Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2020

20200306. QUANH CHUYỆN 'ẤM CHÉN,CỜ' TẶNG DÂN HẢI PHÒNG

ĐIỂM BÁO MẠNG

CÓ CHÉN MỚI CÓ ẤM !
KỲ DUYÊN/ TD/ BVN 5-3-2020
Cứ thỉnh thoảng, các tỉnh đua nhau cho dân cả nước thấy họ “vì dân”. Như nơi này muốn xây nhà hát, nơi kia muốn xây tượng đài. Trong khi dân chả hề muốn ngắm tượng đài, vì còn phải cúi mặt cho đất bán lưng cho giời. Còn nhà hát, nếu đất đó vốn mồ hôi nước mắt của họ khai phá, rồi bị nhào trộn, bị sửa chữa cả quy hoạch để họ bỗng nhiên tay trắng, thì họ chỉ có “hát tiếng Mán”.
Nay lại đến chính quyền Hải Phòng - mới đây ngỏ ý muốn tặng mỗi gia đình người dân ở t/p một bộ ấm chén, cộng với một lá cờ (trị giá 500.000 đồng/ gia đình), tính ra mất 269 tỷ đồng - một con số rất lớn. Lẽ thường, quà được tặng thì người được nhận rất quý, phải cảm ơn. Nhưng vì sao cái bộ ấm chén mà Hải Phòng muốn tặng cho dân lại trở thành câu chuyện đàm tiếu, thậm chí có người dân Hải Phòng từ chối thẳng thừng.
Nhà báo Nguyễn Tiến Tường đã phải viết, phải hỏi “Ý nguyện ấm chén” cơ mà. Còn như ông Hoàng Đức Hiệp Long (tên thường gọi Hoàng Long), doanh nghiệp trên địa bàn Quận Ngô Quyền, người dân đầu tiên công khai từ chối thẳng thừng.

Hơn thế, bằng đầu óc của doanh nhân, ông Long đã tính ngay ra con số tiền thật - “Theo khảo sát nhanh trên thị trường thì 01 bộ ấm chén đẹp của Bát Tràng, chất liệu sứ cao cấp, men bông, hoa văn kẻ chỉ vàng có giá 150.000 VNĐ/bộ và 01 lá cờ đỏ sao vàng có giá 19.000 VNĐ/cờ. Tổng cộng 150k + 19k = 169.000 VNĐ“. 169.000 đ mà chính quyền Hải Phòng tính thế nào, “làm tròn” thành… 500.000 đ/ hộ.
Chợt nhớ vụ khẩu trang của thầy giáo Thanh ở Cà Mau mới đây như một phép so sánh hài và đắng, mang đúng chất “Gặp nhau cuối năm”. Nhượng lại cho học sinh 20 cái khẩu trang, vì không có 400 đồng tiền lẻ “thối” lại mỗi cái, mà thầy mang tiếng ăn lãi của học sinh tới 8000 đ, khiến cả hệ thống chính trị Cà Mau phải rần rần vào cuộc. Hết hồn.
Rút cục thầy Thanh phải cúi đầu nhận lỗi. Vừa buồn cười, vừa tội nghiệp cho thân phận một ông thầy thấp cổ bé họng.
Nay, vụ làm tròn số tiền, từ 169.000 thành 500.000 đồng, với số tiền lẽ ra chỉ khoảng là 100 tỷ, thì con số hơn 160 tỷ đồng đi đâu? Trốn ở đâu?
Đến nước này, người dân Hải Phòng xin “cúi đầu” trước các quan chức Hải Phòng về phép tính cộng.
Đến lượt, cả Chính phủ phải vào cuộc. Được biết, theo ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, “Chính phủ sẽ có ý kiến việc Hải Phòng chi 269 tỷ đồng tặng ấm chén” (VNN ngày 3/3/2020)
Kể ra, vị quân sư nào của Hải Phòng vừa thông minh vừa công khai minh bạch đó. Khi chọn bộ đồ ấm chén để… tiến dân. Mà đó cũng là tiền dân. Khác nhau mỗi dấu sắc (‘) với dấu huyền (’).
Có chén mới có ấm được!!!
K.D.
Nguồn: FB Kim Dung Pham

TẶNG BỘ ẤM CHÉN LÀ ĐEM LẠI QUYỀN LỢI CHO DÂN?!

ĐỖ DUY NGỌC/ 5-3-2020
Trong lúc dân chưa giàu, nước chưa mạnh, dịch bệnh hoành hành, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, còn có dân nghèo thiếu ăn, lại chi 269 tỷ đồng mua ấm chén và cờ tặng dân. Chơi chi kỳ cục vậy mấy cha? Làm gì khỏi có chuyện liếm láp trong vụ này.
Dư luận lên tiếng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lên tiếng, nhân dân Hải Phòng cũng đã lên tiếng. Thế mà Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch TP Hải Phòng vẫn loanh quanh. Ông ta còn cho rằng: “Trích ra một tý đem lại quyền lợi cho dân, sao gọi là lãng phí?
Haha… kiểu lý luận, biện bạch này buồn cười bỏ mẹ. Tặng cho dân bộ ấm chén gọi là đem lại quyền lợi cho dân. Một lối tư duy như thời phong kiến xa xưa, được vua ban lộc. Ê! Cha nội, tiền đấy là tiền của dân chứ phải tiền của cha đâu mà cha muốn xài thế nào thì xài nha.
Quyền lợi cái con mẹ gì cái bộ ấm chén mà nhà nào cũng đang có rồi? Dân cần cái giường tốt trong bệnh viện khi đau ốm, cần thuốc để chữa bệnh tật, cần cây cầu qua sông, qua suối cho tiện lợi, cần con đường để đi lại, cần trường học cho con em, cần miếng cơm, manh áo, còn biết bao cái đang cần chứ cần gì cái bộ ấm chén đem về ngó chơi mà tốn 269 tỷ.
Hai trăm sáu mươi chín tỷ mà ông bảo một tý, ừ, đối với các ông, những người chuyên xài lớn thì nó nhỏ thật, thế nhưng nó là xương máu, mồ hôi của nhân dân è cổ ra đóng thuế mới có được đấy ông ạ.
Cũng qua đấy mới thấy một bộ phận cán bộ ta vẫn có suy nghĩ quê mùa, tư duy của nông dân, trong đầu chỉ khát khao bộ ấm chén để uống chè he he… Lãnh đạo thời 4.0 mà cái đầu thế thì chết mẹ rồi, đất nước tiến sao được hở trời?
Theo tui, cán bộ lãnh đạo kiểu này cho về vườn đuổi gà cho vợ là vừa. Thật đấy, ngồi đấy chỉ là vật cản cho sự phát triển vì cái đầu còn cũ xì, sao đáp ứng được thời đại.
Đã không muốn nói nữa, định ngậm miệng mà nghe cha nội này trả lời báo chí, ngứa quá chịu không nổi nên phải có vài lời nôm na.

HẢI PHÒNG TẶNG QUÀ CHO DÂN, SAO DÂN KHÔNG THÍCH ?
TƯ GIANG/ TVN 4-3-2020
Hội đồng Nhân dân TP Hải Phòng ngày 28/2 đã thông qua tờ trình của UBND TP về việc tặng hơn 587.000 hộ dân bộ ấm chén và cờ tổ quốc, mỗi suất trị giá không quá 500.000 đồng trong khoảng tháng tháng 5 và tháng 6 tới đây.
Thông tin này đang dấy lên tranh cãi nhiều chiều. Một luồng ý kiến bày tỏ sự hoài nghi cho rằng, việc tặng quà là lãng phí nhất là vào thời điểm đang cần có nguồn lực để chống dịch Covid-19; số tiền lớn như vậy có thể xây dựng nhiều công trình giao thông, bệnh viện, trường học, khu vui chơi cho trẻ em;…
Ở góc độ ủng hộ, khảo sát của báo chí cho thấy, đa số người dân Hải Phòng, nhất là dân khu vực nông thôn ủng hộ, hào hứng chờ quà tặng từ chính quyền. Có người dân Hải Phòng cho rằng, tiền này thực chất cũng là tiền của dân, lấy tiền của dân tặng cho dân làm cả dân và lãnh đạo vui.
Hải Phòng tặng quà cho dân, sao dân không thích?
Hải Phòng là một trong những trung tâm kinh tế của đất nước.
Cá nhân tôi cảm thấy thú vị khi theo dõi những luồng quan điểm này trên báo chí và các mạng xã hội. Những băn khoăn đó cho thấy người dân ngày càng quan tâm hơn đến những quyết định của chính quyền và cất lên tiếng nói, bày tỏ quan điểm trước những quyết định đó.
Tôi cũng rất thú vị khi thấy rất nhiều người ủng hộ, bày tỏ cảm kích trước tin chính quyền Hồng Kong tặng người dân từ 18 tuổi trở lên mỗi người 10.000 đôla Hong Kong (gần 1.300 USD) trong gói kích thích kinh tế trị giá 120 tỷ đôla Hong Kong (15,4 tỷ USD) và Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp khoảng 80 USD/ngày cho những phụ huynh phải nghỉ việc ở nhà chăm con trong bối cảnh các trường học nước này đóng cửa vì Covid-19.
Trước đây vài năm, chính quyền ở một số quốc gia như Singapore, Phần Lan, Canada, Arab Saudi,… cũng từng phát tiền cho dân chúng dưới hình thức này hay khác để hỗ trợ họ. Tất nhiên, dư luận trong nước đều cảm thấy thích thú, thậm chí còn “ghen tỵ” với những chính sách như thế.
Kể chuyện thế giới để thấy, chuyện chính quyền “cho” dân tiền thường diễn ra ở những quốc gia giàu có bậc nhất với nguồn lực tài chính dồi dào.
Có lẽ, Hải Phòng là địa phương hiếm hoi chia tiền cho dân trong mấy năm gần đây. Thực tế, họ có quyền làm như vậy theo thẩm quyền trong Luật Ngân sách mà không cần xin ý kiến trung ương hay bất kỳ ý kiến ai khác.
Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, kinh tế Hải Phòng khởi sắc sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Vinfast,  LG Display, LG Electronics,… về đầu tư ở đây. Năm ngoái, thu ngân sách của Thành phố này đạt 90.000 tỷ đồng. Những thành tích đó là điều đáng mừng sau một thời gian dài Hải Phòng “ngủ quên”.
Tôi tin phân trần của ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố, về quyết định tặng tiền, rằng công tác phòng, chống dịch của Hải Phòng rất tốt, đến nay chưa có ca nào dương tính với Covid-19, khẩu phần ăn đối với người nước ngoài hay Việt Nam đều ở mức cao, 150.000 đồng/người/ngày và học sinh được phát khẩu trang miễn phí đến mức “Có thể nói khó có địa phương nào có điều kiện cách ly tốt như ở đây”. Ông cũng cho biết, về chính sách với người có công, Tết nguyên đán vừa rồi Thành phố đã tặng 4 triệu đồng/người. Về hạ tầng giao thông, ông nói thêm thời gian qua thành phố cũng đã triển khai và đưa vào sử dụng hàng loạt, trường học đều khang trang, bệnh viện xây mới quy mô lớn, diện mạo thành phố được thay đổi từng ngày.
Những thông tin như trên quả là rất tích cực và công khai về thành tích kinh tế của Thành phố biển.
“Tặng” tiền cho dân là chính sách tốt mà không mấy địa phương làm được. Tất nhiên, vật tặng có dứt khoát phải là “ấm và cờ” hay không là điều đáng bàn và dứt khoát phải đấu thầu công khai, minh bạch để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Cách dùng tiền, cách cho tiền phải hiệu quả, thiết thực thì người dân mới thấy cảm kích và chính quyền mới được mang tiếng thơm.
Chỉ làm như vậy mới thể hiện được ý tốt của lãnh đạo Hải Phòng, xua tan nghi ngờ trong không ít người dân và không lặp lại chuyện lùm xùm Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng mua ấm chén tặng dân cách đây hơn 2 năm.

QUỐC KỲ, ẤM CHÉN, 2 LOẠI NHÂN DÂN, 2 KIỂU 'Ý CHÍ, NGUYỆN VỌNG'
TRÂN VĂN/ Blog VOA/ TD 4-3-2020
Quyết định của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của thành phố Hải Phòng (1): Chi 269 tỉ để tặng mỗi gia đình ở thành phố này một lá quốc kỳ và một bộ ấm chén nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2020) – góp thêm bằng chứng, chứng minh tính chất phản động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam…
***
Ông Hoàng Đức Hiệp Long – thường gọi là Hoàng Long, cư dân Hải Phòng đồng thời là chủ một doanh nghiệp ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) vừa gửi cho cả Bí thư (người đứng đầu hệ thống chính trị), Chủ tịch (người đứng đầu hệ thống công quyền) của Hải Phòng lẫn Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Việt Nam – một tờ đơn xin không nhận món quà đã đề cập (2).
Trong đơn, ông Long cho biết, trên thị trường, giá một lá quốc kỳ khoảng 20.000 đồng, giá một bộ ấm chén loại tốt của Bát Tràng khoảng 150.000 đồng. Tính ra giá trị phần quà mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Hải Phòng tặng một gia đình cư dân chỉ chừng 170.000 đồng. Đó là lý do ông Long thắc mắc: Vì sao giá trị phần quà vốn chỉ gồm hai loại hiện vật như đã kể lại được ước tính đến… 500.000 đồng?
Tuy nhiên đó chỉ là thắc mắc, không phải nguyên nhân chính khiến ông Long viết đơn xin không nhận quà. Ông Long xin không nhận quà vì 269 tỉ dự trù chi cho sắm quà để tặng các gia đình cư dân Hải Phòng tương đương 1% tổng thu nội địa hoặc 1/300 tổng thu ngân sách quốc gia. Khoản tiền này là mồ hôi, nước mắt của dân chúng, của các doanh nghiệp đủ cỡ từ lớn đến siêu nhỏ.
Theo ông Long, trong bối cảnh cả dân chúng lẫn doanh nghiệp đang điêu đứng vì COVID – 19, khoản tiền 269 tỉ đó có thể giúp việc phòng – ngừa dịch bệnh hữu hiệu hơn, ví dụ xây dựng thêm được một số khu cách ly nếu dịch bệnh nạn bùng phát. Khoản tiền 269 tỉ đó cũng có thể được dùng để xây những công trình phúc lợi cho trẻ mồ côi, người già, người tàn tật, người lang thang thiếu chỗ trú thân…
Khoản tiền 269 tỉ đó cũng có thể giúp hoàn tất nhiều dự án đang “treo” hàng chục năm vì thiếu tiền, khiến nhiều gia đình phải sống tạm bợ… Ông Long nói thêm, ngay tại Hải Phòng, khoản tiền 269 tỉ này đủ để tu bổ nhiều con đường mà hàng chục năm qua dù hư hỏng vẫn không được sửa chữa như đường Đông Khê giáp Parson dẫn vào An Đà, khiến hàng ngàn người khốn khổ khi phải qua lại mỗi ngày.
Ông Long nhấn mạnh, có lẽ chẳng gia đình nào thiếu quốc kỳ và ấm chén trong khi 269 tỉ đồng nếu được dùng đúng cách sẽ có tác dụng kích cầu, giúp quốc gia thu thêm đươc hàng ngàn tỷ và tạo ra hàng vạn việc làm. Bởi chỉ có thể đại diện cho gia đình của mình, ông Long đề nghị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Hải Phòng trả lại cho ngân sách khoản 500.000 đồng mà họ dự tính mua quà tặng gia đình ông để công quỹ có tiền giúp đỡ những người yếu thế (tàn tật, già yếu, nghèo túng,…) hoặc dùng khoản tiền ấy để làm những việc khác thiết thực và có ý nghĩa hơn. Ông cũng khuyến cáo các viên chức hữu trách đừng quên công trình “nhạc nước” ngốn hết 200 tỉ rồi trở thành sắt vụn…
***
Đến nay, tuy chỉ có ông Long phản ứng như vưa kể (gửi đơn xin không nhận quà) nhưng những suy nghĩ của ông Long không phải là cá biệt. Rất nhiều người suy nghĩ giống hệt như thế và đã bày tỏ quan điểm của họ cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức trước sự kiện hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của thành phố Hải Phòng quyết dịnh dùng 269 tỉ mua quà tặng các cư dân.
Nói cách khác, nhận thức và mong muốn của đám đông khác rất xa các thành viên Hội đồng nhân dân (HĐND) khóa 15 (nhiệm kỳ 2016 – 2021) của Hải Phòng. Tại sao lại có sự khác biệt rất lớn như thế giữa nhận thức và mong muốn của cư dân thành phố Hải Phòng với những cá nhân “đại diện cho ý chí, nguyện vọng” của họ? Tại sao những chuyện kiểu này luôn xảy ra ở các kỳ họp “bất thường” của những cơ quan dân cử?..
Năm 2017, cũng từ một kỳ họp bất thường, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định chi 6,7 tỉ đồng để mua ấm chén tặng các đại biểu và gia đình cư dân trong tỉnh nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh này. Tuy Văn phòng HĐND của tỉnh thay mặt nhân dân Vĩnh Phúc trông coi tiến trình chọn thầu – mua sắm – tặng quà nhưng cuối cùng tiến trình này vẫn có vô số khuất tất, phải tổ chức thanh tra (3) và đến giờ rất ít người biết kết quả thế nào!..
Năm 2018, tại phiên họp bất thường hồi tháng 9, HĐND tỉnh Quảng Trị tuyên bố lấy tên Fidel đặt cho công viên giữa thành phố Đông Hà (4). Kế hoạch xây dựng công viên mang tên Fidel với tượng bán thân của Fidel Castro (diện tích 16 héc ta, chi phí 115 tỉ) vốn đã được triển khai từ năm 2015. Do kế hoạch này bị chỉ trích kịch liệt, thậm chí bị phê phán vì trái với di nguyện của Fidel (không muốn được tưởng niệm dưới bất kỳ hình thức nào) nên được giao cho HĐND biến thành “ý chí, nguyện vọng” của nhân dân Quảng Trị!..
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng, vừa lên tiếng phản bác những người chỉ trích việc dùng 269 tỉ đồng mua quà tặng các gia đình cư trú ở thành phố này. Ông Nam xác nhận tuy tặng quà là sáng kiến của Thành ủy rồi trở thành đề nghị của chính quyền nhưng sau khi được HĐND bỏ phiếu tán thành thì đã trở thành “ý chí, nguyện vọng của nhân dân”. Đó cũng là căn cứ để ông Nam mạnh dạn kết luận “không đồng tình chỉ là số ít còn đa số nhân dân vui mừng, phấn khởi” (5).
***
Tuyên bố “đa số nhân dân vui mừng, phấn khởi” vốn đã là điệp khúc được lặp đi, lặp lại suốt từ năm 1945 ở miền Bắc Việt Nam và từ năm 1975 đến nay trên toàn Việt Nam. Ở các xứ khác, bao nhiêu phần trăm nhân dân “vui mừng, phấn khởi” về “đường lối, chủ trương, chính sách” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền sẽ được thể hiện qua kết quả các kỳ bầu cử, còn ở Việt Nam thì cử thế nào, bầu ra sao mà phải soạn – ban hành – thực thi Luật An ninh mạng với nội dung như đã biết?
Tại sao “vui mừng, phấn khởi” của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền thường ngược chiều với “ý chí, nguyện vọng” của đám đông mà họ đại diện? Tại sao mâu thuẫn giữa đám đông với những đại diện cho “ý chí, nguyện vọng” của họ càng ngày càng trầm trọng? Khi nào thì lá phiếu của mỗi công dân đủ sức mạnh để những người như ông Lê Khắc Nam buộc phải “nhìn trước, ngó sau”, mỗi lần mở miệng phải uốn lưỡi nhiều lần để không bị công chúng “bạt tai” bằng những lá phiếu?
Chú thích

VỀ 270 TỶ ĐỒNG MUA ẤM CHÉN VÀ 12 TỶ ĐỒNG DỰNG TƯỢNG LÊ NIN
NGÔ NGỌC TRAI / TD 4-3-2020




Ông Hàn Đức Long và tác giả (bên trái). Ảnh: FB tác giả

Hôm qua về thăm lại gia đình ông Hàn Đức Long người đã được minh oan thành công, thấy vui vì huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang mới tiến hành cải tạo mở rộng mấy cung đường mà vài năm trước còn ghồ ghề sỏi đá đi lại khó khăn.
Con đường đất, đúng ra là bờ ruộng, lối đi vào nhà ông Hàn Đức Long cũng được đổ bê tông, ô tô đi lại được, bà Mai vợ ông Long bảo tỉnh cho xi măng, địa phương cùng người dân làm.
Gần nhà ông Long có một nhà máy may mới được xây dựng hoạt động, một nét tươi mới cho một xã nông thôn hiu hắt vắng vẻ vài năm trước, đó có lẽ cũng là kết quả của những con đường giao thông được làm lại.
Mọi người hãy hình dung rằng, chính sự khó khăn trong đi lại, do thiếu vắng những con đường đã làm cản trở lưu thông hàng hóa, cản trở sự đi lại kết giao, khiến giam hãm đời sống và hiểu biết của con người, mà rồi từ đó là nguyên nhân sâu xa đã gây ra những vụ trọng án.
Cho nên khi chứng kiến những con đường mới tôi thấy vui.
Năm ngoái, một dịp đến thăm gia đình tử tù Đặng Văn Hiến ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đi vào con đường hàng chục km đường xấu sỏi đá, không được trải nhựa, nhiều đoạn đường hẹp đất bạc màu tưởng chừng không đi nổi, xung quanh là cây cối rậm rạp.
Chứng kiến như thế tôi hiểu chính sự khó khăn về kinh tế, thiếu vắng những con đường, là cái đã tạo ra những ngang trái phận đời như Đặng Văn Hiến. Tha hương cầu thực vào Đăk Nông làm vườn kiếm sống, để rồi vướng vào tranh chấp đất đai.
Và nhiều địa phương khác, từ Bắc vào Nam, hẳn còn rất thiếu những con đường giúp cho người dân đi lại, giúp giao thoa đời sống, giúp cho những người cả đời chỉ quanh quẩn trong phạm vi một hai chục cây số, được mở rộng phạm vi đi lại, tới được những nơi ánh sáng văn minh.
Bản thân tôi rất hiểu ý nghĩa của những con đường.
Là một luật sư tham gia nhiều vụ án, chứng kiến nhiều sự việc, biết được nguyên nhân gây ra, điều đó đã thôi thúc tôi lên tiếng như một người thúc đẩy cải cách xã hội.
Vậy nên, những dự án như 12 tỷ đồng cùng 4 nghìn mét vuông dựng tượng Lê Nin ở Nghệ An, hay 270 tỷ đồng mua ấm chén ở Hải Phòng, cho thấy tiền đã không được sử dụng đúng cách.
Đúng ra nó phải được sử dụng cho những mục đích ích nước lợi dân hơn nhiều.
Nó cũng cho thấy tầm vóc nhận thức của một bộ phận cán bộ và tầm mức chất lượng của các chính sách quản trị quốc gia được xây dựng.
Buồn thay, hiện nay cơ chế đơn nhất, cán bộ được tuyển lựa, thiếu bầu cử tự do, khiến cho một lượng lớn nhân sự năng lực ngoài xã hội không được trọng dụng, hiên tài nguyên khí quốc gia bị tổn hại.
Ý NGUYỆN ẤM CHÉN...
NGUYỄN TIẾN TƯỜNG/ TD 4-3-2020
Phó Chủ tịch Hải Phòng, Nguyễn Xuân Bình thay mặt chính quyền nói với báo giới vụ tặng ấm chén là “vì nhân dân”. Vẫn những tuyên bố chắc nịch như khi người ta nói xây nhà hát kịch Thủ Thiêm là “ý nguyện của nhân dân”, như bí thư Quảng Bình, Hoàng Đăng Quang nói đổi đất xây tượng đài là “nguyện vọng của nhân dân”.
Nhân dân thường nhật xa cán bộ mấy nghìn năm ánh sáng, mấy ai tỏ mặt cán bộ vuông tròn ra làm sao. Vậy mà lâu lâu lại nghe cán bộ nói về ý nguyện của dân gần gũi như thuộc từng hơi thở vậy.
Có một cái khó của lãnh đạo là nhân dân đông, không có mẫu số chung cho nguyện vọng của họ. Người muốn làm điện đường trường trạm, người muốn ủng hộ cả nước chống dịch… Lãnh đạo nói vì dân đáng lẽ nên có một bước thăm dò để lấy phương án đa số thì mới chính danh ý nguyện của dân.
Đằng này quyết luôn bộ ấm chén rồi biến nó thành ý nguyện của dân là duy ý chí. Cũng vì không chính danh nên dân mới phản ứng. Nếu quá khó trong việc lựa chọn, có thể chọn tiền. Việc tặng tiền cho nhân dân không phải là chưa có tiền lệ. 500 nghìn đồng, cũng là một số tiền không nhỏ nếu chi tiêu thường nhật.
Tặng một bộ ấm chén, họp hành bao nhiêu cuộc, triển khai bao nhiêu đợt, “huy động cả hệ thống chính trị” vào cuộc, phiền hà cho cả lãnh đạo lẫn nhân dân. Tặng tiền xong dân muốn làm gì theo ý nguyện tuỳ thích. Chính quyền đỡ gánh nặng mà dân cũng vui vẻ.
Giờ có cảnh lãnh đạo nói vì dân mà dân đi truy giá từng bộ ấm chén và đặt nghi vấn phết phẩy, cũng không mấy hay ho. Một bộ ấm chén không nhỏ nhưng 269 tỷ đồng là rất lớn. Nên khi chọn phương án nhiêu khê, vòng vèo, chẳng trách dân đa nghi.
Dân thì chân phương, cũng tại họ bị “mượn” ý nguyện nhiều quá nên mới thành phản xạ như vậy. Lãnh đạo thì mỗi lần nói “vì dân” xong bị mắng té tát mà ít thấy ai nổi tự ái bao giờ. “Thành phố phát triển thì người dân phải được hưởng lợi”, ông Bình nói.
Đồng ý là nhân dân có lợi, nhưng nhân dân chỉ lo là một số nhân dân khác sẽ có lợi nhiều hơn thôi…Hải Phòng: Ông Hoàng Long từ chối nhận ấm trà và cờ Tổ quốc
HẢI PHÒNG: ÔNG HOÀNG LONG TỪ CHỐI NHẬN ẤM TRÀ VÀ CỜ TỔ QUỐC
ĐỖ CAO CƯỜNG /TD 3-3-2020
Kính gửi:
– Ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng

– Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND Thành phố

Đồng kính gửi:
– Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam

– Ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN

– Bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN
Tôi là Hoàng Đức Hiệp Long (tên thường gọi Hoàng Long). Doanh nghiệp trên địa bàn Quận Ngô Quyền.
Trong cuộc họp bất thường của HĐND TP Khóa 15, nhiệm kỳ 2016 – 2021 ngày 28/02/2020, để kỷ niệm 65 năm ngày Giải phóng Hải Phòng 13/5/1955 – 13/5/2020, TP có chủ trương dùng tiền ngân sách mua tặng cho nhân dân mỗi hộ 01 BỘ ẤM CHÉN và 01 LÁ CỜ TỔ QUỐC trị giá ~ 500.000 VNĐ (Theo khảo sát nhanh trên thị trường thì 01 bộ ấm chén đẹp của Bát Tràng, chất liệu sứ cao cấp, men bông, hoa văn kẻ chỉ vàng có giá 150.000 VNĐ/bộ và 01 lá cờ đỏ sao vàng có giá 19.000 VNĐ/cờ. Tổng cộng 150k + 19k = 169.000 VNĐ).
Tôi xin miễn bàn về quà tặng với số tiền lên đến ~ 500.000 VNĐ/hộ cho gần 600.000 hộ dân với tổng chi phí ~ 300 tỷ VNĐ (Dự trù 269 tỷ).
Số tiền mua ấm chén + cờ ~ 1/300 tổng thu ngân sách năm 2019 là 90.000 tỷ VNĐ và ~ 1/100 tổng thu nội địa năm 2019 là 27.000 tỷ VNĐ.
Số tiền trên trong thời điểm khó khăn do đại dịch Covid 19 quả là quá khủng. Nó là đồng tiền mồ hôi, xương máu của biết bao người dân, doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện đang bên bờ vực phá sản do dịch bệnh.
Trong lúc Covid 19 đang hoành hành trên toàn thế giới, người dân phải tranh giành nhau mua từng chiếc khẩu trang với giá cắt cổ, bao ngành nghề như vận tải, du lịch, nông nghiệp, XNK… đang như cá nằm trên thớt, chật vật chèo chống để vượt qua dịch bệnh thì việc “nịnh dân không phải lối” lại chỉ làm buồn lòng nhân dân.
269 tỷ lúc này là rất lớn, nó sẽ giúp phòng ngừa dịch bệnh và xây dựng thêm được nhiều khu cách ly nếu như dịch nạn bùng phát.
269 tỷ sẽ xây được rất nhiều công trình phúc lợi xã hội cho người dân như trại trẻ mồ côi, người lang thang, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa…
269 tỷ sẽ giúp hoàn thành nốt nhiều dự án treo hàng chục năm qua còn dang dở chỉ vì thiếu kinh phí, làm ảnh hưởng đến bao hộ dân phải sống trong cảnh tạm bợ, dở khóc dở cười.
269 tỷ sẽ giúp làm đẹp thêm nhiều con đường đã hư hỏng hàng chục năm nay như đường Đông Khê giáp Parson đi vào An Đà ảnh hưởng đến hàng ngàn người qua lại mỗi ngày.
269 tỷ đồng được đầu tư đúng hướng sẽ kích cầu nền kinh tế thu lợi đươc hàng ngàn tỷ và tạo ra hàng vạn công ăn việc làm cho xã hội.
Tôi thiết nghĩ, bất kỳ gia đình nào dù nghèo nhất thì họ cũng đã có cờ để treo và ấm chén để uống trà. Hơn nữa giá trị bộ ấm chén nó phụ thuộc vào kinh tế và cái gu của mỗi người. Người nghèo thì dùng bộ chỉ vài chục ngàn, người giàu sành chơi thì dùng bộ đến cả vài chục triệu đồng.
Tôi nghĩ khi tặng quà chắc rằng họ cũng có thiển ý trấn an người dân để vượt qua nỗi sợ hãi của dịch bệnh bằng cách khuyến khích họ hãy pha trà, ngồi nhâm nhi và ngắm cờ tổ quốc để hoài niệm về những chiến thắng vang dội đánh Tây dẹp Tàu chứ cái thằng Corona chỉ là cái đinh gỉ mà thôi.
Các vị hãy nhớ lại vụ NHẠC NƯỚC chỉ với 200 tỷ đã để lại một bài học đắt giá mà đến cả Nguyên Bí thư Thành ủy HP Dương Anh Điền phải nhận án kỷ luật của Bộ Chính Trị.
Mong các vị hãy nhìn gương tày liếp để tránh đi vào vết xe đổ của quá khứ, của người tiền nhiệm mà trong một bài thơ dài tôi đã làm 5 năm về trước được trích đoạn như sau:
“Kỷ luật rồi, bác ơi giờ có thấu

Mấy chục năm phấn đấu để làm gì

Cái nhạc nước bác duyệt để làm chi
Hai trăm tỷ, bao người dân ngao ngán.
Bác về vườn lòng dân đầy ai oán
Bác đương thời, ai lên án bắt ngay
Người đất cảng chỉ mong muốn tỏ bày
Bởi đồng tiền, sao lại tham thế bác…”

Dẫu biết rằng TP cũng có được một ý tốt là để tri ân đến từng người dân và doanh nghiệp đã miệt mài đóng thuế xuyên suốt thời gian qua, nhưng cái gì đem lại lợi ích thiết thực cho dân và xã hội thì ta hãy làm. Tôi tin rằng hiện mỗi gia đình chắc hẳn cũng đã có vài bộ ấm chén đang dùng và để dành chưa tính cả bộ ấm chén mà cánh mày râu vác theo mỗi lần ra đường. Còn cờ đỏ sao vàng thì chắc chắn mỗi hộ đều đã có để treo dịp lễ tết, chưa kể đến lá cờ tổ quốc mà họ luôn để trong tim.
Trước khi kết thúc ĐƠN TỪ CHỐI NHẬN ẤM CHÉN VÀ CỜ TỔ QUỐC, tôi xin tặng các Vị vài câu thơ cuối cùng:
“Ấm chén, cờ đỏ để làm chi

Chẳng hiểu các vị đang nghĩ gì?

Bày vẽ tặng quà gây lãng phí
Sắp hết nhiệm kỳ: Tham – Sân – Si”

Nay tôi viết đơn này xin trả lại món quà TP dự kiến tặng gồm cờ và ấm chén. Số tiền 500.000 VNĐ mà TP chi tiền mua quà tặng gia đình tôi, nay tôi đề nghị TP nộp trả lại ngân sách để hỗ trợ cho người nghèo, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa và làm nhiều việc khác thiết thực và có ý nghĩa hơn.
Hải Phòng 01/03/2020
Người làm đơn

HOÀNG LONG

____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét