Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

20161206. VÕ KIM CỰ SẮP BỊ SỜ GÁY?

ĐIỂM BÁO MẠNG
VÕ KIM CỰ SẮP BỊ SỜ GÁY?
LÊ ANH HÙNG/VOA/ BVB 6-12-2016
Kết quả hình ảnh cho võ kim cự
Võ Kim Cự là một nhân vật đã “nổi tiếng” từ nhiều năm nay. Ngay khi còn là Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, “tiếng tăm” của ông ta đã vượt xa ra ngoài địa phận của cái tỉnh nghèo ở Miền Trung, trở thành một cái tên “hot” trên cả nước.
Một trong những sự kiện gây xôn xao dư luận và mang đậm “dấu ấn” độc tài, ngang ngược của ông ta là việc UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các cơ quan ban ngành và huyện thị trên địa bàn ưu tiên sử dụng bia Sài Gòn, kèm theo đó là những chuyện khôi hài như việc vận động uống bia được đưa vào cả tiết mục văn nghệ hay vụ 7 cán bộ Sở Giáo dục - Đào tạo bị kiểm điểm vì không uống bia Sài Gòn trong một cuộc nhậu.
Và đến khi vụ đại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung từ tháng 4/2016 cùng những thông tin về trách nhiệm trực tiếp của ông ta được phơi bày trước công luận thì số phận chính trị của ông ta đã trở thành mối quan tâm của hàng chục triệu người Việt.
Tuy nhiên, mặc dù bị báo chí cả “lề đảng” lẫn “lề dân” liên tục công kích và vạch trần những sai phạm rõ ràng liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh trong bối cảnh bản thân nhà cầm quyền CSVN cũng rất cần một “con dê tế thần” hầu xoa dịu cơn phẫn nộ của công chúng cả nước, nhưng ông ta vẫn cứ “bình chân như vại”, vẫn trở thành Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khoá XIV và tái nhiệm vị trí Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khoá V (2016-2020).
Sau một thời gian hứng chịu sự lên án của công luận, người ta có cảm giác như “tội đồ” Võ Kim Cự đã “tai qua nạn khỏi” khi những thông tin về ông ta trên báo chí cứ thưa thớt dần, thậm chí truyền thông nhà nước còn không ít lần đăng những phát ngôn rất dễ “đi vào lòng người” của ông ta.
Tuy nhiên mới đây, những ai quan tâm đến hiểm họa Formosa Hà Tĩnh nói chung và số phận của Võ Kim Cự nói riêng hẳn đều ít nhiều phấn chấn trước hai thông tin còn nóng hổi trên báo chí.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng sáng 30/11 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho biết Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Võ Kim Cự và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng dự án Formosa Hà Tĩnh. Và ngày 2/12, Toà án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên án cựu Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Văn Bổng 12 năm tù giam trong phiên toà xét xử vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước để thu lợi bất chính liên quan đến việc thu hồi, giải phóng mặt bằng dự án Formosa.
Nguyễn Văn Bổng vốn là tay chân đắc lực của Võ Kim Cự trong dự án Formosa Hà Tĩnh, từng được coi là “có công lớn” trong việc giải phóng mặt bằng cho siêu dự án. Và việc ông ta bị tuyên một bản án khá nặng chỉ vài hôm sau khi Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thông báo về việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ trách nhiệm của Võ Kim Cự khiến không ít người vội coi đó là dấu hiệu cho thấy những sai phạm trong đại thảm họa Formosa Hà Tĩnh sắp được xử lý đến nơi đến chốn.
Bổn cũ soạn lại
Khi còn ở Hà Tĩnh, Võ Kim Cự được coi là một nhà lãnh đạo độc tài, bất kể trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh (6/2005-7/2010), Chủ tịch tỉnh (8/2010-10/2015) hay Bí thư Tỉnh ủy (1/2015-10/2015), quyền uy của ông ta không chỉ khuynh đảo cấp dưới mà còn lấn át cả cấp trên. Cũng như việc đến tận thời điểm này ông ta vẫn bình an vô sự trước búa rìu của dư luận trong bối cảnh đại thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra vẫn là nỗi nhức nhối của hàng chục triệu người Việt. Điều đó có lý do hết sức dễ hiểu: ông ta bị dư luận nội bộ tố là đệ tử ruột của cựu Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hoàng Trung Hải, nhân vật đã trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội sau Đại hội XII vừa qua.
Cặp bài trùng Hoàng Trung Hải - Võ Kim Cự chính là “tác giả” của đại dự án Formosa Hà Tĩnh, theo một kịch bản mà nếu được cho là “đúng quy trình” thì người ta chỉ có thể gọi “quy trình” đó là “quy trình bán nước”: Ngày 16/1/2008, Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự ký công văn số 102/UBND-CN2 gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy liên hợp luyện thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và dự án cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh do tập đoàn Formosa làm chủ đầu tư, và ngày 4/3/2008 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn hỏa tốc số 323/TTg-QHQT “đồng ý với chủ trương tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan lập dự án đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu Kinh tế Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh Hà Tĩnh tại công văn nêu trên”; ngày 2/6/2008 Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh ký công văn số 122/BC-UBND “Báo cáo thẩm tra Dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa (Đài Loan)” gửi Thủ tướng Chính phủ, và ngày 6/6/2008, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký công văn số 869/TTg-QHQT “đồng ý với việc Tập đoàn công nghiệp nặng Formosa - Đài Loan thực hiện dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh”.
Rõ ràng, nếu xử lý Võ Kim Cự thì không thể không xử lý Hoàng Trung Hải, bởi Võ Kim Cự chỉ là người đề xuất, trong khi viên cựu Phó Thủ tướng gốc Tàu mới là người quyết định.
Trước thực tế ông Hoàng Trung Hải suốt từ năm 2007 đến nay bị tố cáo đã phạm những tội ác đặc biệt nghiêm trọng như khai man lý lịch, giết người, phản quốc, buôn lậu ma tuý, trùm băng đảng… nhưng không những không bị xử lý mà còn tiếp tục “thăng quan tiến chức”, trở thành thành viên ban lãnh đạo tối cao của Việt Nam, việc “tội đồ” Võ Kim Cự vẫn tiếp tục nhâng nháo thách thức dư luận là điều không có gì quá khó hiểu. Và động thái mới nhất của Thường trực Ban Bí thư trên đây xem ra cũng chỉ là trò bịp bợm “bổn cũ soạn lại” của phường buôn dân bán nước.
 Lê Anh Hùng/(Blog VOA )

BỘ TRƯỞNG CÔNG THƯƠNG TRẦN TUẤN ANH TOAN TÍNH GÌ CHO DỰ ÁN THÉP CÀ NÁ?
LÊ DUNG/ SBTN /BVN 6-12-2016
clip_image001
Bên phải: Ông Trần Tuấn Anh và vợ là Thuỷ Hương / Bên trái: ông Lê Phước Vũ và vợ là Mỹ Hạnh, em ruột bà Thuỷ Hương. Ảnh: Danlambao
Một nguồn tin cho biết sau khi được Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh “ẵm”  vào quy hoạch các dự án làm thép ở Việt Nam, Tập đoàn Tôn Hoa Sen của ông Lê Phước Vũ sẽ tiến hành một động tác thứ hai: đề nghị Chính phủ bảo lãnh để tập đoàn này được vay một phần lớn trong dự toán lên đến 10 tỷ USD cho dự án Thép Cà Ná.
Rất có thể, mưu tính đề nghị được bảo lãnh trên là lời giải cho câu hỏi của dư luận, về việc Tập đoàn Tôn Hoa Sen sẽ lấy đâu ra 10 tỷ USD để đầu tư vào dự án thép Cà Ná. Bởi con số 10 tỷ USD này là gấp đến 20 lần vốn điều lệ của Tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Nếu được Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc “xé rào” cho bảo lãnh vay vốn 10 tỷ USD, tình hình nợ công quốc gia sẽ càng thêm đổ đốn. Cho đến nay, bất chấp các báo cáo của Bộ Tài chính và Chính phủ vẫn khẳng định nợ công chưa đụng trần nguy hiểm là 65% GDP, nhiều chuyên gia phản biện độc lập cho biết tỷ lệ thực về nợ công đã vọt lên đến hàng trăm phần trăm GDP, nếu không nói là có thể còn hơn thế.
10 tỷ USD mà Tập đoàn Tôn Hoa Sen dự tính làm dự án thép Cà Ná tương đương đến 5% GDP.
Vào tháng Tám năm nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bộ Công thương “đi đêm” với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, và cố ý làm trái để dự án thép Hoa Sen - Cà Ná của doanh nghiệp này được “bế” vào quy hoạch, trong lúc trước đó dự án này không hề nằm trong danh sách quy hoạch đó. Cú “đi đêm” này lại diễn ra trong bối cảnh việc giải quyết hậu quả của vụ Formosa Hà Tĩnh vẫn cực kỳ tắc trách. Dư luận kịch liệt lên án những hậu quả nặng nề không tránh khỏi về môi trường và môi sinh của dự án thép Hoa Sen - Cà Ná.
Dư luận xã hội càng nghi ngờ tính trung thực của Bộ Công thương khi bộ này cố gắng thuyết minh rằng Việt Nam vẫn rất cần thép trong tương lai. Tân Bộ trưởng Công thương – ông Trần Tuấn Anh – là một nhân vật “đặc biệt”: con ruột ông Trần Đức Lương, cựu Chủ tịch nước. 
Đặc biệt hơn cả, Trần Tuấn Anh còn là anh em cộc chèo với Chủ tịch tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ – người đã đi vào lịch sử với câu nói “Ngu gì không làm thép!”.
Việt Nam đang đứng trước khúc quanh lịch sử với câu nói cửa miệng bi thiết của dân gian “Cả nhà làm quan, cả họ làm cướp”, trước tình trạng từ Bắc chí Nam đầy dẫy cảnh con ông cháu cha được bổ nhiệm vì “hót hay nhảy giỏi”.
Cảnh hoàng hôn chế độ lại đang bị nhuộm thêm màu tối Formosa. Nếu có thêm một “biển chết” nữa ở Nam Trung Bộ là Ninh Thuận do nhà máy thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen gây ra, thì sẽ là quá đủ để người dân đào mồ chôn quan chức.
“Chính phủ kiến tạo” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đang tiếp tục phạm hàng loạt sai lầm. Sau sai lầm khủng khiếp khi cố ý đơn phương thỏa thuận với Tập đoàn Formosa để đền bù 500 triệu USD cho ngư dân, dường như chính phủ này đang để mặc cho “nhóm cá mập” của tân Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh hoành hành dữ dội, không chỉ về dự án thép, mà còn cả thủy điện, điện lực và xăng dầu.
L.D. / SBTN


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét