Thứ Hai, 25 tháng 3, 2019

20190325. BỨC XÚC VỚI SỰ SUY THOÁI CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
'THỈNH VONG BÁO OÁN' Ở CHÙA BA VÀNG VÀ SỰ THAO TÚNG ĐỨC TIN

TRÚC NGUYỄN/ TVN 24-3-2019

Quang cảnh lễ khai hội Xuân chùa Ba Vàng 2019. Ảnh: TTXVN
 - Nghe đã thấy sự "bá đạo" của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề kêu gọi tiền công đức.
Chưa đi hết mùa lễ hội năm 2019, chùa chiền trong nước xảy ra ít nhất 2 sự kiện gây đau lòng những phật tử chân chính: Chùa Phúc Khánh ở Hà Nội ra bảng giá cúng sao giải hạn, từ chối người thiếu lễ 50 nghìn đồng; và sự kiện đang “dậy sóng” là chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh thao túng đức tin người đi lễ, truyền bá mê tín thu lợi hàng chục tỷ đồng... [1] 
Điều đáng nói là nơi khởi nguồn các sự việc tai tiếng là những chùa to nổi tiếng, người đứng đầu cũng là những người có bằng cấp chức sắc cao trong giáo hội. Chùa Phúc Khánh vì tọa lạc trung tâm thủ đô nên chỉ dừng ở mức "chùa to", còn chùa Ba Vàng có diện tích hàng chục ngàn m2 và đang dính nghi án chiếm dụng đất rừng! [2] 
Chùa to, chùa nổi tiếng, chức sắc to, học vị cao... đáng ra phải là nơi mẫu mực của chánh đạo, nơi làm nên những việc tốt đạo đẹp đời. Phải chăng đạo cũng như đời, bằng cấp, chức sắc, hoành tráng... mà không biết thúc liễm thân tâm thì cũng sớm đi vào con đường lệch lạc!? 
Tháng trước, sau khi bài viết của tôi Chùa nhỏ, chùa to, chùa ‘siêu to’... chùa nào có Phật? được đăng tải, xuất hiện clip trả lời báo chí của một nhà sư, cũng nổi tiếng bằng cấp cao. Ông so sánh với các tôn giáo khác ở nhiều nước trên thế giới có nhiều cơ sở to lớn thì tại sao chùa to ở Việt Nam bị phê phán. 
Hàng chục lần nhà sư dùng cụm từ "Cách mạng 4.0", "tư duy 0.4" để phản bác ý kiến báo chí về tình trạng chùa to xuất hiện ngày càng nhiều... Đáng tiếc những vấn đề cốt lõi là sự khiêm cung tiếp thu ý kiến từ dư luận cũng như câu hỏi tại sao chùa nhiều, sư đông... mà xã hội đạo đức xuống cấp, bạo lực tràn lan đã không nghe thấy nhà sư đề cập! 
Trong sự việc Chùa Ba Vàng gây phẫn nộ dư luận hiện nay, vị trụ trì cũng "đăng đàn" bào chữa: "Vì Ba Vàng là chùa to nên bị ghen ghét đố kỵ"! Chuyện đau khổ của chúng sinh là do quả báo tiền kiếp, còn chuyện của chùa là do bị ghen ghét chứ chùa không có gì sai!? Nhà sư còn nói: "Tôi có đầy đủ tang chứng vật chứng", nhưng nói tiếp: "Chuyện tâm linh không phải ai cũng nói được mà chỉ có người trong cuộc hiểu mà thôi" [3]...
Vậy tang chứng vật chứng của chùa Ba Vàng phải chăng là những điều không thể kiểm chứng? Những lời bào chữa lấy được cho thấy không có sự cầu thị tiếp thu, toàn ngụy biện, đổ vấy trách nhiệm, càng nói nói càng xa kinh Phật. 
Phật dạy tu học có 3 hình thức giáo dục là "khẩu giáo" (dùng lời nói để giảng dạy), "thân giáo" (cuộc sống đạo đức chính đạo của người tu chính là bài học sống động cho tín đồ) và "ý giáo" (khi đệ tử tu đạt trình cao thì có thể lĩnh hội được điều thầy muốn dạy từ trong ý nghĩ, như câu chuyện "Niêm hoa vi tiếu"). Ý kiến cho rằng chùa to là cần có để làm nơi giáo dục tâm tính con người hướng thiện... chỉ là suy diễn.  
Thiển nghĩ, chùa to tượng lớn chẳng qua cũng chỉ là nhiều hay ít về khối lượng bê tông, sắt thép đồng... Những thứ vô tri vô giác làm sao có chức năng giáo dưỡng, làm gì có "bê tông giáo" trong kinh Phật! 
Bà Yến chùa Ba Vàng dẫn vụ án rúng động tính tàn độc, thay vì lên án những kẻ gây tội, đề cao sự nghiêm minh của pháp luật... thì lại cho rằng kiếp trước cô gái nạn nhân đã từng làm kẻ cướp, hiếp dâm nên bây giờ chịu quả báo... Nghe đã  thấy sự "bá đạo" của suy diễn, truyền bá mê tín gieo rắc lòng bất an để dễ bề kêu gọi tiền công đức.  
Nhìn đoạn phim những người đi chùa bị kiểm xét thân thể quần áo đăng trên Báo Lao Động, tôi tự hỏi chẳng lẽ đường về cực lạc cũng có “BOT” nữa sao!? Phật dạy chỉ những người tu đạt Tam Minh, Lục Thông, Ngũ Nhãn mới thấy biết được kiếp trước của người khác. Ngay cả 10 đại đệ tử được Phật chứng nhận  đắc quả A La Hán như các ngài A Nan, Ca Diếp, Mục Kiền Liên... khi ra ngoài đi khất thực gặp sự kiện khó hiểu của xã hội đều về hỏi Phật để ngài giảng dạy. Vậy mà nhà sư Thái Minh, Bà Yến có thể thấy biết về kiếp trước của chúng sinh... quả là lộng ngôn, khẩu nghiệp!  
Phật giáo là tôn giáo của số đông ở nước ta nhưng sinh hoạt của tôn giáo này nhiều năm đang có phần “mất dây cương”. Những điều lộ ra chỉ là phần nổi của tảng băng, nếu không kê "một liều thuốc mạnh" thì còn tiếp tục gây nhiều nhiễu loạn nhân tình, rối ren đất nước. 
Xứ Huế lưu truyền câu chuyện, có quan lớn và đoàn tùy tùng đến một ngôi chùa nhỏ trên núi, quan sai người vào nói hòa thượng trụ trì ra tiếp. Lão hòa thượng nói chú tiểu ra nói: cửa chùa rộng mở cho bá tánh thập phương không phân biệt sang hèn, ông lên chùa thì mời vào lễ Phật! Hoà thượng còn gửi lời khuyên quan về nhà cố gắng niệm Phật cho nhiều để có trí tuệ làm việc lợi ích cho dân cho nước. Người tu pháp Tịnh độ khuyên niệm Phật ý là khuyên tĩnh tâm quán xét bản ngã! 
Kinh Trường Bộ ghi, một hôm đức Phật cùng đệ tử đứng chờ đò để đi qua sông thì gặp hai ông đạo sĩ già khoe khoang tài nghệ dùng thần thông đi trên nước. Một ông nói đã tu luyện phép thuật này 60 năm, đạo sĩ kia thì nói tu luyện phép thuật 70 năm... Khi đức Phật qua bên kia sông rồi, ngài hỏi đệ tử đã trả tiền đò hết bao nhiêu, đệ tử thưa hết 2 xu. Ngài nói: họ mất một đời người tu luyện để làm một việc mà chúng ta chỉ mất 2 xu là có thể làm được"! 
Cuộc đời Đức Phật nổi bật nhiều bài học đạo đức trong đó có lòng khiêm cung và từ ái, tôn trọng quy luật khách quan của tự nhiên và xã hội. Ngài cũng đứng đợi đò như bao người khác, năm 80 tuổi ngài cũng rời cõi thế đi vào cõi chết chứ không lạm dụng thần thông kéo dài sự sống để nhận "bằng kỷ lục" sống thọ nhất thế giới... Ngài bình thường cho nên ngài vĩ đại! 
Trúc Nguyễn
---------
[1] Vụ "vong báo oán" chùa Ba Vàng: Kinh doanh trên sự mê tín của kẻ khác, Lao động online, 22/03/2019.
[2] Chùa Ba Vàng: 10 năm biến thành nguy nga rộng hàng chục ngàn mét vuông, Tuổi trẻ online, 21/03/2019.
[3] Đại đức Thích Trúc Thái Minh: Chùa Ba Vàng là chùa lớn nên "bị ganh ghét, đố kỵ", Soha,  22/03/2019.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THƯỢNG TỌA THÍCH THANH QUYẾT:' THẦY THÁI MINH TÍNH RẤT LẠ' 

pv TÌNH LÊ /VNN 25-3-2019
Tiền đối với nhà chùa chỉ là phương tiện
Những ngày qua, câu chuyện về chùa Ba Vàng đã khiến dư luận rất xôn xao. Với tư cách là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thượng toạ có gọi Đại đức Thích Trúc Thái Minh yêu cầu trình bày sự việc không?
- Thực ra tôi cũng không đọc nhiều báo lắm đâu. Thời gian này tôi giảng dạy ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội, nhưng là người quản lý Phật giáo ở tỉnh Quảng Ninh nên cũng được thông báo tình hình, tôi cũng nắm được.
Thầy Thích Đạo Hiển, Phó Trưởng Ban Trị sự, Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cũng mời trân trọng trụ trì chùa Ba Vàng - thầy Thích Trúc Thái Minh để làm việc nhưng mỗi người có quan điểm cá nhân riêng. Chuyển biến hay không còn phụ thuộc vào nhận thức nữa.
TT. Thích Thanh Quyết: 'Thầy Thái Minh tính rất lạ'
Thượng toạ Thích Thanh Quyết.
Theo giáo lý của Phật giáo, hoạt động thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ được hiểu như thế nào thưa Thượng toạ? Gọi vong mà vong hiện lên đòi tiền có đúng không thưa Thượng toạ?
- Trên thực tế thỉnh vong chính là cúng vong thôi. Cúng vong là một trong những nghi thức quan trọng của Phật giáo, trong Phật giáo có tiếp linh và triệu linh. Linh là vong mà. Chùa nào cũng có ban vong cả. Hàng ngày chúng tôi đều có cúng cháo, tức là cúng vong, cúng cho chúng sinh - những người không nơi nương tựa, chết oan uổng ngoài đường ngoài chợ không có người cứu vớt, không ai thờ cúng. Nhà Phật phải làm việc đó.
Còn sự việc ở chùa Ba Vàng tôi chưa thể nói gì được, còn phải chờ kết luận từ nhiều phía.
Vào chùa mà bất cứ cái gì cũng được nhà chùa quy ra tiền thế, sư lúc nào cũng gần tiền như thế có giống với chốn tu hành không thưa Thượng toạ?
- Thực ra, đối với nhà sư mà nói, tiền cũng chỉ là phương tiện để mình hành đạo. Nếu không có phương tiện, thì không ai hành được đạo. Đi ra ngoài đường chỉ cần đi xe buýt thôi, một chức sắc Phật giáo hay chức sắc Thiên chúa giáo cũng chỉ mất vài nghìn đồng, nhưng cũng phải bỏ tiền ra mua vé chứ. Lúc đó ông lái xe buýt ông có bảo tuỳ tâm đâu, không có tiền sẽ phải xin, mà lúc nào cũng có thể xin được đâu.
Nhà chùa đi ra ngoài chợ mua mớ rau, bìa đậu, người bán hàng có nói tuỳ tâm đâu. Nếu như cả thế gian này hiểu được các chức sắc tôn giáo đi đâu cũng không phải mất tiền thì nó khác. Cho nên tôi nghĩ nên nhìn mọi việc dưới nhiều góc độ, tôi xin nhắc lại, tiền với nhà chùa cũng chỉ là phương tiện, mình dùng phương tiện đó như thế nào mà thôi.
Với trường hợp của bà Phạm Thị Yến ở chùa Ba Vàng, một Phật tử bình thường nhưng ngồi giảng đạo trong chùa, lại có những bài giảng lệch đạo, ai sẽ chịu trách nhiệm việc này thưa Thượng toạ?
- Thực chất ra mà nói, người trụ trì sẽ chịu trách nhiệm toàn diện. Chưa có quy định nào nói rằng phật tử không được giảng kinh Phật cả nhưng phải giảng đúng, không xuyên tạc. Cả các chức sắc tôn giáo nói kinh của nhà Phật, Thánh, Chúa mà xuyên tạc thì đều không được phép. Phật tử giảng kinh Phật thì được, nhưng xuyên tạc, nói lái theo ý hiểu của mình, ý cá nhân của mình là không cho phép.
Kinh Phật thì nhiều nghĩa, đã tồn tại tới bây giờ rồi, dù nhiều nghĩa cũng chỉ là những ý nghĩa tích cực có lợi ích cho chúng sinh chứ không có chuyện cá nhân. Còn Phật tử vào chùa giảng không đúng, trách nhiệm của người trụ trì là phải nhắc nhở.
Bản thân người với người thôi, ngay như tôi ngồi nói chuyện với cô, cô về lại viết ra ý khác đã là không được rồi huống hồ là giảng sai các lời răn dạy của các bậc tiên thánh hiền triết. Ngoắt ngoéo theo ý cá nhân thì làm sao có thể chấp nhận được. Đây bị quy về ý thức cá nhân. Luật pháp có thể có cái quy định được, có cái chưa nhưng tất cả phải xuất phát từ phạm trù đạo đức mà ra mới giải quyết được nhiều thứ.
Cho nên trách nhiệm của trụ trì là chính nhất.

TT. Thích Thanh Quyết: 'Thầy Thái Minh tính rất lạ'
Trụ trì chùa Ba Vàng hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để bà Phạm Thị Yến có những bài giảng pháp không đúng với giáo lý nhà Phật. 
'Thầy Thái Minh tính rất lạ'
Quy trình bổ nhiệm hay truất chức danh trụ trì của một thầy nào đó vi phạm Hiến chương của GHPGVN sẽ như thế nào, trường hợp như sư trụ trì ở chùa Ba Vàng thì sẽ như thế nào thưa Thượng toạ?
- Tôi đã nói rồi, tôi mới được thông báo và nhìn sự việc dưới góc độ của tôi. Còn sự việc như thế nào tôi chưa thể đưa ra được ý kiến chính thức. Vì chưa tìm hiểu hết, kỹ mọi việc nên chưa thể quy chiếu được với Hiến chương của GHPGVN.
Thật ra quy trình bổ nhiệm một trụ trì chùa nào đó đầu tiên phải là nhân dân địa phương đó thỉnh mời, sau đó nếu chính quyền ủng hộ nguyện vọng của nhân dân, thấy nguyện vọng đó là chính đáng thì Giáo hội mới bổ nhiệm trên tinh thần niềm tin của nhân dân và đồng thuận của chính quyền.
Nhưng nếu một sư trụ trì phạm một lỗi thuộc quy định trong Hiến chương GHPGVN, trong khi niềm tin của người dân nơi đó vẫn dành cho thầy trụ trì đó, Giáo hội có truất quyền vị trụ trì này được không thưa Thượng toạ?
- Cái này tôi nói sau, còn tuỳ vào nhiều tình huống cụ thể.
Trong lần phát biểu gần đây, trụ trì chùa Ba Vàng có nói sở dĩ chùa Ba Vàng bị báo chí lên án như vậy là do có sự ganh ghét, đố kỵ. Thượng toạ nghĩ như thế nào?
- Thực tế khi xây dựng chùa Ba Vàng, tôi là người ủng hộ số 1. Chính tôi là người ký văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh cấp phép cho xây dựng chùa Ba Vàng theo quy mô to hơn. Ngày khởi công, tôi lo Thái Minh không đủ điều kiện kinh tế để xây dựng ngôi chùa to. Lễ khởi công tôi đến dự, tôi thấy mọi người phát tâm công đức vừa độ. Người nào phát tâm công đức hôm đó nhiều nhất là 50 triệu đồng.
TT. Thích Thanh Quyết: 'Thầy Thái Minh tính rất lạ'
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng.
Tôi lúc đó vô cùng khó khăn, vẫn còn nợ tiền xây dựng chùa Đồng, nhưng tôi vẫn ủng hộ 100 tấn xi măng. Với tư cách là Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tới dự, phát biểu và kêu gọi nhân dân ủng hộ là quý lắm rồi mà tôi vẫn ủng hộ vì tôi lo cho thầy lắm. Vậy mà chỉ vài năm xây dựng, thầy đã huy động được nhiều nguồn và xây dựng ngôi chùa khang trang to đẹp như bây giờ. Chúng tôi không thể phủ nhận công lao của thầy Thái Minh.
Nhưng, khánh thành xong, tôi thấy thầy Thái Minh có những biểu hiện hơi buồn cười. Thầy mặc, ăn, ngủ một mình một kiểu.
Rõ ràng Phật giáo miền Bắc đang mặc kiểu Bắc Tông, một mình thầy mặc kiểu Nam Tông. Tất nhiên không ai quy định phải mặc như thế này thế kia, nhưng mình đang sinh hoạt Phật giáo ở đâu thì hoà đồng ở đó đi, tại sao phải khác, làm lập dị làm gì, còn bắt hàng trăm phật tử mặc như thế.
Còn nếu thầy thích theo Nam Tông, thầy có thể làm báo cáo đàng hoàng cho Giáo hội xin gia nhập Nam Tông, ai cấm đâu. Như vậy thầy có thể hành đạo, hành lễ theo đúng Nam Tông. Đằng này cứ riêng thầy trò thầy Thái Minh bảo nhau mặc khác như thế.
Thầy Thái Minh cũng mới tu tập thôi, đệ tử theo thầy cũng thế, đã là Phật là Thánh gì đâu mà cứ ăn một ngày một bữa, tối không dám ăn. Đi ăn với toàn bộ tăng ni trong tỉnh cứ một mình một bát, xúc tất cả thức ăn nào rau nào đậu vào bát trộn lên ăn chung. Học trò có người không ăn được, nhưng thầy bắt thì trò phải theo.
Ngủ thì bắt ngủ đất, không cho nằm chiếu, hơi đất lên cảm thì sao, tôi chịu trách nhiệm chứ ai. Ăn đã thế, mặc đã vậy, ngủ thì thế lại còn bắt ra rừng tụng kinh niệm Phật cả đêm. Tôi cũng lo, rắn cắn thì chết.
Chính vì thế mà Phật giáo tỉnh mới có ý kiến lên cơ quan ban ngành một cách có trách nhiệm, để nhiều người động viên thầy Thái Minh làm sao tu tập hoà đồng. Chứ đâu phải như cách của thầy là có thể thành Phật được đâu. Mà mãi vẫn thế đến bây giờ vẫn vậy.
Đương nhiên ngồi dưới gốc cây tu thiền, về lý cũng không sai, không ai cấm. Phật tổ Thích Ca 3000 năm trước cũng ngồi dưới gốc cây bồ đề cơ mà. Nhưng không thể lấy Phật tổ Thích Ca để so sánh với người phàm tục mới tu được. Cho nên đừng có 'cấu véo' một vài lời trong kinh Phật để áp dụng một cách cứng nhắc, cuối cùng hỏng cả kinh Phật.
Vì nhắc nhở nên thầy Thái Minh từng sám hối trước Thượng toạ nhiều lần?
- Sám hối thì có. Nhưng thật ra tính thầy Thái Minh lạ, thầy xuất gia muộn, học hành Phật pháp chưa có gì bài bản, chưa qua trung cấp, sơ cấp Học viện. Tính lại thích thể hiện. Nếu thể hiện đúng theo giáo pháp nhà Phật cũng tốt thôi.
Nhưng tại chưa có gốc học hành Phật pháp nên thầy thể hiện theo kiểu nhảy cóc, không đâu vào đâu.
Lúc nào chúng tôi cũng nói thì lại bảo chúng tôi nặng nề, tuổi thầy cũng không kém tôi nhiều, lại được học hành ngoài đời rất bài bản, chúng tôi cũng phải trân trọng, nói vừa vừa thôi. Cũng có lúc thầy sám hối, chuyện sám hối trong nhà chùa thì cũng giống như chuyện xin lỗi ngoài đời ấy.
Câu chuyện chùa Ba Vàng xảy ra, nó ảnh hưởng như thế nào tới Phật tử Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung thưa Thượng toạ?
- Theo tôi nghĩ vẫn phải chờ kết quả cơ quan chức năng vào cuộc. Ảnh hưởng như thế nào tôi cũng chưa thể nói được. Chiều 26/3 tới sẽ có hình thức cụ thể đối với trường hợp ở chùa Ba Vàng, nên tôi chưa thể đưa ra quan điểm gì lúc này.
Cảm ơn Thượng toạ đã chia sẻ!

Tình Lê

SỰ ĐỐN MẠT CỦA PHẬT GIÁO QUỐC DOANH: CẦN MỘT CUỘC CHỈNH ĐỐN ?

HOA NGHI /BVN 23-3-2019

Khi các quốc gia tiên tiến khác đang khám phá vũ trụ, đặt chân lên vùng tối trái đất, thám hiểm Sao Hỏa,… thì tại Việt Nam, vẫn tất bật các dự án bán và chia đất của các đại gia có tiền và quyền, và sự vươn lên của một nền Phật giáo đang mất dần thuộc tính hướng thiện của nó.
https://1.bp.blogspot.com/-a8yn2RZxU0w/XJO6bgqlKQI/AAAAAAAABS4/Sbb0ejs3rmY77oKf5boZUF0YY9xrJ8fQgCLcBGAs/s640/Da%25CC%2582ng%2Bsao%2Bgia%25CC%2589i%2Bha%25CC%25A3n.jpg
Dâng sao giải hạn ở Hà Nội
Nhiều chùa to được xây dựng, nhiều Phật to được dựng lên, hàng nghìn người xếp hàng, khúm núm, tay phì phạch, miệng phì phò “Nam mô A di đà Phật” để mong giải hạn sao Thái Bạch ở chùa Phúc Khánh với giá 150 nghìn đồng. Chùa Ba Vàng, nơi thêu dệt những mẩu chuyện mê tín dị đoan, đến mức lấy hậu quả của sự quản lý yếu kém của xã hội hiện tại (làm tội phạm phát sinh) để coi đó là tiền kiếp, các bệnh tật con người phải gánh chịu cũng là “khẩu nghiệp”, và kết quả người nào muốn hết phải nộp tiền triệu vào chùa.
Cả xã hội Việt Nam đang quay cuồng với thứ Phật giáo không những đồi bại mà còn đi đến tận cùng của sự khốn nạn, nơi lòng tin và hướng thiện của người dân bị lợi dụng để lợi nhuận hóa.

Một cuộc chỉnh đốn Phật giáo là điều cần thiết

Chúng ta cần một cuộc chỉnh đốn Phật giáo, một trong những tôn giáo đang làm chủ mặt trận buôn thần bán thánh tại Việt Nam, bằng việc tái thực hiện lại những chính sách như thời Hồ Quý Ly và thời vua Minh Mạng đã từng thực hiện. Bởi thực trạng chùa đang trở thành nơi lợi nhuận hóa, trốn thuế, nơi để hưởng thụ nhiều hơn tu đạo và phổ độ chính sinh.
Đối với thời Hồ Quý Ly, áp dụng chính sách sa thải Tăng đạo, buộc hoàn tục những người chưa trên 50. Những ai thông hiểu kinh giáo thì buộc phải thi, thi đỗ thì sẽ trở thành sư, không thi đỗ thì phải hoàn tục.
Việc quản lý đội ngũ tăng sĩ là yếu tố quyết định nhất trong chấn chỉnh tình trạng hổ lốn Phật giáo hiện nay, bởi không chỉ thời Hồ Quý Ly, mà đến thời nhà Nguyễn (cụ thể thời Minh Mạng), một tăng sĩ muốn được cấp độ diệp thì phải được Bộ lễ sát hạch và ghi nhận là bậc chân tu.
Thế nhưng, hiện nay, việc quản lý tăng sĩ, đạo đức tăng sĩ đã được chú trọng hay chưa, hay chỉ đơn thuần là biến đức tin người dân trở thành một đức tin mù quáng, cam phận với những rủi ro và áp bức thời cuộc, và tự gieo trong mỗi người tin Phật pháp là “vong oan, tiền kiếp”. Phật giáo từ một tôn giáo mà Đức Phật mong muốn con người thực hành giáo lý để tìm sự bình an, hạnh phúc thông qua sự giác ngộ thì nay đã trở thành một con đường để tự bày biện ra những thứ trói buộc quanh mình.
Phật giáo Việt Nam hiện nay đang trở thành một phiên bản mẫu của Phật giáo Trung Quốc, bởi cả hai đã và đang trở thành một công cụ kiếm tiền. Ở Trung Quốc, những nhà sư làm chính trị hoặc trở thành công cụ chính trị không hề thiếu, đổi lại, anh ta trở thành một nhà sư cộng sản siêu giàu, dựa trên sự lơ là quản lý của chính quyền, sự bành trướng của mê tín và tệ kinh doanh trong chùa, gắn với niềm tin mù quáng của người dân.
Những niềm tin mù quáng như thế này cần phải được loại bỏ bằng một cuộc vận động lớn trong xã hội, nơi mà cuộc cách mạng công nghệ thông tin với số người dùng internet của Việt Nam đã chiếm hơn ½ dân số. Nhưng ngay cả khi dư luận xã hội phê phán, thì quản lý nhà nước không thể đứng ngoài cuộc, do vậy, triệt để siết chặt các hoạt động mê tín dị đoan tại chùa là điều nên làm, trong đó tiến hành kỷ luật hoặc trục suất và buộc hoàn tục những tăng ni có hành vi truyền bá những giá trị không phù hợp với triết lý đạo phật, cố ý lạm dụng tâm lý của người dân để trục lợi.
Không thể để tình trạng CEO (một thuật ngữ về người quản trị kinh doanh) xuất hiện trong chùa như tại Trung Quốc, không thể tiếp tục nhân nhượng tình trạng phát triển du lịch tâm linh một cách ồ ạt như hiện nay làm cho nền tảng Phật giáo nguyên thủy bị suy độ.

Tại sao Phật giáo lại được ưu ái?

Câu hỏi được đặt ra là tại sao Phật giáo lại được ưu ái đến như vậy, đến mức suy thoái về cả giáo lý và đạo đức, nhưng Nhà nước không thể làm mạnh?. Giống như Trung Quốc, trong các tôn giáo tại Việt Nam, Phật giáo được coi là có truyền thống lành tính và dễ dàng chiêu dụ như cách mà hệ thống Nhà nước thời phong kiến được tiến hành (thời Lý, Phật giáo trở thành Quốc giáo), trong khi Nhà nước vẫn coi các thành viên Kito giáo, hay sự mở rộng Kito giáo là một cơ hội để thâm nhập và gây bất ổn nền an ninh quốc gia. Và thực tế, bài học về vai trò của Giáo hội Công giáo trong việc chống lại chính quyền Cộng sản Đông Âu đã khẳng định những nỗi sợ này. Và trong những năm gần đây, các vấn đề liên quan đến phản ứng chính sách, chủ trương nhà nước thì cộng đồng Công giáo vẫn đi đầu, những tôn giáo khác (kể cả Phật giáo quốc doanh) vắng bóng trong dòng chảy này. Sự cưng chiều của Nhà nước, và sự lệ thuộc của Phật giáo đối với Nhà nước được biểu hiện ngay trong lý tưởng của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam: “Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Và đây có thể là một trong những mấu chốt khiến Phật giáo Việt Nam bị chỉ trích ngày càng nhiều, liên quan đến một loạt các vấn đề như thương mại hóa, tham nhũng, sự lạm dụng đức tin người dân để trục lợi.

Việt Nam có thể học theo Trung Quốc?

Tại Trung Quốc, sau sự kiện Shi Xuecheng, 52 tuổi, người đứng đầu Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc và trụ trì của chùa Long Tuyền nổi tiếng ở Bắc Kinh, người đã bị tố cáo quấy rối tình dục các đệ tử qua tin nhắn. Chính quyền Trung Quốc đã đã ra chỉ thị 10 điểm, trong đó nghiêm cấm thương mại hóa Phật giáo, và tất cả nơi thờ tự phải phi lợi nhuận. Cán bộ quản lý địa phương cấm quảng bá, trục lợi từ hoạt động tôn giáo dưới danh nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế. Cấm xây dựng các tượng Phật lớn ngoài trời. Các khoản thu nhập nếu có từ hoạt động tôn giáo chỉ sử dụng cho mục đích từ thiện, bảo trì; và các nhóm tôn giáo phải tuân thủ theo hệ thống thuế, có kiểm toán.
Những nội dung quản lý Phật giáo nêu trên của chính quyền Trung Quốc là thực trạng đang diễn ra tại Việt Nam, liệu chăng chính quyền Hà Nội cần nghiêm túc học tập và chỉnh đốn Phật giáo từ hôm nay, thay vì để xuất hiện một Shi Xuecheng phiên bản Việt Nam?.
H.N.
VNTB gửi BVN.

KHÔNG PHẢI CHẤN CHỈNH, CẦN CÓ CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO

MINH TỰ/ TPO 24-3-2019

TTO - Những ngày này, nhiều tiếng nói có lương tri và trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20.

Cơn nhức nhối từ tục dâng sao giải hạn bị biến thành "dịch vụ tâm linh" rằm tháng giêng ở chùa Phúc Khánh, Quán Sứ chưa nguôi thì đã xuất hiện pháp thỉnh "oan gia trái chủ" ở chùa Ba Vàng. Và, tình hình này có lẽ vẫn chưa dừng lại.
Bởi vì những trò "trục lợi tâm linh" đó không phải mới xuất hiện, mà nó đã trở thành một lễ hội, "lễ hội của ma quỷ", cứ tháng giêng hằng năm lại trỗi dậy quấy phá chùa chiền, làm hại chúng sanh.
Dân tình lại lên tiếng, truyền thông tiếp tục phản ánh, Giáo hội Phật giáo Việt Nam lại "ra văn bản" chấn chỉnh, cơ quan chức năng của Nhà nước lại "vào cuộc".
Nhưng, tháng giêng năm sau vẫn "bổn cũ soạn lại", "lễ hội ma quỷ" vẫn đến hẹn lại lên. 
Đến lúc này thì không một ai có thể tin rằng tháng giêng năm sau chùa chiền sẽ không còn cảnh đau lòng đó nữa. 
Cũng như lúc này ai cũng có thể nghĩ rằng không chỉ có một ngôi chùa Ba Vàng với pháp thỉnh "oan gia trái chủ", mà rất có thể còn những "pháp môn" kỳ quặc hơn đang "hoằng bá" ở trong một hay nhiều ngôi chùa nào đó nữa.
Một vị giáo sư ở Hà Nội nói với báo Tuổi Trẻ rằng tình hình là đang có nhiều Ba Vàng, nếu không giải quyết một cách căn bản thì chỉ là "ném đá ao bèo" và như thế sẽ nguy ngập cho cả Phật giáo lẫn dân tộc.
GS Đỗ Quang Hưng - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo - cho rằng cần phải có một cuộc chấn hưng Phật giáo và những "triệu chứng" nhức nhối hiện nay chính là cơ hội để thực hiện cuộc điều trị căn bệnh "nan y mãn tính" đó.
Trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam cũng đã có lúc thịnh lúc suy, cũng bao lần pháp nạn. Những lúc suy vi như thế, Phật giáo Việt Nam luôn ra đời một cuộc chấn hưng. 
Trong đó, cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20 (bắt đầu từ năm 1920 đến thập niên 1950) được xem là lớn nhất trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. 
Phật giáo từ chỗ là quốc giáo của Việt Nam đã trở nên suy yếu, kéo theo nhiều hệ lụy như: tăng đồ làm điều trái giáo lý nhà Phật, mê tín tràn ngập chùa chiền...
Trước tình cảnh lúc đó, các vị chân tu đã bước ra khỏi chùa để thực hiện một cuộc chấn hưng đạo pháp, cứu vãn Phật giáo nước nhà.
Cuộc chấn hưng được khởi phát từ miền Nam ra miền Trung rồi đến miền Bắc và sau đó lan tỏa khắp cả nước. Bền bỉ qua hơn 30 năm, Phật giáo mới trở lại chính đạo, ngôi chùa đã được trả lại cho tăng chúng và phật tử, và nguyên khí nước Việt mới phục hồi.
Từ đó, cuộc chấn hưng đã lắng xuống thành dòng chảy ngầm, âm thầm tưới tắm cho đạo pháp tươi tốt qua bao khổ nạn của chiến tranh và cả trong hòa bình.
Vì lẽ đó, những ngày này, nhiều tiếng nói có lương tri và trách nhiệm đang đề nghị Phật giáo Việt Nam cần phải thực hiện một cuộc chấn hưng như đã từng thực hiện vào đầu thế kỷ 20.
Chấn hưng, chứ không phải là chấn chỉnh!
MINH TỰ
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
'ĐẠO CỦA TA CHỈ CÓ MỘT VỊ...'

TRƯƠNG KHẮC TRÀ /GDVN 25-3-2019
Albert Einstein từng nói rằng: “nếu có một tôn giáo nào gần nhất với khoa học thì đó chính là phật giáo”. Max Planck cha đẻ của vật lý hiện đại kết luận: “một chút khoa học làm ta xa rời Chúa, nhiều khoa học khiến ta trở về với Chúa”.
Vì vậy, bản thân phật giáo đã là khoa học, mà đến nay không nhiều người có thể hiểu đến căn cội triết lý cao siêu của nó, vì trí huệ đức phật, Jesu đã vượt qua chúng ta rất xa.
Ai từng học, từng đọc phật giáo khởi thủy, hẳn rất bất ngờ với sự phát triển của phật giáo Việt Nam hiện nay. Phải chăng phật giáo ngày nay dường như khôi phục trạng thái cực thịnh như dưới thời Lý, Trần?
Ngày càng có nhiều chùa lớn, nguy nga đồ sộ, sơn son thiếp vàng, Tam Chúc - Ba Sao, Ba Vàng, Bái Đính… phá vỡ hàng loạt kỷ lục về kích thước tầm khu vực và quốc tế; những lễ nghi lạ lùng “dâng sao giải hạn”, “giải vong báo oán”; những kiểu làm kinh tế “BOT trước cổng chùa”, “tranh cãi mức tiền thu cúng giải hạn”…
Kèm theo sau là những con số về mặt tiền bạc, Tràng An đón 10 triệu lượt khách, hái ra 1.000 tỷ đồng; khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao dự kiến đạt 1.700 tỷ đồng doanh thu đến năm 2030…
Có thứ gì đó đang kết hợp với nhà chùa tạo ra ngành nghề mà người ta gọi là “công nghiệp tâm linh”. Đầu tư phải thu hồi vốn và sinh lời, từ đây có nguy cơ đẩy phật giáo ra khỏi khuôn khổ tốt đẹp, là hướng con người đến “buông bỏ” để “giải thoát”.
Triết lý nhà phật cho rằng “đời là bể khổ” - 29 tuổi, có vợ và một con, Thái tử (con vua Tịnh Phạn ở Nepal ngày nay) Tất Đạt Đa từ bỏ chốn vương quyền xuất thân dẫn theo nhiều môn đệ tu học nhiều năm, sau 49 ngày ngồi thiền dưới cây Bồ Đề ông nghiệm ra căn cốt gây dẫn đến khổ não, tìm cách buông bỏ để giải thoát đến cõi Niết bàn.
“Thập nhị nhân duyên” cho rằng có 12 nguyên nhân gây khổ, xuất phát từ “Vô minh”, tức là do u mê, lầm lạc, dẫn con người đến điều xấu xa. Vậy, “vô minh” là bản tánh của con người xuất phát từ hiện thực chứ không phải thần thánh.
Tâm ác, gian xảo, tư thù, tư lợi, chiếm đoạt, dâm dục, chà đạp công lý, tham nhũng, cửa quyền…ấy là “vô minh”, rồi dẫn đến kết quả thương đau như một lẽ dĩ nhiên. Thực tế đời sống không ít sự việc lớn nhỏ diễn ra như thế.
Trong kinh “Tăng Chi Bộ III”, chương Tám Pháp, phẩm Lớn, Đức Phật khẳng định rằng: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
“Giải thoát luận”, giúp con người giải thoát, phổ độ chúng sanh, chiếm phần lớn trong triết lý phật giáo - có thể nói đó là rường cột nhân văn của đạo phật.
Bởi thế, Tất Đạt Đa chủ trương thoát khổ bằng “bát chánh đạo”, giống như tám trở ngại trên con đường tu tập phải vượt qua giúp đạt đến trí huệ “buông bỏ”, không còn “tham, sân, si” sẽ hết khổ ải.
Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Tám bước này - tuyệt nhiên không có bước nào dẫn con người mê tín dị đoan, đặc quánh mùi vật chất, sân si như một số biểu hiện mới đây.
Ví dụ, chánh kiến, tức là con người có hiểu biết đúng đắn, đúng sự thật, phân biệt thiện ác, thật giả, tốt xấu; chánh tư duy là suy nghĩ đúng đắn, chân thành, xét đoán sáng suốt; chánh ngữ là ăn nói đúng mực, không điêu ngoa, lộng ngôn, ác khẩu; chánh mạng là đời sống đúng đắn, mỗi người ở đúng vị trí và chức năng của mình, không hành nghề độc ác, phi pháp…
Nhắc lại để thấy rằng, vướng vào đau khổ là do con người, thoát ra khỏi khổ đau cũng do con người. Tuyệt nhiên không thể phó thác cho thần linh bằng phương tiện vật chất để cứu rỗi tội lỗi do bản thân mình gây ra.
Bất kỳ ai cũng có thể thực hiện “bát chánh đạo”, ấy là tu tại tâm, tại gia, mà không cần chen lấn, xô đẩy, không cần nguy nga, đồ sộ, nghi ngút khói nhang. Mỗi cá nhân đều có thể là phật, nếu biết tiết chế cái tôi cá nhân, sống lương thiện.
Đạo phật đoạn tuyệt với tham sân si, tức là buông bỏ vật chất, tranh giành thấp hèn, ấy thế mà ở nhiều nơi người ta cứ muốn ôm vào mình thật nhiều “vật chất”, những cái “to nhất”, “lớn nhất”, “nhiều nhất”, “hiếm nhất” phỏng có ý nghĩa gì khi chúng sanh không được phổ độ, càng u mê lầm lạc và hủ tục; đạo đức luân lý xã hội ngày một xuống cấp?
Suốt quãng đời 49 năm thuyết pháp độ sanh của Đức Phật Thích Ca, Ngài đã gặp và đã giảng dạy cho không biết bao nhiêu người.
Tùy theo đặc điểm, tùy theo tâm bệnh của mỗi người và thậm chí tùy theo tính chất của vấn đề mỗi cá nhân gặp phải trong những thời điểm khác nhau.
Với người nhiều tham lam thì Phật dạy tu hạnh bố thí, cúng dường; với người nhiều sân hận thì Phật dạy tu tập tâm từ bi; với người nặng lòng luyến ái thì Phật dạy quán bất tịnh; với người nhiều tham chấp thì Phật dạy quán vô ngã; với người thuộc trình độ thấp thì Phật dạy làm phước, tu tập để được sanh lên cõi trời; với người thuộc trình độ cao thì Phật dạy tu tập để vượt thoát sanh tử, những thú vui ở cõi trời, cõi người đều chỉ là giả tạm, ẩn chứa mầm mống của khổ đau… 
Nếu con người ta biết rằng, chính mình gây nghiệp quả cho mình thì không có chuyện phát sinh nhiều hủ tục quái lạ như hiện nay. Đức phật hiển linh chắc sẽ rất buồn vì giáo lý của ngài đang bị lợi dụng; những bậc chân tu cũng chạnh lòng lắm thay!
Nếu những người “góp phần” đẩy chúng sanh vào u mê, tăm tối, liệu họ có cảm thấy “rùng mình” vì đang vô minh và như lý lẽ của họ - họ có sợ bị báo oán?
Đạo phật là khoa học, triết lý của nó được đúc kết qua hàng ngàn năm, trường tồn cùng con người hướng con người đến chân thiện mỹ. Tuyệt nhiên không liên quan đến hủ tục lạc hậu.
Một đất nước muốn phát triển, thịnh vượng, văn minh, hóa rồng hóa hổ phải dựa vào khoa học, kỹ thuật và nhân văn.
Tín ngưỡng sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần ở chiều sâu chứ không phải bao trùm hết thảy thế giới quan con người.
Sở dĩ, thời Lý, Trần đạt đến cực thịnh một phần nhớ phật giáo - không phải vì “nhập thế” theo cách như hiện nay. Phật giáo giúp nước giữ an bờ cõi, giúp an yên dân chúng...
Nhiều nhà sư danh tiếng như Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông, Từ Đạo Hạnh, Giác Hải, Pháp Loa Huyền Quang…đều xuất hiện thời Lý, Trần.
Các vua Lý: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Thần Tông, Anh Tông và nhiều vua Trần: Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông đều biết phát huy đạo phật đúng cách.
Trương Khắc Trà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét