Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

20190320. ĐÃ ĐẾN LÚC BẮT 'SÂU CHÚA' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐÁNH PHỦ ĐẦU BÁO CHÍ, 'DÂN CHƠI' VƯƠN RA BIỂN LỚN !

FB HOÀNG HẢI VÂN/ viet-studies 19-3-2019

Vào năm 2007, Chính phủ do ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cho phép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do ông Đinh La Thăng đứng đầu, đầu tư vào một công ty khai thác dầu khí tại Venezuela.
 Một liên doanh sau đó được ra đời giữa PVN và Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela, gọi là “Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2”, với tổng vốn đầu tư 12,4 tỷ USD, liên doanh vay 60%, tương ứng 5,8 tỉ USD; 40% còn lại do các bên đóng góp, tương ứng 3,1 tỉ USD. Phía Việt Nam tham gia 40% với sô vốn góp là 1,241 tỉ USD. Cộng với một khoản chi kỳ quái gọi là “phí tham gia hợp đồng” (bonus) 584 triệu USD, tổng vốn của phía VN phải bỏ ra là 1,825 tỉ USD. Chi tiết cụ thể xem tại đây:
Cần biết, thời gian này các quy chế về dân chủ ở Việt Nam là kém nhất kể từ sau công cuộc Đổi Mới. Không chỉ tự do báo chí bị siết chặt mà ngay cả các vị đại công thần của chế độ như cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng bị các ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng “bịt miệng” bằng việc ra lệnh cho Ban Tư tưởng văn hóa trung ương cấm báo chí đăng những bài viết của các bậc trưởng thượng này.
Một năm sau khi ra chủ trương vung cả tỷ đô la trong dự trữ ngoại tệ vô cùng hạn hẹp của đất nước ra làm dân chơi quốc tế nói trên, vào năm 2008, một cuộc đàn áp khốc liệt vô tiền khoáng hậu đối với báo chí chống tham nhũng đã diễn ra, với hai nhà báo bị bắt, một loạt nhà báo bị thu thẻ, nhiều tổng biên tập bị mất chức liên quan đến việc chống tham nhũng trong vụ PMU18.
Bịt miệng các vị trưởng thượng và đánh phủ đầu báo chí, các nguyên tắc sơ đẳng về quản trị tài chính quốc gia bị vi phạm nghiêm trọng nhưng không một ai dám lên tiếng, ngoại tệ của nhà nước đã chảy ra nước ngoài cho đám dân chơi này “đánh bạc”. Hậu quả là có hơn nửa tỷ đô la coi như mất trắng. Nếu tính cả các dự án mà PVN đầu tư ra các nước khác nữa mà tất cả đều không có hiệu quả thì số tiền bay theo mây khói không dừng lại ở đó.
Thời ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, cụ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và lực lượng quyết tâm chống tham nhũng chỉ chiếm thiểu số, nên việc chống tham nhũng chỉ là sự gãi ngứa mà thôi. Mãi sau khi cụ Tổng đốt cái lò lên, phải vô cùng khó khăn mới có thể từng bước lôi đám dân chơi kia biến thành củi.
Cuộc “đánh bạc” ở Venezuela đang được điều tra. Ông Đinh La Thăng chắc sẽ phải thêm một lần nữa hầu tòa. Một loạt cựu quan chức Dầu khí sẽ tiếp tục vào lò, một loạt quan chức các bộ, ngành có liên quan chắc chắn sẽ bị liên đới. Vấn đề là, PVN không thể tự mình vượt qua thẩm quyền của Quốc hội để mang hàng trăm triệu, hàng tỷ đô la ra phung phí. Ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng lẽ vô can? Và người đứng đầu Bộ Chính trị lúc đó là ông Nông Đức Mạnh chẳng lẽ không biết, nếu biết thì sao không ngăn cản, nếu không biết không ngăn cản thì ông làm những việc gì?
Theo tin tôi được biết thì chủ trương đầu tư vào Venezuela không đưa ra Quốc Hội, nhưng có lấy phiếu xin ý kiến Bộ Chính trị. Có hai vị không tán thành là cụ Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội và cụ Trương Tấn Sang, lúc đó là Thường trực Ban Bí thư. Hai cụ đều đề nghị phải thông qua Quốc hội, nhưng hai cụ chỉ là thiểu số.
HOÀNG HẢI VÂN
P/s : Một dự án đầu tư lớn như trên mà không thông qua Quốc hội thì dù vì lý do gì cũng là chà đạp luật pháp. Tôi cũng nghe nói người mang phiếu đến xin ý kiến từng Ủy viên Bộ Chính trị là ông Đinh La Thăng, người sai ông Thăng làm việc đó chỉ có thể là ông Nguyễn Tấn Dũng. Dùng ý kiến đa số Bộ Chính trị thay cho sự phê chuẩn của Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng đã ngồi xổm lên Hiến pháp. (HHV)

PVN KHÔNG THỂ QUYẾT ĐỊNH ĐẦU TƯ SANG VENEZUELA

FB TRẦN THỊ SÁNH/ viet-studies 19-3-2019

Mấy hôm nay, báo chí và mạng xã hội sục sôi cho rằng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chi hàng trăm triệu đô la cho dự án Junin 2 ở Venezuela mà chưa được giọt dầu nào và có nguy cơ mất trắng. Dự luận cũng rất bức xúc khi PVN đã chi nhiều tiền vào cái khoản “phi lý” mà báo chí gọi là bonus. Đây là một câu chuyện dài và hệ trọng cần được hiểu rõ ngọn ngành…
Việc đầu tư sang Venezuela là chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam khi đang còn anh em thân thiết với Venezuela. Đầu tư sang Venezuela hay một số nước khác ngày ấy được coi như những thứ to tát hơn như “an ninh năng lượng”, “ngoại giao anh em”, những thứ hiệp định có đi, có lại, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế…
Ngày ấy, Venezuela được coi là một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và có nền kinh tế, chính trị ổn định. Ông Hugo Chavez vừa được bầu lại làm tổng thống (nhiệm kỳ 3). Tuy nhiên, để Chính phủ Venezuela ngày ấy dành cho Việt Nam (chứ không phải cho PVN) lô Junin 2 là cả một nỗ lực ngoại giao lớn của Đảng, Chính phủ, trong đó không thể không nói đến tình cảm đặc biệt của Tổng thống Hugo Chavez dành cho Việt Nam.
Dạo ấy, cứ 2-3 tháng lại có một đoàn cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam bay sang Venezuela để đàm phán, thương thảo về việc này. Trung Quốc đã phải cho Venezuela hàng tỷ đô la, trong đó viện trợ cho rất nhiều thiết bị quân sự mới có được một lô tương tự như vậy. Vì vậy, liên doanh khai thác dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela được coi là dự án tiêu biểu, là điển hình đẹp về “ngoại giao dầu khí” của Việt Nam.
Bởi vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không dám và không thể tự quyết định điều hệ trọng này mà đây là quyết định của Chính phủ. Một vài tờ báo cho rằng: PVN đã báo cáo sai, lập dự án không chính xác, không thông qua Quốc hội và đã chấp nhận điều khoản cực kỳ phi lý là phải trả “phí tham gia” (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu. Trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không, PVN vẫn phải nộp đủ phí này là 584 triệu USD bằng tiền mặt.
Vậy tại sao một dự án có số vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng không trình Quốc hội mà vẫn được thông qua để triển khai? Tại sao những cái sai đó, phi lý đó của PVN vẫn được Bộ Chính trị, Chính phủ chấp nhận, thông qua và cho PVN chuyển tiền đi mà không một ai phản đối, ngăn cản?
Một ông nguyên bộ trưởng bây giờ mới dám hé miệng bảo rằng: Lúc đó ông chịu những sức ép ghê gớm từ một số người, buộc phải ký Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án. Vậy sự trung thực, bản lĩnh, vai trò đảng viên của ông này để đâu? Tại sao phải chịu sức ép để ký thì sai luật, không ký thì đi ngược lại ý kiến chỉ đạo hay ông đã bỏ túi hàng trăm triệu đồng rồi?
Hơn nữa, vai trò giám sát, phản biện của Quốc hội, của các cơ quan có thẩm quyền để ở đâu? Họ ăn lương của ngân sách để làm mỗi việc giám sát mà tại sao lại không làm đúng chức năng, nhiệm vụ?
Vụ việc này là câu hỏi lớn về thể chế xã hội Việt Nam lỏng lẻo và sự vô trách nhiệm với đất nước, với nhân dân của các vị chóp bu ngày đó. Vụ việc cũng cho thấy rõ thiếu một cơ quan giám sát độc lập, các chức năng phản biện của các cơ quan nhà nước gần như bằng không… Nếu đưa vụ này ra ánh sáng thì Tổng Bí thư và Thủ tướng … thời đó không thể vô can… Đây là lỗi của cả hệ thống, lỗi của thế chế không minh bạch và hoàn thiện theo kiểu “cha chung không ai khóc”…
Về khách quan mà nói: Dự án Junin 2 ở Venezuela, Việt Nam đã gặp phải rủi ro lớn mà không ai ngờ tới: Tổng thống Chavez chết đột ngột do căn bệnh ung thư khi mới 58 tuổi, chính trị Venezuela đảo lộn, giá dầu giảm mạnh, lạm phát phi mã của đồng nội tệ, tỷ giá ngoại tệ chênh lệch lớn… Đây là nguyên nhân chính khiến dự án này lâm vào tình trạng như hiện nay…
Vì vậy, chúng ta nên công bằng, phân tích vụ việc này trong bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội lúc đó bằng những hiểu biết kiến thức kinh tế, ngoại giao, chính trị, không nên viết theo kiểu hội đồng và “dậu đổ bìm leo”…

BỘ CHÍNH TRỊ CẦN SỚM LÊN TIẾNG VỀ THÔNG TIN NÀY !

NGUYỄN ĐĂNG QUANG/ BVN 19-3-2019
Cách đây 2 ngày, sáng thứ Bảy 16/3/2019 vừa qua, trên Facebook của mình, nhà báo nổi tiếng trong làng báo Việt Nam, ông Hoàng Hải Vân, nguyên Tổng thư ký Tòa soạn báo Thanh Niên, đăng một bài viết có nhan đề “Đánh phủ đầu báo chí, ‘dân chơi’ vươn ra biển lớn!”. Trong bài viết này, nhà báo Hoàng Hải Vân tiết lộ một thông tin động trời: Bộ Chính trị ĐCSVN Khóa X (2006-2011) thời ông Nông Đức Mạnh làm Tổng Bí thư, đã cố tình phớt lờ quy định của luật pháp, không trình ra Quốc hội, để mặc cho Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) mang hàng tỷ USD ra nước ngoài đầu tư vào một Dự án khai thác dầu khí tại Venezuela! Phía Việt Nam (PVN) góp vốn 40% với 1,241 tỷ USD cộng với một khoản chi phí kỳ quái gọi là “phí hoa hồng” (bonus) là 584 triệu USD, tổng vốn của Việt Nam phải góp là 1,825 tỷ USD (tương đương 41,900 ngàn tỷ VNĐ)!

Vụ việc bê bối lớn này hiện đang được Cơ quan chức năng của Bộ Công an sờ đến! Cụ thể mới đây, Cục Cảnh sát Điều tra về tội phạm tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C.03) Bộ Công an cho biết vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) yêu cầu cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu để điều tra, xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện Dự án đầu tư, liên doanh khai thác dầu khí tại Venezuela của PVN. Xin mọi người nhớ cho, vụ việc này CQĐT vào thẳng cuộc, chứ không đợi Cơ quan Thanh tra chuyển hồ sơ sang CQĐT như thông lệ! 
Tôi hoàn toàn đồng tình với nhà báo Hoàng Hải Vân khi ông nhận định: “Một dự án đầu tư lớn như vậy mà không thông qua Quốc hội thì dù lý do gì thì cũng là chà đạp luật pháp”! Vậy xin trân trọng đề nghị Bộ Chính trị sớm lên tiếng về thông tin và vụ việc này để toàn dân biết!
Hà Nội, ngày 18/3/2019
N.Đ.Q.
Tác giả gửi BVN


CHỈ 'SÂU CHÚA' MỚI DÁM VƯỢT MẶT CẢ QUỐC HỘI, NÉM CHỤC NGÀN TỶ RA NGOÀI NHƯ THẾ ?

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 18-3-2019

Ngày 21/2/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định số 213/QĐ-TTg (QĐ213) “Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019”.
Quyết định nêu rõ:
Rà soát, xử lý dứt điểm tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. 
Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. 
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”.
Vì sao nhà nước đã có “Luật Đầu tư công” mà Thủ tướng còn phải ban hành quyết định trong đó đặc biệt nhấn mạnh chuyện “Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm…”?
Nhiều năm gần đây, đầu tư công luôn là mảnh đất màu mỡ cho một bộ phận không nhỏ quan chức lợi dụng đục khoét ngân sách, vơ vét chia nhau những đồng tiền thuế người dân chắt chiu đóng góp.
Có thể nêu một số dẫn chứng, chẳng hạn vụ mua bán ụ nổi 83M tại Vinalines, vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, vụ nhà máy gang thép Thái Nguyên đầu tư tới hơn 8.000 tỉ đồng nhưng nay đang dần biến thành đống sắt gỉ,... 

Một dự án khai thác dầu khí của PVEP tại Peru. Ảnh: PVEP
Một trong những vụ việc được dư luận quan tâm là việc Tổng công ty khai thác thăm dò dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện liên doanh với đối tác là Tổng công ty dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela) tại mỏ dầu Junin 2 và các dự án tại một số quốc gia khác.
Xin tóm lược một số thông tin mà báo chí đề cập về vụ việc tại mỏ dầu Junin 2.
Thứ nhất là ý kiến cho rằng các cơ quan thuộc Chính phủ đã vượt quá thẩm quyền, không trình Quốc hội phê duyệt trong việc thực hiện hợp đồng, cụ thể là bài báo:
“PVN 'ném' nghìn tỉ tại Venezuela: Ép bộ trưởng ký, 'phớt lờ' báo cáo Quốc hội” đăng trên Thanhnien.vn ngày 15/3/2019.
Thứ hai là thông tin từ tháng 11/2008, “Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có cuộc họp thẩm định báo cáo việc đầu tư này với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành và có tờ trình Thủ tướng xin phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1,24 tỷ USD”. [1]
Sau đó “Với tư cách cơ quan thẩm tra hồ sơ xin cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và kiến nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét đặc cách với dự án để sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Tuy nhiên trả lời bằng văn bản sau đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã "bác" đề xuất này và “Yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Uỷ ban làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án.
Trường hợp dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư”. [1]
Vậy điều gì đã xảy ra sau khi có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?
“Báo cáo tháng 5/2009 của Chính phủ gửi cơ quan thường trực Quốc hội dự án Junin 2, cơ cấu phần vốn góp Nhà nước tại dự án được thay đổi.
Phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD dự kiến ban đầu, xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam. 
Điều này đồng nghĩa dự án đầu tư không còn nằm trong diện phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư (dự án có mức góp vốn 30% trở lên)”. [1]
Đến tháng 6/2010 dự án chính thức động thổ, tổng nhu cầu vốn phía Việt Nam phải đóng góp trong dự án tăng thành 1,825 tỉ USD trong đó có một khoản hết sức phi lý mà phía Việt Nam phải thực hiện, đó là "phí tham gia" (bonus) hay còn gọi là “phí hoa hồng”. 
Theo đó Việt Nam phải trả cho Venezuela 584 triệu USD bằng tiền mặt chia làm ba đợt, đợt đầu 300 triệu, hai đợt còn lại mỗi đợt 142 triệu USD. [1]
Đến năm 2013 sau khi đã nộp 442 triệu USD tiền "phí tham gia", 90 triệu USD tiền góp vốn, tổng cộng là 532 triệu USD, ban lãnh đạo mới của PVN đã phải quyết định đơn phương không thực hiện cam kết nộp số tiền “phí tham gia” còn lại (142 triệu USD).
Một tờ báo viết: “PVN mất trắng hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela”. [2]
Cũng trong năm 2013, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN và PVEP tạm dừng việc khai thác thử tại mỏ Junin 2 để tiến hành công tác nghiên cứu đánh giá lại toàn bộ dự án, đàm phán với nước chủ nhà về các điều khoản của hợp đồng.
PVEP cho biết sẽ tiếp tục dự án khi các vấn đề liên quan được làm rõ, đặc biệt phải đảm bảo tránh được các rủi ro về tỉ giá, lạm phát của nước sở tại. [3]
Với tình hình chính trị không ổn định kéo dài nhiều năm cho đến nay tại Venezuela, liệu bao giờ PVEP sẽ tiếp tục dự án và giả sử tiếp tục thì lãi thu được có đủ hoàn lại các khoản đã “mất trắng”?
Nếu thông tin đăng tải trong bài “Dự án tỷ đô sa lầy của PVN ở Venezuela” [1] là chính xác, có thể thấy đã có vượt qua rào chắn pháp lý trong Nghị quyết số 66/2006/NQ-QH11 (NQ66) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ban hành ngày 29/6/2006) và Nghị quyết 49/2010/QH12 (NQ49) (ban hành năm 2010).
Theo NQ66 “Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư với các dự án có quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỷ đồng Việt Nam trở lên, đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên”.
Và như vậy, ý kiến cho rằng cơ quan chức năng “phớt lờ báo cáo Quốc hội” là hoàn toàn có cơ sở, và phải xem xét  trách nhiệm của PVN, của PVEP hay cấp nào khác? .
Có hai lý do để dẫn tới kết luận này:
Thứ nhất, ý kiến của Bộ Kế hoạch & Đầu tư gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị bác và Ủy ban đã yêu cầu “Chính phủ có tờ trình chính thức gửi Uỷ ban”.
Thứ hai, theo NQ66 “Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư” chứ không phải cấp thấp hơn là các bộ, ngành, tập đoàn hay tổng công ty nhà nước. 
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành và có hiệu lực tương đương như luật.
Vi phạm các quy định trong Nghị quyết này là hành vi vi phạm pháp luật.
Những gì báo chí phát hiện liệu có cho thấy sự bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô, sự chưa hoàn thiện cơ cấu kiểm soát quyền lực và những hạn chế của thể chế kinh tế, chính trị?
Chính phủ là cơ quan hành pháp nghĩa là phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Nói theo ngôn ngữ của ngành luật, Chính phủ chỉ được phép làm những gì mà luật pháp cho phép, còn người dân thì được phép làm những gì mà pháp luật không cấm.
Tại thời điểm năm 2010, khi PVN ký hợp đồng lập liên doanh với Venezuela, một đô la Mỹ tương đương 19.500 đồng. 
Số liệu mà báo Thanhnien.vn nêu trong bài báo “Điều tra vụ PVN 'mất trắng' hàng ngàn tỉ đồng tại Venezuela” đăng ngày 14/3/2019 cho thấy dự án mà PVN thực hiện có tổng nhu cầu vốn đầu tư là 1,825 tỉ USD. 
Số tiền này tương đương khoảng 36.000 tỷ đồng, gấp khoảng 1,8 lần so với quy định của Quốc hội (20.000 tỷ).
Số liệu trong Thống kê tài chính quốc tế của IMF, WB và Báo cáo nợ nước ngoài số 7 - Bộ Tài chính cho thấy dự trữ ngoại hối quốc gia cuối năm 2010 khoảng 12,86 tỷ USD và nợ nước ngoài ngắn hạn là 6,95 tỷ USD. [4]
Chỉ một dự án đầu tư của PVN (1,825 tỷ USD) sang Venezuela đã ngốn 14,2% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia tại thời điểm năm 2010, phải chăng đây là cuộc chơi liều lĩnh của một nhóm người chứ không phải là cách thức đầu tư có tính toán của Chính phủ?
Và phải chăng đây cũng là một cách thể hiện quyền lực vượt trên pháp luật?
Chỉ đến khi khả năng mất trắng số tiền nghìn tỷ bị phát hiện thì vụ việc mới được các cơ quan bảo vệ pháp luật và truyền thông đề cập, vậy phải chăng đã có “tác động” thế nào đó để các cơ quan hữu quan trong đó có Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước,… án binh bất động?
Năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,88 triệu tấn gạo thu được 3,23 tỉ đô la Mỹ.
Số tiền 532 triệu USD đã giao cho phía Venezuela (mà báo chí nói là mất trắng) gần bằng 1/6 tống số tiền bán gạo. 
Để có chừng ấy tiền bao nhiêu triệu nông dân trồng lúa phải lao động cật lực cả năm?
Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật quy định ngày 09 tháng 11 hàng năm là “Ngày Pháp luật”.
Ngày Pháp luật trùng với ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành.
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng  chính thức công bố “Ngày Pháp luật Việt Nam”. 
Baodientu.chinhphu.vn viết: 
Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Tổ chức Ngày Pháp luật còn có ý nghĩa thúc đẩy tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. [5]
Đọc toàn bộ bài báo, chỉ thấy nói “giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội” mà không thấy nói “giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật” cho các cơ quan hành pháp và tư pháp cũng như tổ chức chính trị xã hội, có phải đây chỉ là “lỗi soạn thảo văn bản”?
Trước và sau khi công bố “Ngày Pháp luật” cơ quan hành pháp đã làm việc thế nào?
Ngay từ năm 2010, “Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng lấy ví dụ từ dự án đường Hồ Chí Minh "được làm từng đoạn một rồi mới nối với nhau để trình ra Quốc hội. Lúc đó Quốc hội không cho nối cũng không được”. [6]
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 6/4/2010, “Nhiều vị ủy viên thường vụ băn khoăn bởi đã có không ít dự án được “xé lẻ” để qua “cửa” Quốc hội”. [6]
Chỉ mới đây, tháng 1/2016 MobiFone thực hiện thương vụ mua lại 95% cổ phần của AVG với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 8.889,8 tỉ đồng. 
Vì sao hồ sơ vụ mua bán này đóng dấu “mật” cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng dù báo chí nhiều lần nêu câu hỏi? 
Đến tháng 7/2017, Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo thanh tra toàn diện thương vụ, Tổng Bí thư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ việc.
Ngày 10/07/2018 Bộ Công an công bố quyết định khởi tố vụ án, nhiều cựu lãnh đạo liên quan bị khai trừ khỏi đảng, bị bắt tạm giam như Lê Nam TràNguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn,…
Tại Hà Nội, Baovanhoa.vn – cơ quan của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch viết:
Với vụ Sóc Sơn, cả nghìn héc ta rừng bị “xẻ thịt” để xây biệt phủ, nhà vườn một cách công khai, lại xuất phát từ việc chính quyền đã ngang nhiên cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng một cách trái pháp luật… 
Gần đây nhất là năm 2013, sau nhiều đợt thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn này, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm và kiến nghị xử lý. 
Nhưng hàng chục năm trời, những kiến nghị này đã không được xử lý một cách dứt điểm, các công trình xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại khiến dư luận không khỏi băn khoăn về năng lực của các cơ quan hành pháp từ cấp xã, huyện đến thành phố”. [7]
Năng lực của các cơ quan hành pháp tất cả các cấp bị đặt dấu hỏi chắc là không sai, tiếc rằng cho đến nay gần như không thấy đề cập đến năng lực giám sát của cơ quan lập pháp?
Liệu có chuyện cơ quan lập pháp nhường sân chơi cho cơ quan hành pháp?
Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của quốc gia, là cơ quan lập pháp nhưng việc soạn thảo dự án luật nhiều lúc lại do Chính phủ và các cơ quan trực thuộc chủ trì hoặc thực hiện.
Chính vì thế, một số quyền công dân đã ghi trong Hiến pháp từ năm 1946 song do Chính phủ “khất” nên Quốc hội chưa thể ban hành như các Luật Biểu tình, Luật về Hội,… 
Vậy nhân dân nên đặt câu hỏi với Quốc hội, Chính phủ hay cơ quan nào khác?
Phải đến năm 2015 nước ta mới có “Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân”, vậy trước khi có luật này ngoài chuyện xây dựng và ban hành luật (hoặc các văn bản quy phạm pháp luật), phải chăng quyền giám sát của Quốc hội với các hoạt động của Chính phủ còn bị hạn chế?
Nếu không thì tại sao Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng khi ấy lại phải đề cập chuyện “cắt khúc” đường Hồ Chí Minh để thi công rồi yêu cầu Quốc hội cho nối các đoạn này và: “Quốc hội không cho nối cũng không được”?
Muốn đất nước có kỷ cương thì phải xây dựng nhà nước pháp quyền, phải “Thượng tôn pháp luật”.
Chỉ khi nào phép nước được tuân thủ trước hết ở cơ quan hành pháp, tư pháp sau đó là toàn dân thì thế nước mới vững bền, dân tộc mới trường tồn.
Như vậy, câu khẩu hiệu toàn dân “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” không chỉ dừng lại ở toàn dân tuân thủ mà bản thân các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp và các các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp phải nêu gương đi đầu.
Đặt vấn đề như thế bởi nếu cơ quan lập pháp - Quốc hội và Hội đồng Nhân dân - thực hiện không đến nơi đến chốn quyền lực được nhân dân ủy nhiệm thì hiện tượng “phớt lờ báo cáo Quốc hội” vẫn có khả năng tiếp diễn và chuyện cơ quan lập pháp bị “tảng lờ” không phải là không thể xảy ra.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từng yêu cầu các đại biểu Quốc hội phải gương mẫu.
Các bộ, ngành mời giao lưu, dự tiệc thì không đi, nhất là tại kỳ họp có việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. 
Bà Ngân "...đề nghị các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu gương, trừ khi tiếp khách, còn lại không tổ chức họp mặt trong thời gian diễn ra kỳ họp".
Chủ trương “Chống tham nhũng không có vùng cấm” cũng bao hàm ý nghĩa “Chống tham nhũng không có “người cấm” ”.
Bằng chứng là chỉ trong vòng 3 năm gần đây, hơn 60 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị đã bị xử lý kỷ luật.
Theo tinh thần QĐ213 mà Thủ tướng đã ký, hy vọng thời gian tới mọi vụ việc vi phạm trong hệ thống chính trị sẽ tập trung vào trách nhiệm của người đứng đầu chứ không phải cấp phó, hoặc chuyên viên giúp việc.
Những ai liên quan đến các đại án tham nhũng, lãng phí gây tổn thất lớn kinh tế đất nước, ảnh hường nghiêm trọng đến hình ảnh một nhà nước pháp quyền “Của dân, do dân và vì dân” cần phải được chỉ đích danh cho nhân dân biết.
Nếu tên tuổi những người đó cũng đóng dấu “mật” như thương vụ mua bán AVG thì chắc chắn công cuộc chống nội xâm sẽ còn nhiều trắc trở.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vnexpress.net/kinh-doanh/du-an-ty-do-sa-lay-cua-pvn-o-venezuela-3895316.html
[2]https://thanhnien.vn/thoi-su/pvn-nem-nghin-ti-tai-venezuela-ep-bo-truong-ky-phot-lo-bao-cao-quoc-hoi-1060807.html
[3]https://laodong.vn/kinh-te/tap-doan-dau-khi-viet-nam-tam-ngung-du-an-tai-venezuela-254326.bld
[4]https://www.sbv.gov.vn/webcenter/contentattachfile/idcplg?dDocName...filename..
[5]http://baodientu.chinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-cong-bo-Ngay-Phap-luat-Viet-Nam/185162.vgp
[6]http://vneconomy.vn/thoi-su/du-an-nao-can-quoc-hoi-quyet-chu-truong-dau-tu-20100506080314153.htm
[7] http://www.baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/xa-hoi/artmid/619/articleid/12714/vu-xe-thit-dat-tung-soc-son-ai-la-nguoi-chiu-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét