Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2020

20200301. BÀN VỀ THÁCH THỨC VÀ THỜI CƠ DỊCH COVID-19

ĐIỂM BÁO MẠNG

KINH TẾ VIỆT NAM CÓ THỂ NHÂN DỊCH BỆNH 
COVID-19 ĐỂ 'THOÁT TRUNG' ?

 RFA/ BVN 28-2-2020

Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương. Hình chụp ngày 11/01/2017.
Công nhân Việt Nam làm việc tại nhà máy sản xuất xe hơi Ford ở tỉnh Hải Dương. Hình chụp ngày 11/01/2017. AFP
Cơ hội thoát Trung
Trong một cuộc phỏng vấn với Trí Thức Trẻ liên quan tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế Việt Nam, được đăng tải vào hôm 19/2, viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh - tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nhận định rằng kinh tế của Việt Nam bị ảnh hưởng ngay tức thì vì là quốc gia láng giềng với Trung Quốc và khi hai nước có tổng xuất nhập khẩu lên đến khoảng 4500 tỷ đô la Mỹ (USD).
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đưa ra số liệu kim ngạch xuất nhập khẩu hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc là 117 tỷ USD, chiếm 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có đến 20% xuất khẩu qua đất liền bị đóng băng và con số này chưa tính đến giao thương qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, lượng du khách Trung Quốc (chiếm đến 30% tổng số du khách nước ngoài) đang bị hạn chế vào du lịch Việt Nam trong thời điểm dịch COVID-19 không chỉ gây tác hại trong ngành du lịch mà còn dẫn đến hiệu ứng domino cho các chuỗi ngành khác liên quan như khách sạn, nhà hàng, hàng không…Trong lĩnh vực sản xuất, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân dự báo Quý II năm 2020 là giai đoạn rất khó khăn cho nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, sản xuất điện thoại… vì nguyên liệu dự trữ đầu vào, mà chủ yếu nhập từ Trung Quốc bị cạn kiệt.
Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh khẳng định kinh tế Việt Nam đang đối mặt với những bất lợi qua các dẫn chứng vừa nêu. Thế nhưng, tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cho rằng “đây là thời điểm để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế một cách mạnh mẽ hơn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc từ nguyên liệu đầu vào đến thị trường hóa đầu ra” cho giải pháp trung và dài hạn đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, vào tối ngày 25/2 nói với RFA rằng đề xuất này của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân là hợp lý:
Việt Nam từ trước đến nay vẫn có câu là ‘trong họa thì có phúc’, ‘trong nguy thì có cơ’. Trong diễn biến như thế này, thì đúng là có cơ hội để Việt Nam đổi mới, tái cơ cấu và thay đổi. Tôi nghĩ rằng sức ép đó cần phải biến thành những phương án cụ thể.”
Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Lê Văn Triết

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, bày tỏ đồng quan điểm với tiến sĩ Trần Hoàng Ngân về viễn cảnh kinh tế Việt Nam phải chủ động để “thoát Trung”:
Nếu như Việt Nam thông minh nhìn xuyên suốt bàn cờ thế giới thì càng nên đi vào con đường đa phương hóa, đa dạng hóa hoạt động kinh tế và thương mại của mình, chứ không nên chỉ cố rút vào thị trường truyền thống cũ, mà thị trường đó mình càng lệ thuộc nhiều thì mình càng chết. Theo thiển kiến của tôi thì hướng đi tốt nhất của Việt Nam trong tình hình hiện nay là phải càng đi sâu về chủ trương và đường lối đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ kinh tế và thương mại của mình với tất cả các quốc gia.”
Chuyên gia tài chính-ngân hàng độc lập, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho RFA biết rằng quan điểm của tiến sĩ Trần Hoàng Ngân đã được giới chuyên gia nhiều lần đề xuất với chính phủ Việt Nam trong những năm vừa qua:
“Nhiều chuyên gia kinh tế yêu cầu Việt Nam thực hiện đa dạng hóa cả đầu vào và đầu ra. Đầu vào là thay vì Trung Quốc thì mình đi tìm những thị trường nhập khẩu như Hàn Quốc, Nhật và các thị trường ở vùng Đông Nam Á. Tận dụng vị thế của Việt Nam để nhập khẩu nhiều từ các thị trường ở Đông Nam Á và Châu Á-Thái Bình Dương và từ đó đưa ra xuất khẩu. Còn về xuất khẩu thì ngay cả thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cũng phải được đa dạng hóa. Tại vì đến một thời điểm nào đó mà thị trường Mỹ gặp khó khăn thì xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh xác nhận với RFA rằng mặc dù theo như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu vừa trình bày. Tuy nhiên:
Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành.”
“Giảm, hoãn thuế và gia hạn nợ cho doanh nghiệp”
Truyền thông trong nước vào ngày 26/2 dẫn nguồn từ Bộ Công thương cho biết, tại cuộc họp đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đến các ngành sản xuất của Việt Nam, rằng các ngành điện, điện tử chỉ còn đủ linh kiện cho sản xuất nhiều nhất là đến cuối tháng 3. Tương tự, ngành dệt may, da giày, túi xách cũng chỉ còn nguyên liệu sản xuất đến đầu tháng 3 hoặc nhiều nhất là đến đầu tháng 4-2020 và có nhiều khả năng doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất.
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho RFA biết giải pháp ngắn hạn mà Bộ Công thương đưa ra là có thể nhập bông vải sợi từ Ấn Độ hay nhập linh kiện điện tử từ Nhật Bản, Đài Loan để thay thế nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân trong cuộc phỏng vấn với Trí thức Trẻ còn nhấn mạnh một trong những giải pháp có thể giúp giảm thiểu tối đa đối với nền kinh tế là cần phải ngay lập tức hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng được giảm, hoãn thuế, gia hạn nợ, khoanh nợ, khoanh lãi đối với khoản vay ngân hàng.
Qua trao đổi với một số doanh nghiệp ở trong nước, đài RFA ghi nhận nguyện vọng của họ mong muốn chính phủ giảm lãi suất. Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên một công ty tư nhân ở Sài Gòn bày tỏ:
Lãi suất phải giảm xuống. Hoặc có thể những hộ nuôi trồng nông sản, thủy hải sản cho người ta được giảm lãi suất hoặc không lãi suất trong thời gian 3 đến 6 tháng.”
Một doanh nhân kinh doanh về phân bón và nông sản hữu cơ, ẩn danh, cho RFA biết người nông dân trồng cây ăn trái ở Việt Nam là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong dịch bệnh COVID-19. Do đó:
“Phải giảm lãi suất và thậm chí là ưu đãi không lãi suất cho họ.”
Ngân hàng Nhà nước, vào ngày 24/2 ban hành công văn số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch CCOVID-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng phải áp dụng thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong thời gian từ ngày 23-1-2020 đến ngày 31-3-2020.
Đài RFA nêu vấn đề với Ttiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu rằng giải pháp Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân nêu ra cũng như đề nghị của khối doanh nghiệp về giảm lãi suất liệu có thể khả thi hay không; trong khi chỉ vài ngày trước lúc Việt Nam công bố dịch COVID-19, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu từng nhận định năm 2020 sẽ là năm mà nhiều ngân hàng rất khó giảm lãi suất do gặp áp lực về chi phí vốn. Trả lời câu hỏi của RFA, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định chính phủ Việt Nam thực tâm muốn giảm lãi suất thì có thể thực hiện được.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích rằng Việt Nam hiện có hai thị trường vốn 1 và 2. Thị trường 1 là thị trường vốn của người dân và các thành phần kinh tế. Còn thị trường 2 là thị trường vốn của các ngân hàng với nhau. Việc giảm lãi suất có thể bắt đầu từ Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành (là loại lãi suất mà Ngân hàng Trung ương áp dụng trong hệ thống liên ngân hàng). Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh:
Thế thì Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất áp dụng trên thị trường 2, trong đó có lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO, lãi suất chiết khấu. Đây là các lãi suất mà Ngân hàng Trung ương có thể tự định ra. Khi Ngân hàng Trung ương giảm lãi suất điều hành ở thị trường 2 thì có thể các ngân hàng có dòng vốn rẻ hơn và họ sử dụng dòng vốn đó cho thị trường 1 là thị trường cho vay. Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất, nhưng với liều lượng ít nhất vào khỏang 0,5%; chứ còn như những lần trước với liều lượng 0,25% thì không đủ. Và cũng cần độ trễ vào khoảng 3 tháng thì mới lan tỏa sang thị trường 1.”
Bệnh nhân thứ 16 được điều trị khỏi COVID-19 xuất viện vào sáng ngày 26/2/2020.
Bệnh nhân thứ 16 được điều trị khỏi COVID-19 xuất viện vào sáng ngày 26/2/2020. Courtesy: VGP News

“Tạo niềm tin rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài”

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế vào sáng ngày 25/2, bộ này thông báo 16 trường hợp nhiễm virus corona tại Việt Nam đã khỏi bệnh. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tuyên bố rằng “có thể đánh giá Việt Nam đến nay kiểm soát được dịch COVID-19”.
Tiến sĩ Trần Hòang Ngân, qua cuộc phỏng vấn với Trí thức trẻ, đã rất lạc quan nói rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá rất cao khả năng ứng phó với bệnh dịch của Việt Nam. Điều này mang lại niềm tin rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý về xu thế chuyển dịch ra khỏi Trung Quốc của các tập đoàn sản xuất lớn và Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để thu hút các tập đoàn này đến đầu tư.
Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân còn khẳng định trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có cơ hội đón được nguồn đầu tư từ Châu Âu, với công nghệ tiên tiến chất lượng cao khi hai Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) có hiệu lực.
Một số vị chuyện gia, Đài RFA có dịp trao đổi, đồng thời cũng nhấn mạnh về thị trường EU rộng lớn, đầy tiềm năng cho Việt Nam trong tương lai.
Cho đến nay, tôi chưa thấy có một đề án về tái cơ cấu và đa phương hóa, đa dạng hóa mà công việc đó hiện nay là Bộ Công thương đang chịu trách nhiệm chủ trì về việc tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp cũng đang rất nỗ lực. Nếu mà xây dựng một phương án tổng thể thì cần phải có Thủ tướng chỉ đạo và có sự tham gia của các bộ, các viện và các ngành.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, từ Na Uy, qua ứng dụng messenger chia sẻ với RFA ghi nhận của ông:
Sau cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cuộc khủng hoảng vì dịch bệnh ở Trung Quốc cũng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư thêm ra các nước khác để đa dạng hoá danh mục đầu tư phòng ngừa rủi ro. Việt Nam nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, cải thiện môi trường đầu tư, hạ tầng, thuế và cung cấp thêm nhân công có trình độ tay nghề thì sẽ trở thành một điểm đến cho các nhà đầu tư này.”
Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ còn đề cập đến trào lưu những người đến tuổi nghỉ hưu ở Mỹ và phương Tây muốn tìm một nơi thoải mái và rẻ tiền để sống lâu dài lúc về hưu. Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho rằng:
Nếu Việt Nam cải thiện các điều kiện xin visa sống lâu dài, bảo đảm quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài, miễn thuế đối với các thu nhập có nguồn gốc ở nước ngoài, và cải thiện hệ thống y tế sẽ khuyến khích nhiều người Âu, Mỹ chọn nghỉ hưu ở Việt Nam. Họ sẽ là những khách du lịch dài hạn, thậm chí trong nhiều trường hợp trở thành những nhà đầu tư. Làm được vậy sẽ giúp ngành du lịch đa dạng hoá nguồn khách du lịch, bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tăng nguồn thu ngoại tệ, kích thích đầu tư trong nước.”
“Nói thì dễ nhưng thực hiện không dễ”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam - Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc, vào ngày 25/2 lên tiếng với RFA rằng trước mắt dù dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đến đâu thì:
Sắp tới kinh tế Việt Nam đương nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này. Đầu tư địa ốc từ nước ngoài ở Việt Nam có thể sẽ giảm. Do đó, khu vực bất động sản sẽ cực kỳ khó khăn. Như vậy một số ‘đại gia’ trong ngành này sẽ phá sản và sẽ lôi kéo tình trạng khủng hoảng tài chính của Việt Nam.”
Liên quan đề xuất Việt Nam “trong nguy có cơ” để nền kinh tế không còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng “không hề đơn giản”. Từ Hoa Kỳ, tiến sĩ Vũ Quang Việt lý giải:
Thí dụ ngay cả đến như Samsung có số lượng điện thoại bán trên thế giới có một nửa là sản xuất tại Việt Nam. Một phần các con chip trong điện thoại Samsung được sản xuất ở bên Trung Quốc. Có thể thêm một thời gian nữa thì Samsung tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn vì dự trữ không còn nữa. Ngay cả bây giờ Nam Hàn cũng bị vấn đề tương tự như vậy.

Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu

Ví dụ có một tập đoàn nào đó muốn sản xuất sắt thép tại Việt Nam, mà Việt Nam không có những nguyên liệu sắt thép thì họ sẽ phải làm sao cho năng lượng, cho điện rất rẻ để người ta đưa vào (sản xuất). Đại khái với cách làm như vậy thì họ sẽ thu hút những công nghệ rất lạc hậu và rẻ tiền đưa từ Trung Quốc hoặc từ Hàn Quốc sang. Những chuyện như vậy, chúng ta thấy rồi.
Hay ví dụ như Tập đoàn Vingroup nhảy vào sản xuất xe hơi. Nhưng sau khi Hiệp định EVFTA được ký và thông qua thì ngay lập tức xe hơi nhập vào Việt Nam với thuế suất là 0. Bây giờ không phải chỉ là Vingroup thôi mà cả những công ty khác đầu tư sản xuất xe hơi ở Việt Nam sẽ phải giải quyết vấn đề như thế nào?”
Các vị chuyên gia kinh tế Đài RFA tiếp xúc cùng có chung nhận định rằng sẽ rất khó để kinh tế Việt Nam không bị phụ thuộc vào Trung Quốc vì rất nhiều nguyên nhân như hàng hóa rất rẻ, thuận tiện cho việc chuyên chở giao nhận do ở sát biên giới, đặc biệt tập tục buôn bán và văn hóa kinh doanh của hai nước rất tương đồng với nhau…tiến sĩ Nguyễn Hiếu khẳng định:
Trung Quốc có rất nhiều lợi thế mà không dễ gì có thể thay thế được những lợi thế đó bằng những lợi thế của những quốc gia khác. Thành ra nói thì dễ nhưng việc thực hiện không phải là chuyện dễ, dù có thể khả thi”.


COVID-19 'TÌNH CỜ KHIẾN KINH TẾ VIỆT NAM GIẢM LỆ THUỘC TRUNG QUỐC'?

BBC/ BVN 1-3-2020

Việt Nam
Một người bán hàng đeo khẩu trang 'trong mùa dịch' Covid-19 hay corona virus ở Việt Nam

Dịch cúm do Covid-19 gây ra cho thấy Trung Quốc cũng có điểm yếu và Việt Nam nhân dịp này nên thay đổi nhận thức, tư duy kinh tế, các chuyên gia về kinh tế và chính sách công từ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

Hôm 27/02/2020, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói với BBC:
"Dịch cúm này cũng cho thấy những cái yếu của Trung Quốc, chứ không phải Trung Quốc là quá mạnh và giỏi giang về tất cả các mặt.
"Cho nên càng cho Việt Nam thấy là lệ thuộc vào bất cứ nước nào thì cũng tệ, nhưng lệ thuộc vào một nước mà có nhiều vấn đề kể cả trong quan hệ riêng với mình, cũng như những vấn đề nội bộ của họ thì lại càng tệ hơn.
"Cho nên muốn hay không thì phải vượt lên thôi, cùng nhau và vượt lên vào lúc này, không thì sẽ là quá muộn."

Tái cấu trúc thế nào?

Trước câu hỏi Việt Nam cần và nên tái cấu trúc, tái tổ chức lại nền kinh tế, cũng như thương mại, đầu tư ra sao đạt được sự cân bằng và bền vững hơn, tránh sự lệ thuộc quá nhiều và thiếu hợp lý, nếu có, vào một đối tác hay thị trường nhất định nào đó, bà Phạm Chi Lan nêu quan điểm:
"Tất cả chuyện này cho thấy một điều rất rõ là các ngành kinh tế Việt Nam đã bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và rất cần phải tiến hành sớm, mạnh mẽ và một cách căn cơ để nhìn về trung hạn và dài hạn.
"Làm sao đỡ đi sự thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như thế này. Phụ thuộc quá nhiều thì không những là khi có những vấn đề xảy ra như là chuyện Tư Chính năm ngoái (2019) khi mà tàu Trung Quốc vào xâm phạm bãi Tư Chính của Việt Nam, hay là như năm nay dịch cúm như thế này.
"Và kể cả hiện nay, tàu bè của Trung Quốc vẫn đang lảng vảng ở vùng của Việt Nam chứ có phải là họ ngừng hoạt động đó đâu.
"Nhưng mà tất cả những cái đó cho thấy là vì tương lai lâu dài của Việt Nam, kể cả một phần nào đó, thì an ninh quốc phòng không thể để nền kinh tế của mình phụ thuộc mãi vào Trung Quốc như thế này được.
"Phụ thuộc mãi như vậy thì Việt Nam vẫn chỉ ở khâu thấp nhất trong chuỗi giá trị và mỗi lần Trung Quốc có bất cứ một vấn đề gì thì Việt Nam sẽ có thể gặp khó khăn lớn cho mình. Tôi nghĩ cái đó là điều chắc chắn phải làm.
https://ichef.bbci.co.uk/images/ic/720x405/p0853dhv.jpg

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích sự lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc
"Thế còn bây giờ tái cơ cấu như thế nào thì cũng đã được bàn đến, các doanh nghiệp đều khuyến nghị với chính phủ không chỉ những giải pháp trong ngắn hạn để hỗ trợ họ trong lúc khó khăn này.
"Ví dụ như giảm lãi suất ngân hàng, giãn nộp thuế, rồi hỗ trợ cho một số ngành mà đang gặp khó khăn nhất, nhưng đồng thời họ cũng đề nghị mạnh mẽ với chính phủ là có chính sách để giúp cho họ tăng cường đầu tư và tăng cường nội lực lên để có thể có sức chống chịu tốt hơn khi mà có những biến động kinh tế ở trên thế giới, cũng như là ở Trung Quốc.

'Chịu tác động kép'

Cũng hôm 27/02, tại một chuyên gia về chính sách công từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, nói với Bàn Tròn Thứ Năm của BBC về ảnh hưởng của dịch bệnh do Covid-19 từ Trung Quốc gây ra đối với Việt Nam, ông nói:
"Sản xuất và tiêu dùng của chúng ta (Việt Nam) đã bị phản ứng kép, tác động kép. Thứ nhất là chuỗi cung ứng bị suy giảm, bị gẫy hết rồi.
"Thí dụ như các phụ tùng, rồi các linh kiện điện tử, rồi đặc biệt là xe ô tô, từ xe tải cho đến các thứ, rồi rất nhiều linh kiện về dệt may, các nguyên, phụ liệu dệt may mà chúng ta nhập của Trung Quốc đến 60-70%, thậm chí là hơn, tùy từng mặt hàng mà ở Việt Nam làm cũng rất là nguy.

Một số nhà máy có cả chuyên gia Trung Quốc làm ở đấy, người ta chưa quay về (Việt Nam) nữa, chưa hết dịch thì người ta chưa về và chúng ta lệ thuộc vào vi đó, cho nên rất nhiều nhà máy không hoạt động được
PGS. TS. Phạm Quý Thọ


"Rồi một số nhà máy có cả chuyên gia Trung Quốc làm ở đấy, người ta chưa quay về (Việt Nam) nữa, chưa hết dịch thì người ta chưa về và chúng ta lệ thuộc vào vi đó, cho nên rất nhiều nhà máy không hoạt động được.
"Ví dụ như rất rõ là ở tỉnh Hà Nam, một số nhà mãy phụ thuộc vào các chuyên gia này cũng không hoạt động được.
"Hoặc là một số nơi hoạt động rất cầm chừng. Còn nếu như mà kéo dài nữa, tôi nghĩ rằng rất là nguy hiểm.
'Còn một tác động kép nữa là tiêu dùng giảm rất rõ. Ai cũng phải lo cả, lo lắm. Bởi vì bây giờ không biết kéo dài đến bao giờ mà chúng ta tiền cũng chưa nhiều lắm, cho nên một số lo dòng tiền nhảy vào tích lũy.
"Thí dụ vàng cũng tăng vọt lên, có những hôm tăng đến 2-3 triệu đồng Việt Nam trên một lượng hay một cây.
"Điều này người ta cũng nghi có thể nhân cơ hội này người ta làm giá, nhưng mà rõ ràng người ta cũng lo, phải lo việc đó. Lại còn bồi thêm một cái nữa là bất động sản bây giờ cũng rất là xấu, tình hình bất động sản xấu lắm, đặc biệt là không thể bán hàng được, tức là cầu rất là thấp.
"Thế và các dự án tới cũng rất là khó khăn, cho nên về ngắn hạn, chúng ta thấy rất là rõ.
"Còn chính phủ đối phó như thế nào? Tôi nghĩ là thông thường các nước mà 'yếu' như (chúng ta) Việt Nam, thì hay dùng tài khóa hoặc là chính sách tiền tệ.

Việt Nam
Khẩu trang đang là một sản phẩm khá 'khan hiếm' và 'có cầu cao hơn cung' ở nhiều nơi, trong đo có Việt Nam

"Nhưng mà trước Tết chúng ta đã bơm ra một lượng rất lớn về tiền tệ rồi, cho nên là để phục vụ Tết nguyên đán, bây giờ bị cái này, nếu bơm thêm thì lạm phát rất là cao, với chỉ số lạm phát trong tháng một cao vượt lên so với năm ngoái, thì cái đó không nên," nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công của Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam nói.

Nghịch lý đáng ngại

Việc tìm giải pháp gắn liền với phân tích nguyên nhân, về vấn đề Việt Nam được cho là có sự 'lệ thuộc quá mức' vào kinh tế Trung Quốc, trong dịp này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề cập với BBC về gốc gác, khởi nguyên của vấn đề, bà nói:
"Tôi nghĩ bản thân những người lãnh đạo Việt Nam cũng đã ít nhiều nhận thức được vấn đề này, cho nên cố gắng của Việt Nam trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế là điều đã được đưa ra ngay từ đầu khi Việt Nam đổi mới.

Đáng lẽ khi mở cửa thị trường, quan hệ với nhiều nước, thì phải mở nhiều hơn các quan hệ với các nước khác và chuyện phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ phải giảm đi, nhưng với Việt Nam thì sự phụ thuộc tăng lên vào Trung Quốc trong khi hội nhập toàn cầu, thì điều đó là một điều đáng ngại
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

"Trong những phương châm về đổi mới của Việt Nam đối với quan hệ đối ngoại đã đưa ra ngay từ lúc đó là phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ, ngay từ đó, chính nhờ chính sách mở cửa của Việt Nam theo hướng đó mà công cuộc đổi mới của Việt Nam trong một thời gian dài, nhất là những năm đầu đã có những thành công và tạo ra được những bước chuyển khá là nhanh chóng ở Việt Nam sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo, khủng hoảng trước đó. Như vậy, trong thời gian đầu Việt Nam đã làm khá là tốt công cuộc đổi mới của mình về phương diện kinh tế đối ngoại.
"Thế nhưng mà sau đó tiếc rằng khi Việt Nam đã tham gia được phần nào đó vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, rồi có được quan hệ xuất khẩu tốt hơn với một số quốc gia khác và thu hút việc đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì dường như Việt Nam lại có phần nào đó lãng quên yêu cầu về đa phương hóa, đa dạng hóa trong các quan hệ kinh tế, mà cụ thể nhất là trong việc phát triển một số ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam.
"Thành ra để cho Việt Nam dần dần, dù thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều, dù xuất khẩu, nhập khẩu tăng lên, dù ký được nhiều hiệp định thương mại với các nước, kể cả tham gia WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), cũng như ký các FTA (hiệp định thương mại tự do) với một loạt các nước khác nhau, nhưng Việt Nam càng ký được nhiều FTA, càng hội nhập, thì lại càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.

Việt Nam
Hai du khách ở sân bay Nội Bài, Việt Nam, một ngày trong mùa dịch Covid-19

"Đó là một nghịch lý rất đáng ngại mà theo tôi rất là không bình thường, vì đáng lẽ khi mở cửa thị trường, quan hệ với nhiều nước, thì phải mở nhiều hơn các quan hệ với các nước khác và chuyện phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ phải giảm đi, nhưng với Việt Nam thì sự phụ thuộc tăng lên vào Trung Quốc trong khi hội nhập toàn cầu, thì điều đó là một điều đáng ngại.
"Và nó thể hiện là trong một thời gian dài, Việt Nam cũng đã không thực sự dấy lên những nỗ lực cần thiết, một là để tăng cường nội lực cho mình, hai nữa là để tận dụng tất cả những cơ hội, hội nhập mà Việt Nam có được.
"Thành ra tất cả những cố gắng đàm phán để cho nước này nước kia mở cửa thị trường cho mình, rồi rút cục người được hưởng lợi nhiều nhất để mà trực tiếp xuất khẩu đi ra các thị trường mở cửa cho Việt Nam mà vốn cho Việt Nam được hưởng thuế xuất thấp hoặc ưu đãi trong gia nhập thị trường thì lại là các nhà đầu tư nước ngoài, thế và người hưởng lợi lớn thứ hai, hoàn toàn không kém là Trung Quốc - với tư cách là người cung cấp các sản phẩm trung gian, hoặc đầu vào cho các ngành xuất khẩu của Việt Nam, cũng như một số ngành tiêu dùng trong nước," nguyên thành viên tổ tư vấn và nghiên cứu chính sách, chiến lược các đời Thủ tướng Việt Nam thời kỳ trước đây, nói với BBC.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-51666038?fbclid=IwAR0_fyrXZJFEEbPYt-20fQwbp8GtWqOSa9O9SEMQ_Jt4fTCg8-OTcfxH9pE



CÙNG VỚI THỜI HẬU ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ CÒN LÀ THỜI HẬU SỰ THẬT CỦA NÓ

NGUYỄN TRUNG/ viet-studies/ BVN 29-2-2020

Hiện nay hãy còn quá sớm để nói đến thời hậu đại dịch COVID-19, bởi lẽ SARS COVID-19 hiện còn đang ngấp nghé có thể trở thành đại dịch toàn cầu (pandemic) hay không? Và nếu con người bất lực để cho pandemic này xảy ra, chưa ai nói được thế giới chúng ta đang sống hôm nay sẽ là gì. Song tư duy để chuẩn bị cho phía trước thì không được phép chờ đợi. Chức năng của tư duy cũng có nhiệm vụ như vậy.
            Dựa vào những bài viết, những ý kiến của giới nghiên cứu và giới báo chí nước ngoài cũng như trong nước tôi tiếp cận được, tôi đi đến kết luận: Cùng với thời hậu đại dịch COVID-19, sẽ là thời hậu sự thật của đại dịch này – hiểu theo tinh thần của Yuval Harari.
Trong cuốn “21 bài học cho thế kỉ 21”, xuất bản 08-2018, Harari đã nêu ra đòi hỏi những vấn đề toàn cầu hôm nay phải có câu trả lời mớivà cho rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ hậu sự thật – hàm ý: Mọi sự lừa dối và tin giả dù gian ác hay xảo quyệt đến mức nào, do bất kể quyền lực hay tham vọng nào thực thi, cuối cùng – như kinh nghiệm trong lịch sử của con người (ở đây Harari muốn nói đến lịch sử của Homo Sapiens) đã chỉ ra – hệ quả của mọi tội ác và lừa dối sớm muộn sẽ tự chính nó sẽ phơi bầy ra sự thật. Trong thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay, lừa dối và tin giả mang những độ lớn với những tốc độ và chiều kích chưa từng có, gây ra những tội ác mới tương ứng chưa từng có, và chính hệ lụy của những tội ác này – cũng với tốc độ và chiều kích chưa từng có – sẽ vạch ra sự thật phũ phàng… [Trong phần này, Harari có một lưu ý đầy trào phúng: Nếu người nào còn nghi ngờ thực tế này, có lẽ anh ta chỉ có may mắn nếu sống chung với những người vượn tinh tinh!]. Đại dịch COVID-19 đang thừa nhận cách suy nghĩ của Harari.
Trước hết xin điểm qua thế giới suy nghĩ gì về đại dịch COVID-19.
Nhiều báo chí và các nhà nghiên cứu các nước phương Tây cho rằng: Từ những hệ quả chưa lường hết được của dịch bệnh SARS COVID-19 hiện nay, các quốc gia của họ phải tỉnh ngộ và xem lại toàn bộ mối quan hệ mọi mặt với Trung Quốc, nhất là (a)tình trạng các nước phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, và (b)tình trạng Trung Quốc chẳng những không công khai minh bạch mà còn mang nặng sự mù quáng toàn trị (authoritarian blindness) trong đối nội cũng như đối ngoại, qua đó (c)Trung Quốc đang gây ra nhiều tác động rất nghiêm trọng cho toàn thế giới, chứ không phải chỉ riêng cho Trung Quốc!..  Họ cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 với nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu mà thế giới hôm nay đang phải hứng chịu, cách ứng xử bưng bít thông tin và thao túng thông tin của Trung Quốc với mọi hệ lụy cho bản thân Trung Quốc và cho toàn thế giới, 60 ngày đầu tiên của nạn dịch đã làm cho tăng trưởng kinh tế thế giới giảm khoảng 1%, và sẽ còn tệ hại hơn nữa nếu COVID-19 trở thành pandemic.., vân vân... Đấy là những minh chứng rõ ràng không thể trối cãi. Chưa nói đến chính sách đối ngoại bá quyền Trung Quốc triển khai từ mấy thập kỷ nay. Mặt khác ngày càng lộ ra nhiều thông tin Trung Quốc đã ăn cắp bí mật công nghệ trong các trung tâm y tế nghiên cứu sinh học của Mỹ và Canada, sau đó mang về Trung Quốc, đã tạo ra, và đã để xổng vi khuẩn covid-19 làm ra được tại phòng thí nghiệm vũ khí sinh học P400 ở Vũ Hán, dẫn tới nạn dịch hiện nay!.. Nhiều nhà nghiên cứu của những nước này cho rằng những hệ lụy của hậu dịch SARS COVID-19 rất lớn không tiền khoáng hậu, sẽ tạo ra trên thế giới một địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu khác hẳn với hôm nay mà chưa ai có thể đoán định được… – Tất cả còn tùy thuộc Trung Quốc sẽ ra khỏi đại dịch này như thế nào: sống sót hay suy sụp, thậm chí tan rã..?! Sẽ có nhiều kịch bản cho Trung Quốc hậu dịch bệnh COVID-19, bởi vì đối với Trung Quốc thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 đồng thời cũng là thời kỳ hậu sự thật đối Trung Quốc bá quyền: Cơn giận dữ COVID-19 của nhân dân Trung Quốc khiến cho chính họ sẽ có thể vượt lên được mọi sợ hãi để xét lại tất cả!.. Còn trước thế giới: Chưa bao giờ gót chân Ashine của Trung Quốc bá quyền lộ rõ như hôm nay, nội bộ Trung Quốc rối ren hơn bao giờ hết với không biết bao nhiêu đồn đoán theo thuyết âm mưu, Trung Quốc hậu đại dịch COVID-19 sẽ không còn là Trung Quốc hôm nay nữa, thế giới sẽ không khoanh tay ngồi yên trước một Trung Quốc như thế... Nạn dịch COVID-19 đã lan ra 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, lan tỏa theo tâm lý bài Trung chưa từng có… Nếu COVID-19 trở thành đại dịch toàn cầu (pandemic) sẽ có thể là trận đại hồng thủy[1]trong thế giới đương đại!!!.. Cũng chưa ai đoán định được cái quán tính của dạ dầy và ma lực của lợi nhuận vốn có như bản năng của loài người sẽ góp phần tích cực hay tiêu cực của nó như thế nào vào cái hỗn loạn chung này…
Các nước phương Tây suy nghĩ như vậy. Còn chúng ta nghĩ gì?
Để trả lời câu hỏi “Còn chúng ta nghĩ gì? – xin điểm qua vài nét về nước ta.
Ví dụ trong chống dịch: Chính phủ chủ trương phải chống dịch như đánh giặc. Cả nước đã và đang thực hiện quyết tâm này trước hết bằng thông tin minh bạch và thông suốt chứ không giấu diếm tình hình dịch bệnh. Thứ đến là chúng ta chống dịch quyết liệt trong những điều kiện và khả năng còn rất hạn hẹp của đất nước, và chống theo cách của chúng ta. Hai đòi hỏi này khiến chúng ta đã phải độc lập tự chủ trong suy nghĩ, tìm ra được những biện pháp thích hợp tối ưu có thể, với mục đích ứng xử kịp thời và chống dịch ngay tại chỗ từng nơi dịch phát sinh. Kết quả bước đầu đạt được như đến nay có thể đánh giá là khả quan – tuy không bao giờ được phép chủ quan. Giả thử chúng ta cũng rập khuôn theo Trung Quốc, ém nhẹm thông tin dịch bệnh vì đủ mọi thứ lý do này nọ, và chống dịch theo kiểu của Trung Quốc, hầu như chắc chắn dịch bệnh đã có thể làm sụp đổ đất nước chúng ta chỉ trong vài tuần lễ đầu tiên – vì nước ta không có lực và sức chịu đựng đối với dịch như Trung Quốc…  Bài học độc lập tự chủ trong tư duy một lần nữa khẳng định như đinh đóng cột tính đúng đắn của nó. Xin đừng lúc nào quên: Toàn bộ thách thức của dịch COVID-19 đối với nước ta còn nguyên vẹn phía trước.
Trong kinh tế, qua chống dịch lần này, chúng ta ngộ ra hai điều vô cùng quan trọng. Trước hết là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia là điều tất yếu. Song thực tế hai tháng chống dịch vừa qua cho thấy ngay từ Đổi Mới 1986, lẽ ra nước ta phải tính đến đa dạng hóa sự phụ thuộc này, và phải có những kịch bản đối phó khác nhau. Hai tháng chống dịch COVID-19 dậy nước ta không thể kéo dài mãi tình trạng 80% toàn bộ sản xuất cho xuất khẩu của kinh tế nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, phần lớn nông phẩm chính có thế mạnh của nước ta đều xuất đi Trung Quốc, toàn bộ xuất siêu nước ta có được trong làm ăn với mọi đối tác trên thế giới không đủ bù cho nhập siêu của nước ta riêng từ Trung Quốc! Vân vân… Kéo dài tình trạng này, kinh tế nước ta không lớn lên được, sớm muộn sẽ đi vào ngõ cụt! Bài học thứ nhất này trong kinh tế quan trọng lắm. Thứ đến là bài học thứ hai: Muốn đa dạng hóa sự phụ thuộc lẫn nhau và luôn luôn tìm ra được thị trường thay thế, thị trường mới, kịch bản mới… đòi hỏi sống còn là đất nước ta phải làm chủ được công nghệ cao, phải có đường lối chính sách và chế độ chính trị nào giải phóng được mọi tiềm năng kinh tế của đất nước… Tất cả sao cho từng người lao động, từng doanh nghiệp, từng đơn vị công tác luôn luôn giữ vai trò hạt nhân và đi tiên phong trên mặt trận kinh tế của quốc gia. Đòi hỏi này cao lắm, phải có một nền giáo dục tiên tiến làm căn bản. Đạt được đòi hỏi này, ở nước ta mỗi công dân, thể chế chính trị nhà nước và quốc gia sẽ gắn quyện vào nhau để trở thành là một. Đạt được là một như thế, chủ nghĩa yêu nước và ý chí quật khởi dân tộc sẽ đạt đỉnh cao mới, nước ta sẽ phát triển năng động và có thể trụ vững trong mọi sóng gió.
Về nội trị, trong gần nửa thế kỷ nay xây dựng và bảo vệ đất nước kể từ khi độc lập thống nhất, không lúc nào ĐCSVN không nhấn mạnh phải có con người tốt thì mới có thể chế chính trị tốt và bộ máy chính quyền vững mạnh. Câu hỏi lớn là: Tại sao quan điểm đúng này không trở thành hiện thực? Mấy thập kỷ nay tham nhũng tiêu cực làm siêu vẹo đất nước mọi mặt, đạo đức và văn hóa xã hội xuống cấp chưa từng thấy, sự phát triển của đất nước bị kìm hãm, nhưng chủ nghĩa tư bản thân hữu nở rộ. Câu trả lời ai cũng mắt thấy tai nghe được là: Nước ta chưa thành công trong việc xây dựng con người tốt và chưa có được chế độ chính trị đảm đương nổi vai trò phải thực hiện của nó. Trả lời như vậy, thực ra là câu hỏi vẫn chưa được giải đáp! Bởi vì yếu tố cốt lõi để phát triển được con người cũng như để xây dựng được thể chế chính trị mạnh là dân chủ! Sự thật là mối nguy trầm trọng nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc suốt mấy thập kỷ vừa qua là tình trạng mất dân chủ – ngay từ trong Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị! Riêng về xây dựng con người, còn phải nhấn mạnh: Không có tự do và dân chủ, không thể phát triển được con người – nghĩa là con người vẫn chưa được giải phóng! Nếu phải khái quát trong một câu về mọi khó khăn của đất nước, đấy sẽ là: Nhiều vấn đề nghiêm trọng của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cho đến hôm nay có gốc gác là căn bệnh mất dân chủ. Nếu nhận định này được chấp nhận, sẽ có hướng trả lời nước ta phải thay đổi gì, và sẽ tìm ra cách thực hiện.
Cũng xin lưu ý, ngay trong nước ta, một số nhà nghiên cứu cho rằng thực tiễn đa dạng của tình hình toàn cầu hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vừa thúc ép, vừa là cơ hội Việt Nam phải tự thay đổi quyết liệt để thoát khỏi thân phận chư hầu, mở ra cho đất nước con đường phát triển mới!.. Có ý kiến còn nói thực tiễn toàn cầu hiện nay đang là cơ hội để thoát Trung!.. Xin được bàn sau những ý kiến như vậy. Nhưng hôm nay tại đây, trước hết xin hãy cùng nhau làm rõ: Trong thế giới này, có phải đất nước ta đang đứng trước đòi hỏi quyết liệt phải thay đổi để mở ra con đường phát triển mới hay không? Thống nhất được với nhau câu trả lời chính xác cho câu hỏi này, đất nước sẽ có hướng trả lời cho câu hỏi tổng quát: Phải thay đổi cái gì? Thay đổi như thế nào?
Xin mạn phép thử hỏi: Trong tình huống này, nước ta có thể cứ bình chân như vại, và cứ tiếp tục ngựa quen đường cũ được không? Chưa biết Đảng và Nhà nước sẽ có quyết định gì trước thực tiễn mới này, nhất là tại Đại hội XIII sắp tới. Song hôm nay có thể suy đoán trước, nói cho đúng hơn là khẳng định: Nhắm mắt trước thực tiễn mới này của hậu dịch COVID-19, hay bất lực đối với nó – cả hai đều dẫn đến thảm bại lớn cho đất nước.
Thực tiễn chống dịch như đánh giặc hai tháng qua và những kết quả khả quan đạt được vừa đòi hỏi, vừa cổ vũ nước ta phải thay đổi quyết liệt để mở ra con đường phát triển mới, để chiếm lĩnh cho nước ta vị thế quốc gia phải có tại vị trí đầu sóng ngọn gió trong khu vực nước ta đang sống! Việc của quốc gia cũng là nghĩa vụ và trách nhiệm cao nhất của từng công dân!
N.T. Hà Nội – Võng Thị ngày 27-02-2020

[1] Xem: Truyền thuyết trong kinh thánh của Thiên chúa giáo.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 28-2-20


VÌ SAO VIỆT NAM BỎ LỠ  NHIỀU THỜI CƠ ?

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29-2-2020

Điều kiện để thành công lớn là có đủ Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa. Thời cơ thuộc Thiên thời. Có thời cơ cho cá nhân và thời cơ cho dân tộc.
Có nhiều nhận xét rằng trong thời gian trên dưới trăm năm gần đây Việt Nam chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ quý giá để dân chủ hóa và phát triển đất nước. Nhiều người đã kể ra các thời cơ đó, nhưng chưa thấy ai phân tích nguyên nhân. Tôi cố gắng làm việc này, mong có thể gợi ý cho những ai quan tâm và mong nhận được phản biện của các bậc thức giả.
Thời cơ bắt đầu bằng một tình huống mới lạ, chứa vài điều kiện đặc biệt. Tình huống đó là thời cơ đối với người này, nhưng có thể là nguy cơ với người khác. Khi có một tình huống mới, người phát hiện ra nó, tùy nhận thức và quan điểm mà xem là thời cơ hay nguy cơ hoặc không xem là gì cả. Khi có nhận định và hành động đúng sẽ thành công. Nếu nhận định sai và theo đó mà hành động thì sẽ thất bại.
Với cá nhân, thời cơ đến cho nhiều người, nhưng chỉ có một số rất ít phát hiện được và lợi dụng có kết quả. Những người này được cho là gặp may mắn. Thực ra đa số trong họ đã có chuẩn bị để đón nhận thời cơ hoặc có tham gia tạo ra nó. Một số tương đối ít biết được tình huống, nhưng không lợi dụng được hoặc chống lại. Biết là thời cơ nhưng không lợi dụng được vì không có điều kiện và thiếu quyết tâm. Chống lại vì cho đó là nguy cơ. Với số khác, đông hơn, thời cơ đến rồi qua đi, khi nó đã qua rồi, đã thấy người khác gặp may rồi thì mới tiếc là không biết được sớm hơn. Đa số người không hề hay biết thời cơ đã đến và đã qua đi như thế nào.
Người biết được tình huống là do tự phát hiện hoặc ai đó mách bảo. Ngày xưa người mách bảo thuộc loại thuyết khách, nay gọi là cố vấn. Người biết được tình huống rồi, có lợi dụng được không lại tùy thuộc vào nhận thức. Khi người ta đã có sẵn, đã kiên trì một định kiến thì chỉ chấp nhận những tình huống phù hợp với định kiến đó, xem nó là thời cơ và chống lại những điều khác với định kiến. Người như vậy là loại có trí tuệ khá thấp. Để nhận ra một tình huống có phải là thời cơ hay không cần loại bỏ các định kiến. Thời xa xưa đã từng có câu khuyên “Để lòng không mà nhận lời lời can ngăn hoặc lời mách bảo”. Trong “Thuyết nan” Hàn Phi viết rằng “Cái khó nhất của thuyết khách là đoán đúng, nói đùng với lòng mong ước của vua chúa”
Thời cơ có các mức từ bình thường, cao, đặc biệt. Thời cơ quý giá viết ở trên là thời cơ đặc biệt đối với quốc gia.
Chúng ta đã bỏ lỡ nhiều thời cơ để dân chủ hóa và phát triển đất nước. Chúng ta là ai? Không phải là toàn dân, càng không phải là liên minh công nông hoặc đội tiền phong của họ. Đại đa số người dân không hề hay biết thời cơ nào cho dân tộc đã đến và đã đi qua. Người bỏ lỡ thời cơ ở đây là một số ít hoặc chỉ một hai người lãnh đạo cao cấp. Tại vì chỉ họ mới có điều kiện biến tình huống thành thời cơ. Những người khác, thường là trong tầng lớp trí thức có thể phát hiện thời cơ của dân tộc, nhưng chủ yếu chỉ để mách bảo, góp ý. Sự mách bảo này chỉ được chấp nhận khi trùng hợp với mong ước của lãnh đạo. Khi không có sự trùng hợp ấy thì lời mách bảo dù có hay, có đúng đến bao nhiêu cũng bị bỏ ngoài tai và nhiều khi người mách bảo còn bị kết tội. Thí dụ rõ ràng và sinh động nhất là Ls Nguyễn Mạnh Tường tháng 10 năm 1956, là Trần Xuân Bách năm 1990, Hà Sĩ Phu năm 1995 v.v…
Cho đến nay trong đầu nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã đặc sệt chủ nghĩa Mác Lê (CNML), đã chứa đầy mưu mô và tham vọng toàn trị của ĐCS. Cái thứ đó làm cho đầu óc tăm tối, hủ lậu. Cái thứ đó ngăn cản mọi nhận thức về thời cơ cho dân tộc khi nó có gì trái với CNML, ngược lại với lòng mong muốn củng cố sự toàn trị. Việc phát triển kinh tế từ năm 1986 mà người ta gọi là đổi mới, là vận dụng sáng tạo CNML thực chất là sửa sai, là làm ngược với nó, nhưng bắt buộc phải làm, không thì sụp đổ.
Việt Nam bỏ lỡ nhiều thời cơ, đó là thời cơ cho dân tộc, cho đất nước, nhưng lại là nguy cơ cho một số khá đông lãnh đạo ĐCS. Thế thì làm sao mà họ chấp nhận.
Hỡi các vị tự cho là trí thức, xin đừng nói chúng ta bỏ lỡ thời cơ mà phải nói là lãnh đạo đất nước đã bỏ lỡ nó vì thiếu trí tuệ, kiêu ngạo và tham lam. Thiếu trí tuệ thể hiện rõ nhất ở đường lối cán bộ của ĐCS có những điều phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Ngay như QĐ 214 vừa mới ban hành cũng mắc phải những sai lầm như thế. Với đường lối như vậy không thể nào dùng được người thực sự có tài năng mà chỉ thu nhận vào hàng ngũ lãnh đạo chủ yếu là bọn cơ hội, lắm mưu ma chước quỷ mà kém trí tuệ, thiếu trung thực, để lập nên một hệ thống rất cồng kềnh, rất kém hiệu quả với đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, mặt trận thay dân làm chủ. Kiêu ngạo vì đã lợi dụng được lòng yêu nước của nhân dân mà đạt được thắng lợi trong đấu tranh vũ trang, mà cướp được quyền của nhân dân để thiết lập nền thống trị. Tham lam nên chỉ thấy lợi ích trước mắt cho cá nhân và phe nhóm mà không thấy những tác hại to lớn cho đất nước.
Cướp lấy vai trò lãnh đạo và quản trị đất nước mà vì quyền lợi của cá nhân và phe nhóm, bỏ lỡ thời cơ của dân tộc, sẽ bị lịch sử kết tội phản bội tổ quốc. Hỡi các vị có quyền thế, hãy suy nghĩ để tỉnh ngộ ra. Nếu tự mình không tỉnh ngộ ra được thì hãy tổ chức mời một số trí thức phản biện đến đối thoại hoặc thuyết trình, để may ra có thể nhờ họ phá bỏ vòng kim cô CNML, nhờ họ gột rửa những u mê tăm tối. Thời cơ để dân chủ hóa và phát triển đất nước, để thoát cộng, thoát Trung sẽ vẫn còn, nhưng nếu không thay đổi được đầu óc của lãnh đạo thì rồi họ sẽ tiếp tục bỏ lỡ, đất nước vẫn bị “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi” (Truyện Kiều-Nguyễn Du).
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét