Thứ Hai, 19 tháng 12, 2016

20161219. BÀN VỀ KẾT QUẢ XẾP HẠNG GIÁO DỤC VIỆT NAM CỦA PISA

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIÁO SƯ MỸ THÁC MẮC  'VIỆT NAM NGHÈO SAO HỌC SINH XẾP HẠNG PISA CAO'
THANH TÂM/VNN 15-12-2016
giao-su-my-thac-mac-viet-nam-ngheo-sao-hoc-sinh-xep-hang-pisa-cao
GS Paul Glewwe đặt câu hỏi liệu sách tham khảo hay dạy thêm có tác động đến kết quả PISA của Việt Nam hay không? Ảnh: Thanh Tâm

"Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn các nước?”, GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) đặt câu hỏi.

Sáng 15/12, tại phiên thảo luận chuyên đề “Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực” trong khuôn khổ hội thảo khoa học quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra ở Hà Nội, GS Paul Glewwe đến từ Khoa Kinh tế học ứng dụng, Đại học Minnesota (Mỹ) đã bình luận về kết quả chương trình đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment - PISA) của Việt Nam. Ông tỏ ra ngạc nhiên vì thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng PISA trong hai lần tham gia vào năm 2012 và 2015.
Theo kết quả bài thi đánh giá học sinh quốc tế năm 2015 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về Khoa học, thứ 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Ngay lần đầu tiên tham gia bài đánh giá PISA vào năm 2012, Việt Nam đã đứng thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và thứ 19 về Đọc hiểu.
“Nói thật chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?”, ông Paul đặt câu hỏi.GS Paul cho biết khảo sát, xếp hạng PISA tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia và luôn có mối tương quan thuận chiều giữa kết quả PISA với mức độ sung túc. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ. Kết quả PISA của Việt Nam đã vượt ra ngoài cuộc tranh cãi chỉ quốc gia có trình độ kinh tế phát triển cao mới có nền giáo dục chất lượng.
GS Paul cho biết thêm, khi so sánh Việt Nam với các nước, nghiên cứu của ông không chỉ lấy GDP làm tiêu chí mà còn tính đến cả yếu tố, như: trình độ học vấn của cha mẹ, tài sản của gia đình… Và ở yếu tố nào, Việt Nam cũng thấp hơn nhiều nước phát triển. Điều này càng khiến ông không thể hiểu nổi tại sao bị tác động bởi nhiều yếu tố như vậy mà điểm PISA của Việt Nam vẫn rất cao.
Lý giải cho những thắc mắc của ông Paul, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng thu nhập của người dân Việt Nam không cao, nhưng Việt Nam rất đặc biệt. “Cha mẹ Việt có thể hy sinh tất cả, bán hết nhà đất, ruộng vườn để lo cho con ăn học. Đặc điểm đó ở các nước như Trung Quốc, Nhật Bản có thể có, nhưng ở châu Âu chắc không có”, ông Nhạ nói.
Dù nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Nhạ, nhưng GS Paul cho rằng đánh giá PISA có thể không đúng với tất cả học sinh dưới 15 tuổi ở Việt Nam. Ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để giải đáp những thắc mắc của chính mình. 
PISA là chương trình khảo sát giáo dục duy nhất mang tính toàn cầu nhằm đánh giá năng lực Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh độ tuổi 15, được thực hiện 3 năm một lần bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 
Ngày 6/12, OECD công bố kết quả PISA năm 2015 với 540.000 học sinh từ 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Các nước có xếp hạng PISA 2015 cao là Nhật Bản, Estonia, Phần Lan và Canada. Nhiều quốc gia Đông Á khiến thế giới ngưỡng mộ khi có vị trí tốt trên bảng xếp hạng, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc.
Thanh Tâm
CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC: ĐÀU VÀO , ĐẦU RA
PHẠM MINH HOÀNG/ BVN 19-12-2016
Kết quả hình ảnh cho xếp hạng giáo dục PISA
Tờ báo điện tử VnExpress ngày 15/12/2016 có bài mang tựa: ”Giáo sư Mỹ thắc mắc 'Việt Nam nghèo sao học sinh xếp hạng PISA cao'” (http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/giao-su-my-thac-mac-viet-nam-ngheo-sao-hoc-sinh-xep-hang-pisa-cao-3514152.html).
Trước đó, trong cuộc thi đánh giá học sinh quốc tế có độ tuổi 15 được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/12/2016, Việt Nam xếp thứ 8 trong 72 nước về khoa học, thứ 22 về toán và 32 về đọc hiểu. Điều này khiến một trong những người của PISA là giáo sư Paul Glewwe không thể hiểu nổi tại sao một dân tộc có thứ hạng cao trong cuộc thi quốc tế như VN mà đất nước vẫn nghèo? Ông nói :“Nói thật chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào, sách học thêm, tham khảo hay giáo viên dạy Toán của Việt Nam giỏi hơn, chất lượng hơn các nước khác?”. Bài báo nhận được 150 bình luận, 99% đều bi quan về tương lai nền giáo dục nước nhà.
Một trong những người bi quan là giáo sư toán học Hoàng Xuân Sính. Theo bà, việc đánh giá ba môn toán, khoa học và đọc hiểu, rõ ràng PISA không đánh giá hết năng lực của học sinh. Khả năng toán học là điều mà các nước phát triển không coi trọng ở bậc phổ thông. Quan điểm của họ ở bậc học này là: đọc thông, viết thạo, biết tính toán. Mục tiêu của họ là dạy cho học sinh học để làm, học để định hình bản thân và học để chung sống với người khác… Ví dụ, ở Thụy Điển, 12 tuổi các nam sinh sẽ phải học đan, khâu, nữ phải học sửa chữa xe. Hoặc ngay từ nhỏ, trẻ em nước ngoài đã được dạy bơi, được dạy xử lý các tình huống bất ngờ có thể gặp trong cuộc sống. Trong khi đó VN hè năm nào cũng có trẻ chết đuối vì không biết bơi. Học sinh Anh, Mỹ, Australia không học nhồi nhét. Mục tiêu giáo dục của họ là tạo ra những con người toàn diện, phát triển đồng đều các kỹ năng, đặc biệt, không chú trọng khai thác sức nhớ mà khơi gợi tối đa sức sáng tạo.
Qua những ví dụ trên có thể thấy, thay vì biến học sinh thành “thợ học”,”thợ thi” như VN thì giáo dục nước ngoài đặc biệt chú trọng vào rèn luyện thân thể, sức khỏe và kỹ năng cho học sinh. Đối với họ, chuẩn bị cho học sinh có một sức khỏe tốt để làm bước đệm cho bậc đại học chính là nhiệm vụ chủ chốt ở cấp học này.
Lấy một ví dụ cho dễ hiểu. Cái học giống như một cuộc chạy trường lực 5000 mét, nghĩa là cần một sự bền bỉ, dẻo dai. Ở phương Tây họ cho các em nhỏ học vừa phải như người lực sĩ khởi động và dưỡng sức trong những chặng đầu, còn ở ta thì cắm đầu cắm cổ chạy, vét hết sức ra mà chạy rồi thì đến nửa đường thì hết sức. Chúng ta cứ so sánh giữa các em nhỏ học ở các trường quốc tế (quốc tế thực sự, nghĩa là chương trình độc lập với VN) và ở các trường VN thì thấy rõ. Ở các trường quốc tế, các em học hành rất nhẹ nhàng, nửa học nửa chơi, vậy mà lên đại học các em học cũng rất bình thường.
Bây giờ chúng ta bước sang câu hỏi chính. Tại sao ta giỏi mà nghèo? Thú thật tôi cũng hơi buồn cười vì câu hỏi của GS Paul Glewwe, ông ta đúng là chưa biết thế nào là VN. Nếu chúng ta nhắc đến những căn bệnh truyền thống của giáo dục VN như bệnh thành tích, các chủ đề luận văn tiến sĩ, con số 99,5% tốt nghiệp phổ thông và đặc biệt bộ Luật Giáo dục thì có lẽ ông ta sẽ hiểu ngay tức khắc.
Trên báo chí, người ta vẫn nhắc đi nhắc lại con số 9.000 giáo sư và 23.000 tiến sĩ mà không làm nổi con vít. Bản thân tôi nghĩ thí dụ này chỉ mang tính minh họa vì tôi tin ngưòi VN có thể làm được nhiều hơn thế. Tuy nhiên cho dù chúng ta làm được nhiều hơn thế thì điều không chối cãi được là chúng ta đang tụt hậu, tụt hậu rất xa như giáo sư Hồ Ngọc Đại đánh giá là cỡ 1 đến 2 thế kỷ (!), hoặc như một bài báo (chính thống) đã khôi hài với tựa bài “Việt Nam sẽ nán lại chạy đua với châu Phi”. Dù gì đi chăng nữa, sự tụt hậu này chắc chắn có sự “tiếp tay đắc lực”của ngành giáo dục nước nhà.
Để thúc đẩy phát triển, giáo dục phải có khả năng kết nối với doanh nghiệp qua các hoạt động nghiên cứu. Mà đây chính là “điểm đen” của nền giáo dục hiện nay. Theo các ước lượng thì tối đa có khoảng 60.000 người thực sự đang làm toàn thời gian cho việc nghiên cứu. 60.000 thì lấp đầy một sân vận động nhưng trên thực tế thì đây là một con số vô cùng khiêm tốn và kết quả thì còn khiêm tốn hơn. Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức OCDE trong cuộc hội thảo tháng 11/2014, bà Kwakwa, đại diện WB tại VN đã than thở “khoa học công nghệ VN yếu và kém”. Một khảo sát khác do tư nhân thực hiện, Goods Country Index (tạm dịch là Chỉ số quốc gia tử tế) xếp VN hạng 124/125. Chúng ta đứng trên mỗi Libya, một quốc gia chiến tranh triền miên.
Trong một bài viết trên trang Bauxite tháng 7/2010, giáo sư Hoàng Tụy đã phân tích rằng: nhiều người thường nghĩ rằng đối với một dân tộc thông minh, lanh lợi, lại dũng cảm cần cù như dân tộc ta thì không thể có trở ngại gì lớn khi bước vào kinh tế tri thức. Tuy nhiên thực tế phũ phàng cho thấy không hẳn như vậy. Sự thông minh, lanh lợi của từng cá nhân chưa là gì cả nếu những cá nhân ấy không được liên kết trong một cơ chế quản lý nhằm sản sinh ra synergy (cộng năng) vượt hơn nhiều lần sức mạnh, tài trí, năng lực của từng cá nhân, từng bộ phận cộng lại. Cái cơ chế đó chính là trí tuệ hệ thống, là cái phần mềm để vận hành hệ thống một cách thông minh.
Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân thì cái nguy hại lớn nhất là cái cơ chế phản khoa học đã được ghi trong Luật Giáo dục 2005 cũng như Đề cương Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020. Tất cả đều có thể tóm gọn trong một câu “giáo dục VN đào tạo con người trung kiên với chủ nghĩa Mác Lê”. Một khi tự giam mình trong cái khung ý thức hệ ấy thì dù cho con người có thông minh đến đâu đi nữa, đất nước sẽ chỉ như một đứa bé không bao giờ trưởng thành
Thầy tôi, giáo sư Meyer, thành viên Hàn lâm Khoa học Pháp là một trong những người cuồng nhiệt ủng hộ cho cộng sản trong những năm 1970. Sau khi tôi bị bắt, ông ta lại là người tiên phong ký tên yêu cầu chính phủ Pháp phải lên tiếng. Thầy của Meyer là giáo sư Cartier cũng đã phát biểu tại Huế vào tháng 8/2012 trước khi đến thăm tôi ra tù rằng “Chỉ trong môi trường tự do toán học mới có thể phát triển tốt đẹp”. Nếu đem trí tuệ lên bàn cân thì e rằng giáo sư Ngô Bảo Châu với giải Fields năm 2010 có phần “nhỉnh” hơn các thầy Cartier và Meyer. Nhưng có lẽ chẳng ai dám nghĩ đem “cân” cái khoa học công nghệ của chúng ta với Pháp ! Đơn thuần họ đã có một quá khứ vàng son về toán học, một cơ sở nghiên cứu đồ sộ, nhưng trên hết tất cả, đó là một đất nước tự do, không bị ràng buộc bởi bất kỳ một ý thức hệ nào.
Trong cuộc hội thảo tháng 12/2009, các nhà tài trợ đã tỏ vẻ quan ngại của họ về vấn đề phát triển của VN trước những giới hạn về quyền tự do lập hội và phản biện. Theo ông Bergman, đại sứ Thụy Điển thì để có thể đạt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, chính phủ Việt Nam phải “cho phép báo chí và các tổ chức phi chính phủ khuyến khích để tham gia giám sát”, còn theo Đại sứ Mỹ Michalak thì việc nghiêm cấm các tổ chức nghiên cứu tư nhân công bố các ý kiến phản biện khiến “Việt Nam bớt hấp dẫn hơn so với các đối tác ngoại quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục”.
Cũng như mọi người Việt Nam có quan tâm đến giáo dục, Hội Giáo chức Chu Văn An chúng tôi với chủ trương một nền giáo dục nhân bản, khoa học, đại chúng, khai phóng và sáng tạo rất quan ngại về những gì đang xảy ra trên đất nước và cũng rất mong có cơ hội trao đổi với giáo sư Paul Glewwe của PISA hầu giải đáp thắc mắc của ông ta, xin nhắc lại đó là :“Chúng tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Liệu có sự tác động của đầu vào ...” .
Khốn nỗi, khi mở cửa nhìn ra ngoài thì đang có hai ba “nhân tố” đang ngồi uống cà phê nhà đối diện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đầu ra” của anh em chúng tôi.
Vậy hẹn ông một dịp khác. Mong rằng lúc ấy sẽ không còn cái “đầu” nào cả!
P.M.H.
Nguồn: https://www.facebook.com/phamminh.hoang.351/posts/10206050425738891

KẾT QUẢ PISA 2015: MỘT CÁCH HIỂU KHÁC
NGUYỄN VĂN TUẤN/ tuan's blog  19-12-2016
Kết quả kiểm định PISA năm nay mới vừa được công bố, và Việt Nam đứng hạng 8 trong 72 nước về khoa học, hạng 22 về toán, và hạng 32 về đọc & hiểu. Đây là những thứ hạng làm cho những người trong Bộ GDĐT có lí do để ăn mừng. Hạng của Việt Nam làm cho một giáo sư Mĩ ngạc nhiên (1). Thật ra, tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông ấy ngạc nhiên! Nếu ai biết chút ít về cách tính đằng sau của PISA thì có lẽ sẽ dè dặt với cách diễn giải của các quan chức.
Cần nói thêm là trong lần kiểm định năm 2012, Việt Nam đứng hạng 8 về khoa học, 17 về toán, và 19 về đọc & hiểu. Như vậy hạng năm nay (2015) không có gì thay đổi so với lần kiểm định trước. Có lẽ điều này nói lên độ tin cậy của các bộ câu hỏi của PISA. Nhìn qua bảng dưới đây, chúng ta thấy điểm môn toán và đọc & hiểu của Việt Nam giảm nhẹ, nhưng điểm môn khoa học thì không có thay đổi đáng kể.
--> Điểm trung bình và độ lệch chuẩn (trong ngoặc) trong kì kiểm định PISA 2012 và 2015 của Việt Nam, Singapore, Australia và Mĩ.
Hạng 8 về khoa học của Việt Nam còn cao hơn Úc (hạng 10). Về môn toán VN (hạng 17) cũng cao hơn Úc (hạng 20). Riêng về đọc & hiểu của Việt Nam năm nay (hạng 17) thì thấp hơn Úc (hạng 12). Úc thì than rằng hạng PISA của họ "don't look good" (xem ra không tốt), nhưng Việt Nam thì vui mừng. Nhưng đối với các chuyên gia về giáo dục Úc thì họ lạnh lùng, nhún vai chẳng quan tâm. Và, họ có lí do để không quan tâm.
Lí do 1: Tỉ lệ trả lời (response rate) khá thấp
Theo qui định của PISA, mỗi học sinh tiêu ra 3 giờ trong chương trình kiểm định. Nhưng không phải học sinh cũng cũng trả lời tất cả các câu hỏi. Theo một báo cáo trước đây thì chỉ có khoảng 50% học sinh trả lời bất cứ một câu hỏi nào về đọc, trong khi đó 40% học sinh chỉ được kiểm định 14 trong số 28 câu hỏi về đọc. Do đó, chỉ có ~10% học sinh tham gia chương trình test được kiểm định tất cả 28 câu hỏi. Ngay cả học sinh có điểm trung bình của khối OECD (tức 500 điểm) thì em này cũng chỉ trả lời được 46% câu hỏi mà thôi, còn em nào có điểm 400 chỉ trả lời 23% tổng số câu hỏi.
Vấn đề response rate ảnh hưởng rất lớn đến xếp hạng. Điều này có nghĩa là khi PISA so sánh giữa các nước thì chẳng khác gì so sánh giữa trái cam và trái táo. Một ví dụ [cực đoan] để minh họa: học sinh Việt Nam có thể trả lời câu hỏi 1-20, còn học sinh Tàu có thể trả lời câu hỏi 15-28. Như vậy thì làm sao so sánh giữa hai nhóm được. Do đó, bảng xếp hạng của PISA có thể chẳng nói lên điều gì cả.
Lí do 2: Phương pháp thống kê
Trong tình huống "missing data" như mô tả trên, các nhà phân tích của PISA làm gì? Trả lời: họ sử dụng một mô hình thống kê có tên là Rasch, với giả định rằng 10 giá trị cho mỗi học sinh được xác định bằng một xác suất hậu định (posterior probability). Vấn đề của mô hình Rasch là nó giả định rằng độ khó khăn của câu hỏi và khoảng cách về khó khăn trong mỗi câu trả lời là đồng đều nhau giữa các nước. Giả định này rất "mạnh" (hiểu theo nghĩa thiếu tính thực tế), bởi vì câu trả lời hay khả năng trả lời có thể còn tuỳ thuộc vào văn hoá của từng nước. Nói tóm lại, mô hình Rasch có nhiều điều cần phải bàn thêm, chứ không hẳn là mô hình tối ưu nhất trong trường hợp có quá nhiều câu hỏi bỏ trống.
Ngoài ra, họ sử dụng một phương pháp thống kê khác có tên là "imputation" để lấp vào những câu hỏi mà học sinh bỏ trống. Nói cách khác, khi một học sinh trả lời ví dụ như 50% câu hỏi, thì họ dùng phương pháp imputation để điền vào những câu hỏi mà em học sinh không trả lời. Nói cách khác, họ biến "không" thành "có"! Phương pháp imputation là một phương pháp khoa học hợp lí, nhưng với điều kiện giá trị trống (missing values) thấp cỡ dưới 5-10%. Nhưng khi giá trị trống quá cao như PISA thì phương pháp này có vấn đề.
Lí do 3: Phương sai
Về mặt kĩ thuật, tất cả những câu hỏi của PISA rất tương quan với nhau. Phân tích yếu tố (factor analysis) cho thấy một yếu tố duy nhất có thể giải thích từ 75% (Hi Lạp) đến 92% (Hà Lan) phương sai của các câu hỏi. Điều này có nghĩa gì? Nó có nghĩa là khi PISA xếp hạng giữa các nước chủ yếu là dựa vào yếu tố này, nhưng yếu tố này không đồng đều giữa các nước. Nói cách khác, thứ hạng của một nước trong bảng xếp hạng có thể thay đổi nếu xem xét đến yếu tố thứ 2 hay thứ 3. Nói cách khác nữa, bảng xếp hạng của PISA không nói gì về sự thông minh của học sinh VN, càng không phản ảnh chất lượng giáo dục của VN vốn đang rất cần cải cách.
Lí do 4: PISA không đánh giá toàn diện
Điều quan trọng cần phải biết là chương trình kiểm định PISA này không phản ảnh toàn bộ khả năng học tập của học sinh. PISA chỉ đánh giá cho một nhóm học sinh ở một độ tuổi (15) và chỉ tập trung vào 3 môn học (toán, khoa học, và đọc hiểu). Ở độ tuổi 15 thì khả năng suy luận và lí giải trừu trượng vẫn đang hình thành chứ chưa hoàn chỉnh. Kết quả của PISA do đó chỉ là một snapshot ở một thời điểm nhất định, chứ không phản ảnh điểm lâu dài của học sinh.
Kết quả PISA càng không phản ảnh được môi trường học tập vốn được xem là quan trọng hơn 3 môn học đó. Có lẽ kết quả PISA cho thấy các em học sinh Việt Nam tham gia đã thuộc bài tốt, và ngoài cái đó thì chúng ta không biết các em còn tốt/dở khía cạnh nào khác.
Lí do 4: Hiệu chỉnh
PISA cho biết mỗi quốc gia họ lấy mẫu tối thiểu là 4500 học sinh tuổi 15 (dĩ nhiên nước nhỏ như Iceland thì số học sinh ít hơn). Theo nguyên tắc thì học sinh xuất thân từ nhiều thành phần kinh tế xã hội khác nhau, nhưng tôi không thấy họ hiệu chỉnh kết quả cho những khác biệt về thành phần kinh tế xã hội. Nếu không hiệu chỉnh cho yếu tố này thì khác biệt giữa các nước là có thể do thành phần kinh tế chứ chẳng phải do khả năng của học sinh. Việt Nam có thể có hạng cao nếu Việt Nam chỉ chọn học sinh từ thành thị và một phần nhỏ từ nông thôn. Đây cũng là một điểm yếu mà rất nhiều nhà nghiên cứu giáo dục chỉ ra trong quá khứ.
Tuy rằng cách lấy mẫu là ngẫu nhiên, và điều này chúng ta có thể tin vào PISA. Nhưng phía Việt Nam có vẻ tốn khá nhiều công sức để chuẩn bị cho kì kiểm định. Một bài báo trên Vietnamnet cho chúng ta biết rằng "Để giới thiệu về các lĩnh vực Toán, Khoa học, Đọc hiểu, VN đã nghiên cứu kỹ tất cả các dạng bài thi PISA đã công bố, tóm tắt và khái quát các dạng bài thi với các yêu cầu kỹ thuật làm từng dạng bài thi, từng loại câu hỏi để giáo viên nắm được kỹ thuật về giới thiệu cho học sinh. Tiếp đó, ngành GD-ĐT tổ chức tập huấn cho cán bộ cốt cán từ trung ương đến địa phương. Để đưa PISA vào trường phổ thông, Bộ chỉ đạo trên toàn quốc các giáo viên đã được tập huấn PISA thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần, thảo luận từng dạng bài thi và các dạng câu hỏi thi PISA. Giáo viên giới thiệu cho học sinh một số câu hỏi thi PISA được in trong tài liệu tập huấn. Có trường xây dựng được mạng nội bộ đã đưa lên mạng các dạng bài thi PISA cho học sinh làm, mở cuộc thi nhỏ tìm hiểu về PISA."
Sự chuẩn bị tốt này phản ảnh qua độ lệch chuẩn và hệ số biến thiên (coefficient of variation -- CV). Chẳng hạn như số liệu năm 2015 cho thấy CV ở học sinh Việt Nam là thấp nhất so với các nước khác như Singapore, Úc và Mĩ. Ví dụ như môn khoa học, độ lệch chuẩn ở học trò Việt Nam chỉ 75 điểm, so với 105 điểm ở Singapore và 104 điểm ở học sinh Úc:
-->
Điểm trung bình (mean), độ lệch chuẩn (SD) và hệ số biến thiên (CV) của môn toán, đọc & hiểu, và khoa học trong kì kiểm định PISA 2015
Không nên lạc quan về bảng xếp hạng!
Theo tôi thì kết quả PISA năm nay, cũng như lần trước, có thể xem là thú vị và chỉ dừng ở đó. Trong khoa học có câu “garbage in, garbage out” (số liệu đầu vào là rác, thì kết quả đầu ra cũng chỉ là rác). Như tôi trình bày trên, đằng sau kết quả PISA là một phương pháp xử lí số liệu rất mong manh, nên độ chính xác của kết quả cũng là một câu hỏi lớn.
Không nên dựa vào đó mà đánh giá học sinh Việt Nam hơn ai (hay kém ai). Nên nhớ rằng so sánh thứ hạng giữa các nước rất dễ bị lầm, vì mức độ khác biệt về điểm trung bình giữa các nước có khi rất thấp. Xin nêu một ví dụ tiêu biểu: điểm trung bình về đọc & hiểu của Việt Nam là 490, chỉ cao hơn Úc 1 điểm (491), nhưng khi xếp hạng thì hạng của Việt Nam năm nay là 17, thấp hơn Úc đến 5 hạng (Úc với hạng 12). Nói cách khác, điểm trung bình của Việt Nam và Úc gần như bằng nhau, nhưng xếp hạng thì khác nhau! Thật ra, xếp hạng chỉ dựa vào số trung bình đã là sai về nguyên tắc, vì không tính đến phương sai.
Một ví dụ khác: điểm trung bình môn toán của Việt Nam cao hơn Úc 13 điểm; nếu chỉ mới thoạt đọc qua thì ấn tượng đấy, nhưng nếu so sánh với độ lệch chuẩn thì chẳng là bao. Độ lệch chuẩn của môn toán là 103 điểm; do đó, 13 điểm là tương đương với 0.13 độ lệch chuẩn mà thôi. Nếu muốn tính toán xác suất overlap thì kết quả là 96%. Nếu chọn ngẫu nhiên một học sinh Việt Nam và một học sinh Úc, thì xác suất học sinh Việt Nam có điểm toán cao hơn học sinh Úc là ~53%. Cái xác suất 53% (tức là gần 50/50) đó không thể làm cho chúng ta tự hào là học trò Việt Nam giỏi toán hơn học trò Úc. (Bạn nào biết khái niệm "effect size" thì biết tôi đang nói gì).
Nhưng hơn hết, tôi nghĩ không thể hay rất khó so sánh điểm của học sinh trong một hệ thống học vẹt (kiểu VN, Hàn Quốc và China) với điểm của học trong một hệ thống học “free” ở các nước phương Tây. Càng không thể so sánh khi những nước bị “bệnh thành tích” nên dồn tài lực để cải tiến điểm PISA và mấy nước phương Tây vốn không đầu tư vào việc nâng điểm trong bảng xếp hạng của PISA. Chạy theo những bảng xếp hạng như thế này chỉ làm chúng ta xao lãng vấn đề lớn hơn trong giáo dục - đó là cải cách.
====
(1) http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-su-my-ngac-nhien-ve-ket-qua-pisa-cua-viet-nam-20161215152639559.htm
(2) Bạn nào muốn phân tích dữ liệu PISA thì có thể download toàn bộ dữ liệu từ website sau đây: http://www.oecd.org/pisa/data/2015database/
Sau đó, các bạn có thể dùng R để đọc điểm của toàn bộ 519,334 học sinh. Dữ liệu này khá lớn, vì có đến 921 biến số! Dữ liệu về điểm của học sinh là 1.2 Gb. Máy MacBook của tôi phải tốn 5 phút mới đọc hết nửa triệu dữ liệu. Sau khi đọc thì việc phân tích rất nhanh. Một mô hình hồi qui tuyến tính cho nửa triệu học sinh chỉ tốn 2 giây. Sau đây là các bước cần thiết:
# Sau khi download dữ liệu, gọi các package cần thiết
library(foreign); library(intsvy); library(ggplot2); library("dplyr")
# đọc từ SPSS sav file
pisa = read.spss(CY6_MS_CMB_STU_QQQ.sav", use.value.labels=T, to.data.frame=T)
# trích dữ liệu của VN
vn = subset(pisa, CNT=="Vietnam")
Sau đó là phân tích theo câu hỏi của mình đặt ra. Bạn nào ghi danh học lớp Machine Learning, tôi sẽ chỉ cho các bạn cách phân tích các dữ liệu này bằng Machine Learning.
--> Mối tương quan giữa điểm môn toán (trục tung) và điểm trung bình của môn khoa học và đọc & viết của các nước tham gia PISA 2015. Các bạn thấy gì từ biểu đồ này?
Độ lệch chuẩn của điểm đọc & hiểu. Việt Nam có độ lệch chuẩn thấp nhất trong số những nước tham gia PISA 2015. 
Mối tương quan giữa số trung bình (trục trung) và độ lệch chuẩn (trục hoành) của điểm môn khoa học (PISA 2015). Việt Nam là nước trong số ít có độ lệch chuẩn thấp, nhưng điểm trung bình cao, gần như "ngoại vi" trong số những nước có độ lệch chuẩn thấp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét