Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2019

20190103. BÌNH LUẬN SAU THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU TẠI HÀ NỘI

ĐIỂM BÁO MẠNG
30 CHƯA PHẢI LÀ TẾT, THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU LẦN 2 CỦNG CỐ NỀN MÓNG CHO CẢ TIẾN TRÌNH

THANH BÌNH/ GDVN 1-3-2019

Tổng thống Donald Trump họp báo sau khi kết thúc sớm cuộc đàm phán với Chủ tịch Kim Jong-un, trước khi rời Việt Nam về nước. Ảnh: WCYB.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận như dự kiến.
Tại buổi họp báo ngày 28/2/2019, Tổng thống Donald Trump nói còn nhiều vấn đề mà ông chưa hài lòng và cũng chưa sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận với Triều Tiên.
Bài viết này sẽ đưa ra nhận định về cách thức các bên có thể thực hiện để tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán thúc đẩy tiến trình hòa bình.
Làm sao để cùng hợp tác với Triều Tiên
Trước khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên trong lịch sử được diễn ra vào tháng 6/2018, dường như có một định kiến chủ đạo trong giới quan sát Triều Tiên tại Mỹ là “đàm phán với Triều Tiên là vô ích”.
Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực của cả Hàn Quốc và Mỹ để đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian qua cho thấy Triều Tiên không phải đất nước không thể hợp tác.
Điều cốt yếu là phải đọc các văn bản gốc của Triều Tiên (chẳng hạn như tờ Rodong Shinmun và Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên-KCNA) thay vì chỉ dựa vào bình luận của giới truyền thông phương Tây.
Các nhà bình luận bên ngoài thường là nguồn đánh giá sai lệch và méo mó về Triều Tiên. Chúng ta cũng cần tránh sai lầm đánh giá quá cao hay quá thấp.
Tình trạng bế tắc về hạt nhân hiện nay của Triều Tiên hẳn đã có thể được ngăn chặn nếu chúng ta đưa ra một phân tích khách quan và thiết thực hơn về những ý định và năng lực của Triều Tiên.
Một đánh giá thấp trước đó cho rằng Bình Nhưỡng chưa có được năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo, cũng như một đánh giá quá cao sau đó cho rằng Triều Tiên hiện có thể tấn công lục địa Mỹ bằng các tên lửa đạn đạo liên lục địa, đã phá hoại nghiêm trọng những cơ hội để có được một giải pháp thông qua thương lượng cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Việc đánh giá thấp sự bền vững và khả năng thích ứng của Triều Tiên trước các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng đã cản trở việc đối phó với Triều Tiên một cách hiệu quả.
Cuối cùng, chúng ta cần lưu ý tới nhận xét của cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, William Perry rằng chúng ta cần đối phó với những thực tế ở Triều Tiên theo như những gì đang diễn ra, chứ không phải theo cách chúng ta muốn chúng phải diễn ra hoặc có lẽ đã diễn ra.
Can dự sẽ vẫn là giải pháp tối ưu?
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tiến hành sáng kiến can dự, Bình Nhưỡng đã phản ứng tích cực bằng cách tạm ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa cũng như các hành động khiêu khích quân sự thông thường.

Chủ tịch Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump cùng nhau đi dạo trước cuộc gặp vào sáng ngày 28/2/2019 (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un đã đưa ra thêm những lời lẽ và cam kết táo bạo, chẳng hạn như phá bỏ một cơ sở thử hạt nhân, các cơ sở thử động cơ và phóng tên lửa đạn đạo và các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.
Ông Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước toàn thế giới và quan trọng hơn là với chính người dân Triều Tiên.
Đồng thời, Bình Nhưỡng tỏ ra hợp tác trong việc đi đến các thỏa thuận về một loạt các vấn đề khác và tiến hành kiểm soát vũ khí tác chiến với Hàn Quốc.
Hơn nữa, trong việc đối phó với Triều Tiên, không có lựa chọn nào khả thi hơn ngoại trừ việc can dự.
Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt và gây sức ép tối đa có tác động hạn chế và các phương án quân sự là không thể chấp nhận được do thiệt hại rất lớn.
Cũng cần lưu ý rằng sức hút chưa từng có giữa ông Donald Trump, Moon Jae-in và Kim Jong-un đang có sẽ khiến cho việc can dự trở nên hiệu quả.
Các kênh thông tin liên lạc được thiết lập vững chắc và một hình thức xây dựng lòng tin nào đó giữa họ, đi kèm với sự thống nhất về động cơ và lợi ích (kinh tế thịnh vượng đối với Kim Jong-un, hòa bình đối với Moon Jae-in và thành tựu chính trị đối với Donald Trump) có thể mang lại một số kết quả can dự tích cực.
Môi trường chính trị khu vực và quốc tế ngày nay hoàn toàn khác so với quá khứ. Mỹ duy trì các kênh liên lạc với Triều Tiên ở cấp thượng đỉnh, cấp cao và cấp sự vụ.
Hàn Quốc cũng có các kênh liên lạc với Triều Tiên ở tất cả các cấp và trong nhiều lĩnh vực chức năng.
Trong tương lai, việc thể chế hóa một cơ chế giám sát và quản lý khủng hoảng ba bên sẽ hữu ích đối với cả Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Một trong những giả định sai lầm về Triều Tiên là logic về tội ác và trừng phạt. Do Triều Tiên đã phạm lỗi nên họ cần phải bị trừng phạt bất chấp sự thay đổi hành vi.
Một chiến lược tăng cường tiêu cực như vậy đã phản tác dụng. Bình Nhưỡng đã đáp trả dữ dội hơn.
Giờ đã đến lúc phải cân nhắc việc áp dụng chiến lược tăng cường tích cực. Thay vì chỉ trích hành vi của Triều Tiên trong quá khứ, việc tưởng thưởng cho các cử chỉ thiện chí hiện nay của Triều Tiên có thể thúc đẩy họ điều chỉnh hành vi theo hướng tích cực hơn.
Không thể phủ nhận Mỹ là một siêu cường còn Triều Tiên là một nước nhỏ. Sự bất cân xứng giữa hai nước là điều không thể tránh khỏi, nhưng Triều Tiên không phải một nước dễ bị đánh bại.
Việc đối xử với họ như một nước thất bại sẽ không dẫn đến đàm phán thành công. Cần phải có một sự thỏa hiệp mà hai bên có thể chấp nhận.
Việc đơn phương áp đặt lợi ích của bất cứ bên nào có thể sẽ làm cho tình hình tồi tệ hơn.
Các nhà quan sát Triều Tiên tại Mỹ cần phải có một thái độ thực tế và linh hoạt hơn đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng khó có khả năng đáp ứng đòi hỏi của Mỹ là phá trước thưởng sau.
Nếu cả hai bên đều lựa chọn theo kiểu được ăn cả ngã về không thì Mỹ và Triều Tiên sẽ không thu nhận được kết quả gì.
Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội dù chưa đạt được những kết quả đột phá như kỳ vọng, nhưng rõ ràng đã củng cố thêm khả năng đối thoại, giải quyết bất đồng bằng thương lượng giữa hai nước.
Người Việt Nam có câu, 30 chưa phải Tết, nhưng muốn có đột phá trong tương lai, rõ ràng bình đẳng cùng có lợi là nguyên tắc quan trọng để hai bên ngồi vào bàn đàm phán trong những lần tiếp theo.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.voanews.com/a/trump-kim-summit-ends-with-no-agreement-/4807344.html
2. https://www.reuters.com/article/us-northkorea-usa/trump-says-he-walked-from-deal-with-kim-over-north-korean-sanction-demands-idUSKCN1QG2Y3
3. http://www.wjperryproject.org/notes-from-the-brink/statement-by-william-perry-on-north-korea-remarks
Thanh Bình
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
TT TRUMP VÀ CHỦ TỊCH KIM 'KHÔNG ĐẠT THỎA THUẬN' Ở VIỆT NAM

VIỄN ĐÔNG/BVN 1-3-2019

Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un "không đạt được thỏa thuận" trong cuộc họp thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói trong một thông cáo hôm 28/2 rằng Tổng thống Trump và Chủ tich Kim Jong Un “đã có các cuộc gặp rất tốt đẹp và mang tính xây dựng ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 27 và 28/2”.
“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt cách thức nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa và các khái niệm đẩy mạnh kinh tế”, bà nói tiếp.
“Không có thỏa thuận nào đạt được vào lúc này, nhưng các nhóm [đàm phán] của hai nước kỳ vọng sẽ gặp nhau trong tương lai”.
Nhà Trắng trước đó thông báo rằng hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ tham gia "lễ ký thỏa thuận chung" sau khi kết thúc đàm phán vào lúc 2 giờ chiều (giờ Hà Nội).
Nhưng thay vào đó, phía Mỹ thông báo rằng ông Trump chủ trì cuộc họp báo riêng.

Chủ tịch Kim Jong Un và ông Trump đi dạo chớp nhoáng hôm 28/2.

XEM THÊM:

TT Trump và Chủ tịch Kim cùng nhau đi dạo

Theo buổi trao đổi với phóng viên được nhiều hãng truyền hình trực tiếp, Tổng thống Trump nói rằng Bắc Hàn muốn các biện pháp trừng phạt "được dỡ bỏ hoàn toàn", nhưng phía Mỹ "không thể làm vậy" nên đã cắt ngắn cuộc hội đàm.
Hiện chưa rõ là ông Kim có tổ chức một buổi họp báo riêng như ông Trump hay không.
Trước khi cuộc đàm phán đổ vỡ, trả lời phóng viên quốc tế, ông Kim cho biết rằng ông "sẵn lòng" phi hạt nhân hóa vì nếu không sẵn sàng, ông đã "không có mặt" ở Hà Nội để dự cuộc họp thượng đỉnh.
Theo đoạn video được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, ông Trump nói rằng đó là "câu trả lời hay".
Nguyên thủ Mỹ cuối ngày 28/2 sẽ đáp chuyên cơ Air Force One để quay trở lại Hoa Kỳ.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-v%C3%A0-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-kim-c%C3%B9ng-nhau-%C4%91i-d%E1%BA%A1o/4807282.html
Mới vài hôm trước, khi báo chí đưa tin rầm rộ:" VN trung tâm hòa giải xung đột quốc tế" tôi đã thấy buồn cười. Cứ như là VN sẽ quyết định được mọi việc xung đột của các nước; cứ như là kết quả Hội đàm Mỹ-Triều sẽ được quyết định bởi VN...
Thế rồi hôm nay lại thấy các báo rầm rộ đưa tin: "hỏng rồi, chẳng đạt được thỏa thuận gì cả, Kim- Trump rời hội nghị sớm, dấu hiệu xấu trong hội nghị thượng đỉnh Kim- Trump..."Chúng tôi đang tập trung tại buổi họp báo của Trump ở khách sạn. Tất cả dấu hiệu đều rất xấu, đặc biệt là bữa trưa và lễ ký kết đã bị hủy bỏ", phóng viên Julian Borger của Guardian cho hay...
Tình hình xấu thế sao VN không có tác động gì cả? Ông trung tâm hòa giải xung đột quốc tế đâu rồi?
FB Đỗ Ngọc Thống

Chuyện Nam Cao chưa viết: Chí Phèo

Trước khi gặp Bá Kiến, Chí Phèo bí mật cho người sang hỏi đội Tảo mượn máy bay. Đội Tảo cười:
- Máy bay của tao để đầy ngoài các sân bay và các hạm. Nhưng nếu cho mày mượn thì Bá Kiến nó biết, còn lâu nó mới cho mày tiền.
Vậy là anh Chí buộc phải đi tàu lửa xuyên suốt mấy ngàn cây số. Khi đi qua nhà đội Tảo, đội Tảo bí mật cho người lên gặp Chí Phèo, dặn dò Chí Phèo:
- Đừng nhân nhượng với thằng Kiến. Cứ đưa dao ra trước mặt nó và hỏi tiền. Thằng Kiến sẽ bảo mày cất dao trước đã. Còn mày thì bảo thằng Kiến đưa tiền trước. Cứ thế rồi tính sau, nhé, nhé…
Chí Phèo gặp Bá Kiến. Cả hai đều rất vui khi bắt tay nhau. Bá Kiến nói:
- Rất vui khi được gặp lại anh. Anh với tôi có họ với nhau đấy!
- Rất vui khi gặp lại cụ. Cụ cho con ít tiền uống rượu ạ!
Chí Phèo vừa nói vừa lăm lăm con dao trước mũi Bá Kiến. Bá Kiến mới thấy con dao đã nổi giận phừng phừng:
- Cất con dao đi, hoặc đem đến nhà thằng đội Tảo cho nó thưởng thức.
Chí Phèo cười ngặt nghẽo:
- Cụ cho con tiền trước đi đã rồi con mới đem dao về trả lại cho đội Tảo.
Nghe đến đó, Bá Kiến càng điên tiết, nhưng cố dịu giọng:
- Tiền tao chứ vỏ hến à? Anh nên nhớ câu “dao ai thì người đó dùng”. Thịt đội Tảo mềm hơn thịt của tao nhé.
Bá Kiến quyết không đưa tiền trước. Chí Phèo cũng quyết không mang dao về. Trung tâm hòa giải thì thấy dao là hoảng. Kệ mẹ chúng nó. Để hai thằng đó muốn làm gì thì làm, miễn sao đừng đâm trúng mình. Chỉ lo là bữa ăn chiều nay ăn không hết…
FB Chu Mộng Long

'PHI HẠT NHÂN HÓA': LỜI GIẢI DUY NHẤT CHO 'BÀI TOÁN' TRIỀU TIÊN ?

DIỆU AN /TVN 1-3-2019

 Liệu xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) có phải là một giải pháp tốt hơn, thay vì “phi hạt nhân hóa”?
Sau một loạt hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ – Triều, không nghi ngờ gì nữa, vấn đề trọng tâm là “phi hạt nhân hóa”. Nhưng tại sao khi ta nói đến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là nói về “phi hạt nhân hóa”, trong khi các trường hợp tương tự trước đây, như tại Libya hay Iraq, người ta lại nói bằng những khái niệm khác như “giải giáp” hoặc “không phổ biến”?
Tương tự, liệu phi hạt nhân hóa có phải là cách tiếp cận đúng, hoặc có thể tạo ra các kết quả tích cực và lâu dài mà ông Moon, ông Trump và nhiều người khác mong muốn? Nếu không, giải pháp thay thế sẽ là gì? Để trả lời các câu hỏi này, hãy nhìn lại lịch sử.
Trong thời cao điểm Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai một loạt vũ khí hạt nhân chiến thuật và chiến lược tại Hàn Quốc, với con số cao nhất là hơn 900 loại vũ khí vào cuối những năm 1960. Các vũ khí hạt nhân này vẫn ở lại Hàn Quốc cho đến đầu những năm 1990.
Đối mặt với lực lượng quân sự vượt trội như vậy ngay sát biên giới của mình, Triều Tiên tất nhiên cảm thấy rõ sức ép. Họ đã tính đến việc phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành ngay từ thời cao điểm của Chiến tranh Lạnh đã từng đưa ra một ý tưởng thay thế: một vùng không có vũ khí hạt nhân (NWFZ) trên bán đảo Triều Tiên.
Có một số tiền lệ của kiểu khu vực như vậy, trong đó các nước láng giềng, các khu vực hay toàn bộ châu lục đã nhất trí không triển khai vũ khí hạt nhân ở sân sau của mình. Toàn bộ châu Phi, Trung Á, và một phần lớn Đông Nam Á, Mông Cổ, cũng như toàn bộ Mỹ Latinh đều đã nhất trí lập các vùng NWFZ mà các bên đều có lợi này.
NWFZ được quốc tế mong đợi và có thể được củng cố bởi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), các tuyên bố quốc tế, và/hoặc các nghị quyết của LHQ. Bên cạnh đó, NWFZ tạo ra một nền tảng an ninh, trong đó sự an toàn của các thành viên là liên đới và phụ thuộc lẫn nhau.
NWFZ không chỉ giúp xóa bỏ nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng do việc hoạch định chính sách vội vàng, sử dụng trái phép, hoặc các sự cố, mà nó còn giúp đẩy lùi nhân tố đe dọa các nước láng giềng hoặc các quốc gia có quan hệ không tốt.
Tuy nhiên, ý tưởng về một NWFZ cho bán đảo Triều Tiên chưa bao giờ được Mỹ và tổng thống thời đó George H. W. Bush cân nhắc một cách nghiêm túc. Mặc dù vậy, những năm 1990, ông đã đồng ý rút toàn bộ vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi Hàn Quốc và tìm cách dập tắt căng thẳng đang leo thang liên quan đến việc Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân.
Ban đầu, điều này dường như phát huy tác dụng, dẫn tới việc hai miền Triều Tiên ký kết Tuyên bố chung 1992 về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; về cơ bản là đã đồng ý biến bán đảo này thành một NWFZ. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, người ta đều thấy rõ rằng khái niệm “phi hạt nhân hóa” này được các bên (Mỹ – Hàn – Triều) hiểu theo cách khác nhau.
Thứ trưởng Quốc phòng của ông Bush, là Paul Wolfowitz, lập luận rằng Mỹ sẽ không thể “tiêu hóa” được khái niệm Triều Tiên trở thành một nhà nước hạt nhân, cũng như một khu vực không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thay vào đó, ông gợi ý rằng Washington nên tập trung vào một chính sách phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Cây gậy phi hạt nhân hóa này đã được chính quyền tân bảo thủ của Tổng thống George W. Bush (Bush con) sử dụng năm 2003. Họ đã đẩy chính sách phi hạt nhân hóa lên một mức mới: CVID (tức là phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược). 
Nhiều điều đã thay đổi đối với hai miền Triều Tiên, và Mỹ, kể từ sau thời cha con ông Bush. Tuy nhiên, niềm tin vững chắc rằng “phi hạt nhân hóa” là khái niệm, cách tiếp cận đúng đắn để giải quyết với Triều Tiên, và con đường đúng để tăng cường an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên vẫn mạnh mẽ như xưa. Mặt khác, Mỹ không hề muốn đồng ý với một NWFZ trên toàn bán đảo Triều Tiên. Nhưng tại sao vậy?
Trước tiên, để một NWFZ được thiết lập trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ sẽ buộc phải thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân - điều mà Washington cho đến nay rất không muốn làm.
Thứ hai, Triều Tiên đã đặt điều kiện cho việc phá bỏ vũ khí hạt nhân của mình từ năm 2016, bao gồm: Mỹ và Hàn Quốc phải chấp nhận sự kiểm chứng quốc tế về việc vũ khí hạt nhân từng đưa tới Hàn Quốc phải được rút về hoàn toàn, và phải rút toàn bộ vũ khí hiện đang còn; Đảm bảo rằng Mỹ sẽ không bao giờ triển khai trở lại các vũ khí tấn công hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và khu vực lân cận; Cam kết rằng không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chống Triều Tiên; Tuyên bố rút binh lính Mỹ, vốn đang có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc.
Nói ngắn gọn là một vùng không có vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ tạo ra các nghĩa vụ không chỉ đối với Triều Tiên, mà cả Hàn Quốc và Mỹ.
Tuy nhiên, các điều kiện trên ít khả năng sẽ được Mỹ quan tâm hay chấp nhận. Họ hiện đang có những lợi thế chiến lược lớn khi cho quân đội đồn trú và triển khai khí tài quân sự tại Hàn Quốc.
Không chỉ Washington sẽ không sẵn lòng từ bỏ dễ dàng các lợi thế này, mà một khi vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như mối đe dọa mà các vũ khí này gây ra, biến mất thì tính hợp pháp và lý do cho sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc cũng sẽ không còn.
Tóm lại, mọi chuyện không hề dễ dàng đối với Mỹ, ngay cả dưới thời Tổng thống Trump, người có cách tiếp cận vấn đề hạt nhân Triều Tiên khác biệt so với những người tiền nhiệm.
Một người chơi quan trọng khác, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, từng nói rằng cần các bước đi “sáng tạo” và “lớn” để tìm một giải pháp cho vấn đề Triều Tiên. Liệu đây có nên được hiểu là cách tiếp cận một chiều về phi hạt nhân hóa sẽ không còn chỗ đứng?
Ông Trump nổi tiếng là một nhà thương thuyết tài ba, vì vậy hẳn là ông biết rằng các thỏa thuận đều cần sự thỏa hiệp giữa cho và nhận. “Phi hạt nhân hóa” không đòi hỏi bất cứ sự nhượng bộ nào từ Mỹ hay Hàn Quốc, chỉ Triều Tiên bị đòi hỏi. Trong khi đó, một khu vực không có vũ khí hạt nhân đòi hỏi sự thỏa hiệp và nhượng bộ từ tất cả các bên, mọi người đều phải kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của mình.
Cách tiếp cận NWFZ có lẽ là “quân bài” mà Mỹ có thể “xuất” để tạo tiến triển trong việc giải đáp bài toán hạt nhân hóc búa kéo dài./.
Diệu An

ÔNG TRUMP PHẢN ỨNG THẾ NÀO TRƯỚC HỌP BÁO BẤT NGỜ CỦA TRIỀU TIÊN?

TUẤN ANH /VNN 1-3-2019

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay, trên đường trở về Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biết thông tin về cuộc họp báo bất ngờ lúc nửa đêm của Triều Tiên tại Hà Nội.
Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai bị cắt ngắn thời gian so với lịch làm việc công bố ban đầu, Tổng thống Trump đã tổ chức cuộc họp báo riêng tại khách sạn Marriott lúc 14h chiều 28/2 để thông tin về kết quả sự kiện trước khi lên máy bay về nước. Theo ông Trump, nguyên nhân khiến hai bên không thể ra được tuyên bố chung dù đã có một dự thảo thỏa thuận "sẵn sàng chờ ký" là vì các lệnh cấm vận.
Lãnh đạo Nhà Trắng nói, Bình Nhưỡng yêu cầu Washington phải gỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt chống nước này để đổi lấy việc đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon, nhưng chính quyền của ông thấy hiện không phải là thời điểm thích hợp. "Đôi khi bạn phải quay bước đi", ông Trump nói.


Ông Trump phản ứng thế nào trước họp báo bất ngờ của Triều Tiên?
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho chủ trì cuộc họp báo khẩn tại khách sạn Melia, Hà Nội đêm 28/2. Ảnh: VNN
Tuy nhiên, đêm 28/2, đoàn Triều Tiên đã bất ngờ tổ chức họp báo khẩn, do Ngoại trưởng Ri Yong-ho chủ trì để nói về các thông tin mà phía Mỹ đưa ra. Theo ông Ri, Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu Washington gỡ bỏ một số chứ không phải toàn bộ các lệnh cấm vận, cụ thể là 5 nghị quyết cấm vận mà Liên Hợp Quốc đã thông qua trong năm 2016 và 2017. Song, nhà ngoại giao hàng đầu Triều Tiên nói, Chính quyền của ông Trump "đã không sẵn sàng chấp nhận đề xuất có tính thực tiễn" của Bình Nhưỡng.
Ông Ri sau đó đã kết thúc cuộc họp báo chớp nhoáng mà không đưa ra thêm bất kỳ chỉ trích hay đe dọa nào nhằm vào Mỹ.

Ông Trump phản ứng thế nào trước họp báo bất ngờ của Triều Tiên?
Ông Trump phát biểu trước binh lính Mỹ trong lúc dừng chân tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở Alaska đêm 28/2. Ảnh: AP
Báo Washington Post dẫn lời Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders cho hay, trên đường trở về Washington, Tổng thống Trump đã biết thông tin về cuộc họp báo đột xuất lúc nửa đêm của Triều Tiên tại Hà Nội.
Song, ông không hề đề cập tới những bất đồng tại hội nghị thượng đỉnh lần hai với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khi phát biểu trước binh lính Mỹ trong lúc dừng chân tại căn cứ Elmendorf-Richardson ở Alaska.
Thay vào đó, ông Trump chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự của Mỹ và đưa ra cảnh báo chung cho các kẻ thù nước này.
"Nước Mỹ không tìm kiếm xung đột. Nhưng nếu chúng tôi buộc phải tự vệ, chúng tôi sẽ chiến đấu và chúng tôi sẽ chiến thắng áp đảo", ông Trump tuyên bố.
Tuấn Anh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
THƯỢNG ĐỈNH MỸ- TRIỀU: CANH BẠC CỦA TRUNG QUỐC ?

PHẠM HOÀNG SƠN /NCQT 2-3-2019

Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc và không đi đến được một thỏa thuận chung nào giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tại buổi họp báo ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán, Tổng thống Donald Trump cho rằng việc không đồng quan điểm trong việc gỡ bỏ cấm vận của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên là nguyên nhân chính khiến cho Hoa Kỳ phải rút khỏi vòng đàm phán. Theo ông: “về cơ bản thì họ (phía Triều Tiên) mong muốn việc chấm dứt hoàn toàn các cấm vận, nhưng chúng tôi (Hoa Kỳ) không thể làm thế…”. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho lại cho rằng tuyên bố trước truyền thông của Hoa Kỳ là không đúng khi Triều Tiên chỉ đề nghị dỡ bỏ một phần trong các lệnh cấm vận từ phía Mỹ: “Điều chúng tôi đề nghị là dỡ bỏ một số cấm vận, không phải toàn bộ. Cụ thể, chúng tôi đề nghị tháo bỏ 5 lệnh cấm đang được thực thi trong giai đoạn 2016 và 2017 trong tổng số 11 lệnh cấm vận”. Những bất đồng này khiến cho hi vọng về một tiến trình hòa giải Mỹ – Triều và phi hạt nhân hóa, hòa bình cho bán đảo Triều Tiên khó có thể diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới.
Vai trò và vị thế chủ đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên là không thể phủ nhận trong cuộc chơi an ninh-chính trị này khi đây là hai chủ thể chính, trực tiếp tham gia vào cuộc chơi. Nhưng có lẽ còn phải kể đến vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc, một siêu cường đang lên đối trọng với Hoa Kỳ và là “đồng minh trên thực tế” (de facto ally) của Triều Tiên. Bài viết này cho rằng Trung Quốc có thể được coi là một tác nhân quan trọng khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra bế tắc và đổ vỡ. Lập luận này được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:
Thứ nhất là động thái từ phía Triều Tiên khi Triều Tiên lập tức cử Thứ trưởng Ngoại giao Ri Kil Song tới Trung Quốc ngay sau khi thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ (28/2). Ngày 1/3, Thứ trưởng Ri Kil Song đã có cuộc gặp và hội đàm chính thức với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Tại cuộc họp, Vương Nghị nêu rất rõ rằng “Trung Quốc sẽ sẵn sàng đóng vai trò kiến thiết quan trọng trong tiến trình (quan hệ song phương Mỹ – Triều)”.
Thứ hai, có cơ sở để cho rằng Trung Quốc có nhiều lợi ích chiến lược nếu thượng đỉnh Mỹ – Triều thất bại.
Thứ nhất, việc để Mỹ gia tăng ảnh hưởng và thay đổi luật chơi an ninh-chính trị trong khu vực là điều mà các nhà chiến lược Trung Quốc không mong muốn. Bởi nếu Mỹ thành công trong việc hợp tác với Triều Tiên thì đây có thể được coi là bước đà cho Washington gia tăng can dự vào khu vực. Các bất ổn, xung đột và điểm nóng an ninh tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á sẽ có sự tham gia thường xuyên của Hoa Kỳ. Quyền lực và vị thế của Hoa Kỳ sẽ ngày một gia tăng trong khu vực, gây tác động và lấn át “sự trỗi dậy Trung Quốc”. Quyền lực của Trung Quốc trong khu vực sẽ dần bị thách thức và kéo theo các lợi ích cốt lõi (core interests) của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Trung Quốc không thể trỗi dậy thành công nếu quyền lực và lợi ích của quốc gia này bị cạnh tranh và bị chi phối bởi quyền lực Hoa Kỳ trong chính địa bàn của mình.
Thứ hai, cần phải hạ uy tín của Tổng thống Trump. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được phát động bởi Tổng thống Trump đã tác động rất xấu lên đời sống chính trị – kinh tế của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề này và hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều có thể coi được là thời cơ vàng cho Trung Quốc đáp trả chính quyền Trump. Bởi nếu Tổng thống Trump thất bại trong ngoại giao với Chủ tịch Kim thì uy tín của Trump trong nội bộ chính giới Mỹ có thể bị suy yếu. Quyền lực của chính quyền Trump và các quyết sách ngoại giao chiến lược mang dấu ấn cá nhân của Trump do đó sẽ bị thách thức. Điều này sẽ khiến Trump khó có thể duy trì cuộc chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc một cách lâu dài.
Thứ ba, hợp tác Mỹ – Triều nếu thành công sẽ là bước đệm giúp Bình Nhưỡng dần thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, và điều này cũng là một viễn cảnh không thuận lợi cho Trung Quốc. Người Trung Quốc đã đổ máu tại Bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn sự xâm chiếm của người Mỹ và để giữ vững chế độ nhà Kim. Trung Quốc cũng đã đổ rất nhiều nguồn lực cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia láng giềng phía Đông của mình trong hàng thập niên qua. Theo nhận định của tổng thống Trump thì 93% lượng hàng hóa của Triều Tiên đến từ Trung Quốc. Xét về địa chính trị, bán đảo Triều Tiên là một khu vực đặc biệt quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc. Bên cạnh đó, xét theo mặt chiến lược thì Triều Tiên là một “đồng minh” duy nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Á. Do vậy, Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ đặc biệt của mình với Triều Tiên, đặc biệt là khi để cho quốc gia thân cận này tiến vào quỹ đạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ – đối thủ trực tiếp của Trung Quốc trong bàn cờ chính trị khu vực.
Thứ tư, không phải Hà Nội mà hãy là Bắc Kinh. Việc điều phối các dàn xếp Mỹ – Triều tốt hơn hết nên có vai trò tham gia của Trung Quốc. Trong các câu trả lời của mình tại buổi họp báo tại Hà Nội ngày 28/2, tổng thống Trump đã nhấn mạnh rất nhiều vai trò của Trung Quốc trong các tiến trình song phương Mỹ – Triều. Tại cuộc họp giữa thứ trưởng Ri Kil Song và Ngoại trưởng Vương Nghị cũng vậy, hai bên cũng nhấn mạnh quan điểm, vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rằng thất bại tại Hà Nội sẽ khiến cả Washington và Bình Nhưỡng cần đến Bắc Kinh trong tương lai. Qua đó, Trung Quốc sẽ dùng lá bài này để khiến Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc nếu Mỹ muốn sớm có giải pháp trong vấn đề Triều Tiên. Đồng thời đây cũng là lá bài giúp cho Trung Quốc tác động lên chính quyền của chủ tịch Kim nhằm đảm bảo rằng mọi sự phát triển, cải cách của Triều Tiên đều nằm dưới sự giám sát của Trung Quốc.
Tóm lại, thất bại của Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội là điều khá bất ngờ. Cá tính mạnh của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un khiến việc không đạt được một tuyên bố chung là điều khó chấp nhận được. Cả hai đã đi một chặng đường dài tới Hà Nội, đi kèm theo đó là các hi vọng cải thiện quan hệ song phương đến từ hai phía. Vì vậy, sẽ rất khó để giải thích sự đổ vỡ tại Hà Nội nếu chỉ dựa vào phân tích lợi ích của riêng Mỹ và Triều Tiên. Mọi thứ có thể sáng tỏ hơn nếu ta bổ sung thêm góc nhìn về cuộc chơi nước lớn, chính trị cường quyền.
Suy cho cùng, khi Mỹ – Triều thất bại thì kẻ chiến thắng chính là Trung Quốc.
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
'BÀN TAY' TRUNG QUỐC LÀM HỎNG THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU TẠI HÀ NỘI ?

VOA/ BVN 2-3-2019

Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 28/2/2019 tại Hà Nội.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ngày 28/2/2019 tại Hà Nội.
 
Các chuyên gia và nhà quan sát nói với VOA rằng việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được một thỏa thuận ở Hà Nội hôm 28/2 là một điều “đáng tiếc,” nhưng không loại trừ khả năng có “bàn tay” Trung Quốc làm hỏng thượng đỉnh Mỹ-Triều.
 
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội vào trưa 28/2 mà không đạt được một thỏa thuận chung. Tại buổi họp báo bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều, Tổng thống Mỹ cho biết “bất đồng về lệnh cấm vận chính” là lý do hội nghị thượng đỉnh giữa ông và Chủ tịch Triều Tiên không đạt kết quả như mong đợi.
Nhà quan sát chính trị Quang Hữu Minh ở thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với VOA:
“Phát biểu của Tổng thống Donald Trump về việc không ký được thỏa thuận với Triều Tiên nhưng ông lại nhắc đến Trung Quốc. Trung Quốc không có mặt nhưng Trung Quốc được nhắc đến… Đó là một lời phê bình khéo léo là ông đổ trách nhiệm thất bại trong việc ký kết này là do có sự tham gia của Trung Quốc”.

Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo chiều ngày 28/2/2019 tại Hà Nội.
 
Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo chiều ngày 28/2/2019 tại Hà Nội.
 
Ông Dương Đại Triều Lâm, nhà báo độc lập ở Việt Nam, cho VOA biết nhận định của ông về sự “bất thành” của thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.
“Tôi nghĩ có tác động của Trung Quốc trong việc hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp nhau tại Việt Nam trong hai ngày qua. Trung Quốc dựa vào địa chính trị của mình cũng như sự ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên để lồng ghép chương trình hạt nhân của Triều Tiên trong các thỏa thuận về thương mại của họ để mang lại lợi thế cho họ trong các thỏa thuận với phía Hoa Kỳ.
“Tôi nghĩ có bàn tay Trung Quốc trong việc cuộc đàm phán thượng đỉnh của hai bên bị thất bại ngày hôm nay.”
Tại cuộc họp báo tại Hà Nội vào chiều ngày 28/2, Tổng thống Donald Trump nói Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với Triều Tiên:
“Tôi nghĩ Trung Quốc là một nước lớn, cung ứng đến 93% lượng hàng hóa cho Triều Tiên, và do đó đóng vai trò lớn. Nhưng tôi tin rằng Triều Tiên có lập trường riêng của họ. Họ không nhận mệnh lệnh từ bất kỳ ai. Ông ấy (ông Kim) là một người mạnh mẽ và Triều Tiên đã làm được những điều khá kỳ diệu. Nhưng có đến 93% hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn và Trung Quốc là một nước đã hỗ trợ nhiều cho Triều Tiên, Nga cũng vậy”.
Ông Tong Zhao, học giả hạt nhân của Trung Quốc, nói với VOA:
“Tôi nghĩ Trung Quốc không đóng một vai trò trực tiếp nào trong các đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên mối quan hệ thân thiết giữa Triều Tiên và Trung Quốc lại làm cho cộng đồng thế giới nghĩ rằng Triều Tiên nhận được sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Triều Tiên đã có chiến lược riêng để thiết lập vị thế của họ trong việc đàm phán với Hoa Kỳ”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/2 nói rằng họ hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên vẫn có thể tiếp diễn.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh rằng cả hai bên đều đã thể hiện sự chân thành, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam.
Tiến sĩ Trần Văn Luyến, chuyên gia điện nguyên tử của Việt Nam, cho VOA biết nhận định của ông về mục tiêu của hai bên đàm phán tại thượng đỉnh Hà Nội:
“Việc Triều Tiên có hạt nhân và tên lửa và vấn đề mà Triều Tiên mang ra mặc cả với Mỹ để đổi lấy việc nới bỏ cấm vận. Mỹ cũng có con bài là nếu như ông dẹp bỏ hạt nhân thì chúng tôi mới bỏ cấm vận. Hai bên đang thương lượng chuyện đó. Mỹ luôn luôn đưa ra điều kiên tiên quyết là Triều Tiên phi hạt nhân hóa nhưng phải kiểm chứng được, nghĩa là phải có thanh sát quốc tế hay một phái đoàn nào đó vào để chứng minh được Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách thật tình chứ không chỉ qua lời tuyên bố”.
Ông Dương Đại Triều Lâm cho biết:
“Việc ông Trump và ông Kim Jong Un không đạt được một thỏa thuận là một điều đáng tiếc. Thật đáng buồn cho nhân dân Triều Tiên vì nếu không đạt được các thỏa thuận và ông Kim vẫn tiếp tục theo đuổi đường lối chính trị của ông thì người dân Triều Tiên vẫn tiếp tục sống trong nền kinh tế kém phát triển, nghèo đói và lạc hậu. Người Triều Tiên chịu sự thiệt thòi nhiều nhất vì thỏa thuận không được ký kết”.
Ông Quang Hữu Minh nói việc ông Kim đi tàu hỏa đến Trung Quốc rồi mới đến Việt Nam dự thượng đỉnh cho thấy “thái độ lắng nghe” của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.
“Việc Hội nghị thượng đỉnh lần này tổ chức ở Việt Nam, tôi nghĩ phía Trung Quốc cũng không thích lắm. Kim Jong Un đã đi máy bay qua Singapore được thì không có lý do gì để ông không đi máy bay qua Việt Nam được. Vì vậy việc ông đi tàu hỏa qua ngõ Trung Quốc được xem như là một động thái gọi là ông lắng nghe Trung Quốc không chính thức trước khi ông đến Việt Nam”
Ông Minh phân tích thông điệp của ông Trump sau khi ông cắt ngắn cuộc gặp Mỹ - Triều ở Hà Nội:
“Nếu như gặp nhau mà không ký được thỏa thuận thì ông Trump đi về thôi. Ông gửi ra một thông điệp, không chỉ cho Triều Tiên, mà còn cho Trung Quốc và Nga, là các nước có các vấn đề cần thỏa thuận với Mỹ, đó chính là đối với Tổng thống Mỹ hiện giờ, nếu làm và làm đúng thì ký, còn không làm, không đúng thì không ký. Thế thôi!”.
Truyền thông quốc tế trích lời các chuyên gia cho rằng Washington đã quá “vội vàng” trong việc xúc tiến hội nghị thượng đỉnh lần hai với Triều Tiên.
CNN trích lời ông Joseph Yun, cựu quan chức ngoại giao của Mỹ về Triều Tiên, cho rằng hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội đã kết thúc đột ngột vì “thiếu sự chuẩn bị”.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/trump-thuong-dinh-trieu-tien/4807456.html
1. Đây rồi vì sao Trung Quốc là kẻ ngáng đường.
Trong cuộc họp báo của Trump tại Hà Nội sau cuộc gặp Kim, gã chú ý duy nhất câu hỏi của phóng viên Trung Quốc:
"Ông có nghĩ rằng trong tương lai mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có giống như mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản".
Pv Trung Quốc này đã vô tình để lộ thực chất mối quan tâm của Tập và Trung Nam Hải về cuộc hội đàm giữa Trump và Kim này.
Tập không bao giờ chấp nhận để Triều Tiên với tư cách quốc gia độc lập trở thành Nhật phẩy, tức trở thành đồng minh của Mỹ, chứ chưa nói đến chuyện Nhật phẩy ấy lại thống nhất với Hàn Quốc nơi có căn cứ quân sự của Mỹ như Nhật.
Hơn ai hết Tập cảm thấy cuộc chơi cờ vây mà Trump với bản tính thực dụng... chiến lược đang tung ra các đòn hiểm đằng sau nụ cười mộc mạc: đồng chí Tập là nhà lãnh đạo tài năng.
Trump nhắc đi nhắc lại với Kim rằng: Triều Tiên sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế. Trong cuộc họp báo Trump khôn ngoan vạch đường hươu chạy: tôi khuyến khích Hàn Quốc và Nhật hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên.
Trump biết rằng chỉ có Hàn Quốc mới thực sự giúp Triều Tiên thoát vòng kim cô Trung Quốc mà Trung Quốc không thể gầm ghè gì được.
2. Còn vì sao Trump cứ phải gặp Kim về vũ khí hạt nhân?
Kim đủ thông minh để hiểu và biết dụng nó vào lợi ích của mình. Nhờ Trump mà Kim có hình ảnh khác trên thế giới, có đối trọng với Trung Quốc và có điều kiện để hoà giải với Hàn và Nhật. Lộ trình sắp sẵn cả rồi. Moon sẽ nhanh chóng gặp Kim thôi. Thủ tướng Abe nhanh nhảu tuyên bố gặp Kim để bình thường hoá quan hệ.
Trump qua mối thân tình với Kim đạt được: mọi xung khắc thế giới đều có thể giải quyết được nếu biết vì lợi ích của nhau.
Qua việc Trump gặp Kim đã chứng tỏ Trump làm được điều mà các đời Tổng thống khác không làm được với giá rẻ nhất chứ không phải xương máu dân Mỹ.
Trump cũng tạo được vị thế của mình trong đa số dân Mỹ thực dụng về nguyên tắc duy nhất của Trump: Lợi ích nước Mỹ.
3. Ha ha cả ba cùng thắng.
Hội đàm Trump - Kim ở Hà Nội cả ba đều thắng mặc dù chả có ký kết gì.
Trump, Kim là hai, vậy ba là ai?
Còn ai nữa, VN.
Hy, nhìn cái tay bắt nồng nhiệt của bác cả, bác hai với Trump rồi những cái tay ôm sau lưng của Trump với bác cả, bác hai thì biết.
Rõ sướng.
Đã thế Trump còn sang tận Hà Nội chính thức mời bác cả qua Mỹ nữa.
Chính danh tiếp ở phòng Bầu Dục nhá. Chính danh thảm đỏ nhá. Gã tủm tỉm hình dung bác cả cũng tủm tỉm: mình phải thế nào người ta mới thế chứ.
Đúng. Thế nào thì quá rõ ở lòng Dân khi chả ai xúi ồ ạt đổ ra đường chào đón đồng chí Obama và đồng chí Trump đến nỗi đồng chí Trump quá cảm động, việc đầu tiên khi ngồi trên máy bay rời Hà Nội là rối rít cảm ơn Dân Việt...
Thế đấy, cứ hợp Lòng Dân sẽ có tất.
Gã kỳ thật, lan man chuyện người rồi thì vẫn chỉ dúi mũi chuyện mình.
Nghiện lãnh tụ
Đừng nghĩ là báo chí nịnh bợ, cả dân tộc Bắc Triều đã nghiện nặng lãnh tụ đến mức khủng khiếp vậy đó. (Cũng giống như dân mình nghiện đức Thánh Trần. Một tờ ấn tào lao cũng đạp nhau giành cho bằng được).
Muốn phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khó có thể cậy vào sức ép từ thế giới, trước hết phải có sức ép từ quốc nội. Mà quốc nội nghiện lãnh tụ như nghiện thuốc phiện thế này thì có mà trời cứu.
Xin xem: Báo Triều Tiên: Từ khi Nguyên soái lên đường, đã ba ngày ba đêm người dân không ngủ được vì nhớ Người(https://kimdunghn.wordpress.com/2019/03/01/bao-trieu-tien-tu-khi-nguyen-soai-len-duong-da-ba-ngay-ba-dem-nguoi-dan-khong-ngu-duoc-vi-nho-nguoi/)
Và xin trích 1 ảnh trong vô số ảnh trên các tờ báo đầm đìa nước mắt đó:

https://hanoi24h.net/wp-content/uploads/t-leech-pro/2019/02/28/hanoi24h.net-155140706379619.jpg




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét