Thứ Tư, 2 tháng 11, 2016

20161102. NỢ CÔNG VÀ BỘI CHI NGÂN SÁCH

ĐIỂM BÁO MẠNG
NỢ CÔNG VIỆT NAM VẪN 'LOAY HOAY ĐỔ LỖI'
BBC/ BVN 2-11-2016
clip_image001
2001, nợ công mới chỉ chiếm 36,5% GDP; năm 2005, tỷ lệ này đã lên 40,8% GDP; năm 2010 là 50% GDP và năm 2015 đã là 62,2% GDP. Image copyright REUTERS
Nợ công là một trong những chủ đề được bàn tới tại kế hoạch tài chính 5 năm do Bộ trưởng Tài chính Việt Nam trình bày tại Quốc hội hôm 1/11.
Ông Đinh Tiến Dũng được truyền thông trong nước dẫn lời nói rằng vấn đề "trước hết do tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch".
Ông Dũng nói về điều ông gọi là giá trị tuyệt đối của GDP cũng không đạt như dự toán và là yếu tố quan trọng làm cho tỷ lệ nợ công/GDP tăng.
Theo ông Dũng hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế (đầu tư công, ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, nông nghiệp) không đạt yêu cầu.
Trả lời phỏng vấn với BBC tiếng Việt hôm 01/11, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân nói ông nghĩ rằng người ta vẫn chưa nhìn thẳng vào bản chất của vấn đề nợ công ở Việt Nam.
"Người ta vẫn loay hoay đổ lỗi cho tăng trưởng kinh tế thấp dẫn đến nợ công tăng cao.
"Theo tôi hoàn toàn không phải là như thế. Cốt lõi vấn đề nợ công Việt Nam hiện nay là việc tăng chi quá nhanh, mà ở đây là tăng chi thường xuyên. Chi cho bộ máy hành chính, chi cho đoàn thể quá lớn.
"Cấp trung ương hô hào cắt giảm chi thường xuyên, thu gọn bộ máy nhưng thực tế là bộ máy lại càng ngày càng phình to ra. Số thứ trưởng, vụ trưởng vụ phó ngày càng nhiều lên và có xu hướng ngày càng thành lập thêm các cơ quan mới, với việc bổ nhiệm nhân sự mới.
"Kỷ luật ngân sách ngày càng bị phá vỡ và các cơ chế về ngân sách hiện nay làm cho các địa phương ngày càng muốn chi nhiều để giành được miếng bánh ngân sách càng lớn thay vì ‎tự cắt giảm.
"Những chi phí tốn kém có thể nói tới là xây dựng tượng đài, công viên, bảo tàng lãng phí hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng mà các địa phương đua nhau xin ngân sách trung ương," PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
clip_image002
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước. Image copyright REUTERS
Theo ông, thực sự là việc phân bổ ngân sách cho các ngành các bộ thì đó lại không phải là vai trò của Bộ Tài chính.
"Bộ Tài chính chỉ là nơi tham mưu như các bộ ngành khác và có chức năng tổng hợp thông tin là nhiều. Và qui trình phân bổ ngân sách như ngày này hay địa phương kia được bao nhiêu là rất phức tạp và trải qua rất nhiều khâu. Chỉ tiêu phân bổ ngân sách không minh bạch.
"Từ dự toán cấp địa phương, trình chính phủ rồi Bộ Tài chính thẩm định, rồi thảo luận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rồi đưa trình Quốc hội, trình Ủy ban Ngân sách và con số mỗi nơi được bao nhiêu là nó chưa được minh bạch và chưa dựa trên cở sở vững chắc nào và vẫn nặng do cơ chế "xin cho".
"Ông tỉnh thuyết phục được tôi thì tôi cấp cho ông và cơ chế xin cho dễ nảy sinh tham nhũng," PGS.TS Phạm Thế Anh nói thêm.
Ông cho rằng bất kể trần nợ công là bao nhiêu chăng nữa thì với mức độ tăng về thâm hụt ngân sách cũng như nợ công tăng trong những năm vừa qua thì sớm muộn các mức cảnh báo đó hay trần đó sẽ bị phá vỡ. Chẳng hạn dư nợ chính phủ là 53.1% GDP, vượt mức trần đưa ra là 50% GDP. Tức là đã phá ngưỡng đưa ra.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng chia sẻ về quan ngại nợ công tại Việt Nam là do mức chi thường xuyên ngày càng bành trướng.
"Việt Nam vẫn ở trong trạng thái này nhiều năm nay rồi, nó là kinh niên rồi.
"Giải pháp là phải kiểm soát được ngân sách, phải đưa thâm hụt ngân sách về con số nhỏ và tiến tới việc cân bằng được ngân sách, hoặc nếu thâm hụt thì cũng chỉ thâm hụt dưới 3% GDP thôi.
clip_image003
Người ta kỳ vọng Hiệp định TPP đem lại nhiều cơ hội cho Việt Nam. Image copyright GETTY IMAGES
"Thế nhưng để kiểm soát được ngân sách thì đó là cả một câu chuyện mà ai cũng biết. Đó là câu chuyện mang tính chất chính trị và mô hình về tài chính công và tăng trưởng hiện nay.
"Mô hình phát triển kinh tế, mô hình ra quyết định, mô hình nhà nước… đều là không hiệu quả trong việc kiểm soát tất cả mọi thứ chứ không chỉ có vấn đề về kiểm soát ngân sách. Thì đó là cái thất bại của chúng ta trong việc có được sự kiểm soát về những cái này và nhiều việc khác trong xã hội.
"Hệ quả của việc chúng ta có mô hình kém tất yếu dẫn tới không kiểm soát được nợ công", Tiến sỹ Thành, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về kinh tế học, chủ biên của chuỗi Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam, nói với BBC.
BỘI CHI NGÂN SÁCH CỦA VIỆT NAM 'NHANH VÀ MẠNH NHƯ HỎA TIỄN'
NV/ BVB 2/11/2016
Từ đầu năm đến giữa tháng 10, bội chi của Việt Nam là 188,400 tỉ đồng.
                                                                                       (Hình: Vneconomy)
Nói cách khác, chỉ trong vòng sáu tuần (từ cuối tháng tám đến giữa tháng 10), chênh lệch thu-chi ngân sách của Việt Nam đã tăng thêm 73,400 tỉ đồng.Hồi tháng 8, so sánh thu-chi ngân sách của chính quyền Việt Nam, bội chi là 115,000 tỉ. Ðến giữa tháng 10, các số liệu thu-chi ngân sách cho thấy, bội chi đã tăng thành 188,400 tỉ!
Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam thu được 736,400 tỉ đồng nhưng đã chi 924,800 tỉ đồng (khoảng 41.4 tỉ Mỹ kim).
Sở dĩ nguồn thu giảm, thua xa mức dự thu vì giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực nên nguồn thu từ thuế xuất cảng và nhập cảng giảm. Mức dự thu giảm còn vì hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty quốc doanh thiếu hiệu quả, thua xa mức dự trù (đến giữa tháng 10 mà mức đóng góp cho ngân sách mới chỉ được 58% mức dự trù).
Còn lý do chi tiêu tăng, khiến chênh lệch thu-chi tăng (bội chi) là vì số tiền phải trả cả vốn lẫn lãi cho các khoản vay càng lúc càng lớn. Từ đầu năm đến giữa tháng 10, chính quyền Việt Nam đã phải chi khoảng 180,000 tỉ vào việc trả nợ. Nếu tính chung cho cả năm 2016, số nợ vốn và lãi Việt Nam phải trả cho các khoản nợ khoảng 12 tỉ Mỹ kim.
Hồi tháng 9, Bộ Tài Chính Việt Nam từng thú nhận là họ không cân đối được thu chi bởi các nguồn thu quan trọng cùng giảm còn các khoản chi đều tăng hơn 5%. Trong đó, chi tiêu cho việc duy trì hoạt động của hệ thống công quyền tăng thêm khoảng 6% (511,000 tỉ) so với cùng kỳ năm 2014. Riêng chi trả nợ thì tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong vòng mười năm gần đây, Việt Nam liên tục mất cân đối về ngân sách. Bội chi diễn ra thường xuyên.
Trước đó, hồi cuối tháng 7, Ngân Hàng Thế Giới (WB) cho biết, nợ của Việt Nam đã lên tới 110 tỉ Mỹ kim. Mức lãi phải trả cho các khoản nợ nay đã chiếm 7.2% tổng chi ngân sách, lấn át nhiều khoản thiết yếu khác. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế Việt Namdo WB thực hiện và công bố thì tình trạng mất cân đối tài chính kéo dài trong nhiều năm là rất đáng ngại, đặc biệt khi nợ nần của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ nợ nần tăng nhanh là vì chính quyền Việt Nam phải liên tục đi vay để bù đắp sự thiếu hụt do kinh tế suy thoái và đầu tư tràn lan, không hiệu quả. Bởi Việt Nam sẽ không thể vay các khoản có tính ưu đãi như trước nên việc vay mượn mang tính thương mại sẽ khiến chi phí đối với các khoản vay để đầu tư lớn hơn và áp lực về việc kiếm cho ra tiền để trả lãi sẽ rất nặng nề.
Trong bối cảnh như thế, chi tiêu cho hệ thống công quyền vẫn tăng chứ không giảm. Tháng 10 năm ngoái, ông Nguyễn Sinh Hùng, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam, không giấu được sự lo âu khi “cơ cấu ngân sách quá xấu,” lương cho các loại công chức ngốn hơn 55% tổng chi tiêu. Chính quyền Việt Nam sử dụng đến 72% ngân sách cho những chi tiêu có tính chất thường xuyên (chi tiêu để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền).
Ngân sách Việt Nam chỉ còn 28% vừa cho đầu tư-phát triển, vừa trả nợ vừa thực hiện những mục tiêu khác. Trong khi về nguyên tắc, không chi cho đầu tư-phát triển sẽ không thể giữ sự ổn định của các nguồn thu và tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Viên chủ tịch Quốc Hội Việt Nam nhận định, cơ cấu ngân sách như thế là rất xấu.
Nhằm bù đắp thâm thủng ngân sách, hệ thống công quyền của Việt Nam liên tục đặt định các loại thuế, phí mới, đồng thời tăng thuế và phí, bất kể điều đó vắt kiệt sức dân và đẩy doanh giới vào tuyệt lộ bởi không còn khả năng cạnh tranh. Căn cứ vào quyết toán ngân sách hàng năm của Bộ Tài Chính Việt Nam, người ta cho biết, mỗi năm, trong giai đoạn từ 2006 đến 2010, nguồn thu từ thuế và phí ở Việt Nam chiếm đến 26.2% GDP, vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á.
Quỹ Tiền Tệ quốc tế cũng đã thử so sánh và xác nhận, tỷ lệ thuế, phí trên GDP của Việt Nam cao gấp 1.2-1.8 lần so với các quốc gia trong khu vực. 
(Người Việt )
'VẼ DỰ ÁN ' 230.000 TỈ ĐỒNG ĐỂ LÀM ĐƯỜNG CAO TỐC BĂC-NAM ?
PHẠM CHÍ DŨNG/ NV/ BVN 2-11-2016
“Hoang tưởng giai đoạn cuối”
“Hoang tưởng giai đoạn cuối” vẫn thường là di căn dứt điểm của một thể chế chỉ biết ăn không biết làm. Ngay cả vào lúc nền kinh tế đã “chắc suất” bên bờ vực thẳm của nợ công và nợ xấu, còn nền ngân sách quốc gia lao xuống đáy của hoài mộng tìm đâu ra từng chục ngàn tỷ đồng để chi lương công chức, giới lãnh đạo quen mùi dự án hàng trăm ngàn tỷ vẫn nhuốm đầy ảo giác về “ăn ODA”.
Một trong những bằng chứng mới nhất về căn bệnh “uống thuốc liều” như thế là Bộ Giao thông Vận tải mới đây đã nhiệt tình đề xuất dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam với ước toán lên tới 230.000 tỷ đồng, trong đó đòi ngân sách chi đến 93.000 tỷ đồng.
Năm 2016, ngân sách nhà nước lại chẳng còn kết dư mà mọi hy vọng, nếu có, vẫn chỉ nhắm vào ODA.
Dĩ nhiên, “một bộ phận không nhỏ” trong dự án trên được kỳ vọng trích xuất từ nguồn vay ODA của ngân sách nhà nước.
Hiển nhiên cho tới nay, nhóm lợi ích ODA ở Việt Nam vẫn quyết liệt thực hiện chiến dịch không nương tay với những món vay mượn khổng lồ từ nước ngoài.
Trên một “mặt trận” khác, từ giữa năm 2015, cuộc chiến tái khởi động dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được bắt đầu, cũng xuất phát từ tâm điểm Bộ Giao thông Vận tải.
Đến tháng Tám, 2015, như một hiệu lệnh, một số tờ báo nhà nước đồng loạt phất cờ hình ảnh “tư lệnh ngành” Giao thông Vận tải Đinh La Thăng: “Chúng ta nợ nhân dân đường sắt cao tốc Bắc-Nam”.
“Món nợ” quá thấm thía trên chắc hẳn được phát huy chiến quả từ thành công của chiến dịch vận động hành lang để dự án sân bay Long Thành phải được các cấp và các cơ quan liên quan “gật”.
Chỉ có điều, thời thế ODA đã thay đổi khác hẳn, người tính không bằng trời tính. Dự án xây dựng sân bay Long Thành dù đã được bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thời trước đại hội 12 là ông Đinh La Thăng quảng bá quyết liệt và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã “chỉ đạo” gần 500 đại biểu quốc hội phải cúi đầu bấm nút, nhưng sau khi hoàn tất thủ tục đó thì vấn đề cực kỳ nan giải là “tiền đâu”?
Tiền đâu?
“Chỉ có” $15 tỷ, tương đương khoảng 330.000 tỷ đồng, nhưng cho tới giờ dự án sân bay Long Thành vẫn gần như giậm chân tại chỗ vì ngay cả tiền để làm dự án tiền khả thi cũng chưa đủ. Trong khi đó, trừ phía Nhật, hầu như các nguồn ODA vay mượn nước ngoài của Việt Nam đều bế tắc. Từ đầu năm 2016 đến nay, liên tiếp có các cuộc gặp của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) với giới lãnh đạo Việt Nam, nhưng kết quả vẫn cực kỳ khiêm tốn.
Chỉ đến tháng Mười, cuộc họp báo của ông Eric Sidgwick, giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, công bố chiến lược và chương trình hỗ trợ của ADB dành cho Việt Nam giai đoạn 2016-2020 mới cho biết “ADB tiếp tục cho Việt Nam vay $1 tỷ/năm”. Như vậy, con số cho vay của ADB đối với Việt Nam là giảm so với những năm trước. Tình hình này là tương tự với các chủ nợ khác là WB và IMF. Trong khi kinh tế đã suy thoái đến năm thứ tám liên tiếp và tình hình vi phạm nhân quyền ngày càng tồi tệ, cánh cửa cho vay đối với Việt Nam cũng đang khép dần.
Tất nhiên, giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể tưởng tượng ra một kênh hút tiền khác là phát hành trái phiếu quốc tế. Thế nhưng, sự thật trần như nhộng là kênh phát hành trái phiếu quốc tế cho tới nay đã hoàn toàn bế tắc. Nếu vào cuối năm 2015 chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt tuyên truyền cho kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giá trị $3 tỷ, thì đến giữa năm 2016 chính giới quan chức Bộ Tài chính đã phải gián tiếp xác nhận rằng kế hoạch này đã phá sản. Từ năm 2009 đến nay, ngoài hai lần phát hành trái phiếu quốc tế được coi là “thành công” nhưng về thực chất đều do các tổ chức tài chính trong nước bị “ép” phải mua, không một chỉ dấu xán lạn nào cho thấy các tổ chức tài chính, ngân hàng và doanh nghiệp nước ngoài nào quan tâm đến “giấy lộn” của chính phủ Việt Nam. Bằng chứng sống động nhất là 500 hồ sơ mà Ngân hàng Nhà nước gửi chào đối tác nước ngoài về mua nợ xấu của Việt Nam vẫn chưa nhận được một hồi âm nào cho tới nay.
Thế còn kênh phát hành trái phiếu trong nước?
Hàng chục năm qua và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, lượng phát hành trái phiếu chính phủ giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,5 lần giai đoạn 2006-2010, chủ yếu phát hành cho khối ngân hàng thương mại. Sau một thời gian đủ dài, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lên cân bằng ngân sách nhà nước. Trong một vòng luẩn quẩn, chính phủ lại phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách nhà nước. Hậu quả là, từ năm 2014, một lượng lớn trái phiếu chính phủ đến hạn thanh toán và chính phủ đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ mới do ngân sách nhà nước không thể đáp ứng. Cũng hệ quả là quy mô nợ công tăng theo tần suất và quy mô phát hành trái phiếu chính phủ.
Mối lo ghê gớm của chính phủ là hiện thời và trong tương lai gần sẽ lấy đâu ra tiền để thanh toán cho đống trái phiếu đến hạn của các ngân hàng thương mại? Lại phải in tiền và in tiền ồ ạt chăng?
Trong khi đó, chính phủ Việt Nam còn có trách nhiệm phải trả nợ quốc tế đến ít nhất $12 tỷ trong tài khóa năm 2016 này.
Dứt mộng
Không thể khác được về cái cách hồi âm của Bộ Tài chính cho Bộ Giao thông Vận tải: Mới đây, Bộ Tài chính đã phải có văn bản trả lời về dự án đường cao tốc Bắc-Nam, trong đó đánh giá dự án này là “chưa có cơ sở”, “không hợp lý”, và chưa biết lấy đâu ra tiền cho dự án lên tới 230.000 tỷ đồng khi nợ công đã sát trần.
Thực tế phũ phàng này rất có thể khiến giới lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải bẽ mặt. Bẽ mặt cho cả “đề nghị các cơ chế đặc biệt trong đó bao gồm cả việc chỉ định thầu” cho dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam mà Bộ Giao thông Vận tải đã lồng vào tờ trình gửi Chính phủ như thể “hốt cú chót”.
Cần nhận chân rằng đã qua thời hoang tưởng. Thời hoàng kim “mổ nội tạng” ngân sách cũng đã qua. Không phải là chục ngàn tỷ đồng, mà bây giờ thì tìm ra một ngàn tỷ cũng đã khó.
Nếu dự án sân bay Long Thành có vốn đầu tư $15 tỷ, dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam còn cao gấp ba bốn lần Long Thành. Vào năm 2006, đường sắt cao tốc Bắc-Nam đã khiến phản dội dư luận, không chỉ vì “tính cấp thiết” được thuyết minh quá sơ sài của nó, mà bởi vì con số tiêu tốn đến $33 tỷ và $55,8 tỷ năm 2010, tức chiếm đến 1/3 GDP của Việt Nam vào thời điểm đó, đã đạp thẳng lên đầu lương tâm.
Trong bối cảnh đen tối cả tiền đồng lẫn lương tâm ấy, “món nợ với nhân dân” mà “tư lệnh ngành” Đinh La Thăng hứa hẹn sẽ có quá nhiều triển vọng chất chồng thêm núi nợ ODA lên đầu 90 triệu dân chúng còm cõi ở đất nước “thơ tôi khóc lệ rơi hình chữ S”, bất chấp tỷ lệ nợ công quốc gia sẽ thẳng cánh vượt trên ngưỡng nguy hiểm 65% GDP (theo báo cáo chính thức) hoặc có thể vọt lên 150% (theo giới phản biện độc lập) và không biết bao nhiêu đời con dân nước Việt phải oằn lưng trả nợ.
Còn ông Đinh La Thăng đã trở thành ủy viên bộ chính trị và chuyển hẳn sang hoạt động chính trị.
Cứ như một thứ tạo phản ngược với tạo hóa, ngân sách càng khốn quẫn, phong trào chấm mút càng lao nhanh lên điểm cực đại như thể không còn có ngày mai.
Chỉ có một nền ngân sách sụp đổ thì các dự án sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, và đường bộ cao tốc Bắc-Nam mới tạm dứt mộng “nuốt ODA” của chúng.
P.C.D.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét