Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

20161130. NGHĨ VỀ QUỐC TANG FIDEL CASTRO TẠI VIỆT NAM

ĐIỂM BÁO MẠNG
KỶ NGUYÊN FIDEL CASTRO KẾT THÚC CÓ TÁC ĐỘNG ĐẾN GIỚI LÃNH ĐẠO VN?
PHẠM CHÍ DŨNG/ VNTB/BVN  30/11/2016
clip_image001
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa) cùng phu nhân thăm ông Fidel Castro ở Havana, Cuba, ngày 15/11/2016. Ảnh: AP
Biểu tượng – không biểu tượng
Khác rất nhiều với sự hiếm hoi của vai trò cá nhân chính trị ở Việt Nam, trong nhiều năm qua Fidel Castro là một biểu tượng ở Cuba, kể cả sau khi ông từ bỏ mọi chức vụ vào năm 2006.
Gần như ngược lại với Cuba, sau khi Hồ Chí Minh qua đời vào năm 1969, giới lãnh đạo Việt Nam hầu như không còn biểu tượng chính trị. Nhân vật duy nhất mà khi qua đời đã khiến hàng vạn người dân tự nguyện đi viếng và rơi nước mắt là ông Võ Nguyên Giáp. Nhưng thật trớ trêu, ông Giáp đã bị ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tước hết quyền bính từ nhiều năm trước khi ông chết.
Không chỉ bởi mối quan hệ anh em “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” như lời của Fidel Castro trong quá khứ, mà mối tương tác “Cuba và Việt Nam thay nhau thức canh hòa bình thế giới” vẫn còn kéo dài đến ngày nay.
Có lẽ không phải vô cớ mà hơn nửa năm sau khi bất ngờ diễn ra kết quả bình thường hóa Cuba - Mỹ vào cuối năm 2015, và tiếp đó là chuyến công du lịch sử đến Cuba của Tổng thống Obama vào tháng 3/2016, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng – một nhân vật bị xem là cực kỳ bảo thủ – cũng đã làm một cử chỉ lịch sử khác khi lần đầu tiên đặt chân lên đất nước cựu thù để đàm phán với Tổng thống Obama về TPP và Công đoàn độc lập.
Trì trệ không đáng có
Các nhân vật lịch sử, dù có huyền thoại đến thế nào, vẫn chỉ có tính giai đoạn trong lịch sử. Fidel Castro không phải là ngoại lệ.
Fidel Castro còn bị coi là người bảo thủ hơn cả Nguyễn Phú Trọng. Bất chấp ông là biểu tượng chính trị và vẫn khiến nhiều người dân thương tiếc, quá trình cải cách lẽ ra phải có của Cuba đã bị trì trệ một cách kinh khủng.
Điều đáng nói là sự trì trệ không đáng có như thế lẽ ra phải được cải thiện ngay cả trong thời gian Cuba còn bị Mỹ cấm vận. Không thể đổ hết nguyên nhân cho hoàn cảnh khách quan để không cần cải cách.
Cuba đã có thể bắt đầu cải cách kinh tế ngay vào năm 2008 là năm Obama nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, trong khi Fidel Castro đã từ bỏ quyền lực 2 năm trước đó. Nhưng thời kỳ 7 năm (2008 - 2015) dễ chơi của Obama đã là một sự phí hoài đối với Đảng Cộng sản Cuba.
Lẽ ra, bình thường hóa Cuba - Mỹ đã phải được thực hiện ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của Obama.
Nhưng đó là chuyện quá khứ.
Còn bây giờ thì sao?
‘Thành quả kinh tế’
Một số chuyên gia phân tích chính trị quốc tế cho biết với việc cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời hôm 25/11/2016, Cuba đã lật qua một trang sử mới, bởi vì lần đầu tiên Chủ tịch Raul Castro thật sự nắm quyền một mình. Theo tiết lộ của Chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarcón vào cuối năm 2011, kể từ khi được chỉ định làm chủ tịch Cuba năm 2006, ông Raul Castro vẫn tham khảo ý kiến của người anh trước khi ra những quyết định quan trọng.
Theo nhận định của ông Michael Shifter, Chủ tịch trung tâm Inter-American Dialogue, nói với hãng tin AFP, sau cái chết của Fidel Castro, tình hình kinh tế và chính trị của Cuba sẽ cởi mở hơn. Nó sẽ trút đi một gánh nặng cho ông Raul Castro. Kể từ nay ông không còn sợ nói trái ý người anh nữa.
Chuyên gia về Cuba thuộc đại học Texas Arturo Lopez Levy thì không tin vào ảnh hưởng của ông Raul Castro, người đã tuyên bố là sẽ rút lui vào năm 2018. Ông Levy dự đoán, sau cái chết của Fidel Castro, việc mở cửa cho kinh tế thị trường và bãi bỏ những trói buộc của những quy định cộng sản sẽ được thúc đẩy. Không còn sức hấp dẫn của Fidel Castro nữa, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Cuba sẽ chỉ còn dựa trên thành quả kinh tế.
Lại một điểm chung, và có thể là điểm chung quyết định của cả hai trường hợp Cuba và Việt Nam: “thành quả kinh tế” cũng là yếu tố duy nhất còn giúp kéo dài sự tồn tại của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ai sẽ cải cách thể chế ở Việt Nam?
Gần như chắc chắn trong thời gian tới, Raul Castro sẽ tiến hành một số cải cách nào đó về kinh tế ở Cuba. Ở vào tuổi 85 và còn 2 năm trước khi từ bỏ quyền lực vào năm 2018, hình ảnh không chỉ là “Hòn đảo tự do” mà còn khấm khá về dân sinh hẳn là ấn tượng cuối đời mà Raul muốn để lại.
Chỉ cần tân Tổng thống Trump, hoặc một ai đó có thể thay thế Trump trong năm 2017 như dự đoán của Giáo sư Mỹ Allan Lichtman – người đã dự đoán đúng gần như toàn bộ kết quả bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1984 đến cuộc bầu cử năm 2016 – không chủ trương chính sách đối đầu của Mỹ với Cuba, quá trình cải cách kinh tế theo hướng gần hơn với kinh tế thị trường ở Cuba sẽ bắt đầu.
Cuba lúc này có thể đang ở vào thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995. Nhưng nếu cải cách kinh tế, Cuba lại ở vào bối cảnh mở cửa kinh tế của Việt Nam bắt đầu từ năm 1990. Tuy nhiên, truyền thống và nhịp độ cải cách hay làm cách mạng ở những quốc gia Mỹ Latinh như Cuba thường diễn ra nhanh hơn tại những nước châu Á như Việt Nam và Trung Quốc.
Công cuộc cải cách ở Cuba lại có thể sẽ khiến giới lãnh đạo Việt Nam có thêm “quyết tâm chính trị” để không chỉ tiếp tục phải cải cách kinh tế theo hướng thị trường, mà còn phải cải cách cả thể chế, bao gồm cả những định chế pháp luật về nhân quyền, cho dù họ không còn buộc phải làm theo những điều kiện của TPP vì hiệp định này vẫn chưa đâu vào đâu.
Fidel Castro qua đời cũng là điểm chấm dứt một kỷ nguyên thống trị của ý thức hệ bảo thủ ở phía Tây bán cầu. Chắc hẳn một bộ phận trong giới lãnh đạo Việt Nam – những người như ông Nguyễn Phú Trọng – phải có cảm giác như vừa mất đi một chỗ dựa an toàn, và có thể là chỗ dựa cuối cùng, về hệ tư tưởng một chiều chỉ đóng không mở.
Lại có một dấu hiệu từa tựa như “điềm báo”: một tuần trước khi Fidel Castro qua đời, ông đã tiếp nhân vật số 2 của Việt Nam – Trần Đại Quang. Từ sau Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam cho tới nay, ông Quang vẫn giữ im lặng trong thế tiến thoái lưỡng nan về đối ngoại và cả nội trị của đảng này.
Trong khi đó, tình thế đang trở nên “bùng nổ”: nếu không tự cải cách kinh tế và thể chế chính trị trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang đến rất gần cùng phản kháng xã hội sôi trào, tuổi thọ còn lại của một Đảng Cộng sản Việt Nam “chính danh” sẽ chỉ tính từng năm một.
P.C.D.
VNTB gửi BVN
PHẢN ỨNG VỀ QUỐC  TANG CHO CHỦ TỊCH FIDEL CASTRO TẠI VIỆT NAM
KÍNH HÒA/ RFA/BVN 30-11-2016
clip_image001
Ảnh chụp bên ngoài Tòa Đại sứ Cuba tại Hà Nội hôm 28/11/2016.
Dư luận xã hội đang tranh luận về việc Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa có quyết định để tang Chủ tịch Fidel Castro của Cuba với hình thức Quốc tang.
Chúng tôi có đồng minh?
Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam không có điều khoản nào quy định tổ chức một Quốc tang cho bất cứ ai. Tuy nhiên theo một nghị định của Chính phủ ban hành vào năm 2012 thì một lễ Quốc tang cho cá nhân sẽ được áp dụng trong những trường hợp như sau: thứ nhất bốn vị trí cao nhất trong hệ thống chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội dù đang tại chức hay mãn nhiệm khi chết đều được cử hành Quốc tang. Trong trường hợp đặc biệt một cán bộ cao cấp nào đó có công lao to lớn với quốc gia hay quốc tế sẽ được xét và tổ chức Quốc tang. Tuy nhiên theo luật cán bộ ban hành năm 2008 thì người này phải là công dân Việt Nam.
Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây! - Nguyễn Huệ Chi
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho biết:
“Trong Hiến pháp Việt Nam không có quy định gì về lễ Quốc tang còn trong nghị định của Chính phủ cũng như quy định nội bộ thì có quy định Quốc tang. Còn về trong văn bản nhà nước thì có một nghị đỉnh của Chính phủ rất cụ thể trong trường hợp đó. Cũng có một nghị quyết của Bộ chính trị, một nghị quyết của Thường vụ Quốc hội quy định về các lễ tang của Việt Nam gồm có Quốc tang, lễ tang nhà nước, lễ tang cấp cao còn cái chuyện làm lễ Quốc tang cho một người nước ngoài thì nếu 4 cơ quan đó họ hè nhau họ làm thì coi như họ quyết định rồi”.
Đối với trường hợp Chủ tịch Fidel Castro Việt Nam quyết định để tang cho ông với nghi thức Quốc tang vào ngày 04 tháng 12 năm 2016. Trong thời gian này, các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang như quy định, không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Về việc này Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi nhận định:
“Cái Đảng Việt Nam này tổ chức Quốc tang coi như là một cách nói với thế giới cũng như với người dân trong nước rằng chúng tôi có đồng minh đây! Đồng minh ở nơi xa xôi ấy và đã từng là hai nước chống Mỹ thì đồng minh ấy đối với chúng tôi rất quan trọng, nghĩa là họ vẫn muốn sống lại những ngày quá khứ chứ họ không nhìn đến tương lai gì cả”.
clip_image002
Chủ tịch Fidel Castro (phải) tiếp Nguyên Tổng bí thư Đảng CSVN Nông Đức Mạnh tại Havana, Cu Ba hôm 6/3/2004. AFP
Chủ tịch Fidel Castro được công bố Quốc tang tại Việt Nam khiến rất nhiều người bức xúc. Câu hỏi đặt ra là ông Fidel không có công trạng cụ thể nào đối với đất nước nhưng lại hưởng vinh dự to lớn đối với nhân dân Việt Nam là một sai lầm mang tính trình diễn.
Trong thông cáo đặc biệt quyết định về việc này có loan đầy đủ tiểu sử của Chủ tịch Fidel Castro từ những hoạt động đầu tiên cho tới khi mất. Trong khoảng thời gian ấy ông sang thăm Việt Nam ba lần, ông vô cùng gần gũi với Đảng và nhà nước Việt Nam bằng những sự ủng hộ, lên tiếng cũng như luôn đứng về phía Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Ông là nguyên thủ đầu tiên tới thăm Việt Nam sau khi Quảng Trị được giải phóng đầu tiên vào năm 1973.
Bản thông cáo cũng ghi nhận trên phương diện quốc tế, Fidel Castro là nhà hoạt động Nhà nước và Lãnh đạo xuất sắc trong Phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế, có đóng góp to lớn và tích cực cho Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc.
Không thể nâng lên thành hàng Quốc tang?
Nhìn tổng quát nội dung bản thông cáo dân chúng không tìm ra được một việc làm cụ thể nào của Chủ tịch Fidel đối với cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam ngoài các cử chỉ đầy tính ngoại giao giống như các nước cộng sản với nhau.
Những quan hệ được gọi là đặc biệt dù sao cũng không thể nâng lên thành hàng Quốc tang, vốn dành riêng cho người có công với Tổ quốc.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi phân tích việc Hà Nội tổ chức Quốc tang cho Fidel như sau:
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rồi... - GS Nguyễn Huệ Chi
“Fidel Castro thực lòng khâm phục Việt Nam bởi vì ông ấy là biểu tượng cho một đội quân đã lật đổ một chế độ độc tài nhưng mà lại dựng lên một chế độ độc tài khác. Có lẽ trên phương diện nào đó còn kinh khủng hơn chế độ độc tài cũ vì độc tài cũ chỉ là một cá nhân còn độc tài này là cả một đảng. Đứng về phương diện ấy ông Fidel Castro không phải là người để đất nước này làm Quốc tang mà chính Đảng Cộng sản Việt Nam làm Quốc [đảng] tang cho một ông thủ lĩnh Đảng Cộng sản Cuba, như thế đúng hơn. Fidel Castro chỉ vì ý thức hệ mà quy phục Việt Nam, còn ông Việt Nam thì thấy có một ông từ xa xôi quy phục mình thì đồng bệnh tương liên cho nên quy phục lại!
Bây giờ làm Quốc tang cũng là cách bày tỏ sự tương liên đối với người bạn xưa, tức là tưởng niệm quá khứ. Tức là họ nhìn về quá khứ, còn nếu nhìn về tương lai thì mọi chuyện đều vô nghĩa rồi, bởi vì chúng ta đang phải đi theo quy luật [chung của thế giới] là con dường dân chủ tự do”.
Người dân tự hỏi, nếu những quan hệ mang tính rất đặc biệt cho một người bạn cùng ý thức hệ được áp dụng vào Trung Quốc thì biết bao nhiêu cán bộ cao cấp của họ sẽ đương nhiên được hưởng vinh dự này vì trong chiến tranh Trung Quốc đã bỏ rất nhiều của cải lẫn xương máu để Việt Nam chống Mỹ.
Người dân Việt Nam theo dõi cái chết của Fidel Castro với những góc nhìn khác nhau. Nếu hàng trăm người xếp hàng trước Tòa đại sứ Cuba tại Hà Nội để khóc lóc, tỏ bày sự thương tiếc thì cũng có hàng ngàn người khác bày tỏ sự hả hê của mình trên hệ thống mạng xã hội. Sự mâu thuẫn ấy đã làm cho Quốc tang của Fidel tại Việt Nam nếu có sẽ đào thêm hố sâu chia rẽ vì ngăn cách.
Từ khi Việt Nam thống nhất, Hà Nội đã nhiều lần giúp cho Cuba thoát khỏi khó khăn về lương thực bằng hàng ngàn tấn gạo viện trợ, đây cũng đủ trả mối thân tình mà Fidel dành cho Việt Nam.
Nếu vì mục đích trả lễ cho cá nhân ông Fidel Castro thì Quốc hội Việt Nam đã có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, trong tư cách Chủ tịch đã dẫn phái đoàn sang Cuba vào ngày 28 tháng 11 để dự lễ tang đã trả đủ lễ đối với một nước cộng sản anh em nằm bên kia bán cầu có cùng ý thức hệ cũng như giữ vững lập trường tiến lên Chủ nghĩa xã hội như Việt Nam đang theo đuổi.
Cùng lúc với cái chết của Fidel, báo chí Việt Nam loan tải Tư lệnh hải quân Trung Quốc là tướng Ngô Thắng Lợi hôm 25 tháng 11 đã tới tham dự lễ tưởng niệm 18 tử sỹ Trung Quốc trong trận đánh vào tháng 1 năm 1974 với hải quân Việt Nam Cộng hòa để chiếm Hoàng Sa. Nếu ngay lúc này Việt Nam làm Quốc tang cho 74 người lính đã đổ máu cho Tổ quốc ấy thì ý nghĩa biết bao nhiêu thay vì đem Fidel Castro vào vòng tranh cãi.
M.L.
Đọc thêm:
THIÊN HẠ AI NGƯỜI KHÓC BÁC PHI ?
PHẠM ĐOAN TRANG/ BVN 30-11-2016
Việc Đảng Cộng sản ép toàn dân phải quốc tang Fidel Castro làm cho bao nhiêu người vốn không định nói gì về sự kiện này, bây giờ khó chịu quá lại phải nói, ví dụ như mình.
Mình có học chút ít tiếng Tây Ban Nha, chơi tây ban cầm, và cũng từng quan tâm đến Cuba cũng như mối quan hệ quốc tế vô sản Việt - Cu. Ai học tiếng Tây Ban Nha thì đều biết Fidel Castro là nhà hùng biện nổi tiếng, và cách ông ấy phát âm chữ “r” thì tuyệt vời, maravilloso.
Ai quan tâm đến quan hệ Việt Nam - Cuba thì đều biết trong thời gian chiến tranh (kể cả chiến tranh lạnh), đảng và nhà nước Cuba đã là người bạn tốt của đảng và nhà nước Việt Nam. Fidel Castro từng nói nhiều câu nổi tiếng, đại loại như “vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu mình”, “cần tạo ra hai, ba và nhiều Việt Nam hơn nữa” (Ở đây, Việt Nam được hiểu là Bắc Việt). Cuba xây đường sá, bệnh viện, trường học cho Việt Nam, cử chuyên gia y tế sang Việt Nam chữa bệnh cho dân. Thời bao cấp, lúc dân Việt Nam đói vàng mắt thì Cuba tặng đường mía. Đấy là chưa kể đến đội ngũ hàng trăm sinh viên Việt Nam được đảng và nhà nước cho du học Cuba, sau này trở về đều thành cán bộ, nói theo cách của tuyên giáo là đều nắm giữ những cương vị quan trọng để tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Thiết tưởng Cuba thương Việt Nam đến không lời nào tả xiết, chẳng có nước nào trên thế giới này thương Việt Nam làm vậy, chứ đến như hai ông anh vĩ đại Liên Xô và Trung Quốc rồi cũng bỏ rơi Việt Nam hết (Riêng anh hai Trung Quốc thì sau khi đánh Việt Nam, dạy cho thằng em một bài học, đã trở thành cố vấn, sư phụ, bạn vàng bốn tốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính sách ngoại giao của đảng ta quả thật là khủng khiếp).
Nói chung, để kể về mối quan hệ thắm tình hữu nghị Việt - Cu hay nói đúng hơn là quan hệ giữa hai đảng và nhà nước anh em thì mình kể hay hơn các dư luận viên nhiều. Vậy nên, không cần nhắc mình những câu "sống phải có ơn nghĩa", "nghĩa tử nghĩa tận"...
Nhưng chẳng có gì biện minh được cho việc làm lố bịch của Đảng Cộng sản ngày hôm nay.
- Thời chiến tranh, một nửa đất nước không phải là bạn của Cuba và không nhận được gì từ Cuba.
- Saddam Hussen cũng từng nói những lời có cánh về Việt Nam đó, sao lúc y chết, đảng không tổ chức viếng?
- Trong thời đại ngày nay, bày trò khóc thương một nhà độc tài (bất chấp luật pháp và lòng dân) là cách làm tốt nhất để thể hiện cho dân chúng và cộng đồng quốc tế thấy mình lạc hậu và lạc lõng như thế nào.
- Ngay cả thời chiến tranh và thời kỳ bao cấp hậu chiến, việc Việt Nam thân với Cuba cũng chỉ cho người ta cảm giác đó là một đám nước nghèo và kém văn minh tự co cụm lại, lủi thủi chơi với nhau. Có cái gì đó vừa đáng thương, vừa đáng buồn, vừa đáng giận.
Một lần nữa phải nhắc lại: Chính sách ngoại giao của Đảng Cộng sản Việt Nam quả thật là khủng khiếp.
Còn ai nói Fidel Castro không phải nhà độc tài, thì hãy nhìn xem ông ấy ngồi ghế bao nhiêu năm? Vâng, “Người” đã là Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba từ 1959 đến 2008. Suốt nửa thế kỷ không có một cuộc bầu cử nào, “đảo tươi một dải” của các bạn đấy!
Cũng xin nói thêm, chuyện nền y tế của Cuba ưu việt, thật ra giống một huyền thoại hơn, các bạn ạ. Đừng quên là khi xảy ra động đất ở Armenia năm 1988, khi tham gia cứu trợ, các bác sĩ Việt Nam đã làm cho bạn bè quốc tế phải ngạc nhiên về trình độ (thao tác thủ công) của mình.
P.Đ.T.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét