Thứ Tư, 4 tháng 3, 2020

20200304. GIÁO DỤC NÊN NẰM Ở BỘ NÀO ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
QUAN ĐIỂM CỦA BỘ NỘI VỤ VỀ Đ XUẤT THÀNH LẬP LẠI BỘ GIÁO DỤC
TRINH PHÚC/ GDVN 23-2-2020
Ngày 19/02/2020, Viện Khoa học tổ chức nhà nước đã tổ chức Hội thảo khoa học góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Trong Hội thảo có báo cáo đề xuất: Cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ rút gọn số bộ, cơ quan ngang bộ từ 22 xuống 20 bộ, cơ quan ngang bộ, theo đó hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành Bộ Tài chính – Kế hoạch, Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng thành Bộ Giao thông và Xây dựng.
Ông Vũ Đăng Minh, chánh văn phòng Bộ Nội vụ cho rằng, các đề xuất liên quan đến cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang trong quá trình nghiên cứu chứ chưa phải ý kiến chính thức của Bộ Nội vụ (ảnh Trinh Phúc).
Ngoài ra, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa một số bộ, cơ quan ngang bộ như giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo; giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ.
Đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo.
Đồng thời, điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học – Công nghệ và Đào tạo. Thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa – Thể thao và Thanh niên.
Về cơ cấu nhân sự của Chính phủ gồm: Thủ tướng Chính phủ; 04 Phó Thủ tướng Chính phủ và 20 Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ[1].
Thông tin này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận. Bởi nếu được áp dụng thì sẽ tác động lớn đến tổ chức bộ máy và hoạt động của nhiều bộ ngành hiện nay.
Để hiểu rõ hơn thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ.
Xung quanh vấn đề này, ông Minh cho rằng đây là đề xuất của một công trình nghiên cứu độc lập ở một góc độ khoa học. Đang trong quá trình nghiên cứu và tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến góp ý.
Những đề xuất này ở góc độ của Viện Khoa học tổ chức nhà nước. Đến nay, Bộ Nội vụ và lãnh đạo Bộ chưa báo cáo.
Ông Minh nhấn mạnh rằng: “Các đề xuất trên chỉ ở góc độ nghiên cứu độc lập, luận cứ khoa học chứ chưa phải ý kiến của Bộ Nội vụ”.
Tài liệu tham khảo
1. //isos.gov.vn/Thongtinchitiet/tabid/84/ArticleId/1869/language/vi-VN/H-i-th-o-khoa-h-c-gop-y-Bao-cao-d-xu-t-ki-n-ngh-c-c-u-t-ch-c-c-a-Chinh-ph-nhi-m-k-2021-2026.aspx
Trinh Phúc
GIÁO SƯ TRẦN HỒNG QUÂN: NÊN CHUYỂN MẢNG ĐÀO TẠO VỀ BỘ KHOA HỌC-CÔNG NGH
THUỲ LINH/ GDVN 27-2-2020
Mới đây, tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ Nội Vụ diễn ra ngày 19/2, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.

Vì lẽ đó, Tiến sĩ Tuấn đề xuất chuyển nhiệm vụ đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ, đổi tên thành Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo. 

Trước đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc đề xuất chuyển nhiệm vụ đào tạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về Bộ Khoa học, Công nghệ là hoàn toàn hợp lý trong thời đại công nghiệp 4.0 như hiện nay. 

Bởi bên cạnh việc giảng dạy cử nhân có trình độ tay nghề cao thì cơ sở giáo dục đại học cũng có nhiệm vụ quan trọng là nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn cuộc sống còn viện khoa học cũng cần tham gia vào quá trình đào tạo.

Do đó, khoa học và đại học phải gắn liền với nhau chứ nếu để như hiện nay 2 hệ thống quản lý là không hợp lý. 
Giáo sư Trần Hồng Quân: Nên chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học- Công nghệ (Ảnh: Ngọc Quang)
Giáo sư Quân chia sẻ thêm, ở nước ngoài, lực lượng nghiên cứu khoa học chủ yếu là ở các cơ sở giáo dục đại học do đó việc chuyển mảng đào tạo về Bộ Khoa học, Công nghệ là đúng. 
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khuyến cáo, việc điều chuyển mảng đào tạo đại học này không phải sáp nhập cơ học mà lúc đó khoa học và đào tạo phải hòa lại với nhau chứ không phải 2 thành phần riêng biệt nằm trong một Bộ. 

“Bộ Khoa học Công nghệ và Đào tạo phải có chức năng vừa đào tạo vừa nghiên cứu và nhiệm vụ quản lý phần lớn dành cho công nghệ của bậc đại học chứ không phải đào tạo đại học là một nhánh phụ của Bộ này”, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh. 

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn, và việc vắng mặt các trường đại học đa lĩnh vực là hai tàn tích của mô hình Liên Xô cũ.
Đây chính là hai cản trở lớn làm cho khối các nước kinh tế chuyển đổi có rất ít trường đại học đẳng cấp thế giới. 

Về sự tách rời giữa hệ thống các trường đại học và các viện nghiên cứu lớn thì Giáo sư Lâm Quang Thiệp cho biết, ở Việt Nam, cho đến năm 1992 hệ thống nghiên cứu quan trọng vẫn tồn tại theo mô hình Liên Xô: Cơ quan quản lý nhà nước về nghiên cứu là Ủy ban Khoa học Nhà nước, hai cơ quan nghiên cứu lớn bao trùm (theo kiểu Viện hàn lâm Khoa học ở Liên Xô) là Viện Khoa học Việt Nam và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhận thức được sự cần thiết phải hợp nhất lực lượng nghiên cứu và các trường đại học. 

Giáo sư Thiệp thông tin, năm 1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ( tương đương với Thủ tướng Chính phủ bây giờ) đã chỉ đạo về việc “tổ chức lại mạng lưới các cơ quan nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”, với ý đồ nêu ra là: 

“Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo: coi các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ là một hệ thống thống nhất, cần có sự sắp xếp, phân công hợp lý và kết hợp chặt chẽ nhằm phát huy tối đa năng lực của lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ của cả nước, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”.
Trên cơ sở đó Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo: 
“1) Thành lập hai trung tâm khoa học quốc gia (về khoa học tự nhiên và công nghệ, về khoa học xã hội và nhân văn) và một số trường đại học trọng điểm quốc gia, trên cơ sở sắp xếp lại các viện nghiên cứu quốc gia và một số trường đại học hiện có. 
2) Tổ chức lại các bộ môn, khoa, viện trong các trường đại học với sự phân công hợp lý giữa các trường đại học và các cơ quan khoa học và công nghệ khác”. 
Tuy nhiên, ý đồ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó muốn hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu đã không thành.

Hai cơ sở nghiên cứu lớn nói trên được đổi tên nhiều lần, nhưng thực chất vẫn như cũ. 
Đến năm 2012, chúng lại được đổi tên thành hai viện hàn lâm: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. 

Như vậy là ý tưởng hợp nhất hai hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu trước đây của Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ năm 1992 không được kế thừa, mà sự tách biệt còn trở nên nặng nề hơn, đúng theo mô hình của Liên Xô trước đây. 

Từ đó, Giáo sư Lâm Quang Thiệp khẳng định: “Sự tách rời giữa hệ thống giáo dục đại học nước ta với hệ thống các tổ chức nghiên cứu quan trọng nhất đất nước đã và đang làm yếu các trường đại học, đặc biệt là các đại học hàng đầu nước ta, gây cản trở lớn đối với quá trình phấn đấu thành đại học đẳng cấp thế giới”. 

Thùy Linh

'TÔI KHÔNG ĐỒNG TÌNH VIỆC TÁI LẬP BỘ GIÁO DỤC'

THUỲ LINH/ GDVN 3-3-2020
Tại hội thảo góp ý “Báo cáo đề xuất, kiến nghị cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026” của Bộ Nội Vụ diễn ra ngày 19/2, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ), cho biết cơ cấu Chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới có quy mô dân số, nền kinh tế lớn hơn Việt Nam nhiều lần nhưng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ thường dao động con số dưới 20.


Vì lẽ đó, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất thành lập lại Bộ Giáo dục và chuyển nhiệm vụ đào tạo về Bộ Khoa học và Công nghệ và đổi tên Bộ Khoa học và Công nghệ thành Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo; điều chuyển việc đào tạo nghề từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Khoa học - Công nghệ và Đào tạo; thành lập Bộ Công Thương và Du lịch; Bộ Văn hóa-Thể thao và Thanh niên. 

Trước đề xuất này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo cho rằng, trước khi thiết kế một bộ máy thì chúng ta phải xác định được chức năng cốt lõi của bộ máy đó là gì.
Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo ra để tái lập Bộ Giáo dục là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. (Ảnh: Thùy Linh)
“Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đều có chức năng cốt lõi là phát triển nguồn nhân lực cho mọi ngành nghề của đất nước, quản lý hệ thống giáo dục đào tạo từ mầm non, phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học. 
Do vậy, trước tiên cần phải chuyển mảng giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thống nhất chức năng phát triển nguồn nhân lực”, ông Vinh nói. 
Tiến sĩ Vinh chia sẻ, hiện ngành giáo dục đã phân cấp rất nhiều nhiệm vụ cho địa phương về giáo dục phổ thông, còn ở đại học đã đẩy mạnh tự chủ nên việc tái cơ cấu Bộ Giáo dục và Đào tạo là cần thiết theo hướng giảm biên chế và ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại. 
Tuy nhiên, việc tách Bộ Giáo dục và Đào tạo ra để tái lập Bộ Giáo dục là đi ngược lại với nguyên tắc cải cách hành chính và không phù hợp về chức năng nhiệm vụ của hệ thống. 
Tiến sĩ Vinh nói thêm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có chức năng lo về chính sách xã hội, việc làm do đó để mảng giáo dục nghề nghiệp cho Bộ này quản lý là không hợp lý xét về mặt chức năng căn bản.
“Nếu nói đào tạo nghề gắn với tạo việc làm là quan điểm sai, mà tạo ra việc làm là do nền kinh tế, trong khi Bộ đó chỉ có chức năng là lo về chính sách việc làm, những vấn đề bảo trợ xã hội, thông tin thị trường lao động...”, ông Vinh nhấn mạnh. 
Vị này cũng thừa nhận, hiện nay, Bộ Khoa học công nghệ quản lý một số viện nghiên cứu có quy mô khá lớn nhưng sự hợp tác với các trường đại học rất kém. Điều này dẫn đến các viện nghiên cứu không khai thác được nguồn lực và chất xám của trường đại học còn các trường đại học không tận dụng được trang thiết bị nghiên cứu hiện đại của các viện.
Nếu muốn giảm đầu mối, tinh giản biên chế mà tách mảng đào tạo ra khỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Bộ Khoa học công nghệ thì biên chế ở Bộ Giáo dục và Đào tạo không giảm được bao nhiêu vì vẫn phải duy trì các vụ, cục (như Tổ chức cán bộ, Kế hoạch tài chính, Quản lý chất lượng giáo dục, Hợp tác quốc tế... trừ Vụ Giáo dục đại học).
Do đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất: “Theo tôi, nên ghép Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp thành một bộ, lấy tên là Bộ Giáo dục – Khoa học công nghệ để hệ thống giáo dục được liên thông từ mầm non đến đại học, sau đại học.
Làm được như vậy thì đầu vào, đầu ra, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ theo mạch, gắn chương trình giáo dục phổ thông ở đầu vào với thị trường lao động, khai thác được nguồn lực của các bên. Điều này vừa đảm bảo được chức năng và sự hợp tác phát triển, lại có thể giảm xuống chỉ còn 19 Bộ”. 
Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét