Thứ Tư, 14 tháng 12, 2016

20161214. QUANH VỤ BỔ NHIỆM CÁN BỘ 'SIÊU TÔC': VŨ MINH HOÀNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ & VŨ MINH HOÀNG
HUY ĐỨC/ BVN 12-12-2016
Ông Vũ Minh Hoàng (phải) thời điểm được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại và hội chợ triển lãm Cần Thơ. (Ảnh: baodatviet.vn)
Lẽ ra một người 26 tuổi, "biết 5 ngoại ngữ", được bổ nhiệm làm vụ phó thì dân chúng phải hoan nghênh chứ không phải như cách mà Vũ Minh Hoàng đang nhận được. Nhưng dân chúng không phải đã không có lý khi bày tỏ thái độ đó của mình.
Năm 2014, khi người Thụy Điển chọn cô Aida Hadzialic, 27 tuổi, và năm 2013, khi người Áo chọn anh Sebastian Kurz, cũng 27 tuổi, làm bộ trưởng thì báo chí Việt Nam đã rất trầm trồ. Nhưng cả Kurz và Hadzialic, khi được bổ nhiệm, không phải vô danh như Hoàng. Họ không chỉ có bằng cấp mà còn rất được biết đến trên chính trường châu Âu.
Lỗi không phải chỉ nằm ở Hoàng. Chúng ta đang thiếu một không gian chính trị cho những người "muốn tham chính" như anh nếu có thực tài sẽ đàng hoàng thăng tiến.
Từ những "đồng chí bị lộ" như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Minh Hoàng..., rõ ràng, "công tác cán bộ" đang có những lỗ hổng được khoét bằng sự tha hóa của những người đương quyền. Nhưng, nếu không nhận biết cái sai ở đâu và khắc phục nó một cách hệ thống thì cứ bịt lỗ này lại sẽ bục ra lỗ khác.
Tại sao Vũ Minh Hoàng lại chọn Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ – nơi ưu tiên người biết tiếng Khmer hơn là người biết "5 ngoại ngữ" khác – làm bàn đạp.
Tây Nam Bộ là một trong 3 "ban chỉ đạo" trực thuộc Bộ Chính trị. Ban Tây Nguyên được lập sớm nhất, 2002, sau "biến cố 2001". Vì yếu tố quan trọng nhất là "an ninh" mà các Trưởng ban Tây Nguyên đều do bộ trưởng công an kiêm nhiệm (Trưởng ban đầu tiên là ông Nguyễn Tấn Dũng, vốn có thời gian làm thứ trưởng Bộ Nội vụ, 1994-1996). Năm 2004 mới lập thêm hai ban Tây Nam và Tây Bắc.
Các Ban này không phải là một thiết chế nhà nước cũng không được thiết kế cứng trong hệ thống tổ chức của Đảng CSVN. Trừ trưởng ban và vài chức danh có thực quyền (ở chỗ khác), nhiều nhân vật chỉ coi đây như một trạm dừng chân và một số người thì dùng nó như "một giải pháp cán bộ" cho những chiến hữu sắp được đưa lên hoặc gần tuổi hưu, thôi cơ cấu.
Dù vậy, ban ngang cấp với bộ và các cơ quan thuộc ban ngang cấp vụ. Trong ban không có các thiết chế giám sát; chức tước ở đây cũng không thực quyền nên việc bổ nhiệm cán bộ cũng ít ai để ý. Các bậc cha chú của Vũ Minh Hoàng rõ ràng là đã rất tinh ý khi mở một "cửa sau" ít ai để ý như cho Hoàng lẻn vào [cách này không thể gọi là "tham chính" như Hoàng nói].
Hoàng chỉ đứng tên ở Ban 32 ngày vì cái mà Tây Nam Bộ có thể ban cho anh là hàm vụ phó. Từ Ban Tây Nam, con đường còn lại của Hoàng là mênh mông. Trung tâm xúc tiến đầu tư có thể cũng chỉ là trạm dừng chân, vì với "hàm bạc" ấy, anh có thể làm cán bộ cấp vụ ở các bộ, cấp sở ở các tỉnh... mà về danh nghĩa chỉ là phiên ngang chứ không phải là đề bạt.
Có lẽ ít có hệ thống chính trị nào "nhân bản" như "Chế độ ta". Đảng coi tất cả các đảng viên của mình là "cán bộ", bố trí chức vụ thường theo phẩm hàm chứ không phải theo ngạch trật. Hết cán bộ sang công chức, nay là đại biểu dân cử, ngày mai ở trong bộ máy hành pháp hoặc có khi tư pháp. Đã biên chế là có sự nghiệp trọn đời.
Ông Phạm Minh Chính dường như đã sớm nhận ra công tác cán bộ của Đảng có vấn đề. Khi luân chuyển về làm Bí thư Quảng Ninh, ông Chính đã khởi xướng việc thi tuyển giám đốc và các phó giám đốc sở. Có lẽ, ông đưa ra những "sáng kiến" này để lát gạch cho con đường trở thành Trưởng ban Tổ chức.
Nhưng mỗi ngạch trật có cơ chế vận hành riêng. Thi tuyển cũng là một công cụ tốt nhưng nó chỉ đúng cho việc chọn lựa các viên chức hành chánh công vụ. Giám đốc sở là một viên chức bổ nhiệm chứ không phải tuyển dụng và phó của ông ta (đúng chức năng là giúp việc cho giám đốc) lẽ ra phải để ông ta tuyển chọn.
Thôi thì cứ "xé rào" nhưng muốn sửa được cái sai trong công tác cán bộ thì phải có những bước đi táo bạo và có một lộ trình thích hợp. Đặc biệt, là phải chọn được chỗ để bắt đầu.
Nếu Đảng đủ tự tin thì ngay từ bây giờ nên cho sửa luật bầu cử. Theo đó, ứng cử viên của các vị trí dân cử bao gồm những người do đảng đề cử và các ứng cử viên độc lập.
Công tác cán bộ của Đảng, thay vì thò tay vào mọi ngóc ngách từ Trung ương tới địa phương, chủ yếu tập trung "săn" những người có uy tín trong xã hội (cả những người "giỏi ngoại ngữ" như Hoàng), thuyết phục họ theo Đảng, tham chính, và giới thiệu họ ra tranh cử.
Với các ứng cử viên độc lập, thay vì sử dụng các tổ chức chính trị của Đảng như hiện nay (bao gồm cả tổ dân phố) để gạt bỏ, cần có luật yêu cầu họ thu thập đủ một lượng chữ ký ở nơi ứng cử theo tỷ lệ thích hợp với quy mô dân số.
Luật có thể đưa ra "lộ trình" sao cho từ khóa tới trong Quốc hội có khoảng ít nhất 50 đại biểu độc lập (chứ không phải là vài đại biểu được Đảng cho tự ứng cử). Đảng vẫn nắm đa số đủ để quyết định các vấn đề nhưng Đảng sẽ trưởng thành hơn khi mọi quyết định của mình đều được các đại biểu độc lập lật đi, lật lại.
Ngay bây giờ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn có thể sắp xếp lại hệ thống của mình mà không đụng Luật và Hiến pháp, bằng cách, tách bạch hai chức năng quan trọng nhất của Chính phủ: hành pháp chính trị và hành chánh công vụ.
Bộ máy hành chánh công vụ, từ Trung ương tới địa phương, cần được bố trí nằm trong các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công (không nhất thiết phải theo ngành dọc). Bộ phận này ở cấp bộ do một thứ trưởng hoặc một tổng thư ký đứng đầu, các bộ ngành trung ương nên hạn chế tối đa việc giữ những thủ tục hành chánh do mình cấp, phát.
Hành chánh cấp bộ, thay vì chia chác giấy phép con, chủ yếu thiết lập những tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình thực hiện một thủ tục hành chánh (cho chính sách mới hoặc cách áp dụng trong tình hình mới); tổ chức đào tạo công chức và ban hành bộ tiêu chuẩn công chức để căn cứ vào đó các cơ quan thi hoặc tuyển. Những người đã trúng thi hoặc tuyển này sau thời gian tập sự có thể sẽ được đưa vào biên chế, ung dung "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về".
Lực lượng hành pháp chính trị bao gồm bộ trưởng, các giám đốc sở (đưa ra các chính sách địa phương) và những người giúp việc. Hãy để cho Thủ tướng chọn các bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh chọn các giám đốc sở. Hãy để thủ tướng chọn cả những kẻ như "Trịnh Xuân Thanh"; hãy để Chủ tịch Cần Thơ chọn Vũ Minh Hoàng... nếu họ muốn uy tín chính trị của họ bị thách thức. Đồng thời, hãy để cho Quốc hội (và HĐND) bắt Thủ tướng và người được bổ nhiệm điều trần và áp dụng quyền không phê chuẩn.
Sau khi được phê chuẩn phải để cho các bộ trưởng chọn một ê kíp giúp việc (bao gồm các thứ trưởng, cấp đang phải do Ban Bí thư quyết định) để thực hiện các chương trình quốc gia và đệ trình các chính sách mà ông (hay bà) ta đã hứa với Thủ tướng và Quốc hội.
Cũng như Thủ tướng, bộ trưởng, các thứ trưởng thuộc nhóm hành pháp chính trị này không có biên chế trọn đời mà vô ra theo nhiệm kỳ [việc từ chức cũng sẽ xuất hiện để cứu vãn hoặc tích lũy uy tín chính trị cho nhiệm kỳ sau chứ cơ chế hiện nay mà từ chức là... mất hết].
Trong bộ máy tư pháp cũng bao gồm những vị trí được bổ nhiệm (thẩm phán, công tố viên...) và đội ngũ được tuyển chọn (các viên chức hành chánh). Nguồn thẩm phán thay vì phải "vơ vét" từ lái xe, thư ký như một ông Chánh án từng nói, cần được chọn từ các luật gia, luật sư có thành tích chuyên môn nổi bật và có tiếng liêm chính (chứ không phải thẩm phán về hưu mới học làm luật sư như hiện nay).
Đừng loay hoay sáng tạo hay đốt đèn dầu đi tìm những cái mà thế giới đã đúc kết. Việt Nam đã có đủ những cái "lồng nhốt quyền lực" vấn đề là thay vì để nó nằm trên giấy và vô hiệu hóa nó bằng cách để Đảng bao biện làm thay mà phải cho nó từng bước vận hành theo đúng chức năng của nó: Tư pháp biết hổ thẹn với công lý; Quốc hội có cả những ông nghị không chỉ gật; Chính phủ bớt dần đội ngũ thư lại.
Một xã hội mà quá tôn trọng quan lộc và dùng phẩm hàm làm thước đo các giá trị khác thì việc các thứ trưởng, bộ trưởng sân si tiến sỹ, giáo sư; bác sỹ, giáo sư lăm le chức tước là tệ nạn không tránh khỏi.
Nguồn: FB Huy Đức
"HOTBOY " VÀ NƯỚC CỜ... THÔ THIỂN
KỲ DUYÊN/ TVN 13-12-2016
“Hot boy” và nước cờ… thô thiển
Trụ sở Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Nguồn ảnh: VietNamNet
Hành trình thần tốc này khi vượt xa cả những vụ việc đúng quy trình nọ, chỉ tăng thêm sự hoài nghi về tính chính danh của không ít quan chức, tính chính danh của công tác tổ chức- cán bộ ở một số cơ sở làm ẩu.
Có lẽ trên báo chí, truyền thông, các trang mạng xã hội những ngày này “nóng” nhất là vụ việc, một nghiên cứu sinh ở tít tận bên Nhật Bản, bỗng trở thành “hot boy” bất đắc dĩ của dư luận. Có lẽ trong tiền lệ của công tác tổ chức cán bộ thời hiện đại này, đố tìm đâu ra hành trình của một nhân sự, mà dư luận đã phải chỉ mặt đặt tên- “thần tốc”, “siêu cán bộ”.
"Nợ tiêu chuẩn" và tính chính danh
Đó là vụ việc của ông Vũ Minh Hoàng, mới 26 tuổi, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ bổ nhiệm. Điều đáng nói, ông Hoàng được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng khi đang học tiến sĩ ở Nhật, trước đó, tập sự tại một phòng nghiên cứu của Ban này, và chưa điều hành thực tiễn ngày nào.
32 ngày sau lên chức Phó Vụ trưởng, ông này lại được ký quyết định chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ, trong lúc vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản. Vì thế, ông còn có một biệt danh “Vụ phó 32 ngày”
Vụ việc đã dấy lên bao điều tiếng, hoài nghi xung quanh hành trình “thần tốc” tới chiếc ghế quyền lực của ông Vũ Minh Hoàng.
Bởi trong xã hội hiện nay, có biết bao nhiêu vụ việc khiến XH bất bình, nhất là việc  vụ ông cựu Chánh Thanh tra CP, trước khi hạ cánh đã sử dụng “chữ ký hoàng hôn” bổ nhiệm gấp 60 cán bộ làm quản lý các vụ, phòng. Noi gương xám của ông, còn có nhiều quan chức khác không muốn… kém tài.
Liệu những vụ việc đúng quy trình kiểu đó có khiến dư luận XH tâm phục, khẩu phục không?Có điều, việc điều tra của cơ quan chức năng về những vụ việc tai tiếng đó, cuối cùng, vụ nào cũng đúng quy trình cả. Thành thử dư luận cứ dư luận, đúng quytrình cứ… tiến.
Trả lời báo Đời sống & Pháp luật ngày 08/12/2014, PGS. TS Lê Bỉnh, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Khu vực 1 đã thẳng thắn:
Việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt không đủ tiêu chuẩn cho thấy, thực tế hiện nay phát sinh khái niệm “nợ tiêu chuẩn”. Điều đó là vi phạm pháp luật, vi phạm quy định bổ nhiệm cán bộ của Đảng ta. Theo đúng quy định, tiêu chí bổ nhiệm, đề bạt cán bộ phải rõ ràng, minh bạch, đúng tiêu chuẩn chứ không cán bộ nào được “nợ tiêu chuẩn”. Về nguyên tắc, khi không đạt tiêu chuẩn thì không bổ nhiệm. Việc cho “nợ tiêu chuẩn” là do cán bộ quan chức lạm dụng quyền lực, tự ý cho nợ để rồi lại nảy sinh tình trạng bổ sung tiêu chuẩn bằng việc chạy chọt, đút lót. Như vậy là do khâu tổ chức thực hiện sai chứ không phải chủ trương chính sách sai.
Nói theo cách nói của ông Lê Bỉnh, “nợ tiêu chuẩn” cũng có thể là một… cửa làm ăn chăng?
Nay thì chả cần đúng quy trình nữa, mà thần tốc, cho “nợ tiêu chuẩn” luôn!
Quá nhanh và cá biệt
Người viết tin rằng dư luận xã hội không định kiến gì với Vũ Minh Hoàng. Rất có thể Hoàng là người có thực lực. Nhưng hành trình của một nhân sự từ cán bộ tới quan chức theo quy định hiện hành, là một hành trình gian khó, không đơn giản, đòi hỏi không chỉ có năng lực thực tiễn, năng lực quản lý mà còn cả những tiêu chí theo quy chuẩn chung, như thâm niên công tác, lý luận chính trị, ngạch công chức…
Nếu cứ cho tất cả những quy chuẩn đó là hình thức đi, thì những năng lực gì ở Vũ Minh Hoàng có thể thuyết phục đồng nghiệp, ngoại trừ những bằng cấp và 05 ngoại ngữ, mà các quan chức có trách nhiệm muốn bênh vực đưa ra? Và giả dụ có một sự “đặc cách” thì Hội đồng xét tuyển nào có năng lực xét tuyển theo những quy định? Hay thực chất chỉ là một cách làm rất tùy tiện, cảm tính, vi phạm cả những nguyên tắc tổ chức.
Hãy nghe ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Cuối cùng tôi bàn với anh em, thôi cho Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế. Việc này, có lấy ý kiến văn phòng, trao đổi miệng với một số Đảng ủy và lãnh đạo Ban lúc đó chỉ có 04 người. Tuy nhiên, quy trình thủ tục có hơi cập rập (nld, ngày 09/12)
Chả lẽ chức vụ là thứ có thể xin- cho được bất chấp những nguyên tắc tổ chức, thưa ông Nguyễn Phong Quang?
Một số quan chức có trách nhiệm của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng thừa nhận vụ việc này “cá biệt”
Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Có hay không chuyện bổ nhiệm như báo nói “thần tốc” thì tôi trả lời là có. Tôi chưa thấy trường hợp nào ở cơ quan này được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng mà nhanh như thế. Đây có lẽ là trường hợp rất cá biệt!
Còn ông Nguyễn Đoàn Kết, Thiếu tướng, Vụ trưởng Vụ An ninh Quốc phòng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ: Tôi thấy việc bổ nhiệm ông Hoàng là hy hữu, cá biệt, vì tôi ở cơ quan này 10 năm mà chưa thấy trường hợp nào như thế. Nhà báo nói nhanh thì chưa đúng mà là... quá nhanh!(Dân trí, ngày 09/12).
Thậm chí, theo báo CAND, ngày 08/12, một cán bộ hưu trí nguyên là lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng đây là việc bổ nhiệm “ma”. “Ma” là bởi anh này chưa hội đủ điều kiện theo quy định. Lạ lùng hơn là khi ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, nhiều cán bộ chủ chốt tại Ban không hề biết. Việc ký bổ nhiệm cũng không hề thông qua tập thể lãnh đạo Ban.
Quá nhanh, thần tốc, cá biệt…. là những khái niệm được dành riêng cho vụ việc của “hot boy” Vũ Minh Hoàng.
Đáng chú ý, theo báo Tuổi trẻ, đây cũng là thời điểm trước khi ông Nguyễn Phong Quang - Phó trưởng ban Thường trực - về hưu. Ngoài Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm “thần tốc”, trong số 14 cán bộ cấp vụ và tương đương (chưa kể cấp phòng) được bổ nhiệm có đến 08 trường hợp, chiếm hơn 57%, không đúng theo quy định chung và quy chế làm việc do chính cơ quan này ban hành. Có tình trạng bổ nhiệm cán bộ cấp tập, sai nguyên tắc cơ bản trong quản lý, điều hành.
Đặc biệt mới đây, ông Trần Phi Hổ, nguyên Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng nhân lực trẻ đáng trân trọng nhưng bổ nhiệm phải đúng nguyên tắc. Theo ông, Vũ Minh Hoàng không phải là trường hợp đầu tiên được nhận vào làm việc và bổ nhiệm mà không thông qua lãnh đạo BCĐTNB. Trong thời gian làm phó ban,  ông thấy nguyên Phó ban Thường trực Nguyễn Phong Quang muốn nhận ai và cho ai nghỉ thì tùy, không thông qua tập thể lãnh đạo (Zing, ngày 11/12).
Cũng có những ý kiến phủ nhận những hoài nghi của XH khi cho rằng, Vũ Minh Hoàng không thuộc diện “CCCC” (con ôngcháu cha), nhưng với vị thế con trai một đại gia, lại ở một thời cuộc mà người ta sẵn sàng “hợp tác” win- win thì vụ việc bổ nhiệm thần tốc Vũ Minh Hoàng liệu có phải là… nước cờ thô thiển, bất chấp những quy định của nhà nước?
Nói theo cách nói của ông Lê Bỉnh, thì chả biết ai đang phải nợ ai?
Nhưng chắc chắn BCĐTNB nợ dân một câu trả lời- công khai, minh bạch. Được biết mới đây, lại thêm một vụ bổ nhiệm thần tốc Phó Vụ trưởng nữa của BCĐTNB.
Liệu nơi đây liệu có phải là đất “phát tài” cho các Phó Vụ trưởng?
Có điều, phát tài kiểu này, chắc chắn chỉ … kìm hãm sự lành mạnh, sự sòng phẳng và tính chính danh của công tác tổ chức cán bộ. Nhất là Chính phủ mới đang mong muốn trở thành CP kiến tạo và phục vụ. 
Kỳ Duyên
VỤ PHÓ 26 TUỔI: CHI TIẾT KHÔNG BÌNH THƯỜNG
PV HOÀI THANH/ VNN 13-12-2016
Vụ phó 26 tuổi: Chi tiết không bình thường
Ông Dương Quốc Xuân - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Phó BCĐ Tây Nam Bộ. Ảnh: NLĐ
Ban chỉ đạo (BCĐ) Tây Nam Bộ hôm qua đã công bố quyết định thành lập tổ kiểm tra việc tuyển dụng, cử đi học, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng, sau đó chuyển công tác về UBND TP Cần Thơ. 
Trao đổi với PV, ông Dương Quốc Xuân - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nguyên Phó trưởng ban BCĐ nói, ông về hưu từ tháng 10/2015, trước thời điểm bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó vụ trưởng.
“Lúc tuyển dụng Hoàng vào Ban làm việc thì tôi không biết. Tôi chỉ gặp Hoàng đúng 1 lần. Khi đó, cơ quan giao nhiệm vụ tôi cùng một số lãnh đạo Ban đi làm việc với các cơ quan ngoại giao ở Hà Nội để mời họ tham gia hội nghị diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2014 tại Sóc Trăng. Lúc ăn cơm tôi thấy một thanh niên trẻ nên hỏi ai đấy. Anh em trong đoàn nói là Vũ Minh Hoàng – “lính” mới của cơ quan. Từ đó về sau là không gặp nữa”, ông Xuân nói.Nhận xét về việc tuyển dụng, cử đi học, bổ nhiệm ông Hoàng, ông Xuân rất bức xúc vì việc này không bình thường, cần làm rõ nhiều vấn đề.
Ông nhận định, lấy lý do rằng Hoàng quê ở Bắc Ninh, học ở nước ngoài, có những bằng cấp xuất sắc, giỏi 5 ngoại ngữ, có khả năng kêu gọi đầu tư nên xin về ĐBSCL, là chưa có cơ sở.
“Thứ nhất, năm 2014, Hoàng được tuyển dụng vào Ban khi mới 24 tuổi. Nếu cậu ấy học giỏi dữ lắm thì tốt nghiệp đại học cũng mới 22 tuổi. Không lẽ vừa học đại học, vừa học 2 cao học thì tôi thấy có vấn đề. 
Thứ hai, nói Hoàng ngoại ngữ siêu lắm thì mới chỉ nghe nói thôi chứ chưa có kiểm tra thực tế. 
Thứ ba, Hoàng quê quán ở Bắc Ninh, chưa biết và sống ở ĐBSCL thì hiểu gì về kinh tế, xã hội ở khu vực này để kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư. Cán bộ có chức vụ ở đây công tác hơn 20 năm mà còn chưa hiểu hết, kêu gọi đầu tư còn khó, chứ nói gì một cậu thanh niên như thế”, ông Xuân phân tích.
Ông cũng đặt vấn đề, làm sao BCĐ Tây Nam Bộ biết được ông Hoàng để nhận vào làm việc?

Ban nhận vào rồi cử đi du học, không làm việc gì ở cơ quan nhưng được bổ nhiệm làm Vụ phó, một người làm việc giỏi, công tác mấy chục năm cơ chưa chắc đã có chức vụ như vậy. Ở Việt Nam có hai trường hợp được bổ nhiệm nhanh như thế, đó là Thánh Gióng và Vũ Minh Hoàng”, ông Xuân hài hước nói.“Đây là chuyện không bình thường. Phải chi Hoàng học một trường đại học danh tiếng ở miền Nam rồi được cử đi nước ngoài du học, có những bài báo hoặc phát biểu mà BCĐ thấy am hiểu về ĐBSCL thì xin.
Ông Xuân cũng cho rằng, công tác cán bộ của Ban thời điểm đó chỉ có ông Nguyễn Phong Quang quyết định. 
Trước đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Phong Quang cho biết, thấy ông Hoàng có 2 bằng thạc sĩ, tốt nghiệp loại xuất sắc, 1 bằng đại học loại giỏi của trường danh tiếng trên thế giới, có mối quan hệ tốt với một số doanh nghiệp lớn của nhiều nước, có khả năng mời gọi đầu tư về vùng ĐBSCL.
Để giữ chân ông Hoàng tiếp tục ở lại làm việc sau khi bảo vệ xong luận án tiến sĩ tại Nhật, Ban thống nhất bổ nhiệm ông Hoàng làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế, gắn với Đại sứ quán VN tại Nhật Bản để xúc tiến đầu tư.
Hoài Thanh
ĐỪNG MẤT CÔNG ĐI TÌM BỐ CỦA 'ÔNG QUAN TRẺ' LÀ  AI?
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GD 14-12-2016
Lại là câu chuyện những ông quan trẻ, một lần nữa làm nóng dư luận, ở độ tuổi 26 – ông Vũ Minh Hoàng đã trở thành Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, chức vụ mà Hoàng sở hữu khiến tất thảy mọi người phải ước mơ, khao khát xen lẫn ngạc nhiên, có người công tác phấn đấu đến bạc tóc chắc gì được!

Ấy vậy nên cũng không có gì lạ khi dư luận xì xèo, xoi mói, đã có nhiều câu hỏi và cả những cái tặc lưỡi coi như chuyện thường ngày ở phố huyện, và một trong những câu hỏi ấy đã được giải đáp: ông Vũ Minh Hoàng có phải “con ông cháu cha"?
Đúng như vậy, thân nhân của vị quan trẻ này đều là những người có địa vị lớn.

Tạm gác lại chuyện nhân thân lý lịch mà hãy nghe ông Phó ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận xét về cấp dưới của mình:
Lúc đó ở Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ không ai giỏi ngoại ngữ như Hoàng. Sau một thời gian mời Hoàng hợp tác làm việc, các đoàn nước ngoài đến Tây Nam Bộ thích cách làm việc của cán bộ trẻ này” [1].
Trong khi ông Hoàng dành hầu hết thời gian để đi học làm sao giải quyết hết công việc của một Vụ phó mà thời gian công tác chỉ tính bằng ngày!?Theo lời ông Phó ban, ở đây có mấy câu hỏi: Chẳng lẽ trong hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ ở Việt Nam không ai giỏi ngoại ngữ hơn ông Hoàng?
Vấn đề ở đây chưa phải là con ông nào cháu bà nào nhưng việc tuyển dụng và bổ nhiệm “thần tốc” một chức vụ to như núi khiến dư luận hồ nghi là hoàn toàn có cơ sở. 

Nếu giỏi thực sự thì thiếu gì cơ hội và thời gian để thử thách mà phải vội vàng như vậy để vấp phải đá, quàng phải dây? 

Chưa kể hàm Vụ phó phải đi kèm các điều kiện như thâm niên công tác, trình độ lý luận chính trị, thành tích công tác…
Điều này chẳng phải hàm oan cho ai, nhất là trong bối cảnh hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ lao đao kiếm việc làm và “dư chấn” của những vấn đề lùm xùm liên quan đến ông Vũ Huy HoàngTrịnh Xuân ThanhVũ Quang HảiVũ Đình DuyTuy nhiên, một mớ bằng cấp toàn loại Giỏi và Xuất sắc như vậy thì chí ít cũng chứng minh ông Hoàng là người có chữ nghĩa, thời gian công tác còn lại gần 35 năm để chứng minh năng lực, trình độ, vì cớ gì phải làm cấp tốc như vậy!

Thời gian qua, dư luận chỉ trích gay gắt cách tuyển dụng, bố trí cán bộ của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ.
Tuy nhiên, luồng ý kiến bất bình với chức Vụ phó liệu rằng có oan?
Chắc chắn, sự việc bung bét như thế này không phải lỗi của ông Hoàng, vì nếu không có những điều kiện “abc” thì có ba đầu sáu tay cũng không thể ngồi vào vị trí đó ở cái tuổi mà hầu hết bạn đồng trang lứa đang bôn ba kiếm việc làm!

Điểm sáng duy nhất ở đây là ông Hoàng không phải leo lên cái ghế to bự từ lái xe, tạp vụ… mà sở hữu một loạt bằng cấp quốc tế có uy tín, nên có thể hy vọng vào những cống hiến trong tương lai, dĩ nhiên dư luận vẫn khó nuốt trôi quy trình bổ nhiệm quá “thần tốc” này!

Từ câu chuyện của Vụ phó Vũ Minh Hoàng nói rộng ra là một điển hình nóng vội (có chủ ý?) của việc tuyển dụng, thu hút cán bộ trẻ được đào tạo bài bản, nên hệ quả là không thể vượt qua cái “dớp” như những vụ trước đây và bị hồ nghi là có “bệ phóng” nâng đỡ.

Chắc chúng ta còn nhớ vụ lùm xùm giữa quán quân Olympia Doãn Minh Đăng và Trường đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ; vụ nhân tài Đà Nẵng bị kiện và câu chuyện 13 quán quân Olympia ra nước ngoài chỉ có 1 người trở về quê hương…
Chẳng lẽ cứ phủ nhận hết sạch trơn vì “đồng chí này là con đồng chí kia”?Những sự việc này cho thấy cách sử dụng nhân tài ở Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc. Có phải vì vấn nạn “con ông cháu cha”? 

Nếu có “con ông cháu cha” thật, nhưng đi lên bằng năng lực thực sự, đủ trình độ, mang lại cái mới, tiến bộ hơn thì sao?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “tìm người tài chứ không tìm người nhà nên hãy để cho người trẻ có cơ hội làm việc bất kể đó là ai.

Để làm được điều đó, công tác tuyển dụng, đánh giá, bố trí phải thực sự công bằng, minh bạch, dư luận hãy bớt thành kiến về con ông này, cháu bà kia mà hãy nhìn vào chất lượng công việc và sự tiến bộ xã hội cũng như sức mạnh nền kinh tế.

Nội các Hoa Kỳ, khi Tổng thống trúng cử có quyền chỉ định tất cả thành viên trong Chính phủ, thậm chí đưa người thân hoặc ekip đã ủng hộ trong quá trình bầu cử nhưng nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành trơn tru và chẳng ai gọi đó là lợi ích nhóm hay thân hữu.
Vì đơn giản, những ai không làm được việc sẽ bị loại ngay tức khắc, bất kể đó là con cái của Tổng thống!

Nói vậy để thấy rằng, vấn đề không phải nằm ở “con ông cháu cha” mà vướng mắc ở cơ chế, thói quen, tập tục sử dụng con người của chúng ta.
Và cũng là bài học xương máu cho những cú bổ nhiệm “cấp tốc” gây choáng dư luận. Giả sử Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm qua thời gian công tác độ năm năm nữa thì tình hình không phải nghiêm trọng như bây giờ.

Công tác tổ chức cán bộ luôn là vấn đề nhạy cảm, không thể ngày một ngày hai kiện toàn cho một chức vụ quan trọng như vậy mà phải có tầm nhìn dài hơi.
Chúng ta đang cần người tài nhưng không phải vì thế mà làm hỏng quy trình bất chấp luật pháp kỷ cương, đánh mất lòng tin ở người dân.

Vấn nạn “con ông cháu cha” là vấn đề của nhiều quốc gia đang phát triển và thiếu minh bạch. Nhưng xã hội nào cũng cần người làm việc thật.
Làm gì có xã hội nào, quốc gia nào có thể hưng thịnh nếu chỉ dựa vào nhóm con ông cháu cha không dám nghĩ, không dám làm, cái gì cũng phải nhờ người khác nghĩ hộ, làm hộ.

Trên thế giới, đã có những gia đình cha làm Tổng thống, rồi đến con cũng làm Tổng thống mà dân chúng ai cũng tâm phục khẩu phục ủng hộ đó sao.
Điều quan trọng là hãy học cách sống tự thân, thích nghi với thời cuộc. Hãy chứng minh mình là ai, chứ đừng tìm cách chứng minh mình là con ai.

Tài liệu tham khảo:
[1] http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/thua-nhan-ly-lich-vu-pho-26-tuoi-vu-minh-hoang-3324686/
TRƯƠNG KHẮC TRÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét