Thứ Năm, 1 tháng 12, 2016

20161201. BÀN VỀ Ý TƯỞNG TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ Ý TƯỞNG TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
NGÔ THẾBÍNH/ ngothebinh's blog 1-12-2016
Kết quả hình ảnh cho động cơ vĩnh cửu
Một ý tưởng về ‘động cơ vĩnh cửu’ [5]
 Trong cuộc Tọa đàm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ ngày 10/11/2016 tại Hà Nội, GS Trần Văn Nhung tổng thư ký Hội đồng học hàm giáo sư khi đề cập đến hiện tượng ‘đạo văn’ của luận án tiến sĩ, cho rằng:  "Một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình.” [1].  Vậy ý tưởng là gì ? Các loại ý tưởng ? vai trò của ý tưởng trong nghiên cứu khoa học? Xin có vài lời bàn để các NCS tham khảo.
   Định nghĩa của ‘ý tưởng’: Ý tưởng là suy nghĩ bước đầu cho hành động dự định tiến hành bởi một người nào đó.
Với định nghĩa trên xin được lưu ý:
- Ý tưởng là thuật ngữ Hán-Việt (意 想), Trong đó ý ()- suy nghĩ- tưởng ()- dự định[1]. Thuật ngữ tương đương  trong tiếng Anh là idea.Thực ra: idea có nguồn gốc tiếng Hy Lạp, lần đầu tiên được nêu ra bởi nhà triết học cổ đại Platon (427-347 TCN), với nghĩa không hoàn toàn như đã nêu, nghĩa chung nhất còn giữ lại là một bước suy nghĩ chủ quan của mỗi người [3].
- Con người luôn suy nghĩ, song không phải suy nghĩ nào cũng mang ý tưởng tức là dự định (mong muốn) làm điều gì đó trong tương lai.
- Vì là suy nghĩ bước đầu nên ý tưởng thường chỉ là phác họa, chưa hòan chỉnh thậm chí chủ quan, không khả thi. Do đó Ý tưởng cũng không đồng nhất với mục đích của chủ thể với nghĩa trả lời đầy đủ cho các câu hỏi ‘kết quả cuối cùng là gi’, ‘phục vụ cho ai’
- Ý tưởng cũng không phải là lý tưởng với nghĩa là dự định sống và hành động của chủ thể trên cơ sở tuân thủ một triết lý cao cả nào đó.
  Các loại ý tưởng
  Theo lĩnh vực tư duy có thể tạm chia ra: ý tưởng đời sống (mua sắm, thưởng thức nghệ thuật, tham quan du lịch, v.v…); ý tưởng kinh doanh (khởi nghiệp, tạo sản phẩm-dịch vụ mới có tính khác biệt, cạnh tranh, tăng doanh số lợi nhuận…); ý tưởng nghệ thuật ( tạo hình thức mới thể hiện các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…có sức thu hút khán giả); ý tưởng khoa học (tạo dựng hay hoàn thiện cơ sở khoa học cho những giả thuyết của các loại khoa học thường thấy trong các công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ). Điểm chung của các loại ý tưởng  trên là tính dự kiến, nhưng có sự khác biệt nhất định về tính khả thi, tính bảo mật, tính phức tạp…đặt ra cho chủ thể ý tưởng.
  Theo tính khả thi có thể chia ra: ý tưởng tốt (good idea) và ý tưởng tồi (bad idea)- Trong ý tưởng khoa học, ý tưởng tồi đồng nghĩa với không mới hay đi ngược lại với chân lý, quy luật. Ví dụ điển hình cho ý tưởng khoa học tồi là ý tưởng tạo ra ‘động cơ vĩnh cửu’ vì nó không xét tới định luật bảo tồn và biến hóa năng lượng, mặc dù ngay từ thế kỷ XII đã thu hút khá nhiều người nghiên cứu mà không thành công [5]
   Vai trò của ý tưởng trong nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu khoa học là hoạt động của con người nhằm tìm kiếm những điều mới, sáng tạo từ đó hoàn thiện những hiểu biết trước đó về thế giới, ứng dụng  có hiệu quả vào từng lĩnh vực của cuộc sống.  Trong phương pháp luận nghiên cứu khoa học [4], ý tưởng được coi là xuất phát điểm của mọi khoa học. Trong quy định làm luận án tiến sĩ của Đại học Mỏ Maskva Liên Xô trước đây mà tôi phải thực hiện thì  trong phẩn Mở đầu phải nêu được ý tưởng khoa học của người nghiên cứu đồng thời với xác định mục đích, đối tượng nghiên cứu. Điều đó không chỉ đề cao vai trò xuất phát điểm của tư duy khoa học mà còn là một yêu cầu đào tạo người làm khoa học. Người làm khoa học ở trình độ tiến sĩ phải là người tiên phong đưa ra ý tưởng, thậm chi ‘ấp ủ’ trước khi làm NCS, càng  không phải ‘ăn cắp’ ý tưởng của người khác. Nếu chỉ ‘ăn cắp’ ý tưởng thỉ không chỉ thiếu đạo đức khoa học mà không làm khoa học phát triển được. Đó  cũng là lý do mà tôi rất đồng tình với ý kiến của GS Trần Văn Nhung đã nêu trên.  
   Kết luận: Tuy nhiên bản chất của ý tưởng là dự định, mong muốn chủ quan nên không phải ý tưởng nào cũng có giá trị khoa học, nếu không được chứng minh đầy đủ trong luận án, không được ‘cọ sát’ với thực tiễn, không có thầy hướng dẫn và Hội đồng chấm đủ năng lực . Giải quyết những vấn đề đó tôi nghĩ cần chờ kết quả nghiên cứu sửa đổi quy chế đào tạo tiến sỹ mà Bộ GDĐT đang khẩn trương tiến hành và  công bố nay mai [6,7] .
   Tài liệu tham khảo
 1- Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng ăn cắp ý tưởng (GD 12/11/2016)-
2 - Hán –Việt từ điển trích dẫn: 
http://nguyendu.com.free.fr/hanviet/
3- Ý tưởng:
 https://vi.wikipedia.org/wiki/%C3%9D_t%C6%B0%E1%BB%9Fng
4- Vũ Cao Đàm (2009)- Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
NGHIÊN cứu KHOA Học - e-Learning System
5 - Động cơ vĩnh cửu – Wikipedia tiếng Việt
6- Luận án tiến sĩ phải thực sự là công trình khoa học (VNN 22/11/2016)
7-  Đào tạo tiến sĩ: Có 'danh sư' mới 'xuất cao đồ'  (VNN 30/11/2016)

 ĐÀO TẠO TIẾN SĨ: CÓ 'DANH SƯ' MỚI XUẤT 'CAO ĐỒ'

LÊ VĂN/ VNN 30-11-2016
Nâng cao yêu cầu với chính những người hướng dẫn, tuyển sinhtiến sĩ gắn với các đề tài nghiên cứu mà người hướng dẫn tham gia hoặc chủ trì để có thể trả lương cho nghiên cứu sinh (NCS) được coi là những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam.

Thầy hướng dẫn cũng cần có công bố quốc tế
Cùng với việc nâng chuẩn đối với NCS, nhiều ý kiến cũng đồng tình rằng, cần phải nâng cao yêu cầu đối với bản thân những người hướng dẫn NCS. Đây cũng là một điểm mới trong dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo.
Theo TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo sau đại học ở nước ngoài cho rằng, đối với những người hướng dẫn NCS ở lĩnh vực KHTN-KT thì ít nhất phải đảm bảo 2 yêu cầu bắt buộc: Thứ nhất, phải có công bố quốc tế phù hợp với đề tài nghiên cứu của NCS và thứ hai là phải có đề tài nghiên cứu gắn trực tiếp với đề tài nghiên cứu của NCS.
Chia sẻ quan điểm này, TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) kiến nghị những yêu cầu cụ thể và "khắt khe" hơn.Ông Dũng cho rằng, tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, người ta không đặt ra các yêu cầu đối với người hướng dẫn NCS bởi lẽ, tại các quốc gia này, đã là giáo sư tại một trường đại học thì "có thừa" tiêu chuẩn để hướng dẫn NCS. Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, nên đặt ra yêu cầu này trong tình hình hiện tại của Việt Nam.
Ông Phong cho rằng, điều kiện đối với người hướng dẫn tối thiểu phải là tác giả chính của ít nhất 1 công trình khoa học được công bố trên các tạp chí ISI (đối với ngành KHTN-CN) hoặc trên các tạp chí Scopus (đối với ngành KHXH&NV) và hiện đang chủ trì một đề tài cấp trường, viện trở lên.
Ông Phong cũng kiến nghị, ngoài người hướng dẫn, các cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo tiến sĩ cũng cần đảm bảo những điều kiện nhất định. "Cơ sở đào tạo NCS hàng năm phải công bố hướng nghiên cứu của các giảng viên (trình độ TS, PGS, GS) và thông báo tuyển NCS theo hướng đó. Ngoài điều kiện bắt buộc theo quy định của Bộ GDĐT, cơ sở đào tạo có thể có thêm các yêu cầu khác nhưng không được trái và thấp hơn chuẩn quy định của Bộ" - ông Phong khẳng định.
TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN) cũng cho rằng, nếu như các thầy hướng dẫn mà không có công bố quốc tế hay không có các dự án, đề tài nghiên cứu thì không nên nhận NCS. Ông Nam đề xuất, số lượng NCS cũng nên hạn chế theo định mức nghiên cứu để có chất lượng, không thể có chuyện các thầy dạy NCS để kiếm tiền như dạy tại chức được.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng, việc các thầy hướng dẫn có dự án, đề tài nghiên cứu cũng như đã từng có công bố quốc tế thì việc NCS có thể có công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án là hoàn toàn có khả năng vì hoàn toàn có thể đứng tên chung với thầy trong một công trình nghiên cứu.
Tuy vậy, một số ý kiến cũng cho rằng, việc yêu cầu người hướng dẫn có một lý lịch khoa học tốt như có công bố quốc tế là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc yêu cầu thầy hướng dẫn phải chủ trì một đề tài nghiên cứu vì với cơ chế hiện tại không phải ai cũng được chủ trì đề tài dù năng lực chuyên môn có thừa để hướng dẫn nghiên cứu sinh.
Tuyển NCS theo các đề tài nghiên cứu
TS Lê Tiến Dũng chia sẻ, tại nhiều quốc gia phát triển, các giáo sư hay cơ sở đào tạo chỉ tuyển nghiên cứu sinh khi có các đề tài nghiên cứu chứ không phải là có NCS rồi mới đi tìm các đề tài, dự án nghiên cứu để làm.
Theo đó, khi có các đề tài, dự án nghiên cứu, các giáo sư hoặc các cơ sở đào tạo có thể đăng tải các thông tin "tuyển sinh" với đầy đủ các yêu cầu cũng như chế độ đãi ngộ đối với nghiên cứu sinh.
Những người làm tiến sĩ theo cách này sẽ gắn liền với đề tài nghiên cứu của giáo sư hướng dẫn và họ sẽ được trả lương theo quy định của các cơ sở đào tạo để thực hiện công việc nghiên cứu của mình.
Ông Dũng cũng chia sẻ, hiện tại, một bộ phận người hướng dẫn NCS ở Việt Nam đã thực hiện việc trả lương cho nghiên cứu sinh và đề tài của NCS nằm trong đề tài dự án của thầy. Đây là hướng đi đúng, cần phát huy.Ông Dũng cho rằng, việc các GS trả lương cho nghiên cứu sinh theo các đề tài nghiên cứu là một cách để giải quyết vấn đề kinh phí đào tạo tiến sĩ còn thấp hiện nay ở Việt Nam đồng thời tạo điều kiện để những người làm tiến sĩ có thể dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu.
"Như Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) hiện nay đã có quy định mức lương cho các nghiên cứu sinh của đề tài. Đây là một quy định tốt có tác dụng nâng cao chất lượng của nghiên cứu sinh" - ông Dũng khẳng định.
Theo TS Dũng để thúc đẩy phát triển hướng đi này, các chương trình nghiên cứu quốc gia nói chung và đề tài khoa học cấp Bộ trở lên nên có một hướng dẫn chung về đào tạo NCS và trả lương cho họ từ đề tài.
"Thực tế chúng ta đào tạo tiến sĩ để làm nghiên cứu vì thế sẽ rất tốt nếu như nghiên cứu sinh đó nghiên cứu và phát triển bản thân trong một đề tài lớn của thầy hướng dẫn" - ông Dũng khẳng định.
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Nam Trân (Trường ĐH KHTN, ĐHQG TP.HCM) cho rằng, việc GS trả tiền lương cho NCS là chuyện bình thường ở nước ngoài bởi lẽ, ở các quốc gia này, học tiến sĩ phải toàn thời gian (thường học tập/làm việc trên 8 tiếng 1 ngày, 7 ngày 1 tuần).
Do đó, nếu GS muốn tuyển sinh viên từ các các nước đang phát triển thì phải cung cấp tiền ăn ở, sinh hoạt để sinh viên từ mấy nước này chuyển qua sinh sống, làm việc và học tập ở nước của GS do mấy sinh viên này rất nghèo.
Còn nếu GS muốn tuyển sinh viên từ nước của GS đang ở thì phải trả lương, mà lương cao nữa là khác vì sinh viên đã tốt nghiệp đại học và đạt được đủ tiêu chuẩn để học tiến sĩ thì cũng thuộc dạng khá giỏi và hoàn toàn có khả năng kiếm được việc làm lương tương đối cao mà làm việc thì thoải mái hơn học tiến sĩ nhiều.
"Muốn người ta bỏ làm để đi học tiến sĩ thì ngoài người ấy có đam mê, GS cũng phải trả cho người ấy một mức lương tương đối phù hợp với thời gian người ta bỏ ra" - TS Trân chia sẻ. 
TS Trân cũng cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, việc GS trả lương cho NCS cũng sẽ giúp những người làm tiến sĩ dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu, từ đó cho ra kết quả nghiên cứu tốt hơn thay vì đào tạo tiến sĩ theo kiểu tại chức, bán thời gian và không được trả lương như hiện nay.
Lê Văn
 'ĐÀO TẠO TIẾN SĨ CHỈ DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI THỰC TÀI, THỰC LỰC'
PV HÀ PHƯƠNG / VNN 22-11-2016
'Đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho người thực tài, thực lực'
 Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết như vậy khi đề cập tới những điểm mới của dự thảo quy chế đào tạo tiến sĩ.
Theo bà Phụng,Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ từ trước đó.
Cụ thể, Bộ đã bắt tay vào điều chỉnh quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành. Đây được coi là hành lang quan trọng nhất trước khi triển khai những bước tiếp theo trong thực tiễn.
Cấu trúc của quy chế mới sẽ ngắn gọn hơn, đảm bảo nâng cao tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo nhưng với các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng về công bố khoa học cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn.
Ngoài ra, quy chế cũng sẽ bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý NCS, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh trong trường hợp có khiếu kiện về nội dung và chất lượng của luận án.
Yêu cầu chuẩn ngoại ngữ từ đầu vào
Bà có thể nói rõ hơn các yêu cầu cụ thể về ngoại ngữ, minh chứng khoa học công bố cao hơn đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh?
Khác với quy chế hiện hành quy định ngoại ngữ bắt buộc ở đầu ra, quy chế mới bắt buộc ngoại ngữ phải đạt chuẩn nhất định ngay từ đầu vào. 
Mặt khác qui chế mới cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải chứng minh được năng lực ban đầu về nghiên cứu khoa học của mình thông qua những công trình đã công bố trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để đảm bảo đầu ra, quy chế cũng yêu cầu nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có phản biện hoặc công bố công trình trên các kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện trong quá trình làm nghiên cứu sinh tại cơ sở đào tạo và trước thời điểm luận án được thông qua ở đơn vị chuyên môn.
Quy định mới về thầy hướng dẫn
Để có một tiến sĩ giỏi, ngoài các yếu tố đầu vào, đầu ra còn cần đề cập đến vai trò của người hướng dẫn. Một người hướng dẫn có trình độ thôi chưa đủ mà phải còn phù hợp với vấn đề mà người làm tiến sĩ lựa chọn để nghiên cứu. Lâu nay đôi khi điều này bị “bỏ qua”. Quy chế mới thay đổi gì liên quan đến vai trò của người hướng dẫn?
Quy chế mới quy định người hướng dẫn phải là người chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ trở lên, là tác giả hoặc đồng tác giả của các công trình công bố quốc tế thuộc lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh.
Đó còn phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo. 
Mỗi nghiên cứu sinh có tối đa 2 người hướng dẫn. Trường hợp người hướng dẫn thứ nhất không phải là giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của cơ sở đào tạo nơi nghiên cứu sinh đang theo học thì người hướng dẫn thứ hai phải là cán bộ cơ hữu của cơ sở đó.
Trường hợp người hướng dẫn độc lập là tiến sĩ nhưng chưa có chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư thì phải có minh chứng có đủ công trình khoa học đạt chuẩn phó giáo sư trở lên theo quy định của Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước.
Người hướng dẫn có thể được tham gia Hội đồng cấp trường/viện trong trường hợp cần thiết để tạo điều kiện cho NCS và thầy hướng dẫn được bảo vệ các quan điểm khi làm luận án, tăng tính tính khách quan khi đánh giá luận án, đặc biệt đối với những đề tài có ít chuyên gia đầu ngành.
Người hướng dẫn và hội đồng bảo vệ luận án cấp trường/viện phải có trách nhiệm cùng nghiên cứu sinh về nội dung luận án khi có khiếu kiện về vi phạm bản quyền tác giả (đạo văn).
Thời gian tối thiểu 3 năm, đào tạo tập trung
Hiện nay, Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân đã được ban hành. Quy chế có tính đến những thay đổi này đối với hoạt động tổ chức đào tạo tiến sĩ hay không?
Điều này đã được tính đến nên tổng thời gian đào tạo (kể cả thời gian gia hạn) sẽ rút ngắn hơn để đảm bảo phù hợp với xu thế chung và khác nhau đối với từng đối tượng tham gia dự tuyển (có bằng cử nhân, có bằng thạc sĩ), nhưng thời gian tối thiểu để hoàn thành luận án là 3 năm (thay vì 2 năm như trước đây) phù hợp với Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Hình thức đào tạo là tập trung toàn thời gian và cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm quản lý nghiên cứu sinh trong toàn bộ thời gian này
Ngoài ra, quy chế cũng sẽ có một số điều chỉnh khác nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính cũng như một số quy định mà qua thời gian thực hiện quy chế từ 2010 đến nay không còn hiệu quả.
Có nhiều ý kiến cho rằng luận án tiến sĩ là một công trình khoa học, phát triển tri thức mới, do đó những phát kiến mới này cần phải được đánh giá thông qua những công trình mà nghiên cứu sinh và người hướng dẫn công bố trên các tạp chí quốc tế có phản biện. Cùng với đó là yêu cầu bắt buộc về kiểm định các chương trình đào tạo tiến sĩ. Yêu cầu như vậy phải chăng quá khắt khe đối với điều kiện đào tạo tiến sĩ hiện nay của Việt Nam?
Phải nói thẳng, trong điều kiện hiện nay của các cơ sở đào tạo tiến sĩ, nếu áp dụng những quy định này là khó. 
Nhưng nếu xem xét đến bối cảnh phát triển chung của GDĐH của các nước ở trong khu vực, ta bắt buộc phải đặt ra chuẩn để phấn đấu.
Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong GDĐH, là đào tạo những nhà nghiên cứu, vì vậy phải chuẩn từ chất lượng đầu vào, đảm bảo cơ chế thải loại trong quá trình đào tạo và đạt chuẩn chất lượng chất lượng đầu ra.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam trong đó yêu cầu trình độ, năng lực mà người tốt nghiệp mỗi cấp đào tạo cần đạt được. 
Khung trình độ này tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN. 
Tiến sĩ là bậc cao nhất (bậc 8/8). Để đạt được chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam thì trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cũng phải ngang bằng với tiến sĩ các nước khu vực ASEAN.
Lâu nay ta vẫn có quan niệm điều kiện của Việt Nam là đặc thù, vậy cần phải có đặc thù. 
Nhưng nay trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, nguồn nhân lực được đào tạo phải tương thích với thế giới thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường lao động. 
Do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ tiếp cận dần với chuẩn quốc tế và khu vực là rất cần thiết.
Cần chấp nhận có thể giảm quy mô để tập trung vào chất lượng và đào tạo tiến sĩ chỉ dành cho những người thực tài, thực lực, có mục tiêu học tập rõ ràng. Đào tạo tiến sĩ cũng chỉ thực hiện ở những cơ sở đào tạo đủ điều kiện đảm bảo chất lượng.
Một vấn đề được nhắc đến nhiều khi nói về chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay là chi phí đào tạo quá thấp (bình quân khoảng 15 triệu đồng/năm). Quy chế mới có khắc phục được bất cập này?
Bất cập về chi phí đào tạo tiến sĩ đã được bàn đến nhưng ở phạm vi của Quy chế đào tạo chưa thể quy định cụ thể như việc nâng chi phí đơn vị (đầu tư đào tạo một nghiên cứu sinh/năm) ở mức tương đương với mức chi phí đơn vị trong khu vực, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, chi phí cho nghiên cứu sinh hay người hướng dẫn đi dự hội nghị, hội thảo nước ngoài...
Tuy nhiên, từ việc nâng cao những quy định về chất lượng của nguồn tuyển, của quá trình tổ chức đào tạo buộc cơ sở đào tạo cũng như các cơ quan quản lý phải có những đề xuất hoặc giải pháp đảm bảo đầu tư xứng đáng để đạt chất lượng như mong muốn. 
Trên cơ sở những ý kiến của các nhà khoa học, các cơ sở trực tiếp đào tạo, Bộ GD&ĐT cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khác để đề xuất Chính phủ sửa đổi những quy định về tài chính cho phù hợp với thực tế.
Cảm ơn bà!
Quan điểm của Bộ GD-ĐT khi đặt ra việc sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ là không chỉ thực hiện theo chủ quan của những người làm chính sách mà phải xuất phát từ thực tế triển khai tại các cơ sở đào tạo cũng như sự giám sát của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua.
Do vậy Bộ rất cần sự đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các nhà quản lý và của các cá nhân có liên quan.
  • Hà Phương (Ghi)
HỌC TIẾN SĨ ĐỂ LÀM GÌ ?
LÊ VĂN/ VNN 2-12-2016
Học tiến sĩ để làm gì?
Thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu những người có bằng tiến sĩ rởm không được bổ nhiệm.

 Mấu chốt của việc nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là việc các nghiên cứu sinh xác định học tiến sĩ để làm gì?

Theo PGS.TS Phạm Thanh Phong (Trường ĐH Tôn Đức Thắng, hiện là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Dongguk, Hàn Quốc), để nâng cao chất lượng tiến sĩ ở Việt Nam thì trước hết, cần định vị lại danh xưng tiến sĩ trong môi trường học thuật.Cần định nghĩa lại danh xưng tiến sĩ
Học vị tiến sĩ phải được hiểu như một học vị khoa học được định nghĩa từ châu Âu chứ không nên được hiểu như là kết quả của các kỳ thi của văn hóa Khổng Giáo. Cần phải phân biệt giữa hai loại tiến sĩ: Một là những tiến sĩ danh dự dành cho những người có đóng góp về học thuật, chính trị và thỏa mãn các tiêu chí của đại học nhưng không hề qua 1 chương trình học tiến sĩ nào của trường đó.
Loại thứ hai là tiến sĩ chúng ta đang bàn tới, là những người phải có các dự án nghiên cứu, luận án chứa đựng các nghiên cứu có tính học thuật độc sáng, những nội dung này đã được xuất bản trên các tạp chí khoa học có quá trình bình duyệt nghiêm túc.
Trước đó, trong cuộc tọa đàm về nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ hồi đầu tháng 11, GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng nêu lên quan điểm này.
Theo ông Nhung, quy chế đào tạo tiến sĩ trước hết cần phải thể hiện rõ định nghĩa thế nào là tiến sĩ. "Trong quá trình làm nghiên cứu sinh và khi bảo vệ để được cấp bằng tiến sĩ thì dứt khoát không thể không có phát minh, không có cái mới, dù mức độ có thể khác nhau".
PGS. TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật HN cũng khẳng định, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ cần xác định rõ mục tiêu đào tạo tiến sĩ.
"Học tiến sĩ để làm gì? Phải xác định đào tạo tiến sĩ là đào tạo nhà khoa học có khả năng nghiên cứu, có khả năng đóng góp cho đất nước và có năng lực hội nhập" - bà Lan Anh nói.
Cũng tại cuộc tọa đàm này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khẳng định một trong những nguyên nhân khiến chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thời gian qua có vấn đề về chất lượng là do người học không xác định được mục tiêu của việc học tiến sĩ.
"NCS là đào tạo ra các nhà nghiên cứu với những trí tuệ mới chứ không phải đào tạo kỹ năng làm nghề. Nhiều NCS không xác định được rõ động cơ, mục tiêu này nên dẫn đến chất lượng không đảm bảo" - ông Ga phân tích.
Thị trường sẽ tự thải loại bằng tiến sĩ "rởm"
TS Lê Tiến Dũng, một người có nhiều thời gian trải nghiệm tại các cơ sở đào tạo nghiên cứu sau ĐH ở nước ngoài cho rằng, mấu chốt của vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ có thể không nằm ở những quy định về "đầu vào" hay "đầu ra" mà ở chỗ chúng ta đang bổ nhiệm dựa vào bằng cấp.
"Chung quy lại, xã hội và thị trường sẽ tự điều chỉnh nếu như những người có bằng tiến sĩ kém chất lượng không được bổ nhiệm. Khi đó, những người học sẽ tự biết để không chạy theo những bằng cấp kém chất lượng nữa" - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, khi nhu cầu về những bằng tiến sĩ kém chất lượng giảm đi, người học chỉ tìm đến những cơ sở đào tạo có uy tín thì các cơ sở đào tạo cũng tự biết mình phải làm gì.
"Cơ quan quản lý không nhất thiết phải có bằng tiến sĩ, chỉ cần tinh thông pháp luật, trách nhiệm cao và làm việc hiệu quả cao chứ không cần chạy theo cái bằng" - ông Nhung nói.GS Trần Văn Nhung cũng từng chia sẻ, chúng ta không cần phải có quá nhiều tiến sĩ, "quý hồ tinh bất quý hồ đa". "Ở các nước tiến sĩ sẽ về trường ĐH, viện nghiên cứu chứ làm công tác quản lý thì không cần (bằng tiến sĩ - PV). Ở mình bổ nhiệm một người lại ưu tiên có bằng tiến sĩ".
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Nam Trân, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM, hiện đang làm việc tại Mỹ cho biết, tại các nước Âu, Mỹ, những người có bằng tiến sĩ ở những trường đại học không có chất lượng thì không thể nào xin được việc.
"Khi nộp đơn xin việc, công ty sẽ chuyển hồ sơ của ứng viên cho một công ty chuyên xác minh lý lịch. Việc phỏng vấn xin việc diễn ra trong nhiều ngày, trải qua mấy vòng nên rất dễ kiểm tra. Vì vậy, khó có chuyện người không xứng đáng qua mặt được người tuyển dụng" - ông Trân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Trân, tại các quốc gia này, thông tin về chất lượng đào tạo các trường cho đến các công bố khoa học của các tiến sĩ đều khá minh bạch, chỉ cần tìm kiếm trên gooogle 5 phút là có thể biết được chất lượng của trường đến đâu. Vì vậy, ở Việt Nam, thực hiện điều này không dễ.
Trong khi đó, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban đào tạo, ĐHQGHN thì cho rằng, những người có bằng tiến sĩ vẫn có thể bổ nhiệm vào các vị trí quản lý được. Quan trọng là tiến sĩ có thực chất hay không.
"Nếu như tiến sĩ thực chất, có đầy đủ kiến thức cộng với năng lực, trưởng thành từ cơ sở, có kinh nghiệm thì khi tuyển chọn có thể ưu tiên tuyển chọn người có bằng tiến sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam nhiều khi tiêu chí tuyển chọn không được áp dụng đúng. Đôi khi bằng tiến sĩ là điều kiện cần để bổ nhiệm" - ông Đức nói.
Theo ông Đức, mấu chốt của vấn đề là ở việc trọng dụng đúng người có năng lực, trọng dụng đúng cán bộ, khi đó, xã hội sẽ tự phân hóa. "Ở nước ngoài, những tiến sĩ không có năng lực thì tự nhiên sẽ bị loại khỏi các phòng thí nghiệm, không thể nào trụ được".
Theo thống kê của Cục Thông tin KHCN, Bộ KHCN, hiện tại, Việt Nam đang có hơn 24,5 nghìn tiến sĩ, trong đó chỉ có khoảng 12,3 nghìn tiến sĩ đang làm ghiên cứu khoa học (tức làm hoạt động nghiên cứu tại các trường ĐH, viện nghiên cứu và các trung tâm R&D của doanh nghiệp...)
Theo chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở đào tạo gồm các viện, trường, mỗi năm, Việt Nam có thêm từ 1.000-1.500 tiến sĩ mới được cấp bằng.
Lê Văn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét