Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2019

20190322. CẢNH BÁO VỀ DỰ ÁN CAO TỐC BẮC-NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC BẮC NAM, CHỚ ĐƯA CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VÀO THÒNG LỌNG CỦA TRUNG QUỐC !

FB HOÀNG HẢI VÂN/ BVN  19-3-2019

hông có mô tả ảnh.

Là người viết nhiều bài phản đối quyết liệt việc giao cho nhà thầu Trung Quốc làm sân vận động quốc gia Mỹ Đình đăng trên báo Thanh Niên từ gần 20 năm trước, nói thật là đến bây giờ tôi vẫn còn cay cú. Chính phủ (thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư và ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng) đã quyết định chọn nhà thầu Trung Quốc trong khi phương án thiết kế của nhà thầu này được đánh giá là kém nhất.
Trong số các công ty tham gia dự thầu, qua các vòng thẩm định, các hội đồng chuyên môn đều chọn nhà thầu Philipp Holzmann của Đức, nhưng cuối cùng thì Thủ tướng lại quyết định chọn nhà thầu HISG của Trung Quốc với lý do nhà thầu này bỏ thầu rẻ hơn chút xíu so với nhà thầu Đức, bằng một thủ thuật sử dụng vật liệu giá rẻ ai cũng thấy, để khi thi công thì đội giá lên.
Mặc dù ông Phan Văn Khải là vị Thủ tướng có công lao đáng ngưỡng mộ trong thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới đất nước, nhưng quyết định này là một dấu trừ dành cho ông. Có lẽ ông đã bị sức ép khó cưỡng. Trong chuyện này ông chỉ có một cái được là đã không bịt miệng báo chí phản đối mình. Tôi còn nhớ, báo Thanh Niên đã phản ứng gay gắt đến mức giật 1 cái tít ở trang 1 “Chính phủ lập hội đồng thẩm định để làm bù nhìn!”, ông vẫn làm ngơ không phản ứng gì.
Tôi dẫn câu chuyện này để cảnh báo rằng, việc Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đã làm việc với Bộ Giao thông đề nghị được làm đường cao tốc Bắc Nam, mặc dù Bộ này tuyên bố dự án này sẽ được đấu thầu quốc tế, nhưng với “tiền sự” nói trên thì khả năng giao cho Trung Quốc là rất có thể.
Nhưng Mỹ Đình là chuyện nhỏ. Một loạt các dự án sau đó, lớn hơn nhiều, ngứa mắt nhất là dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, chỉ 13 km, vốn ban đầu hơn 500 triệu đô la nay đội lên gần 1 tỷ đô la sau 9 năm vẫn chưa làm xong.
Vay ODA của Trung Quốc để làm những dự án như thế, bị áp đặt nhà thầu tư vấn Trung Quốc, nhà thầu thi công Trung Quốc, tàu phải mua của Trung Quốc, các thiết bị chủ yếu phải mua của Trung Quốc. Nói là vay ưu đãi nhưng chỉ tính riêng vốn đội lên từ việc chỉ định thầu và áp đặt mua thiết bị đã vượt xa nhiều lần so với vay thương mại. Chấp nhận sự áp đặt như vậy chẳng khác gì chấp nhận vay nặng lãi, đối với cá nhân thì đưa cái thòng lọng cho xã hội đen siết cổ, còn đối với quốc gia thì đưa một phần chủ quyền vào cái thòng lọng của nước cho vay. Mà đâu phải chỉ mỗi một dự án Cát Linh – Hà Đông. Đẩy gánh nặng vay nặng lãi lên đầu con cháu, đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng của Trung Quốc, ai là tội đồ đây? Nói vay ưu đãi chỉ là lừa đảo, là bên cho vay và bên vay hùa nhau lừa đảo dân ta.
Không riêng gì ODA từ Trung Quốc, ODA từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay bất kỳ nước nào mà áp đặt chỉ định thầu và áp đặt mua sắm thiết bị, đều là vay ưu đãi lừa đảo, mất chủ quyền, nhưng Trung Quốc là nặng nhất.
Đường cao tốc Bắc Nam sẽ là tuyến đường huyết mạch quan trọng nhất của đất nước, không chỉ về kinh tế mà còn về quốc phòng. Nếu đại công trình này giao cho Trung Quốc, đất nước sẽ rơi vào đại họa. Đây không chỉ là cái bẫy nợ nần hàng chục tỷ đô la đè nặng nhiều thế hệ, đây còn là cái thòng lọng thít chặt chủ quyền đất nước không thể thoát ra được trong khi chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc đe dọa hàng ngày.
Ai là những người đi đêm với Trung Quốc xúi bẩy các nhà lãnh đạo biến nhân dân thành con tin của đám xã hội đen cho vay nặng lãi?
Ai ở Bộ Giao thông, ai ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ai ở Bộ Tài chính làm nội gián?
Ai ở bên cạnh các nhà lãnh đạo làm thầy dùi?
Nhà lãnh đạo nào phải chịu trách nhiệm?
Đó là chuyện đã qua, nhưng nhân dân vẫn đang là con tin cho các khoản nợ, cho những công trình thua lỗ, cho những thiết bị hư hỏng, cho những nhà máy đang nằm đắp chiếu.
Tôi dẫn câu chuyện sân vận động Mỹ Đình để thấy rằng ngay cả một công trình không phải là vốn vay của Trung Quốc nhưng Trung Quốc vẫn dễ dàng gây sức ép để giành lấy, huống hồ là một dự án Trung Quốc sẵn sàng bỏ tiền ra cho nợ như cao tốc Bắc Nam.
Và còn điều này nữa. Chúng ta ký Hiệp định Thương mại Việt- Mỹ từ đã hơn hai chục năm, gia nhập WTO hơn chục năm nay, nhưng nhất định không tham gia Hiệp định mua sắm chính phủ của WTO, vì cớ gì?
Không tham gia Hiệp định mua sắm chính phủ, có nghĩa là vẫn giữ sự tùy tiện chỉ định thầu vô tội vạ, vẫn không chịu khép lại cái kênh tham nhũng khổng lồ thông qua chỉ định thầu. Mãi đến khi tham gia Hiệp định CPTPP mới buộc phải chấp nhận quy định mua sắm chính phủ của Hiệp định này trong phạm vi hẹp. Ai đã chỉ đạo trì hoãn việc đó?
H.H.V.
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=2239132802812434&id=100001472083411

CAO TỐC BẮC-NAM, NGUY CƠ BẪY NỢ VÀ THẢM HỌA

FB MẠNH QUÂN/ BVN 18-3-2019

Mấy hôm nay, dân tình lại share mấy bài viết về những hậu quả đã có thể nhìn thấy ngay của dự án đường sắt trên cao (ĐSTC) Cát Linh-Hà Đông.
Nào là đội vốn lên gần tỷ USD, trễ tiến độ cả chục lần, số nợ TQ ngày càng tăng, gần như không có khả năng hoàn vốn...
Những cái này, thực ra so với các báo cáo chính thức, đều chẳng có gì sai.Trong khoảng vài tháng qua, một loạt quốc gia đã hủy bỏ các dự án hợp tác với Trung Quốc trong đó có các dự án qui mô lên tới hàng chục tỷ USD như của Mã Lai, Thái Lan...
Thủ tướng Mã Lai là người lên tiếng mạnh mẽ và có những hành động quyết liệt nhất để gạt bỏ các dự án của TQ. Ông cho rằng, TQ thực sự có ý đồ tạo nên những bẫy nợ ở nhiều quốc gia mà nước này đầu tư (google ra nhiều lắm).
Việt Nam thì rõ, không tránh khỏi một âm mưu tương tự mà dự án tiêu biểu nhất chính là ĐSTC Cát Linh-Hà Đông.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN từng nói: Đằng sau sự cố tình làm kém, làm chậm trễ ở những dự án có tầm quan trọng quốc gia như thế này - ĐSTC Cát Linh-Hà Đông, là âm mưu làm giảm sức cạnh tranh của Việt Nam.
Khối người vẫn lên tiếng nói rằng, TQ là đất nước vĩ đại, nó đã và đang vượt xa VN, đừng ngồi đó mà chửi nó, học nó đi; rồi thì TQ làm đường xá, công trình cũng tốt cả, chẳng qua mấy ông quan lại VN vòi hoa hồng rồi lựa chọn nhà thầu, công nghệ không ra gì thì hãy tự soi mình trước đi...
Nói thế cũng đúng. TQ quả là vĩ đại, giỏi giang. Nhưng cơ bản TQ nó chỉ làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước của họ thôi, và thải ra, mang qua những nước khác tất cả những thứ cặn bã, lạc hậu của họ...
Việt Nam có lẽ là một trong những nước hứng những rác thải công nghệ, máy móc... lạc hậu nhất của TQ. Đó là những dây chuyền sản xuất nhiệt điện, sản xuất ethanol, dệt may, xi măng, đường... mà hậu quả chúng ta đều đã thấy ở hàng loạt công trình, dự án đã thua lỗ hoặc phá sản với qui mô cộng lại chắc đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng, như Dự án Đạm Ninh Bình (700 triệu USD), 4 dự án Ethanol đã phá sản... và đỉnh cao đang là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, không biết bao giờ mới vận hành.
Và trong lúc đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang có kế hoạch xây dựng với qui mô hàng tỷ USD, mà có ông quan chức nào đó nói rằng, rất có khả năng TQ sẽ lại trúng thầu.
Nếu câu chuyện đó xảy ra, đó có nguy cơ là thảm họa- bẫy nợ lớn nhất mà VN có thể sẽ rơi vào. Mong người ta sẽ nhìn lại hết tất cả các dự án, công trình mà TQ được làm trên đất VN này và cả nhiều quốc gia khác để mà tỉnh ngộ.
M.Q.
Nguồn: https://www.facebook.com/manh.quan.14/posts/10157317446709824


NÓI 'KHÔNG' VỚI ĐƯỜNG SẮT HÀ KHẨU-LAO CAI-HẢI PHÒNG

NGUYỄN NGỌC CHU/ BVN 18-3-2019

rong hình ảnh có thể có: tàu hỏa và ngoài trời
1. Trong các lĩnh vực GTVT của Việt Nam, đường sắt là lĩnh vực tồi tệ nhất, chậm thay đổi nhất so với hàng không và đường bộ. Sau 44 năm kể từ khi thống nhất, đã không làm được điều gì mới đáng nói, lại còn phá mất tuyến đường sắt độc đáo Phan Rang – Đà Lạt, mà nếu làm lại thì tốn không biết bao nhiêu công sức tiền của.
2. Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40 548 km2 và dân số 18,5 triệu người. Tăng trưởng GDP của Miền Tây Nam Bộ cao hơn bình quân cả nước. Vậy mà hiện nay Miền Tây Nam Bộ không có tuyến đường sắt nào! 74 năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1 mét đường sắt nào ở Miền Tây Nam Bộ.
3. Trong khi đó, Miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội.
4. Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến Lào Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.
Như vậy, nhìn tổng quát GTVT Miền Tây Bắc và Đông Bắc vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất.
5. Cấp thiết bậc nhất là tuyến HCM – Hà Nội và Miền Tây Nam Bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc, Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam Bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc.
6. Trong khi Miền Tây Nam Bộ chưa có tuyến đường sắt nào, thì Bộ GTVT lại khởi động dự án đầu tư mới tuyến đường sắt Lao Cai – Hải Phòng khổ 1.435 mm, mặc dù đã có sẵn tuyến đường sắt khổ 1.000 mm. Tư vấn Trung Quốc đề xuất làm tuyến mới khổ 1.435 mm, chứ không phải cải tạo mở rộng tuyến đường sắt cũ 1.000 mm.
Theo ông Vũ Quang Khôi - Cục trưởng Đường sắt Việt Nam cho biết thì đơn vị ông đang phối hợp với tư vấn Trung Quốc nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai, và 392 km tuyến Lao Cai - Hải Phòng. Trung Quốc cho vay 10 triệu nhân dân tệ để nghiên cứu tuyến đường này.
Còn tại cuộc họp đầu tháng 3 với tư vấn Trung Quốc, thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu tư vấn Trung Quốc làm rõ quy mô, tổng mức đầu tư, lộ trình xây dựng tuyến đường, phạm vi khu vực đầu tuyến kết nối với Trung Quốc...
7. Rõ ràng Trung Quốc trực tiếp thúc ép đầu tư tuyến đường sắt mới Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Trung Quốc đã và đang hà hơi phép màu kinh phí. Trung Quốc đang đưa con mồi kinh phí làm ảo thuật. Tài trợ cho nghiên cứu khả thi và tư vấn. Tiếp đến là cho vay ưu đãi và ân hạn để xây dựng đường sắt, mua tàu và các phương tiện kỹ thuật với “giá ưu đãi”.
Chỉ có điều, vài % ưu đãi và mấy năm ân hạn không tài nào gánh nổi “giá ưu đãi” đã thổi lên gấp 2,3 lần. Cây chưa trồng mà đã nhận quả đắng.
8. Chúng ta hãy nói “KHÔNG” với Trung Quốc về tuyến đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Trong khi kinh phí không đủ, phải đi vay tứ tung, thì hãy tập trung nguồn lực làm đường sắt khổ 1.435 mm cho tuyến HCM – Hà Nội và tuyến Cần Thơ – HCM, chứ dứt khoát chưa thể là Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Chúng ta không thể vay tiền của Trung Quốc, chịu gánh nợ cả gốc lẫn lãi, rồi để làm đường sắt cho Trung Quốc trên lãnh thổ nước ta.
Đất Nước đang gánh chịu những đòn tàn phá nặng nề. Những Formosa Kỳ Anh, những gang thép Thái Nguyên, những đường sắt Hà Đông - Cát Linh … hàng ngàn mũi dao đang xẻ đâm Đất Nước.
Đất Nước chưa cần đường sắt Hà Khẩu – Lao Cai – Hải Phòng.
Đất Nước không cần đánh đổi sự tăng trưởng GDP bằng tai họa.
Cháu con không cần cha anh phải đi vay mượn. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Đừng nhân danh phát triển kinh tế, đừng nhân danh hợp tác quốc tế, đừng nhân danh vì tương lai con cháu mà chuốc lấy tai họa.
Để lại gánh nợ tai họa cho đời sau thì đến thần linh cũng khó ân xá.
P/S: Tuyến đường sắt Mỹ Tho - Sài Gòn dài 70 km, xây dựng năm 1881 nhưng đã ngừng hoạt động từ năm 1958.
  

N.N.C.
Nguồn: https://www.facebook.com/chu.nguyenngoc/posts/1572168409583250


NẾU TRUNG QUỐC LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC Ở VIỆT NAM THEO KIỂU 'CÒN ĐẢNG-CÒN MÌNH'...

NGUYỄN HỒNG PHÚC/ BVN 23-3-2019

“Ông, bà nghĩ sao nếu mai đây Hà Nội đồng ý để Trung Quốc bỏ vốn làm đường cao tốc đi suốt chiều dài đất nước Việt Nam?”, là câu hỏi trong một khảo sát ‘bỏ túi’ tại Sài Gòn của người viết.
 
https://3.bp.blogspot.com/-6k_l5qJ0xPU/XJUP9r3O6WI/AAAAAAAABVY/t_6kWq5LmkklxaeiEKP-CjKHPpxdhOfBgCLcBGAs/s640/caotoc_vjnm.jpg
 
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông sẽ nối tiếp cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được đưa vào khai thác

“Họ sẽ làm trong bao lâu, có tốt như Đại Hàn không?”

Đó là câu hỏi ngược lại của ông Nguyễn Văn Sang, cựu quân nhân Binh chủng Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông kể sau Tết Mậu Thân 1968, lính Đại Hàn đã làm làm đường vành đai bảo vệ Phi trường Tân Sơn Nhất và Sài Gòn trong hai năm 1969-1970. Họ làm nhanh và con đường này vẫn tốt cho đến tận hôm nay. Xa lộ Đại Hàn là con đường quan trọng nối liền miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ. Trước năm 1975, con đường này không hề có thu phí BOT như bây giờ.
Đầu năm 1960, ở Sài Gòn có xa lộ Biên Hòa dài 31 cây số, rộng 21 mét. Việc thi công do nhà thầu RMK-BRJ của Mỹ phụ trách từ năm 1959 đến ngày 28-04-1961 thì hoàn thành xa lộ Biên Hòa. Đơn vị này đặt đại bản doanh tại một ngã tư trên xa lộ, người dân sau này quen gọi thành ngã tư RMK, hiện tại thuộc Quận 9. Tôi nghĩ rằng tại sao chúng ta không mời người Mỹ sang đây làm đường cao tốc Bắc - Nam?”. Ông Nguyễn Văn Sang, thắc mắc.

Bài học nào từ đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Tôi không tin bất kỳ nhà thầu, hoặc tổng thầu nào đến từ Trung Quốc. Có thể tôi định kiến về họ. Song bài học nhãn tiền về tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là quá đủ để hình dung ra tất cả những dối trá mà nhà đầu tư hạ tầng đến từ Trung Quốc đã gây ra cho Việt Nam. Hơn nữa, quân đội của họ đang tiếp tục xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, thì cớ gì ta lại rước họ vào để làm đường sá tại Việt Nam, nhất là hệ thống xương sống chạy dài xuyên Việt là cao tốc Bắc - Nam?”. Ông Nguyễn Minh Hùng, giáo viên Anh văn của một trung tâm tại quận 3, Sài Gòn, bày tỏ quan điểm.
Dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dài 13,05 km, được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Trung quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc. Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án tại quyết định số 3136/QĐ - BGTVT ngày 15-10-2008. Tính từ thời điểm khởi công đến nay, dự án trải qua gần 7 năm thi công và vẫn chưa hoàn thành. Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc là tổng thầu EPC của dự án này[*].

Những công ty nào của Trung Quốc đang là ‘bình phong’ tại Việt Nam?

Phản đối việc doanh nghiệp Trung Quốc tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam, theo góc nhìn của ông Nguyễn Thọ, cựu trinh sát Sư đoàn 5, Quân khu 7, “cần phải có cảnh báo mạnh mẽ hơn nữa về những doanh nghiệp bình phong của Trung Quốc tại Việt Nam”.
Ông Nguyễn Thọ nói rằng một khi đồng ý doanh nghiệp Trung Quốc được đầu tư làm đường cao tốc Bắc - Nam, thì quá trình khảo sát địa tầng, họ có thêm dịp để cài cắm sâu hơn hệ thống chân rết của họ tại Việt Nam. Họ cũng thêm dịp để biết tường tận hơn các vị trí địa lý hiểm yếu về quân sự trên đất nước Việt Nam.
Công ty Hasan đặt trong khu dân cư phường Bình Hưng Hoà B, quận Bình Tân, TP.HCM là doanh nghiệp bình phong cho trùm ma túy người Trung Quốc, mà công an vừa đánh án hôm 20-3, cho thấy cần cảnh báo mạnh mẽ hơn về chiêu thức lũng đoạn kinh tế, đầu độc người Việt Nam của Trung Quốc.
Trên biển, họ đã bất chấp để tấn công tàu cá của người Việt. Hai cuộc chiến tranh biên giới ở phía Bắc và Nam vừa qua chưa đủ giúp chúng ta thêm sáng mắt về Trung Quốc hay sao?. Từng là một người lính, tôi phản đối rước những kẻ đang là giặc xâm lược biển đảo của Việt Nam về làm con đường cao tốc Bắc - Nam”. Ông Nguyễn Thọ bức xúc nói.

Chính phủ có chịu tiếp thu các phản biện?

Tôi nghĩ rằng các phản biện về chuyện nhà thầu Trung Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, là nghe đầy lỗ tai. Dân chúng phản đối nhà thầu Trung Quốc bằng cảm tính cũng đăng tải tràn ngập trên các trang cá nhân mạng xã hội. Vấn đề chính là vị đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam có đủ dũng khí thoát khỏi sự đe dọa đô hộ của Trung Quốc hay không? Tôi lo lắng về điều đó, vì nếu vẫn giữ nếp nghĩ kiểu ‘còn Đảng - còn mình’, thì chắc chắc Việt Nam đành phải tiếp tục lệ thuộc vào đảng cộng sản Trung Quốc.
Tôi cũng hiểu về sự mềm dẻo trong sách lược đối ngoại. Vậy thì tại sao Việt Nam không mạnh dạn dựng lên những hàng rào kỹ thuật, và chấm dứt ngay cái lệ nhũng nhiễu đòi phần trăm hoa hồng khi đàm phán các hợp đồng kinh tế với nhà đầu tư. Chính phủ nếu chịu nghe những phản biện đa chiều, chấm dứt việc duy ý chí kiểu ‘còn Đảng - còn mình’ thì mới hy vọng rằng dù có là nhà thầu quốc tịch nào đi nữa, chúng ta vẫn đường hoàng có những xa lộ Biên Hòa, xa lộ Đại Hàn như ở miền Nam trước đây!”. Một nhà báo đề nghị không nêu tên, diễn giải như vậy.
N.H.P.
__________
Chú thích:
[*] Hợp đồng tổng thầu EPC, tên đầy đủ là Hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (tiếng Anh: Engineering Procurement and Construction), là một loại hợp đồng xây dựng mà nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư.
VNTB gửi BVN.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét