Thứ Bảy, 2 tháng 3, 2019

20190302. BÀN VỀ CHỈ THỊ 28 /CT-TƯ CỦA BAN BÍ THƯ TƯ ĐẢNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẢNG VIÊN THẾ NÀO SẼ BỊ THANH LỌC ?

NHẬT MINH/ GDVN 1-3-2019

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc trao đổi với phóng viên. Ảnh: Đỗ Thơm
Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, việc sàng lọc để đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng là công việc thường xuyên từ khi Đảng ra đời đến nay.
Các thời kỳ cách mạng trước đây, giai đoạn kháng chiến, xây dựng đất nước, Đảng vẫn luôn làm việc này.
Song song với việc siết chặt, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới thì đồng thời cũng phải đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách.
Trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc viết năm 1947, Bác cũng đã nói điểm này rất rõ, đó là phải đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tiêu chuẩn, tư cách.
Thời điểm này cũng thế, khi chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4  khoá 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ
“Thực tế có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến tự chuyển hoá.
Theo tôi là phải tập trung vào bộ phận đó để làm rõ, sàng lọc xem anh nào có thể giáo dục sửa chữa.
Anh nào không đủ tư cách, không đủ năng lực làm việc, tư cách đạo đức, uy tín trong quần chúng, trách nhiệm nêu gương không rõ, không phải là tấm gương cho quần chúng thì cần sàng lọc”, Phó Giáo sư Phúc nêu.
Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nhấn mạnh, Bác Hồ thường nhắc câu: “Đảng viên đi chước, làng nước đi sau” để nhấn mạnh vai trò tiên phong của đảng viên trong xã hội.
Vì vậy, những cán bộ có dấu hiệu trên phải xem xét rất là cẩn thận, phải xử lý nghiêm, dù đảng viên đó là ở cấp nào.
“Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng còn khai trừ cả vị từng là Ủy viên bộ chính trị (ông Đinh La Thăng), thì tôi tin việc sàng lọc nhất định sẽ được làm mạnh mẽ ở tất cả các cấp.
Rà soát đảng viên ở các vị trí từ cán bộ nắm giữ các vị trí trong chính quyền, công tác Đảng, công tác đoàn thể, mặt trận, vị không đủ tư cách, không đủ phẩm chính trị, không đủ đạo đức, không đủ tiêu chuẩn làm việc, uy tín không có,… phải kiên quyết đưa ra khỏi Đảng.
Chúng ta làm tốt được việc này chính là chỉnh đốn Đảng. Việc chỉnh đốn Đảng rất là quan trọng, nhất là chỉnh đốn về tổ chức”, Phó Giáo sư Phúc nhấn mạnh.
Việc này làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch, cán bộ là những người ưu tú, đủ tin cậy để có thể đưa sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước tiến lên mạnh mẽ trong thời kì mới.
Nhận định việc sàng lọc là cần thiết nhưng theo Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, công việc này đòi hỏi một cách làm rất là thận trọng, bài bản.
Vì nó đụng đến con người, đến đời sống chính trị, uy tín chính trị của mỗi người cán bộ đảng viên.
“Làm thận trọng nhưng phải nghiêm và cứ theo tiêu chuẩn mà làm từ dưới trở lên, từ chi bộ, đảng bộ cơ sở trở lên.
Thực sự phát huy hiệu quả của phê bình, tự phê bình trong Đảng theo giải pháp mà hội nghị Trung ương 4 khoá 12 đã nêu.
Nếu chúng ta làm tốt điểm này, cùng với các vấn đề khác như xây dựng Đảng về chính trị, về tư tưởng, đạo đức thì sẽ nhất định làm cho bộ máy của Đảng ngày càng trong sạch, mạnh hơn.
Từ đấy nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, năng lực cầm quyền của Đảng tương xứng với đòi hỏi nhiệm vụ mới”, ông Phúc khẳng định.
Theo ông, mấu chốt để sàng lọc chính xác vẫn là trong nội bộ, chi bộ, Đảng bộ, rồi từ cấp uỷ, các tổ chức Đảng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mỗi đảng viên.
“Tất nhiên việc phê bình và tự phê bình trong nội bộ không phải dễ thực hiện, có cán bộ vi phạm, nội bộ biết nhưng nói ra cũng không phải dễ đâu.
Bởi tâm lí người Việt Nam là rất hay vĩ hoà di quý. Anh không động đến tôi, anh không nói tôi, tôi cũng không nói anh”, ông Phúc nói.
Chính vì vậy, nó đòi hỏi trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân của mỗi đảng viên.
Tinh thần thẳng thắn trong mỗi cán bộ Đảng viên. Ở đây cũng đòi hỏi bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ Đảng viên.
Và theo Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, việc sàng lọc cũng nên gắn với việc tự nguyện, tự đồng chí cảm thấy mình không còn đủ tư cách, năng lực thì cũng có thể rút lui.
Không cần thiết phải lôi nhau ra kiểm điểm thế này thế khác, có khi người ta tự thấy không xứng đáng thì cho người ta tự rút lui, tự từ chức.
Nhật Minh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
BÀN VỀ MỘT CHỈ THỊ CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 28-1-2019

Đó là  Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Tôi vô tình biết chỉ thị này, tìm hiểu xem sao, và thấy buồn cười, đành viết vài câu bàn luận để may ra có ai tìm thấy được trong đó vài ý đúng hoặc sai nào đấy.
Nội dung chỉ thị gồm có phần đánh giá tình hình đảng viên hiện tại và đề ra 7 nhiệm vụ. Về tình hình, chỉ thị  đặc biệt chú ý đến các mặt yếu kém và nhận định: “Những khuyết điểm, yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Tóm tắt 7 nhiệm vụ như sau :
1-Nâng cao nhận thức; 2- Chấn chỉnh công tác kết nạp; 3- Tăng cường công tác quản lý, giáo dục; 4- Kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; 5- Tăng cường giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức; 6- Có kế hoạch quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc;  7- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Chỉ thị này góp thêm số lượng các văn bản  nhằm làm cho Đảng trong sạch và vững mạnh. Văn bản loại này đã có nhiều lắm. Thế nhưng nội dung của chỉ thị 28 chẳng có gì mới, chỉ là nhắc lại những điều cũ, những thứ nhàm chán, có rất ít giá trị.
Một điều rất quan trọng là nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Mục đích là điều cần hướng tới, cần đạt được, còn phương tiện là cái dùng để đạt mục đích, nó là tạm thời. Một việc làm có mục đích trước mắt là AB nào đó, rồi AB trở thành phương tiện để đạt mục đích CD, tiếp theo CD trở thành phương tiện nhằm tới mục đích EF v.v. ..Việc làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, suy cho cùng chỉ là tạo phương tiện để Đảng nhằm mục đích khác, cao hơn. Vậy mục đích cao hơn đó là gì.
Phải chăng Đảng cho rằng cần lấy lại niềm tin của dân, để củng cố vai trò lãnh đạo và cầm quyền, từ đó sẽ theo một trong 2 hướng sau: Hướng 1- Để  thực thi Chủ nghĩa Mác Lê (CNML), xây dựng CNXH; Hướng 2- Để xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân.
Có ý kiến cho rằng cần theo hướng 1 để thực hiện hướng 2. Tôi không tán thành.
Nếu theo hướng 1 thì cách gì rồi cũng thất bại, chẳng những không xây dựng được CNXH theo tuyên truyền mà cũng không thể nào lấy lại được lòng tin của dân, không thể nào làm trong sạch được nội bộ. Vì sao vậy? Vì đó là con đường trái với Đạo Trời, không hợp Lòng Người. Nó chỉ mang lại cho một vài nhóm nhỏ những quyền lợi to lớn so với những điều mà đại đa số dân chúng được hưởng hoặc những tai họa mà họ phải chịu. Ngoài ra, theo hướng 1 phải chăng chỉ là để thỏa mãn sự cuồng tín của những kẻ u mê, quá tin vào học thuyết CNML, một học thuyết chứa nhiều độc hại, đã bị từ bỏ ở nhiều nơi, đang trên con đường sập đổ.
Khi xem CNXH như một thứ cần đạt được là nhầm giữa phương tiện và mục đích. Trong sự phát triển của nhân loại, ngay cả khi có chủ nghĩa nào tỏ ra tốt đẹp chăng nữa thì chỉ nên xem đó là phương tiện để vươn tới mục đích cao hơn là tự do và hạnh phúc của toàn dân. Nếu xem CNXH là mục đích thì đã phạm sai lầm về nhận thức và dẫn tới những chủ trương và hoạt động sai quy luật. Huống hồ, khi CNML và CNXH đã phơi bày nhiều độc hại mà vẫn cứ cố xem là mục đích, cố kiên trì thì sự sai lầm càng tích lũy.
Một hiện thực là trước đây có nhiều đảng viên (ĐV)  tốt, ưu tú còn bây giờ có rất nhiều ĐV kém phẩm chất. Từ đây có 2 nhận thức nhầm. Một cho rằng Đảng trước đây tốt hơn Đảng bây giờ. Hai cho rằng có hiện tượng trên là do một số ĐV thoái hóa, biến chất. Tôi nghĩ, khi đánh giá  một đảng chính trị thì phải căn cứ vào mục đích họ hướng tới, vào chủ thuyết mà họ theo, vào đường lối của họ. Nếu vậy thì Đảng CSVN trước đây và bây giờ giống nhau về mục đích là CNXH tiến lên CNCS, và học thuyết CNML Trước đây Đảng đấu tranh cho độc lập và thống nhất chỉ  là nhằm tạo phương tiện để nắm quyền độc tài, để tự do thực thi CNML. Khác nhau cơ bản chỉ ở chất lượng ĐV.
Sự khác đó, sự xấu đi đó là do đảng và CNML tạo ra. Môi trường xã hội chính trị trước đây làm sản sinh nhiều người tốt, có lòng yêu nước cao, họ vào đảng là để đấu tranh cho độc lập, họ mang theo vào đảng những đức tính tốt vốn có. Nhìn vào những ĐV  đó nhiều người lầm tưởng là sự tốt của Đảng.  Nhưng rồi đảng đã nhào nặn, khống chế họ, buộc họ đi theo CNML làm cho số đông phải phục tùng và số ít chống lại. Họ chống lại vì nhận ra rằng CNML có nhiều độc hai, theo nó sẽ mang lại nhiều tai họa cho dân tộc và nhân loại.
Để đảng CS trở thành một “Giai cấp mới” người ta làm đồng thời 2 việc : 1- Tạo đặc quyền đặc lợi cho số đông ĐV; 2- Ra sức tuyên truyền về vinh dự vô cùng lớn lao khi được vào đảng (sự tuyên truyền này là rất mạnh vào những năm 1954 đến 1975). Hai điều trên cùng với sự độc tài toàn trị đã làm giảm sút hoặc biến mất khỏi đảng những người có phẩm chất cao quý, làm xuất hiện khá đông những kẻ cơ hội, thiếu trung thực mà lắm chước quỷ mưu ma, chúng tìm mọi cách vào đảng để có được quyền lợi và vinh dự. Như vậy hiện nay có nhiều ĐV kém phẩm chất thì sự kém đó phần lớn không phải mới sinh ra mà đã có sẵn trong CNML, đã ẩn giấu sẵn trong từng con người cơ hội. Khi những người đó nắm được quyền lực thì sự xấu xa có dịp hoành hành.
Nên đặt vấn đề, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh để  đi tiếp theo hướng 2: Xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại tự do hạnh phúc cho toàn dân. Phải thấy rằng CNML, CNXH chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Mà phương tiện, khi tỏ ra không còn thích hợp thì cần thay đổi. Tiếc mà làm gì. Vì tiếc công sức đã bỏ ra để đi theo con đường sai chỉ chứng tỏ sự ngu muội. Trước hết cần đổi mới nhận thức .
Nếu cứ kiên trì CNML thì chắc chắn thất bại, nhưng nếu ĐCSVN chỉ muốn làm trong sạch  để củng cố và kéo dài sự cầm quyền thì vẫn có thể làm được khi biết tuân theo Đạo Trời và hợp Lòng Người. Trước đây ĐCSVN là đảng lãnh đạo làm cách mạng. Hiện nay ĐCSVN là đảng chính trị cầm quyền. Nếu từ bỏ CNML, theo cách tổ chức và đường lối của một đảng chính trị cầm quyền  thì việc làm trong sạch đảng không có gì khó, không cần mất công, tốn của ra nhiều nghị quyết và chỉ thị để rồi chúng nhanh chóng biến thành hàng hóa của đồng nát.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét