Thứ Tư, 6 tháng 3, 2019

20190306. HÃY BẢO VỆ NGƯỜI CHỐNG BOT BẨN

ĐIỂM BÁO MẠNG
HÃY BẢO VỆ NGƯỜI CHỐNG BOT BẨN

BẠCH CÚC/ BVN 6-3-2019

Hà Văn Nam – Một tài xế dũng cảm thường xuyên tham gia các hoạt động phản đối BOT bẩn như: BOT Tân Đệ, BOT Bắc Thanh Long – Nội Bài, BOT An Sương sáng nay đã chính thức bị bắt và bị chụp tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Được biết trước khi bị bắt, ngày 28/1 anh Nam đã bị một nhóm người lạ mặt bắt lên xe ô tô. Họ trói cả 2 tay, 2 chân anh rồi chụp túi bóng lên đầu, dùng gậy đánh dã man anh gây nên những thương tích trầm trọng như trong hình.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H2-24.jpg
Thương tích của anh Nam có xác nhận của bệnh viện và anh Nam đã gửi hồ sơ tố cáo đến các cơ quan chức năng. Từ đoạn ghi âm nói đến việc nhóm bắt cóc hỏi nhau nên đưa anh Nam về đồn hay về phường hay lên quận, dư luận nghi vấn chính Công an đã bị nhóm BOT bẩn mua chuộc để tổ chức bắt cóc, đánh hội đồng nhằm dằn mặt anh và các bạn đồng hành.
Khi chưa kịp ổn về sức khỏe, anh Nam vẫn lên đường tiếp tục hành trình chống lại các BOT bẩn nên ngay sáng nay, nhà cầm quyền đã bắt giữ cáo buộc anh tội “Gây rối trật tự công cộng”!
Mong các luật sư hãy góp sức bảo vệ quyền lợi chính đáng cho anh Nam và mọi người hãy lên tiếng, đồng hành cùng nhóm chống BOT bẩn. Anh Nam và họ không chống chế độ, không phản đối chính quyền. Họ chỉ vạch mặt đám Doanh nghiệp lợi ích ngày đêm ăn bẩn đồng tiền xương máu của nhân dân… Vậy hà cớ gì anh Nam lại bị bắt và bị khép tội một cách oan uổng như vậy. Nếu xã hội lặng im thì sau này còn ai dám đứng lên chống lại những tệ nạn, đòi lại những lợi ích hợp pháp của cộng đồng?
Nếu Nhà nước này không đối thoại và biết lắng nghe dân, vẫn cố ý sử dụng pháp luật để đối phó với dân, sử dụng nhà tù để giam giữ những người dân dám hành động cao đẹp vì lợi ích dân sinh công cộng thì chỉ gây thêm nhiều bất mãn và gieo oán hận trong lòng dân.
Việc bắt bớ gán ghép tội danh “Gây rối trật tự công cộng” với anh Nam, cho thấy, nhà nước đã cố ý hình sự hóa các hành vi dân sự của công dân, cố ý cản trở quyền giám sát của nhân dân nhằm bao che, dung dưỡng che tội cho các Tập đoàn lợi ích.
Việc bắt bớ người dân một cách tùy tiện thế này chắc chắn chỉ khiến nhân dân khẳng định nhà nước đang sử dụng luật pháp với mục đích đê hèn nhằm trả đũa, ngăn chặn nhóm chống BOT bẩn đang đấu tranh vì quyền lợi cộng đồng.
Đã đến lúc chính quyền cần hành xử một cách công bằng và công tâm với nhân dân trong vấn đề dân sinh công cộng. Hãy dẹp bỏ các BOT bẩn ngày đêm bóc lột xương máu người dân và đừng để dân từ chỗ hoài nghi đi đến khẳng định: phải chăng chính Nhà nước đang chống lưng, hợp tác chặt chẽ, ăn chia với các BOT bẩn nên mới dung dưỡng cho các nhóm lợi ích tác oai tác quái, dùng tiền điều khiển các lực lượng công quyền nên mới an toàn bóc lột nhân dân lâu dài như vậy?
Việc cần thiết nhà nước phải làm ngay để an lòng dân:
Trả anh Nam về lại với gia đình;
Trả người công chính về với xã hội!
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H1-7.png
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H2.png
Nguồn: FB Bạch Cúc
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2019/03/H3.png
MỘT QUỐC GIA KHÔNG CÓ ĐƯỜNG ĐI !
TRẦN MÃ THƯỢNG/ BVN 6-3-2019
Việt Nam có thể là quốc gia duy nhất không có đường đi cho quốc dân đồng bào mình, theo một cái nghĩa nào đó vì lẽ đơn giản là muốn đi, người dân phải bỏ tiền ra mua đường, nếu không thì họ không bao giờ đi đâu được. Ai cho họ qua trạm BOT?
Có một nỗi buồn cay đắng hơn khi người ta lấy tên vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, là danh nhân văn hoá thế giới, vì người ấy mà hàng triệu người sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải để xả thân chiến đấu giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, để đặt tên cho một con đường, đó là đường Hồ Chí Minh. Ấy vậy mà con đường ấy không bất kỳ ai có thể đi được nếu không phải móc tiền ra.
Nếu đi từ thành phố Hồ Chí Minh lên Gia Lai thì người ta thấy trên đất Bình Dương có hai trạm BOT thu phí 15000đ/ lượt đối với xe ô-tô con,các trạm còn lại, cứ cách nhau 70km là có một trạm, mỗi tram thu 35000đ/lượt đối với ô-tô con, 140000đ/ lượt đối với ô-tô tải. Trên đoạn đường trên dưới 800 km này, người ta phải chi vào khoảng 500.000đ tiền thu phí (đối với ô-tô con), số tiền này tương đương với một nửa tiền xăng dầu của chiếc xe.
Câu hỏi đặt ra là nếu người ta không muốn đi trên đường BOT thì còn có con đường nào để đi không? Nếu không thì rõ ràng quốc gia không có đường đi. Vậy là đường đi là tài sản riêng của những người có tiền? Ai cho phép họ tự tiện tiếm quyền của đất nước? Đây là việc làm tệ hại hơn thời kỳ phong kiến, thực dân!
Một khía cạnh khác là ai mà không biết Ban Quản lý đường Hồ Chí Minh đã sử dụng hàng trăm ngàn tỷ ngân sách vào việc xây dựng con đường này, mà sao giờ nó lại biến thành tài sản của các nhà mạo nhận BOT? Vì lý do họ cơi nới ra thêm một chút mà tất cả đều thành sở hữu của họ?
Cái lắc léo là nó nằm ở chỗ cơi nới, thêm thắt chút đỉnh này. Nó có ý đồ và kịch bản ngay từ đầu. Một thứ chủ trương xấu xa, bẩn thỉu của lợi ích nhóm mà trong đó chỉ “nhà đầu tư” trá hình, những kẻ nắm tiền và Bộ Giao thông. Họ kê khống cho cố sát những khoảng đầu tư bổ sung mà đôi lúc cũng chưa thật sự cần thiết, để chia chát ngay từ khi dự án vừa chuẩn bị đầu tư và ngay lúc khởi công. Họ đổi chác nhau thời gian thu phí với những tính khác xa thực tế và viễn cảnh phát triển kinh tế đất nước. Đây cũng lại là một khoản tiền bỏ túi không nhỏ của những kẻ có thẩm quyền.
Sự lộ mặt sau vụ việc trạm BOT Dầu Giây bị cướp, cho đến việc thanh tra vào cuộc và kết luận rằng “không có gì bất thường”, người ta nhắm mắt cũng biết nó là cái gì. Giờ đây người dân bò ra đường để đếm xe qua trạm, làm lộ rõ những toan tính khốn nạn của những nhóm lợi ích thì Nhà nước trả lời như thế nào đây? Do tính toán dở, tính không sát thực tế ư? Láo! Các ông là những kẻ gian hùng đầy mưu ma chuớc quỷ, khôn lỏi và lọc lừa chứ đừng nói là thơ ngây.
Bây giờ biết hết rồi thì tính sao đây hay tiếp tục lì lợm và chay mặt chịu đấm để tiếp tục ăn xôi? Nhân dân đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ phải nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp tức thì chứ không thể để cho bọn đầu trâu mặt ngựa ngang nhiên tung hoành xâm phạm tài sản quốc gia và lợi ích của nhân dân. Trước mắt là giảm giá xăng dầu, trừ ngay cái khoản tiền cầu đường cấu thành trong giá đó.
Đất nước này có ngóc đầu nổi không khi để các nhóm lợi ích ngang nhiên tồn tại? Xuất nhập khẩu có thể cạnh tranh hay không khi mà phí chồng lên phí? Và đất nước này có vô lý hay không khi không có con đường đi cho người dân? Có ngôi nhà nào được xây lên ở chỗ không có lối đi? Có kiến trúc sư nào ngu ngốc đến thế không? Có Chính phủ nào kiến tạo như thế không?
Tôi đang nói đến không chỉ là con đường Hồ Chí Minh mà muốn nói đến tất cả con đường trên toàn lãnh thổ Việt Nam nhưng cay đắng nhất vẫn là con đường mang tên Hồ Chí Minh (QL14).
Hay là đến một ngày nào đó con đường Hồ Chí Minh trên biển cũng sẽ có trạm BOT?
Nguồn: FB Trần Mã Thượng

CHỐNG BOT BẨN: ĐẤT NƯỚC ĐỨNG LÊN TỪ NHỮNG NGƯỜI NHƯ THẾ !

AN VIÊN/ BVN 7-3-2019

Một ‘nhóm người lạ’ mà chủ đầu tư và cánh báo chí ám chỉ về một nhóm người dân không đeo khẩu trang, đeo CMND trước ngực, tay cầm sổ và bút để… đếm lượt xe qua BOT Ninh Lộc.

https://4.bp.blogspot.com/-IpxUsd_Kv2Q/XH6tOpxXXMI/AAAAAAAAA_g/hXvyUpfQiMAMENo6OdEG-k2Dw3p6mKn0wCLcBGAs/s640/52977024_247268909557028_5609949126549569536_n3968195_432019.jpg
 
Không một ai trong số ‘nhóm người lạ’ đó tin tưởng kết quả đếm lưu lượng xe mà Tổng cục đường bộ công bố. Và họ phải gánh chịu nắng mưa, khói bụi,… để thực hành cái gọi là quyền giám sát của nhân dân.
Cuộc chiến chống BOT bẩn đã đưa những con người ‘vì đại cục’ thực sự đi vào trận chiến thầm lặng. Và ‘đất nước đứng lên nhờ những con người như thế’, theo sự chia sẻ trên trang Facebook của nhà báo Trương Châu Hữu Danh.
Đếm xe thủ công, nhưng những công dân dấn thân đã phát hiện ra, con số thu về ở BOT lớn hơn con số mà Tổng cục đường bộ kiểm soát được và chủ đầu tư báo cáo, số liệu có thể vượt mức hàng ngàn tỷ đồng.
Facebooker Việt Võ cho rằng, ‘nhóm người lạ’, bằng phương pháp thủ công của mình đã ‘chỉ ra được sai phạm hết sức nghiêm trọng của tập đoàn BOT bẩn, điều mà Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước không làm được’. Và đây có thể là lý do vì sao, BOT đang được hiểu là sân sau của nhóm quan chức địa phương lẫn trung ương, nơi mà lực lượng vũ trang, bán vũ trang và côn đồ (đeo khẩu trang xanh) được huy động để trấn áp tinh thần của những người phản đối sự thiếu minh bạch, tại một địa điểm vốn thuần túy là giao dịch dân sự.
Khởi đầu bằng vụ cướp trạm BOT (2,22 tỷ đồng) làm lộ ra cả một đường dân lợi ích nhóm, cấu kết giữa quan chức và đội nhóm tư nhân. Và hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế của nhà nước đã bị chảy vào túi nhóm lợi ích, trong khi người dân bị ‘vặt lông’ theo cách không ai ngờ tới.
Trong cuộc chiến chống BOT bẩn cũng trở thành một hình mẫu cho những câu chuyện ngược đời tại Việt Nam: cơ quan công quyền đứng ngoài cuộc; người dân nhúng tay vào chống BOT bẩn; đeo khẩu trang để hung hãn phá xe, đánh người; không đeo khẩu trang để thực hành quyền giám sát nhân dân.
Vào ngày 4.3.2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng chỉ đạo Bộ GTVT, Thanh Tra Chính phủ kiểm soát chặt chẽ hoạt động thu phí BOT. Đây là sự chỉ ‘kịp thời’, bởi ít nhất nó cho thấy dấu hiệu kiến tạo và liêm chính mà bản thân Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh. Nhưng khi tin mừng chỉ đạo còn chưa được được phổ biến rộng rãi, thì tin anh Hà Văn Nam (người chống BOT bẩn và từng bị côn đồ đánh đập) đã bị công an huyện Quế Võ (Bắc Ninh) bắt giữ với tội gây rối trật tự công cộng (?) và việc ‘khám nhà khẩn cấp’ được đồn đoán là cơ sở để mở rộng tội danh. Việc bắt giữ này không chỉ cho thấy tính chất kỳ lạ trong vấn đề BOT ở Việt Nam, mà cho thấy tính chất lợi ích nhóm gắn kết chặt chẽ, xuyên suốt.
Trở lại cuộc chiến chống BOT bẩn, đây là sức mạnh của xã hội dân sự, bởi nếu không có những người như nhóm anh Trương Châu Hữu Danh hay Hà Văn Nam cùng hàng chục người khác, thì vấn đề lạm thu – thu sai – thu trái quy định tiếp tục tồn tại.
Thế nhưng, ‘xã hội dân sự’ lại được ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông xếp vào quy định ‘cấm’ trong đảng viên. Cái làm nên sự chia sẻ với công việc Nhà nước, điều làm nên giá trị của sự minh bạch trong xã hội lại là điều cấm tại Việt Nam.
Một sự học hỏi không hề khôn ngoan của Việt Nam trước Trung Quốc. Bởi nó khiến cho tính lợi ích nhóm tiếp tục được quy kết, trong khi quyền dân chủ cơ sở của nhân dân bị giảm xuống (đảng viên vẫn là một công dân trong xã hội và việc cấm đảng viên bàn về xã hội dân sự đã gián tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của số đông người dân còn lại).
Có lẽ, khi đoàn xe của ông Nguyễn Phú Trọng hay các thành viên gia đình ông đi qua các trạm BOT thì ông và gia đình ông đã nợ ‘xã hội dân sự’ một lời xin lỗi. Khi ngân sách nhà nước tăng lên, bức xúc xã hội về BOT giảm xuống, và nạn tham nhũng tiếp tục bị diệt trừ,... thì Chính phủ kiến tạo Nguyễn Xuân Phúc hay những Ủy viên Bộ Chính trị thực tâm chống tham nhũng đã nợ anh Hà Văn Nam, nhóm Trương Châu Hữu Danh và ‘nhóm người lạ’ đeo CMND, không bịt khẩu trang… một lời cảm ơn.
Và giá như các vị ‘tinh hoa’ của Bộ máy chính trị hiện thời có đủ sự can đảm, trung thực, thẳng thắn,… Có đủ lương tâm, trách nhiệm, và nhu cầu minh bạch,… Có đủ ý chí bước qua sự kiêu ngạo chức quyền. Thì có lẽ, cuộc chiến chống BOT bẩn nên được coi là bài học đáng giá về quyền giám sát nhân dân, về cái ‘dân chủ cơ sở’ đã được hô khẩu hiệu hàng triệu lần, và về tiền đề cho ‘đất nước đứng lên nhờ những người như thế’.
A.V.
VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét