúc thực hiện ý tưởng cho đến khi giải pháp này được chỉnh sửa hoàn thiện, cứ làm và thử rồi lại làm và chỉnh sửa, cho sinh viên, học sinh, giảng viên…mọi người dùng thử rồi mới tìm ra được các quy trình để số hóa được bài giảng thì phải thế nào, các bước ra làm sao, sau đó xem người dùng thích cái gì, cái gì dễ dùng và ngược lại, gần 6 tháng sau tôi mới ra được sản phẩm hoàn chỉnh này”.
Giải pháp tổng thể này có thể áp dụng cho các cấp học một cách dễ dàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Thầy Đức cho biết: “Cuộc thi mà tôi tham gia có tên là Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin, nhưng sản phẩm của tôi nó không phải là dự án mà nó là giải pháp tổng thể, hiện nay việc học không khoảng cách rất phổ biến và cụ thể là học trực tuyến, người học có thể ngồi ở bất cứ nước nào trên thế giới nhưng vẫn kết nối được với nhau qua lớp học sử dụng công nghệ điện toán đám mây.
Việc kết nối này giúp học sinh và giáo viên trên toàn thế giới được giao lưu, trải nghiệm một cách dễ dàng thông qua nền tảng trực tuyến, nhưng do sĩ số lớp học thường rất đông, vậy nên trong một giờ học 45 phút đồng hồ mặc dù là học trực tuyến nhưng thực chất là chỉ vài học sinh có cơ hội được phát biểu ý kiến, nếu 40 học sinh mà mỗi em tham gia nói 5 phút thì cả lớp mất 200 phút, điều đó là không thể vì sẽ quá số giờ tiết học.
Từ đó dẫn đến một hình thức gọi là hoạt động trước, trong và sau dạy học. Hoạt động trong thì mình đã làm tốt rồi, còn đang thiếu hoạt động trước dạy học và cũng là môi trường để học sinh làm quen với giáo viên, kết nối làm các bài tập nhỏ, tìm hiểu kiến thức bài sắp học, không phải đến lớp mà vẫn làm được, đó là ưu điểm của hoạt động này.
Có nghĩa bài giảng bây giờ không như trước là giáo viên cứ phải hì hục soạn trên PowerPoint, nhưng bây giờ thì giáo viên chỉ đưa ra cái khung thôi và tất cả học viên sẽ vào để xem trước, thảo luận, tham gia các nhóm.
Tất cả các đóng góp của người học sẽ được lưu vết ở bài giảng tại khung của giáo viên đưa ra ban đầu, khi giáo viên dạy học thì nhìn vào những vết đó thì biết học sinh đang quan tâm đến vấn đề gì và các em chia thành từng nhóm nào.
Đến giờ học trực tuyến thì giáo viên đúc kết lại những ý kiến của học sinh đã thảo luận, và mời một số em có ý kiến nổi bật đại diện cho các nhóm lên đóng góp ý kiến hoặc chữa bài.
Khi người học trong lớp đều được tham gia đóng góp kiến thức dù là nhỏ nhất, thì thái độ hứng thú với giờ học sẽ tốt hơn nhiều so với việc là giáo viên mang một bài giảng đến lớp và giảng, có học sinh mạnh dạn giơ tay, và có khi còn không đến lượt vì giới hạn thời gian, trong khi chúng ta vẫn nói là lấy người học làm trung tâm thì điều này vẫn chưa làm được nếu dạy theo cách thông thường”.
Giải pháp tổng thể là nơi để học sinh, cộng đồng xã hội đóng góp tri thức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ưu điểm của giải pháp
Cũng theo thầy Đức: “Vậy nên giải pháp này khi triển khai cho học sinh, sinh viên các trường thì tôi thấy rất hiệu quả, nó gọi là giải pháp đảo ngược lớp học và chuyển một phần tư liệu cho học sinh làm trước, điều này rất hay là toàn bộ mọi hoạt động đều diễn ra trên Internet hay còn gọi là “lớp học trên mây” .
Giáo viên không phải cài đặt, không cần tài khoản, không phải đăng nhập vì tất cả diễn ra trên công nghệ điện toán đám mây, giáo viên chỉ gửi cho học sinh một đường Link dẫn là tất cả đều có thể vào học.
Mọi bài giảng, bài học đều đưa hết lên “Mây”, người học không cần phải tải cái gì mà chỉ theo đường Link dẫn vào làm bài tập và có điểm luôn, bản chất vấn đề nó là công nghệ điện toán đám mây và Microsoft cho phép làm điều đó, nó tích hợp từ bài giảng, kiểm tra đánh giá, danh sách người học, phân chia nhóm học…
Tất cả diễn ra trong một bài giảng và lớp học đó không quá phức tạp, nó diễn ra như người ta vào đọc một trang báo điện tử, có bao nhiêu tin bài trên trang báo đó đều được bày ra và người đọc chỉ việc bấm con trỏ vào.
Còn nếu yêu cầu học sinh vào trang này, đăng nhập vào đây, Pass như này… thì mới làm được bài kiểm tra, sau đó lại vào trang này để nhập kết quả tải lên, như vậy sẽ rất phức tạp cho người học. Phương pháp này có thể áp dụng được cho các cấp học, nhưng vì các em phải tương tác trên máy tính nên có thể không tiện cho lắm đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
Hiện nay tôi đang triển khai rộng hình thức học này và áp dụng cho cả các giảng viên tập huấn, thay vì việc các giảng viên cứ ngồi tập trung một chỗ và nghe mình nói, thì tôi yêu cầu họ trình bày viết rất ngắn gọn về bài giảng trực tuyến sắp tới với yêu cầu mục tiêu là gì, dùng kỹ thuật gì…
Chỉ cần họ viết thế thôi và nộp lên bài giảng điện tử, việc nộp lên cũng rất đơn giản vì bảng tính Excel cho phép làm trực tuyến, nó cũng giống như Google là người này đã nhập dữ liệu vào dòng này thì người khác sẽ nhập vào dòng khác, tất cả đều nhập vào bảng tính đó nhưng là làm trên “Mây”.
Điểm rất hay ở chỗ là tất cả trên “Mây” và làm nhanh như vậy nên khi giáo viên nhập dữ liệu vào có thể dùng điện thoại thông minh là làm được dễ dàng. Vào thẳng bảng tính và sửa trực tuyến, bản Excel cứ kéo dài vào trong một màn hình nên mọi người đều nhìn được ý tưởng của nhau.
Có thể nói giải pháp tổng thể này dùng tốt cho giảng viên, giáo viên, doanh nghiệp, sinh viên, học sinh các cấp học rất tốt, nhất là cho việc học trực tuyến như thời điểm hiện nay học sinh đang phải nghỉ học ở nhà”.
Giáo viên làm được điều này thì có nghĩa là tận dụng được các công cụ của Microsoft miễn phí, không mất tiền mua và rất đơn giản qua các bước số hóa. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Phương cách triển khai lớp học “Trên mây”
“Đầu tiên giáo viên sẽ dùng công cụ của Microsoft để đưa bài giảng vào, đưa phần thảo luận nhóm vào, phần giới thiệu giảng viên, phần góp ý của doanh nghiệp…nó gồm 6 bước số hóa cơ bản như vậy.
Các em học sinh trong trường hoặc trong lớp và các giáo viên thường có kết nối với nhau qua mạng xã hội, qua địa chỉ thư điện tử, hoặc sổ liên lạc điện tử…
Dựa vào mạng xã hội đó giáo viên gửi đường Link và các em cứ theo đường Link đó mà vào lớp học, ngoài ra không yêu cầu đăng nhập bất cứ một cái gì, cứ ai có đường Link đó là đều có thể vào tương tác.
Giải pháp tổng thể này đã thoát ra khỏi dự án thông thường, rất nhiều năm chúng ta đã khai thác dự án rồi, và cứ nói đến dạy học bằng công nghệ thông tin là mọi người nghĩ đến dự án, nhưng thực ra không phải như vậy.
Có thể chỉ cần một bài giảng đổi mới phương pháp dạy là nó đã có thể trở thành một giải pháp hay rồi, hoặc cách dùng PowerPoint một cách sáng tạo thì nó cũng là ứng dụng công nghệ thông tin rồi, chứ không phải nhất thiết nghĩ đến công nghệ là dạy học dự án. Đó là điểm khác biệt đầu tiên.
Điểm khác biệt thứ 2 là mọi người hiểu hơn về các hoạt động dạy học bây giờ có thể diễn ra trước giờ vào lớp, đặc biệt là sinh viên vì các em cần tăng cường tính tự học.
Nhưng để tăng cường tự học thì cần phải có nơi cho sinh viên học, chứ cứ nói các em phải tự học mà không hề có hướng dẫn thì tự học làm sao được.
Vậy nên giáo viên tạo cho sinh viên, học sinh một nơi để các em vào trao đổi ý kiến trước, cập nhật kiến thức mới về vấn đề sắp học, có thể gọi là hình thức lớp học đảo ngược.
Giáo viên làm được điều này thì có nghĩa là tận dụng được các công cụ của Microsoft miễn phí, không mất tiền mua và rất đơn giản qua các bước số hóa nêu trên”, thầy Đức nhấn mạnh.
Tùng Dương

HỌC TRỰC TUYẾN LÀ PHÙ HỢP NHẤT TRONG THỜI GIAN NGHỈ DỊCH COVID-19

NGUYỄN ĐỨC MINH/ GDVN 16-3-2020
Nhiều lợi ích từ việc triển khai dạy - học trực tuyến
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều trường đại học trên cả nước nói chung, đặc biệt là các trường đại học trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng đã quyết định cho sinh viên nghỉ học. 
Để đảm quyền lợi được học tập của sinh viên và giảng dạy của giảng viên, các trường đại học đã triển khai mô hình học online
Trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng – Phó giám đốc Học viện Tài chính, ông cho biết:
“Việc triển khai mô hình học online trong thời điểm nghỉ dịch như này là rất tốt. 
Tính đến thời điểm hiện tại, việc học trực tuyến có những lợi ích mà ta có thể thấy rõ. 
Thứ nhất, giảng viên và sinh viên yên tâm ở nhà học tập và làm việc, không phải ra ngoài trong mùa dịch này. Như vậy đảm bảo được sức khỏe cho cả người học cũng như người dạy.
Thứ hai là đảm bảo được quyền lợi của giảng viên. Tức là giảng viên nào, dạy lớp nào, sẽ được đăng kí giảng dạy và vẫn vào dạy lớp đó, theo đúng lịch trình, kế hoạch đã có từ trước. 
Do vậy là đảm bảo được quyền lợi chứ không mất quyền lợi của từng giảng viên. 
Thứ ba là quyền lợi được học tập, tiếp thu kiến thức, giao tiếp với thầy cô, bạn bè của sinh viên cũng được đảm bảo”. 
Sinh viên nghỉ dịch, ở nhà học trực tuyến (Ảnh minh họa: Đại học Mở Hà Nội)
Tiến sĩ Nguyễn Đào Tùng cũng chia sẻ thêm: “Đối với riêng Học viện Tài chính, khi triển khai mô hình học trực tuyến cho 2000 sinh viên, nhà trường đã nhận được phản hồi tốt. Sinh viên rất hào hứng với việc học.
Tuy nhiên học online như này vẫn có những hạn chế nhất định. Ví dụ có những bạn sinh viên không có đủ điều kiện về thiết bị, mạng để học tập. Hay có những môn học vẫn chưa triển khai được như giáo dục thể chất.
Với việc này thì nhà trường đã có phương án khắc phục. Đối với những sinh viên chưa có điều kiện để học trực tuyến sẽ báo lại với thầy, cô để nhà trường nhà trường có kế hoạch học bù”.
Mặc dù là dạy học online nhưng sinh viên vẫn được điểm danh, các trường vẫn kiểm soát được lượng sinh viên truy cập và giám sát được từng lớp học. 
Việc sinh viên không phải đến trường học, chỉ cần ngồi ở nhà nhưng vẫn được học tập, tiếp thu kiến thức chính là ưu điểm nổi bật nhất mà học trực tuyến mang lại.
Người học đánh giá cao hình thức học trực tuyến 
Đánh giá sau khi học trực tuyến, Đỗ Thị Bích Phượng, sinh viên khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:
“Mình rất thích việc học online. Ưu điểm là mình thấy dễ nắm bắt bài hơn trên lớp. Vì trên lớp thầy giảng, sinh viên ở dưới nói chuyện khiến mình không tập trung được. 
Tiếp theo là dễ đưa ra ý kiến của mình trong phần thảo luận. Trên lớp thì có thể ngại đứng lên phát biểu vì mọi người nhìn mình, còn học online mình đưa ra ý kiến sẽ thuận tiện hơn, tự tin hơn. Nếu có sai cũng không ai biết mình là ai”. 
Cùng suy nghĩ với Phượng, Vũ Đoan Trinh, sinh viên Viện đào tạo Báo chí và truyền thông, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ:
“Học online ở Nhân văn rất vui. Đúng như cái tên của trường, không chỉ nhân văn khi học chính mà học trực tuyến các thầy, cô cũng rất sát sao với sinh viên. 
Một lớp học gần 100 sinh viên nhưng các thầy, cô vẫn có cách để điểm danh xem sinh viên có nghe mình giảng hay không. 
Sinh viên vẫn được thuyết trình như trên lớp, có nhận xét, đánh giá của thầy cô và các bạn. 
Mặc dù là học online ở nhà nhưng các thầy cô vẫn giao bài tập về nhà và cho sinh viên thời gian hoàn thành, y như học bình thường. 
Còn đối với Đào Phương Linh, sinh viên khoa Tiếng Hàn, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội lại có đánh giá rất tích cực về phần mềm học tập và giảng dạy trực tuyến mà trường mình đang sử dụng. 
Các bạn sinh viên rất hào hứng đối với việc học online ở nhà (Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Linh cho biết: “Phần mềm mà trường mình sử dụng rất dễ dùng, chỉ cần có mail là có thể dùng được. 
Học trực tuyến mình thấy nhanh hơn so với học bình thường trên giảng đường. Vì vậy đòi hỏi sinh viên phải tự học cao hơn, chuẩn bị bài kĩ hơn thì mới học hiệu quả được. 
Trước những đánh giá tích cực của các bạn sinh viên, có thể thấy việc học trực tuyến đã thu được nhiều thành công.
Đây rõ ràng vẫn là phương án tối ưu  nhất để sinh viên và giảng viên được học tập và giảng dạy trong thời gian nghỉ dịch Covid-19”.
Nguyễn Đức Minh
HỌC TRỰC TUYẾN-PHƯƠNG PHÁP PHÙ HỢP TRƯỚC DỊCH BỆNH COVID-19
BÌNH AN/ GDVN 17-3-2020
Mới đây, Trường Phổ thông liên cấp Newton đã chia sẻ một bức thư tâm huyết của phụ huynh Nguyễn Minh Tuấn (có con học lớp 11A5) gửi tới Hiệu trưởng nhà trường về vấn đề dạy trực tuyến cho học sinh trong thời gian chống dịch, chưa thể trở lại trường. Bức thư nhận được sự quan tâm của hàng nghìn học sinh, phụ huynh.
Dịch bệnh do Covid-19 xảy ra thực sự là nỗi lo âu rất lớn của phụ huynh học sinh trong cả nước.
Đã một tháng rưỡi trôi qua kể từ khi các trường học Việt Nam đồng loạt quyết định cho học sinh ở nhà tránh dịch. Đây cũng là thời gian rất thích hợp để chúng ta cùng suy nghĩ về chuyện này, bởi lẽ chương trình giáo dục con em phải được vận hành suôn sẻ.
Tôi xin đặt ra một số vấn đề và những khả năng thích ứng.
1) Học sinh có tiếp tục ở nhà không?
Rõ ràng, Covid-19 và những biến chủng của nó rất khó lường, đã và đang gây hoang mang cho cả nhân loại.
Châu Âu và Hoa Kỳ đang gánh chịu những thách thức ghê gớm của việc này, ở đó nhiều trường học đã đóng cửa và chuyển sang hình thức dạy học hiệu quả khác.
Việc mong chờ một quyết định mở cửa trường học ở Việt Nam trước thời điểm bệnh dịch thuyên giảm, hiển nhiên là viển vông. Không ai biết được khi nào bệnh dịch ngừng lây lan.
Cô và trò lớp 5G1-New trong giờ học online “Hội vui học tập”.
2) Ở nhà có đồng nghĩa với nghỉ học không?
Rõ ràng bạn sẽ nói “không” cho câu hỏi này. Tôi cũng phản đối quyết liệt điều: học sinh ở nhà và ngừng học tập.
Con bạn sẽ tự học bài mới ư? Thử hỏi, có bao nhiêu học sinh từ mầm non đến lớp 12 sẽ mở sách ra và có khả năng tự học bài mới ở nhà với sự hứng khởi như ở trường? Con bạn nằm trong số đó không?
Có bao nhiêu trong số hàng triệu học sinh sẵn sàng tự học bài mới một cách hiệu quả? Không ai khác ngoài phụ huynh phải đối mặt với câu hỏi khó khăn này.
Con bạn sẽ làm việc nhà ư? Đây chắc chắn không phải là kỳ vọng duy nhất của phụ huynh, khi mà chúng đang ở độ tuổi đến trường.
3) Quyền được giáo dục của trẻ em?
Theo Luật giáo dục Việt Nam vừa được sửa đổi và Quốc hội thông qua, trẻ em có quyền được giáo dục để trưởng thành và trở thành công dân có ích.
Mọi phụ huynh có quyền đòi hỏi điều này. Mọi trẻ em trong thời kỳ đến trường có quyền yêu cầu các nhà trường và bố mẹ thực thi nhiệm vụ cao cả này. Không đáp ứng điều này được tham chiếu là trái luật.
Vậy là, việc để con em chúng ta ngừng được giáo dục có thể vi phạm luật pháp và trái đạo lý chuẩn mực.
4) Chúng ta sẽ làm gì mà không vi phạm pháp luật?
Việc đặt ra và hiểu câu hỏi này khá dễ dàng, nhưng tìm được câu trả lời thỏa đáng cho nó, thực sự là một thách thức cho mỗi phụ huynh, trong khi trẻ em nên ở nhà để tránh những rủi ro khó lường của bệnh dịch.
Có lẽ, câu trả lời thích hợp nằm ở chỗ, liệu có phương pháp giáo dục khác mà vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả không?
Bằng quan sát cá nhân, tôi chắc chắn rằng ở Châu Âu và Hoa Kỳ, mọi kế hoạch đều được chính phủ hoạch định một cách chặt chẽ và chính xác. Học trực tuyến có thể là phương pháp phù hợp trong tình hình hiện nay.
Tôi tin rằng, một số trường học ở Châu Âu và Mỹ đã sẵn sàng cho câu chuyện này.
Ở Đại học Quốc gia Hà Nội - một trường đại học nằm trong top đầu về chất lượng ở Việt Nam theo một số đánh giá quốc tế, việc học trực tuyến đã và đang được tiến hành từ đầu tháng ba này.
Có những đánh giá khả quan từ những nhà quản trị giáo dục, và phản hồi tích cực từ người học cho cách thức dạy học trực tuyến.
Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, quy trình quản lý và giám sát học sinh học online có vai trò rất quan trọng, đặc biệt với học sinh phổ thông.
Giờ sinh hoạt lớp online của thầy cô và các bạn học sinh lớp 5G0 trường Niu Tơn.
5) Không có cái nào là hoàn hảo, nhưng luôn tồn tại điều phù hợp?
Điều này dường như là một chân lý vững chắc. Những nghiên cứu về tâm lý trẻ vị thành niên cho thấy, các em độ tuổi này chưa đủ mạnh về tính kiên định để theo đuổi những mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt. Các em cần phải được nhắc nhở và giáo dục thường xuyên.
Nghĩa là, phụ huynh và nhà trường cần phải giữ nhịp độ không ngắt quãng cho học sinh trong giáo dục toàn diện. Những thay đổi kéo dài và ngưng trệ học tập có thể làm xuất hiện một số biểu hiện và thái độ tiêu cực, điều mà không phụ huynh nào mong chờ.
Để thực thi tốt quyền được giáo dục của trẻ em và tuân thủ luật lệ, dạy trực tuyến ở Việt Nam trong các trường phổ thông, có lẽ là cách thức phù hợp trong tình hình hiện nay, dù nó không được gọi là tốt nhất.
6) Phụ huynh và học sinh có quyền gì nữa?
Hiển nhiên, phụ huynh và học sinh có quyền đòi hỏi nhà trường giáo dục đúng chương trình và đạt hiệu quả.
Ngoài câu chuyện luật lệ, tiền thuế của dân đóng góp đảm bảo cho đòi hỏi tại những trường công lập, do Nhà nước đã trả lương cho hệ thống xuyên năm tháng.
Đóng học phí cả năm học sẽ đảm bảo chắc chắn cho phụ huynh và học sinh yêu cầu sự giáo dục ở các trường tư thục và bán công.
Phụ huynh có quyền rất lớn cho những đòi hỏi về dạy học chất lượng, và học sinh có quyền được học hiệu quả. Phụ huynh và học sinh nên tận dụng quyền chính đáng này.
Bởi vậy, nếu nhà trường dạy học trực tuyến nhằm duy trì nhịp độ dạy và giáo dục học sinh thì cần có giải pháp cho quản lý và giám sát nghiêm ngặt. Phụ huynh nên tham gia vào quá trình theo dõi, đánh giá, và giám sát chất lượng.
Sau khi mức độ hiệu quả trong học tập của học sinh được đánh giá, chúng ta vẫn luôn luôn giữ quyền đòi hỏi sự giáo dục không ngừng với chất lượng chấp nhận được cho trẻ em ở độ tuổi đến trường.
Bình An
CẤM TRƯỜNG CÔNG THU PHÍ HỌC ONLINE LÀ ĐÚNG, ĐỪNG ÁP DỤNG VỚI TRƯỜNG TƯ
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 17-3-2020
Cùng với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài.
Đối với các trường công, việc hoạt động có ngân sách hỗ trợ, dù khó khăn nhưng cũng không ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, đối với khối tư thục, việc học sinh nghỉ học dài đang khiến các trường tư thực sự gặp rất nhiều khó khăn.
Sau nỗ lực duy trì trả lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 trở đi các trường đã phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn, dẫn tới tình trạng nhiều thầy cô nghỉ không lương, hoặc bị giảm lương dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.
Việc dạy học online trên truyền hình đang được nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh thành áp dụng. Ảnh: PNVN
Đã có nhiều kiến nghị lên các cơ quan chức năng sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngày 13/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 769/SGDĐT-GDPT đã khiến cho nhiều trường khối tư thục có nhiều băn khoăn.
Cụ thể, theo văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, có chỉ đạo các trường:
"Quá trình tổ chức dạy học Online của nhà trường, của giáo viên cho học sinh của trường, của giáo viên do mình phụ trách, phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học Online do nhà trường, giáo viên nhà trường tổ chức (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên".
Văn bản này đang gây ra nhiều cách hiểu khác nhau, đặc biệt đối với các trường tư thục.
Việc can thiệp vào các hoạt động của trường tư thục, nơi có sự thỏa thuận giữa phụ huynh đã gây ra nhiều ý kiến về quy định “không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học Online”.
Trao đổi với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên quy định cụ thể về trường công hay trường tư.
Bởi đối với hệ thống trường công lập, điều này hoàn toàn đúng, và đây là chuyện phải làm.
Hệ thống trường công lập do ngân sách thực hiện chi trả, dảm bảo nhiệm vụ chính trị về giáo dục.
Đó cũng là phúc lợi xã hội dân được hưởng từ việc đóng thuế. Trong quá trình nghỉ dịch, các thầy cô trường công lập vẫn được nhà nước trả lương. Do đó, thì việc thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với hình thức khác trong quá trình học sinh nghỉ học thì cũng là một nhiệm vụ giáo dục hàng ngày.
Tuy nhiên, đối với khối tư thục, chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, đã có quy định về những dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, việc thu phí nên được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận hai bên. Ảnh: TD
Vì vậy, nếu có việc thu phí do học sinh, phụ huynh (là đối tượng phục vụ) và nhà trường (nơi cung cấp dịch vụ) trong thời gian nghỉ học chính khóa thì hai bên có thể thỏa thuận với nhau.
Bên cạnh đó, việc các trường tư thục phải lo chi phí toàn bộ từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Việc giáo viên nghỉ dài mà không đảm bảo thu nhập sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các thầy cô.
Nếu việc thu tiền tổ chức dạy - học online có chất lượng, có sự thỏa thuận, thì đó là nguồn thu của các thầy cô, nhà trường khối tư thục có thể đảm bảo cho việc duy trì.
Nhìn nhận một cách khách quan thì việc các trường tư thục có thỏa thuận với các phụ huynh học sinh để thu tiền học sinh khi dạy học online cũng có thể chấp nhận được vì đó là sự thỏa thuận giữa hai bên.
Trần Phương
THU PHÍ HỌC TRỰC TUYẾN TRƯỜNG TƯ: BỘ NÓI MỘT ĐẰNG, SỞ GIÁO DỤC LÀM MỘT NẺO
THUỲ LINH/ GDVN 18-3-2020
Hiện nay, các trường tư thục đang gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu từ khi xảy ra dịch Covid -19. Sau nỗ lực duy trì trả lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 trở đi các trường đã phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn.
Trái ngược với tình cảnh ấy, các thầy cô dạy ở trường công lập vẫn được nhận đủ lương, do đó nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới.
Trong lúc chờ đợi các biện pháp hỗ trợ từ Chính phủ theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, các trường tư thục vẫn đang vật lộn với khó khăn để tự cứu mình bằng giải pháp cung cấp dịch vụ dạy học trực tuyến có thu phí theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh.
Tuy nhiên, ngày 13/3/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 769/SGDĐT-GDPT đã khiến cho nhiều trường khối tư thục có nhiều băn khoăn.
Theo đó, theo văn bản có chỉ đạo các trường “không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với học sinh, phụ huynh học sinh khi học online (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh học sinh hỗ trợ cho nhà trường, giáo viên".
Trước nội dung này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Vận hành trường Tiểu học & Trung học cơ sở Everest (Quận Bắc Từ Liêm – Hà Nội) - Nghiêm Nhật Anh cho rằng, trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh thì mọi người đều phải nỗ lực, nếu nghỉ 1-2 tuần thì thầy cô hướng dẫn học sinh ôn tập là chính nhưng nay thời gian nghỉ lâu quá nên nhà trường đã triển khai dạy bài mới thông qua dạy học trực tuyến.
"Khi triển khai dạy online thì nhà trường vẫn chi trả lương giáo viên và dù học sinh không đến trường học tập trung nhưng chúng tôi vẫn đóng bảo hiểm cho nhân viên, trả lãi ngân hàng do đó nếu không có nguồn thu thì thực sự khó khăn.
Nếu thời gian đóng cửa trường ngắn thì nhà trường còn co kéo được, nhưng nếu kéo dài thì nhiều trường tư đứng bờ vực đóng cửa, phá sản.
Trong khi trường tư là tự lo thu chi, do đó Sở nên tạo điều kiện để nhà trường tồn tại bằng cách cho các trường tư thục được tự thỏa thuận với Ban phụ huynh về cam kết chất lượng để từ đó cùng đưa ra mức phí hợp lý", Giám đốc Vận hành trường Tiểu học & Trung học cơ sở Everest nói. 
Đến ngày 17/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản 809/SGDĐT-GDPT về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Ngày 17/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục ban hành văn bản 809/SGDĐT-GDPT trong đó có nêu rõ nội dung đối với trường ngoài công lập (Ảnh chụp màn hình)
Điều đặc biệt là, ở mục 6 văn bản 809 đã nêu rất rõ: Đối với các trường ngoài công lập:…. “Cần thỏa thuận với phụ huynh học sinh các khoản thu phát sinh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo tính công khai và được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Tiền hỗ trợ học online, số tiền học phí đã thu và tiền học phí của các tháng học còn lại (sau khi học sinh trở lại trường) không vượt quá tổng số tiền học phí cả năm của học sinh đã được nhà trường thông báo từ đầu năm học”.
Khác với quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại có quan điểm rất rõ ràng, đúng quy định của pháp luật với các khối trường tư thục.
Cụ thể, ngày 17/3, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và đào tạo Trần Tú Khánh đã chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
Ông Trần Tú Khánh cho biết, việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 và không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, thực hiện việc thu học phí đối với tháng đi học bù đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học; đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm.
Còn đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm
“Đối các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh.
Việc thực hiện thu theo như thỏa thuận ban đầu, đúng kế hoạch năm học và trong thời gian nghỉ học nếu triển khai dịch vụ hỗ trợ học online và thu chi phí thì việc nay triển khai trên cơ sở thỏa thuận giữa 2 bên nhà trường với cha mẹ học sinh và phải thông báo công khai ngay từ đầu”, ông Trần Tú Khánh nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ giáo dục và Đào tạo, Đối các trường ngoài công lập thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh (Ảnh minh họa: TTXVN)
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ.
Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online …thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.
“Do đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này tránh tình trạng học sinh sinh viên nghỉ học quá dài do tình thế khách quan nghỉ chống dịch.
Bộ không thể hướng dẫn việc này vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai”, vị này nói.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính tiết lộ, hiện nay, Bộ đang tiến hành rà soát khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục, từ đó điều chỉnh một số văn bản hiện hành cho phù hợp. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ một số chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19.
Thùy Linh
DẠY HỌC ONLINE TẠI SAO KHÔNG ĐƯỢC THU PHÍ ?
TRINH PHÚC/ GDVN 18-3-2020
Trong thời gian nghỉ dịch Covid -19, tại Hà Nội, nhiều nhà trường chủ động dạy online để nỗ lực duy trì việc học tập thường xuyên, liên tục của học sinh.
Tuy nhiên, vì thời gian nghỉ dịch kéo dài, việc dạy học online vì thế cần đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức nhiều. Chính vì vậy nảy sinh ra một vấn đề là có được thu tiền dạy học hình thức này hay không?
Vốn đây là một vấn đề tế nhị, bởi trong dịch bệnh, ai cũng khó khăn nên việc thu tiền gây nên sự tranh luận rất lớn.
Đã có những ngôi trường tư thục đặt ra vấn đề này thì ngay lập tức có những ý kiến phản đối một cách gắt gao.
Để đầu tư một tiết dạy học online thầy cô phải dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết (ảnh Thùy Linh).
Rõ ràng, nếu thu tiền thì gánh nặng trên vai phụ huynh sẽ nhiều lên. Nhưng không thu tiền thì các nhà trường tư thục lấy đâu ra nguồn thu để trả lương và các chi phí khác cho các thầy cô.
Dịch bệnh đang đặt trường tư vào cảnh khó khăn, vừa gánh vác nhiệm vụ giáo dục học sinh nhưng không thu được bất cứ nguồn nào nên nếu dịch còn kéo dài thì nhiều trường sẽ lâm nguy.
Thực tế, đến lúc này các trường tư chưa hề thu tiền từ phụ huynh. Trong khi, việc dạy học online nhiều trường vẫn đang cố gắng duy trì thường xuyên.
Họ hy vọng, với sự cố gắng của mình sẽ nhận được sự đồng cảm của phụ huynh để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng mở đường cho các trường tư thục thu tiền học online cụ thể trên báo Nhân dân, Vụ Kế hoạch - Tài chính của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quan điểm: "Đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa.
Do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau không tính bù vào chương trình học và thu học phí thêm [1]. 
Bằng sự cố gắng của mình trong dạy học online các trường tư thục và sự cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều trường tư  hy vọng sẽ thu được tiền của phụ huynh để chi trả kinh phí dạy học online.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chờ đợi các chính sách hỗ trợ từ nhà nước và một phần đóng góp của phụ huynh thì họ tỏ ra hụt hẫng khi biết Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có văn bản 769/SGDĐT-GDPT chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, hiệu trưởng các trường trung học phổ thông về việc quản lý dạy học trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch Covid-19 nhằm tăng cường chất lượng việc dạy học online và trên truyền hình.
Thầy cô trường tư không có hỗ trợ tiền lương như các giáo viên trường công vì thế sống phụ thuộc vào nguồn thu từ tiền học phí (ảnh minh họa - chụp màm hình từ tiết học online của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội).
Trong đó, yêu cầu rất cao nhưng lại không cho phép các nhà trường thu tiền, cụ thể: "Quá trình tổ chức dạy online của nhà trường, của giáo viên phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm, chất lượng và không được thu bất kỳ khoản tiền nào đối với phụ huynh, học sinh (kể cả việc Ban đại diện cha mẹ học sinh huy động sự đóng góp của phụ huynh để hỗ trợ nhà trường, giáo viên).
Các nhà trường, giáo viên duy trì liên lạc với gia đình học sinh, học sinh để hướng dẫn ôn tập, tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với thực tế địa phương.
Hướng dẫn học sinh học tập hiệu quả trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study cho học sinh lớp 8,9 và lớp 11,12.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn cho học sinh lớp 9 và lớp 12 học tập trên truyền hình đảm bảo nề nếp, chất lượng".
Với hệ thống trường tư hiện nay để đáp ứng dạy online theo yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo nhưng không được thu tiền thì thực sự là một thử thách rất lớn.
Đến nay hầu như các trường tư đã cắt lương, giảm lương đối với giáo viên. Hy hữu, chỉ có một vài trường còn đủ kinh phí trả lương cho giáo viên. Chính vì lẽ đó, nếu tiếp tục không có nguồn thu thì đa số giáo viên trường tư không có tiền để sống và đây là bài toán mà các nhà quản lý cần phải tính đến.
Phàn nàn về quy định cấm thu tiền dạy online với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một hiệu trưởng của trường tư (đề nghị không nêu tên) chia sẻ rằng: "Quy định này của Sở đang xâm phạm quyền tự chủ tài chính của trường tư. Xâm phạm đến quyền có chương trình nhà trường: học từ xa, học trực tuyến, học online, trải nghiệm,....
Trong khi các hình thức học này đều mang nét riêng của mỗi trường và thuộc chương trình nhà trường miễn là đảm bảo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng thi cử, chất lượng, thương hiệu nhà trường".
Vị này nhấn mạnh: "Hơn một tháng kể từ ngày học sinh nghỉ học thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới dạy trên truyền hình.
Bộ Giáo dục có trả tiền cho một bài giảng trên truyền hình hay không? Trong khi trường tôi đã làm gần 2.000 bài giảng trong tháng 2.
Các nhà trường ngoài chi phí lương cho giáo viên thì còn phí ngoài lương, thưởng cho giáo viên để vừa làm bài giảng, vừa quản lý sát sao học sinh".
Qua trao đổi có thể thấy, việc dạy học online cần thiết phải đầu tư công phu về thời gian, tri thức, tâm huyết, trách nhiệm nên cần thiết phải được ghi công một cách xứng đáng.
Ông Lê Như Tiến ủng hộ việc cho phép các trường tư thục thu học phí dạy học trực tuyến (ảnh nguồn quochoi.vn).
Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.
Ông Lê Như Tiến cho rằng, trường tư phải được quyền thu học phí dạy online thì mới khuyến khích được dịch vụ giáo dục này phát triển.
Theo ông Lê Như Tiến, việc dạy học trực tuyến cũng như bán hàng trực tuyến và đều nằm trong chủ trương của Chính phủ.
Đặc biệt trong thời gian nghỉ vì dịch Covid -19 thì việc học online, dạy trực tuyến, bán hàng online, các giao dịch online càng được khuyến khích.
Dạy online cho thấy ưu điểm như vừa chống được dịch, vừa không tập trung đông người, vừa không ảnh hưởng đến việc học của học sinh, ở nhà vẫn học được.
Đây là phương pháp khoa học, nhiều nơi trên thế giới đã áp dụng và dành thời gian khá nhiều để học trực tuyến, ra bài tập online, sửa bài và trả bài qua mạng internet… Rất nhiều chương trình của nước ngoài ở Việt Nam học hoàn toàn trên máy tình, điện thoại, máy tính bảng ở nhà.
Do đó, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Cần phát triển hình thức dạy học online nhất là trong tình hình hiện nay. Đã có hình thức dịch vụ giáo dục online thì chắc chắn có phí dịch vụ.
Nếu cứng nhắc không cho thu phí học online thì rất khó cho thầy cô trường tư vì người ta không có sự đầu tư của nhà nước, đầu tư ban đầu và đầu tư cơ sở vật chất …
Trường tư tự lập thì họ phải có kinh phí để duy trì hoạt động của trường.
Tôi ủng hộ việc thu phí học phí online với điều kiện thu phí phải phù hợp, không được thu cao quá phụ huynh học sinh không chịu được. Còn thu phù hợp thì phải khuyến khích và tạo điều kiện”.
Cuối cùng vị này khẳng định: “Đã hình thành một dịch vụ nào đó thì phải có phí dịch vụ để tồn tại và phát triển. Trong giáo dục cũng thế thôi và mọi hoạt động khác cũng thế”.
Trường Tư phải được thu dịch vụ để trả lương cho giáo viên
Theo bà Bùi Thị An đại hiểu Quốc hội khóa 13, dù sao giáo viên trường tư không được hưởng lương từ ngân sách nên phải có nguồn thu để chi trả.
Trong khi càng lúc này càng cần thiết phải dạy học online cần phải cung cấp kiến thức thường xuyên, liên tiếp để cho học sinh tham gia kỳ thi quốc gia theo quy định.
Cần nên phân biệt dạy online của các trường công lập và tư thục ra.
Giáo viên tư thục không có nguồn ngân sách nhà nước chi trả nên cần phải được tính toán phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét