Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

20161228. NGƯỜI VIỆT CÓ 'CẦN CÙ', 'HIẾU HỌC' ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
 PHẢN HỒI  ĐỘC GIẢ  VỀNGƯỜI VIỆT  NGỘ NHẬN 'CẦN CÙ, HIẾU HỌC'
TRẦN NGỌC THÊM/ VNN 26-12-2016
GS Trần Ngọc Thêm phản hồi độc giả VietNamNet về ngộ nhận 'cần cù, hiếu học'
GS Trần Ngọc Thêm (Ảnh Vietnam Documentary Photography)
Về phương pháp định tính và định lượng
Ý kiến bình luận cuối cùng nói đến “sai lầm chết người” của nghiên cứu khoa hoc định tính là tính thiếu khách quan.
Trong cuốn sách “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2016), tôi đã dành 12 trang bàn về phương pháp nghiên cứu, trong đó có nói về những hạn chế của phương pháp định lượng mà hiện nay nhiều người sùng bái, nhất là khi áp dụng cho những nền văn hóa lấy tình cảm, khôn khéo làm đầu như Việt Nam.
Ở Việt Nam, việc này nghiêm trọng đến mức ở Quốc hội từng đã đưa ra thảo luận về sự sai lệch lớn giữa các con số của các bộ ngành/ địa phương với của Tổng cục Thống kê, giữa các con số của Tổng cục Thống kê với của các tổ chức quốc tế độc lập.
Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ năm 1936, học giả Pháp Pierre Gourou đã phải tự mình đi đến một số làng để thẩm tra về độ tin cậy trong số liệu cuộc điều tra dân số ở Bắc Kỳ năm 1931, để rồi ông kết luận rằng cuộc điều tra đã “đưa ra những con số rõ ràng là thấp hơn thực tế các làng từ 5 đến 15%” vì một sai lầm có hệ thống là dân chúng ở các làng đã qua mặt nhà cầm quyền để “coi tất cả những người vắng mặt mà vẫn tiếp tục đóng thuế cho làng là họ có mặt” (Pierre Gourou. Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ. – Tp.HCM.: Hội KHLSVN, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp & NXB Trẻ, tr. 131-134).
Do vậy, phương pháp định lượng chỉ nên xem là một kênh thông tin hỗ trợ cho phương pháp định tính, mà phương pháp định tính phải được kiểm tra bằng tính hệ thống, tính lôgic của các lập luận (nếu hiểu một cách thô thiển rằng định tính là muốn nói gì cũng được thì sẽ chẳng thể nào có được khoa học triết học!). Theo tinh thần đó, trong bài trả lời này tôi sẽ cố gắng kết hợp chặt hơn định tính với định lượng.
Trước hết, hai bài trả lời phỏng vấn của tôi đã nhận được tổng cộng là 249 bình luận trong 3-4 ngày. Đó là một con số không hề nhỏ mà tôi (và tòa soạn vietnamnet) rất xúc động về sự quan tâm của bạn đọc. Trong đó, một cái nhìn lướt qua cũng cho thấy số lượng các ý kiến ủng hộ là áp đảo.
Tất nhiên, số lượng chỉ là một phần, bởi chân lý có khi thuộc về một người chứ không phải số đông. Số lượng và chất lượng các luồng ý kiến bình luận này có thể cho thấy phần nào sự thay đổi nhận thức và đòi hỏi của xã hội qua công chúng bạn đọc Việt Nam. Tôi xin có lời cảm ơn tất cả, và trong bài này xin trao đổi thêm về một số ý kiến phản bác, thảo luận, đề xuất.
Về một số hiểu lầm trong giới hạn không gian và thời gian
Có một hai ý kiến cho rằng tôi “vơ đũa cả nắm”. Đây là một sự hiểu lầm. Khi nói đến một đặc điểm chung nào đó của một cộng đồng thì đặc điểm đó hiển nhiên phải mang tính xác suất thống kê, nó chỉ có thể đúng cho phần lớn chứ không bao giờ có thể đúng cho toàn bộ các thành viên. Do đó cách xử sự lập tức so sánh với bản thân mình rồi kết luận rằng nhận định kia “vơ đũa cả nắm” là một sai lầm về mặt phương pháp.
Ý kiến cho rằng quan điểm của tôi đúng nhưng chỉ đúng trong giai đoạn hiện nay thôi, cha ông ta xưa đâu có thế, thì quá đúng.
Ngay trong bài trả lời (ở mục “Giáo dục nhìn từ văn hóa”), tôi đã khẳng định rất rõ rằng “Mỗi giai đoạn lịch sử của một xã hội đều tạo ra một nền giáo dục đáp ứng những yêu cầu lịch sử của mình. Nền giáo dục truyền thống của Việt Nam đã từng phục vụ tốt cho nhu cầu của xã hội Việt Nam truyền thống”.
Thật là thiếu khách quan khi có ai đó chụp mũ rằng tôi đã “ngồi xổm” lên các giá trị chân chính của dân tộc. Trong bảng “Hệ giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi” (ở bài thứ hai), tôi đã xác định (bằng cả phương pháp định tính và định lượng) 23 giá trị (từ “Tinh thần tập thể”, “Lòng biết ơn” cho đến “Lòng yêu nước”, “Lòng nhân ái”), còn trong sách “Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai” thì các giá trị truyền thống được phân tích kỹ trong cả một chương dài 147 trang.
Một ý kiến khác nói rằng nếu dân tộc Việt Nam có nhiều điểm yếu mang tính cốt lõi như vậy thì đã trở thành một quận huyện của ngoại bang từ lâu rồi, lại càng đúng nữa. Ở mục “Kết quả và hậu quả của "con ngoan trò giỏi"”, tôi đã kết luận: “Tóm lại, triết lý “con ngoan trò giỏi” đã giúp cho Việt Nam trong một thời gian dài có một nền văn hóa cực kỳ ổn định mà không một cuộc xâm lăng nào có thể phá đổ. Nền giáo dục theo triết lý “con ngoan trò giỏi” đã thực hiện được sứ mệnh xây dựng văn hóa bảo tồn đất nước, chống ngoại xâm”.
Mới thấy, nếu một số bạn chịu khó đọc kỹ hơn một chút, thì câu chuyện đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Về “đức tính cần cù” và “huyền thoại về tính cần cù”
Một bạn đọc chưa tán thành cách giải thích vì sao người Việt lười hơn các dân tộc châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, bởi lý do thời tiết hay vị trí địa lý là không chuẩn: Trước hết, tôi không nói rằng thời tiết hay vị trí địa lý là toàn bộ lý do. Sự khác biệt về điều kiện tự nhiên chỉ là lý do dẫn đến sự khác biệt về cách thức mưu sinh. Và sự khác biệt về cách thức mưu sinh trong một thời gian dài (cùng một số yếu tố khác nữa) sẽ tạo nên sự khác biệt về tính cách dân tộc.
Bình luận này nói tiếp: “Nhật Bản, Hàn Quốc chỉ là 2 trong số rất nhiều quốc gia có điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn Việt Nam. Nhưng cũng chỉ có 2 quốc gia đó là phát triển”, thêm nữa “trong thời phong kiến họ cũng là quốc gia kinh tế kém phát triển”. Ý này có chỗ đúng và có chỗ sai. Chỗ đúng (rất quan trọng) là không phải cứ cần cù là sẽ phát triển. Chỗ sai là trong số những quốc gia có điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn ta, không chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc là phát triển: Nhiều quốc gia phương Tây ở xứ lạnh, thời tiết rất khắc nghiệt, nhưng đều phát triển rất sớm.
Việc đưa sự kiện “dạy thêm học thêm ngăn chặn mãi không được và học sinh vừa đi đường vừa xúc cơm ăn ngay trên xe máy” làm cơ sở chứng minh cho tính cần cù hiếu học có chỗ không ổn. Bởi cái “cần cù hiếu học” này không phải xuất phát từ sự tự nguyện tự giác của các em mà là do áp lực của cha mẹ và xã hội (con ngoan mà!).
Ta sẽ nghĩ sao nếu nhớ rằng những công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” hiện nay, những người đang lấp đầy các quán cà phê buổi sáng và các quán nhậu buổi chiều hiện nay, khi còn nhỏ đều đã từng mất hết tuổi thơ vì phải học thêm, từng vừa đi đường vừa xúc cơm ăn ngay trên xe máy? Chả lẽ là lúc nhỏ cần cù hiếu học để rồi khi lớn lên thì nghỉ bù, ăn chơi bù?
Tôi nói ở người Việt, cần cù chỉ là huyền thoại còn là căn cứ trên những tiêu chí khách quan với những số liệu rất cụ thể. Tôi so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản vì đây là những quốc gia được thừa nhận là cần cù nhất thế giới. Chẳng hạn, xét theo số giờ làm việc trung bình trong năm thì người Hàn Quốc làm việc gấp 1,3 lần nhiều hơn so với người Nhật và 1,5 lần nhiều hơn so với người Mỹ, trong khi số ngày nghỉ của họ chỉ bằng 1/2 của người Nhật và 1/5 của người Mỹ. Đến lượt mình, so với người Mỹ thì người Nhật cũng làm việc gấp 1,3 lần nhiều hơn, trong khi số ngày nghỉ của họ chỉ bằng một nửa.
'Người hiếu học thực sự đi học nhằm để khai trí, đạt thức...'
Tôi gọi “tính cần cù” của người Việt là huyền thoại vì theo Từ điển tiếng Việt (do Hoàng Phê chủ biên) thì huyền thoại là “câu chuyện huyền hoặc, kỳ lạ, hoàn toàn do tưởng tượng”. “Tính cần cù” của người Việt chính là một sự tưởng tượng như thế.Nhìn vào những con số trên ta sẽ tự thấy Việt Nam nằm ở chỗ nào, khi mà nước ta có số lượng lễ hội trong năm vào loại cao nhất thế giới (khoảng 8.000 lễ hội) nhưng lại có năng suất lao động (theo số liệu do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO công bố năm 2015) đứng cuối khu vực: thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần.
Về chuyện hiếu học hay hiếu danh
Người hiếu học thực sự đi học nhằm để khai trí, đạt thức, và thông tuệ. Thi cử chỉ là một cách đánh giá. Danh phận, địa vị chỉ là hệ quả.
Trong khi người Việt ta đi học (tất nhiên không phải là tất cả) thường nhằm đến danh phận, địa vị nên mới quá coi trọng cái bằng. Từ chỗ coi trọng cái bằng mà sinh ra cách học đối phó, học để thi. Thi gì thì học nấy, nhiều khi thi xong là quên luôn, còn cái gì không thi thì bỏ qua. Việc đối phó với thi cử đẻ ra tệ nạn quay cóp. Tệ nạn này nghiêm trọng đến chừng nào và phổ biến đến đâu thì thực tiễn cuộc sống và các số liệu điều tra đều dẫn đến cùng một kết quả:
Về mức độ nghiêm trọng thì điển hình nhất là sự kiện diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, khi mà có tới 12 video-clip quay lại cảnh gian lận có sự tiếp tay và đồng lõa cùa các giám thị do chính các thí sinh thực hiện được tung lên mạng. Nhận xét về vụ này, giáo sư Ngô Bảo Châu từng cho rằng “Đây là một sự kiện đặc biệt... chưa từng có tiền lệ trong lịch sử loài người”. 
Trong đợt chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2003 có một số tỉnh cầu cứu Bộ cho mở đáp án riêng cho tỉnh mình để nâng tỉ lệ đỗ từ 50% lên 70%. Năm 2010, thậm chí 12 tỉnh ở đồng băng sông Cửu Long đã liên kết với nhau tự ý hạ chuẩn đáp án của Bộ để nâng tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của toàn vùng. Trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2014 tại một trường THPT ở Hà Tây, khi thi thử có 90% trượt, đến khi thi thật thì đỗ tới 100%!Về mức độ phổ biến thì sự gian lận này không chỉ có ở thí sinh mà ở nhiều nơi đã trở thành hiện tượng có tổ chức gần như công khai (có nơi thu tiền để hối lộ giám thị; hàng thùng giấy photo bài giải được đưa vào giao cho nhân viên phục vụ mang đi phân phát ở các phòng thi).
Trong cuộc điều tra do chúng tôi thực hiện năm 2014 với khoảng 5.600 người tham gia, trả lời câu hỏi về việc “Giở sách quay cóp khi thi cử”, có 79,3% thừa nhận đã từng thực hiện điều này trong hành động hoặc suy nghĩ; riêng đã thực hiện trong hành động cũng có tới 64,2%. Số chưa bao giờ nghĩ đến chỉ chiếm 20,7%.
Một lối học như thế, nếu vẫn cứ muốn gọi là hiếu học thì có lẽ cụm từ “hiếu học lạc hậu” của PGS. Văn Như Cương – nhà sư phạm, người sáng lập và Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh – có thể xem là phù hợp khi ông cho rằng “Chúng ta đang sống trong xã hội hiếu học lạc hậu, bởi ai cũng muốn vào đại học, dù số đông sinh viên ra trường không có việc làm”.
Ngoan trong “con ngoan” nên hiểu như thế nào?
Có ý kiến so sánh rằng nếu “ngoan” mà tệ thế thì nước Nhật sẽ ngày càng "tệ hại" vì người Nhật cúi đầu chào lễ phép khi gặp nhau. Nhầm lẫn này có thể hiểu được vì trong tiếng Việt có hai cách hiểu về “ngoan”.
Cách hiểu thứ nhất được ghi nhận trong mọi từ điển chính là “dễ bảo, biết nghe lời”: “Việt Nam tự điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức (xuất bản năm 1931) giải thích ngoan là “có nết na, dễ bảo” (đứa bé này ngoan, cô gái ngoan). “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học (do Hoàng Phê chủ biên) cũng định nghĩa ngoan (trong “đứa bé ngoan”) là “nết na, dễ bảo, biết nghe lời”. Trái nghĩa với ngoan (khó bảo, bướng bỉnh) là “hư”.
Cách hiểu thứ hai tuy không thấy ghi nhận trong từ điển nào, nhưng tồn tại trên thực tế, đồng nhất “ngoan ngoãn” với “lễ phép”. Sau năm 1975 người miền Bắc vào Nam đều có nhận xét rằng trẻ em miền Nam “ngoan hơn”, đi về khoanh tay thưa gửi rất lễ phép. Lối giao tiếp của người Nhật, người Thái, Lào, Mianmar... đều được xem là thuộc phạm trù này.
Trong hai cách hiểu thì cách hiểu thứ nhất (ngoan = dễ bảo) là nghĩa chính, sử dụng phổ biến. Vì là nghĩa phổ biến nên nó được ghi nhận trong mọi từ điển xưa nay. Chính cách hiểu này nằm trong vô thức của người Việt Nam, từ gia đình vào đến nhà trường và ra đến xã hội.
Triết lý giáo dục? Đừng bắt nó phải ôm tất cả!
Việc đầu tiên cần bàn ở đây là cách lập luận. Việc bác bỏ triết lý giáo dục “con ngoan, trò giỏi” hoàn toàn không có nghĩa là sẽ dẫn đến cực đoan ngược lại là “con hư trò dốt”. Cần phân biệt triết lý giáo dục với mục tiêu của giáo dục, tức là yêu cầu về sản phẩm đầu ra.Có bình luận cho rằng thời nào, ở đâu thì người ta cũng hướng đến đào tạo “con ngoan, trò giỏi”, và lập luận: Nếu con không ngoan mà trở thành "hư" thì gia đình và xã hội sẽ ra sao? Nếu trò không giỏi (mà “dốt”?) thì làm gì có nhân tài cho đất nước?
Mục tiêu có thể diễn giải dài dòng chứ triết lý phải rất ngắn gọn. Mục tiêu của giáo dục bao giờ cũng phải là đào tạo con người phát triển toàn diện với đủ các yêu cầu cần thiết về phẩm chất và năng lực. Còn triết lý giáo dục do phải ngắn gọn nên đừng bắt nó phải ôm tất cả. Nó không nhất thiết phải bao quát hết mục tiêu của cả một giai đoạn dài mà có thể chỉ tập trung vào một vài mục tiêu cần nhấn mạnh đáp ứng nhu cầu cụ thể của giai đoạn đang xét.
Chẳng hạn, trong 5 mục tiêu mà cải cách giáo dục ở Nhật Bản sau Thế chiến II đặt ra là: “Loại trừ chủ nghĩa quân phiệt”, “Giáo dục tư duy khoa học”, “Làm sâu sắc văn hóa quốc dân”, “Xây dựng quốc gia hòa bình” và “Đóng góp vào sự tiến bộ của thế giới” (Theo Nguyễn Quốc Vương 2015: Cải cách giáo dục lịch sử trong trường phổ thông Nhật Bản thời hậu chiến (1945-1950) và những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam), thì ba mục tiêu sau là dài hạn, còn hai mục tiêu đầu chính là thể hiện cái triết lý rất cụ thể mà giáo dục Nhật Bản phải tập trung vào trong giai đoạn này, và chính nhờ quyết liệt tập trung vào mà Nhật Bản đã nhanh chóng vượt lên được.
Từ đây suy ra rằng trong mục tiêu chung vẫn có thể có “con ngoan, trò giỏi”, nhưng vấn đề là hiểu ngoan và giỏi như thế nào; và tiếp theo thì cái trọng tâm mà giáo dục Việt Nam cần quyết liệt tập trung vào trong giai đoạn hiện nay là gì.
Giáo dục Việt Nam hôm nay cần tập trung vào mục đích gì?
Mục tiêu của giáo dục có hai phần quan trọng nhất là phẩm chất và năng lực. “Ngoan” chính là thuộc về phẩm chất, còn “giỏi” chính là thuộc về năng lực.
Về phẩm chất, nếu hiểu ngoan là “lễ phép” thì được, nhưng đây không phải là phẩm chất cần ưu tiên. Vì “lễ phép” có nguồn gốc từ chữ “Lễ” của Nho giáo (Tiên học lễ, hậu học văn); “lễ phép” là thái độ được coi là đúng mực, tỏ ra kính trọng người trên. Nó bao gồm nét nghĩa nền nếp, tôn ty, nhưng cũng có cả vâng lời. Còn nếu hiểu ngoan là “dễ bảo, vâng lời” thì chắc chắn là không một quốc gia phát triển nào trên thế giới đặt ra mục tiêu này.
Kết quả là người Việt Nam (truyền thống) và Đông Nam Á có thể “ngoan” hơn người Đông Bắc Á; người Đông Bắc Á có thể “ngoan” hơn người châu Âu; người châu Âu có thể “ngoan” hơn người Mỹ. Về “giỏi” cũng thế: chúng ta đã và đang tự hào về những giải thi học sinh giỏi toán, lý quốc tế, về thứ hạng PISA “cao hơn nhiều nước phát triển”. Nhưng sự thật là cái “ngoan” và “giỏi” ấy ít giúp cho đất nước phát triển, lại càng ít hơn (nếu không nói là zero) trong việc đóng góp vào thành tựu trí tuệ nhân loại.Về năng lực, “giỏi” được từ điển tiếng Việt định nghĩa là “có trình độ cao, đáng được khâm phục, khen ngợi”. Nhưng trình độ cao về cái gì? Lâu nay trong giáo dục năng lực, người Việt Nam thường chỉ chú ý hai thứ: một là kiến thức, hai là sự tinh khôn. Các thần đồng Việt Nam thường là những người có trí nhớ siêu phàm, gì cũng nhớ, cũng biết. Các truyện cổ trong sách giáo khoa thường khuyến khích sự tinh khôn (truyện Trí khôn, các truyện trạng ứng xử với sứ thần Trung Quốc hoặc khi đi sứ ở Trung Quốc, chuỗi truyện Trạng Quỳnh...).
Sự thật là, ngay một người trong cuộc như ông Nguyễn Tuấn Hải cũng cho rằng nhận định người Việt giỏi Toán hay ít nhất là có năng lực và tiềm năng học Toán “không chỉ là một định kiến mà còn là một sự huyễn hoặc nguy hiểm”.
Số liệu cho thấy trong 116 năm, giải Nobel Vật lý đã được trao cho 202 người, Việt Nam và Đông Nam Á tất nhiên là không có ai. Cả châu Á chỉ có 18 người (10 người Nhật Bản, 5 người Trung Quốc, 2 người Ấn Độ, 1 người Pakistan), trong đó có tới 8 người mang quốc tịch Mỹ. Ở châu Âu thì Đức có 31 người (trong đó 6 người mang quốc tịch Mỹ); Anh có 24 người (trong đó 4 người mang quốc tịch Mỹ)... Trong khi riêng Mỹ đã có 85 người, chiếm 42% (trong đó có 22 người gốc châu Á).
Với các số liệu này, hiệu quả của nền giáo dục Mỹ là không thể phủ nhận được: Hình như mức độ “ngoan” tỷ lệ nghịch với năng lực sáng tạo (nhiều người châu Á, châu Âu thành công là nhờ được hoàn thiện giáo dục và làm việc trong môi trường Mỹ). Các số liệu này còn cho thấy không phải cứ cần cù là sẽ phát triển. Muốn phát triển thì điều quan trọng là phải có tư duy sáng tạo. Mà muốn sáng tạo thì phải có bản lĩnh thoát ra khỏi mọi khuôn mẫu. Mà ngoan, dù hiểu theo nghĩa ‘vâng lời’ hay ‘lễ phép’ thì cũng đều phải lấy các khuôn mẫu làm chuẩn.
Tất nhiên, chúng ta sẽ không sao phỏng nền giáo dục của các quốc gia khác. Cái chúng ta cần là xây dựng một triết lý giáo dục thiết thực, cụ thể cho giai đoạn trước mắt, xuất phát từ nhu cầu khắc phục những hạn chế mang tính triết lý ở tầng sâu của nền giáo dục hiện thời.Ấy vậy mà chính người Mỹ vẫn còn chưa hài lòng về nền giáo dục của mình. Trong video-clip gây chấn động thế giới "Phiên tòa xử ngành giáo dục", Prince Ea đã buộc tội sự lỗi thời của hệ thống giáo dục, cho rằng học sinh Mỹ đang bị ép vào khuôn mẫu, bị đánh giá không đúng về năng lực theo kiểu "phán xét một con cá bằng khả năng leo cây".
Mà để thấy được những hạn chế ở tầng sâu này thì chúng ta cần từ bỏ tư duy “ưa nịnh, thích khen”, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” rất điển hình cho một nền văn hóa âm tính nặng như Việt Nam. Nếu vẫn còn “ưa nịnh, thích khen”, còn tự vỗ ngực rằng mình luôn hay, luôn đúng thì sẽ không thể nào tự trả lời được câu hỏi: Nếu ta thực sự luôn hay, luôn đúng thì sao kết quả ta lại thua xa thiên hạ về nhiều mặt đến như vậy?
Chừng nào chưa có được cái dũng để tiếp nhận hai câu thơ mà thi sĩ Tản Đà đã hạ bút viết cách đây gần một thế kỷ: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn?/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” (bài “Mậu Thìn xuân cảm”, 1932) thì chúng ta sẽ khó thoát ra được khỏi tình cảnh mà nhà thơ Chế Lan Viên đã miêu tả: “Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” (Người đi tìm hình của nước, 1960).
Tất nhiên, xây dựng một triết lý giáo dục thiết thực, cụ thể cho giai đoạn trước mắt mới chỉ là bước khởi đầu. Cái khó hơn, gian nan hơn, là triển khai thực hiện triết lý đó. Mà việc này thì liên quan đến quản lý giáo dục và nhiều thứ khác ở tầm vĩ mô.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP.HCM)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét