Thứ Ba, 10 tháng 3, 2020

20200310. NHỮNG CHUYỆN DỞ KHÓC DỞ CƯỜI THỜI DỊCH COVID

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGÀY PHỤ NỮ 8/3 VÀ 'CÔ VI'
CHI MAI/ VNTB/ BVN 9-3-2020

VNTB – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng nợ Riverside lời xin lỗi
Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng
Ngày 27/1, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết rằng lãnh đạo Sở đã làm việc để đề nghị khách sạn Đà Nẵng Riverside cất bảng thông báo không nhận khách Trung Quốc vì lo ngại khả năng bùng phát bệnh viêm phổi lạ do virus corona.
Khi ấy (ngày 26/1/2020) Trung Quốc chỉ mới 2.019 trường hợp mắc bệnh do virus corona và có 56 người tử vong cùng với 15 cán bộ y tế nhiễm bệnh. Còn tại Việt Nam, theo thông tin được Bộ Y tế công bố chiều 26/1 có 2 người dương tính với virus corona.
Bà Hạnh cho rằng không nên vì vậy vì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến trong mắt du khách. Nhiều người sẽ nghĩ lúc cần thì chúng ta mời gọi họ, còn lúc không cần thì từ chối.
Theo ý bà Hạnh thì: “Có nhiều cách để từ chối khách ví dụ như thông báo hết phòng… chứ không nên công khai thế sẽ ảnh hưởng đến điểm đến, có hành vi không đẹp. Sở chỉ muốn trao đổi và tìm cách làm tốt nhất cho các bên chứ không hề có động thái bắt buộc”.
Bộ não của bà Hạnh làm du lịch nhưng lại có vấn đề vì việc đặt phòng khách sạn. Khách đã đặt phòng, có tiền cọc hoặc thậm chí đã trả tiền bằng thẻ tín dụng thì không thể nào từ chối khách bằng cách nói hết phòng. Thứ hai, bà đã thản nhiên coi việc nói láo là cách từ chối khách “nhẹ nhàng” và là “hành vi đẹp” để tránh ảnh hưởng đến du lịch của tỉnh nhà.
Cho đến nay, ngành du lịch trên cả thế giới đang điêu đứng vì con virus corona được xuất khẩu từ Trung Quốc, hàng chục quốc gia đã cấm du khách Trung Quốc đến từ các vùng dịch hay đề nghị công dân họ không đi du lịch đến các quốc gia đang có dịch hoành hành. Con số nhiễm bệnh đã lên đến trên 105.000 người trên 101 quốc gia.
Chính phủ đã ra lệnh cho cách ly tất cả khách lẫn người Việt đến từ vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc thì lại thấy bà im thin thít, không hó hé gì đến việc ảnh hưởng điếm đến điểm đi.
Cô giáo làm thơ
Cô Chu Ngọc Thanh đã kịp thời làm một bài thơ ca ngợi Đảng, Chính phủ đã chống dịch quyết liệt, nhưng không kém phần nhân văn. Chính phủ ông Phúc đã nhanh nhảu có công văn khen cô giáo làm thơ. Chủ tịch huyện Iagrai lại còn lẹ tay hơn khi “trao bằng khen cho cô giáo”.
Chỉ với 4 câu thơ đã cho thấy cô giáo làm thơ nếu không có vấn đề về đọc hiểu, thì có lẽ là có trí tưởng tượng tuyệt vời.
“Với con tàu đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ”.
Bài thơ làm cho nhiều người thổn thức lẫn với niềm hân hoan mà quên béng đi chỗ phản ánh không đúng sự thật. Những ai khen bài thơ hay mà không biết sàng lọc thông tin đúng sai thì họ ắt đã không biết sử dụng bộ não vào cho đúng chỗ.
“Bài thơ chống dịch” của cô đã làm lộ rõ cái không khí “xu nịnh đặc quánh”. Cái thứ dễ dàng khiến cho một môi trường bao phủ bởi sự giả dối và vun trồng lớp người ươn hèn. Ninh nọt, gian dối, bợ đỡ, xưng tụng quá mức đã và đang tiếp tục bào mòn chính danh, minh bạch, ngay thẳng của xã hội.
Ngày 6/2,Cô Lô Thị Phim cán bộ thiết bị – Thư viện của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh đã chụp, đăng ảnh học sinh lớp 6B của trường mình đeo khẩu trang bằng giấy lên Facebook. Theo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, bài đăng của cô Phim gây ra hình ảnh phản cảm, làm ảnh hưởng đến uy tín, trái ngược với sự quan tâm chỉ đạo của của huyện Kỳ Sơn cũng như của ngành giáo dục.
Với mức độ vi phạm như trên, hội đồng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh đã “phê bình, nhắc nhở” cô Phim chỉ vì cô lỡ dại nói lên sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện của ngành.
Sau khi bị phản ứng, thì phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đã nói lại rằng: “Có thể mục đích của cô giáo là tốt nhưng có nhiều ý kiến trái chiều gây phản cảm. Những ý tốt của cô giáo đó có thể chuyển qua một hình thức khác như đề nghị cấp trên bổ sung thêm khẩu trang. Mạng xã hội cũng rất tốt nhưng cán bộ, công chức, giáo viên khi đưa các vấn đề lên mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, cân nhắc”.
Thật chua chát cho người trong ngành giáo dục khi phải chấp nhận những tiêu chuẩn kép được áp dụng không giống ai. Người nói lên sự thật thì bị nhắc nhở, khiển trách. Người nói sai sự thật nhưng lại được khen nhờ biết nịnh.
Cô áo vàng từ vùng dịch Hàn Quốc trở về Việt Nam đã nổi như cồn khi đăng livestream trên Facebook kể lại chiến tích lách phòng dịch ở sân bay khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Cô sử dụng bộ não của mình để đi lách từ Busan về Việt Nam, sau đó tiếp tục không khai báo thật về lịch trình của mình để trốn không bị cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo như quy định kiểm dịch của Chính phủ.
Cô tự cho rằng mình có bộ não để thể hiện sự khôn lỏi. Nhưng khôn chỉ có một mà không có hai khi tưởng rằng đã thoát cửa kiểm dịch ở sân bay, thì lên Facebook nói gì không ai sẽ lùng ra mình.
Bộ não của cô đã không dung nạp được dữ liệu rằng hộ chiếu của cô được sử dụng để đi lại có chứa tất cả thông tin cá nhân trong đó, và chỉ cần một cái click chuột là mọi thứ hiện ra mồn một.
Chưa kể một cộng đồng Facebook tới mấy chục triệu người sẽ truy ra cô trong vòng ba nốt nhạc. Bằng chứng là không những cô đã bị điệu đi cách ly ngay sau đó mà còn mang theo được cả hai người thân đã tiếp xúc gần cùng đi “nghỉ dưỡng miễn phí” 2 tuần.
Ca thứ 17 đã dùng bộ não để lách kiểm dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam khi không thành thật khai báo đã có đi đến vùng tâm dịch châu Âu là Milan, Ý.
Ca thứ 17 này cũng đã dùng bộ não để quyết định đi đến bệnh viện thăm khám khi các triệu chứng bệnh trở nặng và dù đã được chị gái ở châu Âu cho biết đã dương tính với Covid-19.
Ơ hay, bệnh thì phải đi bệnh viện? Đúng là như vậy. Nhưng phải khuyến cáo nhân viên y tế về khả năng lây nhiễm bệnh khi cho họ biết cô đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh ở nước ngoài cũng như công bố lịch trình trong hai tuần vừa qua.
Cô là quản lý khách sạn, từng du học ở Anh nhưng lại không thâu nạp được những giá trị nhân văn lâu đời của châu Âu. Bộ não của cô chỉ xử lý được việc đi về nhà mình bằng mọi cách, đi đến bệnh viện để được chữa nhanh nhất chỉ vì mình có điều kiện.
Bộ não của cô đã khiến cả một hệ thống phải mất ăn, mất ngủ, hàng trăm người sẽ phải bị cách ly, không chỉ ở Việt Nam mà cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đã lỡ không may có mặt trùng với thời điểm có sự hiện diện của cô.
Bộ não của cô đã khiến cho hàng ngàn người dân Hà Nội hoảng loạn và cũng có những bộ não với cùng trình độ xử lý đã tớn tác vác vali di tản ngay trong đêm trước khi công bố phong toả để trốn dịch.
Không biết có bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng và mức độ thiệt hại sẽ đến đâu chỉ vì bộ não không có lập trình “ý thức cộng đồng”.
Người viết lại xót xa cho gần 150 du khách nước ngoài không may cùng ngồi trên chuyến bay định mệnh VN0054 từ London về Hà Nội. Họ mong chờ một kỳ nghỉ trọn vẹn ở điểm đến Việt Nam, với biển xanh, cát trắng, món ăn ngon. Oái ăm thăm kỳ nghỉ của họ chưa bắt đầu đã vội kết thúc vì tất cả đều bị lùa vô trung tâm cách ly. Sau hai tuần họ sẽ buộc phải trở về chính quốc. Kỳ nghỉ đã bị lấy mất và không biết bao giờ họ mới dám quay lại Việt Nam hay lại “một đi không trở lại”.
Cùng là phụ nữ, nhưng nói thật thì chỉ có như cô Phim, làm thơ nịnh thì được như cô Thanh, khôn lỏi thì được cô Vi.
Chẳng lẽ “một thời đểu cáng đã lên ngôi” lại chưa bao giờ thật như thế?!
C.M.
VNTB gửi BVN
CÁCH LY 
TRƯƠNG CHÂU HỮU DANH/ TD 9-3-2020
Việc giáo sư “ní nuận” Nguyễn Quang Thuấn bị nhiễm corona virus hay Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng đang bị cách ly, đang tạo ra những cảm xúc tiêu cực cho nhân dân. Nhân dân tự hỏi, đám này leo lẻo “vì dân” nhưng bản chất “vì thân” lộ rõ qua dịch.
Nhà báo Phương Nam bức xúc: 12 cán bộ của Bộ KHĐT đi Ấn Độ, chễm chệ bay đi bay về ở ghế thương gia tốn tiền thấy mụ nội chứ có vinh dự con mẹ gì mà sáng về, chiều đã mở tiệc chiêu đãi.
Chỉ thương những người bưng bê, những ca sĩ được kêu tới phục vụ bữa tiệc sang trọng ấy phải bị cách ly bởi kiểu chơi trưởng giả của các ông.




Sân golf Vân Trì, nơi GS Nguyễn Quang Thuấn đi đánh golf với ông Trần Hồng Quang và Vũ Hùng Cường hôm 6/3/2020. Nguồn: Phương Nam

Ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ KHĐT vào Nghệ An, báo hại cả tỉnh phải báo động. Hàng chục lãnh đạo tỉnh lập tức thực hiện các biện pháp cách ly đối với những trường hợp tiếp xúc, làm việc với đoàn công tác do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn.
Tội nhất là gia đình 2 nông dân ở huyện Nam Đàn, khi Bộ trưởng cùng đoàn công tác đến tham quan mô hình sản xuất nấm ăn và mô hình trồng bí xanh của họ. Chiều nay cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An cũng đã phải tạm hoãn.
Còn cha nội giáo sư ní nuận Thuấn thì khỏi nói. Hà Nội đã xác định được sơ bộ hành trình từ sáng 2 đến 6/3 của Thuấn khi ông ấy tiếp xúc gần cả 100 người ở các hội nghị, tiệc party, sân golf… Báo hại đến nỗi sân golf Vân Trì, gió lộng tứ bề cũng phải thông báo tạm đóng cửa.
Và mới nhất là câu chuyện một trong 4 người Hà Nội đi trên chuyến bay VN 1547 có người nhiễm Covid-19. Tay giám đốc đã đánh tráo nhân viên đi cách ly thay mình ở Quảng Trị và thằng nhân viên quá ngu đã nhận lời “cứu chúa”. (Hết trích)
***
Câu chuyện cách ly lần này là cách ly cái thân phàm phu của quý vị thôi, còn lối sống xa hoa hưởng thụ của họ thì đã cách ly với nhân dân từ lâu lắm rồi.
Với những kẻ có các biểu hiện suy thoái mà trung ương đảng chỉ ra, với những kẻ lợi dụng áo đảng để vinh thân phì gia, với những kẻ làm trái lời dạy Bác Hồ, nên cách ly chúng vĩnh viễn!
HẠNG GHẾ 'SIÊU SANG' CÔ GÁI COVID-19 TỪ LONDON VỀ HÀ NỘI 
CHÂU NHƯ QUỲNH/ DT 8-3-2020
Không ít người đi máy bay vẫn mong ước một ngày nào đó được ngồi hạng C. Điều đó chẳng có gì sai bởi trên khoang ghế này hành khách được tận hưởng một không gian như ở trong khách sạn “5 sao di động”, rất hiện đại và dịch vụ đẳng cấp.
Với những “siêu máy bay” như Boeing 787-9, 10 Dreamliner hoặc Airbus 350-900, mỗi ghế ngồi thương gia là một không gian riêng tư, chỉ cần bấm các nút điều khiển là chiếc ghế được ngả phẳng như một chiếc giường êm ái với chăn ấm nệm êm, đặc biệt thoải mái với những chuyến bay dài.
Khoang hạng C có 28 khách, được phục vụ theo tiêu chuẩn riêng bởi tổ tiếp viên gồm 4 người có kỹ năng và chuyên môn tốt. Tiếp viên hạng C phải tận tình, chu đáo và dễ mến, tương tác thường xuyên với hành khách để cung cấp thông tin, phục vụ đồ ăn, thức uống và chăm sóc khách lúc nghỉ ngơi.




Hạng ghế “siêu sang” cô gái nhiễm Covid-19 bay từ London về Hà Nội - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Không gian khoang hạng C trên máy bay Boeing 787-9 (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Ngày 1/3, nữ hành khách N.H.N (26 tuổi), ở phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội đáp chuyến bay từ London (Anh) về nước. Khách này có vé hạng C, ghế 5K. Máy bay hạ cách xuống sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội lúc 4h30 sáng ngày 2/3.
Đáng nói, trước đó khách N.H.N đã tới vùng dịch Covid-19 tại Ý, dạo chơi ở Pháp và sau cùng lên máy bay tại London - Anh để rời châu Âu, tiện thể “xách tay” cả dịch bệnh về nước.
Trên chuyến bay khoảng 12 tiếng đồng hồ từ London về Hà Nội, cô gái nhiễm Covid-19 là một trong 21 khách hạng C. Đây là hạng ghế của người có tiền và được phục vụ đúng theo tiêu chuẩn của “thượng đế”. Còn tiếp viên hàng không, họ thực sự bận rộn trong suốt chuyến bay vì quy trình phục vụ khách ăn - ngủ - nghỉ.
Theo ghi nhận, trước khi máy bay cất cánh, khách C được tổ tiếp viên phục vụ khăn ấm để lau mặt, lau tay rồi dùng đồ uống. Sau khi máy bay cất cánh và ổn định độ cao, khách C được tận hưởng những dịch vụ tối ưu nhất đã trang bị sẵn trên khoang.
Với chuyến bay đường dài như London - Hà Nội, tiếp viên sẽ phục vụ khách thương gia dùng đồ uống 3 lần, 2 bữa ăn nóng và 1 bữa ăn nhẹ. Các tiếp viên phục vụ lần lượt hành khách theo dãy ghế và theo trình tự từ trên xuống dưới.
Trước khi khách dùng bữa trên máy bay, tiếp viên phải mở bàn ăn, trải khăn, cung cấp dụng cụ dao, dĩa. Khách và tiếp viên sẽ trao đổi trực tiếp về thực đơn giới thiệu đồ ăn Âu - Á - Việt trước khi lựa chọn dùng bữa như thế nào.
Do bay đêm từ Anh về Hà Nội, thời gian bay kéo dài nên nhiều trường hợp khách ngủ nhưng quên để yêu cầu tiếp viên “không làm phiền”. Lúc đó, tiếp viên có nhiệm vụ phải tiếp xúc gần gọi khách thức giấc dùng bữa, nếu không gọi mà để khách thức dậy khi đã qua bữa thì tiếp viên bị đánh giá là không tận tình chu đáo.
Ngoài ra, trên chuyến bay, nếu có nhu cầu khách thương gia có thể ngồi một chỗ gọi tiếp viên để trao đổi, sử dụng dịch vụ mua hàng miễn thuế trên máy bay và sau đó được chuyển về tận nhà.
Rõ ràng, theo quy trình phục vụ khách hạng thương gia trên chuyến bay cho thấy hành khách và tiếp viên có rất nhiều thời gian tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần.




Hạng ghế “siêu sang” cô gái nhiễm Covid-19 bay từ London về Hà Nội - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Nữ hành khách N.H.N nhiễm Covid-19 đi chuyến bay VN54, được khai thác bởi máy bay Boeing 787-9 từ London về Hà Nội sáng 2/3.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, mặc dù các thành viên tổ bay đã đeo khẩu trang và găng tay, nhưng việc phục vụ suốt chuyến bay khiến cho nguy cơ nhiễm bệnh của đội ngũ phi công, tiếp viên là rất cao.
Trở lại với chuyến bay VN54 chở nữ hành khách nhiễm bệnh Covid-19 N.H.N, trên khoang có 21 hành khách, trong đó có 4 người Việt Nam, 17 người nước ngoài. Khách N.H.N ngồi ghế 5K, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngồi ghế 1A và hai khách Việt khác ngồi ghế 2K, 5A.
Ngồi gần bệnh nhân N. và tiếp xúc nhiều nhất với N. trên chuyến bay là tiếp viên hàng không và các khách ngồi ghế 4G, 4K, 5G, 6G và 6K. Trong không gian khoang máy bay này, việc lây nhiễm bệnh Covid-19 là có thể xảy ra.
Ngày 7/3, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã xét nghiệm âm tính lần 1 và sẽ thực hiện xét nghiệm lần 2 trong thời gian cách ly 14 ngày theo quy định. Từ tối 6/3, toàn bộ phi hành đoàn VN54 cũng đã được cách ly.
Sáng nay (8/3), Bộ Y tế công bố thêm ca bệnh thứ 21 tại Việt Nam nhiễm Covid-19. Đó là ông N.Q.T (61 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội). Đáng nói, ông N.Q.T là khách cùng khoang C trên máy bay với nữ hành khách N.H.N nhiễm bệnh trước đó. Ông T ngồi ghế 5A, phía cánh phải của máy bay, cách bệnh nhân N.H.N 2 ghế.
Châu Như Quỳnh.

TỪ CHUYỆN BỆNH NHÂN SỐ 21 ĐẾN VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG CỦA CHỦ TỊCH TRỌNG
LƯU TRỌNG VĂN / TD 9-3-2020
Nếu không có sự kiện cô gái Hồng Nhung cùng GS Nguyễn Quang Thuấn bị nhiễm virus Vũ Hán từ Anh về, thì nhiều sự thật chính trường VN chưa bị phơi bày.
Đó là vì sao đoàn của bộ KHĐT đi Ấn Độ tìm hiểu đầu tư của Ấn Độ lại vòng qua Anh để về VN? Nếu qua Anh theo sứ mệnh của nhóm thiết kế văn kiện Đại hội đảng mà ông Dũng mới qua Mỹ học hỏi, lần này qua Anh học hỏi tiếp thì sao thành phần lại có nhiều lãnh đạo bộ KHĐT trong đó có cả một thứ trưởng nghỉ hưu như thế?
Tiền để chi phí cho chuyến đi đông người vô cùng tốn kém này từ nguồn nào? Từ nguồn nào thì cũng là tiền của Dân mà thôi.
Trong lúc đất nước chắt chiu từng đồng ngoại tệ thì ông bộ trưởng Dũng và GS Thuấn phó chủ tịch hội đồng Lý luận TW ngồi ghế VIP giá gấp đôi, thậm chí gấp ba ghế thường là không biết… điều.
Đã thế khi về ngài bộ trưởng KHĐT người nhiệt thành ủng hộ Luật Ba đặc khu bị cả nước lên án lại tổ chức tiệc tùng linh đình. Trong khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng bí thư HN Vương Đình Huệ méo mặt lo chống dịch, trong khi hàng triệu bà con Đồng bằng SCL khóc ròng vì hạn hán, trong khi bao trẻ VN thiếu ăn thì các ngài vui vẻ ăn nhậu đồng thời còn bao ca sĩ đến phục vụ hát hò.
Chủ tịch Trọng đã mở mắt ra chưa khi không ít quần thần của ngài đang tưng bừng ăn chơi, tiệc tùng, đánh golf và vào các cuộc họp lý luận ra rả lập trường CM vì Dân, vì Nước.
Văn kiện của đại hội đảng không ở trong các quần thần như Hoàng Trung Hải, Nguyễn Chí Dũng, Nguyễn Quang Thuấn vv… đó đâu!
Văn kiện đại hội đảng việc gì tìm đâu xa bên Mỹ, bên Anh, bên Tàu.
Nó ở trong suy nghĩ của Dân quanh các ngài thôi. Và nó từ quá lâu rồi có sẵn mà người Dân tử tế nào cũng biết: Dân phải được quyền tự do thành lập đảng mà họ muốn theo Luật pháp do Dân thực sự Dân chủ tạo ra.
CÔNG TÁC NƯỚC NGOÀI : MỘT HÌNH THỨC THAM NHŨNG HƯỞNG TH
NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 9-3-2020
1. Bệnh nhân Virus Vũ Hán N21 đi hạng thương gia khứ hồi Hà Nội – London (không dưới 3.000 USD) trị giá trên 70 triệu đồng. Giá trị này mua được 7 tấn gạo, nuôi sống một cán bộ thời bao cấp trong 44 năm 8 tháng, hay là nuôi sống 538 cán bộ trong một tháng (13kg/người/tháng).
Nếu tính thời gian công tác 25/2 -1/3/2020 như trong lịch trình, trong đó 25-26 ở Ấn Độ, 27 -1/3 thì tối thiểu phải có 4 đêm ở khách sạn. Bao gồm 1 đêm ở Ấn Độ và ít nhất là 3 đêm ở Anh. Nếu tính giá khách sạn 5 sao 300 USD tức là 7 triệu đồng một đêm thì tiền khách sạn là 28 triệu VND. Cộng chi phí ăn uống đi lại địa phương, tổng chi phí cho chuyến đi không dưới 120 triệu đồng. Mua được 12 tấn gạo. Tính cả đoàn công tác trong chuyến đi gồm 12 người thì đã mất đi không dưới 100 tấn gạo.
Không phải ôn nghèo kể khổ, bắt sống lại thời bao cấp, mà tính ra để biết nâng niu.
“Từ ngày 25/02 – 01/3/2020, Đoàn công tác của Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIII của Đảng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã có chuyến làm việc và nghiên cứu thực tế tại Ấn Độ và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và học hỏi kinh nghiệm về hoạt động đổi mới, sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp. Đồng thời, khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm về xây dựng chính sách, chiến lược phát triển quốc gia, phục vụ việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 để trình Đại hội XIII của Đảng”.
Xuất hiện hai câu hỏi hiển nhiên sau đây.
– Tại sao lại chỉ thấy đoàn của nước ta đi học hỏi các nước TBCN để trình Đại Hội Đảng làm kế hoạch xây đựng CNXH, mà không thấy đoàn các nước TBCN sang nước ta là CNXH để học hỏi kinh nghiệm về xây dựng CNTB ở nước họ, trong khi ”CNXH ưu việt hơn”?
– Những người chuẩn bị văn kiện cho Đại hội Đảng XIII không đi chuyến công tác này thì có ảnh hưởng gì đến văn kiện Đại hội Đảng XIII không?

Trước đây thời bao cấp, khi chưa biết CNTB là gì, thì phải đi cho biết. Nay mở cửa đã 30 năm, CNTB đã tràn ngập vào nước ta, lại vào thời đại Internet, ngồi ở nhà cũng thấy được mọi m2 trên thế giới, thì không nhất thiết điều gì cũng phải đi đến tận nơi. Nên nhớ cho, từ nhiều trăm năm trước, các nhà thiên văn học đã tính được quỹ đạo chính xác của các vì sao cách xa hàng triệu km mà chẳng thể đặt chân đến tận nơi.

3. Công tác nước ngoài là một hình thức tham nhũng hưởng thụ. Không phải tất cả, nhưng rất nhiều người đã núp trong vỏ bọc công tác nước ngoài để dùng tiền ngân sách tiêu xài cho sự xa hoa thịnh vượng cá nhân. Nổi trội là tầng lớp lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước lớn và tầng lớp có quyền chức từ tỉnh thành cho đến trung ương.

Ở mặt khác, chính sách bảo kê đặc quyền đặc lợi đã với rộng cánh tay sang cả lĩnh vực đi công tác nước ngoài. Đó là các quy định cho cấp nào thì được đi hạng thương gia và ở khách sạn 5 sao, cùng với các mức chi tiêu cho mỗi giai tầng. Đó là sự phân biệt đẳng cấp, đi ngược với mục đích công bằng và bình đẳng của CNXH.
Hàng năm, Chính Phủ và và các chính quyền địa phương trong cả nước đã chi cho bao nhiêu chuyến đi nước ngoài? Tổng kinh phí trên toàn quốc là bao nhiêu? Không phải hàng trăm tỷ mà là hàng ngàn tỷ đồng!
Viện dẫn thí dụ vài năm trước, chỉ riêng cựu bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong một năm đã đi công tác nước ngoài lên đến 163 ngày. Đó là những chuyến bay hạng thương gia cùng ăn ngủ ở khách sạn 5 sao.
Cớ đi nước ngoài thật vô vàn. Chăm sóc cây trên phố cũng phải học nước ngoài, cán bộ đảng cũng phải nhờ bồi dưỡng… “Thượng vàng hạ cám” đều phải tìm cho được lý do để đi “công tác nước ngoài”.
Từ cách nhìn của người quản lý túi tiền riêng, thì không dưới 50% chuyến đi nước ngoài của Nhà nước là không cần thiết; Và có thể rút gọn 50% thời gian, số lượng người, và chi phí. Từ đó để thấy, chí ít thì 75% trong tổng số toàn bộ tiền chi cho công tác nước ngoài của Nhà nước đã lãng phí.
Đừng nói rằng đó là dự báo hồ đồ. Nếu áp dụng theo chính sách của các nước phát triển hàng đầu, thì chi phí đi công tác nước ngoài từ ngân sách ở nước ta sẽ dứt khoát bị cắt giảm không chỉ 75%.
4. Để thấy sự khác biệt, xin nhắc lại trường hợp cựu Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, rất oai phong tại lễ nhận chức của TT Donald Trump ngày 20/1/2016, nhưng sau đó chỉ được xe công vụ chở đến ga tàu, còn về nhà bằng tiền túi của mình trên chiếc ghế xe lửa bình bình thường.
Có thể dẫn chứng nhiều trường hợp tương tự, chẳng hạn như Thủ tướng Đức Angela Merkel ngồi hạng ghế phổ thông, và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đi vế máy bay giá rẻ.
5. Việt Nam đang là nước rất nghèo, nhưng cách xài tiền của quan chức và lãnh đạo các doanh nghiệp Việt Nam khi đi công tác làm cho nhiều người nước ngoài ngạc nhiên. Sự cần kiệm của lãnh đạo bây giờ thua xa lớp lãnh đạo trước năm 1975. Không chỉ vì thời đó nghèo khó, mà do cốt cách rất khác biệt.
Đừng viện dẫn các nước cũng có tiêu chuẩn phân biệt. Bởi luật pháp họ nghiêm minh và số lượng cán bộ Nhà nước của họ rất ít. Trong khi Nhà nước chúng ta có đến 12 triệu cán bộ dùng tiền ngân sách. Đây là một tỷ lệ rất lớn trên dân số so với các nước khác.
Vì thế, trừ một số trường hợp, còn lại thì chỉ có xóa bỏ các tiêu chuẩn bảo kê đặc quyền đặc lợi các giai tầng, ngõ hầu mới ngăn chặn được sự tiêu xài hoang phí – núp trong vỏ bọc tiêu chuẩn.
Biết rằng rất khó, bởi khi ngồi vào ghế quyền lực, chẳng ai dại gì lại tự cắt bỏ đặc quyền đặc lợi của chính mình. Ngân sách Nhà nước vì thế còn mãi bị phung phí.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét