Thứ Hai, 18 tháng 3, 2019

20190318. BÌNH LUẬN VỀ VỤ KỶ LUẬT TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ MỘT TRÍ THỨC NHƯ THẾ TRONG ĐẤT NƯỚC NÀY

MẶC LÂM /Blog VOA 10-3-2019

Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Trang Facebook của ông Trần Đức Anh Sơn. 1/3/2019
Sau Giáo sư Chu Hảo, bây giờ tới lượt nhà nghiên cứu Biển Đông, TS Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng. Bản tin từ báo chí trong nước cho biết TS Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, vừa bị Thành ủy Đà Nẵng khai trừ khỏi Đảng hôm 7/3/2019. Đặc biệt là tin này không làm cho ai ngạc nhiên mà thậm chí rất nhiều người tỏ ra phấn khởi, vui mừng.
Trên trang facebook riêng của mình, TS Trần Đức Anh Sơn bình thản cám ơn người hâm mộ, bạn bè trong và ngoài nước của ông khi nghe tin. Không một lời biện bạch, phân giải hay xúc động ông chỉ bình thản cho rằng mình đang hạnh phúc, hạnh phúc vì được trở về với chính mình.
Khác với nhiều người hoạt động cho dân chủ, nhân quyền TS Sơn tuyên bố thẳng thừng ông là một nhà khoa học, một sử gia và không phải là người hoạt động chính trị. Ông bị khai trừ đảng với lý do giống như nhiều người khác: do viết, đăng tin, bài trên Facebook, mà chính quyền cáo buộc là sai sự thật…. không đúng với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Việt Nam trên mạng xã hội.
Trong vai trò Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng TS Trần Đức Anh Sơn nhiều lần trả lời những vấn đề hóc búa về Hoàng Sa hay Trường Sa cho các đài phát thanh ngoại quốc. Sự thẳng thắn của ông chỉ gói gọn trong một mục đích: trả lại cái gì của Caesar và đừng vin vào bất cứ lý do gì để biện minh hành động trí trá của mình. Từ năm 2009 khi nhận trách nhiệm với Viện Nghiên cứu phát triển, TS Sơn không ít lần gây đau đầu cho chính quyền Đà Nẵng khi đòi công bố bản đồ mà ông phát hiện được chứng tỏ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ông nhiều lần tổ chức kỷ niệm ngày mất Hoàng Sa tại Đà Nẵng và không ít lần bị cảnh cáo từ Thành ủy.
TS Trần Đức Anh Sơn là người “ăn cơm đảng mà lại chống Tàu”, không những chống trên mặt trận báo chí và mạng xã hội ông còn bỏ công sức nhiều năm ra để thu nhặt các bản đồ quý giá nhiều nơi trên thế giới để chống lại mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh. Quan niệm của ông là nhà nước phải công bố những bản đồ này và dùng nó trong việc kiện Trung Quốc đề đòi lại chủ quyền biển đảo như Philippines đã làm và thành công.
Tuy nhiên, Việt Nam không phải là Philippines nên nỗ lực của ông không thực hiện được. Trả lời nhà báo Mike Ives của tờ New York Time TS Trần Đức Anh Sơn gay gắt cho rằng “Các nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam là những người nô lệ của Bắc Kinh, đó là lý do tại sao chúng tôi có rất nhiều tài liệu vẫn còn nằm trong bóng tối”.
Gọi ông là “người săn bản đồ”, New York Times cho rằng trong số các học giả Việt Nam nghiên cứu về các yêu sách lãnh thổ của chính phủ về vấn đề Biển Đông, Tiến sĩ Sơn là một trong những người nổi bật nhất. Ông từng bỏ tiền túi ra để sang các nước mà ông nghĩ có lưu giữ những tấm bản đồ ghi nhận Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong lãnh hải Việt Nam và bộ sưu tập của ông tuy có giá trị nhưng Việt Nam không hài lòng vì ông muốn dùng chúng như những bằng chứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.
Theo New York Times thì ông là người xuất thân từ nghèo khó, cha của ông đã bị giết chết vào năm 1970 trong khi chiến đấu cho miền Nam Việt Nam, TS Sơn đã vươn lên bằng sự kiên trì và lòng hiếu học. Ông là một nhà sử học và luôn trung thành với những dữ liệu chính xác và đáng tin cậy. Từ cách nhìn của người hoạt động ghi lại lịch sử ông đã lặn lội tới Nhật để tiếp tục nghiên cứu và trình luận án tiến sĩ. Thành công này giúp ông thực hiện giấc mơ nóng bỏng của một trí thức muốn đóng góp cho quê hương bằng chính sở học của mình.
Sự nguy hiểm của Trung Quốc đối với giấc mộng thôn tính Việt Nam đã khiến ông mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội ngưng lại việc thông qua Luật Đặc Khu mà theo ông nó sẽ là bàn đạp để Việt Nam nằm gọn trong vòng tay kiểm soát của Trung Quốc. Bức thư ngỏ gửi 496 vị đại biểu Quốc Hội của ông có lẽ là một sản phẩm lạ lùng nhất từ trước tới nay khi ông không rào đón mà thẳng thắn cho rằng:
…“Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai: vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ và đại diện chính quyền các cấp (hành pháp); vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, lại vừa là những "mắc xích ngầm" của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này để bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình.”…
Không đề nghị, không yêu sách và không thỏ thẻ, ông ngắn gọn như một tuyên bố thách thức kẻ nào trong số 496 đại biểu ấy dám bấm nút thông qua:
…”Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn lịch sử hiện tại của nước nhà để lưu lại cho đời sau.
Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA “dự luật đặc khu” vào ngày 15/6/2018 để chép lại và lưu truyền cho các thế hệ sau.”
Trần Đức Anh Sơn bị khai trừ đảng là điều dễ hiểu vì vai trò chức trách của ông khá lớn để làm cho Trung Quốc phải nghĩ cách đối phó nếu tiếp tục ý đồ xem Biển Đông là ao nhà và đường lưỡi bò 9 đoạn không thể nào tranh cãi. Nổ lực của Trần Đức Anh Sơn nếu được người dân khắp nơi biết ơn thì ngược lại lãnh đạo sẽ không bao giờ chấp nhận có một đồng chí chống bạn bè mình như thế. Bi kịch đối phó với Trung Quốc tuy xảy ra quá nhiều nhưng công trình dài hơi đầy tâm huyết của một nhà khoa học như TS Trần Đức Anh Sơn càng làm bóng tối che khuất sự thật mỏng đi cho tới ngày ánh sáng tràn vào xóa tan mọi lấp liếm, ngụy tạo và độc đoán của ngày hôm nay.

ÔNG TRẦN ĐỨC ANH SƠN BỊ KHAI TRỪ HAY 'TRÍ THỨC LÀ CỨT' LÀ CÓ THẬT ?

HOA NGHI/ VNTB/ BVN 10-3-2019
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra.
Ông Trần Đức Anh Sơn
Kỷ luật trong ĐCSVN có nhiều mức độ, và càng ngày nó càng khiến người dân biểu lộ những cảm xúc đầy tính liên quan.
Có những kỷ luật khiến người dân phẫn nộ, vì mức độ kỷ luật nhẹ trong khi vi phạm nặng, có những kỷ luật khiến người dân càng tôn trọng người bị kỷ luật hơn. Ví như trường hợp Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, ông Trần Đức Anh Sơn, bị Ủy ban thường vụ thành ủy ra quyết định kỷ luật vì “đã viết, đăng tin, bài sai sự thật, không đúng với quan điểm của Đảng,… trên mạng xã hội” (vào ngày 08- 3- 2019).
Ông Nguyễn Lương Thịnh, một người bạn với ông Trần Đức Anh Sơn đã chia sẻ trên Facebook cá nhân rằng, ông Sơn “chọn vị trí là Nhà Khoa học để bảo vệ và phát triển các thành quả nghiên cứu, thay vì nhận các chức danh do Đảng phân công, trong đó phải chấp hành nghị quyết của tổ chức về đề tài và biên độ nghiên cứu.” Và ông Sơn “đã chủ động” thông báo quyết định của mình trước khi cơ quan báo chí của Đảng loan tin (thực tế cho thấy, ngày ông “về với Nhân dân” được đăng tải trên Facebook là ngày 18/02/2019.)
Bị kỷ luật nhưng được hoan nghênh: vì sao?
Càng ngày, những bản án kỷ luật nhắm vào những người trí thức thực sự (những người đang là đảng viên nhưng lại phát ngôn hoặc hành động trái với quan điểm và chủ trương của đảng) lại được người dân hoan nghênh. Bởi câu chuyện của ông Sơn khá giống ông Chu Hảo, khi cả hai dám lên tiếng chỉ ra cái “sai của Đảng”, và đánh giá về các sự kiện – hiện tượng trong xã hội theo quan điểm thẳng thắn của một sĩ phu đau lòng trước thời cuộc.
Trên Facebook của ông Sơn, có những bài đăng tải liên quan đến Biển Đông, và chủ quyền bị giành giật bởi Trung Quốc; bài về vấn đề Trung Quốc “thọc gậy” thượng đỉnh Mỹ - Triều,… Ông cũng từng chia sẻ thẳng thắn trên Facebook về vấn đề chiến tranh Biên giới 1979 bằng luận điểm: Lịch sử muốn phản ánh đúng sự thật, còn chính trị chỉ muốn sự thật được phản ánh đúng lúc. Đáng buồn là chính trị luôn thắng lịch sử.
Nhà báo, Facebooker Chu Vĩnh Hảo cũng đón nhận tin ông Sơn bị khai trừ bằng cảm giác “rất vui”, bởi ông tin rằng, “là một học giả, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhất thiết phải coi trọng tính độc lập của các tiểu luận và các công trình nghiên cứu, và để đạt được tính độc lập ấy, anh cũng như các học giả khác, cần phải độc lập với sự bảo hộ của bất cứ đảng phái nào”.
Sự kiện kỷ luật - khai trừ đảng đối với ông Trần Đức Anh Sơn đã cho thấy, Đảng CSVN đang tự rút ra khỏi tổ chức những nhân tố tích cực và bền vững cho sự trường tồn của mình. Tại sao? Bởi phản biện và dám lên tiếng sẽ tạo nên nội lực trong một đảng phái, làm sạch đảng phái chứ không phải là sự tuân lệnh 100% đối với những chủ trương, điều lệ, nghị quyết sai của đảng. Đảng CSVN đang suy thoái, muốn cứu vãn bằng phương pháp “hồng hơn chuyên”, nhưng vô tình, những yếu tố này khiến cho Đảng trở thành một tập hợp của những con sâu đục phá và dàn lợi ích nhóm chằng chịt, sẵn sàng không trái quan điểm của đảng để hoàn toàn tư lợi cá nhân.
Bởi, hình thức kỷ luật đảng bằng cách khai trừ là điều nên làm, nhưng sự lớn mạnh trong đảng chỉ có thể diễn ra khi hình thức kỷ luật này áp dụng cho chính những đối tượng tham nhũng và tham vọng quyền lực tập trung, thay vì tập trung đánh giới trí thức trong đảng (vốn là những nhân tố luôn nhấn mạnh sự độc lập, tự chủ phản biện). Bởi, kỷ luật lần này không khác gì đảng đang trương cao quan điểm của Lenin trong thời điểm hiện nay: Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt... Một quan điểm khinh thị trí thức như thế càng đẩy nhanh tiến trình khủng hoảng trong đảng. Và có vẻ, “Trí thức là cứt” nên “không phải muốn nói gì thì nói”, ngay cả khi là con cháu “công thần”- điều này được quán triệt trong đảng một cách tuyệt đối dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng.
Mặt khác, sự ra đi của giới trí thức thực sự khỏi ĐCSVN cho thấy, trong đảng luôn tồn tại “vòng kim cô" siết chặt sự tự do học thuật và tự do phản biện (điều làm nên tính chất chân chính của nền khoa học nhân bản, khai phóng). Và kỷ luật khai trừ lần này cùng lúc cho thấy một lúc hai vấn đề: giới trí thức ngày càng không chấp nhận sự cưỡng chiếm tư tưởng, và Đảng CSVN ngày càng không chấp nhận để giới trí thức là đảng viên được mở rộng quyền tự do tư tưởng của mình. Có lẽ chính vì vậy, mà Facebooker Huy Truong đã chúc mừng ông Sơn trên Facebook cá nhân bằng luận điểm: Thầy Sơn là nhà khoa học chứ không phải là nhà chính trị, nên khi ra khỏi Đảng sẽ có nhiều thời gian và “không gian” để làm khoa học hơn. Chúc mừng thầy.
Sự kiện kỷ luật ông Sơn hay cách ứng xử của thời đại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với giới trí thức thực sự đã cho thấy một phản ứng ngược mà bản thân ông Trọng không nhận ra. Bởi sự ra đi của ông Chu Hảo hay Trần Đức Anh Sơn không làm mất đi tính danh giá của cá nhân họ, mà ngược lại nó càng gia cố thêm sự danh giá cá nhân của họ, và họ được hoan nghênh, ca tụng là “sự trở về với Nhân dân”. Và với quyết định kỷ luật lần này mà Đảng CSVN áp dụng đối với ông Sơn, câu hỏi đặt ra là: Những người có tài có tâm huyết đều ra đi, vậy trong đảng còn lại những ai?
H.N.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét