Thứ Năm, 15 tháng 12, 2016

20161215. BÀN VỀ 'TỰ DIỄN BIẾN', 'TỰ CHUYỂN HÓA'

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẢNG VIÊN TỐT NGHĨ GÌ VỀ SỰ TỒN VONG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN?
NGUYỄN MẠNH TUẤN/ TTHN/ BVB 14-12-2016
 Người Cộng sản tốt là người đã chết. Nguồn: báo Nga
Người Cộng sản tốt là người đã chết. Nguồn: báo Nga

Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng.Vậy ta hãy xem những biểu hiện cụ thể diễn ra trong cuộc sống của “tự chuyển biến, chuyển hóa” phổ biến của Đảng viên có chức có quyền hiện nay là gì?
– Từ nhà cấp bốn, cấp ba, cấp hai… trước kia, nay hầu hết đều có vi la biệt thự khủng, khu nghỉ dưỡng nguy nga, nhà thờ họ lộng lẫy…
– Cha mẹ bình dân học vụ hay dưới “mái trường XHCN”… nay con cái phần lớn Tây học tại những nơi CNTB đang “giãy chết”.
– Trước đây tự hào là g/c vô sản, “thành phần bần cố nông”… nay khoe khoang đã “lận lưng” ha này ha kia, lô này lô nọ ở toàn những nơi đắc địa…
– Trước chỉ “đầu tư” trong nước, nay đã theo kịp xu thế “toàn cầu hóa” “chuyển biến” đầu tư ra nước ngoài để phòng khi có “biến” thì “rút lui an toàn”.
– Trước kia, nhân dịp Tết nhất tặng sếp chai rượu ngon, lọ sâm bổ, cái phong bao mong mỏng… dấu dấu diếm diếm, nay dù chỉ là chức phó phòng “quèn” ở công ty NN hay chánh phó gì đó ở sở địa phương hay cấp vụ này nọ thôi chứ chưa nói cao hơn đã có giá tiền tỉ, nhiều tỉ rồi. Những chuyện này “Đảng ta không công khai, nhưng ai cũng biết”. Những kẻ “đao to búa lớn” gọi là tham nhũng chính trị, hay phổ biến hơn là nạn “chạy chức chạy quyền”.

– Còn rất nhiều “hiện tượng” nữa “không bút nào tả xiết” được. Có điều: tất cả những đồng tiền mà các đồng chí “đã và chưa bị lộ” dày công “chuyển biến” và tài tình “chuyển hóa” như trên từ đâu ra vậy?Nói khi không phải, ở ta bây giờ cái gì chả phải “chạy”, ai chả phải “chạy”. Từ mẫu giáo trở lên đã chạy trường, chạy lớp, chạy danh hiệu tiên tiến, suất sắc đến “chạy” điểm, chạy bằng. Ra trường “chạy việc”, đi làm “chạy chức chạy lương”. Nghệ sĩ, thầy giáo chạy “ưu tú, nhân dân”, giáo sư, tiến sĩ cũng chạy, phạm tội thì “chạy án”… Cả Dân tộc này đang mải miết “chạy” mà nguy cơ tụt hậu hơn Lào và Căm pu chia vẫn đang hiện hữu.
Xin hỏi ông TBT Nguyễn Phú Trọng một câu về vận dụng Biện chứng pháp: vậy các “hiện tượng” vô cùng nhiều, rất phong phú và đa dạng trên đây trong xã hội ta phản ánh “bản chất” gì? Những “ kết quả” đó là do cái “nguyên nhân gốc rễ” nào đẻ ra vậy? Có “đồng chí nguyên” UV BCT, nguyên CT QH đã dùng khái niệm “lỗi hệ thống”. Theo người viết bài này thì dùng từ của Hồ Chí Minh trong trường hợp này là chuẩn nhất: “đó là một Đảng hỏng”.
Chẳng phải vậy sao? Một Đảng cầm quyền mà hầu hết, hay tất cả đảng viên có chức có quyền đều “tự diễn biến, chuyển hóa” như những cách trên đây, biết bao nghị quyết, chỉnh huấn chỉ càng là cho nó thêm phổ biến đến cái mức “sờ đâu cũng thấy” còn chẳng phải là một “đảng hỏng” hay sao?
Nói “tất cả” là bởi thực tế đã “vào guồng” rồi, ai không “ăn” và không biết hay không chịu “cúng” hay “đút” thì trở thành “dị nhân” và sớm muộn cũng bị văng ra ngoài hay bị cái “guồng” ấy nó “nghiền nát”. Cái đau đớn cho Đảng là chính “các đồng chí lãnh đạo” ở các ngành, các cấp – đương nhiên đều là đảng viên – là “đầu tàu gương mẫu” hoặc tạo ra” môi trường thuận lợi” cho toàn dân noi theo và thực thi trong những “cuộc” gọi là “chạy” trên đây trong phạm vi cả nước.
Một đất nước mà tham nhũng đã trở thành phổ biến, đồng tiền là thống soái, đạo đức hay nhân nghĩa, trung thực dần trở thành “của hiếm”, thì đích thị là một đất nước “không chịu phát triển” rồi. Thật là một cuộc “đổi ngôi” ngoạn mục: kẻ giỏi “chạy” được khen là “khôn ngoan”, “có năng lực”, cho dù “thành tích” làm nghèo đất nước” của hắn là “vô địch”: vài dự án hắn làm, mỗi cái thất thoát có vài ngàn tỉ bạc. Còn người trung thực, thật thà và có lòng tự trọng thì càng giỏi càng “đi” nhanh, thường bị chê là cù lần, lập dị và nếu dám phát biểu này nọ thì bị coi là kiêu ngạo, bướng bỉnh và qui kết là phần tử chống đối…
Hệ lụy to nhất liên quan tới sự tồn vong của ĐCSVN – lực lượng đang lãnh đạo XH – đang lớn rất nhanh và hầu như không cản được, đó là sự giảm sút hết sức nghiêm trọng LÒNG TIN của Nhân dân vào những người lãnh đạo của Đảng. Và hậu quả của mất lòng tin là gì thì chắc ai cũng biết.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập NQ TW 4 của BCT, ngày 9/12 vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu của mình, đã xem cuộc chiến chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” là “không thể không làm” vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và Chế độ. Ông đã nhắc đến “Tự chỉ trích”, nhưng trước đó chính Ông cũng thú nhận chống tham nhũng khó “vì ta tự đánh ta”. Vậy thật ra Ông muốn “phủ định” ai đây? Nếu Ông muốn dẹp hết “các đồng chí đã và đang tham nhũng” thì còn ai mà làm việc? Đó chắc chắn là một nhiệm vụ bất khả thi với Ông. “Các đồng chí ấy” sẽ không bao giờ để Ông làm thế.
Còn khi nói, “đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng ta…” là phải chăng, Ông muốn nhắc đến những đảng viên và cựu đảng viên còn có lương tâm, các nhân sĩ, trí thức và rất nhiều người dân yêu nước đã dám “mở miệng” phê phán những sai lầm của Đảng? Phải chăng những “thế lưc” này mới chính là đối tượng Ông nhắm đến? Điều này Ông và nhóm của Ông càng không bao giờ có đủ Quyền và Lực để làm. Đơn giản vì đó là Nhân dân là Dân tộc. Rất nhiều trong số họ không phải là đảng viên của Ông. Thực ra họ đều mong muốn các ông thay đổi và thật sự “chuyển biến”, “chuyển hóa” VÌ ĐẤT NƯỚC, VÌ NHÂN DÂN và DÂN TỘC, đi theo dòng chảy của Văn minh Nhân loại : Dân chủ, Dân quyền, Bác ái, Tự do, Bình đẳng.
 Mà xét cho cùng thì đó cũng là lối thoát để tránh cho Đảng khỏi sự diệt vong.
Nghị quyết 4 của Đảng được chấp bút bởi một nhóm tác giả, là một số hữu hạn các chuyên viên lý luận được Lãnh đạo ĐCSVN chọn lọc, chỉ đạo, sau đó chắc đã có sự bổ sung góp ý, sữa chữa công phu của BCT, BBT và đọc trước BCH TW. (Là tôi đoán “qui trình” như thế, nếu sai xin bỏ qúa cho). Sắp tới đây NQ sẽ được toàn thể hơn 4 triệu đảng viên học tập. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, trong thực tiễn nó sẽ chẳng có tác dụng bao nhiêu, tham nhũng vẫn sẽ tràn lan, cả trong và ngoài Đảng, ai “chuyển hóa”vẫn tiếp tục “chuyển hóa” và “chuyển biến” bởi thực tiễn cuộc sống, xã hội vẫn đang chuyển động không ngừng và chẳng bao giờ dừng lại.
 NQ đã không chuẩn xác từ ngay cái tiêu đề của nó. Còn về nội dung nó chưa giải quyết được những nan đề về sự tồn vong của ĐCSVN và Chế độ. Vì sao ư? Bởi nó được làm theo chỉ đạo và đáp án có sẵn, theo kiểu “đơn đặt hàng” chứ không phải là kết quả của một nghiên cứu khoa học với tính khách quan của tinh thần Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Nó mang tính chủ quan, nhiều chỗ sáo rỗng và áp đặt của một thiểu số đối với số đông hơn 4 triệu đảng viên. Nếu nói về mất dân chủ ngay trong Đảng thì đây chính là một ví dụ điển hình. Quan trọng nhất là nguyên nhân của mọi nguyên nhân vẫn chưa được chỉ ra.
Như lần trước chúng tôi đã “tâm sự”: để thoát hiểm trước khúc quanh lịch sử đã và đang đến gần, ĐCSVN chỉ có một cách duy nhất là phải triệt để đổi mới, phải lột xác để trở về với Dân tộc. Đổi mới triệt để và lột xác của Đảng là một quá trình được tiến hành bởi những đảng viên tử tê còn sót lại và những hiền tài trong dân chúng.
Cách đi lên tiết kiệm nhất cho Dân, cho Nước lúc này là những phẩn tử cấp tiến trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng liên kết lại, tập hợp trí tuệ của những đảng viên có lòng yêu dân, có tâm với nước, dựa vào giới tinh hoa, trí thức tiêu biểu của Dân tộc đại diện cho trí tuệ toàn dân… Con đường và kế hoạch không quá khó, vấn đề là có MUỐN LÀM và DÁM LÀM hay không mà thôi. Luôn tâm niệm một điều: mọi sức mạnh đều ở nơi DÂN.
Nguyễn Mạnh Tuấn/TTHN

PHÁT NGÔN VÀ NHÂN CÁCH CỦA LÃNH ĐẠO
MẠNH TRÍ / BVN 14-12-2016
Ai cũng đều biết Nhân cách là toàn bộ những đặc điểm tâm lý đã ổn định, bền vững của cá nhân, tạo nên phẩm giá của cá nhân đó đối với xã hội. Theo các nhà nghiên cứu giáo dục, Nhân cách luôn bao gồm hai thành tố chính gắn kết với nhau là Đức (Đạo đức) và Tài (Trí tuệ, hay rộng hơn là Năng lực). Còn về quy luật phát triển của nhân cách thì điều đáng lưu ý là: cái Đức chi phối cái Tài, theo cả hai hướng, hoặc thúc đẩy Tài phát triển, thăng hoa để giúp ích cho đời, hoặc làm cho Tài lụi tàn đi, sai hướng đi và trở thành vật cản, biến thành công cụ phá hoại, gây hại cho cộng đồng. (Cách hiểu này có khác với cách hiểu của một số ít người hiện nay là coi Nhân cách đồng nhất với Đạo đức). Nhân cách là hành trang tất yếu của mỗi người trong suốt cả cuộc đời, nó là công cụ để mỗi người có thể lập thân lập nghiệp và cống hiến cho xã hội. Do vậy mà càng có vị thế quan trọng trong xã hội thì nhân cách càng phải hoàn thiện, chuẩn mực, vì phẩm cấp của nhân cách trong những vị trí này có quan hệ trực tiếp đến sự phát triển của xã hội, của cộng đồng. Và bởi thế sự quan tâm của người dân đối với nhân cách của giới chức lãnh đạo luôn là điều tất yếu, mãi là chuyện bình thường. Sự quan tâm này của dân luôn sát sao, nghiêm túc, cụ thể, nên có thể làm cho nhiều vị cảm thấy khó chịu, và có thể nghĩ xấu oan cho sự quan tâm đó! Nhân cách thường được biểu hiện qua cả lời nói và hành động (chủ yếu là qua hành động), nên phải soi xét vào cả hai biểu hiện này thì mới có thể đánh giá đầy đủ được nhân cách của một cá nhân nào đó. Nhưng trong thực tế có thể chỉ riêng lời nói đã phản ánh được khá rõ về nhân cách của một con người rồi, nhất là những phát ngôn đó xuất hiện trong những tình huống quan trọng và hoàn toàn nghiêm cẩn, như với các chính trị gia, các quan chức cầm quyền.
Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng của ta đã có rất nhiều phát ngôn quan trọng trong hoạt động chính trị của mình. Nhìn chung các phát ngôn đó đều chứa đựng các nội dung sách vở (lý luận Mác Lênin, nghị quyết của Đảng), nên chi sự đúng sai đều chưa nên vội quy hoàn toàn cho ông. Nhưng ông cũng đã có những phát ngôn tự phát, ngẫu hứng, xuất phát từ nhân cách đích thực của mình, mà từ đó người nghe có thể chẩn đoán được bản lĩnh thật của ông. Trong đó có những phát ngôn được xuất hiện trong các bối cảnh đặc biệt của tình hình đất nước. Chẳng hạn phát ngôn gần đây nhất của ông là trong sự kiện TBT tham dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Phật Tích (xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ở đây, ông đã nêu trước dân một câu hỏi, nhưng lại cũng là ngầm trả lời có tính khẳng định của người hỏi, rằng "Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?". Đương nhiên là để lý giải cho dụng ý của mình muốn nói về những thành tựu đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN, ông đã nêu lên những đổi thay được ông gọi là cơ bản và lớn lao của địa phương và đất nước trong tất cả các mặt chính trị, kinh tế, xã hội... Dù ngay trước đó dân cũng có nghe ông đã nêu cái ý tự phê là tuy có chuyện này, chuyện kia, như tệ nạn tham nhũng, như sự thoái hóa, "tự diễn biến" của một bộ phận cán bộ, đảng viên... Và cũng đương nhiên là dân chỉ biết nghe, buộc phải nghe, chứ không được đối thoại thẳng thắn trở lại với diễn giả. Chắc là TBT cứ tưởng như mọi người nghe đều bị ông thuyết phục! Nhưng sự thật lại không phải vậy, rất nhiều người dân từ người được nghe trực tiếp đến người nghe qua đài hay xem báo, đều chưa chấp nhận đó là chân lý! Và từ đấy tất yếu người dân đã phải thận trọng nhìn nhận lại nhân cách đích thực của TBT!
Dân cho là ông đang nhầm lẫn, thậm chí là lú lẫn, trong tư duy. Phát ngôn đó của ông không phải là sản phẩm thật sự của trí tuệ, đúng nghĩa, và càng không phải là biểu hiện của một tư duy nghiêm chỉnh ở phẩm cấp cao của một người được mang danh là đại trí thức của Đảng và của đất nước (Giáo sư, Tiến sỹ kia mà). Ông được đàn em coi là bậc "trưởng lão" trong lĩnh vực khoa học Mác xít của Việt Nam, ông chuyên nghiên cứu, viết bài và rao giảng về chính trị học, triết học... Vậy thì hôm đó tư duy khoa học của ông để đâu, ông quên quá nhiều thứ về tri thức và phương pháp luận Mác xít, kể cả cái phép biện chứng duy vật mà ông rất tâm đắc, rất thông thạo và thường hay vận dụng? Sao ông không có cái nhìn toàn cục mà chỉ thấy bộ phận, sao ông không nhìn đúng bản chất mà chỉ nêu hiện tượng, sao ông chỉ thấy hình thức bên ngoài mà không nhìn rõ nội dung bên trong...? Nền kinh tế có thật sự tăng trưởng bền vững, đời sống người dân lao động có thật sự được nâng lên? Đâu phải chỉ nhìn vào các khu đô thị, các biệt thự hoành tráng, các đường cao tốc uốn lượn ngoằn ngoèo, các khu công nghiệp, khu chế xuất rộng thênh thang, bộn bề, ngổn ngang khắp nơi, bởi những thứ đó và nhiều thứ công trình ngàn tỷ khác nữa đâu có phục vụ cho "cơm, áo, gạo, tiền" của người dân lao động, đâu có còn là tài sản của dân, của quốc gia nữa! Sao ông không nhớ đến một núi nợ công, nợ xấu khổng lồ đã đè nặng lên lưng người dân đang sống và các thế hệ con cháu nối tiếp? Sao ông không băn khoăn về chuyện chính phủ toàn vác rá đi vay thiên hạ với danh nghĩa là để đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng thực chất trong đó thì phần chủ yếu và trước hết lại là để trả nợ cũ và cấp lương cho hơn 11 triệu người ăn lương, và một phần rất đáng kể là chui vào túi tham nhũng?! (Gần đây nhất, trong năm 2016, mới vào đầu nhiệm kỳ mà chính phủ đã phải vay đến hơn 17 tỷ USD rồi!). Sao ông không “vi hành” đến những nơi cần đến hơn, để thấy tận mắt và nói lên sự chia sẻ thật lòng của bề trên "luôn gắn bó máu thịt với dân", trước sự đói nghèo, bần cùng của hàng triệu gia đình nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa... mà đời sống rất ít được thay đổi so với 70 năm trước đây? Sao ông không chịu thực sự sâu sát hai hoạt động cơ bản gắn liền với đời sống người dân và sự phát triển đất nước là Giáo dục và Y tế? Ở đó đang đầy rẫy khó khăn và cũng quá thừa tai tiếng, mà trước đây đã từng được coi là "những bông hoa đẹp trong vườn hoa XHCN", đã từng là niềm tự hào của dân miền Bắc Việt Nam, mà nay đã và đang trở nên lạc hậu, tồi tệ, xuống cấp thảm hại, nhất là với Giáo dục là nơi sản sinh ra nguồn nhân lực, sản sinh ra khoa học và công nghệ cho đất nước phát triển... Sao ông không thấy xót xa và xấu hổ trước sự băng hoại khủng khiếp và không thể kìm ngăn được của đạo đức xã hội, mà chính đảng viên của ông là những kẻ đầu têu, châm ngòi cho sự hư hỏng đó? Sao ông không chịu nhìn ra cái quốc nạn tham nhũng và cái sự hư hỏng toàn diện của Đảng CSVN do ông đang là TBT, chính là nguyên nhân cơ bản và trực tiếp sẽ dẫn đến sự tan rã của Đảng cầm quyền cùng với sự sụp đổ của thể chế hiện nay mà ông vẫn tưởng đang nắm chắc bằng bạo lực? Ông có nhìn rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng đã được nêu ra từ NQTW4 khóa trước, thì bây giờ đã tăng lên hơn gấp đôi rồi không? Ông có thấy ngượng và "há miệng mắc quai" khi nói về sự tha hóa đã cũ này của Đảng ông trong Nghị quyết TW4 khóa mới, với thực tế là hầu hết cán bộ chủ chốt các cấp của Đảng, kể từ cấp cao nhất, thì "tay đã nhúng chàm" rồi không? Những cái đó, và vô vàn những cái khác nữa, xấu xa, rách nát, bệ rạc, phi nhân văn, phản văn hóa, lạc hậu... đáng gọi là thành tựu to lớn của Đổi mới hay gọi là cái gì, thưa ông? Những cái đó đang thực sự làm khổ dân, làm nghèo đất nước, làm cho Việt Nam vẫn nghèo, lại thêm cái tội ngu và hèn nữa, và ngày càng bị thế giới coi thường! Thế mà ông lại cố tình không nhìn đúng vào thực trạng đất nước. Ông không coi thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý, như ông vẫn rao giảng nữa sao? Ông có thấy được cái màu xám xịt của thực trạng đất nước không? Ông đang sống trong lòng thực tiễn đất nước Việt Nam hay đang bay lơ lửng trên mây, hay đang khép mình mơ màng trong phòng kín sang trọng và tiện nghi của Văn phòng TW?
Nếu ông còn tỉnh táo thì chắc chắn cũng đã thấy đó là những yếu kém, khuyết tật, thất bại của đường lối Đổi mới bảo thủ và sai lầm của các ông, và đã công khai thừa nhận và thật lòng thay đổi, sửa chữa? Nhưng ông và các đồng chí của ông vẫn tiếp tục bảo thủ và cố tình ngụy biện! Vậy thì thành tựu đích thực của Đổi mới mà các ông đưa lại có gì đáng nói ra nào, hãy kể hết ra để có thể khỏa lấp được, áp đảo được, xoa dịu được, giảm nhẹ được những tội lỗi, những sai lầm, mà những ví dụ nêu ở trên mới chỉ là một số rất ít? Ông lấy những hình ảnh ảo do ông tưởng tượng ra và gọi là thành tựu to lớn để lấp liếm, để xí xóa những yếu kém, thối nát, sai lầm..., rồi từ đó ông dám nói trước dân rằng "...Dù rằng có chuyện nọ, chuyện kia, ... nhưng Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không?". Trong khi hầu như toàn dân (và bạn bè am hiểu Việt Nam) thì đều đánh giá nghiêm túc là Chưa bao giờ đất nước lại rối bét, thối nát, tha hóa, tồi tệ, suy yếu... như hiện nay! Đúng là ông đã "nói lấy được", rất trơ trẽn và lố bịch, thưa ông TBT!
Lại nữa, ông là người có trình độ học vấn cao vào bậc nhất nước, vừa có vốn tri thức sâu và rộng, lại vừa có phương pháp tiếp cận vấn đề rất khoa học, như các ông vẫn tự nhận, thế mà sao ông lại tự bưng tai, bịt mắt mình lại để chỉ đưa ra những hiểu biết méo mó, sai lầm rất tai hại, rồi lại truyền tải cái sai lầm đó cho người dân? Thay vì phải luôn đối chiếu với đòi hỏi của thực tiễn, so sánh với bạn bè năm châu để hiểu được mình đang ở đâu và biết được mình phải làm gì, thì ông lại mang đến cho người dân cái tư duy thiển cận và niềm tự hào miễn cưỡng, không có cơ sở lý luận và thực tiễn, khi ông chỉ làm phép so sánh cơ học với làng quê ngày xưa! Cái sự thay đổi bộ mặt đời sống xã hội, ngay cả ở các làng quê, so với thời phong kiến lạc hậu xa xưa, thật ra đâu có phải là do công lao của Đảng CSVN mang đến, mà đó là điều tất yếu phải đến đối với mọi địa bàn dân cư trên khắp trái đất này, do ảnh hưởng lan truyền từ các cuộc cách mạng khoa học và sự giao lưu. Ở đâu mà chả có những thay đổi đó, đương nhiên còn hạn chế, đều là do sự tự vận động của người dân trong sản xuất và đời sống. Những chuyện thay đổi mà ông nêu ra tại cuộc họp ở Phật Tích chỉ là dạng thay đổi tự nhiên và tất yếu nói trên mà thôi! Có lẽ chỉ trừ rất ít bộ tộc người thiểu số còn sống lạc hậu trong các vùng xa xôi hẻo lánh, tách biệt với cộng đồng thế giới bên ngoài, là không có thay đổi mà thôi. Còn người dân Việt chúng ta nay lại cần những thay đổi căn bản và to lớn hơn nhiều, những thay đổi thật sự của đời sống xã hội, những thay đổi có tính cách mạng để đáng gọi là đổi đời, và dân muốn ông nói về những thay đổi đó, nhưng đâu có thấy?
Như thế là về mặt Trí tuệ của ông đang có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, không xứng đáng ở tầm cao trí tuệ của vị trí lãnh đạo đất nước. Cái trình độ trí tuệ ấy của ông đã bị dân coi là Hỏng rồi đấy, dân xếp loại trí tuệ của ông là Lú lẫn, nó đang cản trở công việc lãnh đạo, điều hành đất nước mà ông cầm nắm, nó đã ở mức độ cực kỳ nguy hiểm!
Dân rất ngạc nhiên và rất lo lắng về cái sự non kém về trình độ trí tuệ của ông. Họ thấy lạ sao trình độ Giáo sư, Tiến sỹ mà chỉ có vậy, thế thì các đồng chí của ông ở trình độ thấp hơn sẽ yếu kém đến đâu nữa. Dân thấy lo vì chính những người này lại nắm giữ việc hoạch định chính sách, lại điều hành, quản lý đất nước, từ cấp vĩ mô trở xuống. Hóa ra là những sai lầm, thất bại của các ông trong việc cầm quyền lâu nay đều sinh ra từ cái lỗ hổng này đây, cái trình độ GS, TS mà giới quan chức các ông đang dán trước ngực hóa ra chỉ là giấy, là ma, rất không thực chất! Buồn cho xứ Việt ta là đã có quá nhiều cái thứ hư danh đó, chả biết để làm gì cho sự phát triển đất nước?!
Ở một góc độ khác, nhiều người dân lại ngạc nhiên trước sự thay đổi bất thường về chất lượng trí tuệ vốn có của ông, họ hỏi nhau: sao ông mau Lú như thế? Nhưng ngay sau đó, những người dân này đã tự trả lời được: Đó là do cái Đức của ông đã bị tha hóa nặng nề, nên cái Đức xấu ấy đã quay lại chi phối, lũng đoạn cái Trí tuệ vốn giỏi giang của ông rồi! Chính cái lòng dạ đã trở nên xấu xa của ông đã tạo ra động cơ đen để thúc đẩy ông phát ngôn tầm bậy trước dân như vậy. Thực chất của phát ngôn quá sai ấy là một sự lừa dối người dân Phật Tích và rộng ra là nhân dân cả nước! Thản nhiên bóp méo sự thật, vô tư phủ nhận sự thật, hòng lừa gạt nhân dân để giữ nguyên được quyền lực cai trị dân, bảo vệ lợi ích nhóm, tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nhân dân nghèo khổ và thấp cổ bé miệng! Dân gọi ông là một kẻ Lừa dối, hoàn toàn chính xác, không hề oan! Lừa dối vì ông đã bưng bít Sự Thật xấu xa, yếu kém, đã bóp méo Sự Thật, ngụy tạo Sự Thật, biến xấu thành tốt, biến không thành có! Thế là vì lợi ích riêng tư mà ông đã chịu đóng vai người ít học, dốt, lú, và trở thành kẻ Lừa dối đẳng cấp cao! Tội chính của ông là tội Lừa Dối! Cùng một "mô típ" nhân cách ấy, các đồng chí của ông đều cùng một giuộc như ông trong phát ngôn và hành động! Rất nhiều người lộng ngôn và bốc phét, và càng nhiều người chỉ nói chứ không làm vì nước vì dân! Thế là dân Việt hết chỗ để mà tin cậy, để mà kỳ vọng! Thật là khốn nạn cho dân Việt ta, vì ngay trong thế giới văn minh, hiện đại ngày nay của thế kỷ 21 mà vẫn còn bị đói nghèo, lạc hậu, vẫn còn bị áp bức, lừa bịp, mất tự do!...
Xâu chuỗi lại, chỉ từ sau Đại hội Đảng CSVN khóa XII đến nay, riêng TBT đã có đến nửa tá phát ngôn "để đời" nhằm mê hoặc người dân và lừa dối công luận trong và ngoài nước. Này nhé, "Dân chủ đến thế là cùng", Chống tham nhũng không khéo lại là "Ta đánh ta", Phải luôn nhớ "Đánh chuột nhưng không được làm vỡ bình quý", "Chống tham nhũng thì không có vùng cấm", "Nhìn tổng quát, có bao giờ đất nước được thế này không?", ..."Phải chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" từ ngay trong nội bộ Đảng" (thực chất là chống lại quy luật phát triển tự nhiên của thế giới!), ... và chắc còn nhiều nữa?! Những phát ngôn đó của ông đã xuất hiện trong bối cảnh thật sự gay cấn của tình hình đất nước và nội tình Đảng, nên chi đã phản ánh rất đúng bản chất nhân cách của ông. Và tất cả những phát ngôn "để đời" đó của TBT rất đáng ghi lại trong sử sách, trước hết là lịch sử Đảng CSVN! Nếu gộp cả những phát ngôn của tập thể các đồng chí của ông nữa thì chắc bài viết này không thể liệt kê hết!
Tất cả phát ngôn đó đều thể hiện những cái Tài đang đi xuống, và những cái Đức đang hư hỏng! Và cứ như cách hiểu về Nhân Cách đã nêu ở phần đầu, thì đúng là nhân cách của TBT đang trên đà tha hóa nghiêm trọng rồi! Với TBT, và các đồng chí của ông nữa, thì tất cả đều đang sở hữu những Nhân cách không hoàn thiện, đang rất có vấn đề, và gọi đúng tên là Tài hèn, Đức suy, luôn đối lập với Nhân cách chính danh, chuẩn mực của người dân Việt, kể từ quá khứ xa xưa cho đến thời văn minh, hiện đại! Thử hỏi ở tầm cao nhất của giới lãnh đạo đất nước mà nhân cách như thế thì dân được nhờ cái gì, đất nước sẽ đi về đâu?
Những phát ngôn tùy tiện, phi chân lý đó của TBT và các đồng chí của ông đã báo hiệu một sự suy thoái thật sự về Nhân cách Cộng sản, mà đã một thời (xưa kia) được coi là Thần tượng Việt Nam! Với sự xuống cấp ấy (cùng với thực trạng đất nước đang rối bét, ngổn ngang) thì uy tín của TBT, và các lãnh đạo chủ chốt các cấp của Đảng CSVN, đã và đang mất dần, nếu không muốn nói là đã thật sự sụp đổ, trong tâm tưởng người dân Việt. Dân bây giờ đã thấy ngán, rất ngán, khi nhìn thấy hình ảnh hoặc nghe phát biểu của ông (và các lãnh đạo chủ chốt của Đảng) trên truyền hình và phát thanh, ngán đến mức hễ nhìn thấy hoặc nghe thấy là tắt máy luôn tắp lự! Có lẽ chưa có đất nước nào khốn nạn như vậy? Liệu từ nay trở đi, dân ta có còn phải đón nghe những phát ngôn "để đời" như vậy của TBT và các lãnh đạo cấp cao nữa không nhỉ? Và liệu các thế hệ mai sau của người Việt có hiểu nổi các phát ngôn "để đời" đó không nhỉ?
Tháng 12 năm 2016
M.T.
* Tổng hợp từ nhiều luồng ý kiến của nhiều nhóm cư dân, chủ yếu là của những người cao tuổi, hưu trí và cựu chiến binh. Đặc biệt trong đó có khá nhiều đảng viên cao tuổi, có vị đã trên 50 năm tuổi Đảng.
Tác giả gửi BVN
SỰ NHẬP NHẰNG CỦA 'CHỐNG TIÊU CỰC' VÀ 'CHỐNG PHÁ'
HIỆN HỮU/DL/BVB 14-12-2016
"Chúng ta không sợ nói ra khuyết điểm, tiêu cực, nhưng đồng thời cũng không cho phép ai lợi dụng đấu tranh khắc phục khuyết điểm tiêu cực để bôi nhọ, kích động, chống phá Đảng", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại hội nghị trực tuyến cán bộ toàn quốc phổ biến, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ...
Ở Việt Nam với một thể chế là một đảng cầm quyền duy nhất thì cái chống tiêu cực là một vấn đề của chính thể chế này. 
Do chính từ những nguyên tắc, giá trị đều hướng về sự tập quyền nên việc chống tiêu cực có thể được xem là “tự ta đánh ta”, bởi lẽ do chỉ có một đảng mà đảng này cũng là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước, các thành viên từ người đứng đầu nhà nước là chủ tịch nước, nhánh lập pháp là chủ tịch quốc hội, thủ tướng là người đứng đầu nhánh hành pháp cho đến tòa án đều là đảng viên của đảng cầm quyền và từ cấp trung ương đến địa phương đều như thế.
Do thể chế tập quyền, nắm lấy sự điều hình quản lý đối với các nhánh quyền lực nên giả sử khi tiến hành điều tra rà soát thành viên trong hệ thống chính trị về những liên can đến tiêu cực thì có lẽ sẽ gặp phải khó khăn vì đều là người ở trong hệ thống chính trị hay nói cách khác đều là “phe ta” cả, đây là điều đáng chú ý trong những hệ thống tập trung quyền lực vào một cực duy nhất. Ví như điều tra hàng loạt ban bệ này thì có thể sẽ còn hàng loạt ban bệ khác có liên quan đến sự việc, chưa kể vừa liên quan hàng ngang và vừa liên quan hàng dọc, tức là ở những trong nội bộ hệ thống hay là những hệ thống đồng cấp, đồng chức năng nhiệm vụ với nhau, mà còn liên quan đến những người ở hệ thống cấp trên và ở trên nữa, một vụ việc tham những, lạm dụng chức quyền xảy ra tại tỉnh thành, địa phương nhưng nếu truy tận gốc thì sẽ liên quan đến tận…. trung ương.
Vậy thì có thể đặt câu hỏi là với sự tập trung quyền lực như vậy thì liệu có cơ quan giám sát, thanh tra nào dám làm thẳng tay để có thể “đả hổ diệt ruồi”, chạm đến những những nơi đỉnh cao và vừa có thể thi hành trên diện rộng nhất trong hệ thống chính trị, thật sự có thể thanh lọc được bộ máy hay là sẽ phải bị vướng vào cái dớp là “đánh chuột không được làm vỡ bình”, cho dù giám sát, thanh tra như thế nào đi nữa thì vẫn có những điểm giới hạn không thể bị giám sát, bởi vì nếu như chạm đến những nơi này thì cả thể chế sẽ bị lung lay.
Trong một thể chế, hệ thống chính trị thì việc giữ vững nó trước nguy cơ tham nhũng tiêu cực mà chỉ dựa vào sự tự giác liêm khiết từ thành viên của nó thì là một điều khó có thể khả thi, thế nên tốt hơn hết là trong chính hệ thống đó có những điều kiện hết sức thuận lợi cho việc tiến hành thanh lọc bộ máy bất cứ ai có vấn đề và nếu chỉ đơn thuần là việc chống tiêu cực ở trong hệ thống chính trị thì có lẽ chỉ cần tập trung vào việc này, ấy thế mà ở Việt Nam lại có thêm cái vế “chống phá” hoặc “tự chuyển biến” nữa.
Trong hệ thống chính trị Việt Nam đó là với đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản thì như chúng ta đã biết là rất nặng nề về ý thức hệ, độc tôn chủ nghĩa Mác Lê, tạo nên một lằn ranh đỏ về tư tưởng ai vượt quá đà ra khỏi lằn ranh này thì người đó sẽ bị xếp vào “chống phá”, muốn nhận định thế nào là vượt quá đà thì có lẽ cốt yếu là hành động hay tư tưởng của một người phải ảnh hưởng gián tiếp hay đe dọa trực tiếp đến những vấn đề xuay xung quanh sự tồn vong và sự chỉ huy của Đảng cầm quyền.
Vậy có khi nào một người nào đó quá hăng say “chống tiêu cực” sẽ bị quy thành “chống phá” không? Bởi vì trong thể chế tập quyền do một đảng duy nhất nắm quyền thì nếu muốn chống tiêu cực thì cũng có nghĩa là phải giám sát, điều tra, xử lý triệt để những người ở trong hệ thống chính trị từ đảng cho đến nhà nước (cũng là được lãnh đạo bởi đảng) thì như đã nói ở trên điều này là sẽ bị dính cái dớp “đánh chuột không được làm vỡ bình”. Chưa kể, cái vấn nạn của chính trị Việt Nam hiện nay cũng chính là sự tập trung quyền lực vào trong tay một cực duy nhất và vấn đề kiểm soát quyền lực.
Chính việc kiểm soát quyền lực lỏng lẻo mới dẫn đến sự lạm dụng quyền lực và chính việc lạm dụng quyền lực mới sinh ra tiêu cực và những vụ việc bổ nhiệm chức danh hàng loạt trước khi về hưu hay là những đại án tham những của quan chức cũng chính là một biểu hiện của lạm dụng quyền lực (bởi vì đã bỏ qua hay xem nhẹ nhiều quy trình). Nếu những ai đưa ra những tư tưởng, quan điểm đột phá nhằm giải quyết những vấn đề về quyền lực trong chính trị Việt Nam để thuận lợi cho việc chống tiêu cực là theo phương án phân quyền, tức là tổ chức lại quyền lực của các ban bệ quyền lực sao cho chúng trở nên độc lập, giám sát đối trọng lẫn nhau và hoạt động theo luật định và sẽ không có một tổ chức chính trị, đảng phái nào có thể có quyền lực tuyệt đối với chúng, quyền lực lúc này sẽ không được tập trung thống nhất vào một cực nữa, vậy thì những người có tư tưởng như vừa rồi có thể bị xem là “chống phá” đối với đảng cầm quyền hay không, trong khi giải pháp của họ là nhằm tạo nên cơ hội chống tiêu cực khi có những cơ quan quyền lực độc lập, đối trọng lẫn nhau.
-----------/
>> Xin mời quý độc giả xem Video : Tập thể tướng lĩnh Bộ CA cảnh báo Tổng Bí Thư không được lạm quyền để phá Đảng?
------------/
Như vậy có thể thấy thể chế chính trị Việt Nam hiện nay là có sự mâu thuẫn nặng nề, muốn thẳng tay cũng không thể được mà muốn buông lỏng thì càng không thể đối với chống tiêu cực và nếu như những ai có phương án đột phá, cấp tiến thì dễ bị quy chụp thành những biểu hiện “tự chuyển biến”, “chống phá”.
Nhưng dù sao đi nữa thì cũng không thể né tránh được những vấn đề trên của thế chế chính trị Việt Nam là đến từ chính sự tập quyền của chính nó hay nói chính xác hơn hệ thống chính trị được điều hành bởi một đảng cầm quyền duy nhất và không có ban bệ nào có thể giám sát được điều này. Vậy thì giải pháp tối ưu vẫn là sự phân quyền, hướng đến mục tiêu là bất cứ tổ chức, đảng phái chính trị nào cũng không thể có quyền lực tuyệt đối trong tay và phải bị đặt dưới sự giám sát lẫn nhau, hoạt động phải tuân thủ theo pháp luật và hơn nữa là phải mở rộng sự tự do cho xã hội dân sự độc lập, phải cho phép mọi tiếng nói phản biện từ nhiều phía đối với các vấn đề chính trị.
Hiện Hữu/(Dân luận)/TTHN
PHÂN TÂM HỌC NGUYỄN PHÚ TRỌNG
PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA/ BVB 14-12-2016
Cảm xúc “Nhìn tổng quát, đất nước có bao giờ được thế này không” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tác động mãnh liệt vào “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” - diễn ra tại Bắc Ninh vào tháng 11/2016 - chỉ ít lâu sau vụ Thủy điện Hố Hô xả lũ đột ngột giết chết hơn hai chục mạng dân nghèo Hương Khê ở Hà Tĩnh.

Thời Lê mạt…
"Có lẽ nhìn lại chưa bao giờ quê hương ta đẹp như thế này, chưa bao giờ quê hương ta có đời sống văn hóa, kinh tế phát triển, xã hội ổn định, thôn xóm có nhiều hình thức hoạt động mới. Con em được học hành đến nơi đến chốn, đời sống của bà con có nghĩa có tình…” - Nguyễn Phú Trọng.
Không phải những cái chết đầu tiên, và hầu như chắc chắn chưa phải là những cái chết cuối cùng của lớp dân đen. Những nhiệm kỳ đen tối của các nhóm quyền lực tham tàn đã đẩy đất nước trở về thời Lê mạt với quá nhiều số phận con người không còn lối thoát.
Cảm xúc đề dẫn ấy của Tổng Bí thư được bày tỏ ngay sau vụ Formosa xả thải giết chết biển miền Trung và gây điêu linh cho người dân nơi đây.
Chỉ còn thiếu cảnh người chết đói đầy đường như thời Lê mạt…
Cuối năm 2015, Cụ Rùa Hồ Gươm đột ngột đi vào cõi vĩnh hằng, khiến mọi vong linh thần thánh của Dân tộc cũng bị cuốn trôi theo. Sau đó chỉ còn lại thảm trạng vô sỉ của những kẻ vô liêm.
Cảm xúc tự hào dân tộc của Tổng Bí thư đã khiến nhiều người kinh ngạc về não trạng và cung cách hành xử của ông. Ngay sau đó, một số bài bình luận đã xuất hiện trên mạng xã hội để chứng minh về một thảm trạng kinh tế - xã hội toàn diện ở Việt Nam đang hoàn toàn trái ngược với cách nhìn của ông ta.
Hàng triệu dân oan đất đai, hàng trăm ngàn nạn nhân môi trường, tài nguyên thiên nhiên gần như cạn kiệt… trong lúc “tham nhũng vẫn ổn định” như nhận định của ông Huỳnh Phong Tranh thời còn là Tổng thanh tra chính phủ, và “đánh tham nhũng là ta tự đánh ta” như lời than vãn gần đây nhất của Tổng Bí thư Trọng.
Chưa kể nợ công, nợ xấu ngập đầu và ngân sách hộc rỗng, còn các phe phái chính trị chỉ mưu toan tranh giành, chiếm đoạt và triệt hạ lẫn nhau, cướp bóc giết chóc nổi lên như ngóe… là tất cả những gì mà hầu như chắc chắn không bao lâu nữa sẽ đẩy đất nước và dân tộc vào cảnh khốn cùng.

Phân tâm học Nguyễn Phú Trọng
Song ở một khía cạnh khác, lại có thể cho rằng ông Trọng… thành thật. Thành thật một cách thuần phác khi phát ngôn như thế. Có nghĩa là ông nghĩ thế nào thì nói thế ấy chứ không phải dùng lối nói xã giao lắt léo của giới ngoại giao hoặc của lũ người chính trị bị dân gian xem là “điếm đàng”.
Thông thường, những người làm việc lâu năm trong bộ máy chính quyền và đặc biệt là trong bộ máy đảng cầm quyền ở Việt Nam vẫn dễ dàng nhận ra cách nói tô hồng khá thuần thục của giới lãnh đạo cao cấp. Trong bối cảnh nền chính trị một đảng, cơ chế tuyên truyền và truyền thông vẫn giữ thói một chiều, vẫn vô số nghị quyết lên gân chuyên chính và các cuộc họp nội bộ mà trong đó phần lớn người dự đều phải tỏ ra kiên định.
Rất nhiều trường hợp quan chức nói vung miệng tại quán nhậu, thậm chí thẳng miệng chửi chính quyền địa phương hoặc chính quyền trung ương, nhưng khi vào cuộc họp nội bộ và nhất là họp chi bộ thì lại im như thóc, hoặc chỉ phát biểu theo nghị quyết và giơ tay “nhất trí” răm rắp.
Não trạng của Tổng Bí thư cũng bởi thế có thể được giải thích theo phân tâm học. Cũng là sự phân hóa trong tư tưởng và hành vi của cùng một quan chức. Tâm lý lặp lại một cách máy móc những giáo điều chính trị, chẳng hạn một lý lẽ mà đã được dân gian xếp vào loại thành ngữ bất hủ “mọi việc đã có đảng và nhà nước lo”, đã khiến giới quan chức từ cao xuống thấp biến thành diễn viên bất đắc dĩ và tự huyễn hoặc mình trên sân khấu giả cảnh. Mưa dần thấm lâu, nói quá nhiều lần cũng phải nghe và tin, dối trá đạt đến một ngưỡng nào đấy sẽ không còn là dối trá nữa, thời gian sẽ khiến những quan chức này phát ngôn thuần quán tính và thậm chí còn phần nào tin vào điều mình nói, cho dù thực tế là hoàn toàn trái ngược.
Trường hợp của Tổng Bí thư Trọng khó có thể được hiểu khác hơn. Một tổng bí thư bị quá nhiều dư luận cho rằng sống trong “tháp ngà”, đã đến tuổi “lẫn”, và trên hết ông là một người của trường phái bảo thủ lẫn giáo điều không còn cơ may điều chỉnh, mà bởi thế rất có thể ông tin vào những điều ông nói ra.
Tin một cách cơ bản và quyết liệt!
Chứng “hoang tưởng phân liệt” cũng bởi thế luôn là một thói quen khó chữa của lịch sử chính trị.

Hệ lụy còn lại là cái niềm tin tương đối và gần như mâu thuẫn với thực tế của ông Trọng có thuyết phục được ai, và liệu có thuyết phục được ngay cả lớp quan chức dưới trướng ông?

‘Ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm’
E rằng rất khó. Trong một chế độ mà chủ nghĩa kim tiền và nạn tham nhũng đang trở nên “cuồng nhiệt” như cách nói của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, chủ nghĩa giáo điều của ông Trọng đang xung đột nặng nề với chủ nghĩa thực dụng và tranh đoạt quyền lực để bảo vệ lợi ích nhóm ngay trong đảng.
Càng gần ngày tàn của chế độ, bệnh giáo điều của ông Trọng càng khiến tương lai tìm ra lối thoát cá nhân của các nhóm quyền lực và kim tiền trở nên bế tắc. Tin đắc cử của Donald Trump báo hiệu thời kỳ giới lãnh đạo Việt trả treo với Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt. Bây giờ và những năm tháng tới sẽ chỉ là những cuộc trao đổi sòng phẳng, có đi có lại và nhất là chẳng còn chỗ cho thói trẻ hư làm mình làm mẩy.
Thời gian lại đang là kẻ thù heo đúng nghĩa đen của chế độ cầm quyền Việt Nam. Năm cùng tháng tận, càng giáo điều thì càng tự trói mình vào cột. Chẳng lẽ cực chẳng đã phải thoát lên Bắc Kinh - nơi bất quá cũng chỉ “ngựa xe vài cỗ quân hầu vài tên”?
Cùng tắc biến. Vậy là bắt đầu sinh ra phản ứng…
Bằng chứng “ông nói thì cứ nói, tôi làm thì cứ làm” vừa hiện ra ngay vào quý cuối của năm 2016 ở một cán bộ đảng viên được đánh giá là cực kỳ gương mẫu, thậm chí còn là đại tá công an: Tổng biên tập báo Petrotimes Nguyễn Như Phong.
Khác hoàn toàn với trường hợp cựu đại tá công an Lê Hồng Hà - người đã đấu tranh do bất đồng quan điểm với đảng và vừa từ trần - trường hợp ông Nguyễn Như Phong lại mang đậm dấu ấn bảo vệ lợi ích nhóm. Với động cơ ấy, ông Phong đã một bước “nhảy sang thế lực thù địch” khi cho đăng bài phỏng vấn blogger Người Buôn Gió - nhân vật bị đảng quy là “cực kỳ phản động” - ngay trên báo Petrotimes.
Sau vụ Nguyễn Như Phong “trở cờ”, có vẻ Tổng Bí thư Trọng đã giật mình mạnh đến mức ông lập tức phải chỉ thị một Nghị quyết Trung ương 4 về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nỗi lo sợ mất đảng chưa bao giờ lộ rõ như lúc này.
Nhưng đúng là con người không thể chống lại được tuổi tác. Ở tuổi đã hơn “thất thập cổ lai hy”, còn quá ít hy vọng để nhìn thấy một Nguyễn Phú Trọng “đời” hơn. Và ông vẫn chọn cách sống trong tháp ngà và vẫn tuôn ra những cảm xúc cực kỳ chân thành “đất nước mình có bao giờ được như thế này!”.
Cho tới lúc “Trời đất nổi cơn gió bụi” khiến ông và những quan chức cùng hội cùng thuyền phải trả giá…
Phạm Chí Dũng/(Blog VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét