Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

20200316. DÁM ĐỐI MẶT VỚI SỰ THẬT ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỨC MẠNH CỦA CHÚNG TA LÀ DÁM ĐỐI MẶT VỚI SỰ THẬT

NGUYỄN TRUNG/ viet-studies 12-3-2020

Image result for ĐẠI HỘI ĐẢNG

            Đấy là kết luận quan trọng nhất tôi rút ra được từ cuộc chiến gần ba tháng nay nhân dân ta gồng mình lên chống dịch bệnh covid-19 và cứu kinh tế, cứu chính mình, tất cả với tinh thần “Chống dịch như chống giặc!”

            “Chúng ta” ở đây tôi hiểu là cả nước không phân biệt một ai – từ người dân bình thường hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ, đang thực hiện mọi cố gắng quyết liệt nhất có thể trong tình hình khẩn cấp hiện nay, vừa chống dịch vừa cứu kinh tế, tự bảo vệ mình.., cho đến toàn thể các chiến binh đang trực tiếp ở tuyến đầu chống dịch – từ các nhà khoa học, những thầy thuốc và đội ngũ y tế, đến các quân nhân và các đơn vị quân đội, toàn bộ các cán bộ công nhân viên chức đang trực tiếp tham trận.., từ những nông dân trên đồng ruộng và công nhân trong mọi xí nghiệp, cho đến những người làm khoa học kỹ thuật, những người điều hành các đơn vị kinh tế, những thành viên thuộc giới chủ mọi tập đoàn kinh tế tư nhân hoặc quốc doanh, những cán bộ viên chức nhả nước.., cho đến các thành viên Chính phủ mà người đứng đầu là Thủ tướng!

Sẽ không phải là đại ngôn, nếu nói rằng: Gần ba tháng nay, 24/24 giờ, chúng ta như thế trong cả nước đã vào trận, quyết chống dịch với tất cả ý chí và nghị lực có thể, và đã thu được thắng lợi bước đầu:

Cho đến nay nước ta cơ bản vẫn đang kiểm soát được dịch bệnh covid-19 với kết quả cao nhất có thể, hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất, và cũng là nước đang thành công nhất so với hơn 100 nước đang phải cùng nhau chống đại dịch toàn cầu (pandemic) hiện nay!

Thắng lợi bước đầu này cho chúng ta niềm tin và củng cố hơn nữa ý chí của chúng ta tiếp tục quyết chống đại dịch, cứu kinh tế, gìn giữ đất nước, bảo vệ bản thân mình trong cơn chấn động toàn cầu này! Quan trọng hơn thế nhiều lần, thắng lợi bước đầu này gặt hái cho chúng ta bài học sống còn của chính mình:

Có được thắng lợi này, nguyên nhân hàng đầu là chúng ta có ý chí dám đối mặt với sự thật, bởi vì đại dịch là thực tế khách quan, để sống sót chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải dám đối mặt với nó, quyết chống lại nó!

            Sẽ không khó khăn lắm để hình dung: Nước ta sẽ ra sao, nếu chúng ta làm theo kiểu Trung Quốc đối mặt với đại dịch này, … vì những lý do bất minh đã bắt đầu từ bưng bít và trấn áp thông tin đầu tiên về dịch bệnh, bỏ phí mất gần 3 tuần lễ đầu tiên – được coi là thời gian vàng để kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh – rồi đến lúc bắt buộc phải vào cuộc, cô lập hàng chục triệu dân ở Hồ Bắc, rồi tiếp theo là phải cô lập hàng trăm triệu dân ở hàng chục tỉnh Trung Quốc khác.., để cho dịch bệnh lan ra khắp Trung Quốc và đổ ra toàn thế giới – với biết bao nhiêu tai họa toàn cầu như chúng ta đang chứng kiến hiện nay!..

            Vâng, sẽ không khó khăn lắm để hình dung: Nếu ta làm theo kiểu Trung Quốc – trong tình hình tiềm lực kinh tế của nước ta chỉ bằng khoảng 1/50 của Trung Quốc… – sự tàn hại của dịch bệnh, kéo theo mọi hệ quả hoảng loạn, rối ren, phá hoại, cướp bóc… chỉ trong vòng năm, sáu tuần lễ - khoảng thời gian đủ để dịch bệnh lan ra khắp cả nước – hầu như chắc chắn sẽ đủ sức làm đổ sập và tiêu tan Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, và hầu như chắc chắn sẽ đẩy cả nước ta vào cảnh bể dâu chưa từng có không biết đến bao giờ mới hồi phục được!..

Cần phải đủ hiểu biết và có ý chí lạnh lùng, để hình dung được hệ lụy mất còn như phác họa như trên đây nếu để xảy ra, để nhờ đó thấu hiểu tầm vóc bài học của chính chúng ta trong đại dịch này: Chúng ta đã thắng được bước đầu vì dám đối mặt với sự thật, và phải tiếp tục như thế cho đến khi hoàn toàn xóa bỏ được dịch bệnh!

Thiết nghĩ, bài học này thật dễ hình dung và dễ hiểu, ví dụ - do những lý do nhất định nào đấy – khi xuất hiện bệnh nhân covid-19 thứ 17, ngay lập tức nơi này nơi khác đã xảy ra tâm lý và hiện tượng hoảng loạn ban đầu rất nguy hiểm, nhất là dịch bệnh đang trong quá trình xuất hiện bệnh nhân thứ 44!

Lạy trời và hồn thiêng sông núi xui khiến, Chính phủ đã kịp thời quyết liệt đối mặt với mọi diễn biến mới này của dịch bệnh và những hệ quả đi kèm, công khai minh bạch mọi diễn biến khác và mọi biện pháp đối phó, công khai minh bạch mọi lỗ hổng còn sót hay sơ xuất và những biện pháp khắc phục, ráo riết sát cánh hơn nữa với mọi tầng lớp nhân dân khác nhau với mọi nhiệm vụ và công việc khác nhau trong kiểm soát dịch và tháo gỡ những khó khăn mới trong nhiều lĩnh vực do đại dịch gây ra… Thử tưởng tượng xem, giữa cuộc chiến mất còn này, chỉ cần một thông tin về sự thật của dịch bệnh bị che giấu, một quyết định sai lầm được lựa chọn, một lỗ hỏng nào đó còn bỏ sót, một giây phút sơ xuất vì ý chí chùng xuống.., ngay tức khắc sẽ có thể làm phá sản toàn bộ công cuộc chống dịch đã thực hiện được cho đến nay, đẩy đất nước vào khủng hoảng khó bề cứu vãn! Đại dịch còn nguyên vẹn tính nguy hiểm của nó, xin đừng bao giờ để cho mối nguy  hay sơ xuất này xẩy ra!
  
Dù còn một số tồn tại đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục tiếp, nhưng đến giờ phút này có thể nói Chính phủ và nhân dân cả nước ta vẫn cùng nhau làm chủ được tình hình. Một lần nữa giữa chiến trường chống đại dịch, cuộc sống chỉ ra: Chống đại dịch này chẳng khác gì chống thần chết, chúng ta chỉ có con đường phải dám đối mặt với sự thật để sống còn!

*

            Bài học nêu trên, thiết nghĩ cũng là bài học quyết định nhất đối với Đại hội XIII sắp tới của Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì lẽ Đại hội này đang phải  đối mặt với những vấn đề mất / còn quyết định vận mệnh của quốc gia và của chính bản thân ĐCSVN hiện nay và sắp tới[i].

            Người đảng viên ĐCSVN, từ đảng viên thường cho đến Tổng bí thư, nếu còn lương tri quan tâm đến vận mệnh của đất nước và của Đảng, chắc chắn sẽ hình dung được những vấn đề mất / còn đất nước đang phải đối mặt là những vấn đề gì, khỏi phải kể lể dài dòng ở đây. Chỉ xin điểm ra ở đây một vài nét nghiêm trọng nhất.

-      Sau hơn 3 thập kỷ công nghiệp hóa kể từ đổi mới 1986, Việt Nam với nguồn lực bỏ ra tính theo đầu người lớn gấp đôi hoặc gấp ba so với Hàn Quốc hay Đài Loan, song về cơ bản chỉ hình thành được nền kinh tế gia công và lắp ráp, người dân chủ yếu trở thành người đi làm thuê, đất nước trở thành đất nước cho thuê, nền kinh tế quốc dân hôm nay chủ yếu do ngoại lực dẫn dắt và chi phối, với sự lệ thuộc và phụ thuộc ngày càng nghiêm trọng. Thực tế của đất nước và những đòi hỏi mới của quá trình toàn cầu hóa hôm nay đặt ra thách thức Việt Nam phải sớm chấm dứt thực trạng này để tìm đường đi vào thời kỳ trở thành một nước phát triển, để có thực lực bảo vệ độc lập tự chủ, chủ quyền quốc gia và mọi lợi ích chính đáng của mình.
-      Con đường xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa bị chệch hướng dẫn tới sự phát triển hoang dã của chủ nghĩa tư bản thân hữu, tiêu cực và tham nhũng hoành hành chưa từng có và làm khuynh bại sơn hà xã tắc, chiến lược hoàn thành công nghiệp hóa vào năm 2020 vì thế thất bại. Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng nguy hiểm này là ĐCSVN không xây dựng được một thể chế chính trị mang tính dân tộc và dân chủ mà giai đoạn CNH-HĐH của đất nước đòi hỏi. Vì vậy nhà nước của dân do dân vì dân bị chủ nghĩa tư bản thân hữu chiếm thế thượng phong biến tướng thành nhà nước toàn trị[ii]. Thậm chí hiện nay, người đứng đầu đất nước và toàn Đảng, với tính cách là cấp cao nhất hầu như ngày đêm phải giành ưu tiên gần như duy nhất cho giải pháp “lò & củi” suốt khóa Đại hội XII cho đến nay mà vẫn không xuể...
-      ĐCSVN là lực lượng chính trị lớn nhất và duy nhất nắm tuyệt đối mọi quyền lực của đất nước, vì lẽ này ĐCSVN chịu trách nhiệm ràng buộc trước cả nước phải tiến hành cải cách chính trị đổi đời đất nước, mở đầu từ xây dựng lại Đảng thành đảng của dân tộc và dân chủ, để đưa đất nước vào giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang chuyển đoạn sang trang trật tự quốc tế mới với những thách thức mới đối với mọi quốc gia. ĐCSVN hôm nay có dám đối mặt với sự thật này không? Trong khi đó những ý kiến tâm huyết của những trí thức yêu nước – là đảng viên hay không phải đảng viên ĐCSVN – đã chứng minh thuyết phục có một con đường phải đi như thế: Giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ, Đảng sẽ được toàn dân khoan dung và ủng hộ, sức mạnh của nhân dân được giải phóng sẽ không gì có thể khuất phục được, đất nước sẽ trụ vững trong thế giới quyết liệt đang chuyển đoạn, mở ra thời kỳ quốc gia thực sự có độc lập, tự do, dân chủ, hạnh phúc!
-       Hậu đại dịch covid-19, sẽ là thời kỳ Mỹ, Trung Quốc và Nga dù mạnh yếu khác nhau thế nào, song hầu như chắc chắn đều giống nhau ở một điểm: Với tất cả nỗ lực gần như là quyết tử (có thể hiểu là ván bài cuối cùng), mỗi địch thủ này sẽ dùng mọi thủ đoạn giành lấy địa vị thống xoái thế giới cho riêng mình, để khuất phục mọi đối phương – hòng mong từ đó sẽ dẫn tới cho chính mình khả năng lần lượt khuất phục được từng đối thủ chính của mình. Có thể nhìn thấy trước và nói thẳng ở đây: Nước ta trong tình thế này sẽ phải đối mặt với một Trung Quốc hậu đại dịch covid-19, trong đó “Bãi tư Chính thuộc chủ quyền của Trung Quốc!” và những hành động tương tự khác sẽ không còn chỉ là lời nói của Cảnh Sảng, mà sẽ là những hành động cụ thể và toàn diện về kinh tế, chính trị và quân sự! Cuộc sống trong một trật tự quốc tế như vậy sẽ chỉ dành cho Việt Nam con đường duy nhất: Quốc gia phải phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc và dân chủ để có thực lực bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, và đồng thời để qua đó có được những giá trị cho phép tập hợp được cả thế giới tiến bộ hậu thuẫn cho sự xây dựng và bảo vệ tổ quốc của mình!
-      Phải nói, vấn đề nhân sự luôn luôn được coi là vấn đề trọng đại và quyết định của mỗi Đại hội Đảng cho đến nay, thế nhưng trước thềm Đại hội XIII lần đầu tiên ông Trần Quốc Vượng, người thứ hai trong Đảng, đã phải cảnh báo công khai trước cả nước sự thật nghiêm trọng: “Thành trì XHCN cả hệ thống Đông Âu như vậy ai cũng tưởng rằng không bao giờ đổ mà cơ đồ đổ xuống biển sâu, có nhiều nguyên nhân nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ, là người đứng đầu. Nên ta phải hết sức chú ý, phải làm sao để Đảng ta không bao giờ vướng vào chuyện như vậy... ... ... Đây là vấn đề quan trọng vì cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do mình thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu, chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta."
-      Vân vân…   

Câu hỏi đặt ra là: Từ bài học chống đại dịch covid-19 của chính nước ta như đang diễn ra, Đại hội XIII có dám chấp nhận đối mặt với sự thật như sơ bộ trình bầy trên, để tìm đường sống cho đất nước và cho sự tồn tại của chính mình hay không?

Nhân đây xin nói thêm, Tổng bí thư – Chủ tịch nước đòi hỏi văn kiện của Đại hội XIII phải trở thành văn bia cho hậu thế! Một khát vọng, một tham vọng cao siêu!..

Cho đến nay chưa một Đại hội nào dám có mong muốn này. Tuy nhiên, có một Đại hội VI, cho dù văn kiện của nó không thể coi là văn bia cho hậu thế, vì nội dung văn bản vẫn còn nhiều hạt sạn lớn, thậm chí rất lớn – vấn đề tránh né cải cách chính trị; song tinh thần Đại hội VI 1986 và việc thực hiện nghị quyết xóa bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và bao cấp – được coi là xương sống của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội thời đó – đã dựng lên trong sử đất nước một tấm bia để đời, đánh dấu một bước ngoặt của quốc gia: Từ bên bờ sự sụp đổ của nền kinh tế kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường (lúc này cũng chưa có khái niệm định hướng XHCN), cứu nguy đất nước, thay da đổi thịt bộ mặt quốc gia, và mở ra con đường phát triển cho đến hôm nay.

Vậy văn bia của Đại hội XIII sẽ phải nên như thế nào?

Không ai có thể đoán được, vì đến giờ phút này Dự thảo văn kiện Đại hội hoặc là chưa xong, hoặc là chưa được công bố!

Điều chắc chắn hơn – có lẽ tương tự như Đại hội VI – Đại hội XIII sẽ có văn bia; nói chuẩn xác hơn: Đại hội XIII trong tình thế đất nước phải chuyển sang giai đoạn phát triển mới trong một thế giới đang sang trang, chắc chắn sẽ để lại cho hậu thế một tấm bia – hoặc là vinh quang như Đại hội VI, nếu nó mở ra cho đất nước một thời kỳ đổi đời… Hoặc là tấm bia của Đại hội XIII sẽ chỉ là một cột mốc mới trên con đường tha hóa tiếp của một đảng toàn trị - nếu ĐCSVN hôm nay nhân danh kiên định định hướng XHCN đi tiếp trên con đường đã dẫn tới sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu hoang dã, với biết bao nhiêu tai ương mà mọi nỗ lực của “lò & củi” 3 năm nay vẫn chưa sao xử lý xuể, đã gây ra những sự kiện ô nhục và đau lòng như các vụ Đồng Tâm, Thủ Thiêm… …

Không một người Việt Nam nào thương sót giống nòi mong muốn đất nước gần như phải oằn lên sau chống đại dịch lần này, sẽ lại phải đối mặt tiếp với mọi tai ương mới do sự tha hóa tiếp của ĐCSVN hôm nay đang cai trị đất nước sẽ gây ra trong bối cảnh một thế giới khốc liệt phía trước!

Hầu như chắc chắn mọi người Việt Nam thương yêu tổ quốc mình đều sẵn lòng bao dung và mong muốn hòa giải trong cải cách chính trị đổi đời đất nước, vừa đòi hỏi, vừa sẵn lòng chờ đợi ở ĐCSVN hôm nay một quyết định như thế, sẽ hết lòng ủng hộ một quyết định như thế, mặc dù sau vụ Đồng Tâm rất, rất nhiều người thiện chí này đã tuyệt vọng! Niềm hy vọng còn lại bây giờ vô cùng leo lét! Nhưng chính niềm hy vọng còn đang leo lét  này dựa vào lý trí cảnh báo tiếp: Phải bẳng mọi giá tránh bằng được cho đất nước một cuộc bể dâu mới!

Cũng chính niềm hy vọng còn lại vô cùng mong manh này đang lên tiếng cảnh báo: Một dân tộc một khi đã vượt qua được đại dịch lần này, hẳn sẽ không còn là một dân tộc có thể đóng nó trong cũi như trước nữa! Trong một thế giới quyết liệt, dân tộc này sẽ càng không để cho ai đóng cũi mình!!! Hãy chờ xem!

Mong rằng, ĐCSVN hôm nay – nhất là qua Đại hội XIII này, sẽ tìm ra sức mạnh được nuôi dưỡng từ lòng yêu nước một khi dám đối mặt với sự thật!

 *
Dân tộc Việt Nam ta hiện cũng đang đứng trước một sự thật vô cùng phũ phàng: Đất nước có độc lập, nhưng nhân dân ta chưa có tự do!

Có nhiều nguyên nhân. Nhưng ở đây chúng ta đang nói về chính mình với tính cách là một dân tộc. Nhìn nhận như thế, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng chưa có tự do trước hết là do chúng ta – với nghĩa tự do không bao giờ là một quà biếu hay là một ân sủng, mà phải tự giành lấy! Chỉ có con đường duy nhất:

Cả dân tộc ta phải dám đối mặt với sự thật quyết liệt này, bằng cách vượt lên nỗi sợ trong riêng mình, vượt lên mọi yếu kém của chính bản thân mình, phải hòa giải với chính mình và với mọi thành viên trong cộng đồng dân tộc mình, với ý thức cùng nhau phục hồi lại danh dự và lòng tự trọng một dân tộc nào cũng phải có, từng người phải tự học hỏi và rèn luyện để cùng nhau thực hiện bằng được. Đấy  chính là con đường dân tộc ta đi tới tự do!

Một dân tộc còn bị nô dịch dưới bất kỳ hình thức nào – từ quyền lực trong nước hay quyền lực bên ngoài, đều như nhau cả thôi! Trên khắp thế giới này không dân tộc nào có tự do nào khác ngoài tự do do chính mình tự giành lấy và bồi đắp nên. Chúng ta, với tính cách là một dân tộc như thế, đang, nên, và phải dám đối mặt với sự thật nghiêm trọng này! Đây chính là thách thực trực tiếp đối với mỗi cá nhân chúng ta! Phải dám đối mặt, vì đây là lẽ sống của chúng ta! Và vì nó, nên phải sống!

Hà Nội – Võng Thị, ngày 12-03-2020


[i] Tham khảo thêm: Nguyễn Trung,” Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19 sẽ còn là thời hậu sự thật của nó” – 28-02-2020, http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_HauDaiDichCOVID19.html

[ii] Tham khảo Thư ngỏ của 61 đảng viên ngày 27-04-2014 trước thềm Đại hội XII ĐCSVN
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-3-20


ĐẠI HỘI 13 VÀ CUỘC CHIẾN VỚI MA
SAO BĂNG / viet-studies 9-12-2020

Vẻ mặt  như tượng sáp, giữa cái đêm giao thừa kỳ dị chưa từng có với mưa như trút, ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc tết bằng lời “sấm truyền” mà ông hết sức khiêm nhường bảo đó là nôm na mượn của ông Hồ, rằng “năm nay cả nước chắc càng thắng to”.
Lời “sấm truyền” đã trở thành lời rủa ứng ngay tắp lự. Từ quý mở màn của năm 2020, cả nước “thắng to” trong cuộc chiến với Covid- 19 mà nhiều bác sĩ nói đó là “cuộc chiến với ma”. Đó không chỉ là con ma dưới góc nhìn y khoa, mà đó thực sự là con ma phủ bóng lên Đại hội 13. Giống như thể oan có đầu, nợ có chủ, con bệnh đầu tiên của Hà Nội xuất phát ở “vùng đất thánh” Ba Đình và “yếu nhân” được nó chọn để nhân lên sức mạnh là một giáo sư Mác Lê.
Gần hết nhiệm kỳ trong tưng bừng, náo nhiệt khắp nơi cùng các con số đẹp ngút Trời, nào là cơ đồ chưa từng thấy, nào là vị thế chưa từng thấy…Và vào đúng năm tiến tới Đại hội Đảng, mở màn năm đã đầy rẫy những điềm báo kỳ dị. Cuộc cờ đại hội 13 theo đó là những ẩn số khó lường, chưa thể phân định người thắng kẻ thua, nhưng xem ra mở cơ hội cho ông Trọng, thể theo ý Trời, ý Đảng mà tiếp tục ngự trị.
Chưa từng thấy ông giáo sư của các giáo sư Nguyễn Phú Trọng xuất hiện vào lúc “cơ đồ đất nước chưa từng có như ngày nay”. Cũng không thấy “nữ hoàng” Võ Tắc Thiên xuất hiện như hình ảnh thường thấy khi bà ưỡn ngực đi duyệt binh giữa rừng gươm giáo. Vào thời mắc dịch, “nữ hoàng” Nguyễn Thị Kim Ngân dành thời gian để…nuôi tóc, ngậm miệng ăn tiền và tiếp tục chưng diện.
“Phó” vua Trần Quốc Vượng sau khi đi thắp hương điện Kính Thiên, diện kiến chị Sáu Côn Đảo, cũng ẩn mình kỹ chờ… “ma” ra tay. Ông này được mộng báo rằng Trời đất nổi giận khi miền Bắc để mất ngôi vương, tai họa sẽ liên tục giáng xuống, nên không cần động thủ cũng ắt có sung rơi vào miệng khi ông Trời ra tay hành đạo!
Chạy đôn chạy đáo khắp nơi chơi ú tim với con ma Covid 19, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hết lần này đến lần khác bị những người đồng chí của mình cho “vào tròng”. Trước mặt, họ tụng ông là bách chiến bách thắng, là người xứng đáng hơn muôn người để tiếp quản ngôi vương, nhưng sau lưng đầy hả hê trước cảnh mà họ cho là Trời đày ông. Bởi Covid 19 gắn với sinh mệnh chính trị của ông Thủ tướng, kể cả không gắn thì họ cũng bằng mọi cách trói buộc sinh mệnh chính trị của ông này với con này.
Tuy nhiên, xét về thực tế, không chỉ lần này, mà đã có nhiều lần, ông Thủ tướng cũng giống như bị Trời đày, có thể do ông “quỵt nợ” hoặc của ma quỷ, hoặc của thần thánh. Kiểu như ĐườngTăng được rùa nghìn tuổi chở qua sông lúc sóng to gió lớn với điều kiện gặp Phật thì hỏi hộ nó bao giờ có thể hóa kiếp,nhưng lại quên, nên lúc công thành danh toại trở về bị nó hất lại xuống sông…
Nói về cuộc cờ đại hội 13. Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù chân đi tập tễnh, tai nghễnh và tay run sau cơn bạo bệnh một năm trước nhưng vẫn không nguôi nỗi niềm non nước. Ông luôn lo lắng sau mình sẽ không có ai đủ xứng đáng như ông để chèo lái Đảng. Càng gần những thời khắc ly biệt với ghế, tiếng lòng trong ông càng thôi thúc “không được buông bỏ”.  Ông xem Trời, xem Đất, ông lắng nghe tiếng nói của muôn dân và nhất là thời dịch bệnh, thấy nhất là phải bám trụ cho đến hơi thở cuối cùng.
Vào tháng 5 năm ngoái, Bộ Chính trị đã ra được cái gọi là Chỉ thị 35 để dành vé vớt cho cả loạt ủy viên Bộ Chính trị nhằm đáp ứng thực tế bức bách về nguồn nhân lực cho tứ trụ, vậy không có lý gì để Bộ Chính trị không “đẻ” thêm cái Chỉ thị tương tự cho bậc minh quân như ông nắm quyền đến trọn đời.
Nguyễn Phú Trọng và Tập Cận Bình có mối tình cảm đặc biệt. Tập Cận Bình thể hiện niềm tin gần như tuyệt đối với Nguyễn Phú Trọng. Như khi cả hai cùng thưởng trà trong một buổi sáng tinh sương tại nhà sàn ông Hồ ở giữa Ba Đình vào mùa đông năm 2017, Tập uống ực ngay chén trà mà Trọng đưa và khen thơm. Sức mạnh của Trọng trên chính trường Việt qua chén trà uống ực của Tập, theo đó gần như trở thành thành trì bất khả xâm phạm. Có Tập, Trọng không có đối thủ, tất cả người dưới đều răm rắp tuân theo Trọng, cam tâm tình nguyện làm cái bóng của Trọng.
Và vào lúc này, dù Tập có đang bận rộn với với con Covid19 thì ở xứ Đại Việt cũng không một ai dám “nỗi loạn” bởi họ đã bị khống chế quá lâu trong nỗi sợ và  sự an bài. Ung dung và phởn phơ, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng không việc gì phải tất tả, quan thầy của ông ta còn, đương nhiên ông ta còn ghế, không còn thì ghế ông ta cũng vẫn còn, vì ông ta là “hạt nhân” miền Bắc, không thể để mất, để mất là trái ý Trời!
Phó tướng Trương Hòa Bình cũng ung dung, việc của ông ta là làm sao ẩn mình cho tốt khi ghế tứ trụ trong tầm tay, ai làm gì cứ làm, việc của ông đây là ngồi thảnh thơi ngửi dầu gió cho thông mũi, thông cổ. Ông là “hạt nhân” miền Nam, không có ông không được, mặc dù quá tuổi, nhưng đã có Chỉ thị 35 nới cho. Ghế tứ trụ nữa có phần của Phạm Minh Chính, đương kim Trưởng ban tổ chức TƯ, vì có công lao sáng tác ra đủ loạt vé vớt.
Phó tướng Phạm Bình Minh còn tuổi, nhưng nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao thì không còn, lên tứ trụ thì chưa đủ cơ nên cầm lòng nhìn đồng đội tiến, vui vẻ cuộc đời với áo xanh, áo đỏ. Vương Đình Huệ được chia cho ghế Bí thư Hà Nội, sẽ tại vị cho đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu vào 2026 nếu như không phải theo “dớp” Hoàng Trung Hải. Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư sinh đẻ sẽ nghỉ hưu vào năm tới để chuyên tâm nghiên cứu việc sinh đẻ…
Hãy xem “con ma” Covid 19 có thể mang đến những đối thay gì cho cuộc cờ và ai có thể trở cờ. Đến từ Trung Quốc và đúng vào năm hai nước Việt Trung kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng với các nhân sự cấp cao nhất đều phải chịu bàn tay chỉ trỏ của thiên triều, Covid 19 là điềmlành hay dữ?
Hiển nhiên, chiến thắng được dịch bệnh này thì công lao trước tiên thuộc về thiên tài Đảng ta. Đảng ta sẽ tụng đó nào là phép thử, nào là cơ hội, nào là động lực để phấn đấu hưng thịnh hơn, giàu có hơn. Dịch bệnh dai dẳng, không có hồi kết, không thắng, không thua, ông Thủ tướng sẽ là người đứng ở ngã ba và được dành cho chiếc ghế vô thưởng vô phạt. Thiên tài của Đảng ta, GS Trọng, sẽ thể theo ý Đảng lòng dân mà tại vị đến hơi thở cuối cùng. Về khả năng thất bại trước dịch bệnh thì hầu như là không, chứ không bỗng nhiên vừa mới đánh nhau mà anh phó tướng Vũ Đức Đam oang oang hết cỡ đủ loại mỹ từ như vậy?
Tóm lại, dù là điềm gì, thì GS Trọng, người tự cho mình sánh ngang Trời đất cũng sẽ bám trụ kiên cường để thế thiên hành đạo. Cả triều đình thì ươn hèn,thụ động chờ được ban phát ghế, cúi đầu cam chịu để dẫn dắt bởi người soạn sửa bước vào ngưỡng tuổi 80.  Con covis 19 có thể mang lại cơ hội cho GS Trọng “cứu nhân độ thế”. Nhưng GS Mác Lê có thắng được các con ma khác để còn giữ được mạng mà ngồi ghế không? Hãy thử nhìn Đinh Văn Ân, trợ lý của GS Mác Lê. Bằng mắt thường cũng thấy ông Ân ngày càng giống hồn mà của Trần Đại Quang, cố Chủ tịch nước nhập vào báo oán.
Cần phải nhắc lại rằng đám ma Trần Đại Quang, họ hàng hang hốc nhà Quang  đã cố tình lũ lượt diễu hành vòng quanh  quan tài ông này cả tiếng để Tổng Bí thư Trọng phải đứng vêu chờ, “câu giờ” cho các bóng ma ở nhà tang lễ có đủ thời gian…ám. Không biết có phải vì thế mà chưa đẩy nửa năm sau, ông Trọng rơi vào cơn bạo bệnh?
Và vô số các con ma khác vốn dĩ lẩn quất được ở dương gian là nhờ bổng lộc của quan tham mà giờ các quan đang thành củi của “người đốt lò vĩ đại”, không ai nuôi nên bọn chúng lúc này cũng chỉ còn con đường quyết đòi “nợ máu”…
Sao Băng
9/3/2020
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 9-3-20


 PHẢN BIỆN ÔNG TRẦN QUỐC VƯỢNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 15-3-2020

Vừa qua, tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư khẳng định vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ cho cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới. Ông nói rằng:“Sự sụp đổ của Thành trì XHCN có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản là nguyên nhân công tác cán bộ…. chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta."
Phát biểu của ông Vượng phạm phải nhầm lẫn về triết học, tuy vậy được nhiều báo tường thuật và có ý ca ngợi. Tôi định cho qua, nhưng gần đây, trong bài “Sức mạnh của chúng ta là dám đối mặt với sự thật (Viet-Studies ngày 13/3), Nguyễn Trung có nhắc lại ý trên của ông Vượng nên tôi đành viết vài lời phản biện về 3 ý:
  • Thứ nhất, ông Vượng cho rằng “vấn đề thành hay bại chính là nằm ở công tác cán bộ”. Hình như ý của câu này được Stalin nói lần đầu tiên:“Cán bộ quyết định tất cả”, sau đó Hồ Chí Minh có nhắc lại, còn Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Phải chăng cứ Stalin và Hồ Chí Minh nói là chân lý tuyệt đối. Không phải, đó chỉ là một nhận xét có điều kiện khi một đảng cách mạng đang lãnh đạo phong trào. Khi đảng đã trở thành thống trị, độc quyền, nắm giữ toàn bộ công tác cán bộ thì tình hình có khác. Lúc này tuy năng lực, phẩm chất cán bộ có tác động lớn đến công việc của đất nước, nhưng sự quyết định nằm ở đường lối của những cá nhân ở vị trí chóp bu.  Với tình hình VN hiện tại, khi ĐCS vẫn kiên trì Mác Lê và chuyên chính vô sản, vẫn dùng đường lối cán bộ có những điều phản dân chủ, phản tiến bộ, phản khoa học thì không có cách gì tạo lập được đội ngũ cán bộ có năng lực và liêm khiết, xứng đáng là nguyên khí của quốc gia. Với đường lối như hiện tại ĐCS chỉ tạo ra được đội ngũ cán bộ mà phần lớn là bọn cơ hội, kém trí tuệ, thiếu trung thực, nhưng lắm mưu mô.

Nói rằng cán bộ có tác dụng thành hay bại của vấn đề là khi mà họ có phẩm chất tốt thì sự việc thành, còn khi họ có phẩm chất kém thì sẽ bại. Để sự việc thành thì ngoài  phẩm chất cán bộ còn cần có tự do tư tưởng. Thế mà phần lớn cán bộ của ĐCSVN đã bị nhồi sọ, bị tẩy não theo Mác Lê hoặc chúng là bọn cơ hội. Như vậy có thể khẳng định luôn rằng, với chủ thuyết ấy, với cán bộ ấy thì chỉ chuốc lấy thất bại. Có một vài thành công đạt được là nhờ những nguyên nhân khác chứ cơ bản không nhờ Mác Lê, không nhờ bọn cơ hội;
  • Thứ hai, nguyên nhân sụp đổ của thành trì XHCN có nhiều, có gần, có xa, có chính, có phụ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì “phẩm chất cán bộ” là một trong những nguyên nhân phụ còn nguyên nhân chính nằm ở bản chất của chủ thuyết Mác Lê với đấu tranh giai cấp, vô sản chuyên chính, độc tài đảng trị, kinh tế nhà nước. Khi nhận định vừa rồi là đúng thì ông Vượng đã lấy phụ làm chính, phạm lỗi ngụy biện đánh tráo. Khi chủ thuyết là đúng, đường lối là sáng suốt, tổ chức vững mạnh thì từ đâu sinh ra một số rất đông cán bộ làm sụp đổ chế độ;
  • Thứ ba, cho rằng:“Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta”. Nghe qua thì thấy có lý, nhưng  sai về bản chất. Có việc tự phê bình, tự đấu tranh bản thân, tự ta thắng ta (để trở nên tốt hơn). Tự ta lật đổ ta nghe không hợp lý, không thuận.  Phải chăng là nếu ta không làm tốt thì sẽ tạo tiền đề, tạo cơ hội để ta bị lật đổ, cũng như có ý cho rằng chống tham nhũng là ta chống ta. Ở đây có sự đánh tráo khái niệm TA. Có ta làm lật đổ và ta bị lật đổ, có ta tham nhũng và ta chống tham nhũng. Hai ta ấy cùng ở trong đảng nhưng không đồng nhất. Có nhận xét rằng ĐCS không thể bị thế lực bên ngoài làm sụp đổ mà bị lực lượng từ bên trong. Nếu gọi những kẻ không làm tốt để bị lật đổ là TA, thì những người lật đổ TA không phải là TA nữa. Họ là một lực lượng khác, về hình thức họ đang ở trong đảng, nhưng thực chất họ chống đối lại đường lối độc tài đảng trị, chống lại những việc làm phản dân hại nước. Khi những kẻ thống trị tự xưng là TA thì những người lật đổ nó không phải là TA.
Một người có trí tuệ, am hiểu triết học nên thay “Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta" bằng câu “Ta không làm tốt thì ta sẽ tự sụp đổ” hoặc câu “Ta không làm tốt thì tự tạo điều kiện để bị người khác lật đổ, người đó có thể từ trong nội bộ của Đảng”.

N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN 
CHÁY NHÀ RA...MẶT HỘI ĐỒNG
CÁNH CÒ/ Blog RFA 13-3-2020
Nếu quốc tế có duy nhất Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một tổ chức được dựng lên để bảo vệ và trợ giúp thế giới trên nhiều lĩnh vực thì Việt Nam lại có rất nhiều “Hội đồng” nhưng việc giúp đỡ cho nhân dân từ các Hội đồng này vẫn còn là câu hỏi rất lớn trong đời sống dân chúng.
Thứ nhất là Hội đồng Nhân dân, được dựng lên để…làm vì thay vì làm việc. Người dân không biết sự hiện diện của Hội đồng này vì mục đích gì bởi cả đời họ chưa bao giờ thấy cái Hội đồng này xuất hiện để bênh vực, trợ giúp hay chia sẻ nỗi lo của quần chúng, ngược lại, một vài ông bà Hội đồng có biểu hiện rất tiêu cực mà trường hợp bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố HCM là một thí dụ về chiếc dép của chị Dương ném thằng vào mặt bà khi bà tham gia tiếp dân tại Thủ Thiêm vào năm 2018.
Kế đến là Hội đồng Quản trị, tuy được lập ra để điều hành một công ty hay một tập đoàn nhưng rất nhiều khuôn mặt trong đó làm lem luốc cho cái chức danh này. Không biết có bao nhiêu ông Chủ tịch Hội đồng Quản trị của những tập đoàn nhà nước hay tư nhân đã vào tù vì tham ô, móc ngoặc. Tiếng thơm của cái job này đang bị xú uế hơn nữa khi mới đây ông Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần điện gió H.T, có mặt trên chuyến bay VN 1547 từ Hà Nội vào Thừa Thiên-Huế, ông là hành khách bị nhiễm Covid-19 nhưng đã không khai báo chính xác với cơ quan chức năng; thậm chí để cho nhân viên đi cách ly thay mình.
Còn một loại Hội đồng nữa mà không thấy thế giới tư bản có nó, chỉ có Trung Quốc và Việt Nam là đưa nó lên hàng thượng tầng kiến trúc, được trọng vọng và cung kính khi nhắc tới nó, được ưu đãi và kinh phí cấp cho nó cũng là một con số khủng so với các cơ quan khác, nó là Hội đồng lý luận Trung Ương.
Vai trò của Hội đồng này là tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị. Có nhiệm vụ trực tiếp nghiên cứu một số đề tài do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao. Hội đồng này còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất những luận cứ về lý luận đấu tranh bác bỏ những quan điểm sai trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Giữ mối quan hệ với các cơ quan nghiên cứu lý luận của các đảng cộng sản và đảng cầm quyền trên thế giới.
Hội đồng Lý luận Trung ương khóa XII nhiệm kỳ 2016 - 2021 gồm 44 người. 1 Chủ tịch, 7 Phó Chủ tịch; 1 Tổng thư ký và 35 Ủy viên Hội đồng.
Trong 44 người chuyên săn lùng và nghiên cứu lý luận đấu tranh chống lại những kẻ phản động ấy có ông Nguyễn Quang Thuấn - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đương kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ.
Xưa nay người dân cứ ngây thơ nghĩ rằng mấy ông lý luận chính trị chỉ là vật tế thần cho đảng Cộng sản. Họ sống trong liêm khiết và tư tưởng chỉ nghĩ đến lợi ích của Đảng mà thôi, cho tới khi vụ ông Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Quang Thuấn đổ bể thì người ta mới ngơ ngác hỏi nhau: Vậy là chúng cùng một giuộc hay sao?
Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương Nguyễn Quang Thuấn là bệnh nhân Virus Corona số 21: Sở hữu 3 căn nhà mặt tiền ở Hà Nội, bay hạng thương gia, ăn ở khách sạn 5 sao, đi đánh golf, mời ca sỹ về hát trong buổi tiệc liên hoan sang trọng. Từ việc ông Thuấn tự khoe là thành viên của sân golf Vân trì báo chí phanh phui ra rằng nó tọa lạc tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội và được mô tả ở vị trí rất thuận tiện, đảm bảo an ninh, là sân golf đáng chơi nhất tại miền Bắc. Sân golf Vân Trì được coi là có mức phí cao nhất ở miền Bắc. Với mức phí này, những khách chơi tại Vân Trì golf club được coi là những người có điều kiện, thuộc giới thượng lưu.
Báo Dân Việt dẫn lại biểu phí của sân golf này cho thấy mỗi hội viên phải trả phí ghi danh 3.6 tỉ đồng tương đương 155,706 USD cho thời hạn 30 năm, chưa kể phí thường niên 50.5 triệu đồng . Mức phí này được giải thích là các thành viên phải chi “để tận hưởng không gian riêng tư,” vì sân golf này giới hạn chỉ 400 hội viên.
Ông Phó chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương trên danh nghĩa có mức lương gần hai mươi triệu hàng tháng nhưng thích chốn riêng tư thì ông lại có thừa. Đánh golf riêng tư chưa đủ ông còn có bồ nhí cho đủ bộ riêng tư. Mới đây báo chí lại tung tin công an Hà Nội đã truy ra ông hội đồng Thuấn đã từng ghé chung cư Vincom thăm bà Gs-Ts Nguyễn Thị Phương Châm và phát hiện mối dây liên hệ của bà này và ông hội đồng. Chính ông Nguyễn Quang Thuấn đã công bố Quyết định bổ nhiệm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, và nhiều người còn cho rằng chính ông là người đề bạt bà Nguyễn Thị Phương Châm vào chức vụ Viện Trưởng viện Văn Hóa.
Virus Corona như một trận hỏa hoạn kinh thiên động địa, nó không những gây cho hàng ngàn người chết mà còn làm những chú chuột quen chui rúc trong bóng tối nay phải lộ mặt trước cuộc đời. Tại Việt Nam, chẳng những chuột bị lộ mặt mà các Hội đồng cũng không thoát cơn thịnh nộ của cúm Tàu, nhất là Hội đồng Lý luận Trung ương có con chuột cống mang tên Nguyễn Quang Thuấn.

HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN TRUNG ƯƠNG VÀ VAI TRÒ CỦA THINK TANK VỚI CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ
LUẬT KHOA / 15-2-2020
Tiêu đề bài viết này nghe có thể lố bịch với nhiều người, bởi Hội đồng Lý luận Trung ương từ lâu đã bị một bộ phận của phong trào đối lập gọi là “Hội đồng Lú lẫn Trung ương”. Sau khi một cán bộ cấp cao của cơ quan này bị phát hiện có lối sống xa hoa, cơ quan này càng trở thành trò cười cho công chúng.
Đúng, chúng ta có đủ mọi lý do để cười cợt, chê bai, lên án một tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam dùng tiền thuế của chúng ta cho việc riêng của họ. Nhưng sau tất cả, sự tồn tại của cơ quan này để lại một bài học cực kỳ quan trọng cho phong trào đối lập: tổ chức chính trị nào cũng cần dựa vào các cơ quan nghiên cứu.
Cơ quan nghiên cứu, hay còn được gọi bằng cái tên tiếng Anh thời thượng là “think tank”, chính là bản chất của Hội đồng Lý luận Trung ương. Còn trong các doanh nghiệp, bộ phận tương ứng là các phòng “R&D” (nghiên cứu – phát triển).
Ta chớ vội phán xét chất lượng nghiên cứu, thậm chí là mức độ nghiêm túc của các nghiên cứu của Hội đồng Lý luận Trung ương. Ở đây, tôi chỉ muốn nói tới vai trò của think tank đối với một tổ chức chính trị.

Bộ não của đảng?

Ta hãy xem Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu những gì, hay nói cho chính xác là tổ chức nghiên cứu những gì, bởi phần việc chính của họ là huy động các nhà nghiên cứu từ các trường, viện tham gia các đề tài.
Lướt qua website của hội đồng này, ta thấy hiện nay họ có một “Chương trình nghiên cứu lý luận chính trị” có mã số KX.04/16-20. Chương trình này được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020, gồm 33 đề tài.
Trong số các đề tài, ta có thể thấy họ tổ chức nghiên cứu về đủ các lĩnh vực để có cơ sở tư vấn cho Ban chấp hành Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban Bí thư. Chẳng hạn: 
  • Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước ta: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp.
  • Mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thực trạng, vấn đề và định hướng chính sách.
  • Mô hình an sinh xã hội ở Việt Nam: Thực trạng, vấn đề đặt ra và giải pháp.
  • Những biến động của thế giới, khu vực, tác động đến Việt Nam hiện nay và định hướng chính sách.
  • Cách mạng màu: Thực tế trên thế giới và vấn đề đặt ra với Việt Nam.
  • Chiến lược của các nước lớn tác động đến Việt Nam và xử lý đúng đắn mối quan hệ của Việt Nam với các nước lớn.
Hình thức hoạt động của hội đồng này là sản xuất các báo cáo nghiên cứu, tổ chức hội thảo khoa học, đi khảo sát thực địa, v.v. Chúng ta khó mà biết được chất lượng nghiên cứu của các đề tài này đến đâu. Nhưng dù thế nào đi nữa, vai trò của nó là làm cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra các quyết định chính sách của mình trong mọi lĩnh vực.

Kinh nghiệm thế giới

Nhìn sang các nước khác, ta cũng sẽ thấy các đảng phái chính trị cũng phải dựa rất nhiều vào các think tank. 
Trong bài báo nghiên cứu “Who are The Political Parties’ Ideas Factories? On Policy Analysis by Political Party Think Tanks” công bố năm 2017, các học giả Valérie Pattyn , Gilles Pittoors , Steven Van Hecke đã tổng hợp các nghiên cứu khác và phân loại ra ba hình thức quan hệ giữa các đảng phái chính trị và các cơ quan nghiên cứu. 
Hình thức thứ nhất là các đảng phái dựa vào các think tank hoàn toàn độc lập bên ngoài để đưa ra quyết định chính sách của mình. Hiện tượng này phổ biến ở Mỹ và Canada. Các địa chỉ lừng danh là CSISBrookingsRANDCatoCFR và một số đơn vị nghiên cứu thuộc các trường đại học.




Một cuộc tọa đàm của CSIS, think tank hàng đầu của Mỹ, năm 2017. Ảnh: CSIS.

Hình thức thứ hai là các đảng phái lập ra hoặc tài trợ cho các think tank có tư cách pháp nhân riêng rẽ, và do đó, các think tank này hoạt động trong tình trạng nửa độc lập. Các đảng phái ở Đức, Hà Lan và nhiều nước châu Âu khác thường theo xu hướng này.
Hình thức thứ ba là các đảng phái lập ra các think tank hoàn toàn nằm trong tổ chức của đảng. Các think tank này, do vậy, hoàn toàn phụ thuộc vào đảng của họ. Đây chính là mô hình mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang áp dụng với Hội đồng Lý luận Trung ương. Brazil cũng theo xu hướng này, mặc dù các đảng phái ở đây cũng dựa rất nhiều vào các tổ chức nghiên cứu tư nhân. 
Riêng Nhật Bản được các nhà nghiên cứu điểm danh ở cả ba hình thức kể trên. 
Gần gũi và có thể đáng tham khảo cho Việt Nam hơn là một think tank nghiên cứu chính sách của đảng cầm quyền Dân Tiến của Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) ở Đài Loan. Think tank này trực thuộc tổ chức đảng và theo bà Thái, đảng này đã đưa ra nhiều chính sách dựa trên khuyến nghị của đơn vị nghiên cứu này. Think tank này do chính bà Thái, người từng là giáo sư luật, lập ra năm 2011 khi đang là chủ tịch đảng. 
Vai trò của các think tank cũng đa dạng. Nhóm nghiên cứu kể trên phân ra làm bốn nhóm vai trò: (i) người gác đền ý thức hệ cho đảng, (ii) chuyên gia chính sách, (iii) cố vấn chính trị, và (iv) trợ lý chính sách. Hai nhóm đầu thường nghiên cứu và đề xuất các ý kiến mang tính dài hạn (chẳng hạn như đề xuất khung chính sách), hai nhóm sau thường đưa ra các ý kiến tư vấn ngắn hạn, phục vụ những nhu cầu tức thời (chẳng hạn như chuẩn bị sẵn luận điểm tranh luận với đảng đối thủ).

Một đề xuất cho Việt Nam

Nói ra tất cả những điều này, tôi muốn đề cập đến một vấn đề lớn của phong trào đối lập Việt Nam, đó là thiếu các cơ quan nghiên cứu.
Trong môi trường chính trị cạnh tranh khốc liệt như ở các nền dân chủ, các đảng phải dựa vào các think tank để có thể phản biện đối thủ và tranh giành ảnh hưởng trong công chúng. Với phong trào đối lập Việt Nam, môi trường chính trị dĩ nhiên là khác biệt rất nhiều, nhưng công việc chính vẫn là phản biện, hoặc thậm chí là phủ nhận các chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời đề xuất những chính sách, giải pháp thay thế.
Tuy vậy, phong trào đối lập hiện nay gần như không có hoạt động nghiên cứu nào, càng không có think tank nào, dẫn đến chất lượng phản biện và đề xuất chính sách còn nhiều vấn đề về chất lượng, rất nhiều khi sa vào tin giả và để cho cảm xúc chính trị chi phối môi trường thảo luận.
Những vấn đề cần nghiên cứu thì nhiều. Đó không chỉ là các vấn đề chính sách kinh tế – xã hội cụ thể, mà còn là việc nghiên cứu văn hóa chính trị Việt Nam, khảo sát nhu cầu của các bộ phận công chúng, xây dựng các phương án dân chủ hóa, xây dựng các mô hình thể chế, xây dựng các đề xuất hiến pháp, đề xuất các phương án cải cách hiến pháp, soạn thảo các đạo luật cơ bản, v.v.
Những nghiên cứu này là cơ sở để xây dựng nghị trình của các tổ chức chính trị trong tương lai, cũng như phác họa dần bức tranh tương lai mà các tổ chức muốn người dân tin vào. 
Suy cho cùng, muốn có một phong trào đối lập có chất lượng thì công việc đề xuất giải pháp cũng quan trọng ít nhất là không kém công việc phê phán. Không những các tổ chức chính trị, mà các tổ chức xã hội dân sự, thậm chí các tờ báo độc lập (như Luật Khoa) cũng cần có hoạt động nghiên cứu của mình.
Hiện nay, ít nhiều cũng đã có một vài nỗ lực nghiên cứu nhất định từ cả phong trào đối lập lẫn các cơ sở nghiên cứu hàn lâm. Tôi có thể điểm danh ít nhất ba bản đề xuất hiến pháp được các nhóm đối lập đưa ra, gồm bản của Đảng Dân chủ Việt Nam (2010), bản của nhóm Kiến nghị 72 (2013), và bản của Trung tâm Dân chủ Việt Nam (2019). Một số nhà hoạt động cũng có những nỗ lực nghiên cứu cá nhân và đề xuất chính sách rất đáng chú ý.
Ngoài ra, Đại học California cũng có một tạp chí Việt Nam học (Journal of Vietnamese Studies) đăng nhiều nghiên cứu khoa học xã hội về Việt Nam của các học giả Việt Nam và nước ngoài, và còn nhiều nhà nghiên cứu, nhóm nghiên cứu khác ở các viện, trường cả trong lẫn ngoài nước. Đây là những cơ sở nghiên cứu hàn lâm mà các tổ chức chính trị đối lập có thể dựa vào khi chưa có cơ quan nghiên cứu riêng của mình.
Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn ý thức được về những khó khăn mà các nhóm đối lập, các tổ chức dân sự, các tờ báo độc lập lẫn các nhà nghiên cứu gặp phải. Đó không chỉ là tài chính, nhân sự mà còn là vấn đề an toàn cá nhân. Tuy vậy, vai trò của các hoạt động nghiên cứu vẫn không thay đổi và là con đường chắc chắn phải đi.
Nếu muốn lập một think tank, bạn có thể tham khảo một hướng dẫn chung tại đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét