Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2016

20161203. BÀN VỀ SỬA ĐỔI QUY CHẾ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

ĐIỂM BÁO MẠNG
TIẾN SĨ GIÁ...RẺ VÀ CHUYỆN LÊN CUNG TRĂNG
NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ TVN 3-12-2016
Tiến sĩ giá… rẻ và chuyện lên cung Trăng
Sẽ chẳng khó khăn gì với những kẻ thừa tiền muốn có tấm bằng TS để nâng cấp bản thân, nhưng sẽ là rào cản với những nhà khoa học chân chính mà không có tiền bạc. Một sự bát nháo và “vàng thau lẫn lộn” hứa hẹn sẽ lại diễn biến phức tạp hơn?
1-"Chưa có một nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như ở Việt Nam". Đây là ý kiến của Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga trong buổi tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ GD& ĐT tổ chức cách đây ít ngày [1], muốn nhấn mạnh đến vấn đề kinh phí đào tạo thấp (căn cứ vào mức học phí theo quy định của Nhà nước, ước tính khoảng 15.000.000đ/năm), là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo TS ở Việt Nam.
Nhận định của ông Bùi Văn Ga không sai. Bởi nói cho cùng muốn lên mặt trăng nhất định phải có phi thuyền chứ không thể bám vào rễ cây đa như chú Cuội trong truyền thuyết.
Khách quan mà nói, quy chế đào tạo TS hiện nay rất chặt chẽ chứ không lỏng lẻo như một số người nhận định. Xét riêng về chuyên môn, học thuật, nhiều TS, PGS, GS ở ta cũng rất giỏi. Nhưng khi tham gia đào tạo NCS trong tư cách người hướng dẫn và hội đồng phản biện không hiểu sao có không ít người lại đồng ý và thông qua những công trình, luận án kém chất lượng (mà dư luận đã nhiều lần phản ánh)?Tuy vậy, ý kiến trên của ông Bùi Văn Ga lại vô tình gây ra những tranh luận trái chiều. Có người cho rằng, chi phí đào tạo TS ở Việt Nam không hề rẻ chút nào.  Ngoài mức học phí chung theo quy định của Nhà nước, số tiền họ phải bỏ ra còn lớn hơn rất nhiều. Đó là tiền gì, vì sao phải bỏ ra? Câu hỏi này tôi nghĩ không cần phải nói ra vì mọi người chắc cũng đã biết, nhất là “những người trong cuộc”. Nói khác đi, vấn đề lớn nhất trong việc đào tạo TS ở Việt Nam hiện nay trong nhiều trường hợp thuộc về mối quan hệ giữa khoa học và đạo đức xã hội, đạo đức của những người làm khoa học.
Một vấn đề khác, theo Bộ GD &ĐT, có không ít những người học TS là những quan chức trong bộ máy hành chính Nhà nước chưa một ngày làm nghiên cứu hay tham gia giảng dạy. Mục đích và “động cơ” học tập của những người này đương nhiên không phải để thành nhà khoa học. Thế nhưng cuối cùng họ được công nhận TS, thậm chí sau đó còn được phong GS, PGS. Chất lượng những Gs, TS kiểu này chắc chắn ảnh hưởng đến đội ngũ những nhà khoa học chân chính khác. Giáo sư Hoàng Xuân Sính gọi là “hiện tượng kì dị” ở Việt Nam [2].
2. Được biết, để nâng cao chất lượng đào tạo TS trong nước, sắp tới đây Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế trong đó bắt buộc NCS muốn bảo vệ luận án TS phải có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế [3]. Cá nhân tôi cho rằng đây chẳng qua chỉ là giải pháp có tính “hớt ngọn” nhất thời nếu không muốn nói là rất ảo tưởng và không thực tế. Vì sao?
Thứ nhất, vấn đề lớn nhất của GD Việt Nam hiện nay (trong đó có đào tạo TS) là người Việt tuy rất ham học nhưng phần nhiều việc học mang nặng tính đối phó. Trong khi đó tâm lý xã hội lại quá coi trọng bằng cấp. Có không ít người người xem các tấm bằng ThS, TS, các danh xưng PGS, GS như món đồ trang sức để nâng giá trị bản thân. Ví như, trong quy chế đào tạo TS hiện nay có quy định về ngoại ngữ rất khắt khe, như một “hàng rào” để kiểm soát chất lượng.
Nhưng thực tế ai dám cam đoan sắp tới đây việc quy định phải có bài trên tạp chí quốc tế trước khi bảo vệ luận án TS sẽ không đi vào vết xe đổ như quy định về “hàng rào” ngoại ngữ? Nên nhớ rằng muốn đăng bài trên tạp chí quốc tế ngoài yếu tố chuyên môn thì phải trả rất nhiều tiền? Sẽ chẳng khó khăn gì với những kẻ thừa tiền muốn có tấm bằng TS để nâng cấp bản thân, nhưng sẽ là rào cản với những nhà khoa học chân chính mà không có tiền bạc. Một sự bát nháo và “vàng thau lẫn lộn” hứa hẹn sẽ lại diễn biến phức tạp hơn?
Thứ hai, ba bài báo đăng trên tạp chí quốc tế mới được bảo vệ luận án TS ư? Nói cho cùng cũng chẳng giải quyết được gì nếu sự nghiệp nghiên khoa học của ông TS cũng… kết thúc luôn ngay sau đó? Khoa học từ thực tiễn cuộc sống mà ra và thực tiễn cũng là nơi kiểm nghiệm tính xác thực và hiệu quả nghiên cứu khoa học. Bạn bè quốc tế chỉ đánh giá và xem trọng chúng ta dựa trên thực tế về sự phát triển phồn thịnh của đất nước; sự văn minh, văn hóa.
Thế nên, thiển nghĩ việc công bố các công trình khoa học, trước mắt chỉ nên là một sự khuyến khích chứ không nên bắt buộc cứng nhắc. Việc bắt buộc chỉ nên dành cho một số đối tượng là những nhà khoa học thuộc thành phần tinh hoa đang công tác tại các trường ĐH trọng điểm quốc gia cũng như một số ngành khoa học cơ bản và mũi nhọn có đóng góp thiết thực và hiệu quả vào sự phát triển chung của toàn xã hội.
3. Tóm lại, công bố công trình trên tạp chí quốc tế là việc đương nhiên cần làm, thậm chí là làm thường xuyên trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên, tất cả phải có lộ trình và tầm nhìn chiến lược dài hơi chứ không nên nóng vội bằng những cơ chế và chính sách xơ cứng. Nhìn vào mặt bằng chung về tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay, thiển nghĩ vấn đề cần làm trước tiên và quan trọng nhất là phải  tạo môi trường thông thoáng để các nhà khoa học được tự do trong nghiên cứu, tự do học thuật, tự do theo đuổi đam mê.
----------------
Chú thích nguồn tham khảo:
[1]: “Chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thấp: nguyên nhân do đâu?” Xem tại: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chat-luong-dao-tao-tien-si-viet-nam-thap-nguyen-nhan-do-dau-20161110121910596.htm
[2]: "Học Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Việt Nam là một hiện tượng kỳ dị". Xem tại: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-Thac-si-Tien-si-o-Viet-Nam-la-mot-hien-tuong-ky-di-post172393.gd
[3]: “Muốn bảo vệ tiến sĩ phải có công bố khoa học quốc tế”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/muon-bao-ve-tien-si-phai-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-339288.html
Nguyễn Trọng Bình

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC, CÔNG BỐ HAY KHÔNG ?
NGUYỄN  LAN HƯƠNG/ GD 4-12-2016
Tác giả Nguyễn Lan Hương. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Tôi hiện đang làm nghiên cứu sinh về giáo dục đại học tại Mỹ, chuyên ngành quốc tế hóa giáo dục, luôn ủng hộ những cách tư duy và quản lý đào tạo trong giáo dục, không chỉ với cấp học tiến sỹ, mà với tất cả các cấp học, đi theo chuẩn mực mà thế giới đang thực hiện và công nhận. 

Về những dự thảo cho việc đào tạo tiến sỹ và bảo vệ luận án tiến sỹ được nêu trong bài của Vietnamnet [1], có mấy điểm tôi muốn chia sẻ để tất cả chúng ta, từ những nhà làm chính sách, đến các Tiến sỹ và Giáo sư hiện đã được công nhận và những người đang làm nghiên cứu để có bằng Tiến sỹ trong tương lai cùng suy nghĩ: 

1. Việc đưa ra các quy định mới này về đào tạo tiến sỹ và bảo vệ luận án có khả thi cho đa số chất lượng học và làm nghiên cứu cơ bản của những người làm nghiên cứu ở Việt Nam hay chưa? 

Lý do của câu hỏi: việc có quy định mà không thực hiện được, sẽ rất dễ dẫn đến "hàng giả" dưới mọi hình thức.  
Ví dụ việc công bố các nghiên cứu ở các tạp chí “peer-review” (tạm dịch: bài nghiên cứu được đánh giá bởi chuyên gia trong chuyên ngành) giả ở Trung Quốc hiện đang được nêu rất nhiều trên báo chí quốc tế. [2].  
Bản thân chúng ta, trong suốt thời gian vừa qua, đều phản ánh thực trạng có quá nhiều tiến sỹ, nhưng là 'giấy" và không có năng lực nghiên cứu thực sự.  
Vậy, mấu chốt của quy định mới sẽ cần tập trung vào chất lượng đào tạo kỹ năng nghiên cứu khoa học theo chuẩn quốc tế, trước khi nói đến công bố quốc tế.
Vì nếu không, cá nhân tôi nghĩ liệu sẽ có dịch vụ làm nghiên cứu và công bố "giả" như bên Trung quốc hay không, khi các tiêu chuẩn đặt ra chưa phù hợp với thực lực của đa số những người đã có bằng Giáo sư - Tiến sỹ (xin được nêu ra dưới đây) cũng như những người đang học và làm nghiên cứu để trở thành tiến sỹ ở Việt Nam.
Và con số này chưa bao gồm cụ thể là bao nhiêu phần trăm có liên kết thực hiện nghiên cứu và công bố cùng với các đối tác nước ngoài.  2. Nếu làm bản nghiên cứu năng lực thực sự của các Giáo sư và Tiến sỹ hiện nay của chúng ta theo tiêu chuẩn có công bố quốc tế để bảo vệ luận án, có lẽ chỉ khoảng dưới 40% Giáo sư - Tiến sỹ hàng năm có khả năng hướng dẫn luận án tiến sỹ có thể đạt được tiêu chí mà Bộ Giáo dục đang dự thảo, theo tổng kết của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước 2016 [3]. 
Vậy, cơ sở khoa học nào và có thực tiễn nào trên thế giới để chúng ta quyết tâm cao cho quy định có công bố quốc tế mới được bảo vệ luận án tiến sỹ?
Nó có thực sự đặc thù cho tất cả các chuyên ngành? Nó có thực sự giúp cho vấn nạn tiến sỹ "giấy" của chúng ta được cải thiện? 

Trong nghiên cứu khoa học, tôi tin tưởng mãnh liệt rằng việc thành hay bại của một nghiên cứu sinh dựa khá nhiều vào năng lực đào tạo và hướng dẫn của thầy cô hướng dẫn.  
Vậy, giả sử những gì dự kiến cho đào tạo tiến sỹ và công bố quốc tế là quyết tâm thực hiện, ai sẽ có thể dạy và hướng dẫn làm nghiên cứu, công bố quốc tế khi bản thân các Giáo sư - Tiến sỹ hiện tại chưa thực hiện được điều này?
Liệu có công bằng cho thế hệ học tiến sỹ sắp tới ở Việt Nam so với chính những người thầy Giáo sư - Tiến sỹ hướng dẫn họ không?
Nếu nhìn đến thực tế của Trung Quốc mà WJS nêu trên đây, và còn nhiều ví dụ khác trên toàn thế giới, sẽ có một và nhiều hệ thống dịch vụ để giúp các bạn nghiên cứu công bố quốc tế, mà không hề có giá trị thực chất. 3. Còn một điều sẽ chưa rõ là công bố trên tạp chí nào sẽ được coi là quốc tế?
Cá nhân tôi muốn nhìn vào đào tạo tiến sỹ và làm nghiên cứu khoa học, công bố khoa học một cách thực tế hơn.
Hãy nhìn đến những ví dụ đau đớn mà bản thân ở các nước phát triển đã phải thốt lên, "công bố" hay là "chết" [4].
Điều đó để nói lên một thực tế rằng, việc đặt ra công bố quốc tế trong môi trường học thuật là cần thiết, nhưng hãy cẩn trọng với tính hai mặt của nó.
Đừng thái quá, vì nếu không, các nhà làm nghiên cứu hoặc phải tìm mọi cách để công bố hoặc phải sử dụng “tạp chí giả” thì đều không có tác dụng gì cho nâng cao đào tạo tiến sỹ ở Việt Nam.

Hơn thế nữa, khi nhìn vào thực tiễn đào tạo tiến sỹ của Mỹ, phải nói ngay là tất cả các ngành khoa học xã hội có mức công bố quốc tế thấp hơn rất nhiều so với khoa học kỹ thuật.  
Bản thân các giáo sư Mỹ khuyến khích chúng tôi, những nghiên cứu sinh, hãy viết và nỗ lực đăng bài nghiên cứu trước hết tại trường, tại các hội thảo chuyên ngành từng khu vực của Mỹ và tại các Hiệp hội.  
Lấy ví dụ về việc được báo cáo bài nghiên cứu tại một hội thảo của Hiệp Hội Nghiên cứu Giáo dục Mỹ (AERA), hàng năm có hàng chục nghìn bài nộp, nhưng con số được xét duyệt và trình bày chỉ dừng ở một hay hai trăm bài. Chưa nói đến công bố quốc tế!
Với các tạp chí chuyên ngành quốc tế chuyên cho khoa học xã hội (xin không được nói đến những chuyên ngành khoa học kỹ thuật vì tôi không biết), một giáo sư thỉnh giảng (assistant professor) của tôi có đề cập đến thời gian khoảng 9 tháng – 2 năm cho một bài phê duyệt để được đăng, và rất phụ thuộc vào việc bạn là ai trong môi trường nghiên cứu đó để được đánh giá bài viết.
Vậy, việc làm nghiên cứu mất khoảng 1 năm hoặc hơn, viết bài và cố gắng để được đăng bài (nếu may mắn) thêm 1 -2 năm nữa, trong đó việc công bố những nghiên cứu về khoa học xã hội của Việt Nam trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc chuyên ngành nào để được quan tâm mà đăng? 
Hãy thực tế và nghiêm túc có nghiên cứu khoa học về những quy trình đào tạo tiến sỹ, bao gồm cả việc nghiên cứu và công bố trên các tạp chí quốc tế ở các nước, trong đó có tính đến những chuyên ngành đặc thù, để có thể đưa ra các quy định hay đề xuất phù hợp trong nội dung đào tạo tiến sỹ.  
Hãy soạn thảo các quy định để nó không còn là trên ‘giấy” nữa, vì bản chất của nghiên cứu khoa học là một hành trình dài, và công bố chỉ là một đoạn trong hành trình đó thôi.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/muon-bao-ve-tien-si-phai-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-339288.html
[2] http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2015/08/25/fake-peer-review-scandal-shines-spotlight-on-china/
[3] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chua-toi-40-gs-pgs-nam-2016-co-cong-bo-khoa-hoc-quoc-te-338106.html
[4] publish or perish: http://newsroom.ucla.edu/releases/pressure-to-publish-or-perish-may-discourage-innovative-research-ucla-study-suggests
Nguyễn Lan Hương



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét