Thứ Hai, 11 tháng 3, 2019

20190311. BÌNH LUẬN TIN: TP HCM THIẾU CÁN BỘ LÃNH ĐẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHƯA BAO GIỜ TP HCM THIẾU LÃNH ĐẠO NHƯ HIỆN NAY
XUÂN HƯNG/ VNMedia 7-3-2019

Ông Tuyến
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến

(VnMedia) - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết chưa bao giờ Thành phố thiếu nhân sự lãnh đạo như hiện nay do 1 Phó Chủ tịch vừa qua đời và 1 Phó Chủ tịch đang dưỡng bệnh...
Theo đó, chia sẻ với báo chí về vấn đề thiếu hụt cán bộ ở thành phố Hồ Chí Minh bên hành lang Quốc hội ngày 6/3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết, mặc dù khó khăn do thiếu hụt cán bộ lãnh đạo nhưng thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Tuyến cho biết, sau khi bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND Thành phố qua đời, bản thân ông đang kiêm một số việc mà bà Thu để lại. Cùng với đó, ông cũng phải kiêm nhiệm cả lĩnh vực của Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng hiện nghỉ dưỡng bệnh.
“Tôi phụ thêm những mảng dự án về lĩnh vực văn xã mà trước đây chị Thu làm, còn các hoạt động văn xã thì anh Lê Thanh Liêm (Phó Chủ tịch Thường trực) phụ trách" - ông Tuyến chia sẻ.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, bản thân Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong, với trách nhiệm điều hành chung, phụ trách về công tác cán bộ, nay cũng phải kiêm thêm mảng thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng, kinh tế.
"Thời gian này, Thành phố phải điều tiết lại để việc điều hành đảm bảo không bị ngưng trệ. Dù anh em kiêm thêm công việc nhưng không có áp lực. Trong lúc khó khăn này thì tập thể ủy ban càng cần đoàn kết hơn, chia sẻ công việc cùng nhau. Khi chủ tịch UBND Thành phố phân công thì không ai nề hà. Ai cũng đều thấy trách nhiệm càng phải cố gắng làm tốt hơn để công việc không bị ngưng trệ" - ông Tuyến nêu rõ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Vĩnh Tuyến  cũng khẳng định, những công việc mà hai Phó Chủ tịch là bà  Nguyễn Thị Thu và ông Huỳnh Cách Mạng phụ trách trước đây đều đã được tiếp nhận và giải quyết kịp thời, không để ùn tắc.
"Mình phải làm sao để người đã mất yên lòng còn người đang dưỡng bệnh không hụt hẫng, lo lắng. Hiện Thành phố đã làm quy trình nhân sự 1 Phó Chủ tịch rồi. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục làm quy trình thêm 2 nhân sự nữa" - ông Tuyến nói.
Ông Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ: "Chưa bao giờ Thành phố rơi vào tình trạng thiếu nhân sự lãnh đạo như hiện nay. Chuyện đau ốm, bệnh mất không ai nói trước được. Đây là giai đoạn khó khăn của Thành phố về công tác cán bộ với những lý do hết sức khách quan".
Trước đó, tại buổi họp báo ngày 5/3, ngoài những thông tin về tình hình nhân sự của TP HCM, Chánh Văn phòng UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan xác nhận thông tin Phó Chủ tịch TP Huỳnh Cách Mạng đang bị bệnh. Cùng với việc Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu vừa qua đời thì đây là giai đoạn Thành phố đang gặp nhiều khó khăn, thiếu nhiều cán bộ chủ chốt.
Xuân Hưng

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: CHỦ THIẾU, CHỐT THỪA

TRÂN VĂN/ Blog VOA 7-3-2019

Hết Chủ tịch tới Phó Chủ tịch TP.HCM rên như bọng vì thiếu cán bộ chủ chốt. Không chỉ thiếu Phó Chủ tịch (1), TP.HCM hiện còn thiếu một mớ lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM và giám đốc một số Sở (2).
Chuyện một đô thị như TP.HCM thiếu người đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị, điều hành không những khó tin mà còn là sự xúc phạm đến cư dân của thành phố này. Tuy nhiên cả Chủ tịch lẫn Phó Chủ tịch TP.HCM đều khẳng định đó là sự thật!
Sự thật kỳ quái ấy phát xuất từ… quy hoạch - quy trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt. Cho dù thực tế đã chứng minh chính quy hoạch – quy trình mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đặt định đối với tuyển chọn, sắp đặt cán bộ chủ chốt là nguyên nhân chính khiến “quốc phá, gia vong”, cán bộ chủ chốt được tuyển chọn, sắp đặt theo quy hoạch – quy trình này chỉ có khả năng hoạch định những chính sách, kế hoạch, dự án thiển cận, vô bổ, phung phí các nguồn lực quốc gia, không ít chính sách, kế hoạch, dự án còn phi nhân, tàn bạo, chưa kể đó cũng là nguyên nhân khiến mức độ nhũng lạm càng ngày càng cao nhưng cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương vẫn tiếp tục được quy hoạch, được tuyển chọn, sắp đặt đúng y như thế.
Trong hai thập niên vừa qua, tuy mật độ của những “tìm kiếm”, “thu hút”, “đãi ngộ”, “trọng dụng”… được đính kèm với “nhân tài” càng ngày càng dày hơn trên môi, miệng của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam nhưng đến giờ này, “nhân tài” hoặc không có đất dụng võ, hoặc chỉ có thể làm tôi mọi cho những cá nhân đã được… quy hoạch, tuyển chọn, sắp đặt đúng… quy trình nhằm bảo đảm cho đảng CSVN tiếp tục duy trì quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam! Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” tiếp tục nhìn cam kết “tự chỉnh đốn” cười sằng sặc (3).
***
Chẳng riêng TP.HCM, nhiều cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam đang rối như canh hẹ về nhân sự giữ vai trò chủ chốt, đặc biệt là cán bộ “cấp chiến lược” (cấp do BCH TƯ đảng CSVN quản lý). Tác dụng duy nhất mà Đề án “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được BCH TƯ đảng CSVN khóa 12 thông qua hồi trung tuần tháng 5 năm ngoái là… khởi động một cuộc đua mới. Đầu tuần này, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN khuyến cáo, cán bộ, công chức đừng tìm người này, người kia để… chạy. Hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức (4)!
Có một sự thật hiển nhiên mà ai cũng biết là nếu giới lãnh đạo đảng CSVN không đặt định quy hoạch – qui trình tuyển chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt thì mua quan, bán tước đã không trở thành vấn nạn nan giải tới mức Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN phải thảo luận tới lui để tìm cách thực hiện “bốn không”: Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy! Làm sao có thể thực hiện được “bốn không” khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay vẫn là những cá nhân từng tham gia quy hoạch – thực hiện qui trình lựa chọn, sắp đặt những Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tất Thành Cang,… làm cán bộ cấp chiến lược ?
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong ba năm từ 2015 đến 2018, có khoảng 60 cán bộ cấp chiến lược bị kỷ luật (5). Giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam liên tục lặp đi, lặp lại con số đó để quảng cáo cho cái gọi là nỗ lực “chỉnh đốn”. Ai cũng biết hậu quả do số cán bộ cấp chiến lược gây ra đối với kinh tế - xã hội nghiêm trọng đến mức nào. Khoan bàn đến hình thức xử lý kỷ luật (chủ yếu là khiển trách, cảnh cáo, tước bỏ các chức vụ đã… từng mang, chỉ có 2/5 cán bộ cấp chiến lược đương nhiệm đã bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự là Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn), làm sao có thể “chỉnh đốn” khi tiếp tục phớt lờ căn nguyên dẫn tới vấn nạn (quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt theo qui trình riêng do đảng CSVN đặt định)?
Rõ ràng là ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức của BCH TƯ đảng CSVN, cố tình bỡn cợt với hai chữ nghiêm minh khi bảo với công chúng rằng hệ thống chính trị, hệ thông công quyền sẽ không dùng những cá nhân chạy chức! Nếu chạy chức là phi pháp, tại sao không “chặt đầu, lột da” những kẻ hối mại quyền thế để có chức, những kẻ nhận hối lộ để bán chức mà chỉ… không dùng? Đã nhận thức được “cán bộ là then chốt của then chốt, quyết định của mọi quyết định, nguyên nhân của mọi nguyên nhân” (6) mà vẫn duy trì quy hoạch, lựa chọn, sắp đặt cán bộ cấp chiến lược, cán bộ chủ chốt theo kiểu cũ thì “trăn trở” là vô ích. Kết cục của vô số hội nghị, hội thảo để tìm giải pháp thực hiện “bốn không” chắc chắn sẽ là... không có gì mới!
Chú thích
(6) https://vov.vn/nhan-su/ong-pham-minh-chinh-tinh-trang-chay-chuc-quyen-van-la-dieu-tran-tro-725669.vov

AI ĐANG CHƠI 'Ô ĂN QUAN' Ở SÀI GÒN ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 9-3-2018

Làm thế nào để chọn được người tài? Ảnh minh hoạ: Petrotimes.vn

Nhiều năm trước, trẻ con thường chỉ có mấy trò chơi là đánh khăng, đánh đáo, thả diều, nhảy dây và “Ô ăn quan”.
Khi chơi trò “Ô ăn quan” lũ trẻ thường đọc câu đồng dao: “Hết quan tàn dân, thu quân bán ruộng”, sau này thấy xuất hiện một biến thể khác: “Hết quan hoàn dân, thu quân kéo về”.
Chuyện này cũng giống câu thành ngữ: “Vắng chúa nhà, gà mọc đuôi tôm” được mấy ông nghiên cứu chữa thành “Vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm”.
Ngày nay chuyện “Hết quan tàn dân, thu quân bán ruộng” lại được mang ra chơi, có điều người chơi không phải lũ trẻ mà là người lớn, địa điểm chơi không chỉ là vuông đất bằng cái chiếu nơi sân đình, góc phố mà là cả thành phố.
Báo chí đưa tin Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh đã phải lên tiếng vì thành phố thiếu lãnh đạo đến mức khá trầm trọng, nói cách khác là “hết quan” để đảm nhận công việc.
Nghe ông Chủ tịch nói thì Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ còn hai “quan phó” khỏe và một “quan phó” ốm nằm viện mới khỏi, hai sở đang khuyết “quan trưởng”, văn phòng ủy ban cũng thiếu mấy “quan phó”,… 
Thế có phải thành phố này đang trong tình trạng “hết quan” cấp dưới để đôn lên, “hết quan” ngang cỡ để thay thế hay do lỗi của cấp trên không nhanh nhạy trong việc luân chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu?
Liệu có tình trạng quan ở nơi thừa không muốn về thành phố này nhận việc vì nơi đây đang quá “nóng”?
Có phải do hai chiếc “lò”, một do Trung ương, một do thành phố nhen lửa đang cháy ghê quá, củi bị đốt nhiều quá nên nhiều người sợ “gần lửa rát mặt”?
Thực ra nếu điểm danh thì tại Thành phố Hồ Chí Minh, “lò” Trung ương” chỉ đốt các loại “củi” do Trung ương quản như Nguyễn Hữu TínNguyễn Thành Tài,… còn “lò” cấp thành phố” thì hình như mới bật chức năng “sấy” cho củi khỏi mốc chứ chưa chuyển sang chế độ “đốt”.
Xin lấy mấy vụ việc làm ví dụ:
Tháng 5/2017, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản phê bình ông Đào Anh Kiệt - Cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường vì để xảy ra sai phạm khi chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở tại khu đất số 1A, phường Phú Hữu, quận 9, văn bản không nêu ông Kiệt có lỗi gì khác.
Tuy nhiên đến tháng 11/2018, Đào Anh Kiệt, Nguyễn Hữu Tín bị Bộ Công an khởi tố cùng với một loạt cán bộ  cấp thành phố quản lý là Lê Văn Thanh (Phó chánh Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) và Trương Văn Út (Phó phòng quản lý đất đai Sở Tài nguyên Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh).
Thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, có 5/7 Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước nhiệm kỳ 2015 – 2020 có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, hình thức từ phê bình nghiêm khắc đến cảnh cáo. 
Cũng thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thì Ủy ban đã quyết định thi hành kỷ luật hình thức khiển trách đối với ông Hà Văn Lợi, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Quận 8 và ông Lê Quỳnh Đài, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận 8. 
Một cựu Giám đốc sở là ông Nguyễn Thành Rum cũng nhận quyết định kỷ luật với hình thức “phê bình rút kinh nghiệm”!
Từng ấy ví dụ cho thấy “lò chống tham nhũng” của Thành phố Hồ Chí Minh mới ở chế độ “sấy” mà đã “hết quan” thì khi chuyển sang chế độ “đốt” sẽ còn được bao nhiêu người?
“Hết quan” nên chuyện “thu quân” chỉ là hệ quả, chỉ có khác là “thu quân” được hiểu là quân co cụm lại, thu mình lại, làm gì cũng sợ khiến công việc bị chậm giải quyết, khiến cấp trên phải xuống tận nơi động viên, khuyến khích.
Nói đến “thu quân” thì cũng phải nói thêm về “xuất quân”, ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, qua thanh tra phát hiện có cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố quản lý đi nước ngoài hơn 100 ngày chỉ trong 2 năm, hay Phó Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hoàng Như Cương sang Mỹ từ 9/12/2018 khi chưa được sự chấp thuận của Ủy ban Nhân dân đến nay vẫn chưa về nước.
Tình trạng “quân” như thế thì Thành phố Hồ Chí Minh thiếu người làm, nhất là lãnh đạo có lẽ không phải chuyện lạ.
Xong chuyện “hết quan” và “thu quân” thì phải nói đến “tàn dân” và “bán ruộng”.
Xin mượn lời trên đăng trên báo Nguoidothi.net.vn – cơ quan của Tổng hội xây dựng Việt Nam về “tàn dân” trong bài viết “Món nợ Thủ Thiêm” như sau:
“Thủ Thiêm như “vừa trải qua một trận ném bom thời chiến” là nhận xét của ông Võ Viết Thanh, cựu chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đầu tiên (1997-2001)…
Bom đạn có thể giật sập nhà cửa nhưng đất đai không bị truất hữu. Tức là trên cái nền đổ nát, dân vẫn có thể dựng tạm nóc lều che mưa che nắng.
Nhưng những gì đã diễn ra khiến hàng trăm gia đình phải ly tán…
Nhiều người dân oan khuất ở Thủ Thiêm đã vận dụng triệt để trình tự pháp lý, từ khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo, thậm chí kết hợp với những biện pháp có tính “cùng đường”.
Trong nhiều năm, nhiều người dân Thủ Thiêm dắt díu nhau đội đơn ra Hà Nội, hình thành một “làng Thủ Thiêm” liền kề trụ sở Ban Tiếp công dân trung ương là một chỉ báo tuyệt vọng về niềm tin công lý vào chính quyền thành phố”.
Còn “bán ruộng” thì sao?
Ông Tất Thành Cang nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo bán hơn 30 héc ta đất nông nghiệp tại Phước Kiển cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo kết luận của Ban Kiểm tra Thành ủy, ông Cang “Đã không báo cáo Thường trực Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy theo quy định về quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh”.
Những gì diễn ra ở khu đô thị Thủ Thiêm, đất ruộng tại Phước Kiển,… liệu có phải là minh chứng điển hình về sự tùy tiện của một vài “quan” thành phố trong quá trình quy hoạch đô thị thực thi công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống nhiều hộ gia đình trong khoàng thời gian tới 20 năm?
Nếu vận dụng biến thể của câu đồng dao “Hết quan hoàn dân, thu quân kéo về” thì sao?
Thì phải sửa lại cho hợp với chủ trương chống tham nhũng không có vùng cấm, không giới hạn thời gian, nghĩa là những cán bộ vi phạm nghiêm trọng thì “hết quan hoàn kho”, từ “kho” ở đây dùng theo nghĩa giới giang hồ hay nói là “nhập kho”.
Nếu cứ để cán bộ nào vi phạm nghiêm trọng mà cứ “hết quan” là “hoàn dân” thì oan cho dân lắm, bây giờ lấy đâu ra dân suốt ngày du hí, chơi golf hay ra nước ngoài chữa bệnh.
Muốn không oan cho dân, không lẫn lộn vàng thau thì phải thay đổi cách gọi, phải chia dân thành ba loại: dân vip, dân thường và phó thường dân.
Trịnh Xuân ThanhPhan Văn Anh VũGiang Kim ĐạtDương Chí DũngVũ Đình Duy,… khi nhận thấy con đường trước mắt là “hết quan” đều không muốn “hoàn dân”, đều “thu quân” nhưng không “kéo về” mà… “bùng”. 
Trong số đó phải kể đến Vũ Đình Duy, ngày 26/6/2017, Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt đối với người này.
Báo chí nước ngoài đưa tin Duy sống ở Ba Lan nhưng "hồ sơ điều tra cho thấy ông [Duy] thường chơi golf ba đến bốn ngày mỗi tuần (tại Berlin), có lúc chơi bốn ngày liên tiếp". 
Tiền đâu để một kẻ đào tẩu có thể chơi golf bốn ngày một tuần tại nước ngoài, vì sao có lệnh truy nã mà không thể dẫn độ về nước?
Vậy nên thiết nghĩ chuyện “thu quân” ngày nay phải được đặt ra một cách nghiêm cẩn, nếu không chú ý thì khối vị hết quan nhưng nhiều “xèng” sẽ bặt vô âm tín như Vũ Đình Duy và không ít người khác. 
“Thu quân” bây giờ nếu chỉ trông cậy vào Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Bộ Công an e là không đủ, thêm lực lượng các Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thành ủy cũng không đủ mà còn phải thêm “Ủy ban dân kiểm”.
Nói đến “Ủy ban dân kiểm” thì lại chợt lo vì mới đây, dân chúng lập chòi thống kê phương tiện giao thông tại trạm BOT Ninh Lộc (Thành phố Nha Trang, Khánh Hòa).
Số liệu thống kê trong một tuần để trong chòi tự dưng bị mất khiến dân phải tiếp tục thống kê lại.
Nghe nói dân đã làm đơn trình báo công an, không biết có được nhiệt tình giúp đỡ tìm lại?
Trong khi nạn mua quan bán chức đã được các vị lãnh đạo cao cấp cảnh báo mà thành phố Hồ Chí Minh thiếu lãnh đạo thì hẳn không phải chuyện bình thường.
Trước khi chiến dịch “lò nóng - củi tươi” được Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động, tỉnh, thành phố nào cần Giám đốc sở chỉ hô một tiếng, có lẽ hồ sơ đọc cả tuần không hết.
Bây giờ khó tìm ngay cả chức phó Văn phòng ủy ban, phải chăng nguyên tắc bốn không: “Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy” mà Ban Tổ chức Trung ương đưa ra đã phát huy tác dụng?
Đưa ra tới “bốn không” hình như hơi nhiều, không cần thiết, người viết cho rằng chỉ cần duy nhất “một không” là “Không thể chạy”.
Bất kể ai một khi đã biết chắc chắn “không thể chạy” thì tất yếu người ta sẽ không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy.
Muốn việc “không thể chạy” trở thành hiện thực thì trách nhiệm đặt trước hết thuộc về Ban Tổ chức và ngành Nội vụ, sau mới đến các cơ quan thanh, kiểm tra.
Còn nếu bảo giáo dục đạo đức, lối sống hay tạo ra rào cản pháp luật để cán bộ “không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy” e rằng lý tưởng quá.
Nếu việc chạy mà thu được lợi nhuận đến 300% thì treo cổ người ta vẫn làm, đấy là nguyên tắc kinh điển đã được C. Mác tổng kết.
Trở lại câu chuyện tại thành phố Hồ Chí Minh, phải chăng chiến dịch “thu quân” mở đầu là Đinh La Thăng, tiếp đến là Nguyễn Thành TàiNguyễn Hữu Tín… đã khiến không ít người chột dạ, không dám chạy, không muốn chạy, thế nên mới dẫn đến tình trạng thiếu lãnh đạo?
Nếu quả như thế thì thật đáng mừng, thì nghĩa là hồng phúc của dân tộc vẫn còn.
Liệu có xảy ra tình trạng Thành phố Hồ Chí Minh không tìm được người đủ tâm, đủ tầm làm lãnh đạo giống như ông cựu Bí thư Lê Phước Thanh ở Quảng Nam nói “Tìm một người đủ điều kiện cho đi học (nước ngoài) rất khó, tìm đỏ mắt không ra”.
Để giải quyết tình trạng thiếu lãnh đạo, phải chăng nên theo phương châm của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm: “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc”?
Xuân Dương
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét